NHÂN NHỚ LẠI MỘT BẢN THẢO BỊ MẤT

 

Trong những thông báo về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm nay, 2013, thấy có nói trong ngày này cũng sẽ kỷ niệm 70 năm Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943-48). Nhân đây tôi nhớ một chuyện cũ.

Ấy là chuyện một bản thảo sách bị mất, mà lại là sách về hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc VN.

Chả là sau khi tôi và anh Hữu Nhuận công bố “Sưu tập trọn bộ TIÊN PHONG 1945-46, tạp chí của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam” (sách in 2 tập, Nxb. Hội Nhà Văn, 1996), thì có một người tìm đến Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Đó là ông Nguyễn Thành, nhà nghiên cứu lịch sử báo chí cách mạng. Giám đốc NXB HNV là Nguyễn Phan Hách gọi tôi tới cùng tiếp chuyện ông. Ông Nguyễn Thành rất hoan nghênh sưu tập “Tiên phong” và cho biết: ông có sưu tầm được cuốn kỷ yếu Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, họp ở Việt Bắc năm 1948, sách in năm 1949. Ông đề nghị nhà xuất bản in lại tài liệu đó, cùng với một số hồi ức, kỷ niệm của văn nghệ sĩ về văn nghệ thời đầu kháng chiến chống Pháp.

Tôi bàn với ông: các kỷ niệm và hồi ức ấy thì bọn tôi ở NXB HNV khi ấy đã và đang cho làm thành những tập “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học” (do anh Vương Trí Nhàn tổ chức bản thảo); vì vậy, sự việc gắn với cuốn tài liệu này thì nên làm vào một cuốn riêng. Hội văn hóa cứu quốc tuy thành lập từ 1943 nhưng sau tháng 8/1945 mới có các hoạt động thật sự; trong số ấy, việc xuất bản tạp chí “Tiên phong” thì bọn tôi vừa làm xong sưu tập; các sách của Hội Văn hóa cứu quốc ra từ 1945 thì chưa được ai hệ thống hóa, là một việc còn treo lại đấy. Về hội nghị văn hóa toàn quốc thì tập tài liệu mà ông Nguyễn Thành nói đó là kỷ yếu kỳ hội nghị thứ hai, họp ở Việt Bắc, tài liệu này vẫn đang có lưu tại Thư viện Quốc gia, bọn tôi từng sử dụng trong nghiên cứu hồi còn là sinh viên. Nhưng trước đó còn có hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tại Hà Nội, dự định họp một tuần nhưng phải kết thúc sau 1 ngày vì cuộc toàn quốc kháng chiến sắp bùng nổ. Vậy, nếu muốn theo đuổi cuốn sách tư liệu tương lai này, xin ông Thành tìm thêm tài liệu về hội nghị VHTQ lần thứ nhất.

Ông Nguyễn Thành nói ông đang bận bịu vì một cuốn sách vừa in ra, nội dung sách là hoàn toàn của ông, nhưng người ta lại đứng tên chủ biên, chủ trì, ông phải đi khiếu nại; tóm lại ông đang bận tâm, rối trí vì việc khác. Ông đề nghị bọn tôi cho ông góp tài liệu ông vừa đưa để làm cuốn sách dự định.

Thế là tập tài liệu ông Nguyễn Thành đưa tới đã khiến bọn tôi phải thêm một đề tài vào kế hoạch làm sách năm ấy, và lại phải tự soạn lấy, chứ chẳng thể nhờ vả ai khác.

Tự tôi phải đi tìm tài liệu về hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946. Trong tạp chí “Tiên phong” chỉ có một vài thông tin ngắn; tôi phải tìm đọc lại các báo khác đương thời ở Hà Nội năm 1946, ở đó có khá nhiều bài về hội nghị văn hóa toàn quốc, nhưng hầu như tờ nào cũng chỉ đưa những tin ngắn. Chính trên tờ “Cứu quốc” ngày 26/11/1946, tôi thấy có bài tường thuật dài nhất so với các báo khác. Điểm đáng chú ý nhất là bài tường thuật ấy cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khai mạc hội nghị tại Nhà hát Lớn sáng 24/11/1946, đọc bài phát biểu trong trên 40 phút, nhấn mạnh “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Đáng lưu ý là bài phát biểu này cho đến nay vẫn chưa có trong các bộ “Toàn tập Hồ Chí Minh”. 

Về hội nghị VHTQ lần hai, ngoài cuốn kỷ yếu mà ông Nguyễn Thành cung cấp bản photocopy, tôi tìm thêm được một vài tài liệu nữa, ví dụ báo cáo “Xây dựng văn hóa nhân dân” của Hoài Thanh, đọc trong đại hội Việt Minh - Liên Việt, tháng 4/1950.

Các nguồn tài liệu trên hợp thành tập bản thảo mà tôi đặt tên là “Các hội nghị văn hóa toàn quốc, 1946, 1948. Sưu tập tư liệu”, Nguyễn Thành và Lại Nguyên Ân sưu tầm; Lại Nguyên Ân biên soạn. Bản đánh máy chữ dày trên 300 trang giấy khổ A4. 

Bản thảo được biên tập rồi đưa đọc duyệt, tất cả đều trôi chảy. Chỉ có khâu in ra sách là thành vấn đề. Thời kỳ ấy các NXB đã có loại “sách nhà nước đặt hàng”, làm bằng kinh phí do ngân sách cấp, sách in ra phải dành phần lớn để chuyển cho hệ thống thư viện thuộc các sở văn hóa các tỉnh, hầu như không được bán. Nếu muốn làm sách để bán, NXB phải chịu toàn bộ kinh phí in ấn. Bọn tôi thấy cuốn “Các hội nghị văn hóa toàn quốc” này rõ ràng là sách tư liệu về truyền thống văn hóa cách mạng; vậy thì dùng kinh phí “nhà nước đặt hàng” mà in mới là hợp lý. Ban giám đốc NXB Hội Nhà Văn đưa bản thảo này vào danh mục loại sách kể trên, đưa lên Cục xuất bản, khi nào được duyệt mới tính việc in.  

Điều khá ngạc nhiên là khoảng nửa năm sau, một hôm giám đốc Nguyễn Phan Hách báo cho tôi biết: bản thảo cuốn “Các hội nghị văn hóa toàn quốc” đã không được duyệt trong loại sách nhà nước đặt hàng. Hỏi lý do vì sao, anh Hách bảo: vì ông cục trưởng cục xuất bản nói chưa hề nghe thấy có “hội nghị văn hóa toàn quốc” bao giờ, nên không duyệt! Hách nói thêm, như là để tôi thông cảm: ông này ở tỉnh lẻ chuyển lên, không biết là đã có những sự việc lịch sử kiểu này đâu, đành chờ khi khác vậy!

Mặc dù rất thất vọng, nhưng vì bọn tôi bấy giờ ngập trong các chồng bản thảo, không quyển nọ thì quyển kia thúc vào lưng, nên nỗi thất vọng trên cũng biến đi lúc nào không hay. Điều tệ hơn đã xảy ra: chính cái bản thảo hoàn chỉnh kia cũng đã bị mất, không rõ vì đưa đi duyệt xin kinh phí không được nên mất luôn, hay bị mất ở đâu. Tôi và Nguyễn Phan Hách nhiều lần tìm kỹ ở các tủ bản thảo tại các phòng biên tập mà không thấy. Đấy là những năm cuối cùng trước khi các công việc làm sách chuyển sang máy vi tính. Bản thảo đánh máy rồi, đọc duyệt rồi mà bị mất là mất đứt!

Có lúc Nguyễn Phan Hách bảo tôi: hay là ông đi lấy lại tài liệu đi! Lấy một lần rồi, biết nguồn rồi, đi tìm lại là được chứ gì?

Tôi biết là có thể đi tìm lại làm lại, nhưng nghĩ đến cái bản thảo với nội dung “truyền thống cách mạng” chính cống như thế kia mà lại bị người ta gạt bỏ, tôi đâm ra mất hứng hoàn toàn. Cái cuốn kỷ yếu hội nghị văn hóa 1948 ở Việt Bắc thì tôi đã chụp lại đầy đủ từng trang, nhưng tôi không còn có ý định soạn lại tập bản thảo đã mất kia nữa. 

Sau này nghĩ lại, tôi ngờ số phận bản thảo bất thành sách kể trên ‒ không được duyệt trong “loại sách nhà nước đặt hàng” dẫn đến mất bản thảo ‒ là có nguyên do khác, chứ không vì một sự dốt nát nào đó của một vài quan chức trong ngành, như tôi được giải thích hồi đó. Vấn đề nằm ở sự phân biệt đối xử giữa hai đối tượng kỷ niệm: đối với Hội văn hóa cứu quốc thì người ta muốn nhớ, ngược lại, đối với Hội nghị văn hóa toàn quốc thì người ta muốn quên!

*** 

         Bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, có lẽ khó mà hiểu rõ các chuyện này.

         Từ 1943, khi Hội văn hóa cứu quốc được thành lập trong bí mật, thì đó chỉ là một nhóm trong hàng loạt nhóm phái văn hóa văn nghệ hoặc bí mật (rất ít) hoặc công khai (phần lớn) trên đất Việt Nam. Sau khởi nghĩa tháng 8/1945 cũng vẫn vậy, tuy rằng Văn hóa cứu quốc ra công khai, được chính quyền mới cấp cho trụ sở chính là nhà Khai Trí Tiến Đức cũ ngay cạnh đền vua Lê bên bờ hồ Gươm, tự trình bày như đại diện duy nhất của Việt Minh về văn hóa văn nghệ.

Ở Hà Nội khi ấy, người ta thấy các nhóm khác có những động thái khác nhau trước thời cuộc. Từ sau sự kiện 9/3/1945 (Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại lập “Việt Nam đế quốc”), nhóm Tự Lực ra tuần báo “Ngày Nay, kỷ nguyên mới”; nhà Tân Dân ra “Tiểu thuyết thứ bảy” série mới nhưng bỗng chốc đóng cửa từ 25/8/1945, tức là chỉ đúng 1 tuần sau ngày Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội.

Vấn đề đặt ra từ phía chính quyền mới là thiết định cơ cấu văn hóa ra sao? Để cho các hoạt động văn hóa tự tồn tại và phát triển hay đặt nó trong sự kiểm soát? Các hoạt động quản lý thông thường như ty kiểm duyệt sách báo thì đã được lập từ rất sớm. Nhưng còn các tổ chức văn nghệ sĩ?

Dường như có hai phương án đề ra. Thứ nhất là mở rộng Hội văn hóa cứu quốc thành tổ chức bao trùm. Thứ hai là triệu tập hội nghị văn hóa toàn quốc, theo mô thức các nước Âu châu sau đại chiến, họp các nhà văn hóa bàn cách phục hưng văn hóa nước nhà. Phương án thứ nhất tất nhiên ngụ ý đi tới giải tán các nhóm khác. Vì lẽ này chăng, các tờ “Tri Tân”, “Thanh Nghị” lần lượt ngừng hoạt động. Những série của nhóm “Văn mới” gắng tiếp tục xuất hiện và gắn với những vấn đề của thời sự văn hóa thì liền bị “Tiên phong” của VHCQ phê phán (bài của Thanh Bình tức Đặng Thai Mai) …

Kỳ họp gọi là “Đại hội nghị của VHCQ toàn quốc” lần thứ hai (Hà Nội, 11 – 13/10/1946) mời rất nhiều khách “dự thính”: Khái Hưng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu, v.v… nhưng chỉ có các thành viên VHCQ ký vào tuyên ngôn, kêu gọi “tất cả anh em văn nghệ nước nhà sát cánh cùng nhau, dưới ngọn cờ dân tộc dân chủ để đi tói một mặt trận văn hóa thống nhất trong toàn quốc”; những vị khách “dự thính” tất nhiên bị xem như ngoài lề.

Hội nghị văn hóa toàn quốc được triệu tập (dự kiến họp tháng 8, trên thực tế họp vào 24/11/1946) vừa như để tiến tới một mô hình tổ chức khác (ý này có vẻ chỉ để xoa dịu dư luận mà thôi!), lại vừa như để tập hợp giới thức giả về văn hóa, nhằm tách biệt với VHCQ vốn tập hợp giới văn nghệ sĩ. Do vậy mà ở hội nghị này nổi lên những tên tuổi như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, v.v…

Tuy vậy, mọi dự án về tổ chức đều dừng lại do cuộc chiến bùng nổ.

Đầu năm 1948 tại vùng kháng chiến Việt Bắc, hội nghị VHTQ lần thứ hai được triệu tập thì vấn đề tổ chức xem như đã ngã ngũ (những ai không đi với chính quyền mới thì đã không thể có mặt tại hội nghị này!); vấn đề người ta muốn yêu cầu các nhà hoạt động văn hóa đã đi với phe kháng chiến là vấn đề ý thức hệ. Nổi lên trong các thuyết trình tại hội nghị là bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của ông Trường Chinh, đặt vấn đề “lập trường mác-xít” trong văn hóa, đòi hỏi “lập trường những nhà văn hóa mác-xít là lập trường giai cấp công nhân và dân tộc”, “lập trường các nhà văn hóa tích cực yêu nước ngoài hàng ngũ mác-xít phải là lập trường dân tộc và bạn của giai cấp công nhân”…

Tuy sau đó Hội văn hóa Việt Nam có được lập ra, nhưng hầu như không có hoạt động gì rõ rệt; các thành viên trong tổ chức này dần dần chuyển sang các cơ quan khác như Hội văn nghệ, ban Văn sử địa, ban tu thư bộ giáo dục, v.v… Vì vậy, kể từ đó đã không bao giờ có “hội nghị văn hóa toàn quốc” nào nữa.

Tháng 6/1958, đúng ngày tổng kết đợt đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm, ở Hà Nội có một hội nghị lớn của ngành văn hóa được triệu tập: người ta không gọi nó là “hội nghị văn hóa” mà gọi là “hội nghị cán bộ ngành văn hóa toàn miền Bắc” (5 – 12/6/1958), tại đó phó thủ tướng Trường Chinh nêu yêu cầu “Công tác văn hóa phải có Đảng tính. Văn hóa phải phục tùng chính trị, phục vụ công nông binh” (Nhân dân, 6/6/1958). Danh xưng “hội nghị văn hóa” không được dùng nữa. Trên thực tế, những triển khai cụ thể của công tác văn hóa ở Hà Nội thời gian này là “cải tạo” các cơ sở văn hóa tư nhân, cụ thể là xóa các nhà xuất bản tư, quốc doanh hóa hoặc hợp doanh đối với các nhà in, rạp chiếu bóng, trường nhạc, đoàn hát, lớp vẽ, hiệu sách, hiệu ảnh, v.v… Người hoạt động trong các công việc này là giới quản lý, không phải giới văn hóa.

Danh xưng “nhà văn hóa” cũng biến mất trên báo chí kể từ những năm 1957-58 cho đến tận những năm 1990.

Vậy là, sự nhớ về Hội văn hóa cứu quốc (1943-48) bây giờ, có lẽ chỉ là nhớ về cái tổ chức được coi là tiền nhiệm của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chứ không phải nhớ về những liên kết giữa những người hoạt động văn hóa ở Việt Nam, đã có thời được kết nối, cách nay dăm bảy chục năm.

22/02/2013