ĐI TÌM DẤU TÍCH TỜ TUẦN BÁO “SÁNG TẠO”  

(HÀ NỘI, 1956)

 

Trong số những ấn phẩm đã trở thành “tội nhân” trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, có thể thấy 2 phạm vi: những ấn phẩm ở “vòng trong” và ở “vòng ngoài”.

 Ở “vòng trong” là khoảng 10 ấn phẩm, gồm:

a/ 5 cuốn sách “Giai phẩm”:

“Giai phẩm mùa xuân 1956”, in xong vào tháng 2/1956, bị tịch thu; in lại lần hai xong ngày 28/10/1956

“Giai phẩm mùa thu”  tập 1, in xong vào ngày 29/8/1956

“Giai phẩm mùa thu”  tập 2, in xong vào ngày 30/9/1956

“Giai phẩm mùa thu”  tập 3, in xong vào ngày 30/10/1956

“Giai phẩm mùa đông” tập 1, in xong vào ngày 28/11/1956

 

b/ 5 số báo “Nhân văn”:

Nhân văn  số 1, ra ngày 20/9/1956

Nhân văn  số 2, ra ngày 30/9/1956

Nhân văn  số 3, ra ngày 15/10/1956

Nhân văn  số 4, ra ngày 5/11/1956

Nhân văn  số 5, ra ngày 20/11/1956

 

Ở “vòng ngoài” gồm một số lượng không thật xác định những ấn phẩm khác (ít quan trọng, tức là tội nhẹ hơn so với các ấn phẩm ở “vòng trong”) thường được đề cập với mức chú ý khác nhau trong các ý kiến phê phán; tựu trung có thể kể tên những ấn phẩm như:

“Đất mới. Chuyện sinh viên”, do Nxb. Minh Đức in và phát hành vào khoảng tháng 10/1956;

“Sách Tết 1957”, do Nxb. Minh Đức in và phát hành đầu năm 1957 (có thể xem là cuốn tiếp theo các cuốn “Giai phẩm”)

(Các tác phẩm khác của những người can dự Nhân văn – Giai phẩm đăng ở sách báo khác, thường được dẫn riêng)

– Một vài ấn phẩm khác, trong số này đôi khi người ta nhắc tới tờ báo “Sáng tạo”.

 

***

 

Trong số những ý kiến phê phán Nhân văn – Giai phẩm tràn ngập các báo hàng ngày ở Hà Nội (vào hai thời điểm: hồi cuối năm 1956 và từ khoảng tháng 3/1957 đến giữa 1958), – tên của báo ‘Sáng tạo’ chỉ được nhắc đến rất ít. Tuy đọc lại khá kỹ, tôi chỉ gặp ở vài chỗ.

Thứ nhất là trên nhật báo ‘Nhân dân’, trong loạt bài đăng tải nhiều kỳ (từ 15/3 đến 23/3/1958) nhan đề ‘Đập cho nát chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ’, tác giả Quang Đạm có chỗ nêu tên ‘Sáng tạo’  bên cạnh những tên ‘Giai phẩm’, ‘Nhân văn’, ‘Đất mới’, nhưng không có diễn giải hay ghi chú gì về ấn phẩm này.

Thứ hai là trên nhật báo ‘Thời mới’ trong bài ‘Những nọc độc của nhóm phá hoại Nhân văn – Giai phẩm trong ngành điện ảnh của ta’ (đăng hai số, các ngày 16/5 và 17/5/1958), tác giả Trịnh Mai Diêm cũng nhắc đến tên báo ‘Sáng tạo’, tuy không cung cấp thông tin khả dĩ nào về tờ báo, nhưng biểu lộ khá nhiều phẫn nộ đối với tội trạng của một số người viết trên báo ‘Sáng tạo’, đã dám có ý kiến “chê bôi phim Liên Xô”.

Tôi đem mấy điều mơ hồ như trên về báo ‘Sáng tạo’ hỏi anh Dương Tường, anh Tường mách tôi nên hỏi thêm ở anh Phan Vũ, là người hình như có viết cho tờ này; hai anh cho biết quả có tờ báo ‘Sáng tạo’, nó gắn với đoàn kịch ‘Sông Nhị’ của Phan Tại; anh Phan Vũ nhớ rằng, ‘Sáng tạo’ ra được 2 số. Tiếc rằng cả hai anh không ai còn giữ được số báo nào.

Trở lại tìm trong cơ sở dữ liệu của Thư viện quốc gia VN tại Hà Nội, tôi được mấy chỉ dẫn vắn tắt:

 

SÁNG TẠO

Tuần báo điện ảnh, sân khấu của nhóm Sáng tạo

Hà Nội, 1956, s. 1 – 2

27 x 35 cm

Số: 1/1956; số 2/1956

Ký hiệu: C 1526

 

 

Đây cũng là những chỉ dẫn vắn tắt về ấn phẩm này được ghi trong “Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam” của soạn giả Nguyễn Thành (H. : Nxb. Văn hóa thông tin, 2001).

Tuy vậy, sưu tập báo kể trên được các nhân viên thư viện thông báo là đang bị lạc đâu đó trong kho, chưa tìm thấy nên không thể phục vụ nhu cầu mượn đọc của độc giả.

Liệu có thể tìm được tờ báo này tại các nhà buôn sách báo cũ? Chắc hẳn là không, bởi sau những lệnh cấm từ đương thời, khắp chợ cùng quê trên đất Bắc không ai dại gì giữ những vật cấm nguy hiểm như vậy trong nhà!

Như thế, con đường tiếp cận thẳng với 2 số báo ‘Sáng tạo’ đành phải dừng lại. Tạm thời chỉ có thể đi tìm thông qua những ‘khúc xạ’ ở các ấn phẩm khác.

 

***

Tôi tìm đọc sưu tập tờ ‘Điện ảnh’, tờ báo của Cục điện ảnh thuộc Bộ văn hóa, ra từ giữa năm 1957 và chỉ tồn tại đến hết năm 1958, sau đó đổi tên, thay ê-kíp tòa soạn, – và sự thay đổi này là gắn với những thay đổi sau cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm của toàn bộ giới văn nghệ miền Bắc.

 

‘Điện ảnh’ số 1 ra ngày 20/7/1957; đây là một bán nguyệt san (ra vào các ngày 05 và 20 hàng tháng), mỗi số khoảng 24 trang khổ A4; nội dung báo là các bài giới thiệu phim đang hoặc sẽ chiếu tại các rạp ở miền Bắc, chủ yếu là các rạp ở Hà Nội. Đó phần lớn là nguồn phim Liên Xô, Trung Quốc, một số phim Đông Âu (ví dụ bộ phim Ba Lan mà đường công danh của nhân vật Nicodeme Dyzma đã khiến công chúng Hà Nội nghĩ ngay đến Xuân Tóc Đỏ của tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng); bên cạnh đó báo cũng thể hiện nỗ lực xây dựng nền điện ảnh Việt Nam với việc đưa tin các nhóm làm phim tài liệu, phỏng vấn các nhà văn (Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm) về nhiệm vụ viết kịch bản phim truyện, biên dịch bài vở xung quanh những hiểu biết tối thiểu về phim ảnh và nghề làm phim, v.v…

 

Điều bị coi là lỗi lầm lớn nhất của báo này có lẽ là ở số kép 7&8, ra nhân kỷ niệm 40 năm CMT Mười Nga, bên cạnh rất nhiều bài ca ngợi nền điện ảnh Xô-viết, lại có vài bài như “Đi tìm con người mới trong phim”  (của Mai Hiền) và nhất là bài “Vài ý nghĩ của một người xem phim Liên Xô”  (của Hà Văn).  

 

Xin trích dẫn vài đoạn ở bài kể sau:

        

         “Hình như các phim Liên Xô giống nhau quá, từ tài tử đến lối diễn xuất, từ nội dung câu chuyện đến phương pháp biểu hiện. Tôi có cảm tưởng phim Liên Xô đã được đúc theo một khuôn, nếu có khác có lẽ chỉ khác về khổ khuôn. Từ ‘Công phá Béc-lanh’, ‘Tiếng hát xứ Si-bê-ri’, từ ‘Hạnh phúc nông trường’ đến ‘Ánh bình minh tươi đẹp’, từ ‘Bước vào đời’ đến ‘Chỗ ở mới’… tôi chỉ thấy những con người, những tình tiết, những câu chuyện lắp đi lắp lại dưới những hình thức khác nhau chẳng làm cho tôi mảy may rung động…”

 

 …. “Nhưng dù sao điện ảnh Liên Xô đã chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau ĐH ĐCS LX lần thứ 20. Gần đây không có một ai không nhận thấy vườn phim Liên Xô đã có nhiều thứ hoa hơn, sắc cũng thắm hơn mà hương cũng ngát hơn. Bên cạnh loại phim quen thuộc như ‘Bài học đường đời’, tôi đã thấy những loại phim khác như ‘Bông tuyết đầu xuân’, ‘Đồng tiền và danh dự’, ‘Tiểu thư Mê-ri’, ‘Đội cận vệ bất diệt’, ‘Những đường phố chính’, ‘Sau quầy hàng mậu dịch’, v.v… Nội dung khác nhau, hình thức khác nhau, tài tử khác nhau mà vẫn phong phú. Thật là một điều đáng cảm động vậy!  Đến khi nghe tin phim ‘Ô-ten-lô’ được giải thưởng lớn ở Can-nơ thì tôi choáng hẳn người. – Cái gì phải đến đã đến rồi đây! Sau khi xem phim này, tôi không ngờ Liên Xô lại có thể làm được chuyện lớn như thế. – Đối với tôi, ‘Ô-ten-lô’ xứng đáng là phim rửa mặt cho điện ảnh Liên Xô.” ….

Hà Văn, Vài ý nghĩ của một người xem phim Liên Xô // Điện ảnh, Hà Nội, s. 7&8 (5/11/1957), tr. 34, 35    

 

Bài cảm tưởng nêu trên như giọt nước tràn ly; ngay sau đó tờ báo đã phải kiểm điểm và liền đó, báo này phải cùng các báo khác bước vào đợt tổng công kích Nhân văn – Giai phẩm.

 

Ngay số 9, ra ngày 01/01/1958, nhân nói về việc các rạp ở Hà Nội chiếu phim ‘Ô-ten-lô’, ‘Điện ảnh’ đã bày tỏ thái độ phản đối nhận xét phim này “xứng đáng rửa mặt cho điện ảnh Liên Xô” mà bài báo của Hà Văn nêu ở số trước. Tiếp đó, ở số Tết Mậu Tuất (s. 11&12, ra ngày 10/2/1958), tòa soạn “Điện ảnh” đã có bài ‘Năm mới, báo ‘Điện ảnh’ tự kiểm điểm cùng bạn đọc’, trong đó đặc biệt nhắc đến “một số bài nhận định rất sai lệch về giá trị nền điện ảnh Liên Xô” mà bạn đọc đã phát hiện và phản ứng.

 

Từ số 14 (ra ngày 1/5/1958), báo này bắt đầu tham gia đợt đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm do trung ương Đảng phát động bằng bài ‘Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh’ của Trần Đức Hinh, chủ nhiệm tờ ‘Điện ảnh’. Trong loạt bài tiếp theo, ta thấy báo đăng những ý kiến của những bạn đọc một mực đề cao phim ảnh Liên Xô và đả kích bất cứ ai có ý nghi ngờ giá trị các bộ phim Liên Xô, hoặc những bài phê phán của chuyên gia: ‘Luận điệu phản động và âm mưu nguy hiểm của những phần tử Nhân văn – Giai phẩm về vấn đề tính chất và lãnh đạo sản xuất phim ảnh’ (của Bảo Kính, ‘Điện ảnh’  s. 17, ra ngày 15/6/1958), Cần bóc trần âm mưu bôi nhọ lãnh đạo của một số người viết báo ‘Sáng tạo’  (của Nguyễn Duy Cẩn, ‘Điện ảnh’,  s. 18, ra ngày 1/7/1958); bên cạnh đó là một số bài tự kiểm điểm của Cao Nhị (‘Tôi đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giới thiệu phê bình phim ảnh // Điện ảnh, s. 15, ra ngày 15/5/1958), Vũ Phạm Từ (Tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng đối với Đảng // Điện ảnh, s. 19, ngày 15/7/1958), Nắng Mai Hồng (Đảng đã thức tỉnh tôi // Điện ảnh, s. 20, ngày 1/8/1958).

Chính trong những bài phê bình và tự kiểm điểm này, một số tin tức về tờ ‘Sáng tạo’ đã ít nhiều được ghi lại.

 

***

 

Trong bài ‘Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh’ (Điện ảnh, s. 14, 1/5/1958), của chủ nhiệm báo ‘Điện ảnh’ Trần Đức Hinh có những đoạn đáng lưu ý sau:

 

– Nửa tháng “Liên hoan phim Liên Xô” khai mạc ngày 1/11/1956, thì đúng ngày 5/11/56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản, trong đó có đăng bài ‘Chúng ta gắng nuôi con’, hoạt cảnh của Chu Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5/11/56, báo ‘Sáng tạo’  ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô.

 

Ngày 20/11/56, báo ‘Nhân văn’  số 5 lại đăng bài ‘Mấy bộ phim dở’ của Cao Nhị. Cùng ngày ấy, báo ‘Sáng tạo’ ra số 2, càng đả kích sống sượng hơn nữa vào các phim Liên Xô đang chiếu. Có phải đó chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên không? Đến nay trắng đen đã rõ: Trần Thịnh, người bỏ tiền ra làm báo ‘Sáng tạo’ và là chủ nhiệm tờ báo đó, cũng chính là một người hùn nhiều vốn, một phần tử tích cực của báo ‘Nhân văn’

 

Trong lời phi lộ, báo ‘Sáng tạo’ đã tự nhận là cơ quan ngôn luận của “nhóm Sáng tạo”. Mà “nhóm Sáng tạo” thì lại gồm những mặt không xa lạ gì: Phan Tại, Trần Thịnh, Trần Công, Chu Ngọc, Phan Vũ, v.v… Và chính những người viết báo ‘Sáng tạo’, đến nay, đều phải thừa nhận ‘Sáng tạo’ thực chất là một chi nhánh của Nhân văn, Giai phẩm.

 

– … Trước hết một luận điệu chung của họ là xuyên tạc và khoét sâu những khuyết điểm mà các nhà điện ảnh Liên Xô đã tự phê bình. Luận điệu này rất rõ nét trong bài ‘Góp thêm ý kiến với đồng chí Ni-cô-lai’ của Kỳ Nam. Kỳ Nam không hề nhắc tới những thành tựu của nền điện ảnh Liên Xô mà đồng chí Ni-cô-lai (đại biểu công ty xuất khẩu phim Liên Xô ở Việt Nam) đã trình bày. Trái lại, Kỳ Nam cố tình móc ra những khuyết điểm của phim Liên Xô xuyên tạc thổi phồng lên để gây một ấn tượng rất xấu đối với phim Liên Xô.

 

Như để dẫn chứng thêm cho Kỳ Nam, Cao Nhị đã đả kích một cách hằn học vào một số phim đang chiếu trong ‘Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô’ nhất là vào phim ‘Ngai vàng sụp đổ’ (được chọn chiếu trong lễ khai mạc). Theo Cao Nhị thì bộ phim khai mạc ấy tồi đến nỗi xem xong, đầu óc người ta “mờ mịt hẳn đi”, “cái đầu quên, mà thực cả tấm lòng lưu luyến, vấn vương với người trong phim cũng không có nữa”.

 

Mỉa mai và độc địa hơn, trong mục ‘điểm phim’ (‘Sáng tạo’ số 2), Kỳ Nam đã nêu những dòng ‘tít’ như sau: “Câu chuyện bỏ dở, câu chuyện nên bỏ vì dở; Họ là những người đầu tiên, không phải phim đầu tiên trong loại này’ (ý nói bộ phim chỉ là do những mẩu góp nhặt ở các phim khác chắp nối lại). Đây là một hành động nhỏ nhen và khiêu khích, vì đạo diễn bộ phim ‘Họ là những người đầu tiên’  chính là đồng chí Ê-gô-rốp (lúc đó đang có mặt trong đoàn văn hóa Liên Xô sang thăm Việt Nam).

 

Hơn thế nữa, Trần Thịnh, Trần Công và một số nhân viên tòa soạn báo ‘Sáng tạo’ còn tổ chức phỏng vấn đồng chí Ê-gô-rốp với dã tâm định dồn đồng chí vào thế bí bằng những câu hỏi hóc hiểm về những khuyết điểm của phim Liên Xô. Họ lại gay go với đồng chí Ê-gô-rốp trong một cuộc họp mặt ở xưởng phim. Rõ ràng là nọc độc của chủ nghĩa dân tộc tư sản hẹp hòi đã làm một số người trong tòa soạn báo ‘Sáng tạo’  lúc ấy đả kích một cách lồng lộn, mù quáng vào phim Liên Xô và những người đại diện của điện ảnh Liên Xô.

 

Nọc độc của chủ nghĩa dân tộc tư sản cũng lộ liễu cả trong bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’  (của Vũ Phạm Từ, ‘Sáng tạo’ số 2).

 

Song song với việc dè bỉu, bôi nhọ phim Liên Xô là sự ‘lo lắng thái quá’ cho giá trị phim của các nước tư sản. Họ lo rằng, chúng ta đối với phim tư sản, vì ‘không ưa’ cho nên ‘dưa hóa ròi’. Họ khó chịu khi chúng ta đặt phim ‘Ô-ten-lô’ của Y-ut-kê-vich (Liên Xô) trên phim ‘Ô-ten-lô’ của Oóc-xơn Oen-xơ (Mỹ) mặc dù điều này cũng đã được các nhà điện ảnh thế giới xác nhận (cũng trong bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’). Phan Vũ (trong ‘Nhân văn’ số 2) và Chu Ngọc (trong ‘Giai phẩm mùa thu tập 3’) đều thi nhau tán tụng phim ‘Anh gắng nuôi con’ (của Nhật) tới mức lố bịch. Điều này cũng không có gì lạ, nếu chúng ta biết cuối năm 1956, đi đôi với nhiều cuộc tấn công về các mặt khác, nhiều nhóm tư sản đang đấu tranh đòi Cục Điện ảnh phải cho chiếu lại những phim cũ mà họ đã thầu của các hãng tư bản trong thời gian Hà Nội còn bị tạm chiếm. Phạn Tại đã đứng ra đầu cơ trong cuộc đấu tranh đó để ăn hoa hồng. Và một số lớn các phim cũ đều giao cho Thụy An viết bản thuyết minh.

 

… Nhưng đây không phải chỉ là câu chuyện văn nghệ. Xuyên qua việc phê bình điện ảnh, họ nhắm đả kích cả vào chế độ. Điển hình hơn cả, độc ác hơn cả về mặt này là cái hoạt cảnh ‘Chúng ta gắng nuôi con’ của Chu Ngọc đăng trong ‘Giai phẩm mùa thu tập 3’.  Trong hoạt cảnh này thông qua cuộc bàn cãi về phim giữa hai vợ chồng một anh cán bộ, Chu Ngọc đã cố tình vẽ ra một đời sống ngột ngạt, lo sợ, hoài nghi. Ngột ngạt lo sợ đến nỗi không biết có “tự do khen chê” nữa không? Đến nỗi hai vợ chồng đọc tới tờ báo ‘Nhân dân’ thì phải đỡ đứa con nhỏ cho nó “khỏi giật mình”; và hoài nghi hoang mang đến nỗi chồng hỏi vợ: “Này em, mình có phải là người nữa không?” Và vợ hỏi chồng: “Thế xưa nay, anh vẫn thấy bộ óc, trái tim là không phải của anh ư?”

… Những bài như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy giờ ở các số ‘Nhân văn’, ‘Giai phẩm’  thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó.

 

Sau khi báo ‘Nhân văn’  bị đình bản và thu hồi, các tập ‘Giai phẩm’ và các tờ ‘Sáng tạo’  vẫn chưa bị cấm lưu hành. Nó vẫn còn tác động tới tư tưởng của những người còn giữ nó và những người xung quanh. Ảnh hưởng của những nọc độc ấy đã có dịp bộc lộ rõ rệt ngay cả trong báo ‘Điện ảnh’ (của Cục Điện ảnh) nhân dịp tuần lễ phim Liên Xô kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười, cuối năm 1957 (về những sai lầm này, tòa soạn báo ‘Điện ảnh’ đã sơ bộ tự kiểm điểm trong số báo Tết Mậu Tuất)…

 

Trần Đức Hinh, Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh (Điện ảnh, Hà Nội, s. 14, ra ngày 1/5/1958),

 

 

Người đọc hậu thế đều hiểu, bài viết dẫn trên chủ yếu là bài “đấu tranh”, “kể tội”,  – không chỉ những nhận định ở đó nay đã mất hết ý nghĩa, ngay ở những dữ liệu nêu ra trong đó cũng có thể có những dữ liệu mang tính tố giác mà những người trong cuộc sẽ phủ định (ví dụ sự việc một ông Trần Thịnh nào đó có hùn vốn vào tờ ‘Nhân văn’ – là điều mà những người từng can dự tờ ‘Nhân văn’, – vào những năm 1990, sau khi đã có quyền nói năng như mọi công dân bình thường chứ không còn bị cấm đoán như những phạm nhân, – đều phủ nhận: theo họ, tòa soạn ‘Nhân văn’  không nhận tiền hay vay mượn của bất cứ ai). Về quan hệ giữa nhóm làm báo ‘Nhân văn’  với ‘nhóm ‘Sáng tạo’  cũng vậy: có thể có một vài cá nhân trong tờ ‘Nhân văn’ chơi với các cá nhân trong nhóm ‘Sáng tạo’, nhưng hai nhóm là độc lập, không liên lạc gì với nhau.

 

Tuy vậy, vẫn có thể tạm tin để sử dụng một số dữ liệu về tờ báo ‘Sáng tạo’  được nêu trong bài trên của Trần Đức Hinh: ngày ra hai số báo, tên một vài bài viết và tác giả của nó; và như thế, số dữ liệu mà ông Hinh bất đắc dĩ cho hậu thế sử dụng, quả là không nhiều: 1/ ‘Sáng tạo’ số 1 ra ngày 5/11/1956; số 2 ra ngày 20/11/1956; 2/ Tên một vài bài đăng trên ‘Sáng tạo’: ‘Góp thêm ý kiến với đồng chí Ni-cô-lai’ của Kỳ Nam; một bài điểm phim, cũng của Kỳ Nam; bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’ của Vũ Phạm Từ (đăng ‘Sáng tạo’ số 2); 3/ Tên một số người có bài đăng hoặc nói chung là có trong ‘nhóm Sáng tạo’: Trần Thịnh, Trần Công, Phạn Tại, Cao Nhị, Phan Vũ, Chu Ngọc.

 

Ở một bài đấu tranh khác, hậu thế cũng sẽ chỉ rút được rất ít thông tin: bài “Luận điệu phản động và âm mưu nguy hiểm của những phần tử Nhân văn – Giai phẩm về vấn đề tính chất và lãnh đạo sản xuất phim ảnh”, ký bút danh Bảo Kính, (‘Điện ảnh’  s. 17, ra ngày 15/6/1958). Xin dẫn một số đoạn:

 

 – Trong khi Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, v.v… đả kích thậm tệ vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung, thì Trần Công, giống như một tên lâu la đã nghe thấy tiếng mõ thúc quân xuống núi, liền tấn công điên cuồng vào tổ chức lãnh đạo ngành sản xuất phim.

 

Dưới đầu đề ‘Tiến tới thành lập Hội những người công tác điện ảnh’ (báo ‘Sáng tạo’ số 1, ra ngày 5/11/1956), Trần Công đòi “xét lại tổ chức hiện tại đang lãnh đạo công tác làm phim”. Hắn chê bai những “người lãnh đạo”: nào là “quan niệm không đúng về văn nghệ và chính trị”, nào là “dùng mệnh lệnh bắt văn nghệ sĩ hành chính hóa cuộc sống, bắt họ đẻ non đẻ vội cho phục vụ kịp thời”. Hắn kêu la, cào mặt ăn vạ: “Tự do sáng tác bị ngăn trở, tự do dân chủ, tự do tư tưởng của người nghệ sĩ làm phim bị vi phạm nặng nề, sức sáng tác bị kìm hãm nặng nề”, v.v… Hắn kết luận trắng trợn: “Đã đến lúc phải xét lại toàn bộ vấn đề … phải định rõ vị trí và quyền hạn của Xưởng phim Việt Nam … Do những tệ lậu, những sai lầm nghiêm trọng của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh mà phải nhận định rằng tổ chức điện ảnh hiện nay không còn hợp lý nữa!”

 

–… Hoạt động của Trần Công hồi đó đã bị một số lớn anh em công tác điện ảnh phản đối; có những ý kiến đòi tống cổ hắn ra ngoài tổ chức. Tuy vậy, theo đường lối kiên trì giáo dục của Đảng ta, cơ quan Xưởng phim Việt Nam vẫn lưu hắn lại và giao cho làm công việc phiên dịch. Hắn không tự biểt mình, thường tự xưng là “nhà” đạo diễn điện ảnh, khuếch khoác đến cái mức lố bịch, khiến cho rất nhiều anh chị em công tác trong các bộ phận của Xưởng phim phải khó chịu. Thế nhưng rất đáng tiếc là cũng có một số anh em chúng ta lúc đó đã bị mắc vào cái thòng lọng của hắn mà viết những bài có tác dụng “chứng minh” hoặc “phát triển” những nhận định của hắn. Thí dụ như Nắng Mai Hồng viết bài ‘Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh’. Bài này đăng lòng thòng liền trong hai số báo ‘Sáng tạo’, đả kích lãnh đạo bằng những lời mỉa mai cay cú, kích động nhiều anh em khác.

 

Báo ‘Sáng tạo’ chỉ mới ra được đến số 2 thì đã chết theo báo ‘Nhân văn’. Nhưng chỉ mới trong hai tờ ‘Sáng tạo’, chúng ta đã thấy đầy rẫy những bài, những đoạn, những mẩu vụn vặt (cả thủ đoạn trích đăng một phần vở kịch ‘Không một tiếng vang’ của Vũ Trọng Phụng nữa) xoay quanh cái luận điệu đả kích của Trần Công, hoặc trắng trợn, hoặc lập lờ nham hiểm. Đối tượng đả kích nói chung là Xưởng phim Việt Nam, là Quốc doanh chiếu bóng, những cơ sở của nền điện ảnh xã hội chủ nghĩa.

 

Bảo Kính, Luận điệu phản động và âm mưu nguy hiểm của những phần tử Nhân văn – Giai phẩm về vấn đề tính chất và lãnh đạo sản xuất phim ảnh (‘Điện ảnh’ , Hà Nội,  s. 17, ra ngày 15/6/1958).

 

Với bài ký bút danh Bảo Kính trên đây, hậu thế có thể rút được thêm mấy tin tức nữa: 1/ Trên báo ‘Sáng tạo’ có đăng các bài ‘Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh’  của Nắng Mai Hồng (bài này đăng liền ở cả 2 số); bài ‘Tiến tới thành lập Hội những người công tác điện ảnh’  của Trần Công (‘Sáng tạo’ số 1); một đoạn trích kịch ‘Không một tiếng vang’ của Vũ Trọng Phụng, chưa rõ đăng ở số nào; 2/ Ở một chỗ khác trong bài của Bảo Kính có nói rằng “Trần Công lúc đó đã chui được vào làm một trong ba ‘ủy viên thường trực Ban vận động thành lập Hội (hai ‘ủy viên’ nữa là Phan Tại và Vũ Phạm Từ)”. Đây phải chăng là nói về một Ban vận động thành lập Hội những người công tác điện ảnh hồi 1956-57?

 

 

Về ba bài tự kiểm điểm của Cao Nhị, Vũ Phạm Từ và Nắng Mai Hồng, một số thông tin ta có thể rút ra được hầu như chỉ là sự xác nhận của mỗi người rằng chính mình đã viết những bài như thế, với những dụng ý xấu xa như thế … Sự ăn năn hối hận, thấm đậm từng câu từng chữ, khi đó là hành vi cần thiết để mỗi người mắc lỗi có thể tiếp tục tồn tại, nhưng không phải là điều mà ngày nay ta nên nghe lại, vì vậy, tôi sẽ không trích lại mà chỉ xin rút lấy sự việc qua những lời thú nhận và tự lên án ấy, được viết ra cách nay đã 50 năm:

 

 

– Cao Nhị (Tôi đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giới thiệu phê bình phim ảnh // Điện ảnh, s. 15, ra ngày 15/5/1958) cho biết ông viết khá nhiều bài phê bình phim ảnh, đã đăng các báo ở Hà Nội hồi 1956 như ‘Nhân văn’, ‘Cứu quốc’, ‘Hà Nội hàng ngày’, ‘Độc lập’,… và tất nhiên, báo ‘Sáng tạo’.  Với tờ này, ông cho biết ông đã nhận lời làm thư ký tòa soạn; trên tờ này ông đã viết những bài như ‘Bạn thấy phim Liên Xô thế nào?’ , ‘Phỏng vấn rạp Kim Đồng’  (ký P.V.), ‘Hai giờ với đạo diễn Ê-gô-rốp’, (nhưng không ghi rõ là bài nào đăng số nào). Với vai trò là người chịu trách nhiệm về bài vở của tòa soạn ‘Sáng tạo’, Cao Nhị cho rằng ông đã cho đăng những bài “đả kích phim ảnh Liên Xô” của Trần Công, Nắng Mai Hồng, Phan Vũ, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam, v.v… trong số này ông chỉ kể tên một bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’ của Vũ Phạm Từ.

 

– Vũ Phạm Từ (Tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng đối với Đảng // Điện ảnh, s. 19, ngày 15/7/1958) cho biết ông là đảng viên được Đảng giao công tác trong ngành điện ảnh từ 1952; bài của ông tập trung nói về sai lầm của ông trong việc tham gia Ban biên tập báo ‘Sáng tạo’  và trong việc viết bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’  đăng ‘Sáng tạo’ số 2.

 

– Bài tự kiểm điểm của Nắng Mai Hồng (Đảng đã thức tỉnh tôi // Điện ảnh, s. 20, ngày 1/8/1958) chỉ được báo ‘Điện ảnh’ trích đăng một đoạn. Tác giả kể lại, bài báo ‘Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh’ (đăng ‘Sáng tạo’ số 1 và 2) vốn là tham luận dự định đọc trong hội nghị tổng kết phim thời sự của Xưởng phim; tác giả tập hợp những mắc míu trong công tác làm phim và một số hiện tượng “mà lúc ấy, với lối nhìn bi quan, lệch lạc trên kia, tôi cho rằng đó toàn là ‘tai nạn của anh em’ do các đồng chí cán bộ phụ trách Xưởng và đồng chí thứ trưởng phụ trách điện ảnh gây ra”. Ông nhận rằng mình đã sai lầm khi đồng ý để Trần Thịnh, Trần Công đưa đăng bài tham luận ấy trong báo ‘Sáng tạo’.

 

Như vậy, với những nội dung được nêu trong các bài báo kể trên, ta càng thấy rõ tờ báo ‘Sáng tạo’ (xuất bản ở Hà Nội năm 1956) là có thật. Đó là một tờ báo tư nhân, chuyên về điện ảnh, chủ nhiệm là Trần Thịnh, thư ký tòa soạn là Cao Nhị. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 05/11/1956; số 2 ra ngày 20/11/1956. Về các bài đã đăng ở hai số này, tạm thời mới chỉ biết được tên một số bài:

– ‘Tiến tới thành lập Hội những người công tác điện ảnh’  của Trần Công (‘Sáng tạo’ số 1);

– ‘Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh’ của Nắng Mai Hồng (‘Sáng tạo’ số 1 và 2)

– ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’  của Vũ Phạm Từ (‘Sáng tạo’ số 2).

– ‘Bạn thấy phim Liên Xô thế nào?’  của Cao Nhị (‘Sáng tạo’ số 1)

– ‘Phỏng vấn rạp Kim Đồng’  (ký P.V.) của Cao Nhị (‘Sáng tạo’ số 1)

– ‘Hai giờ với đạo diễn Ê-gô-rốp’ của Cao Nhị (‘Sáng tạo’ số 2)

– ‘Góp thêm ý kiến với đồng chí Ni-cô-lai’ của Kỳ Nam (‘Sáng tạo’ số 1)

– Một số mục ‘Điểm phim’ do Kỳ Nam viết (ở 1 trong 2 số hoặc ở cả 2 số)

          – Trích đăng kịch ‘Không một tiếnng vang’ của Vũ Trọng Phụng (ở 1 trong 2 số hoặc cả 2 số)

 

Ngần ấy dữ liệu rút được từ các bài phê phán và các bài tự kiểm điểm của một số người can dự vào hoạt động của tờ ‘Sáng tạo’, dĩ nhiên còn xa mới có thể cho thấy diện mạo đầy đủ của ấn phẩm yểu mệnh ấy.

 

                                                                                     31/01/2010