ĐÔI DÒNG GHI SAU TÁC PHẨM

ĐI! ĐÂY VIỆT BẮC!

HÙNG CA-LỤA CỦA TRẦN DẦN

 

Đi! đây Việt Bắc, tác phẩm mà tên gọi thể loại được tác giả Trần Dần đặt bằng cái tên kép “hùng ca-lụa”, − được xuất bản lần này không phải lần đầu.

 

Được công bố sớm nhất của tác phẩm này là đoạn trích chương cuối, đăng tuần báo “Văn” (Hội Nhà văn Việt Nam) số 28, ngày 15/11/1957 với nhan đề “Hãy đi mãi” và sau đó ít lâu là một đoạn trích khác, đăng tạp chí “Văn nghệ quân đội” số 12 (tháng 12/1957) với nhan đề “Đây! Việt Bắc”.

 

Nhưng tiếp đó, liền trong 30 năm ròng, tác phẩm này hoàn toàn chìm trong im lặng, tưởng như vĩnh viễn bị lãng quên hoặc xóa bỏ.

 

Ngay đầu thời đổi mới, một số chương tác phẩm này của Trần Dần lại được trích đăng trên các tạp chí Tác phẩm văn học, Sông Hương, và nhất là tạp chí Lang-bian: trong số ra tháng 2/1988, tạp chí này đã trích đăng 4 chương của Đi! đây Việt Bắc. 

 

 Cũng trong những năm đầu đổi mới, tác phẩm này của Trần Dần lần đầu tiên được in thành sách riêng, dưới nhan đề “Bài thơ Việt Bắc” (Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1991), bao gồm hầu như tất cả các chương của tác phẩm này trừ chính cái chương từng xuất hiện 34 năm trước trên tuần báo “Văn” (việc bỏ lại chương này hẳn cũng chỉ nhằm thỏa mãn cái tâm lý cao ngạo của những ai nối nhau ở ngôi quản lý?). Sau đó 17 năm, 3 chương của tác phẩm này được trích in vào cuốn tuyển “Trần Dần. Thơ”  (Nxb. Đà Nẵng, 2008).

 

Và chỉ đến tập sách bạn đọc đang cầm trên tay, toàn bộ tác phẩm mới được ra mắt toàn vẹn trong cùng một ấn phẩm.

 

         Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Đi! đây Việt Bắc” được tác giả hoàn thành!

Không ít người vốn có thể là người-đọc-đương-thời của tác phẩm này, nhưng đã không còn thời gian để được đọc nó trọn vẹn; cũng có khá nhiều người sẽ chỉ có thể là người-đọc-hậu-thế của tác phẩm, nhưng có lẽ sẽ không dễ để hiểu rõ về nó, do sống ở một thời gian khác. Bởi vậy chăng, các bạn làm sách muốn tôi nói thêm đôi điều về bối cảnh tác giả viết tác phẩm này cùng một vài điều liên quan?

 

         Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Đi! đây Việt Bắc!” được tác giả hoàn thành! Nhưng ta có thể chia sẻ cảm nhận của chính tác giả Trần Dần cách nay vài chục năm, chính xác là năm 1987, khi đem bản thảo gốc “Đi! đây Việt Bắc!” ra xem lại, trước mặt các con, − lúc ấy đã là những độc giả trưởng thành, − ông vẫn thành thật bảo: “Hơn 30 năm mà nay đọc lại vẫn thấy mới như vừa viết ráo mực!”

 

         Trong đời văn Trần Dần, “Đi! đây Việt Bắc!” thuộc vào giai đoạn sáng tác thứ hai. Người ta biết, năm 19 tuổi, khi nhà thơ trẻ này cùng bạn thơ Nam Định ra Bản tuyên ngôn tượng trưng  và công bố những bài thơ đầu tiên của nhóm mình trên báo “Dạ đài” ở Hà Nội (tháng 11/1946), thì cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Ngay sau đó, ông đã tham gia bộ đội, dấn thân vào cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Ông sống và làm việc tại các chiến trường Tây Bắc, Việt Bắc, tham gia nhiều chiến dịch, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã từng chia sẻ với đồng đội từng nắm cơm thiu trong chiến hào, từng mẩu thuốc lúc nghỉ ngơi, từng viên đạn lúc giáp chiến quân địch. Ông đã hoạt động như một người lính cầm bút, viết và vẽ, cổ vũ cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Các tác phẩm của ông, − truyện, thơ, tiểu luận − thường xuyên xuất hiện trên “Sinh hoạt văn nghệ”, ấn phẩm báo chí sớm nhất của lực lượng văn nghệ quân đội, những năm 1953-1954. Những trang đầu tiên của tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần, − cuốn tiểu thuyết viết sớm nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ, − đoạn trích mang tên Nằm quân y, đã xuất hiện ở những trang đầu và được dùng làm tên gọi chung cho ấn phẩm “Sinh hoạt văn nghệ” tháng 10/1954. (1) Người người lớp lớp là dấu mốc đáng kể nhất của ngòi bút Trần Dần góp vào văn xuôi thời kỳ kháng chiến (1946-1954); nó gắn với Điện Biên, với Việt Bắc.

 

         Chỉ ít năm sau Người người lớp lớp, Trần Dần đã trở lại với địa danh Việt Bắc, bằng một trường ca: Đi! đây Việt Bắc!

 

***

 

Nhà thơ Trần Dần viết Đi! đây Việt Bắc!  trong hoàn cảnh nào?

Như đã được ghi ngay ở cuối tác phẩm: trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/1957.

Với riêng Trần Dần và với giới văn nghệ miền Bắc, từng đoạn nhỏ thời gian của những năm 1954-58, mỗi đoạn mang một ý nghĩa khác.

        

Khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/1957, với riêng Trần Dần và với giới văn nghệ miền Bắc đương thời, có nhiều thứ bất thường đã đi qua, lại có những điều bất thường còn chưa đến.

         Đã qua, cái vinh hạnh của cây bút có cuốn tiểu thuyết đầu tiên về sự kiện chiến thắng Điện Biên mang tên Người người lớp lớp (1954).

         Đã qua, cái hạn bị biệt giam (hay gọi cho “nhã” là bị cấm trại) từ 13/6 đến 14/9/1955 nhân danh “quân kỷ” đối với một quân nhân, vì những đòi hỏi sửa đổi căn bản chính sách đối với văn nghệ sĩ trong quân đội.

         Đã qua, cái hạn tiếp theo: vì bài thơ Nhất định thắng đăng Giai phẩm mùa xuân 1956 mà ấn phẩm này bị tịch thu, tác giả bài thơ bị lãnh đạo Hội văn nghệ Việt Nam, trực tiếp là ông Thường vụ Hoài Thanh, kết luận là “phản động”, “vu khống, xuyên tạc” thực tế đời sống miền Bắc, rốt cuộc Trần Dần bị bắt giam 3 tháng ở Hỏa Lò, Hà Nội.

Đã qua, những tháng bùng nổ (từ khoảng tháng 8 đến tháng 11/1956) của luồng dư luận đòi mở rộng tự do dân chủ, của phong trào “phê bình lãnh đạo văn nghệ” mà biểu hiện rõ nhất là sự xuất hiện báo “Nhân văn”, các tập “Giai phẩm”, “Đất mới”, các ấn phẩm “Sáng tạo”, “Trăm hoa” (do ảnh hưởng từ xa của Đại hội 20 ĐCS Liên Xô với việc “chống sùng bái cá nhân”, đề xuất “lãnh đạo tập thể” và “tăng cường phê bình và tự phê bình”; lại cũng từ rất gần, do việc Đảng Lao động VN thừa nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức nên quyết định sửa sai); nhưng sự bùng nổ này đã sớm bị ngăn chặn bằng các lệnh cấm, bằng việc phát động phong trào “đấu tố” bằng dư luận của lớp quần chúng tả khuynh. Nói riêng về Trần Dần, chính do phong trào “phê bình lãnh đạo văn nghệ”, ông được trả tự do, trở về với đời thường, với văn nghệ, góp một số bài vở vào các ấn phẩm trên: ngoài “Nhất định thắng” “Lão Rồng”  in lại ở “Giai phẩm mùa xuân 1956”; là: đoạn thơ “Tôi đứng mênh mông chỉ mặt ngài Ngô” (trích “Cách mạng tháng Tám”) đăng “Nhân văn” số 5 (20/11/56), bản dịch Một cuộc kỳ ngộ của Maiakovski ở thôn quê  mùa hè  in “Giai phẩm mùa đông”, các bài thơ Hai giòng chữ Nhớ  in “Sách Tết 1957” ; nhưng chính chuyện xử lý của lãnh đạo đối với con người một quân nhân văn nghệ là Trần Dần – tác giả từ “Người người lớp lớp” đến “Nhất định thắng” được kể lại trong bài hồi ký của Hoàng Cầm trên “Nhân văn” số 1 (15/9/1956) mới là hiện tượng gây sốc trong dư luận. Cũng trong thời gian ấy, khoảng tháng 10/1956, nhà xuất bản Văn Nghệ cho ra mắt tập “Cửa biển” của 4 tác giả, trong đó Trần Dần góp gần như toàn bộ trường ca “Cách mạng tháng Tám”, bên cạnh Hoàng Cầm (Tiếng hát quan họ), Lê Đạt (Bốn bài thơ), Văn Cao (Những người trên cửa biển).

 

         Xảy ra hầu như cùng thời điểm với việc Trần Dần đặt bút viết “Đi! đây Việt Bắc!” là sự kiện Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (từ 20 đến 28/2/1957), với việc biểu dương nền văn nghệ đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và nhà nước; với đề án khuyến khích lập các hội chuyên ngành trong phạm vi Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; tại đây cũng vang lên những lời của ông Trường Chinh (người vừa mất chức Tổng bí thư Đảng LĐVN hồi tháng 10/1956 vì sai lầm trong chỉ đạo CCRĐ) lên án mạnh mẽ luồng dư luận đòi mở rộng tự do dân chủ nói chung và phong trào phê bình lãnh đạo văn nghệ nói riêng vừa bột phát trong 3 tháng đã bị dẹp lại, mà từ đây được gói chung vào biểu tượng “Nhân văn – Giai phẩm”; tuy vậy, mọi sự trừng phạt đều còn treo đấy, chưa triển khai. 

 

         Cũng có thể nói “Đi! đây Việt Bắc!” được viết cùng thời với sự ra đời Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4/1957), cùng thời với những ngày tháng hiện diện ngắn ngủi tuần báo “Văn” của Hội (10/5/1957 – 17/1/1958).

 

         Sự phấn chấn của giới nhà văn vì có Hội của mình, có tờ tuần báo của Hội mình, sớm bị dội nước lạnh. Tháng 7/1957, một vài cây bút dựa hơi quyền uy tung ra dư luận cái nhận định: 10 số đầu đã chứng tỏ tuần báo “Văn”  lạc hướng, không biểu hiện được “con người thời đại”, con người xã hội chủ nghĩa! Các nhà văn, từ những người phụ trách tờ báo như Nguyên Hồng, Tế Hanh đến những tên tuổi hàng đầu như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đã nối nhau phản ứng lại nhận định vô lối ấy, gọi đích danh đó là thứ phê bình giáo điều, máy móc, mượn danh báo đảng đe dọa nhà văn. Họ đâu nhận ra cả một sự khiêu chiến có bài bản lớp lang, nhờ đó, luồng dư luận tả khuynh lại được dịp khuấy lên, những trừng phạt còn treo lại từ Đại hội văn nghệ được dịp giáng xuống. Cả giới văn nghệ thêm một lần bị đe nẹt khi những ai từng có bài tham gia các số “Nhân văn”, các tập “Giai phẩm” đều bị trừng phạt nặng, – những người này, trong đó có Trần Dần, từ đây (từ khoảng tháng 6/1958) bị tước mất tư cách đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp trong giới mình, bị biến thành kẻ thù giai cấp, bị đấu tố, trở thành đối tượng cải tạo, bị áp dụng các hình thức phân biệt đối xử suốt hàng chục năm dài.

        

         Nhưng điều đó còn chưa xảy ra, khi Trần Dần viết “Đi! đây Việt Bắc!”

 

Thậm chí trong thời gian bản trường ca đang thành hình dưới tay bút mình, tác giả của nó đôi lúc còn thong thả viết bài điểm tình hình Nhìn lướt văn thơ gần đây (“Văn” s. 12, ngày 26/7/1957), chia sẻ cái nhận xét: “sự sáng tạo văn học với cuộc sống, nó đang còn so le, cách nhau quá”. “Nguyên do vì đâu? Tôi không đủ sức phân tích, vì nó phức tạp, ở mỗi cây bút mỗi khác. Người thì thiếu gan vượt qua những cái nhí nhách hàng ngày; người thì thiếu con mắt nhìn cho ra sự thực, hoặc thiếu bàn tay thợ, mạnh bạo mà khéo, để đúc tạc sự thực thành tác phẩm, v.v… Mỗi người thiếu một thứ, thế là văn thơ thiếu cái hơi thở lớn lao và bão táp của cuộc đời”.

 

Chương cuối “Đi! đây Việt Bắc!” viết xong, Trần Dần đưa đăng báo “Văn”  (dưới nhan đề Hãy đi mãi  đã nhắc ở trên), và sau đó, có vẻ như ông có thời giờ để tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt của Hội nhà văn. Tuần báo “Văn” số 29 (22/11/1957) cho biết Trần Dần dự và có ý kiến ở hai cuộc sinh hoạt: câu lạc bộ của Hội với tiêu đề “Thơ và công chúng” (diễn ra ngày 4/11/57) bên cạnh những Tú Mỡ, Văn Cao, Vĩnh Mai, Phan Khôi, Vương Linh, Lê Đạt, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Huyền Kiêu, Xuân Diệu, v.v…  và tọa đàm về văn xuôi ở ban nghiên cứu sáng tác của Hội (diễn ra ngày 9/11/57) bên cạnh những Huy Phương, Hoàng Trung Nho, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khắc Dực, v.v. “Văn” số 31 (6/12/1957): Lại thảo luận về thơ, “Văn” số 33 (20/12/1957): Tiếp tục thảo luận về thơ, cho biết Trần Dần góp lời bên cạnh những Ngân Giang, Trinh Đường, Phùng Quán, Tế Hanh, Hoàng Yến, Phan Khôi, Nguyễn Xuân Sanh, Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Lê Đạt, Yến Lan, Phùng Quán, Vĩnh Mai, v.v…

 

Phải nhận rằng, khi những tay bút say nghề ngồi với nhau, họ đều dễ say chuyện đến nỗi sẵn sàng đổi vai phát ngôn cho nhau. Chẳng hạn, khi nghe Nguyễn Đình Thi tâm sự: lớp nhà văn mới chúng ta (hàm ý có cả ông Thi sinh 1924 lẫn ông Dần sinh 1926 – LNA ghi chú) cái biết về cuộc đời cũ, cuộc đời mới đều không đủ, cái biết về văn học thế giới, văn học dân tộc đều thiếu sót, chúng ta vào nghề không bằng con đường lớn là lao động lăn lộn thật sự để mà viết… Ông Thi còn chưa kịp nói đến con đường nhỏ đi vào nghề của lớp nhà văn này, thì Trần Dần “đối thoại” ngay với mạch nghĩ ấy, chẳng khác gì lời cán bộ tuyên huấn nói với nhà văn: “đi con đường nào cũng phải thành tâm, gian khổ. Lãnh đạo văn học hiện nặng về sửa chữa, nhẹ về phần bồi dưỡng tích cực cho có sáng tác tốt. Phải tổ chức học tập chính sách. Chính sách như một thứ triết học của thực tế” (“Văn” s. 29).

 

Ở cuộc thảo luận thơ, đề tài về lao động và trữ tình, cái chung và cái riêng, Trần Dần đề nghị: “… không cấm đoán đề cao gì từng loại đề tài. Nó như đất dụng võ, xét xem cách anh giồng hoa và tưới bón. Có thể anh làm thơ tiểu tư sản và còn công nông hơn anh làm thơ công nông. Đề tài tình yêu, đất nước, bị cày bao nhiêu đời. Đề tài lao động chiến đấu như đất phải khẩn hoang vì chưa ai thành công – nhà phê bình nên cẩn thận”. (“Văn”, s. 33)

 

Ở cuộc thảo luận thơ và công chúng, Trần Dần bộc bạch: “Làm thơ hay phải đã nhuyễn sự sống vào mình rồi. Bản thân người làm thơ phải có kinh nghiệm ấy. Quy luật của hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi như thế. Thơ nào gọi là mới đều chiến đấu cho những tư tưởng tiền tiến nhất của thời đại. Cái mới ấy không thể chỉ lấy trong sách ra mà đủ. Nó là một quá trình chiêm nghiệm cuộc sống thật vất vả. Bản sắc của tác giả chỉ có thể trưởng thành trong thực tế mới có tính chất độc đáo. Thể nghiệm lâu dài bản sắc mới bộc lộ. Cho nên phải để cho người làm thơ tìm tòi lâu dài. Tăng cường sự giúp đỡ họ”. (“Văn”, s. 29)

 

Mấy ý kiến vừa dẫn trong mấy cuộc sinh hoạt câu lạc bộ Hội nhà văn mà phóng viên tuần báo “Văn”  lược ghi, hầu như là tất cả những sinh hoạt văn nghệ “đoàn thể” (= chính thống) sau cùng mà Trần Dần còn được tham dự. Khi đó, trường ca “Đi! đây Việt Bắc”  đã hoàn thành.

 

 

***

 

Như vậy, có thể nói, Trần Dần viết Đi! đây Việt Bắc trong một tình thế tương đối an bình, một số tai nạn đã đi qua, sự trừng phạt tiếp theo còn chưa tới; tác giả đang được hưởng quy chế sống của một cán bộ sáng tác, một hội viên Hội nhà văn. Trạng thái bình thường dẫu là tạm thời này hẳn là điều dù sao cũng liên quan đến âm hưởng chung của tác phẩm này, – một “hùng ca-lụa” như chính tác giả định tính cho nó ở phụ đề. (2)

 

Dù có chất “lụa” (= mềm mại), “Đi! đây Việt Bắc!” trước hết vẫn là một khúc hùng ca; nó ca ngợi biểu tượng Việt Bắc như đất phát tích cách mạng, ca ngợi những hy sinh gian khổ trong cuộc kháng chiến, những chiến tích từ bình thường đến kỳ vĩ đã làm nên chiến thắng; cũng có thể gọi đây là lời kể bao quát theo lối anh hùng ca (épopée, như chính tác giả gọi) về tiến trình kháng chiến, nhất là từ thu đông 1947 đến trận Điện Biên lịch sử, − riêng sự kiện Điện Biên này đã chiếm tới 2/14 chương tác phẩm; nhịp hô “Đi!” luôn trở đi trở lại như điệp khúc thúc giục đi tới, vươn tới mãi, như là hiện thân tư tưởng cách mạng không ngừng của những người cộng sản.

 

Âm hưởng chung của trường ca này, thiển nghĩ, sẽ được thể hiện một cách thuận lợi khi con người tác giả đang cảm nhận mình như là người được xã hội chính thống tôn trọng với đầy đủ giá trị thông thường, ngang bằng những con người cũng là cán bộ hay quân nhân khác. Sẽ khó thể hiện âm hưởng này hơn, nếu tác giả viết nó chỉ sau đó một năm, khi danh dự đã bị tước mất, khi con người tác giả đã bị coi như đối tượng cải tạo. Tất nhiên một cây bút có bản lĩnh như Trần Dần, luôn giữ được ý thức về giá trị bản thân, hẳn cũng có thể tạo ra được một tâm trạng cần thiết để thực hiện những dự đồ nghệ thuật tương ứng. Song, tôi nghĩ, điều may mắn là âm hưởng hùng ca của “Đi! đây Việt Bắc!” đã kịp định hình vào thời điểm không thể muộn hơn của nó, vì nếu chỉ chậm đi dăm tháng, âm hưởng ấy khó mà kết tinh như ở dạng thức đã có. Chính dạng thức kết tinh của âm hưởng ấy xác nhận: tác giả đã viết nó với tư cách một thi sĩ cách mạng.

 

  Hãy tin chắc

                  rồi ta

                          xứng đáng

 

  một vòng hoa đỏ nhất

                               phủ quan tài.

 

 

Trong đời thơ Trần Dần, “Đi! đây Việt Bắc!”  cũng nằm ở đoạn chót thời kỳ mà thơ bậc thang với khẩu khí Maiakovski còn chưa thôi ám ảnh tác giả. Rồi ra Trần Dần sẽ bỏ qua thơ bậc thang, bỏ qua các dạng thức thơ dễ hiểu với đại chúng, trong đơn độc của tình trạng bị tách biệt với công chúng, đã đi vào thể nghiệm nghệ thuật ý niệm, thể nghiệm thơ thị giác và nhiều thử nghiệm khác. Nhưng lúc này, đầu năm 1957, ông vẫn còn vương vấn với thơ bậc thang.

 

Thơ bậc thang, nói gọn lại, tức là cái đáng lẽ là một dòng (chữ) thơ, lại được viết thành nhiều dòng (chữ) thơ với những vị trí lệch nhau tạo hình ảnh những bậc thang, − có thể là một dạng thức của thơ thị giác và sắp đặt, mặc dù nó dừng lại ở việc tạo ra đại trà những trang thơ với những dòng liên tục xuống hàng, chứ chưa tiến đến việc sắp đặt câu chữ mỗi bài thơ vào một hình dạng cá biệt duy nhất (điều mà, chẳng hạn, Apollinaire ở Pháp đã làm hồi 1914 hay Nguyễn Vỹ và một số cây bút khác ở Việt Nam đã làm hồi những năm 1930).

 

Nhưng thơ bậc thang, dưới tay bút Trần Dần, thường nhiễm trong cái mà các bạn thơ của ông gọi là “khẩu khí Maiakovski”, − một biểu hiện của phong cách đa-đa hoặc vị lai, của tâm trạng cách mạng mà hiển thị trong diễn ngôn thi ca là sự xen kẽ của những âm chỏi, những sắc giọng khiêu khích, gây gổ, đập phá.

 

Từ lâu Trần Dần đã rất hâm mộ Maiakovski. Năm 1955, nhân tưởng niệm 25 năm ngày mất Maiakovski (14/4/1930), Trần Dần đã có bài viết ngắn gọn súc tích về nhà thơ Nga Xô-viết lỗi lạc này.

 

…“thơ của Mai-a-kốp-ski không phải để vừa lòng những người quen xét thơ bằng những công thức. Những người rút rát e dè không thể hài lòng. Những người quen thả mình trong thơ cho nó êm ả, nhẹ nhàng, sít soa tình cảm chủ nghĩa. Họ không mãn ý, không hiểu nổi Mai-a. Họ còn bị phật ý, phản ứng mạnh nữa. Vì thơ Mai-a phủ nhận những quan niệm thơ và những lối sống ỷ eo, trì trệ, công thức, sơ sài, cảm tính. Thơ Mai-a luôn luôn tấn công vào những cái đó, − đánh liên tiếp vào mặt quân thù và những tàn tích cũ còn rớt lại nặng nề. Chưa đâu bằng trong thơ Mai-a-kốp-ski, người ta thấy tinh thần của người cộng sản tấn công mà sáng suốt, khốc liệt mà hiền từ, căm giận mà thương yêu, nghiêm khắc mà độ lượng, lốc bão mà bình tĩnh, dữ tợn mà từ bi. Thơ Mai-a thống nhất được nhiều mâu thuẫn. Không giản đơn một chiều, thơ Mai-a mang cả cái phong phú của cách mạng, mang cả những tình cảm lớn lao và cả những thương yêu buồn tủi thường tình của con người. Vì vậy thơ Mai-a càng đọc càng hay, càng đọc càng thấm. Hệt như một người thầy, một người bạn, một người tình nhân giàu sáng tạo, mỗi ngày gặp lại tìm ra một điều mới. Không gặp thì nhớ. Bẵng đi lâu cũng không bao giờ quên được”.

 

… “Mai-a thù ghét tới ám ảnh kẻ thù và những chủ nghĩa của chúng (trì trệ, tiêu cực, công thức, nho lại…). Mai-a yêu tới nồng cháy giai cấp và cuộc đời cách mạng. Chính vì vậy Mai-a có một sức làm việc ghê gớm. Không phải 8 tiếng mà suốt 14, 16 tiếng, óc nhà thơ luôn luôn động: tìm tòi, nhận xét… Mai-a gom góp công phu “chất liệu thơ”, − như người ta gom góp vôi cát xây trăm ngàn thành phố lớn. Cho nên Mai-a có thừa thãi vốn liếng chất sống để làm những đề tài nóng hổi thời sự. Mai-a đặt một vần thơ nào là có cả một cái nền kinh nghiệm sống phong phú làm nền. Mà cũng vì Mai-a căm thù và thương yêu cao độ, nên tất cả những khó khăn thành kiến, thậm chí bất công và hiểu lầm của xung quanh không làm ngã lòng thi sĩ. Mai-a can đảm, táo bạo sống và làm thơ. Cả cuộc sống, cả sự nghiệp thi ca của Mai-a là một cuộc tấn công mãnh liệt, không ngừng.

              Tất cả sức lực hùng tráng người thi sĩ

                         tôi hiến cho

                                           giai cấp tấn công.

 

Câu thơ đó của Mai-a là phương châm sống và viết của thi sĩ. Mai-a đã làm đúng như vậy. Ở gian buồng Mai-a ở xưa kia bây giờ thành nhà “Bảo tàng Mai-a-kốp-ski”, người ta ghi câu thơ đó bằng chữ lớn. Nhân dân Liên Xô nhớ những bài thơ Mai-a đăng trang đầu báo, nhớ hình ảnh Mai-a cao lớn, đi trong phố xá hơn mọi người hẳn một đầu. Cả thế giới dân chủ kỷ niệm Mai-a ngày hôm nay. Người ta nhớ và thấy thiếu Mai-a. Chính vì Mai-a đã can đảm, táo bạo, tận tâm có mặt ở mọi chỗ cần yêu, cần ghét, cần khinh bỉ, cần bảo vệ, cần tấn công”… (3)

 

Đọc lại bài viết này, ta càng thêm tin chắc rằng, nếu thơ bậc thang kiểu Maiakovski dẫu sao cũng chỉ ám ảnh một đoạn đời thơ Trần Dần, thì tinh thần và ý chí sáng tạo của con người nghệ sĩ kiểu Maiakovski sẽ còn ảnh hưởng sâu đậm tuy khó thấy hơn đối với toàn bộ quãng đời sáng tạo còn lại của Trần Dần.

 

Tất nhiên, Maiakovski làm thơ bậc thang bằng chữ Nga; Trần Dần đọc và cảm nhận sáng tạo của Maiakovski qua các bản dịch thơ Maiakovski ra chữ Pháp; đến lượt mình, Trần Dần làm thơ bậc thang bằng tiếng Việt chữ Việt. Thơ bậc thang của Trần Dần cũng như của các tác giả Việt Nam khác đều là những sáng tạo độc lập, dựa sát vào các đặc điểm tiếng nói và chữ viết của mình.

 

Đọc lại “Đi! đây Việt Bắc!”  của Trần Dần và nghĩ đến văn chương Việt truyền thống, càng lúc tôi càng muốn đưa trường ca này xích lại gần những tác phẩm ngâm khúc nổi tiếng như Tự tình khúc, Thu dạ lữ hoài ngâm, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm…  Tôi đã có dịp nêu khái quát cơ cấu thẩm mỹ các tác phẩm thuộc loại này. Hoàn cảnh sáng tác “Đi! đây Việt Bắc!”  cũng như các mạch tự sự-trữ tình của tác phẩm này cho thấy nó cũng có một cơ cấu tương tự.

 

Các khúc ngâm truyền thống, dù dài ngắn khác nhau, dù biểu lộ những sắc thái tâm trạng khác nhau, tựu trung vẫn có một khúc thức chung: 1/nhắc lại những điều như ý từng có; 2/ tỏ rõ những điều bất như ý đang lâm vào; 3/ tỏ hy vọng sẽ thực hiện lại những điều như ý, kêu gọi thực hiện nó.(4)   

 

         “Đi! đây Việt Bắc!”  được viết vào thời điểm từ kháng chiến chuyển sang thời bình, mà cuộc sống thời bình thì đang bộc lộ cái bộ mặt “văn xuôi” nhí nhách của cái hàng ngày, vừa như “mốc meo”, “ngưng đọng”, lại vừa như “con thò lò ngày đêm / hai mặt đói meo / còn quay tít / trên / kiếp người hạ giá”. Cảm nhận tình thế ấy, nhân vật trữ tình của trường ca này nhớ về thuở kháng chiến đã qua, tuy gian khổ nhưng đầy tình người, đầy những hy sinh xả thân mà biểu tượng chung là Việt Bắc, là thiên hùng ca Điện Biên. Trường ca mở ra như mời gọi người đọc theo chân tác giả làm một cuộc đi trong tưởng tượng trở lại vùng đất Việt Bắc, nơi còn đọng lại trong “đáy dạ thời gian” cả một lịch sử thời cách mạng và kháng chiến. Mạch nhớ về quá khứ ấy được xen lẫn với đôi ba cảm nhận thoắt nhói lên thoắt lặng đi về hiện tại với đôi nét như “mùa xuân / bị hắt hủi / mùa hạ / bị gạt lừa”, v.v... Nhưng mạch hồi ức vẫn mạnh hơn, lấn lướt hơn; và đồng thời với dòng hồi ức về quá khứ là sự nổi dậy của điệp khúc “Đi!” như tâm tình, như khuyến nghị, như mệnh lệnh; “Đi!” như là phương cách hành động duy nhất giải thoát hiện tại “ỳ”, “mốc meo” và vô số sắc thái đáng ngán khác; “Đi!” như thời Việt Bắc đã đi qua gian khổ khó khăn giành chiến thắng. Ba mạch tự sự-xúc cảm kể trên là ba thành phần chính, đan xen nhau tạo nên dòng ngôn từ của trường ca “Đi! đây Việt Bắc!”. Nói rằng nó khá gần với thể tài ngâm khúc Việt truyền thống là vì thế. Chỉ khác một điều, ở các khúc ngâm Việt cổ điển, ba mạch trên tạo nên một “ngữ pháp văn bản” rạch ròi cho mỗi tác phẩm; còn ở bản trường ca của Trần Dần, ba mạch này như ba nét chính thường xuyên trở đi trở lại trong dòng tự sự-trữ tình đan dệt nên tác phẩm; dòng hồi ức chiếm dung lượng lớn ở các chương trước tuy lời giục gọi “Đi!” cũng vang lên ở ngay chương đầu; đến chương cuối thì dường như dòng tự sự hồi ức không còn, chỉ còn lời giục gọi “Đi!” là âm hưởng chính, đúng như cái tên “Hãy đi mãi!”  khi chương này được đăng riêng trên tuần báo “Văn” lần đầu.

 

         Vào thời trường ca này đang thành hình, trong thơ ca đương thời cũng đã vang lên không ít lời giục gọi “đi”. Song nếu lời hô “đi tới” ở một vài tác giả khác thường chỉ giới hạn trên bình diện xã hội-thời sự, thì ở trường ca này của Trần Dần, lời giục “Đi!”, “Hãy đi mãi!” lại chủ yếu được triển khai ở bình diện triết lý nhân sinh và lý tưởng thẩm mỹ, diễn đạt khát vọng vươn tới, tiến bộ mãi, hoàn thiện không ngừng sức sáng tạo của con người.

 

Rất có thể chính vì thế mà tinh thần và tư tưởng của bản trường ca này, trên những nét lớn, vẫn không bị cũ đi so với thời gian, dù đã trải qua hơn 50 năm từ lúc được tác giả hoàn thành, dù đến nay nó mới được ra mắt bạn đọc một cách trọn vẹn.

 

                                                                           Hà Nội, 29/5/2009

Chú thích

(1) Trong các năm 1953-1954, “Sinh hoạt văn nghệ”  là ấn phẩm của Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, mỗi số có thêm một tên, thường được đặt theo tên tác phẩm dài nhất in trong số ấy, ví dụ số tháng 9/54 mang tên “Luyện chắc tay súng” (kịch Hoàng Tích Linh), số tháng 10/54: “Nằm quân y” (trích ‘Người người lớp lớp’), số tháng 11/54: “Trở về quê cũ” (kịch hát Tử Phác), số tháng 12/54: “Trở về” (truyện Từ Bích Hoàng)…

(2) Nhân đây xin lưu ý: chính tác giả Trần Dần vào tháng 9/1987 đã đánh dấu sao (*) vào mấy từ “hùng ca-lụa” ở phụ đề để ghi chú thích xuống chân trang về tên thể loại tác phẩm này:

Épopée sur soie? /duy nhất ngụy bổ − tôi thêm hôm nay (9/1987) để đặc định hình thức của hùng ca… Còn tất cả… để nguyên như lịch sử nó đã thế? Trừ ám tả NXB lo. − T.D.-Tư mã Gãy” .

(3) Trần Dần: Vài nét về thi sĩ Mai-a-kốp-ski // Sinh hoạt văn nghệ, H., s. 37 (15/4/1955), tr. 3, 5.

(4) Bài: “Các thể chức năng, trứ thuật, và sáng tác nghệ thuật ở văn học trung đại Việt Nam”, trong cuốn “Đọc lại người trước, đọc lại người xưa”, tiểu luận, tạp văn của Lại Nguyên Ân, Nxb. Hội Nhà Văn, H., 1998, tr. 30-32.