ẤN ĐỘ HUYỀN BÍ

 

Một nước nhiều tôn giáo nhất

Nói đến Ấn Độ, ai cũng phải công nhận đó là nước bí mật cả về phương diện chính trị và tôn giáo. Trong xứ Ấn Độ rộng lớn có rất nhiều tôn giáo thường chủ thuyết trái ngược hẳn nhau. Trong số 327 triệu dân Ấn Độ thì số dân theo về đạo Bà- la-môn và Ấn Độ giáo (Hindouisme) tức là đạo Bà-la-môn cải lương giản đi hơn nhiều, đã có tới 240 triệu còn dân theo Hồi giáo, Thiên chúa giáo chỉ có độ 80 triệu. Ngay trong đạo Bà-la-môn và Ấn Độ giáo cũng đã chia ra nhiều phái khác nhau. Đạo Bà-la-môn là tôn giáo tối cổ ở Ấn Độ, tiếp với thời kỳ Védisme là thời kỳ thứ nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Bà-la-môn không những là một tôn giáo mà còn là một tổ chức xã hội và chính trị của Ấn Độ thịnh hành nhất vào hồi bảy thế kỷ trước Thiên Chúa giáng sinh. Cái cốt yếu của đạo Bà-la-môn là chế độ các giai cấp. Bốn giai cấp truyền thống ở Ấn Độ là giai cấp thầy tu “Brahmanes”, giai cấp “Kchatryas” gồm các võ sĩ, giai cấp “Vaçyas” gồm bọn trưởng giả, các nhà thương mại và giai cấp “Soudras” gồm các nhà tiểu công nghệ và nông dân. Ngoài các giai cấp đó là hạng cùng khốn, hạng người không trong sạch, không có nghề nghiệp và kế sinh nhai, bị khinh rẻ bạc đãi đủ cách. Hạng này ở riêng hẳn một khu và khi đi ra đường phải đánh lệnh báo hiệu để cho các hạng người khác tránh xa. Hạng cùng đinh đó rất đông, chiếm tới 60 triệu dân Ấn Độ. Đạo Bà-la-môn không bao giờ tha thứ cho bọn họ nên gần đây họ phải theo các tôn giáo khác nhiều.

Trong bọn thày tu Bà-la-môn cũng có nhiều hạng mà cách tu hạnh khác nhau. Hạng thì tu phép khổ hạnh, hạng thì tu theo phép Tăng Kiu (Samkhya) hạng thì tu theo phép Du-ca (Yoga) tức là phép Thiền na (Dhyana). Những hạng thày tu này đều tu với mục đích sống lâu và có thể lên cõi trời. Trong các phái thày tu đó hạng tu theo phép khổ hạnh nghĩa là giữ giới, nhịn ăn nhịn mặc, mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một hạt gạo rồi ngồi tĩnh toạ suốt đời và hạng thày tu Yogi tu theo phép Du-ca nhiều hơn cả. Hiện nay ở Ấn Độ cũng đang còn nhiều các thày tu Yogi đó.

Còn “Fakir” là hạng thày tu thường làm trò quỷ thuật và dùng các thuật đó làm kế sinh nhai. Các nhà văn, các nhà báo Âu tây sang du lịch để khảo cứu về Ấn Độ thường nói đến các thày tu đó luôn.

Trong cuốn Inde secrète (Ấn Độ bí mật) tác giả là Paul Prunton đã nói nhiều về các thày tu đắc đạo (Yogi) và bọn Fakir thường đem pháp thuật để làm trò cho công chúng xem.

 

Mười năm ăn một hạt gạo mà sống

Theo lời tác giả, các bậc chân tu đắc đạo được một số nhiều người tôn sùng không có mấy. Còn hạng thày tu “vườn” thì nhan nhản khắp nước, đâu đâu cũng có, cả ở thành thị và thôn quê. Có những bậc thày tu hàng mấy chục năm không nói một tiếng, khi muốn bày tỏ ý nghĩ gì, thì chỉ dùng ngón tay chỉ vào các chữ trong Phạn tự hoặc một thứ chữ Ấn Độ nào rồi có các đồ đệ thông ngôn cho người ngoài biết. Lại có hạng thày tu ngồi tĩnh toạ, nhập định hàng bao nhiêu năm, lúc đầu còn ăn một ít cơm gạo để cầm hơi rồi sau dần tuyệt thực hẳn, có hạng lại chỉ sống về các thứ hoa quả.

Lúc nhập định thì bọn thày tu ngồi yên nhắm nghiền mắt lại, óc chỉ nghĩ đến một mục đích gì nhất định, còn ngoài ra không để ý đến các vật xung quanh mình nữa.

Nhiều vị thày tu đắc đạo được coi như những bậc hiền triết, những vị tiên tri, những bậc cứu dân, độ thế, cả dân Ấn ai nói đến tên đều tỏ lòng kính trọng một cách thành thực. Một vị thày tu tu ở một nơi tĩnh xá gần thành Calcutta lại theo đuổi một mục đích tối cao và tối nhân đạo là cải tạo cả thế giới cạnh tranh này. Thày tu đó đã tuyên bố với văn sĩ Anh tác giả cuốn Ấn Độ bí mật là vài ba năm nữa khi nào nhân loại đánh nhau chán thì vị đạo sĩ đó sẽ đi du thuyết thiên hạ để truyền những lý thuyết hoà bình, nhân đạo rất cần cho nền hạnh phúc của loài người. Thày tu Ấn Độ đã nói một cách chắc chắn vững vàng hình như tin chắc hẳn thế.

Lại có những thày tu được tôn là đứng đầu một phái tôn giáo và được người Ấn coi như là một vị cứu thế, một vị thần minh ai đến gần thấy diện mạo bình tĩnh, có vẻ siêu phàm cũng phải đem lòng kính nể và tin theo.

Những nhà thôi miên và những người có phép ảo thuật ở Ấn độ

Tác giả cuốn Ấn Độ bí mật lại có thuật lại rằng khi ông vừa bước chân vào Ấn Độ, trọ trong một khách sạn lớn ở thành Calcutta thì ông có gặp một thày tu người Ai-cập rất giỏi về ảo thuật và thôi miên. Người Ai-cập đó không rõ là theo phép “thần giao cách cảm” (auto suggestion) hay phép thôi miên mà đoán được những điều bí mật rất tài. Người đó bảo tác giả viết một câu gì vào một mảnh giấy con rồi vò lại nắm trong tay, thế mà người đó có thể đoán đúng câu đã viết không sai chữ nào. Người đó lại có thể đoán đúng những chỗ ở và công việc mà tác giả đã từng làm và ý nghĩ của tác giả. Phép ảo thuật này đã đem thí nghiệm nhiều lần đều đúng.

Người Ai-cập đó sang Ấn Độ để kiếm tiền về ảo thuật và mỗi lần vẫn kiếm được những món tiền khá lớn.

Tác giả cuốn Ấn Độ bí mật lại thuật có được gặp một vị tiên tri như thày bói của ta đoán tiền vận hậu vận bằng cách xem các sao chiếu mệnh rất đúng, như người Việt Nam lấy số tử vi nhưng còn thần diệu hơn nhiều.

Vị thần bói đó ở trong một phố hẻm ở Bénarès và trong một nếp nhà cổ lúc nào cũng tối om, muốn vào phải thắp nến. Thày bói Ấn Độ đó từ bao nhiêu năm chỉ chuyên nghiên cứu về khoa đó, trông người gầy gò và xanh dợt như một con ma vừa ở dưới mả chui lên.

Ở Bénarès lại có một thày tu đắc đạo rất giỏi về cách xem các vị tinh tú trên giời để tiên đoán và quan sát mọi việc. Thày tu có làm một ngôi nhà lợp và bao bọc toàn bằng thứ kính dày và trong suốt không có một vết và một tí không khí nào. (Thày tu có nhờ tác giả về Luân đôn đặt hộ ít kính đó nhưng không một nhà chế tạo thuỷ tinh nào làm được).

Sau cùng tác giả lại có gặp một vị “Fakir” rất giỏi các phép ảo thuật, có thể làm được những trò rất màu nhiệm như sai khiến những người giả bằng cao su hoặc bằng chì, bằng sắt, xiên kiếm vào thịt mà không chảy máu vân vân… Thày phù thuỷ Ấn độ đó đã thí nghiệm những phép màu nhiệm trước mặt tác giả mà tác giả không thể nào hiểu được cách hành động bí mật của họ. Các phù thuỷ đó thường làm trò để kiếm tiền của công chúng tại các thành phố và các chợ thường gặp họ làm trò luôn. Cũng có người thì dùng cách giả dối để che mắt người xem kiếm tiền (như cách có thể giồng cây trong một lát sẽ có lá, có quả) nhưng cũng có kẻ thì họ tự bào chữa là không hề dùng cách giả dối và tự xưng là những kẻ chân tu chuyên học các phép riêng. Đối với các nhà tiên tri và thày tu đó dẫu giả dối hay chân thành, người thường cũng khó lòng mà phân biệt được.

 

Đến bọn phù thuỷ

Đã nói đến bọn fakir, ta không thể không nói đến bọn phù thuỷ Ấn Độ, bọn này đã giúp bọn fakir và bọn yogi nói trên làm nước Ấn Độ thành một nước vô cùng huyền bí.

Nói cho thực, ở các nước Á Đông hầu hết nước nào cũng có phù thuỷ cả mà cả Âu châu nữa nhưng chúng tôi cầm chắc rằng không ở một nước nào người phù thuỷ lại đáng sợ bằng ở Ấn. Họ sống một cuộc đời huyền bí lạ lùng và nhiều khi thường đem dùng pháp thuật một cách công nhiên, có khi chẳng kiêng nể gì luật pháp. Ông Jean Marquès Rivière, một nhà báo đã từng viết nhiều thiên phóng sự về các nơi huyền bí ở Á châu, một nhà thám hiểm có chân trong Á Đông đại hội luôn luôn tìm hiểu tâm hồn của giống da vàng, tác giả của những cuốn sách giá trị như A l’ombre des monastères tibétains, Vers Bénarès, La Chine dans le monde, l’Inde secrète et sa magie, đã có hồi viết về bọn phù thuỷ Ấn như sau này:

“Không, phù thuỷ Ấn Độ không phải là một chuyện thường. Họ sống một cách bí hiểm mà có tổ chức và ít khi họ để cho người ta có thể nghi ngờ được những pháp thuật cao cường của họ”.

Thật vậy. Không cứ một ông Rivière nhận thế mà thôi. Hầu hết các báo và văn sĩ ngoại quốc đi khảo sát về tính tình phong tục và những sự cao siêu huyền bí của dân Ấn đều công nhận rằng người phù thuỷ Ấn Độ biết đoàn kết lắm, cho nên cái trật tự trong phái họ không có hai ở trên trái đất. Người dân Ấn sợ họ như những vị thần minh, nhất là vào khoảng đêm 20 tháng mười thì mối lo sợ ấy lại càng tăng gấp bội. Bởi vì đêm đó vắng trăng mà vắng cả sao, sự tối tăm thật hoàn toàn. Bọn phù thuỷ mở cửa đi ra và dọc theo những con sông đen tối, họ rẽ lau vạch lá đi ra một bãi tha ma lớn nhất để luyện âm binh và nấu nước phép để dùng quanh năm.

Sự đó ở Trung Ấn Độ không ai là không biết. Một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền nghìn, người ta đến tận bây giờ vẫn kể những chuyện đó cho nhau nghe như cổ tích và bao nhiêu những cái đó đều vẫn chỉ là những chuyện vô bằng cớ, khó tin, có thể là bịa đặt nữa, nếu một hôm không có một người Pháp can đảm đi theo bọn phù thuỷ nọ để xem cử chỉ và hành tung của họ ra thế nào.

“Tôi, − lời nhà báo Jean Marquès Rivière, − tôi dắt một khẩu súng và đi theo họ, đi mãi, đi mãi, đến một khu rừng rậm rạp. Đấy là một cái hồ không biết bao nhiêu là cá sấu; nọ là một cái làng có tám trăm xuất đinh ở chui rúc trong những căn phố tối tăm chật hẹp. Một điều đáng chú ý là tối nay ở khắp những dãy phố đó không có lấy một con mèo. Trẻ con người lớn đều trốn vào trong nhà cài then cửa cẩn thận, sợ những linh hồn xấu nó nhập vào người (như thể kiểu đàn bà nước ta sợ hồn Phạm Nhan nhập vào quần áo phơi ở ngoài sân vậy). Không một người nào dám thò đầu ra xem ở ngoài đường có những gì. Khách đi đường chỉ thấy ở những căn phố đó xông ra một mùi phân bò khô người ta phơi trên tường.

Đến khu rừng tôi vừa nói trên kia, một cảnh ghê gớm hiện ra dưới mắt tôi. Tôi đã trông thấy gì? Các ngài cứ giở một cuốn truyện trẻ con có tranh vẽ những phù thuỷ về thời trung cổ ngồi luyện âm binh ở trong một khung cảnh tranh tối tranh sáng, các ngài sẽ thấy ngay cái cảnh tượng tôi được nhìn lúc đó.

 Ở giữa rừng có một cái chòi gianh. Trong chòi chính mắt tôi được trông thấy bốn mụ đàn bà đã già ngồi quây quần ở chung quanh một bếp lửa đỏ: các mụ ấy đương đun một cái nồi gì rất to, lửa liếm vào thành nồi như muốn bốc lên đến tận mái chòi. Trên mái chòi có một ống to để thông khói ra ngoài. Tuy vậy trong gian nhà ấy khói vẫn toả ra mờ mịt như sương và lẫn vào mùi khói đó, ta thấy một mùi hôi rất lạ, một người không can đảm không thể nào ngồi được lâu.

 

 

 

Luyện bùa tà phép ngải

Bốn người đàn bà ấy, − vẫn lời ông Jean Marquès Rivière, − bốn người đàn bà ấy tôi đều quen biết cả. Họ là những mụ phù thuỷ có tiếng là pháp thuật cao cường nhất trong làng, vừa thấy tôi đẩy cửa bước vào, họ đều giương những con mắt cú vọ lên nhìn tôi nửa ra dáng tức giận, nửa ra chiều sợ sệt. Họ sợ sệt tôi có lẽ là vì tôi là một người bạn thân viên cố đạo vùng đó và ở đây hầu hết đều biết tôi có biết một chút ít về pháp thuật nguy hiểm của dân Ấn Độ. Tôi lại có cả một quyển sách nói về cách làm bùa mê phép ngải là khác nữa. Thường thường gặp tôi ở ngoài đường, họ đối với tôi cũng có cảm tình lắm lắm. Nhưng đêm nay thì tôi xin thú thực là họ lấy sự có mặt của tôi ở đó làm vô cùng khó chịu. Mặc. Tôi cứ cất tiếng lên chào họ: Salam, aleck! Tức thì, các mụ trả lời tôi: Abkum salom. Chủ khách thi lễ xong rồi, tôi bèn lễ phép hỏi các mụ làm gì đêm nay mà tụ họp có vẻ “long trọng” thế? Các mụ đáp rằng: Tum ziya d’mangte ho (Sao ông tò mò thế?). Tôi lấy thế làm phật ý lắm, bởi vì tại sao họ lại giấu tôi, − tôi, một người cũng có thể tự coi như là anh em với họ? (bhen bhai). Tôi há chẳng thờ chung những nữ thần với họ ru? Tôi chẳng có sách phép là gì? Tôi chẳng đã học montrams là những câu thần chú phù thuỷ là gì? Không ngần ngại, tôi bèn nói hết cả những ý nghĩ của tôi ra, thì các mụ phù thuỷ kia, sau khi đưa mắt hỏi ý nhau, gật đầu cho phép tôi ngồi lại trong gian chòi ấy.

− Được chúng ta cho phép, nhưng chỉ một tiếng đồng hồ nữa chúng ta sẽ thoát xác ra ngoài bãi tha ma để luyện âm binh cả. Vậy ông có hứa với chúng ta rằng trong khi chúng ta làm việc ấy thì ông sẽ đi khỏi đây không?

− Atcha, Mâgna, thưa mẹ vâng. − Và tôi ngồi xổm dưới đất miệng lâm râm khấn vái như họ còn mắt thì đưa khắp gian nhà không bỏ qua một tí cử chỉ nào của họ. Ôi! lúc đó không biết tôi đã ở đâu? Ở châu Á, ở châu Âu, ở thế kỷ XIV hay thế kỷ XX vậy? Tôi cũng không biết nữa. Bọn phù thuỷ lúc giơ những cái đũa giắt trong người ra, vừa chỉ vào cái nồi đương đun, vừa lâm râm tụng niệm. Có khi họ lại nghỉ khấn khứa trong một lúc, rút ở trong lưng ra một chuỗi tràng hạt đẽo hình những cái đầu lâu nhỏ bằng quả hạnh nhân. Tuy bấy giờ gian phòng mờ mờ ảo ảo tối nhiều hơn sáng, nhưng mắt tôi cũng trông rõ thấy bọn họ ăn mặc rất xềnh xoàng: quần áo như thường, bên ngoài họ quấn một cái khăn choàng đỏ. Mặt họ răn reo, già xọc và mắt người nào cũng đỏ như trong một cơn sốt rét lạ lùng: có lẽ họ đã làm phép lâu lắm trước khi tôi đến. Mồ hôi họ chảy ròng ròng, nhưng cả bốn mụ phù thuỷ đó đều có cảm giác dễ chịu, không thấy không khí trong gian chòi này khó thở.

Bỗng một mụ trong bốn mụ không làm phép nữa, đứng lên, và bắc cái nồi đồng lớn ở trên bếp lửa ra ngoài. Tôi nghé mắt nhìn vào xem trong nồi thì, chao ôi…

 

Một cái nồi đầy rắn rết và cóc nhái

Trong một thứ nước xanh lè như rêu, sôi sùng sục như thể dầu ta đun vậy, mắt tôi thấy quằn quại dãy dụa không biết bao nhiêu là rắn rết, cóc nhái, xương cốt và tôi lại thấy cả các thứ cỏ và lá nữa. Ngọn lửa chập chờn ở trong bếp lò chiếu vào nồi, lúc mờ lúc tỏ làm cho những con ếch, con nhái luộc chín lên kia, lúc ẩn lúc hiện, khi còn khi mất, linh lung huyền ảo lắm. Tôi không còn nhớ rõ lúc bấy giờ là mấy giờ nữa. Đêm khuya rùng rợn ở Ấn Độ lắng xuống lòng người ta như một tiếng cú lắng vào đêm khuya, một giọt nước lắng vào chỗ trống. Tôi bắt đầu thấy mệt, đương sửa soạn ngồi nghỉ một chỗ ở trong xó thì đùng một cái tôi thấy một tiếng kêu quái dị. Thì ra một mụ trong bốn mụ phù thuỷ đó lăn đùng ra ở bên cạnh nồi nước phép, mắt trợn ngược, bọt mép phun phì phì. Người cao thuỷ cao tuổi nhất trong bọn, chúng tôi gọi là mẹ, lúc ấy liền tiến về phía tôi mà bảo: − Đấy, em xem. Mụ này vừa thoát xác để cho linh hồn đi dự hội nghị của đấng Chí Tôn Chí Kính. Chúng ta rồi cũng lần lượt phải đi đây, vậy em nên thu xếp mà về để cho chúng ta được tự do làm việc.

Không cãi lại một câu, tôi vâng lời bà chị. Không khí ở bên ngoài làm cho tôi dễ chịu và đuổi tan sự khó chịu mà tôi vừa thấy ở trong gian nhà chòi. Đêm ấy tối vô cùng, không có một mảnh trăng sao. Khí trời như chết. Và tôi từ từ lê gót đến nhà ông bạn cố đạo Shiva của tôi. Bạn tôi lúc ấy đương làm lễ ở trước ban thờ Shiva ở trong một cái đền cổ hoàn toàn im lặng. Tôi bèn kể hết cả đầu đuôi sự thể những điều tôi vừa thấy thì bạn tôi nghiêm trang giảng giải cho tôi nghe rằng:

− Phải, đêm nay là đêm những người phù thuỷ luyện phép thực, mà cũng là để thoát xác đi về hầu tổ sư của họ.

− Tổ sư của họ là ai vậy?

Bạn tôi trầm ngâm một lát. Vợ bạn tôi, mỹ miều trong cái khăn sari tím trả lời thay cho chồng:

− Tổ sư của bọn phù thuỷ Ấn Độ không phải chỉ có một ông nhưng là nhiều ông. Có ông là người da trắng, có ông là người da đen.

− Thế cái nồi đồng kia là nồi gì?

Vợ bạn tôi cười và nói:

− Trong cả một năm, người phù thuỷ chỉ có thể luyện phép để dùng trong có một đêm nay. Cái mà ông vừa được trông đó là bùa yêu vậy. Lúc ông đến, họ đã làm xong bùa chết bùa sống bùa hộ mệnh, bùa trừ tà ma, bùa cầu tài rồi đó. Những bùa này làm bằng gì? Chắc ông không biết. Những bùa này làm bằng một thứ nước phép riêng. Họ cho nước ấy vào nồi đun một lát rồi cho những thú vật và cây cối riêng của họ vào: rắn rết, cóc nhái, xác người, xương thú, − nói tóm lại tất cả những cái gì mà họ xét có thể giữ được cái tinh anh người ta lại. Xong rồi họ đem đun sôi lên tới 300 độ, và không bao giờ họ có thể đun ban ngày được.

− Nhưng làm như thế thì có kết quả gì không?

Bạn tôi đỡ lời cho vợ:

− Tôi là cố ở đây, không những có bổn phận phải giữ linh hồn cho dân chúng nhưng còn có bổn phận trừ tiệt những phường phù thuỷ kia đi. Nhưng tôi có thể nói chắc chắn với bạn rằng những cái bùa phép của họ có một thứ gì huyền bí quá, chính tôi cũng không hiểu nữa. Bởi vì những cái bùa ấy có một công dụng rất gớm ghiếc, không ai tưởng được. Đây, xin ông nghe một câu chuyện thực mới xảy ở vùng này ít lâu nay.

Một hôm, tôi đương lễ thần Shiva như hôm nay thì có người đến mời tôi đến làm lễ cho một nhà nọ trong làng bên cạnh; một người thiếu phụ 16 tuổi vừa đâm đầu xuống sông tự tử. Nhà người con gái sợ rằng cái churel, cái hồn người con gái sẽ cứ lẩn quất trong nhà mãi để báo hại người nhà nên họ mời tôi đến để làm lễ siêu thoát cho hồn người con gái. Lúc tôi đến thì xác người bạc mệnh đã được người ta vớt lên trên bờ rồi. Nhìn kỹ thì xác chết đã bị cá sấu ăn gần hết hai đùi và một tay. Theo tục lệ ở đây, người ta vội vàng làm lễ cứu vớt vong hồn người xấu số rồi lẳng lặng không trình báo gì cả, − bởi vì trình báo sở cảnh sát Anh làm gì, vô ích, phải không ông? − người ta đem thiêu xác người xấu số và ba hôm sau một hiện tượng rất kỳ lạ xảy ra ở nhà chồng người con gái đó. Nhà chồng người con gái đó có ma: đêm đêm người ta thấy gạch ngói ném ở trên trời xuống; tường vách có tiếng kêu; thú vật thường kêu rợn và không dám ở trong nhà. Người ta thấy vậy biết ngay là có bàn tay của phù thuỷ đặt vào bèn để ý dò la thì quả thế, cách đấy ba dặm có một phù thuỷ thật. Tôi bèn phụ đồng làm lễ và hoá phép hòn than; đặt một hòn than lên một cái lá, hòn than nẩy lên và vẽ thành những cái vạch riêng. Tôi xem những cái vạch ấy và thấy rằng mụ phù thuỷ nọ có liên can đến cái chết của cô gái nọ. Tôi bèn tìm đến mụ ta bởi vì ở đây ai cũng biết tôi quen biết hết các mặt phù thuỷ. Thì mụ phù thuỷ nọ cũng chẳng giấu diếm tôi điều gì. Mụ ta nói: Gần đây có một người thanh niên mê nàng thiếu phụ kia, một hai xui cô ả trốn chồng đi bày chuyện hoa nguyệt ở bụi tre bờ suối. Ác thay, thiếu phụ kia lại yêu chồng, quyết giữ trọn chữ thuỷ chung, vàng bạc cô không màng mà lợi danh cũng chẳng tưởng: trái lại, cô còn phỉ nhổ vào mặt gã trai kia là khác. Phần thì tức giận vì lòng tự ái bị thương tổn, phần vì bị dục tình chi phối một cách mù loà, gã thanh niên đi tìm mụ Yobini là mụ phù thuỷ nhờ làm hộ bùa yêu để phá đồn ải chung thuỷ của thiếu phụ nói trên. Không khó khăn gì mà cũng chẳng hỏi han căn vặn một câu mụ Yobini lấy một cái cóng bằng đất nung đựng bùa phép bán cho gã si tình nọ. Bùa phép ấy là một thứ nước tanh nhờn, không có mùi vị gì cả. Gã trai sẽ nhờ gia nhân đày tớ nhà cô gái lừa lúc nào thuận tiện pha vào nước hoặc đồ ăn của cô gái, không cần nhiều chỉ một vài giọt cũng đã thấy kiến hiệu ngay. Cái kết quả của bùa yêu đó thực là tai hại. Sau tám ngày hết sức trấn giữ cõi lòng, cô gái nọ thấy chịu thua người phù thủy. Cái bùa yêu đó làm cho cô ta điên cuồng, và một hôm, thừa lúc chồng đi vắng, người đàn bà trẻ tuổi khốn nạn đó hiến thân cho gã trai si ngốc. Cơn thú dục vừa qua thì cô gái nọ tỉnh ngay: cô gào khóc, cô cào cấu mặt mày, bò ra để về nhà và sau một đêm kêu khóc, sáng sớm hôm sau, cô ra ven rừng đâm đầu xuống bờ suối, quyết không đội giời chung với kẻ đã phá tán đời mình, chà xéo hạnh phúc của gia đình. Chỉ một loáng, cá sấu kéo lại xâu xé thể xác cô ta.

Người phù thuỷ nói đến đấy, ông cố Shiva hỏi:

− Thế còn người đàn ông đã mua bùa yêu kia sau kết cục ra thế nào?

− Này này, không có pháp luật nào của người đời lại có thể trừng phạt một cái tội ấy cho xứng đáng. Trời, trời xử thẳng tay những người đã cả gan cướp quyền của thiên công để làm lợi riêng cho mình. Không lâu đâu, ông ạ, chỉ sau đó nửa tháng thì có việc báo ứng nhỡn tiền ngay. Nếu ông muốn biết thì cứ đi lại làng Sriga, tìm nhà gã trọc phú Govindor Mehta thì thấy những nữ thần và ma quái Churel trả thù cho người thiếu phụ xấu số kia ra thế nào.

 

 

Người chết trả thù

Hôm sau, tôi đi, − đây là lời của nhà phóng sự Jean Marquès Rivière, − tôi đi tìm nhà gã thanh niên si tình ở làng Sriga và tôi cố tìm cách được gặp mặt người đàn ông đó. Tôi bịa ra một chuyện buôn thóc để cho người nhà dắt tôi vào giáp mặt ông ta. Đó là một nhà giàu có nhất ở trong làng, nhà cửa rất đẹp, gia nhân đầy tớ có đến mấy chục; những người vay công lĩnh nợ đến chực ở cửa có đến hơn trăm người.

Một tên đày tớ chạy ra đứng trước mặt tôi và xin lỗi thay cho chủ nhân không thể tiếp được khách. Tôi nhân danh là một người da trắng lại đến nói chuyện về việc buôn bán nên sau một lát thì tôi được người “đặc cách” tiếp chuyện tôi trong phòng kín. Chủ nhân, Govinda Mehta lúc ấy nằm trên giường, chung quanh toàn chăn nệm. Anh ta run cầm cập như sốt rét và có vẻ co ro cúm rúm và già nua như thể một ông lão gần kề miệng lỗ rồi, nói chuyện về việc buôn bán. Gã Govinda run rảy cầm một cái bút chì làm tính. Để ý thì tôi thấy mắt gã ta đỏ song lúc nào cũng trông ngang như thể một người sợ ai đánh trộm. Câu chuyện nọ dắt câu chuyện kia, chúng tôi bước sang chuyện phù thuỷ và các ngài cần phải ngồi ở đấy mới có thể biết lão ta mạt sát bọn phù thuỷ như thế nào. Anh ta lại công kích luôn cả ông cố Shiva, bạn tôi. Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra rằng ông cố đạo Shiva, bạn tôi, đã dự một phần quan trọng trong việc phục thù cho linh hồn thiếu phụ đã đâm đầu xuống sông.

Hai tuần lễ sau thì cả làng Sriga có tin Govinda Mehta đã chết một cách vô cùng khổ sở.

 VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 108 (26/4/1942)