“TẬP SAN PHÊ BÌNH”,

MỘT ẤN PHẨM TƯ NHÂN Ở MIỀN BẮC HỒI 1957-58

 

Có vẻ như cả giới văn học lẫn giới nghiên cứu lịch sử báo chí hiện nay đều không còn biết gì đến ấn phẩm này; chứng cứ là không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của ấn phẩm này trong một vài cuốn sách thống kê hoặc chỉ dẫn, ví dụ cuốn Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành soạn, Nxb. VHTT, H., 2001), hoặc cuốn Sơ thảo lịch sử báo chí Hà Nội (Hội nhà báo Hà Nội biên soạn, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2004).

Thật ra thì cũng đã có một số nhà nghiên cứu văn học ít nhiều biết đến tập san này, nói đúng hơn là họ biết có một số Tập san phê bình chuyên về tác gia Vũ Trọng Phụng. Tôi nhớ, hồi giữa những năm 1990, bà Vũ Mỵ Hằng, con gái nhà văn họ Vũ, được ai đó tặng một bản in của tập san này, và bà Hằng đã chụp nhiều bản sao (photocopy) tặng lại cho một số nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, trong đó có tôi. Đây cũng là tài liệu đã được nhắc tới trong các bài nghiên cứu và các thư mục nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng hồi những năm 1990. Tuy nhiên, ngoài ấn bản lẻ kể trên, toàn bộ tập san phê bình này vẫn nằm ngoài tầm nhận biết của giới văn nghệ và giới nghiên cứu.

Tôi chỉ mới tìm thấy Tập san Phê bình này rất gần đây, vào đầu tháng 3/2009, nhân đọc lại một số tờ báo Hà Nội hồi giữa những năm 1950. Chính trên các nhật báo Thời mới, Hà Nội hàng ngày, tôi đã thấy dấu vết tập san này trên những khung quảng cáo; điều đó thúc đẩy tôi xem kỹ trong cơ sở dữ liệu các thư viện ở Hà Nội, và tôi đã tìm thấy một sưu tập của tập san này, tuy không còn thật đầy đủ, nhưng cũng tạm cho phép hình dung đôi nét về ấn phẩm đã gần như bị quên hẳn này.

Ban đầu, nó là một phụ san. Phụ san phê bình của nhật báo Hà Nội hàng ngày là một ấn phẩm không định kỳ, tập 1 ra khoảng đầu năm 1957, do Thiều Quang chủ biên, gồm 28 trang khổ A4; tập 2 ra khoảng tháng 3/1957, gồm 20 trang A4, các bài trong tập này đều là của tác giả Thiều Quang; trong năm 1957 phụ san này còn ra thêm 4 tập nữa (hiện không có trong bộ sưu tập hiện còn).

Sang năm 1958, nó đổi tên là Tập san Phê bình; tuy không còn là phụ san nữa nhưng vẫn ghi rõ là năm thứ hai, tức là tiếp nối “phụ san” năm trước; nó tự xác định “ra hàng tháng” nhưng không ghi rõ kỳ hạn in và phát hành mỗi số; về thể tài thì ở trang bìa có ghi rõ đây là “nghị luận văn học”, hoặc “nghị luận văn học, xã hội”, và vì đã là một ấn phẩm độc lập nên có nêu tên chủ nhiệm là Thiều Quang, có địa chỉ tòa soạn là 64 Bạch Mai, Hà Nội; ở Tập san Phê bình số 3/1958 có đăng thành phần ban biên tập gồm: Văn Hữu, Tân Thanh, Thiều Quang, Lê Xuân Vũ, Chu Thiên, Danh Bình, Việt Hoài, Lê Quang, Ngọc Hương, Dương Minh, Ngọc Điến, Phùng Văn Chính, Chu Hà, Triêu Dương, Trúc Đường, Đình Quý; trong đó thường trực gồm Văn Hữu, Tân Thanh, Dương Minh và chủ biên là Thiều Quang.

Xem qua nội dung bài vở đăng tải trên ấn phẩm, có thể thấy là tập san này đã xuất hiện bằng việc tham dự vào dòng ngôn luận đang sôi động trên báo chí Hà Nội đương thời, hưởng ứng việc phê phán báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm  của nhà xuất bản Minh Đức.

Tập 1/1957 Phụ san phê bình có những bài như: Báo “Nhân văn” với vấn đề tự do dân chủ  (tr. 3-5), Phê bình “Con người Trần Dần”, hồi ký của Hoàng Cầm, báo “Nhân văn” số 1 (tr. 6-9); Nhân “Câu chuyện mấy người tự tử” thơ của Lê Đạt, báo “Nhân văn” số 1 (tr. 10-14); Xét lại giá trị bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần (tr. 14-17); – tất cả các bài trên đều của Thiều Quang; Vài ý kiến với ông Nguyễn Hữu Đang về vấn đề trăm hoa đua nở (tr. 18-25) của Lê Xuân Vũ.

Tập 2/1957 Phụ san phê bình có phụ đề “Những khuynh hướng tư tưởng lỗi thời” với tất cả các bài đều của Thiều Quang: Đều bước tiến trên con đường đấu tranh tư tưởng (tr. 3-4); Vang bóng một dĩ vãng qua “Tiếng sáo tiền kiếp” của Trần Duy, “Giai phẩm mùa thu” tập 1 (tr. 5-9); Cách nhìn lệch lạc của Chu Ngọc về ‘con người’ của nhà tướng Nguyễn Sơn, bài trên “Nhân văn” số 5 (tr. 9-10); Tính chất con người của thi sĩ già họ Đỗ, trong truyện của Huy Phương, “Sách tết Minh Đức” (tr. 11-12); Một khuynh hướng văn nghệ lỗi thời ở Trần Lê Văn qua “Viết bài báo tết” – “Sách tết Minh Đức”  (tr. 13-15); Quan niệm sùng bái cá nhân và cách chống sùng bái cá nhân của ông Trương Tửu, “Giai phẩm mùa thu” tập 2  (tr. 15-18).

(Như đã nói ở trên, các tập từ 3/1957 đến 6/1957 của Phụ san phê bình này hiện chưa tìm thấy)

Các số ra trong năm 1958 (thường gọi là “số”, cũng có lúc gọi là “tập”), mang tên gọi Tập san phê bình, tức là một tập san độc lập (không phải “phụ san” của ấn phẩm nào khác), bài vở vẫn hướng vào chủ đề đấu tranh tư tưởng văn nghệ ở miền Bắc đương thời, nhất là những thảo luận và tranh luận xung quanh các sáng tác và nghị luận đăng trên tuần báo “Văn” của Hội nhà văn Việt Nam từ giữa 1957.

Số 1/1958 có những bài: Góp ý kiến với ông Văn Hữu về bài trả lời ông Thế Toàn (tr. 1-3) của Duy Thanh, đáp lại bài của Văn Hữu trên Tập san phê bình số 6/1957; Từ chủ trương chống quan điểm phi vô sản về văn nghệ và chính trị đến vấn đề cần xét lại những khuynh hướng tư sản từ báo “Nhân văn” đến báo “Văn” (tr. 4-5, 8) của T.S.P.B.; Quan tâm đến công tác xuất bản sách phổ thông là thiết thực góp phần xây dựng một nền văn hóa cho quần chúng nhân dân lao động” (tr. 6-8) của Bảo Trâm; Góp ý kiến về vấn đề tại sao chúng ta chưa có tác phẩm lớn (tr. 9-10) của Vũ Uy; Trao đổi ý kiến: nhìn “hồng” hay “đen” là xuất phát từ tư tưởng (tr. 11-12) của Thiều Quang; “Đống máy”, một điển hình của khuynh hướng bôi đen thực tế (tr. 13-15) của Đông Lâm.

Số 2/1958 có những bài: Đẩy mạnh phong trào phê bình cải lương về mặt tinh  thần và tác dụng của vở  (tr. 1-2) của T.S.P.B.; Góp ý kiến với ông Ái Sơn về vở Tống Trân – Cúc Hoa (tr. 3-9) của Sỹ Tiến; Nhân đọc bài phát biểu của ông Nguyễn Đình Thi tại Quốc hội khóa 6 (tr. 12-13, 16) của Thiều Quang; Vấn đề sáng tác dân gian (tr. 14) của Thiều Quang; Ngành sản xuất đồ chơi trẻ em với công cuộc giáo dục nhi đồng (tr. 15-16) của Ng. Đan.

 

Số 3/1958 (kỳ này lại gọi là “tập 3”) có những bài: Mấy ý kiến về vấn đề phê bình hiện nay (tr. 3-6) của Lê Xuân Vũ; Cũng học người xưa (tr. 6) của Quốc Lang; Đã đến lúc phát triển nghệ thuật lồng tiếng trong phim ngoại quốc (tr. 7) của Chân Dung; Vai trò quần chúng trong công tác phê bình (tr. 8-10) của Phùng Văn Chính; Đọc báo ‘Văn’ của Hội nhà văn Việt Nam (tr. 12) của Văn Hữu; Bàn về sự thực toàn diện trong tác phẩm văn nghệ (tr. 13-15) của Chu Thiên; Nhân xem chuyện phim “Chiếc đu quay” (tr. 15-16) của Tân Thanh; Bức thư phê bình (tr. 17-18) của 2 bạn đọc.

 

Số 4/1958 có những bài: Góp ý kiến với tạp chí “Văn nghệ” về một số vấn đề văn nghệ hiện giờ (tr. 3-6) của T.S.P.B.; Nhân đọc truyện ngắn “Bích-xu-ra” của Thụy An, tuần báo “Văn” (tr. 7-9) của Văn Hữu; Giới thiệu sách “Tập truyện Liên Xô” và “Tinh-kô” (tr. 10) của Tân Thanh; Quan điểm quần chúng đối với “đời tư” của người văn nghệ (tr. 11-12) của Văn Chính; Nhân phong trào phê bình xung quanh tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng (tr. 13-14) của Trần Chân Dung; Một giai thoại về đời văn của Vũ Trọng Phụng (tr. 15-20) của Thiều Quang. 

 

Số 5/1958 có những bài: Cần phát triển phong trào tranh luận và bút chiến rộng rãi trên báo chí  (tr. 3-5) của T.S.P.B.; Bàn với ông Trần Thanh Mại về quan điểm lịch sử trong văn học  (tr. 6-10) của Phan Cự Đệ; Phê bình “Tranh tối tranh sáng”, tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan  (tr. 10 -14) của Đường Trường; Một ý kiến với nhà xuất bản Quân đội nhân dân về tác phẩm “Đợt xung kích cuối cùng” (tr. 15-17) của Quang Văn; Mạnh dạn phát hành một số phim ảnh tiến bộ ngoài khối xã hội chủ nghĩa (tr. 17-19) của Nguyễn Dậu.

 

Số 6/1958 có những bài: Trả lời ông Thế Toàn trên báo “Học tập” về bài phê bình “Bích-xu-ra” của Thụy An (tr. 1-4) của Văn Hữu; Sêch-xpia với nền nghệ thuật phim Liên Xô (tr. 5-8) của Nguyễn Dậu; Đi tìm cái mới trong sáng tác (tr. 9-12) của Trần Văn Bính; Phê bình sách dịch: “Truyện người trạm trưởng máy kéo và cô kỹ sư nông nghiệp” của Ga-li-na Ni-cô-la-ê-va (Tâm Hương và Lê Xuân Vũ dịch, Nxb. Thanh niên) (tr. 13-16) của Trần Lanh.

Số cuối cùng (trong sưu tập hiện còn) không đánh số (và có lẽ đã ra trước số 6 kể trên, căn cứ vào một số thông tin in trong số này) được gọi là “số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, đời sống và con người”, toàn bộ số này chỉ in duy nhất một bài viết dài của Thiều Quang về con người và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Đây chính là số mà ở trên, tôi đã tin chắc rằng một số nhà nghiên cứu đã biết tới nó và nội dung của nó đã đi vào một số sưu tập tài liệu về tác gia Vũ Trọng Phụng.

Ngoài các nội dung bài vở như đã kể trên, hầu hết các trang bìa (bìa 2, 3, 4 của mỗi số) và một số góc trang, nửa trang trong ruột mỗi số đều được dùng để đăng quảng cáo. Ví dụ ở số 1/57 có tới 11 quảng cáo, số 2/57 có 5 quảng cáo; các địa chỉ được quảng cáo là nhà xuất bản, cơ quan phát hành, hiệu sách, hiệu thuốc, phòng khám bệnh tư, phòng trà, hiệu mỹ phẩm, v.v… Theo những lời nhận xét mang tính hồi cố của những người từng làm việc trong các ngành văn hóa, báo chí ở Hà Nội thời kỳ này thì một lượng quảng cáo tương đối khá như vậy có thể giúp bù lại một phần đáng kể cho các chi phí về giấy in, công in và phát hành.

Sau khi tìm được ấn phẩm này, tôi đã tìm gặp một số nhà báo từng làm việc với các tờ báo của Hà Nội những năm 1955-60, nhưng hầu như không ai nhớ có tờ phụ san hoặc tập san này trong sinh hoạt báo chí Hà Nội thời đó. Có thể là rất nhiều sự việc khác, thậm chí rất đáng kể, cũng đã không còn để lại dấu vết gì trong trí nhớ người già, song dầu sao điều này cũng cho thấy cái ấn phẩm mà trên thực tế đã từng có mặt suốt gần 2 năm với trên 10 số ấy thật ra chưa tạo được điều gì khác biệt trong sinh hoạt phê bình văn nghệ đương thời. Điều này không có gì lạ.

Trạng thái đời sống những năm ấy chỉ là nhất thời, tạm thời trong đời sống miền Bắc. Những năm ấy đang còn nhà in tư nhân, báo chí tư nhân, nhưng cũng đang là những năm tàn cuộc của cả kinh tế tư nhân lẫn báo chí tư nhân. Cả hai tờ nhật báo tư nhân Hà Nội hàng ngàyThời mới  vẫn ra hàng ngày, bên cạnh tờ Thủ đô của thành ủy ĐLĐVN Tp. Hà Nội (thuộc loại mà đương thời gọi là “báo của đoàn thể”) chỉ mới ra mắt từ 24/10/1957.

Hà Nội hàng ngày vốn có nguồn từ tờ nhật báo Giang sơn (1950-54) sau đổi là Sông Hồng (8/1954 -7/1955) rồi từ tháng 7/1955 mới đổi là Hà Nội hàng ngày; đến 22/12/1957, Hà Nội hàng ngày đánh số lại từ số 1, dường như để đánh dấu việc đưa một số nhân sự “của tổ chức” vào tòa soạn tờ báo tư nhân này; song, dù vậy, tên báo này cũng chỉ còn tồn tại đến 10/12/1958; sau đó nó bị sáp nhập vào với tờ Thủ đô kể trên để thành tờ Thủ đô Hà Nội (1959-67).

Thời mới vốn có xuất xứ từ nhật báo Tia sáng (1948-1954), chào ngày tiếp quản thủ đô với tên gọi Thời mới từ 10/10/1954 (số 1); người ta nói rằng ông chủ nhiệm Hiền Nhân may mắn có sẵn kho giấy lớn nên duy trì tờ nhật báo được lâu hơn, song đến lúc kho cạn thì cũng phải phụ thuộc cơ chế xin-cho của nguồn giấy quốc doanh; đến tháng 12/1967, Thời mới ra số cuối cùng, sau đó bị sáp nhập vào với tờ Thủ đô Hà Nội  thành tờ Hà Nội mới, nhật báo duy nhất của thành phố Hà Nội suốt thời bao cấp.

Trong một tình hình như vậy, việc một cá nhân (Thiều Quang) hoặc một nhóm nhà báo ra được ấn phẩm tư nhân như Tập san phê bình  và duy trì nó qua suốt gần 2 năm, dù sao cũng là một sự năng động đáng kể, một sự nhanh tay hiếm có, bởi chỉ sau đó nửa năm sẽ không ai có thể làm được như vậy nữa.

Với ấn phẩm khiêm nhường này, những cây bút trẻ các cỡ khi ấy như Triêu Dương, Lê Xuân Vũ, Trần Văn Bính, Phan Cự Đệ, v.v… dù sao cũng có thêm chỗ để chen chân vào làng ngôn luận vốn còn đang chật chội vì khuôn khổ hạn hẹp của báo chí văn nghệ đương thời. Người ta biết, một người nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Bính cũng rất ít được đăng tác phẩm trên tờ báo chính ngạch của Hội Văn nghệ, đã phải tục bản tờ Trăm hoa, dù chỉ tồn tại được vài ba tháng cuối năm 1956, để đăng tác phẩm của mình và của một số cây bút khác, từ Hữu Loan, Đoàn Giỏi, đến Hoàng Tố Nguyên, v.v… Đối với làng văn làng báo ở Hà Nội những năm 1955-56, việc làm báo tư nhân như thế vẫn còn được chấp nhận.

Điều đáng lưu ý hơn, là cách thức tham dự phong trào chung khi trong làng văn làng báo Hà Nội đang có những luận bàn sôi động xung quanh các vấn đề mở rộng tự do dân chủ, phê bình góp ý với lãnh đạo, v.v... Tập san phê bình  với các cây bút vốn thường viết cho trang văn nghệ của báo Hà Nội hàng ngày như Thiều Quang, Chu Thiên, Văn Chính… đã tham dự bằng cách đứng về phía chính thống ngay từ đầu, không chút do dự! Giọng phê phán gay gắt của các cây bút này đã đầy tràn tờ Hà Nội hàng ngày, lại ngập đầy tờ “Tập san phê bình”. Chỉ sang năm 1958, khi những tranh luận xung quanh một số sáng tác và nghị luận đăng trên tuần báo “Văn” (của Hội nhà văn VN) còn chưa ngã ngũ, một vài bài trên Tập san phê bình  mới dám nói chút ít ý kiến độc lập, nhưng vài nét tạm gọi là ý kiến độc lập ấy cũng chìm lấp ngay vào cao trào đấu tranh tư tưởng lại đột ngột dâng cao từ tháng 3/1958. Rất có thể Tập san phê bình này tồn tại được ít lâu chính là vì trước sau nó chỉ cố gắng hòa giọng vào xu hướng chính thống đang thiên dần về phía cực tả. Chỉ có điều, chính những người có thế lực nhất của ý thức hệ chính thống khi đó lại đang hướng tới tính chất xã hội chủ nghĩa, muốn loại trừ yếu tố tư nhân khỏi đời sống, thành thử, những tiếng nói từ một ấn phẩm tư nhân như Tập san phê bình nhiều lắm cũng chỉ có thể được coi như tiếng nói bên lề, chỉ vì nó tỏ rõ thái độ “ăn theo” nên nó không bị gạt bỏ, chứ nó tuyệt nhiên không thể được công khai biểu dương, và không ai tìm được lời biểu dương nào đối với tờ tập san này trong hầu hết những bài tổng kết cuộc đấu tranh tư tưởng đó hồi giữa năm 1958. 

Có lẽ cũng chính vì vậy, sự chấm dứt của Tập san phê bình  này cũng chỉ thầm lặng như khi nó xuất hiện.

Về  Thiều Quang, người có lẽ đã góp nhiều công sức nhất cho ấn phẩm này, ông Giang Quân, nhà thơ, nhà nghiên cứu báo chí Hà Nội, khuyên tôi đến gặp cụ Trương Uyên, một nhà báo kỳ cựu, từng có lúc là chủ bút tờ Giang sơn (tiền thân của Hà Nội hàng ngày). Cụ Uyên nay đã ngoại bát tuần, chỉ còn nhớ câu đùa trong giới “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”  liên quan đến bút danh của nhà phê bình chủ trì Tập san phê bình. Đáng tiếc là về tờ tập san này thì cụ Uyên lại không còn giữ được chút ký ức nào. Sau cùng, cụ đã chỉ cho tôi một đôi nét về tác giả Thiều Quang ghi trong cuốn “50 năm báo “Hà Nội mới” xuất bản hàng ngày (24/10/1957 – 24/10/2007)”  do báo  Hà Nội mới  xuất bản tháng 10/2007:

                   “Nhà báo THIỀU QUANG

         Tên khai sinh: Lê Quang Lộc

         Bút danh: Thiều Quang, Quốc Phong

         Nguyên phóng viên báo “Hà Nội hàng ngày”, “Thủ đô Hà Nội”

         Mất ngày 30/5/1980, thọ 67 tuổi”

                                                                  (Sđd, tr. 205)

Chưa biết quê quán, những có thể đoán năm sinh (1980 – 67 = 1913). Cũng có thể hiểu rằng, Thiều Quang tiếp tục làm việc ở báo Hà Nội hàng ngày và sau đó là Thủ đô Hà Nội, chứ không làm việc ở tờ Hà Nội mới, tính từ 1967.

Nhà giáo Nguyễn Hoành Khung cho tôi biết: Thiều Quang Lê Quang Lộc là em ruột nhà phê bình Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý (1907-77).

Tra cứu trong cơ sở dữ liệu của Thư viện quốc gia ở Hà Nội, có thể thấy từ trước 1945, Thiều Quang đã là tác giả của một số cuốn truyện như Khúc ca trường hận (Imp. Ng. Văn Giác, H., 1940), Tiếng gọi của oan hồn (Hương Sơn, H., 1940), U uất (Imp. Duy Tân, H., 1941), Một gia đình giữa hai thế kỷ (Á Châu, H., 1942), Lên đường (C.I.P.C., H., 1945).

 

                                                                                     30/3/2009