VŨ ĐÌNH LONG, ÔNG CHỦ “TÂN DÂN THƯ QUÁN”,

MỘT DOANH GIA THÀNH ĐẠT

TRÊN THỊ TRƯỜNG SÁCH BÁO VĂN NGHỆ 1925-1945

Tham luận tại Hội thảo kỷ niệm 115 năm sinh và 50 năm mất

kịch tác gia – doanh gia Vũ Đình Long (1896-1960)

do Hội nhà văn Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai tổ chức, 21/8/2011

 

Nói đến Vũ Đình Long (1896-1960), người ta nhớ ông là nhà viết kịch, tác giả vở kịch nói bằng tiếng Việt đầu tiên (“Chén thuốc độc”, 1921) khai sinh thể loại kịch nói, một trong các thể loại văn học mới của người Việt ở thế kỷ XX, một loại hình mới bên cạnh các loại hình trình diễn sân khấu đã có trong đời sống văn hóa ở xã hội người Việt.

 

Cạnh đó, người ta cũng không thể quên Vũ Đình Long như một nghiệp chủ, một doanh gia trong lĩnh vực báo chí xuất bản, người đã dựng nên Tân Dân Thư Quán ở 93 Hàng Bông, Hà Nội, trong những năm 1924-54, từ một hiệu sách đã phát triển thành một cơ sở in ấn, một tòa soạn báo và trụ sở nhà xuất bản tư nhân khá lớn, góp một phần đáng kể tạo nên một đời sống văn nghệ náo nhiệt ở Hà Nội, ở miền Bắc, và có tiếng vang rộng khắp cả nước, trong những năm 1930-1945.

 

Như đã biết, năm 1925, Vũ Đình Long chuyển nơi ở từ thị xã Hà Đông ra 93 Hàng Bông, Hà Nội, lập Tân Dân thư quán, bắt tay vào việc kinh doanh.

 

Ban đầu, đây chỉ là một hiệu sách.

Trong đời sống đương thời, một hiệu sách có thể chỉ bán sách, tức là kinh doanh những loại sách mới hoặc cũ đang có trên thị trường. Nhưng mỗi hiệu sách cũng có thể đứng ra in sách và tổ chức việc bán những cuốn sách do mình in ra (phát hành). Xem lại những sách in ra ở Hà Nội những năm trước 1954 sẽ thấy: đứng tên pháp nhân của xuất bản phẩm (tức là đảm nhiệm vai trò “nhà xuất bản”) có khi là một “nhà xuất bản” có tên cụ thể, có khi là một hiệu sách (thường ghi bằng chữ Pháp là một “librairie” nào đấy), cũng có khi chỉ là một nhà in (ghi bằng chữ Pháp “imprimerie” hoặc bằng chữ Việt “nhà in” hoặc chỉ ghi tên riêng nhà in ấy, ví dụ “Lê Cường”, “Thụy Ký”,…).

 

Có thể đoán rằng việc ông chủ Tân Dân, từ công việc đơn thuần bán những sách do người khác ở nơi khác in, đã đi đến việc tự mình đứng ra in sách, là việc không gặp nhiều khó khăn trong đời sống thời ấy. Tất nhiên, bày việc ra thì dễ, nhưng làm nên chuyện mới là khó; điều chủ yếu đáng để hậu thế nói đến chính là kết quả, là thành quả thật sự. Vũ Đình Long đã làm được, đã tạo ra được một  doanh nghiệp văn hóa mà tại đó, hàng loạt nhà văn, nhà biên khảo, dịch thuật có thể công bố được những tác phẩm của mình; trong số những tác giả xuất hiện và được công chúng biết đến nhờ hệ thống ấn phẩm của Tân Dân Thư Quán đã có hàng loạt những người sau đấy dăm ba chục năm sẽ đi vào văn học sử như là những tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài… Về mặt này, “thương hiệu” Tân Dân của doanh gia Vũ Đình Long có quyền tự hào về đóng góp của mình trong sự thành đạt của những tên tuổi ấy, mặc dù về tư cách người cầm bút, Vũ Đình Long đã có vinh dự là tác giả vở kịch nói đầu tiên ở Việt Nam.

 

Tham luận này sẽ đề cập đến kết quả hoạt động của Tân Dân Thư Quán, cũng chính là kết quả hoạt động của Vũ Đình Long trong vai trò một doanh gia trên thị trường sách báo văn nghệ.

1/ TÂN DÂN, NHÀ XUẤT BẢN 

Hiện chưa có tài liệu nào nói về thời điểm nhà Tân Dân của Vũ Đình Long bắt đầu việc xuất bản sách. Căn cứ vào sách còn lưu tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, có thể tạm ghi nhận: hiện còn tư liệu để cho thấy Tân Dân thư quán có sách in từ năm 1925; cuốn sách cuối cùng Tân Dân in ra là vào năm 1954.

 

Ít nhất hiện ta còn biết 4 tên sách do Tân Dân thư quán in ra trong năm 1925, trong đó có cuốn là sách giáo khoa hoặc luyện thi: “Sơ học yếu lược toàn thư” (của Nguyễn Đức Phong), “200 bài tính đố, luyện học trò thi sơ học yếu lược” (của Vũ Đình Long và Phạm Tá); có cuốn là giải trí: “Sách cười” (của Sơn Phong và Hì Đình); cạnh đó, rất đáng kể là cuốn sách chính trị: “Pháp Việt đề huề chính kiến thư” của Phan Bội Châu (bản dịch của Nguyễn Khắc Hanh), cuốn này sẽ được Tân Dân tái bản một vài lần nữa, trong vài ba năm sau. 

 

Sau 4 năm (1950-53) hầu như không hoạt động, vào năm 1954, cuốn duy nhất Tân Dân in ra là vở kịch “Tổ quốc trên hết” (do chính Vũ Đình Long “Việt hóa” vở bi hùng kịch “Horace” của kịch tác gia cổ điển Pháp Corneille), -̶  có lẽ đây cũng là điểm kết thúc của Nhà xuất bản Tân Dân.

 

Tiếp cận trang thông tin của Thư viện Quốc gia (nlv.gov.vn), nếu dùng công cụ tìm kiếm toàn bộ, ta sẽ được biết là hiện nay tại Thư viện Quốc gia có 412 tên sách của Nxb. Tân Dân -̶  tất nhiên có những trường hợp tên sách trùng lặp nhau; còn nếu dò tìm theo từng năm, ta sẽ có con số thống kê như sau về sách của Nxb. Tân Dân hiện có tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội (cộng lại sẽ ít hơn con số thống kê toàn bộ kể trên):

 

Năm 1925: có 5 tên sách (thực ra có 2 tên sách trùng nhau)

Năm 1926: -̶  22 tên sách

Năm 1927: -̶  15

Năm 1928: -̶  30

Năm 1929: -̶  57

Năm 1930: -̶  20

Năm 1931: -̶  11

Năm 1932: -̶  11

Năm 1933: -̶  7

Năm 1934: -̶  7

Năm 1935: -̶  3

Năm 1936: -̶  8

Năm 1937: -̶  10

Năm 1938: -̶  6

Năm 1939: -̶  8

Năm 1940: -̶  12

Năm 1941: -̶  12

Năm 1942: -̶  37

Năm 1943: -̶  50

Năm 1944: -̶  41

Năm 1945: -̶  18

Năm 1946: -̶  1

Năm 1947: -̶  0

Năm 1948: -̶  0

Năm 1949: -̶  2

Năm 1950: -̶  0

Năm 1951: -̶  0

Năm 1952: -̶  0

Năm 1953: -̶  0

Năm 1954: -̶  1

 

Con số trên dưới 400 tên sách kể trên hẳn là thấp hơn so với số tên sách mà trên thực tế nhà Tân Dân đã in ra. 

 

Tuy nhiên, muốn hiểu chi tiết hơn về sách Tân Dân thì các thống kê của thư viện lại khó thỏa mãn chúng ta.

Các trang biên mục của thư viện, theo nhận xét của tôi, đều không lưu ý mô tả sự phân hóa bên trong các loại sách từng in ra tại nhà Tân Dân. Là vì, như ta sẽ thấy, từng cuốn sách mang nhãn Tân Dân, có thể lại thuộc những série, những “tủ sách” khác nhau, thậm chí thuộc về những “nguyệt san”, “bán nguyệt san”, “chuyên san” với các dấu hiệu cụ thể (số série, ngày xuất bản…) mà những mô tả biên mục thường bỏ qua. Bởi vậy, khi ta muốn biết một cuốn sách của Tân Dân là sách “thuần túy”, tức là không nằm trong série nào, hay sách thuộc các tủ sách, các série khác nhau, ta sẽ phải tiếp cận thêm từ những phía khác.

 

Theo tôi nhận xét, từ 1925 đến 1936, sách Tân Dân chưa đặt vào série hay “tủ sách” nào, vậy thời gian ấy, cuốn nào cũng chỉ là sách lẻ “thuần túy”; từ 1936 trở đi, khi đã ra loại sách theo série, Tân Dân vẫn in loại sách lẻ thông thường, nằm ngoài các série.

   

Các loại série của Tân Dân là “Phổ thông bán nguyệt san”, “Phổ thông chuyên san”, “Truyền bá”, “Phổ thông tuổi trẻ”, hoặc nằm trong các tủ sách như “Tủ sách Tao đàn”, tủ sách “Những tác phẩm hay”.

 

4 loại “Phổ thông bán nguyệt san”, “Phổ thông chuyên san”, “Truyền bá”, “Phổ thông tuổi trẻ”, tôi gọi là sách dưới dạng báo; 2 loại “Tủ sách Tao đàn” và “Những tác phẩm hay” vẫn chỉ là sách thông thường.

 

Loại sách “Những tác phẩm hay” xuất hiện từ năm 1938, mở đầu là “Lầm than”, tiểu thuyết Lan Khai; trong loại này mà có người tính được gần 30 cuốn, có những cuốn sẽ được thừa nhận thực sự là tác phẩm hay như “Trước đèn”, phiếm luận của Phùng Tất Đắc, “Vang bóng một thời”, tập truyện ngắn Nguyễn Tuân, “Chiếc cáng xanh”, tập truyện Lưu Trọng Lư, “O chuột”, tập truyện ngắn Tô Hoài,…

Loại sách đưa vào “Tủ sách Tao đàn” bắt đầu với “Đường thi” (1940), khảo cứu và dịch thuật của Ngô Tất Tố, kết thúc với bộ “Nhà văn hiện đại” (Q. I. Q. II, Q. III, Q. IV thượng, Q. IV hạ, 1942-45).

 

Trong rất nhiều loại sách lẻ mà Tân Dân đã xuất bản, xin nói đến một loại hơi hiếm là sách chính trị. Sau cuốn “Pháp Việt đề huề chính kiến thư” của Phan Bội Châu kể trên mà nhà Tân Dân còn tái bản vài lần, Tân Dân đã in tiếp những cuốn có nội dung chính trị như “Tuyên cáo quốc dân” (1926) cũng của Phan Bội Châu, hoặc “Tập diễn thuyết của ông Phan Chu Trinh: Diễn tại nhà hội "Việt Nam" trong Saigon đêm hôm 19 tháng 11 năm 1925” (1926). Chính hai cuốn “Pháp Việt đề huề” “Tuyên cáo quốc dân” sau đó đã bị cấm, theo nghị định ngày 25/8/1928 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Một thời gian dài, trong danh mục sách Tân Dân chỉ đôi khi mới gặp những cuốn loại trên, ví dụ “Gương cách mạng nước Thổ Nhĩ Kỳ” (1929, của Phan Bội Châu, bản dịch Ngọc Sơn, Đoàn Hiệt), còn lại, hầu như Tân Dân lánh xa loại sách dễ gây tai nạn này. Mãi đến năm 1946, Tân Dân mới trở lại loại sách này với cuốn “Vấn đề chính đảng” của Trần Văn Tân, và nhân đây nhà Tân Dân mở ra “Tủ sách tân dân chủ”, coi cuốn này là cuốn thứ nhất, giới thiệu hệ thống các đảng cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, đảng cộng sản Đông Dương. Nhưng các biến động tiếp theo, cuộc kháng chiến bùng nổ, đã làm ngừng lại hầu như toàn bộ công việc của Nxb. Tân Dân.

2/ CÁC ẤN PHẨM MANG TÍNH BÁO CHÍ CỦA TÂN DÂN THƯ QUÁN

 

Tân Dân thư quán của Vũ Đình Long, trong thời gian hoạt động của mình, đã xuất bản một loạt những ấn phẩm mang tính báo chí, tất nhiên đây không phải báo chí thời sự xã hội chính trị, cũng không nằm trong thể tài nhật báo, mà chỉ là tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san, và chỉ là báo chí văn học nghệ thuật.

 

Xin đề cập các loại ấn phẩm ấy. Theo tôi, nhìn khái quát, Tân Dân có 3 ấn phẩm báo chí thực sự, đó là “Tiểu thuyết thứ bảy” (1934-45), “Ích hữu” (1936-37), “Tao đàn” (1939-40). Ngoài ra, những dạng sách theo série (sách thuộc những “tủ sách”, như “Tủ sách Tao đàn”, tủ sách “Những tác phẩm hay”, hoặc sách xuất bản dưới dạng những ấn phẩm đều kỳ và đặt dưới những tiêu đề báo chí, như “Phổ thông bán nguyệt san”, “Phổ thông chuyên san”, “Truyền bá”, “Phổ thông Tuổi trẻ”) đều ít tính báo chí, nói đúng ra, không phải là những báo chí thực thụ.

2a/ TIỂU THUYẾT THỨ BẢY

“Tiểu thuyết thứ bảy” là tuần báo ra ngày thứ bảy hàng tuần, số 1 ra ngày 2/6/1934, mỗi số khoảng 36-40 trang 16x25 cm; đăng truyện dài (tiểu thuyết), truyện ngắn, kịch bản, đôi khi đăng cả thơ và tiểu luận phê bình. Hiện chưa có những nghiên cứu cụ thể và thống kê chi tiết về các tác phẩm, tác giả đăng trên tuần báo này. Người đang viết những dòng này mới đây đã tìm lại những tác phẩm của một tác giả đương thời là Lưu Trọng Lư trên tuần báo này, thấy rằng tác giả này có tới 5 truyện dài đăng nhiều kỳ ở “Tiểu thuyết thứ bảy” (các truyện dài Hương Giang sử, Tiếng địch trong rừng sim tức Khói lam chiều, Trớ trêu, Giặc Tàu Ô, Chiếc cáng xanh), cùng với một loạt truyện ngắn, kịch ngắn, thơ, tiểu luận. Nhiều nhà văn khác, như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, v.v… cũng có rất nhiều tác phẩm công bố trên tuần báo này. “Tiểu thuyết thứ bảy” cũng đóng vai trò tích cực tranh đấu cho “thơ mới” từ lúc phong trào mới khởi phát.

 

Hiện chưa ai tìm được chính xác số kỳ “Tiểu thuyết thứ bảy” đã in ra. Riêng về đoạn cuối của tuần san này, có nguồn tư liệu xác thực, theo đó, đến đầu tháng 5/1945 (không rõ đã đến số nào), “Tiểu thuyết thứ bảy” chuyển sang “lớp mới”, đánh lại từ số 1 vào thứ bảy 5/5/1945, mỗi số chỉ gồm 2 đến 4 trang khổ 24x32 cm; loạt “lớp mới” này có thể đã chấm dứt sau số 17 (25/8/1945), chính loạt báo này đã đăng tiểu thuyết “Người tù được tha” của Vũ Trọng Phụng, bên cạnh các bài vở mang tính thời sự, chống thực dân Pháp.

 

Một nguồn khác, soạn giả Nguyễn Thành (“Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam”, Hà Nội: Nxb. VHTT, 2002, tr. 623) cho biết: “Tiểu thuyết thứ bảy” ra “bộ mới” từ ngày 1/3/1949, gồm 40 số, chấm dứt vào 31/12/1949.

Cũng có nguồn thông tin cho biết, có thời kỳ “Tiểu thuyết thứ bảy” còn ra “Phụ trương Tiểu thuyết thứ bảy”, đăng (nhiều kỳ?) “Hoàng giang nữ hiệp” (theo: ntd’s blogspot.com); việc này cần được tìm hiểu rõ thêm.

2b/ ÍCH HỮU (110 số, từ 25/2/1936 đến 30/3/1938)

“Ích hữu” ra ngày thứ ba hàng tuần, mỗi số khoảng 26 trang 18x26cm, là loại báo phục vụ nhu cầu giải trí của cư dân đô thị vốn khá đa dạng về nhu cầu đọc và hiểu biết, do sự đa dạng về thành phần và lứa tuổi. Mỗi số “Ích hữu” có khá nhiều loại bài mục; có những bài mục “nhàn đàm”, “hài đàm” luận bàn về nhân tình thế thái; có mục dạy chữ Nho với những trích đoạn từ sách cổ; lại có mục trò chuyện với chị em bạn gái về những chuyện của riêng giới họ, tất nhiên cạnh đó phải có mục làm đẹp; báo có các mục về bệnh tật và thuốc thang; lại có khá nhiều truyện đăng đều kỳ, gồm kiếm hiệp, trinh thám, hoạt kê, truyện tranh, và không thể thiếu chuyên trang xi-nê, nói về những phim đang chiếu tại các rạp ở Hà Nội hoặc tin tức phim mới, cạnh đó số nào cũng có ảnh chân dung tài tử điện ảnh, thường là tài tử Holywood, ảnh đen trắng vẫn được in với trình độ mỹ thuật cao,… “Ích hữu” cũng có dành một số trang để đăng thơ, tiểu luận,… Từ 8/12/1937 (“Ích hữu” số 94), vai trò chủ nhiệm “Ích hữu” từ Vũ Đình Long được chuyển cho Lê Văn Trương, “Ích hữu” tăng dung lượng cho trang phê bình văn nghệ, tại đây Trương Tửu lên tiếng mạnh mẽ phê phán xu hướng nghệ thuật của Tự Lực văn đoàn; nhưng “Ích hữu” cũng chỉ ra được đến số 110 (30/3/1938) rồi ngừng hẳn.

2c/ TAO ĐÀN (16 số, từ tháng 3/1939 đến tháng 2/1940)

“Tao đàn”  được đánh giá là tạp chí hay nhất trong số các tạp chí văn học trước 1945. (Cách đây mươi năm đã có bộ sưu tập “Tao đàn” của Nguyễn Ngọc Thiện và Lữ Huy Nguyên do Nxb. Văn học ấn hành, bạn đọc có thể tìm đọc tương đối dễ dàng nên ở đây miễn nói kỹ về nội dung tạp chí này). Một nguồn dư luận từ đương thời truyền lại như một giai thoại, theo đó thì ông chủ Tân Dân bị một số bậc tên tuổi trong giới nhắc nhở đã quá thiên về việc in sách kiếm tiền; ông bèn tự điều chỉnh bằng việc xuất bản một ấn phẩm chỉ hướng đến cái hay cái đẹp của văn nghệ thôi, đấy là tờ “Tao đàn”; nhà văn Lan Khai được giao làm chủ bút; một số khá đông các nhà văn đã tạm gạt các mối bất hòa riêng sang một bên, góp những bài vở hay nhất của mình cho “Tao đàn”; 8 số đầu “Tao đàn” ra theo thể tài bán nguyệt san (15 ngày/1 số), tiếp đó “Tao đàn” chuyển sang thể tài nguyệt san, có 2 số đặc biệt: số về Tản Đà (1/7/1939) và số về Vũ Trọng Phụng (tháng 12/1939); ngừng xuất bản từ sau số 3 loại mới (tháng 2/1940). Cũng theo lời truyền lại của một số bậc cao niên trong giới, “Tao đàn” đóng cửa không phải vì bị cấm, cũng không phải do thiếu nguồn bài vở; điều chủ yếu là dù nội dung rất hay nhưng số độc giả yêu thích mua đọc tạp chí này lại hơi ít, nói nôm na là tiền thu được từ bán báo không đủ để duy trì hoạt động nên “Tao đàn” đóng cửa; đây là vấn đề có thật ở công chúng Việt Nam thời ấy và có lẽ cả thời nay.

3/ SÁCH DƯỚI DẠNG BÁO

 

Như đã nói trên, bên cạnh loại sách được xuất bản theo chuẩn mực thông thường, Tân Dân thư quán còn xuất bản hàng trăm cuốn sách dưới dạng nguyệt san, bán nguyệt san như “Phổ thông bán nguyệt san”, “Phổ thông chuyên san”, “Truyền bá”, “Phổ thông Tuổi trẻ”  ̶  đây có lẽ là khu vực tạo nên thành công vào loại lớn nhất của Tân Dân trong công chúng, nhưng chính loại ấn phẩm gói trong các nhãn này cũng đã gây không ít tranh cãi trong dư luận đương thời. Tân Dân bị các báo của Tự Lực văn đoàn tố cáo là vi phạm luật lệ, ngược lại, các báo của Tân Dân kết án hành động ấy của các cơ quan thuộc văn đoàn Tự Lực như “Phong Hóa”, “Ngày Nay” là chỉ điểm, là tố giác đồng nghiệp! [1]

 

Sự việc có nguồn từ “chính sách hai giá” của chính quyền thực dân đương thời đối với giấy in: giấy để in báo được bán với giá thấp hơn so với giấy để in sách. Ông chủ Tân Dân bèn lần lượt xin giấy phép ra các loại báo: “Phổ thông bán nguyệt san” (từ tháng 12/1936), “Truyền bá” (từ tháng 8/1941), “Phổ thông chuyên san” (từ tháng 1/1943), “Phổ thông tuổi trẻ” (1943-44) như những loại ấn phẩm báo chí (ra theo định kỳ nửa tháng/ 1 số hoặc mỗi tháng 1 số); điều khác biệt khi thực hiện các ấn phẩm này là ông sử dụng hầu như toàn bộ số trang của mỗi kỳ (thường từ 120 đến 200 trang 12x19cm) để đăng trọn vẹn một tác phẩm dài (hoặc vài ba tác phẩm loại vừa), hệt như một cuốn sách, chỉ có vài trang đầu và cuối sách là được dùng để thể hiện hình thức “bán nguyệt san” của mình (trình bày một “manchette” tên ấn phẩm và ngày tháng ra báo ở trang bìa và trang đầu, chêm một vài bài ngắn, thông báo nội dung các ấn phẩm khác cuả nhà Tân Dân, v.v… ở vài trang cuối). Và các cuốn sách theo cung cách này đã liên tục xuất hiện từ cuối năm 1936 đến năm 1945, sau đó lẻ tẻ còn tiếp nối đến 1950 trong thành Hà Nội bị Pháp chiếm đóng. Có lẽ nhờ cách làm này mà giá thành mỗi cuốn sách có giảm đi, người mua được hưởng lợi và chủ xuất bản cũng có lợi. Ngoài ra, gắn yếu tố báo chí vào sách theo kiểu này cũng có cái lợi là tận dụng tính định kỳ của báo chí để tạo nên tâm lý chờ đợi ở công chúng độc giả yêu thích loại sách này.

 

Trên thực tế, việc Tân Dân nghĩ ra cách để được mua giấy giá rẻ hơn như trên, dù bị mấy tờ báo “Phong Hóa”, “Ngày Nay” tố cáo, nhưng Tân Dân cũng không bị sở Đoan (thuế vụ) xử phạt (tức là hành động “lách luật” này được chấp nhận!), vì vậy vẫn có thể phát triển liên tục.

 

Một vài thống kê cho thấy:

 

‒ “Phổ thông bán nguyệt san” từ số 1 (“Tắt lửa lòng”, tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan) đến tháng 2/1945, đã ra tới số 156 (“Bích Câu kỳ ngộ”, biên khảo của Nguyễn Đỗ Mục); đây là loại sách cỡ trung bình, mỗi cuốn chừng 150 – 200 trang 13x19cm, nội dung thường là sáng tác mới, truyện dài hoặc chùm truyện ngắn của tác giả Việt Nam. Phần lớn tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tchya, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Trọng Lư, v.v… đều ra mắt trong “Phổ thông bán nguyệt san”.   

‒ “Truyền bá” ra số 1 từ 25/8/1941 (“Con thiên lý mã”, tiểu thuyết Lê Văn Trương) đến 20/9/1945 đã là số 190. Đây là loại sách mỏng, mỗi cuốn chừng 20 – 30 trang 13X19cm; có lúc “Truyền bá” ra thưa thớt (1 tháng/ 1 số), có lúc nhặt kỳ (4 kỳ/ 1 tháng, như tuần báo). Chiếm số lượng lớn trong số các sách in trong “Truyền bá” là sách cho thiếu nhi, của nhiều tác giả: Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Tô Hoài, Ngọc Giao, Thanh Châu, Lê Văn Trương, Phạm Bá Đại, Trúc Khê, Hoàng Cầm, Vũ Bằng, v.v…

 

‒ “Phổ thông chuyên san” ra từ đầu năm 1943; dung lượng các cuốn trong loại này tương tự “Phổ thông bán nguyệt san”, chỉ nổi bật ở chỗ thiên về biên khảo; tính đến cuối năm 1943 ra được 6 cuốn, gồm “Lục Vân Tiên dẫn giải” của Đinh Xuân Hội, “Trần Thủ Độ, danh nhân truyện ký” của Trúc Khê, “Trương Vĩnh Ký”, biên khảo của Lê Thanh, “Quốc sử diễn ca dẫn giải” của Nguyễn Đỗ Mục, “Thi sĩ Trung Nam” của Vũ Ngọc Phan, “Tang thương ngẫu lục”, bản dịch của Trúc Khê.

 

‒ “Phổ thông tuổi trẻ” ra từ 1943, dường như để tách biệt với loại “Phổ thông chuyên san” vốn nghiêng về biên khảo; loại này có phần mỏng hơn so với “Phổ thông bán nguyệt san”, mỗi cuốn thường chỉ trên dưới 100 trang 13x19cm; từ 1943 đến 1945, chưa rõ “Phổ thông tuổi trẻ” ra được bao nhiêu kỳ, hiện nay chỉ biết có chừng 5 – 6 cuốn thuộc loại này như “Anh em thằng Việt” của Lê Văn Trương, “Hổ với mọi” của Lưu Trọng Lư, “Tiếng mùa xuân” của Thâm Tâm, v.v… 

 

 

***

 

Trở lên là đôi nét khái quát về hệ thống các ấn phẩm của Tân Dân Thư Quán.

Trong các doanh nghiệp xuất bản tư nhân trước 1945 ở Hà Nội, Tân Dân Thư Quán có lẽ đứng đầu về số lượng sản phẩm đã đưa ra cho công chúng.

 

Về mấy ấn phẩm báo chí đích thực của mình (“Tiểu thuyết thứ bảy”, “Ích hữu”, “Tao đàn”), rõ ràng Tân Dân không thể so đọ với các doanh nghiệp làm nhật báo (ví dụ so với “Đông Dương tạp chí”, “Trung Bắc tân văn”, “Hà Thành Ngọ báo”,…) hoặc với một số tạp chí được nhà nước thực dân bảo trợ (ví dụ “Nam phong”); tuy vậy, đứng trong hàng những xí nghiệp báo chí và xuất bản tư nhân đương thời, nhất là trong hàng những doanh nghiệp gắn với hoạt động văn học nghệ thuật, Tân Dân quả là nổi bật do lượng sản phẩm dồi dào cúng ứng cho xã hội, do số lượng đông đảo những cây bút chuyên nghiệp gắn bó với doanh nghiệp mình.

 

Giới nghiên cứu văn học những năm 1960-80 ở miền Bắc đã áp dụng thuật ngữ “nhóm” cho những nhà văn nhà báo cộng tác thường xuyên với những ấn phẩm của một số doanh nghiệp báo chí in ấn nào đó thuộc thời kỳ 1900-1945, ví dụ “nhóm Đông Dương tạp chí”, “nhóm Nam Phong”, “nhóm Tự Lực văn đoàn”, “nhóm Tri Tân”, “nhóm Thanh Nghị”, … và tất nhiên, “nhóm Tân Dân”. Cách khái quát này khiến người ta có cảm tưởng là có những nét nhất quán nào đấy trong xu hướng xã hội hoặc xu hướng nghệ thuật giữa những cây bút tham gia mỗi “nhóm” ấy.

 

Tuy vậy, trong số những cái tên vừa nêu, về văn nghệ có lẽ chỉ những nhà văn trong Tự Lực văn đoàn (chỉ có 7 thành viên: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu) là có sự nhất trí cùng chia sẻ một số tôn chỉ xã hội và nghệ thuật và do vậy mà biểu lộ rõ rệt tính chất của một nhóm phái, trường phái của mình. Còn lại, các tên báo bị ghép vào “nhóm” đó đều không phải các nhóm đích thực. Giữa những cây bút cộng tác với Tân Dân lại càng ít các dấu hiệu chung, trừ nhu cầu công bố tác phẩm và hưởng nhuận bút. Điều này lại liên quan đến một đặc điểm nữa trong hoạt động của ông chủ Tân Dân so với những người chủ trì Tự Lực văn đoàn.

 

Nếu Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo lập nhóm theo một số tín điều xã hội và nghệ thuật, thì Vũ Đình Long không hề có ý định lập nhóm hay tạo điều kiện cho hiện tượng ấy – đây chưa hẳn là nét đáng khen cho những nhà văn cùng cộng tác với cơ sở xuất bản này. Tuy vậy, điều này lại xác định phạm vi và tư cách hoạt động của người chủ Tân Dân thư quán Vũ Đình Long. Ông là nhà kinh doanh chuyên nghiệp ở khu vực sách báo văn học nghệ thuật; có lẽ chính vì phương châm cộng tác thuần túy chức năng và kỹ thuật, không mang tính nhóm phái, nên doanh nghiệp của ông thu hút được một số lượng tác giả cộng tác với mình nhiều hơn hẳn số lượng tác giả đã cộng tác với các báo “Phong hóa”, “Ngày nay” và nhà xuất bản “Đời nay” của văn đoàn Tự Lực.

 

Tóm lại, bên cạnh vinh quang là tác giả vở kịch nói đầu tiên được công diễn ở Việt Nam, Vũ Đình Long còn có vinh dự là một doanh gia mà hoạt động kinh doanh báo chí và xuất bản đã là điểm tựa cho sự phát triển mạnh mẽ của văn học nghệ thuật của xã hội người Việt suốt trên dưới 30 năm tồn tại của doanh nghiệp mình. Đây là một vinh dự chân chính.

 

 

05/8/2011        

Chú thích

[1] Về điểm này, có thể xem các bài: Cái thói gièm pha của bọn Phong Hóa, Ngày Nay; Tội thứ ba của Phong Hóa: Dìm đồng nghiệp // Ích hữu, Hà Nội, s. 56 (10/3/1937) tr. 5 – 7; Vũ Trọng Phụng: Hai nhà xuất bản Tân Dân và Đời Nay đương vạch cho ta những cái hay hay của làng văn làng báo // Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 33 (25/12/1937).