THOÁI HÓA TRONG NGHỀ SÁCH

 

Không thể phủ nhận, nghề làm sách (nghề xuất bản) ở ta hiện nay có những tiến bộ thấy rõ. Rõ nhất là những tiến triển vượt bậc của công nghệ in mới được du nhập vào đã mở đường cho các sản phẩm sách hiện tại của ta có thể đạt những chuẩn khá cao về kỹ thuật và mỹ thuật.

Tuy vậy, sản phẩm sách không chỉ có phương diện công nghệ.

Sách, hiện tại cũng như xa xưa, được làm ra cốt để xem để đọc. Điều cốt yếu của sách, xưa cũng như nay, chính là cái chứa trong sách, cái được in lên các trang giấy, được khâu chỉ, đóng bìa, dán nhãn, bao gói, làm thành sản phẩm sách, được bán được mua, được giữ gìn qua năm tháng, nhiều cuốn rơi rụng mất mát, cũng không ít cuốn trở nên quý hiếm, đắt đỏ… Sách là vật phẩm thuộc văn hóa vật thể, gắn với chất liệu giấy, vật liệu in, mực in, gắn với các hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, chữ viết… Nhưng cái chứa đựng trong đó lại là sự kể lể, ghi chép những hiểu biết, những nhận định, những ký ức của con người truyền lại cho con người. Tức là sách cũng đồng thời chứa đựng các giá trị phi vật thể. Ở phương diện cái chứa bên trong mỗi cuốn sách, thì sách của ta hiện nay có những cuốn đã hơn xưa, có những cuốn vẫn giữ được “phong độ” như xưa, nhưng cũng có những cuốn đã tỏ ra kém xưa, thậm chí có những cuốn cho phép ta nói đến sự thoái hóa, tha hóa trong nghề sách.

Nói thoái hóa là nói đến sự kém cỏi, tụt lùi, đánh mất những phẩm chất đã từng có. Còn tha hóa thì nặng hơn, là sự biến chất từ tốt thành xấu, thậm chí biến thành cái khác, đối nghịch lại cái bản chất ban đầu.

Sách hiện nay, thoạt nhìn đều dễ bắt mắt ở màu sắc và trình bày bìa sách, ở nét thanh gọn đồng loạt do được máy đóng xén, tỏ rõ một sản phẩm công nghiệp. Nhưng bỏ qua những vẻ ngoài ấy, lật trang xem kỹ bên trong, sẽ thấy những điều bất như ý, thậm chí những phản cảm, những lỗi lầm khiến người ta khó tin cậy. Khá nhiều sách vẫn còn để sót quá nhiều lỗi đánh máy, lỗi in, cho thấy những tắc trách, cẩu thả của nhà xuất bản, của biên tập viên. Có những bộ sách lớn được gọi là “tuyển tập”, “tổng tập”, bao gồm những tác phẩm tầm cỡ; nhưng các lỗi đánh máy, lỗi in hầu như xuất hiện dày đặc trên từng trang, khiến văn bản tác phẩm trở nên bất khả tín, không thể tin cậy, − tác phẩm, từ nguồn này, sẽ khó mà đủ tin tưởng cho người đọc tiếp nhận, càng khó làm căn cứ trích dẫn cho người nghiên cứu, phê bình. Có những tuyển thơ – trong một cuốn sách tuyển có nhiều tác phẩm thơ khác nhau – nhưng người ta (biên tập viên, người đánh máy, người dàn trang…) đã bố cục toàn bộ cuốn sách tuyển ấy như thể một bài thơ duy nhất, bởi kể từ tác phẩm thứ hai đến tác phẩm cuối, đều được bố cục, dàn trang như thể đó là các chương nối tiếp của tác phẩm thứ nhất! Trước một sản phẩm bị biến dạng như thế, tác giả không còn cách nào khác hơn là “bắt đền” nhà xuất bản, buộc phải sửa lại in lại; còn những biên tập viên không đủ năng lực làm bảng mục lục sách như thế, có lẽ chỉ còn cách phải đào tạo lại.

Những sai sót như vừa nêu tố cáo một sự thực: tay nghề của khá nhiều “thợ” xuất bản ngày nay thua sút đáng kể so với giới biên tập viên xuất bản thời bao cấp, – cái thời mà kỹ thuật in cũ, nửa cơ giới nửa thủ công, tác phẩm phải đi qua biết bao công đoạn, từ bản thảo của tác giả đến bản đánh máy chữ của nhà xuất bản – bản được dùng để biên tập, duyệt, để đưa đi nhà in, – rồi các bản dập thử (bon 1, bon 2…) của nhà in, sửa đi sửa lại, cuối cùng mới đến các trang in chính thức, được gấp thành các “tay sách” chuyển đi đóng xén, vào bìa…, cái thời mà nội dung sách cũng chịu không ít các giới hạn của thời đại. Nhưng chính cái thời ấy, sách in lại thường được đọc sửa kỹ lưỡng. Và nói đến sự biên tập thì thời ấy, các biên tập viên thạo việc đều có khả năng dựng ra, tổ chức ra những quyển sách, chứ không phải chỉ biết “đọc và chấp nhận hay không chấp nhận” những bản viết của các tác giả gửi đến, – như tình trạng của không ít các biên tập viên xuất bản thời nay.   

Thế nhưng những điều đáng thất vọng của sách hiện nay chưa dừng lại ở những biểu hiện thoái hóa kể trên.

Mặc dù việc phê bình sách vẫn còn chưa trở thành một loại hoạt động mạnh mẽ và thường xuyên của dư luận, song một số phản xạ bộc lộ trên báo chí và các trang mạng xã hội gần đây về những điều dị thường trong một số sách in, – đã cho thấy những sự thật còn nhức nhối hơn. Đó là sự hiện diện công nhiên của sách nhái, sách giả, sách chỉ dẫn kiến thức lại phạm phải những sai lầm tệ hại về kiến thức, sách thuộc thể tài nọ (ví dụ sách kể truyền thuyết, cổ tích) lại bị biến sang thể tài kia (ví dụ thành sách khiêu dâm), sách của tác giả này lại bị chôm chỉa, sang chiết, cắt gọt bởi tác giả hoặc các nhóm tác giả khác… Ở đây xảy ra hiện tượng: sách bị tách khỏi tác giả, sách bị tách khỏi nhà xuất bản, trở thành những hiện vật phản lại tác giả, phản lại nhà xuất bản. Từ đây có thể nói đến sự tha hóa của sách. 

Xưa nay sách vốn gắn với tác giả – người làm ra nội dung của sách; sách cũng gắn với nhà xuất bản – tức là hãng sản xuất đã chế biến bản thảo của tác giả thành sản phẩm in hàng loạt đem bán cho người sử dụng. Tất nhiên việc gắn với tác giả, với nhà xuất bản không phải là cái đảm bảo cho giá trị cao của mọi sản phẩm sách. Bất kỳ cuốn sách nào, tác phẩm nào cũng chỉ được định đoạt giá trị trong sự tiêu dùng của công chúng, trong sự thẩm định của các giới chuyên môn. Không có cuốn sách nào là “hay” đối với mọi loại người đọc, không có cuốn sách nào là “đúng” trong mọi trường hợp.

Khi sách bị tách khỏi tác giả, ví dụ nội dung của tác giả bị cắt bỏ, sửa đổi đến mức tác giả không còn thấy có thể chịu trách nhiệm về nó, hoặc ví dụ bị sang đoạt toàn bộ hay từng phần, bởi ai đó, mang một bút danh khác biệt nào đó, chẳng hạn, – và khi sự thật ấy bị lộ ra trước công chúng, thì điều nổi lên với ấn phẩm ấy chính là các bê bối về sở hữu, về tác quyền, chứ không còn là “giá trị” hay “nội dung” của sách ấy, ngay cả khi đó là những “nội dung” đáng được quan tâm.

Sách bị tách khỏi hãng (nhà) xuất bản rõ nhất là khi chính nhà xuất bản thấy không thể chịu trách nhiệm về một số nội dung trong sách hoặc thể hiện trên bìa sách, trên lời giới thiệu, trong các lời rao quảng bá… Đây là dạng “tha hóa” sách dường như chỉ thấy ở ngành sách của ta, rõ nhất là từ khi xuất hiện kiểu thức “liên kết” mà thực chất là bán giấy phép từ phía nhà xuất bản (doanh nghiệp nhà nước) và mua giấy phép từ phía các bên “liên kết” (doanh nghiệp tư nhân), tức là chỉ mới xuất hiện từ những năm 1990 trở lại đây.

Xưa nay không phải xã hội nào cũng quản lý hoạt động làm sách bằng cách cấp giấy phép, – một chứng từ về sự chấp nhận ấn phẩm từ phía chính quyền. Ở thời bao cấp (từ 1956 ở miền Bắc, từ 1975 đến 1990 trong cả nước), ấn phẩm sách phải được làm từ các nhà xuất bản, vốn có tư cách những cơ quan nhà nước, lại cũng có tư cách doanh nghiệp về “sự nghiệp” (= sự nghiệp văn hóa-xã hội?), lại vừa phải được cấp phép theo từng tên sách (titre, title). Từ những năm 1990, do chấp nhận một phần sự tham gia của kinh doanh tư nhân (các bên liên kết) vào xuất bản, người ta cho phép tư nhân “đứng tên chung” với nhà xuất bản, nhưng giấy phép thì chỉ nhà xuất bản được đứng tên xin cấp.

Diễn biến của thị trường sách vài chục năm qua cho thấy, với việc mua bán giấy phép xuất bản, hoạt động của số đông nhà xuất bản đã trở nên teo tóp, lụn bại, do mất thị phần; họ làm sách ngày càng ít, trong khi phần việc chính lại là xin giấy phép (từ cục xuất bản) cho các loại ấn phẩm của các hãng tư nhân, và thu khoản phí nhỏ nhoi (tuy cũng rất đáng kể) từ các giấy phép đó, kèm theo đó là công việc biên tập nội dung các bản thảo ấy (công việc này ngày càng mang tính hình thức, được thực hiện ngày càng trễ nải).

Có người bảo, nếu không có một vài quy chế mang tính luật pháp, thì việc các nhà xuất bản đứng ra “xin hộ” (thực chất là xin về rồi bán) giấy phép cho các bên liên kết đã có thể bị nhận định là hành vi “hối mại quyền thế”, – đem cái quyền mà cơ quan nhà nước cho phép mình làm để chuyển nhượng lại cho những đơn vị vốn không được hưởng cái quyền ấy. Đồng thời, liên quan với hành vi này của các nhà xuất bản, thì cục xuất bản cũng vô hình trung trở thành kẻ đồng lõa, thành người tiếp tay cho hành vi hối mại quyền thế kể trên! Đây, không gì khác, chính là một dạng thức tha hóa của quyền lực.

Thật ra, khi cho phép tư nhân “liên kết” với các nhà xuất bản, người ta đã thiết kế theo quy tắc ưu đãi cho nhà xuất bản (giống như sự ưu đãi doanh nghiệp nhà nước), nhưng số đông các nhà xuất bản, vì nhiều lý do khác nhau, đã xem nhẹ công việc hàng đầu là sản xuất và chiếm lĩnh thị trường sách để sống bám vào cái ưu đãi được cấp giấy phép, thực chất là sống bám vào cái quyền được làm cánh tay nối dài của cục xuất bản.

Nhưng, chính thị trường sách mới là đất sống lâu dài. Một số nhà xuất bản hiểu được điều này, đã nỗ lực cả ở công việc biên tập lẫn công việc kinh doanh, giữ thị phần để tồn tại và theo kịp thời đại. Trong khi đó, không ít đối tác “liên kết” đã khôn ngoan đầu tư vốn liếng, công sức để chiếm lĩnh thị trường, lại cũng tự xây dựng cơ nghiệp của mình thành những đơn vị xuất bản chuyên nghiệp; họ làm sách ngày càng bài bản, có chương trình dài hơi, có các bộ phận biên tập nội dung, kỹ thuật, thậm chí tìm được sự cố vấn của các chuyên gia thông thạo ở mỗi lĩnh vực, rồi còn mở ra những việc như mua bản quyền các tác giả trong nước, mua bản quyền để có sách dịch từ tác giả nước ngoài, tổ chức bán sách qua internet, v. v… Chỉ có giấy phép cho mỗi tên sách là họ phải xin (và có trả phí, tức là mua) của nhà xuất bản… Đặt bên cạnh thế lực mạnh mẽ của những đối tác “liên kết” như thế, vai trò các nhà xuất bản “chính ngạch” giờ đây đã khiêm nhường hẳn đi. Nói không quá, nhiều nhà xuất bản giờ đây đã trở thành người phụ thuộc, thành kẻ ăn bám vào các đối tác liên kết mà nay đã là những ông chủ đích thực của thị trường sách.

Trong hoạt động xuất bản hiện nay, việc duy trì cái quyền được “bán giấy phép” tuy vẫn còn là cái phao cứu sinh cho khá đông nhà xuất bản, nhưng từ lâu đã không còn là động lực cho các nhà xuất bản ấy phát triển nữa, ngược lại, chỉ góp phần đẻ ra những sản phẩm kém cỏi, do sự thiếu năng lực hoặc thiếu trách nhiệm của các bên – hoặc nhà xuất bản, hoặc đối tác liên kết. Đã đến lúc chấm dứt cái quyền “bán giấy phép” kể trên.

Thực tế phát triển của hoạt động xuất bản cho thấy, phải có sự thay đổi căn bản về quản lý: hoặc là bãi bỏ hẳn chế độ cấp phép cho các ấn phẩm xuất bản, hoặc là thu lại quyền cấp giấy phép về cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu hệ thống luật pháp được xem là đã đủ để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh sách và xuất bản phẩm, thì nên bãi bỏ quy chế cấp phép xuất bản. Song, trong tâm thế muốn duy trì quyền kiểm soát càng nhiều càng tốt của bộ máy quản lý hiện tại, thì khó ai tin quy chế cấp phép xuất bản sẽ được bãi bỏ. Bởi vậy, sẽ là thực tế hơn khi đề xuất điều chỉnh hoạt động cấp phép xuất bản.

Ta biết, trên thực tế, hoạt động xuất bản không phải bao giờ cũng mang tính thương mại, không phải bao giờ cũng được thực hiện bởi những cá nhân hoặc tổ chức chuyên làm xuất bản. Một viện nghiên cứu, một cơ quan, đơn vị bất kỳ, có thể, khi cần, xuất bản một tập sách kỷ yếu; một dòng họ có thể, khi cần, xuất bản một cuốn gia phả; một người thường, có thể, khi cần, xuất bản một tập thơ, một tập ghi chép, một tập biên khảo của mình, – đây là một trong các phạm vi của quyền công dân. Nếu vẫn duy trì quy chế cấp phép thì mọi đối tượng kể trên cần được cấp phép trực tiếp bởi chính cơ quan quản lý nhà nước, ở cấp trung ương (cục xuất bản) hoặc địa phương (sở TT-TT). Các cá nhân hoặc tổ chức chuyên kinh doanh sách cũng cần được cấp phép xuất bản trực tiếp bởi các cơ quan quản lý kể trên. Còn lại, các nhà xuất bản “chính ngạch”, tuy là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay chỉ là những đơn vị kinh doanh, tồn tại bên cạnh những đơn vị kinh doanh khác, ngoài việc cần được cấp phép (bởi các cơ quan quản lý kể trên) cho những ấn phẩm họ trực tiếp làm ra, không nên được quyền “xin” hộ giấy phép cho các đối tượng khác; bởi vì những hệ quả lợi hại của việc “hối mại quyền thế” này đã bộc lộ quá rõ và quá đủ trong đời sống xuất bản vài chục năm qua.

Các nhà xuất bản, cũng như mọi đơn vị kinh doanh, không thể nằm ngoài định luật kinh tế, – ăn nên làm ra thì tồn tại mở mang, làm ăn thua lỗ thì teo tóp thậm chí giải thể. Một vài nhà sách, nhà xuất bản phải giải thể, bị xóa tên trên “bản đồ” xuất bản  là chuyện bình thường, chứ đó không có nghĩa là cả nền xuất bản đổ vỡ. Bởi sản phẩm của xuất bản là sách chứ không phải các đơn vị nhà xuất bản.

Những đề xuất kể trên – thu quyền lực về nơi thực thi quyền lực, xác định lại chức trách những phía liên quan đến xuất bản – đương nhiên chỉ đưa ra những phòng ngừa chứ không thể ngăn chặn hết tình trạng thoái hóa, tha hóa trong nghề làm sách. Nhưng trong loại hoạt động kinh tế có nội hàm văn hóa này còn có những động lực khác nữa, khích lệ chiều hướng tiến bộ. 

16/10/2014