CHUYỆN THỊ HIẾU VĂN NGHỆ

 

Từ khi nào xuất hiện tâm trạng nước đôi trước các bài “nhạc đỏ”?

Ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa quên vẻ mặt chưng hửng hôm ấy của mấy bệnh nhân nằm cùng phòng khi nghe câu đáp của một cô bé dọn phòng.

Chả là mỗi buổi sáng trong phòng bệnh đều xuất hiện nhân viên vệ sinh, dọn dẹp lau rửa buồng tắm, quét rác và lau sàn nhà,… Đó là những nhân viên từ một công ty ký hợp đồng với bệnh viện.

Đám bệnh nhân bọn tôi đều là cán bộ hưu trí. Nằm dài ngày điều trị tại những phòng bệnh không tivi, không đài đóm gì nên hầu hết các bệnh nhân đều có những phương tiện riêng để “nghe ngóng đỡ buồn”, nếu không là một chiếc tivi xách tay như laptop, một chiếc radio to hay nhỏ, cũ hay mới, thì cũng là chiếc điện thoại di động vừa nghe đài vừa được cài sẵn một serie bài hát có thể mở bất cứ lúc nào.

Hôm ấy người bệnh cùng phòng tôi, một cựu cán bộ sinh ra vào giữa những năm 1930s, từng làm đến cấp trưởng phó phòng gì đó ở bộ X., đang mở băng nhạc từ chiếc điện thoại, và cô nhân viên vệ sinh thì hết quét nhà lại lau nhà, đang lùa cây lau nhà từng nhát vào các gậm giường. Người bệnh có vẻ đang hứng thú nghe lại, không biết là đến lần thứ bao nhiêu, băng “nhạc đỏ” gài sẵn trong chiếc điện thoại, lúc đó đang là những quãng cao trào của bài “Xa khơi”. Ông thu chân lên giường, nhường không gian cho cô nhân viên làm việc, và nhân tiện cất giọng hỏi: “Cô có thích bài này không?” Cô nhân viên vừa đưa từng nhát chổi lau nhà vừa điềm nhiên nói: “Cháu ghét những bài hát này lắm!” – “Thế cô nghe nhạc gì?” – “Thỉnh thoảng cháu nghe một ít nhạc trẻ, còn nhạc đỏ này không bao giờ cháu nghe!”

Câu chuyện kết thúc ngay ở đấy vì cô gái đã lau nhà xong, bật lại chiếc quạt trần và ra khỏi phòng. Mấy bệnh nhân cùng phòng bắt đầu bàn với nhau về sự lệch pha trong thị hiếu âm nhạc của hai thế hệ. 

Thật ra, tuy hơi chưng hửng khi nghe câu đáp rất thực thà đó, nhưng những người bệnh cùng phòng với tôi hôm ấy cũng không phải lần đầu biết đến thái độ kiểu đó của những thế hệ trẻ là con là cháu mình. Cứ nhìn vào lượng tiêu thụ băng đĩa “nhạc đỏ” so với các loại nhạc khác, hoặc mức “cát-sê” rất “bèo” của những ca sĩ hát loại nhạc này so với những ca sĩ hát bài của dòng nhạc khác,… – chỉ cần nhìn vào đó là đã thấy. 

Và có thể nhìn vào chính mình nữa! Phải thế không?

Trong chính mình, những người từng sống cùng thời với sự khai sinh những bài hát ấy, từng say sưa với nó, với những giọng ca xuất sắc nhất từng làm bật ra được cái hay cái đẹp của những bài hát đó. Có phải trong chính chúng ta cũng đã xuất hiện một tâm trạng nước đôi mỗi khi nghe lại những bài hát của một thời xưa ấy?

Một mặt, chúng ta càng ngày càng thấy rõ đấy là những giai điệu tuyệt đẹp, chỉ có thể là biểu hiện của một cảm xúc chân thành, cũng chỉ có thể là sản phẩm của một sự lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, với sự đòi hỏi rất cao, hướng tới những chuẩn mực nghệ thuật cao nhất lâu bền nhất, và do vậy, đã trở thành những tác phẩm cổ điển, tiêu biểu cho thời đại mình.

Mặt khác, chúng ta càng ngày càng nhận ra cái khe hở, cái khoảng cách về nhận thức của ta hôm nay đối với cái tình cảm từng được biểu hiện trọn vẹn trong tác phẩm thuở xưa: ôi sao mà cực đoan thế, cuồng tín thế, sắt máu thế, hóa ra có thời mình cũng ác thế ư, cũng phi nhân thế ư, tệ quá nhỉ, ấu trĩ quá nhỉ; này, ta ca cái gì đấy, nó tầm thường thế, xoàng thế, có khi tầm bậy nữa, có gì đáng ca ngợi đâu, ngượng quá nhỉ, “giá mà” không có cái quá khứ ấy nhỉ !!! Lại cũng thấy tiếc cho những giọng ca thời ấy: cái giọng vàng ấy, vang rền nền nẩy tuyệt vời, thế mà lại dùng để ca những lời chỉ có ý nghĩa tại chỗ, nhất thời, xoàng xĩnh, không xứng với chất giọng, tiếc chưa, đúng là tài không gặp thời!

Vậy là một “tâm trạng nước đôi” đã hình thành. Ta vừa nhớ lại vừa tự đồng nhất vào một cách thích thú cái tình cảm tập thể một thời đã xa mà “chứng tích” là những bài hát kia, lại vừa tự tách mình khỏi cái tình cảm ấy, xem xét nó từ hiểu biết hôm nay, từ tâm trạng hôm nay, cảm thấy những hạn hẹp, sai lệch của những tình cảm thuở nào.

Tạm không bàn ở đây chuyện vì sao các thế hệ sau có thể không ưa thích những bài hát “thời danh” của các thế hệ trước. Chỉ bàn về những bài hát trong “hành trang” một thế hệ. Trong cái hành trang đã hình thành ấy, giá trị của chúng không đứng yên trong cảm nhận và suy nghĩ của chính chúng ta. Khá nhiều, rất nhiều tình cảm, thậm chí là những tình cảm đã hướng dẫn lối sống, lựa chọn hành động trên những ngã rẽ quyết định mỗi cuộc đời, sẽ đến lúc tự chứng tỏ là những tình cảm sai lệch, hạn hẹp; biết ra thì đã muộn, nhưng muộn còn hơn không; không ai “sửa lại” được cuộc đời mình; nhưng ta có thể chỉnh sửa thái độ nhận thức của mình, kể từ hôm nay, hoặc từ bất cứ lúc nào nếu nhận ra nó.

Tất nhiên vẫn luôn có những tình cảm hồ như không “mất giá” với thời gian, bởi nếu không thì nhân loại đã chẳng nói đến những tình cảm vĩnh cửu như tình yêu vĩnh cửu, tình người vĩnh cửu. Nhưng, như một định mệnh, những tác phẩm đạt được cái giá trị vĩnh cửu – bao giờ cũng ít ỏi, quá ít ỏi.

 

Một nét thẩm mỹ mới và lạ

        Cái gọi là “mới”, “lạ” này là đối với tôi. Tôi luôn nghĩ mình thường có chút lạc hậu so với những gì mới nhất.

         Hồi nhà văn Lê Lựu đi thăm Mỹ lần đầu tiên trở về (khoảng giữa những năm 1990s), tôi ngạc nhiên khi nghe anh nói ở Mỹ không chỉ các cựu binh từ Việt Nam mà ngay những người khác, không duyên nợ gì với cuộc chiến ở Việt Nam, cũng có những người thích sưu tầm đồ vật của người lính chiến “Việt cộng” như mũ cối, “xanh-tuya-rông”, hộp đạn, ba-lô cóc, v.v…

         Sưu tầm các loại hiện vật là việc không hề mới. Vấn đề là người ta sưu tầm những loại hiện vật gì, với thái độ nào, – tôi muốn hiểu là “thái độ thẩm mỹ” nào?

Có người bảo: đơn giản là thái độ “khâm phục” đối với những người đã thắng người Mỹ trên đất của họ! Tôi đoan chắc không phải thế; tuy có nét đó, nét thoáng qua thôi, và không phải nét trội. Còn những nét khác, trội hơn, ta chưa thấy, chưa biết, chưa gọi ra được.

         Tiếp theo chuyện sưu tầm vật dụng của “lính Việt cộng” như nói trên, là những kiểu sưu tầm có đối tượng rộng hơn: chẳng hạn, sưu tầm tranh cổ động ở miền Bắc Việt Nam qua các thời kỳ, càng xưa càng hay, hoặc những ấn phẩm độc đáo, gắn với những trải nghiệm “phức tạp” của con người và xã hội Việt.

         Đến chơi nhà một bạn người Mỹ đưa cả gia đình đến Việt Nam trong một vài năm đi thực địa, tôi hơi ngạc nhiên thấy, được treo tại phòng khách là bức vẽ liên hoàn một truyện tranh in khoảng những năm 1954-55. Đã đành đây là bản gốc, bản mà có lẽ tác giả gửi tới nhà xuất bản để làm sách (thời ấy sẽ phải đem khắc gỗ, lại phối hợp các khuôn tranh khắc gỗ với lời kể bên dưới mỗi tranh xếp bằng con chữ chì), đáng sưu tầm vì tính quý hiếm, nguyên bản, độc bản… Song, đề tài câu chuyện kể trong bộ tranh ấy là chuyện nông dân với địa chủ, chuyện đấu tố thời cải cách ruộng đất – sự kiện mà trong con mắt những người ở thế giới văn minh bên ngoài thì chẳng có gì đáng gọi là quý báu ngoài tính chất vật chứng về một điểm đen thẫm trong lịch sử chúng tôi, – thế thì các bạn tìm lại, giữ lại, trưng ra nhìn ngắm để làm gì, vì sao?

Các bạn muốn luôn thấy trước mắt cái ví dụ phi nhân lạc hậu của xã hội chúng tôi? muốn thấy nét vẽ của người họa sĩ trong khi hùa theo những tư tưởng cuồng tín? Hay muốn thấy những chi tiết có lẽ là chân thực hay bị cách điệu về nhà cửa, đồ đạc, áo quần của người Việt đất Việt những năm ấy? v.v…

Nhưng thôi, hãy nói gọn vào góc độ thẩm mỹ, vì chuyện gắn với một số loại tranh vẽ thì tất cũng ít nhiều phải có chuyện một số “gu” thẩm mỹ đi kèm. “Gu” (goût = thị hiếu, sở thích) thẩm mỹ nào đã hướng dẫn sự tìm kiếm những tác phẩm loại này?

Có lẽ có một phần yếu tố “xứ lạ” (exotique)? Có, nhưng cũng một chút thôi! Có lẽ có một phần “tri thức lịch sử” (biết về một sự kiện lịch sử) qua hiện vật? Chắc cũng có, nhưng cũng một chút thôi!

Nhưng điều cốt yếu: có chút nào mỹ cảm thực sự trong ý hướng sưu tập này? Tức là có vẻ đẹp thật sự ở hiện vật sưu tầm không? Ồ, chắc là có chứ! Nhưng hẳn không phải cái đẹp theo chuẩn của những kiệt tác? À, có thể thế, mà cũng chưa hẳn thế! Cái đẹp cũng đa dạng. Kiệt tác thì bao giờ cũng mang trong nó tất cả nỗ lực, nhiệt tình, niềm tin của người nghệ sĩ tại thời điểm thể hiện nó. Mà nghệ sĩ là con người thực của một thời đại thực. Thời sau xem tác phẩm của thời trước, rất có thể mỉm cười về cái tin tưởng ngây thơ của tiền nhân; nhưng không có niềm tin ấy sẽ không có tác phẩm này.

Quả thật, tôi chưa gọi ra, chưa lý giải được rõ cái thị hiếu thẩm mỹ ẩn sau xu hướng sưu tập những tác phẩm và vật phẩm thuộc một thời đang lùi xa. Đành ghi nhận rằng đã và đang có cả một thị hiếu thẩm mỹ mang tính phức cảm (complexe) trong đó hòa trộn nhiều tình cảm khác nhau, có khi trái ngược nhau. Nhận ra từng sắc thái trong đó quả là không dễ. Nhưng đây có thể sẽ là loại tình cảm, loại thái độ chi phối nhận thức và hành động của con người ở môi trường xã hội hiện đại và cả hậu hiện đại nữa chăng?

30/11/2012