CHUYỆN TRỒNG CÂY

 

Hẳn có người sẽ bảo: Chỉ đến đầu xuân người ta mới trồng cây, và nhân đó làng báo mới bàn đến cây cối; bây giờ đang vào đông, sao đã vội nói chuyện trồng cây?

Ờ, vào muà cây khô lá héo, nói chuyện trồng cây thì cũng hơi sớm thật. Thế nhưng hiện giờ người ta bứng trồng cây cối quanh năm, dạo này lại mới vừa qua mấy cơn bão dữ, nhiều vùng đổ gãy hàng chục hec-ta, phải tính việc trồng lại hay chuyển đổi cây khác… Vậy nói chuyện trồng cây lúc này cũng nên cho là được đi!

Nhưng tôi sẽ không nói chuyện trồng cây công nghiệp hay trồng rừng. Đấy thuộc lĩnh vực kinh tế, và những lệch hướng hay quá đà trên những giống cây nhất định – người ta đang bàn nhiều về cây cao-su – thì đã thấy những cựu quan chức có kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu lên tiếng. Ở đây chỉ bàn chuyện trồng cây ở ven các đường phố, trong các vườn cây, v.v…, tóm lại là ở khu vực dân sinh đô thị. Ở lĩnh vực này, cây cối và việc bứng trồng cũng tốn tiền, cũng cần đến phương tiện kỹ thuật, đến những tính toán về sinh học và các lợi ích dân sinh, tuy mục đích của nó phức hợp hơn so với trồng cây công nghiệp hay trồng rừng.

Chuyện nổi lên hàng đầu trong việc trồng cây ở đường phố và khu dân cư ở ta hiện giờ chính là xu hướng trồng mới những cây già, rất già!

Xưa kia, hồi những năm 1960s, ta thường hình dung sự trồng cây với những cây giống non nớt, cao trên dưới 1 m, dù mỗi gốc cây có bầu đất thì trẻ em mươi tuổi vẫn có thể bưng một tay, tay kia vác xẻng hay cuốc, cùng nhau đi tới nơi trồng. Đến nay hình ảnh ấy không ai thấy lại nữa trên thực tế. Các vườn ươm, các sở ươm cây ngày nay, do những tính toán “chắc ăn” nào đó, đã chỉ xuất ra những cây giống cao  2 – 3 m, thậm chí 5 – 7 m, đường kính gốc nhỏ thì 4 – 5 cm, có khi tới 10 – 15 cm, được thợ trồng bứng chính quy đào gốc, đóng bầu cẩn thận, đặt lên xe tải có thể chở đi khá xa, tỉnh nọ qua tỉnh kia. Cho nên cảnh quan những hàng cây mới trồng bây giờ thường là hình ảnh liên tiếp những thân cây khá ít lá, chỉ với những cành trụi gầy guộc chĩa lên trời!

Có lẽ, theo cái đà những cây giống tại vườn ươm bị để già lỡ lứa, rồi để chậm lứa nọ qua lứa kia, dăm bảy năm, đã mấy kỳ ra hoa đậu trái tại vườn, đến lượt “xuất giá” thì đã gần thành “cổ thụ”, chủ vườn phải tân trang “cô dâu” bằng cắt bớt cành nhánh, có khi cắt bớt cả thân chính, chỉ còn giữ lại cái gốc với thân cây… Thân phận loại cây giống vườn ươm này trở nên khá gần với thân phận các loại cây quý bị săm soi săn đuổi từ những cánh rừng già, được giới đầu cơ mua về “tập kết” tại những vườn tạm, chờ bán cho những chủ nhân ưa thích, chỉ khác ở chỗ những loại cây quý này bị cưa bớt cành nhánh ở mức ít hơn, vì giá tiền mỗi cây cũng cao hơn.

Ngày nay người ta chuyên chở và trồng cây bằng loại xe chuyên dụng, có cần cẩu nâng hạ, đưa cây lên xe, đặt cây vào hố, thành thử cây lớn đến mấy cũng có thể đưa đi xa, trồng nơi mới được. Chả thế mà năm nọ, một cây đa già, đường kính gốc đến vài ba mét, bị đào lên ở đoạn đường 19 tháng 12 (Hà Nội), bị bứng đi lấy chỗ xây siêu thị, được báo giới đưa tin rầm rộ, tưởng sẽ bị biến thành củi khô, bỗng được “lên đời” nhờ nơi trồng mới là cái công viên gì đó gần cầu Thăng Long!

Ít nổi tiếng hơn, nhưng lý lịch cây bồ đề được trồng mới ở công viên mới của quận Long Biên (Hà Nội) còn oanh liệt hơn. Người ta bảo nó vốn là cổ thụ đại thụ ở một nơi giáp biên giới với Campuchia ở tỉnh Tây Ninh, vòm lá tỏa ra hàng mẫu đất, được mua rồi thuê thợ bứng lên, chuyên chở đi hàng ngàn cây số, cuối cùng, qua đất cũ Thăng Long, vượt sông Hồng, về ngự trên lô đất cạnh hồ Kim Quan, làm điểm nhấn cho cái công viên đang thành hình của quận mới Long Biên! Một ông già cỡ tuổi tôi, buổi chiều nọ dẫn đứa cháu đạp xe vòng quanh gốc cây, bảo với cháu: Cây này đưa từ vài nghìn cây số về đây, là cây tiền tỉ, tiền chục tỉ đấy cháu ạ!

Thế nhưng, cây bồ đề tiền chục tỉ ấy chỉ còn gây được ấn tượng ở cái gốc: chu vi nó có thể tới gần chục mét; nhưng trên cái gốc cao chừng 5 – 6m đó chẳng còn cành nào đáng gọi là cành; chỉ có những nhánh nhỏ cỡ đầu ngón chân ngón tay, có thể mới mọc ra, trông rất giống những bụi cây ký sinh trên gốc cây chủ. Ngắm cái gốc khổng lồ này, hẳn ai cũng sẽ cảm thấy tiếc cái cây cổ thụ có bóng tỏa xum xuê mà cái gốc này chỉ là di tích. Chẳng biết từ cái gốc này đến bao giờ mới có thể nảy nở một vòm lá bằng với chu vi gốc, chứ chưa dám ước ao trùm rợp khoảnh đất rộng như một quảng trường mà người ta đã bố trí sẵn để đón đợi vòm cây tương lai? Thiết nghĩ, để có vòm lá như thế, nếu người ta bắt đầu từ những gốc cây nhỏ hơn trẻ hơn, có thể sẽ đạt hiệu quả nhanh chóng hơn nhiều!

Nhìn rộng ra, khắp nơi trong nước, có thể thấy thị hiếu “trồng cây già” đang khá phổ biến trên nhiều con đường mới, tại nhiều khu đô thị mới. Nhiều loại cây, bằng lăng, long não, sao đen, phượng vàng, v.v…, đều là những cây có tuổi 9 – 10 năm, đã cắt cụt ngọn và cành lá, chỉ còn cái thân cây trơ trụi cao chừng 5 – 6m, đường kính thân trên dưới 10cm, có khi tới 20cm. Sau một vài năm được trồng mới, không ít cây đã chết, chỉ còn là những chiếc cọc gỗ; dấu hiệu những cây sống được là đã có những chùm lá nhỏ mọc ra, đôi khi còn trổ hoa nữa. Nhưng đến bao giờ thì chúng mới có được cái vòm lá tương ứng với độ lớn của thân cây? Có thể nói là lâu lắm, thậm chí gần như là không bao giờ! Ấy là chưa tính đến khả năng chống chọi với gió bão. Dù cách đánh gốc giữ bầu có đảm bảo tỷ lệ cây sống khá cao, nhưng các rễ chính vươn dài đều đã bị cắt, những rễ mới chỉ mọc thêm khá muộn, cây rất khó tránh khỏi gãy đổ nếu gặp bão lớn.

Người ta muốn sao cho ngay trên những đại lộ mới mở phải có thật sớm, thậm chí có ngay những hàng cây cao vươn mình rủ bóng. Cái ý chí ấy có thể khiến cho trên các đại lộ xuất hiện ngay lập tức những thân cây to cao. Nhưng còn vòm lá xanh rợp bóng vững bền thì dù gì cũng buộc phải chờ đợi. Có khi vòm lá ấy sẽ chậm xuất hiện hơn hẳn so với cách trồng thông thường, từ những cây giống vừa lứa vừa tầm. Bởi trồng cây không phải là chuyện ra lệnh mà muốn gì có nấy được đâu!

 

29/10/2013