DUYÊN NỢ VỚI THƠ

                           

                   Nhân đọc Thơ - nhận định & thưởng thức

của Trần Mai Châu, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2008

 

           

         Trần Mai Châu quả là người mắc mối duyên mối nợ với thơ. 22 tuổi, ông xuất hiện trong nhóm thơ Dạ đài, tham gia (cùng Trần Dần, Vũ Hoàng Địch) viết Bản Tuyên ngôn Tượng trưng, trình làng bài thơ Theo bóng Tử thần. Đó là năm 1946.

Đúng 50 năm sau, 1996, ông mới cho in cuốn sách riêng thứ nhất: Tuyển dịch thơ Pháp thế kỷ XIX. Và vừa đây, khi bước vào tuổi 85, ông cho in cuốn Thơ, Nhận định và Thưởng thức (Nxb. Văn hoá Sài Gòn).

         Được tác giả gọi là “khảo luận”, nhưng Thơ, nhận định và thưởng thức không thực sự là một chuyên luận (chữ Pháp là monographie), mà vẫn thuộc loại sách tập hợp (tôi nghĩ đến thuật ngữ Nga сборник, ứng với chữ Pháp recueil), tức là sách được tổ hợp lại từ một số bài viết, mang một số nội dung khác nhau, tuy giữa chúng có sự gần gũi nào đó, nhưng không gắn bó hữu cơ với nhau.  Tác giả Trần Mai Châu bố cục sách thành chương mục như một chuyên luận, nhưng thậm chí hình như ông không cần biết đến những quy tắc về ghi chú các trích dẫn, càng không chịu “khổ hạnh” tổ chức nội dung bằng các thao tác quy nạp/diễn dịch, chia các mặt của từng vấn đề cần bàn thành những luận điểm rồi giải quyết chúng về mặt lý lẽ và thực tế, v.v. Ngược lại, ông khá hồn nhiên trải các trang viết xoay quanh những gì mình thích và mình biết, mà tựu trung là thơ và việc dịch thơ. Trung tâm chú ý của tác giả là thơ, thơ tiếng Việt, trong sự liên hệ với thơ chữ Hán và thơ chữ Pháp; mà thơ tiếng Việt, với ông, cũng chỉ khuôn trong phạm vi thơ mới (1932-45) cộng với một ít thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan, Yên Đổ, Tú Xương…, thế thôi!

Ai là người quan tâm đến những góc khuất cuối thời Thơ Mới, sẽ thấy có chút thất vọng, vì đến tập sách này nữa, ở Trần Mai Châu vẫn chưa hé ra phương diện một nhà thơ mới hậu kỳ, một cựu thành viên nhóm Dạ Đài mà về tiềm năng vốn hứa hẹn những bung phá theo hướng văn nghệ tiền phong. Ông có sáng tác thơ nữa không, kể từ sau bài thơ trình làng hồi năm 1946? − Cho đến tận bây giờ, Trần Mai Châu vẫn làm lơ trước câu hỏi ấy. Bù lại, ông cho chúng ta nghe câu chuyện chân phương, mực thước về khá nhiều góc cạnh của thơ, trước hết là ở phương diện ngôn ngữ. 

Đây là câu chuyện của một người rất yêu thơ. Ông giãi bày tình yêu ấy bằng một sự hiểu biết được tích luỹ khá súc tích của mình về nó. Ông đã gắng trình bày nó dưới dạng các tri thức, song người ta thấy chỗ mạnh nhất ở ông là sự trải nghiệm, là kinh nghiệm xúc tiếp với thơ của ông, với tư cách người thưởng thức thơ và người dịch thơ.

Như là muốn chuyển hết những hiểu biết và trải nghiệm của mình sang các dòng chữ cuốn sách này, tác giả đã mượn đến kỹ năng của nhà giáo nơi mình. Ông trình bày thật rõ sự hiểu biết về thơ mà mình thu nhận được, từ kinh nghiệm đọc thơ, làm thơ, dịch thơ. Suốt 7 chương đầu sách, ông gắng nêu những xác định (không tham vọng làm định nghĩa) khả chấp về thơ: Thơ ca (chương 1), Thơ và Văn (chương 2), Thơ và Nhạc (chương 3), Thơ và Thi hứng (chương 4), Thơ và Hình ảnh - Tưởng tượng (chương 5), Thơ và Tường thuật, mô tả (chương 6), Đề tài thông thường (chương 7).

Ở các chương này và nhiều chương khác, có phần chắc, ông không phải là người đề xuất một lý thuyết về thơ. Ông chủ yếu là người thu nhặt; ông nhặt đây đó, ở tác giả Việt hoặc tác giả Pháp, những ý kiến, nhận định mà ông cho là chấp nhận được.

 Phương diện ông quan tâm nhất là ngôn ngữ. Các hình thái tu từ được Trần Mai Châu dành để bàn luận riêng trong một chương sách (chương 8) dài trên 100 trang (tr. 103-272), tức là gần gấp đôi so với tất cả 7 chương trước đó, lại chi tiết hoá thành 13 mục nhỏ, bàn riêng về từng hình thái tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, biểu tượng, v.v… Người viết lời bạt cho cuốn sách này, − nhà giáo Trí Hoà cho rằng chương sách này của Trần Mai Châu “xứng đáng được các nhà giáo dạy văn nghiên cứu và ứng dụng”. Đây không phải một nhận định quá đáng. Ở những trang sách này, tác giả có thể khiến cho những người kỹ tính về thơ phải kính nể, những bạn bước vào nghề thơ phải trân trọng, và những học trò phải biết ơn. Tác giả chăm chú quan sát và phân tích thực tiễn thơ ca, dừng lại ở những câu thơ đoạn thơ cụ thể, lại cố gắng soi rọi liên thông thơ tiếng Việt với thơ chữ Hán và thơ tiếng Pháp. Tất nhiên người ta có thể đòi hỏi ông nhiều hơn, kỹ hơn, chuẩn xác hơn, v.v. Chẳng hạn, ông đã nêu “điệp ngữ-láy đầu” như một hình thái tu từ (tr. 175-187), song ở mục khác, ông lại coi “từ láy-từ ghép” (107-126) như một hình thái tu từ khác, − chỗ này, thiết nghĩ ông đã lầm phương diện từ loại với phương diện hình thái tu từ vốn là phương thức chuyển nghĩa, phương thức sử dụng từ vựng.

Sau chương về các thể thơ (tr. 273-290), cuốn sách đi dần sang các đề tài như Các trào lưu văn học Pháp thế kỷ XIX-XX (tr. 303-326), trong đó lưu ý đến nhận định về thơ trữ tình, về chủ nghĩa siêu thực, về thơ tự do, nói chung là còn khá sơ sài. Tiếp đó quay về với chuyện Thơ và thơ hay (chương 13), Các thi sĩ nổi tiếng của phong trào thơ mới (chương 14), lại bàn đến Tác dụng của thi ca  (chương 15), trước khi đề cập lĩnh vực dịch thơ, thơ dịch, vấn đề dịch đúng/sai và các quan niệm về dịch thơ (các chương 16 và 17). Và Vui cùng thi ca (chương 18) bàn về chuyện chơi chữ, chơi văn trong các sáng tác thơ, được tác giả lấy làm chương kết cho cuốn sách.

Ở tuổi 85 Trần Mai Châu ra được cuốn sách này hẳn là một niềm vui lớn. Niềm vui cho ông đã đành, lại cũng là niềm vui của những người yêu thơ, những người thiết tha với nền thơ tiếng Việt. Xin chia vui cùng ông.

                                                                                                                                                                                                                                            28/5/2008