BỨC THƯ THƯỢNG KHẨN THỨ HAI

TA LẠI GỬI CHO TA

                Bây giờ nói anh nghe chuỵên ngoại giao của nước ta

 

Câu chuyện này, sự thực, không phải đến bây giờ anh mới quan tâm đến. Ngay từ hôm cuộc nhân dân cách mạng nổi lên, cái mặt anh đã méo đi rồi. Anh đi dự hết các cuộc biểu tình; anh hát bài Tiến quân ca, đến đoạn “Tiến lên, cùng thét lên” thì hò hét to hơn ai hết; anh không sắm 1 lá cờ để treo trước cửa nhưng sắm một lúc luôn 5 lá và thành thực không tiếc tiền. Ai cũng tưởng anh là một người cương quyết, một người can đảm, một người có lòng tin như một thứ sắt tốt, nung dưới hai ngàn độ, không thể nào chảy được. Ấy vậy mà thành đoảng vị! Tôi muốn củng vào sọ anh bởi vì tôi đã biết tỏng ra là nó nghĩ gì rồi. Những khi bạn bè lui gót, anh nằm như cái xác tây chết trên giường, những khi trằn trọc trong đêm, anh vắt tay lên trán nghĩ đến nỗi quốc gia trăm mối; những khi đi nghe chõ truyện, anh thấy đồn quân Pháp thực dân định do các ngả đường Lào, Đồng Đăng và Lạng Sơn cất lẻn vào biên giới Việt Nam, anh đã lo sợ vô cùng, hỡi hỡi người bạn của tôi! Không phải lo sợ quốc dân không thừa sức phanh thây bọn cướp nước và vứt xác họ xuống biển cho cá rỉa. Không phải lo sợ những thử thách đương chờ người ta để thử xem gan dạ ta thế nào. Không phải, không phải cả. Anh đã lo sợ một điều khác, một điều gần như viển vông: Anh lo sợ rằng “Không biết ban ngoại giao thường trực của ta vẫn tiến hành công việc hay đình trệ; mà nếu vẫn tiến hành thì hiện lúc này đang thắng lợi hay thất bại?”

Thế thì có đáng chán nản cho cái khối óc của anh không hở đời? Tôi không bảo rằng phàm người ta lo nghĩ thì đều có hại. Tôi biết rằng bất cứ sự quyết định quan trọng nào cũng là kết quả của sự trầm mặc, của sự lo xa nghĩ sâu; nhưng ta nên biết rằng tất cả những sự trầm mặc đó, những sự lo xa nghĩ sâu đó đều có một đối tượng nhất định và vô hại. Nhưng mà lo sợ những cái vẩn vơ, “sáng tạo” ra những tai nạn xa xôi, vô hình để mình lại tự làm hại sự bình tĩnh của mình, thì nhất định tôi chủ trương là không được. Một kiến trúc sư phải nghĩ đến tương lai cái nhà của mình làm; một người thợ phải nghĩ sao cho lúc mặt trời bóng xế khỏi phải đi hành khất; một ông bộ trưởng phải nghĩ đến những kết quả sau khi mình ký một sắc lệnh gì. Nhưng ta chớ nên đi qua cái tâm của chúng ta. Chúng ta đừng nên thắc mắc về chuyện đổ trời nối kiếp ngày mai thì cũng chớ nên lo rằng chánh phủ nhân dân lâm thời không lo nghĩ tiến hành về công việc ngoại giao với Nga, Tàu, Anh, Mỹ.

Cũng như anh, tôi biết rằng vấn đề ngoại giao hiện giờ là vấn đề sinh tử của nước nhà. Bổn phận ta là phải nghĩ đến lo đến, nhưng ta không nên vì thế mà tự cho ta cái quyền được nghi ngờ, bởi vì chánh phủ này do dân chúng cất lên thì chính dân chúng tất đã thấy họ có thẩm quyền như thế nào rồi. Mà nếu họ đã có thẩm quyền như thế nào rồi thì anh yên trí với tôi rằng ông bộ trưởng ngoại giao tất phải hiểu biết hơn anh và tôi về việc ngoại giao. Mà nếu anh và tôi đã băn khoăn lo nghĩ về việc ngoại giao như thế thì chánh phủ nhân dân lâm thời còn lo nghĩ một vạn, một triệu lần gấp bội. Chỉ có một điều là vấn đề ngoại giao, − khác hẳn vấn đề văn hoá, vấn đề xã hội hay vấn đề kinh tế, − không thể mỗi lúc mà tiết lộ ra ngoài để cho mọi người cùng hay. Vậy thì anh nên biết thế mà cũng đừng băn khoăn nữa, mà cũng đừng hỏi nữa. Mà hỏi làm sao được? Bởi vì vấn đề ngoại giao, − anh đã biết thừa rồi đấy, − nó như một cái chong chóng đặt ở trước một ngã tư, bây giờ thì thế này, chốc nữa thì thế khác, quy tụ không ngừng, chả biết bắt đầu từ đâu mà cũng chả biết đến đâu là hết. Vậy thì tuyên bố làm sao cho được? Nhất là nếu tuyên bố ra thì cái hại lại nhiều hơn cái lợi; nhất là nếu tuyên bố ra thì được lòng nước nọ mà lại mất lòng nước kia; nhất là nếu tuyên bố ra thì có khi lại có thế làm hại cả đến vấn đề quân sự nữa, − nếu có một trận chiến tranh thứ ba lại nảy nở ngay từ bây giờ ở cái mầm mà người ta gọi là cái mầm đại hoà bình thế giới! Nền đại hoà bình thế giới phen này có thật vững vàng không?

*

Này, tôi xin nói thật: cái việc ngồi tiên tri thời sự, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, không bao giờ hay hớm. Bởi vì thời sự, do nghìn vạn nguyên nhân kích thích, thường vẫn ra ngoài phạm vi sự tính toán của tâm hồn nhân loại. Năm 1793, Nã Phá Luân có thể tưởng tượng được một người Pháp như thế nào, ở đảo Sainte Hélene năm 1807? Anh ơi, ta vẫn chủ trương rằng người ta phải lo đến tương lai nhưng chỉ lo đến tương lai khi nào người ta hành động được mà thôi.

Cái việc anh phải lo nghĩ bây giờ chính là nền độc lập hoàn toàn vậy. Mà muốn độc lập hoàn toàn thì phải có điều kiện cốt yếu gì? Phải tranh đấu, phải đoàn kết, phải có thực lực. Cái việc ngoại giao mà anh băn khoăn thắc mắc đó thắng lợi hay thất bại chính là xây dựng  ở trên ba cái nền tảng thiết yếu trên kia vậy. Thế thì cớ sao lại làm khổ tâm hồn mình mãi về công việc ngoại giao? Hãy cày cái thửa ruộng của anh, anh bạn của tôi! Anh nên nghĩ đến cái thực lực của nước anh, anh nên nghĩ đến sự đoàn kết của đồng bào, anh nên nghĩ đến sự tranh đấu của quốc dân.

Ba cái đó mà mạnh thì ngoại giao mạnh đó. Ba cái đó mà vững thì ngoại giao vững đó. Ba cái đó mà cứng thì ngoại giao cứng đó. Cũng như một người, một nước, dù mạnh dù vững dù cứng đến thế nào cũng không thể sống biệt lập một mình. Sống vui vẻ với các nước khác để mà thành một khối mạnh hơn, đó là công việc của ngoại giao. Nhưng ngoại giao dù giỏi đến đâu, dù có Tô Tần, Trương Nghi, Mao Toại sống lại đi nữa, thì cũng không có ai có tài gì mà biện thuyết cho một nước yếu đứng ngang hàng với một nước mạnh được, nhất là trong cái thế kỷ hai người này. Kẻ mạnh bao giờ cũng nói to. Kẻ yếu bao giờ nói cũng nhỏ. Có phải nhà tư tưởng biện rằng: “Một người khoẻ mạnh về vật chất rất ít khi có một tinh thần bạc nhược đấy không”? (“Parce que l’homme qui est physiquement fort est parcement un homme craintif”. – André Maurois).

Hãy khoan, tôi biết là anh sắp nói với tôi thế nào rồi.

Anh nói với tôi rằng anh sầu khổ cho nhân loại quá. Cái nỡm gì cũng vật chất, cũng sức khoẻ, cũng mạnh. Tuồng như sức khoẻ này quản trị được cả thế giới chứ người ta không biết thế nào là khối óc nữa à? thế nào là tinh thần nữa à? thế nào là cao thượng thi vị nữa à? Không biết bao nhiêu lần, anh và các bạn “đồng chí” anh vẫn cứ giở cái giọng gàn bát sách ra như thế! Ai bảo anh rằng một cái nhà đúc súng không thi vị? Ai bảo anh rằng tinh thần thể thao lại không phải là một tinh thần thanh cao? Ai bảo anh rằng một cái bắp thịt thép lại không phải là một bài thơ tuyệt tác? Đốt đi, những bài thơ ca tụng cái kim ngân thời đại; đập đi những khối óc triền miên về dĩ vãng; tàn đi cái tinh thần sa đoạ lúc nào cũng tưởng tượng rằng thế kỷ này không được cao thượng bằng thế kỷ trước, − một thế kỷ có những ông cụ sài đẹn uống rượu chén hạt mít ngâm thơ nịnh trời già, công kích xe chạy điện, chửi rủa tàu bay cao.

Nhưng mà thôi, tôi hãy khoan tranh luận với anh xem những tiếng than chết dở đó đúng hay là không đúng, bởi xét ra là vô ích. Tôi chỉ biết rằng anh và tôi, chúng ta đương sinh tồn ở cõi đời này, cuộc sống bắt đầu hôm nay, và đời nó như thế bởi vì nó thế. Có phải là chúng ta cứ ngồi than thở mà đời sẽ tốt đẹp hơn đâu. Mà nếu anh không phải là ma, tất anh phải biết rằng nhất định bây giờ không phải là lúc xét xem có đích thực là chúng ta sẽ sướng hơn nếu không có một nền tân văn minh, không có máy móc, không có những sự phát minh khoa học? Xét xem như thế để làm cái khỉ gì? Anh không vì thế mà no được kia mà! Anh không vì thế mà đuổi kẻ thù đã giết hại ông cha anh kia mà! Anh không vì thế mà được hoàn toàn độc lập kia mà! Cuộc đời khoa học cơ khí đã nhảy lên sân khấu mà hoạt động trước mắt anh kia, không phải là đến cái thứ hạng anh huỷ bỏ nó tiêu diệt nó. Mà cách giải quyết cũng không phải là xem nên công kích hay hoan nghênh nó. Xe tăng, súng trường, súng liên thanh, đại bác, phi cơ đã có rồi, chỉ có một cách giải quyết mà thôi: xét xem ta nên tổ chức cuộc đời chúng ta ra thế nào, xếp đặt tư tưởng của ta ra thế nào, xây dựng chiến công của chúng ta ra thế nào để rút lấy ở hiện tại tất cả hạnh phúc tất cả sự đẹp đẽ mà nó có thể mang ban cho đất nước chúng ta.

Nết ưa chuộng hoà bình là một cái nết mà hình như trời biệt đãi chúng ta, nhưng nếu có kẻ xâm lăng thì nhất định ta phải dùng đến cánh tay thép để đập họ xuống như đàn bọ. Chúng ta đoàn kết, chúng ta tranh đấu nhưng chúng ta không nói chuyện nhảm với quân Pháp xâm lăng; chúng ta có một khối dân thương nước hơn thương mẹ, biết cách lấy sắt và máu ra nói chuyện với bọn sài lang phát xít.

Anh ơi, tôi cũng nghĩ như anh vậy: khí giới nhiều và mạnh chưa chắc đã giết được ai, nếu mà người ta không có một tấm lòng. Nhưng trái lại? Nếu mà người ta có một tấm lòng, nếu mà người ta đoàn kết hai mươi triệu người như một, nếu hai mươi triệu người như một đều có một tinh thần vững chắc như uy-ra-ni-om rồi mà lại thiếu khí giới thì anh có nghĩ rằng đó cũng là một sự thiếu sót ru?

Chánh phủ nhân dân có nhiều khí giới để bảo vệ đất đai rồi; nhưng có bao nhiêu khí giới cũng vẫn là chưa đủ. Anh có bổn phận cấp tốc phải tặng súng, phải tặng bất cứ súng hạng gì cho chánh phủ nếu anh có; anh phải cổ động cho người chung quanh anh cũng làm như anh; anh phải cổ động cho người ta bỏ vàng ra, bỏ tất cả vàng ra để chánh phủ đứng ra mua súng để dùng và phân phát cho nhân dân mỗi khi cần dùng đến; anh phải gào lên, thét lên, khóc lên để tỏ cho mọi người biết rõ rằng “có súng để bảo vệ đất đai thì ngày mai mới có thể cầm lấy bát cơm mà nuốt cho cho trôi được”. Cái việc thượng khẩn của chúng ta bây giờ là không nghĩ gì cả, không chia rẽ gì cả, không làm gì khác cả  ngoài cái việc nhìn thẳng vào “Người Mẹ Chung” để giữ gìn lấy và cắn răng bảo vệ cho kỳ được nền độc lập hoàn toàn.

Đừng e thẹn đừng rụt rè đừng suy tính. Chạy lên thét lên gào lên để đòi lấy một công việc của chánh phủ trong công cuộc cứu quốc; để mà thi hành tài trí và hoài bão của mình; để sau này đến lúc thịnh trị khỏi phải hối hận với lương tâm: “Tôi đã không làm gì cho nước”.

Một kẻ đại lãn bao giờ cũng là một thí sinh thi lấy bằng “sầu khổ”. Trong lúc không ngủ được, bất cứ người nào cũng sầu khổ bởi vì không có cách trốn tránh những tư tưởng của mình. Thi sĩ Byron, bẩm sinh là một người sầu khổ, đã tìm thấy hạnh phúc ở Hi Lạp trong cuộc chiến tranh đòi độc lập. Ở đó nhà thi sĩ có sướng đâu có vui vẻ khoái lạc gì đâu, nhưng ông bận rộn và ông quên việc đời, tựa như đứa trẻ trong khi chơi quên khóc. Tôi chưa thấy một người nào sầu khổ trong khi chiến đấu.

Anh bạn của tôi! Trong lúc quốc gia đang đòi hỏi tất cả sự gắng sức của các con, anh cũng sẽ chiến đấu như Byron vậy. Nếu anh biết bắn súng, anh phải dạy người ta bắn; nếu anh có tài biện thuyết, anh phải đem tin tưởng nuôi lòng người ta; nếu anh biết võ nghệ, anh phải dạy người ta học võ. Anh thấy một sự gì thiếu sót chưa làm? Chạy ngay đến những phòng thường trực mà chỉ bảo. Thấy chỗ nào quân Pháp âm mưu, tức tốc chạy ngay đi mà báo. Thấy Việt gian chỗ nào, trình ngay và đứng sau bảo an binh để bắt cho nó không chạy thoát thân. Anh làm tất cả, anh làm tất cả. Nếu anh sung vào Cứu quốc quân rồi, em anh sẽ là Thanh niên tự vệ; nếu vợ anh đã là Phụ nữ cứu quốc rồi, con anh sẽ sung vào Nhi đồng cứu vong đoàn. Những người quen anh làm tất cả, những người quen anh làm tất cả. Và nếu anh không làm được tất cả, nếu những người quen anh không làm được tất cả, thì anh cổ động bạn anh làm, cổ động gia quyến anh làm, cổ động những người đi đường làm. Làm người giữ trật tự, làm người cứu thương, làm người phất cờ, làm người kẻ biển, làm người đứng gác đêm ở ngoài đường để đề phòng những bất trắc xảy ra, làm bất cứ cái gì có ích cho đất nước lúc này. Ai cũng làm tất cả, ai cũng làm tất cả.

Nhà triết học Bertrand Russel kể chuyện rằng trong đời ông đã từng gặp một người sung sướng. Đó là một người thợ đào giếng. Y khoẻ mạnh, y đào hòn đá chuyền từ bên nọ sang bên kia, và y biết rằng y làm được. Đó là một phương diện của hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của người hùng.

Nghĩ rằng nếu anh nỗ lực tranh đấu thì cũng sẽ được hưởng hạnh phúc đó cho riêng anh, mà rộng ra, đối với đất nước lại còn làm tròn được bổn phận là một dân con; anh có chết cũng nhắm được mắt mà không bị nhục với ông cha nơi chín suối.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 262 (16/9/1945)