NGÔ TẤT TỐ VỚI CÁC TỜ BÁO

“TUẦN LỄ” (1938-1940), “TRUNG VIỆT TÂN VĂN”(1946)

         Hoạt động làm báo của Ngô Tất Tố (1894-1954) đã được mô tả khá rõ trong nhiều bài báo và sách nghiên cứu khác nhau. Tuy vậy, có lẽ vẫn chưa thể nói rằng những mô tả ấy đã bao gồm được đủ hết mọi bài báo Ngô Tất Tố từng viết, mọi tờ báo Ngô Tất Tố từng cộng tác.

Chẳng hạn, nếu đối chiếu với những thống kê trong cuốn Tổng thư mục Ngô Tất Tố  (1) thì có thể thấy trong đó vẫn chưa đề cập việc Ngô Tất Tố viết cho tờ Tuần lễ (Vinh, 1938-1940) và tờ Trung Việt tân văn (Hà Nội, 1946).

Dưới đây tôi xin nêu vắn tắt những gì tìm được biết được về bài vở Ngô Tất Tố trên hai tờ báo này.

1/ Các nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh đã cho thấy việc Ngô Tất Tố góp mặt trên tờ Tuần lễ của Nguyễn Đức Bính, bằng việc trích dẫn bài báo Lê-nin và Khổng Tử của ông, đăng báo này (Tuần lễ s. 15, ngày 25/6/1938).(2)  Và nếu ai biết tương đối rõ diện mạo báo chí những năm 1930-1945, tất sẽ thấy bài hồi ký của Nguyễn Đức Bính nhan đề Ngô Tất Tố như tôi đã biết  (đăng Tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội, s. 61, tháng 6/1962) phần lớn là nói về bài vở của Ngô Tất Tố trên tờ tuần báo này ở thành Vinh.

Một điều cũng ít nhiều thú vị về nghề báo là Ngô Tất Tố trong những năm 1938-1940 đã cùng với một số nhà báo khác, viết và biên tập cùng một lúc cho hai tờ báo, một ở Hà Nội, là tờ Thời vụ báo (1938-40) xuất bản ở Hà Nội, do Phạm Toàn là chủ nhiệm, Nguyễn Đức Bính là chủ bút, ra số 1 vào ngày 8/1/1938; và hai là tờ Tuần lễ  ở Vinh. 

Theo thống kê của Huỳnh Văn Tòng thì báo Tuần lễ là tuần báo xuất bản ngày thứ bảy hàng tuần, ra số 1 ngày 19.3.1938, số cuối cùng, s. 115, vào tháng 12/1940. (3) Thư mục của Thư viện Quốc gia, Hà Nội, cho biết tại đây có đủ bộ sưu tập báo này, nhưng hiện tại, được biết trong kho chỉ có sưu tập 40 số của năm 1938. Khảo sát trên sưu tập báo hiện có sẽ thấy, báo ra theo khổ giấy A3 (290x420 cm), ban đầu 4 trang, từ số 32 tăng thành 8 trang; tòa soạn và trị sự ở số 37-39 Rue Jules Ferry, Vinh, chủ nhiệm Nguyễn Đức Bính, chủ bút Nguyễn Triệu Luật. Cũng trên báo này ta sẽ biết chủ nhiệm Nguyễn Đức Bính lúc này là Dân biểu tỉnh Nghệ An trong Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Đọc qua 40 số Tuần lễ đầu tiên này, có thể thấy sự góp mặt đều đặn của ngòi bút Ngô Tất Tố.

Bút danh ông dùng ở đây là Thục Điểu, Thuyết Hải,  Đạm Hiên.

 Bút danh Thục Điểu được dùng thường xuyên cho chuyên mục hài đàm “Nói chơi” ở hầu hết các kỳ báo. Tôi đếm sơ bộ có 27 kỳ trong năm 1938 với những tên bài của từng kỳ như: Dân Bắc Kỳ và lão trên ải (s. 1), Dân chúng Trung Kỳ phải có tượng đồng bia đá để kỷ niệm ông Trần Bá Vinh (s. 2), Pháp-Việt gian (s. 3), Hà Nội có 107 cô “cua-rơ” (s. 4), Tên dân ấy đáng xử tử (s. 5), Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ (s. 6), Bỏ làng nào? (s. 7), Ngày hội canh nông (s. 8), Chẳng riêng gì Hà Đông mới có sử tử (s. 9), Tình đáng quý và cảnh đáng thương của người Tàu (s. 10), Cá không ăn muối… (s. 11), Oan cho cái tóc (s. 12), Hào và bạc (s. 13), Đời vua Kiệt còn tiến bộ hơn chúng ta chút nữa (s. 14), Lê-nin và Khổng Tử (s. 15), Dân Bắc bắt đầu biết giá trị của Viện Dân biểu (s. 16), Chuyện Sài Gòn (s. 17), Đồ Sơn là gì? (s. 19), Nghề ấy cũng nên có một cuộc thi (s. 22), Đời đang chán hay không đáng chán (s. 23), Có lẽ người ấy muốn chống lại với nhóm “Lạnh lùng”? (s. 31), Làm thế nào cho hào khỏi khan? (s. 32), Ông Nguyễn Khắc Doanh đã biết báo “Tràng An” có ông Bắc (s. 36), 5 giải thưởng của báo “Tuần lễ”, “báo “Vịt đực” sắp bị kiện (s. 38), Họ làm loạn ở Bắc Kỳ (s. 39).

Cũng bút danh Thục Điểu được dùng trong mục hài đàm có tên “Tập ảnh”, nhưng mới thấy một kỳ trong năm 1938: Nguyễn Trác và Tào Tháo (s. 37).

Bút danh Thục Điểu cũng được dùng cho một số bài văn tế hài hước nhân các sự kiện thế chiến thứ hai đang diễn ra ở châu Âu khi đó, như: Văn tế của Hội Quốc liên truy điệu nước Áo (s. 3), Bài sớ của Hội Quốc liên cầu yên cho châu Âu (s. 5), Bài văn cúng cháo của hội Quốc liên chiêu hồn các nước đã mất (s. 6)…

Cũng có lúc bút danh Thục Điểu dùng trong mục “Bảy ngày bảy đêm” (s. 20) là mục điểm thời sự, thường do người khác viết, hoặc để ký dưới một số bài nghị luận thời sự như Chiến hay hòa (s. 28) bàn về cục diện chính trị châu Âu đương thời.

Bút danh Thuyết Hải được dùng trong những bài mục nghị luận, ví dụ bài Ý kiến chúng tôi đối với Liên bang Đông Dương của ông Varènne (s. 1).

Bút danh Đạm Hiên được dùng cho các sáng tác mà nay ta gọi chung là văn xuôi hư cấu, như Tôi đi làm rể (truyện ngắn, s. 34), Dầu thua cũng sướng (truyện ngắn, s. 35), Cái chết khôn (truyện ngắn, s. 38).

Ngoài ra, trong báo Tuần lễ những kỳ đầu thấy có đăng một truyện vừa không ký tác giả, tên là Một đời (từ s. 2 đến s. 5) kể chuyện một phụ nữ đi phu đắp đê thay suất đinh của chồng, vì chồng và con nhỏ đang ốm; trên đê chị làm việc vất vả, lại bị nhiều trò hành hạ của bọn cai phu; đến khi hết hạn, chị về được đến nhà thì đứa con nhỏ vừa chết trên tay bà cụ. Đọc truyện này tôi có cảm tưởng nó như một phiên bản tiền thân của truyện dài Tắt đèn. Phải chăng đây cũng chính là tác phẩm thuộc ngòi bút Ngô Tất Tố?

  Trên đây là lược qua những tác phẩm của Ngô Tất Tố trên 40 số Tuần lễ. Tiếc là sưu tập các năm 1939, 1940 của tờ này hiện chưa tìm được, để thấy rõ thêm những trứ tác, sáng tác khác của ông, đồng thời có thể so sánh với tờ Thời vụ để tìm sự tương quan về bài vở của nhà văn Ngô Tất Tố trên hai tờ này.  

2/ Còn về Ngô Tất Tố với tờ Trung Việt tân văn lại gắn với thời điểm đầu năm 1946.

Trong các bản tiểu sử nhà văn họ Ngô, về những năm 1945-47, thường chỉ thấy nêu: năm 1945 ông sống ở quê (làng Lộc Hà phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), tham gia Ủy ban giải phóng xã (chính quyền địa phương sau tháng 8/1945); năm 1946 tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, rồi lên Việt Bắc tham gia văn nghệ kháng chiến, đưa gia đình lên ở ấp Cầu Đen (Bắc Giang) cùng 5 gia đình văn nghệ sĩ khác, (4) không thấy nói gì đến việc Ngô Tất Tố tham gia viết cho tờ Trung Việt tân văn đầu năm 1946.

Nếu đối chiếu, ta sẽ không thấy Ngô Tất Tố có tên trong danh sách 86 thành viên ký vào bản tuyên ngôn của đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ hai (13/10/1946), (5) song việc ông tham dự đại hội này đã được ghi nhận trong thiên ghi chép của Nguyễn Văn Bổng đăng trên tờ Tiên phong, (6) cho phép dự đoán rằng Ngô Tất Tố đến dự với tư cách là khách mời, tương tự những người như Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Trương Tửu, Khái Hưng, v.v…

Rất có thể, sau thời điểm đại hội ấy, Ngô Tất Tố mới gia nhập hội Văn hóa cứu quốc.

Còn việc Ngô Tất Tố, hồi đầu năm 1946, tham gia tờ Trung Việt tân văn thì chính chủ bút tờ này là Vũ Bằng (1913-1984) đã nói rõ trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” (Sài Gòn, 1969). Ông nhớ lại: báo Trung Việt tân văn là “cơ quan chính thức của quân đội Lư Hán đến tiếp thu quân đội Nhật”; “Báo ra đời nhằm mục tiêu xiết chặt tình thân thiện Hoa-Việt, tuyên truyền cho chế độ Trung Hoa trắng [tức Trung Hoa dân quốc – LNA chú] và đề cao quân đội Tàu nói chung và đoàn quân của Lư Hán đến tiếp thu ở Việt Nam, nói riêng”. (7) Người được phép xuất bản tờ này là Tsan Cẩm Thoòng (có lẽ là một Hoa kiều có thế lực ở Hà Nội khi ấy); Lê Kỳ làm chủ nhiệm do sự giới thiệu của Nguyễn Hải Thần và của các bạn cụ Kỳ trong giới Hoa kiều ở Hà Nội như Ly Seng Pao; Vũ Bằng được mời làm chủ bút do chơi thân với Nguyễn Phổ, con rể Lê Kỳ.

Theo Vũ Bằng kể lại thì thời gian 1945-46, nhóm nhà văn nhà báo cộng tác với Nhà xuất bản Tân Dân như Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch, Ngô Tất Tố, Trần Kim Dần, Thượng Sỹ, v.v… thường có những cuộc gặp gỡ trò chuyện với cụ Lê Kỳ (bố vợ Nguyễn Phổ) và những Hoa kiều giao du với cụ Lê Kỳ. Cũng theo lời kể lại của Vũ Bằng, tuy giữ chân chủ bút Trung Việt tân văn, nhưng chính ông lại rất ít viết cho báo và hầu như không làm việc tòa soạn: “Nói riêng về chức chủ bút của tôi, thật kỳ. Khác hẳn khi làm thư ký tòa soạn cho các tờ báo khác, người chủ bút của Trung Việt tân văn, từ lúc báo ra cho đến lúc báo nghỉ, gần như không viết gì, không biết gì về báo. Mọi công việc tòa soạn do Phùng Bảo Thạch và Ngô Tất Tố trông nom hết. Qua ngày này sang ngày khác, tôi chỉ phụ trách việc đi ăn uống, xã giao, hết cơm Tàu đến cơm Tây, hết cụ này mời lại đến ông kia thết”. (8)

Sưu tập Trung Việt tân văn hiện còn lưu Thư viện Quốc gia ở Hà Nội chỉ có 13 số, từ 17/2/1946 đến 2/3/1946, lại đã bị ai đó xé mất số 1. Mỗi số báo chỉ có 1 tờ giấy A3, hai mặt giấy làm thành hai trang. Đây là nhật báo, đưa tin nhiều hơn đăng các bài luận; bài luận nếu có thường ngắn; tuy vậy, báo vẫn có đăng quảng cáo, lại còn có mục “Học tiếng Quan Hỏa”.

Về tin tức, Trung Việt tân văn lưu ý đưa những tin tức thế giới ngay sau thế chiến, như việc thành lập và đặt trụ sở Liên hợp quốc, phiên họp của Hội đồng bảo an, việc phát hiện dấu vết một số trại tập trung của phát-xít Đức, hậu quả vụ ném bom nguyên tử ở Nhật và những bí mật của “tinh lực nguyên tử”, v.v… Báo này tất nhiên đưa nhiều tin về Trung Quốc, về hoạt động của chính phủ Trung Hoa dân quốc, về khả năng thống nhất và “hòa hợp Quốc-Cộng”, v.v… Trọng tâm tin tức là thời sự ở Việt Nam, ở Đông Dương, như: tin về các ông nghị và quốc dân thảo luận hiến pháp, tin tức về các thương thảo Pháp-Hoa, Pháp-Việt, tin quân Pháp và quân ta giao chiến ở Mương Phine, quân ta đánh quân Pháp ở Sài Gòn-Chợ Lớn, quân Pháp đốt chùa ở Nam Bộ, tin chiến sự Nam Trung Bộ, “5 phút với chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Hồ chủ tịch giải thích về hiệp ước Pháp-Hoa”, tin tức về việc thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến, Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội, Nguyễn Hải Thần từ chức phó chủ tịch chính phủ liên hiệp, v.v…

Hầu hết các bản tin nói trên, dù lấy từ các hãng tin hay do phóng viên Trung Việt tân văn trực tiếp thực hiện, đều không ký tên người viết.

Còn lại, loại bài có ký tên là khá ít. Mỗi số thường có một bài xã thuyết, ký T.V.T.V., là những ý tưởng “định hướng” công chúng: “Cần nhận rõ đại cục” (s. 2), “Đây là sự thật” (s. 3), “Ba điều kiện tối cần để kháng chiến kiến quốc” (s. 4), “Chánh phủ liên hiệp kháng chiến” (s. 5), “Khủng hoảng chánh trị” (s. 6), “Mấy cuộc biểu tình và bãi công chánh trị gần đây nói với ta những gì?” (s. 7), “Kẻ thù của ta” (s. 8), “Ai phản động?” (s. 9), “Tại sao rối loạn?” (s. 10), “Không xôn xao” (s. 11), “Khủng hoảng tinh thần” (s. 12), “Càng khó càng hay” (s. 13). Các xã thuyết này tất nhiên do người trong tòa soạn viết. Thông thường, người viết xã thuyết là chủ bút. Song ta tin lời Vũ Bằng trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo rằng ông làm chủ bút nhưng “gần như không viết gì, không biết gì” về bài vở, về công việc của tờ báo; vậy thì ta phải nghĩ đến việc gắn loạt xã thuyết trên cho những người làm việc ở tòa soạn mà Vũ Bằng kể tên, là Phùng Bảo Thạch, hoặc Ngô Tất Tố.

Một số bài có ký tên, là bài của bạn đọc nêu ý kiến về các sự kiện và vấn đề “nóng” như chuyện những bệnh nhân hủi cư trú trên các công viên, bờ hồ, vỉa hè…, hoặc những lo âu về tin sẽ thải hồi các công chức cũ, v.v… Đáng chú ý về loại bài ký tên tác giả là một số bài ký T.P.T. và loạt bài ký bút danh Nhân Ngôn trong hai mục hài đàm “Hà Nội” và “Chuyện giữa trời”.

Một số bài ký T.P.T. là những bài nghị luận về trình độ của công nhân nước ta, hoặc nhận định về xu hướng của phong trào cách mạng. Những bài nghị luận dài về các đề tài này có lẽ không mấy đặc trưng cho ngòi bút Ngô Tất Tố, trong khi lại khá đặc trưng cho Phùng Bảo Thạch, là người đã tự chứng tỏ về các đề tài tương tự trên báo chí trước 1945, ví dụ trên tờ Thời vụ báo (1938-1940).

Còn lại, bút danh Nhân Ngôn với hai mục “Hà Nội” và “Chuyện giữa trời” thì khá phù hợp với ngòi bút Ngô Tất Tố.

Hai mục này trên tờ Trung Việt tân văn có lúc tách đôi, có lúc là một, được xếp ở nửa bên trái trang 2, thường gồm một bài hài đàm ngắn và một số tin tức văn hóa xã hội. Các bài trong mục không có tiêu đề riêng. Mỗi bài nêu một việc không hay, cần sửa đổi. Như việc giao các em “nhi đồng cứu quốc” đi bán sách là không nên, vì chỉ thu lợi riêng cho mấy nhà xuất bản (bài đăng s. 2: 18/2/1946); tố giác những người nhân danh cơ quan, tổ chức này nọ đến lấy sách thư viện, rồi không trả, thực ra là ăn cướp sách (s. 3: 19/2/1046); phê phán hiện tượng những kẻ hư hỏng vì “miếng đỉnh chung”, hôm qua là vô sản, hôm nay nhảy lên trưởng giả (s. 4: 20/2/1946); cảnh báo việc tuyển một số người vào dạy đại học tuy họ chỉ đỗ trung học (s. 6: 22/2/1946); hiện tượng dán yết thị (quảng cáo) tràn lan gây mất mỹ quan mặt phố (s. 7: 23/2/1946); châm biếm “mấy ông văn sĩ kiêm chính trị gia, trước kia khổ, bây giờ sướng lắm rồi” (s. 8: 25/2/1946); chuyện thiếu sòng phẳng, thu tiền dân để trả cho phu quét rác, nhưng phố vẫn bẩn, không thấy phu đến làm (s. 9: 26/2/1946); về nạn quy kết chính trị trong sinh hoạt của dân cư (s. 10: 27/2/1946); châm biếm chuyện quyên tiền thất bại (s. 11: 28/2/1946); châm biếm mốt tỏ vẻ “tài trai” (s. 12: 1/3/1946); về chuyện tố “Việt gian” (s. 13: 2/3/1946).

Các bài hài đàm này hầu hết đều ký bút danh Nhân Ngôn. Tôi cho rằng đó là của Ngô Tất Tố. Thực ra thì tên mục “Chuyện giữa trời” do Ngô Tất Tố đặt ra và viết bài dưới đề mục này từ năm 1933 trên Thực nghiệp dân báo với bút danh Phó Chi. Ở tờ Trung Việt tân văn đầu năm 1946 này, Ngô Tất Tố đã dùng lại tên mục cũ của mình, chỉ có bút danh Nhân Ngôn thì có thể là mới dùng lần đầu.

Tóm lại, từ hồi ký của Vũ Bằng và từ việc khảo sát trực tiếp trên sưu tập báo còn lưu lại, ta thấy rõ thêm một đoạn hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố đầu năm 1946. Từ đây có thể nhận định rằng, chỉ sau khi đội quân của Trung Hoa dân quốc rút khỏi nước ta, tờ nhật báo Trung Việt tân văn đóng cửa và giải thể, Ngô Tất Tố mới chấm dứt cộng tác với nhóm làm báo này. Tháng 10/1946 Ngô Tất Tố đã tham dự đại hội lần thứ hai Hội văn hóa cứu quốc tại Hà Nội với tư cách khách mời. Chỉ sau đại hội này, Ngô Tất Tố mới gia nhập hội Văn hóa cứu quốc, và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với tư cách nhà văn hội viên Hội văn hóa cứu quốc. 

Tháng 12/2014 – tháng 01/2015

Chú thích

(1) Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch (2010), Tổng thư mục Ngô Tất Tố. Hà Nội: Nxb. Thông tin-Truyền thông, 630 tr. 16x24 cm.

(2) Nguyễn Đăng Mạnh (1987), Lời giới thiệu // Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, t. 1, Hà Nội: Nxb. Văn học, tr. 41;

Nguyễn Hoành Khung (1994), Nhìn lại và suy nghĩ xung quanh một “vụ án” văn học, bài trong sách: Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm, Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 1994, tr. 320.

(3) Huỳnh Văn Tòng (2000): Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. Tp.HCM.: Nxb. Tp.HCM., tr. 484.

(4) Dẫn theo: Mai Hương (1993, biên soạn), Niên biểu Ngô Tất Tố // Ngô Tất Tố với chúng ta (Tủ sách Thế giới văn học). Hà Nội, 1993: Nxb. Hội Nhà Văn, tr. 13.

(5) Đại hội nghị thứ hai Hội Văn hóa cứu quốc (1946):Tuyên ngôn Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc toàn quốc // Tiên phong, Hà Nội, s. 22 (1.11.1946), tr. 1-2.

(6) Nguyễn Văn Bổng (1946): Ngày hội của lòng em // Tiên phong, Hà Nội, s. 22 (1.11.1946), tr. 5: “….hắn [tức tác giả Nguyễn Văn Bổng] cũng biết là Nguyên Hồng… Hắn cười làm thân, nhưng lại lảng đi ngay để đứng xa hơn một chút nhìn người anh vài ba tuổi ấy (sic?) tươi cười cung kính trước một người khăn trắng áo lương mà hắn vừa nghe giới thiệu là cụ Ngô Tất Tố. À đó là cụ Ngô Tất Tố”… 

(7) Vũ Bằng (1969): Bốn mươi năm nói láo, phần 3. Trung Việt tân văn. Bản điện tử. 

(8)  Vũ Bằng, sđd.