450 NGÀN TRIỆU VỀ VIỆC QUỐC PHÒNG

 

Một năm nay Hoa Kỳ tiêu 450 ngàn triệu về việc quốc phòng. Một chương trình vĩ đại đương đem thực hành thì nổi lên chiến tranh Nhật − Mỹ

 

 

 

            Cuộc chiến tranh Nhật-Mỹ nổi lên ở Thái Bình Dương không phải là chuyện lạ; từ bốn mươi năm nay, ai cũng có thể biết rằng Nhật-Mỹ phải có phen xô đụng nhau ở trên mặt Thái Bình Dương, nhất là từ khi có Âu chiến đến nay, Mỹ và Anh hết sức giúp chánh phủ Trùng Khánh và Nga Xô Viết. Những cuộc điều đình Nhật-Mỹ vừa đây càng làm cho ta thấy tình thế Nhật-Mỹ quá găng rồi, nhưng nhiều người vẫn tin rằng nếu chiến tranh có bùng nổ giữa hai nước ấy thì cũng phải sang đầu 1942. Tình hình thế giới đã làm cho cái ngày khói lửa kia đến sớm hơn một chút: nó đến một cách gần như bất ngờ. Tuy vậy, ta có thể nói chắc rằng Nhật, Mỹ đều đã sửa soạn đâu đấy cả rồi. Về phần Nhật, các bạn xem một bài khác nói kỹ hơn, còn riêng Mỹ thì ít ra cái chương trình phòng thủ và tăng binh bịẳtong năm 1941 cũng đã gần hoàn hảo. Từ trước đây Mỹ đã để ý đến Hồng Kông, Tân-gia-ba, Mã-lai, Úc châu và Nouvelle Zélande.[1] Đó là một trở ngại lớn cho Nhật. Nhật muốn huy trương thanh thế ở đó cần phải rất đắn đo, nhất là cần phải đợi xem hải quân Anh ra thế nào. Nếu trong cuộc Âu chiến này hải quân Anh bị thiệt hại không thẻ nào trở tay ở Viễn Đông, tất nhiên là những miền bể và đất nói trên kia sẽ bị vào tay những nước trong hợp ước tam cường vậy. Lúc ấy Anh chỉ còn cách là trông đợi ở hải quân Mỹ. Vậy hải quân Mỹ liệu có thay Anh mà làm tròn phận sự không? Chúng ta đã biết rằng từ trước đến nay Mỹ chỉ đứng ở địa vị khách quan mà nhìn thời cuộc và đợi giờ cuối cùng xem tình thế  ra thế nào lúc đó mới ra tay. Cái chánh sách của Mỹ là một chánh sách khôn ngoan đến cùng cực, vì tuy Mỹ có một hải quân mạnh nhất, đầy đủ nhất thực đấy nhưng Mỹ không có những nơi căn cứ cần dùng trong lúc chiến tranh bùng nổ.

 

 

Một cái thành bọc sắt hay là Gibraltar ở Viễn Đông

            Muốn bù vào chỗ khuyết điểm ấy, từ cuối năm ngoái, Décembre 1940, những đại biểu của ba cường quốc, Mỹ, Anh và Úc đã họp bàn ở Hoa Thịnh Đốn. Người ta không biết đích cuộc bàn luận ấy có những tình tiết bí mật gì, nhưng cứ những lời suy đoán của chính giới thì Mỹ, Anh và Úc đã thoả thuận về nhiều điều, mà vấn đề Tân-gia-ba là một điều quan trọng. Mỹ đã để ý đến Tân-gia-ba là một nơi căn cứ quan trọng không kém gì Pearl Harbour và Hawai. Từ trước, hàng trăm triệu đô-la đã vứt vào đó để làm một chỗ căn cứ bền vững và mạnh nhất. Bây giờ người ta có thể nói Tân-gia-ba là một cái Gibraltar ở phía tây Thái bình Dương vậy.

Tân-gia-ba có một trở lực hơi quan hệ. Nếu ta nhớ lại cuộc tấn công của Nhật đêm 8 Décembre 1941 thì sẽ thấy rằng Nhật đánh Hawai đồng thời ném bom ở Pearl Harbour, đánh Phi-luật-tân và Mã-lai. Nhật không đánh Tân-gia-ba trước có lẽ vì cần phải cẩn trọng trong việc này, chứ không bao giờ lại đánh Mã-lai, Phi-luật-tân mà không đồng thời đánh Tân-gia-ba. Bởi như trên kia đã nói, Tân-gia-ba là một nơi căn cứ phòng thủ kiên cố nhất, ở đó hải quân Anh và Mỹ hợp tác với nhau. Người ta phòng thủ Tân-gia-ba bằng những súng từ 40 đến 45 phân, bắn xa 50 cây số. Tân-gia-ba ngoài ra lại có một cái bể cạn có thể che chở những tàu chiến to nhất và một cái bể nổi chứa được những tàu chiến nặng 5 vạn tấn. Những công cuộc phòng thủ ở đấy không ai biết rõ ra sao, nhưng ai cũng quyết rằng kiên cố và đầy đủ một cácch lạ lùng. Tuy vậy, ta cũng nên biết rằng Anh Mỹ cũng gặp đôi điều khó khăn ở chỗ căn cứ ấy vì ở đấy không có thợ chuyên môn để sửa chữa chiến cụ lớn. Dân ở đấy hầu hết là người Đông phương, nên lúc nàu là lúc Nhật-Mỹ chiến tranh, việc cần nhất trong công cuộc giữ gìn Tân-gia-ba là phải tải thợ từ Anh, từ Mỹ hay từ các thuộc địa của hai nước nói trên để làm cho hoàn toàn, đầy đủ. Trong cuộc Nhật-Mỹ chiến tranh này, Tân-gia-ba quan hệ lại còn vì cớ Hồng Kông bây giờ đã gần như thuộc quyền chi phối của hải quân và không quuan Nhật rồi.

Chiếm Tân-gia-ba có dễ không? Muốn được địa vị ưu thắng ở miền tây Thái Bình Dương, Nhật cần phải chiếm Tân-gia-ba. Chiếm Tân-gi-ba là một công việc khó khăn chứ không phải không thể được. Vả lại, ví dụ có chiếm được Tân-gia-ba đi nữa thì nước đi chiếm cũng phải tổn hại nhiều: không quân, trong lúc này, giữ địa vị quan trọng nhất. Cứ theo như những tin tức sau cùng thì riêng Tân-gia-ba có 1200 phi cơ đủ các kiểu, 400 đạu ở Mã-lai, lúc động dụng Úc-đại-lợi và Nouvelle Zélande có thể tải những binh khí tiếp cứu. Nếu Mỹ có thể đặt ở Tân-gia-ba những căn cứ không quân thì phi cơ sẽ rất nhiều bởi vậy từ đầu năm nay các xưởng chế tạo khí cụ chiến tranh đã bắt đầu làm việc dữ. Tuy các cuộc đình công nổi liên tiếp ít lâu nay người ta cũng cứ ức đoán rằng cái chương trình tăng binh bị của Mỹ ít ra cũng thành một nửa.

Sáng nay, 12 Décembre 1941, tin Arip báo cho ta biết rằng thợ thuyền ở Mỹ đã bắt đầu làm việc như thường, mà làm việc mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ. Không hiểu trong mấy tháng nữa thì chương trình của Mỹ sẽ hoàn thành?

 

450 nghìn triệu quan dùng để tăng binh bị

Có thể nói năm 1939 Mỹ chưa xong gì cả, nhưng từ 1940 Mỹ đã hết sức chuyên chú vào việc phòng thủ nên hết sức làm thế nào cho thực hiện được bản chương trình đã định. Cái chương trình này, đã được ưng chuẩn, sẽ dùng tới 10 triệu đô-la và tổ chức nên một đội quân 1.200.000 người, có tới 50.000 phi cơ. Muốn thực hành đúng cái chương trình này, Mỹ đã bắt đầu làm việc và người ta tính từ ba đến năm năm nữa, Mỹ sẽ hoàn thành hai đội hải quân: một đội ở Thái Bình Dương và một đội ở Đại Tây Dương. Hiện giờ người ta cứ đoán rằng lực lượng hải quân, không quân và lục quân Mỹ như sau:

Phi cơ vận quân: 1er  Juillet 1939:  2.000 phi cơ

                             15 Août 1940:  3.200 phi cơ

                                      Đặt làm:  8.245 phi cơ

Phi cơ hải quân: 1er  Juillet 1939:  1.648 phi cơ

                             15 Août 1940:  1.897 phi cơ

                                      Đặt làm:  2.428 phi cơ

Lục quân:           1er  Juillet 1939:  174.074 người

                             15 Août 1940:  299.000 người

Hải quân:            1er  Juillet 1939:  364 tàu chiến

     15 Août 1940:  408 tàu chiến (kể cả     50 khu trục hạm nhường cho Anh)

           tàu chiến hiện đương làm: 138

           Số quân hiện có:     23 Mai 1940:       136.164 người

                                        15 Août 1940:       147.513 người

 

 

 

Thêm 5 triệu đô-la nữa

            Hồi Đức chiếm Pay-Bas và Belgique [2] khoảng 1940, Quốc hội Hoa Kỳ đương bàn bạc về ngân sách dự tiêu về lục quân và hải quân. Những ngân sách này phá hết các kỷ lục khác về thời bình nhưng Tổng thống Roosevelt cho thế là chưa đủ, lại còn tăng gấp đôi lên và thêm vào đó 5 triệu đô-la, vị chi là 450 nghìn triệu quan. Từ Juin 1940 những xưởng chế phi cơ hết sức làm việc để thực hành cái chương trình nói trên kia và nhiều trường ở Californie mở ra để luyện lấy nhân công vào làm những xưởng chế tạo chiến cụ. Như trên kia đã nói, đến ngày 15 Août 1940 thì Mỹ sẽ có tất cả là 5.087 phi cơ. Làm suốt năm 1940 sang năm 1942 đáng lý nếu bình yên không có đình công ra thì Mỹ phải có 50.000 phi cơ. 7674 phi cơ đã đặt năm nay có lẽ sẽ hoàn thành từ Mai đến Juin 1942. Trong số 50.000 phi cơ ấy, lục quân sẽ có 25.000 và hải quân 15.000.

 

24.000 phi cơ

            Tính trung bình, là kể không có đình công này đình công nọ, Mỹ sản xuất mỗi tháng được 10.000 phi cơ. Nếu tin các công xưởng làm việc đều không đình công nữa mà là tin thực, thì mỗi tháng Mỹ sản xuất được 13 hay 14 nghìn vào khoảng đầu năm 1942, và tới 36.000 cuối năm 1942. Ấy là chỉ kể thợ thuyền làm việc 8 giờ một ngày chứ làm việc tới 24 giờ thì không biết Mỹ sản xuất tới bao nhiêu phi cơ hàng tháng!

            Cứ theo sự xét nhận của các nhà chuyên môn thì tháng giêng 1939 Mỹ làm được 7.270 bộ máy phi cơ (tính hàng năm), tháng ba 1940 được 19.280; đến tháng chạp 1940 được 29.280 bộ. Ấy là chỉ kể những bộ máy nặng từ 1.000 mã lực trở lên.

            Ban phòng thủ đã ưng thuận 7 cái hợp đồng, mà cái quan hệ nhất là 17.000 phi cơ tiểu Pratt và Whitney Wasp, giá 160.000.000 đô-la. Muốn thực hành công cuộc này, từ tháng Septembre năm nay người ta đã mở rộng những xưởng Howtford ở Connecticut.

            Packard Motor Company nhận một com-măng 44 triệu đô-la làm những bộ máy phi cơ kiểu Rolls-Royce giúp Anh. Bây giờ Nhật-Mỹ giao tranh, số phi cơ này sẽ đem dùng vào hải quân Mỹ. Đồng thời Wright Aéronautica Corporation nhận làm hai vạn bộ máy phi cơ dùng cho lục quân và hải quân. Hải quân Mỹ định rằng đến 1er Juillet sang năm phải có 18.500 phi công. Còn lục quân, ít ra mỗi năm phải có 7.000 phi công lành nghề và dạy lấy 3.600 người ném bom.

 

Mỗi tuần lễ 8.000 lính

            Hiện giờ lục quân Mỹ có độ 289.000 người. Tháng Mai 1939 có 230.772 và tháng Juillet 1939 có 174.074 người. Vậy là cứ mỗi tuần lễ Mỹ tuyển được 8.000 lính.

            Đầu Janvier năm nay có 50 chiến xa và đã đặt làm 2.200 cái nữa, ước định nội năm nay sẽ có 6.000 chiến xa. Hiện đã đặt 1.000 chiếc ở American Car and Foundry Company. Những chiến xa lớn hiện nay dùng được là những chiến xa 22 tấn. Hãng Baldwin Locomotive Company đã bắt đầu làm những chiến xa 100 tấn, như những chiến xa Đức đã dùng trong trận đánh miền bắc Âu châu. Bây giờ Nga dùng những chiến xa 200 – 250 tấn, không biết Mỹ có theo đó mà làm những xe tăng khổng lồ hay không?

            Hải quân Mỹ hiện có 15 chiến hạm, 6 hàng không mẫu hạm, 37 tuần dương hạm, 201 khu trục hạm và 103 tiềm thuỷ đĩnh. Từ Mai 1941 Mỹ đặt làm 2 thiết giáp hạm 45.000 tấn, 15 tuần dương hạm, 4 hàng không mẫu hạm, 38 khu trục hạm và 28 tàu ngầm. Về thuỷ quân Mỹ có tới ngày 23 Mai 25.045 người hiện số ấy tăng lên 30.000. Nghĩa là hơn số đã định là 3.500 người. Mới đây lục quân lại có ý định lập một dải 60 xưởng đúc súng đạn và chiến cụ giá đến 700 triệu đô-la, làm đủ đồ dùng cho một đội quân có 2 triệu người.

                                                                       VŨ BẰNG

                                        Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 92 (21/12/1941) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Tân-gia-ba: Singapore; Nouvelle Zélande (chữ Pháp): New Zeland

[2] Pay-Bas: đất trũng, chỉ nước Hà Lan; Belgique: nước Bỉ