CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH 1946

Phóng sự dài của TAM LANG TIÊU LIÊU

 

 

I. Thưa ông, đây không phải một chuyện phim chiếu bóng

Tám cô gái trẻ măng, ăn vận như đào hát Tố Như, Hiệp Thành, quỳ xuống, nâng tám cốc rượu lên khỏi đầu, mắt nhìn xuống và hát một bản “Sàng sê líu”. Đàn tỳ bà đàn nguyệt đàn thập hoà lên nhịp nhàng. Chung quanh có hoa, hạt dưa, mận, đào, rượu mai quế lộ và hai ba chục vỏ bia vứt ngổn ngang bên cạnh những bao thuốc lá quý Sen Sa, Môrit.

Thế là cái gì? Không phải. Đây không phải là một sen nào trong một vở kịch trưởng giả. Mà cũng không phải là một phim tôi định viết cho hãng chiếu bóng Việt Nam để nay mai tình thế ổn định rồi thì sẽ đem ra chớp.

Tài lắm, thưa ông. Đây là sự thực. Sự thực của năm 1946

(kiểm duyệt bỏ 62 dòng)

Để đất nước nhà mai được phú cường thì hôm nay người dân phải biết kiến quốc. Một thời đại mới, một đời sống mới đâu lại còn không nghe thấy vang lên: “Phải lấy câu cần kiệm liêm chính làm đầu. Phải lấy câu cần kiệm liêm chính làm đầu”.

Tốt lắm.

Này này, hãy thử trèo lên một trái núi cao nào đó mà nhìn xuống dưới mặt đất xem có phải hầu hết dân ta đương thực hành cái khẩu hiệu đó không?

Ở nhà quê, người làm ruộng ra công mà cày cấy.

Y dậy từ lúc tinh mơ làm việc [……]

Y làm việc đến hoàng hôn mới về [……..]

Người thợ ở trong xưởng gang kia cũng vậy.

Y cần lao [……..]

Ở công sở người ta thi hành khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính” còn có khi gắt gao hơn nữa. [………………][1]

Có người lại đem lương tháng của mình ủng hộ nhà nước nữa. Và bao nhiêu thanh niên đó, ăn cơm nhà, làm việc cho chính phủ, có bao giờ kêu ca.

Tinh thần của dân chúng thực cao.

Tôi đi nhiều nơi và thấy [………….] đời sống mới một cách thực là cảm động. Ở Hàng Thiếc, thanh niên đi mua vôi quét cửa cho từng nhà. Ở Ngõ Huyện nhi đồng hót rác và quét hè cho phố xá của mình sạch sẽ. Người ta lại còn nói cho tôi biết có nhiều làng ở Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh nhịn tế lễ, nhịn rượu để lấy tiền mua tạc đạn và súng ủng hộ bộ quốc phòng. Tính từ độ chính phủ này lên cầm quyền đến nay có tới năm sáu đám cưới bỏ lệ trầu cau, thách thức, hồi môn lấy vàng cúng quỹ độc lập hay đem tiền ra ủng hộ vệ quốc đoàn và nhi đồng cứu vong.

(Kiểm duyệt bỏ 39 dòng)

Nước cần tiền. Dân chúng, binh lính chịu khó kham khổ đi một chút. Nước là của chung. Thương nước là bổn phận của bất cứ người dân nào.

 

II. Tần Thuỷ Hoàng mặc áo Kaki

Ai? Ai là Tần Thuỷ Hoàng mà anh vừa nói đó? Đây này: tôi xin kể chuyện cho các bạn nghe. Để thực hiện đời sống mới, quốc dân ta đã thắt lưng buộc bụng và còn vui lòng thắt lưng buộc bụng cho đến khi nước nhà được độc lập hoàn toàn. Nhưng ở dưới ánh mặt trời vẫn có một hạng người tai thì được nghe luôn những khẩu hiệu “đời sống mới”, “cần kiệm liêm chính” mà đến lúc sống thực sự với đời thì lại làm trái ngược hẳn đi. Lôi cái hạng người đó ra, thiết tưởng không phải là cái tội. Bởi vậy tôi nói. Tôi nói chuyện ông vua Tần.

Vậy thì tám cô đào trẻ măng ăn vận như đào hát Tố Như, Hiệp Thành nâng tám cốc rượu và hát bài “Sàng sê líu” trên kia là để chúc tụng vua Tần Thủy Hoàng của chúng ta. Tần Thuỷ Hoàng lâm thời. Không phải tôi có dám nói xấu gì ngài mà để cho ngài cái tên phong kiến đó. Chính ngài tự đặt cho ngài cái tên như vậy. Bởi vì ngài đã viết truyện về Tần Thuỷ Hoàng và làm kịch hát về Tần Thuỷ Hoàng. Có lẽ vì cái kịch không ai biết đó mà ngài nổi tiếng trong nửa ngày. Ngài có liên lạc mật thiết với các gánh hát và ban kịch ở đây. Ngài may bảy bộ áo kaki, mỗi tối vận một bộ để vào các nhà hát và giảng cho người ta nghe về kịch. Kịch không phải là kệch. Kịch là một cái gì kịch liệt, làm xúc động người xem, hoặc vui hoặc buồn hoặc sợ. Các con hát sợ ngài. Và ngài thành ra một người có tiếng và có tiền. Đồng tiền có ra cái chết gì bây giờ đâu. Cái tiếng mới chính là điều quan hệ. Vì một tiếng ngài, người ta phải lấy lòng ngài, các đào hát phải đến “chim” ngài và đến trình diện ngài; do đó ngài thấy mình to, to quá.

[…………..]

tuế. Chỉ phiền một nỗi ngài ở đời dân chủ mà lại muốn làm vua và vua cho ngay mình là vua. Ngài sống trong xã hội cộng hoà mà không muốn cho đời là của chung mọi người, chỉ muốn làm cho một mình ngài sướng.

Nhưng không cần tiền, ngài bắt mua rõ nhiều rượu để uống và uống không hết thì đổ đi. Đành rằng nước cần tiền thật đấy, và kiệm ước bao giờ cũng quý đấy, nhưng ngài cần phải hút thuốc lá thơm, không có thì ho; và hút không hết thì cần phải đốt để nhìn khói, không có thì không sống lại được đầy đủ cái đời của Tần vương Chính ngày xưa, không những được trông thấy hào kiệt tụ lại ở Hàm Dương, sắc đẹp tụ lại ở A Phòng, mà lại còn trông thấy rất nhiều khói do việc đốt sách học trò bốc lên.

Giá sống ở bên Đức hồi Hit-Le, ngài còn có bao nhiêu người để chôn sống thì sướng quá. Nhưng này, mỗi tối tiêu như thế, mấy trăm đồng cho xuể? Anh không được hỏi. Mà anh cũng không được phép hỏi tiền đó ở đâu ra. Ngài để nguyên quần áo kaki, cởi giầy, xếp bằng tròn lên cái giường lò-xo, bắt các cô đào hát dâng rượu rồi ngài ngâm những câu thơ ngài làm. Thơ ca tụng sự ăn lễ. Thơ ca tụng sự chuyên chế. Thơ ca tụng sự bạo ngược. Vua Tần ngày xưa đổ rượu cho Thái tử Đan say, thắt cổ giết chết rồi chặt lấy đầu. Vua Yên thương khóc quá, đương là tháng năm mà trời mưa tuyết, mặt đất tuyết dày ba thước năm tấc, rét buốt như mùa đông, − người ta bảo đó là oán khí của Thái tử Đan làm ra vậy.

Ngày nay, Tần Thuỷ Hoàng của chúng ta sống, ám hại mỗi đêm bao rượu, bao nhiêu thuốc lá, bao nhiêu tiền, chửi bới Nàng Thơ tàn tệ và lại giết chết khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính” chặt đầu nó đem chôn; có ai biết là giời đất có sinh ra điềm gì không?

 

III. Những quái thai, những quái trạng

(kiểm duyệt bỏ cả bài)

 

 

IV. Một thang thuốc bổ 852 đồng

Và liêm chính nữa… đời sống mới của mấy ông quan mới. Đời sống… cũ, tức là hồi còn chợ đen chợ đỏ nhiều. Chợ đen chợ đỏ có người ăn thua hàng bạc triệu. Nhưng muốn vậy, ít ra phải có cái vốn dăm nghìn và ít bồ hôi trán chứ ở đời sống mới này thì giữa đám người kham khổ thi hành khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính” một cách thực thà, có một ít người kiếm ra hàng triệu trong ba tháng mà chả phải bỏ một xu ra làm vốn hay một giọt mồ hôi.

Hai cái tay. Một cái miệng. Một cái bụng. Thế là “ăn thua to” đó. Cái miệng để nói. Hai cái tay để múa may quay cuồng. Cái bụng đáng để vỗ kêu bồm bộp như cái trống. Và tối hôm nọ, ở giữa một phố đông đúc, tôi đã gặp một người bạn chỉ “trơ thân cụ” ra có ba thứ đó mà bây giờ giàu bạc triệu.

Có ai biết trước đây, hồi Pháp thuộc và Nhật thuộc, anh ta làm cái nghề ngỗng gì không? Văn sĩ nghèo. Như anh và như tôi vậy. Mà lại nghèo hạng nặng. Viết bài cho những báo nịnh Tây nịnh Nhật có tiếng mà chính những báo có tiếng là nịnh đó cũng không dám đăng, bởi câu nịnh vô liêm sỉ quá, [………….] Do đó anh ta không kiếm được một xu nào, vợ ở một nơi, mấy đứa con ở một nẻo. Anh ta đã có lúc nghĩ đến cách lẳng lặng về ở Giáp Bát một mình ăn mỗi bữa một bát cơm của Tổng hội Cứu tế giúp cho.

Thì đùng một cái trời làm ngay cho một trận lăng nhăng. Anh ta biển thủ được hai triệu bạc, ăp cắp thêm được một cái chậu thau bằng vàng, và bây giờ anh ta gõ giày đi chơi ngoài phố, kẻng như mốt Tay-lo người Mỹ. Người ta bảo anh ta có tới hai chục bộ quần áo Tây. Chả biết có thực hay không hay lại là vu cho? Nhưng cái mắt tôi trông thấy thì quần áo, giày mũ, cà-vạt và pốt-sét[2] cùng bút máy nguyên tử (?)[3] của anh ta lúc đó trị giá cũng đến 2 vạn bạc. Mà đẹp làm sao, phì nộn làm sao. Anh ta bảo:

− Anh xem đây thì biết. Tôi mà vào Giáp Bát dạo đó thì đời nào được như bây giờ.

Bây giờ anh làm gì? Anh bạn tôi giơ một ngón tay lên đôi môi chum chúm, xo vai lại và khẽ bảo (sau khi đã liếc mắt nhìn ngang nhìn ngửa một cách cẩn thận rồi): Bí mật, bí mật! Rồi anh kéo tôi đi, mời nóng một cái “chô-cô-lết” mười sáu đồng một cốc. Đoạn anh kể chuyện như một nhà chính trị. Anh nói như chim, nói một tràng, tôi nghe tối tăm cả mặt mũi lại, và mệt quá, và mệt quá. Anh ta cũng mệt, bèn kết luận:

− Người ta cũng như cái máy đồng chí ạ. Thỉnh thoảng không lau dầu không được. Ấy là tôi muốn nói khi ta thấy mệt thì nên tìm thầy mà uống thuốc ngay đi. Tôi, từ độ làm việc (?) vẫn phải uống thuốc luôn đấy. Đây này.

Và anh chìa cho tôi, một đống “phắc-tuya”. [4]

Thì ra ông bạn béo nhẫy và khoẻ như con vâm của tôi uống thuốc… bổ. Bổ phổi và bổ thận. Cái thang thuốc đắt nhất của anh, có sâm nhung gia giảm, hiệu thuốc Đ.T. tính “một cái giá bè bạn” là tám trăm năm mươi hai đồng.

 

VIII. Đánh ô-tô đi nghe… ngâm thơ tình

Lời xưa có nói: buôn tầu không bằng hà tiện. Ấy vậy mà không hà tiện người ta vẫn cứ giàu, dù người ta chả buôn tầu, − tầu thuỷ cũng như tàu hoả.

Người ta làm giàu bằng một cách đặc biệt, và càng phí phạm càng giàu. Ở tỉnh Hà Nội, có nhiều người cũng thế. Có người thừa của không biết làm gì, mỗi tối đánh tài sửu thua hàng vạn mà vẫn ăn chơi dư dật. Thóc gạo để mục ra chứ không bán cho dân ăn. Nước thì nghèo, chính phủ thì túng mà binh sĩ đồ ăn thiếu thốn, thuốc men lại chả có dư; vậy mà họ cứ trân trân cái mặt, ăn mỗi ngày kém một lạng thịt bò thì cái mặt khỉ cứ nhăn như mặt bị. À, các anh hy sinh tính mệnh và hạnh phúc để giữ gìn non sông tổ quốc đấy ư? Tốt lắm. Thương lắm. Nhưng ngày 31/5 và 1/6 vừa qua, ngày bán huy hiệu binh sĩ bị nạn thì đừng trông mong họ bỏ ra giúp hơn năm hào. Có đứa lại lẩn cái mặt mẹt đi là khác. Lẩn ở trong nhà, không ra đường.

Hỏi chúng lẩn như thế để làm gì vậy? Để khỏi phải cúng, mà cũng lẩn để ăn cho béo mầm. Bơ, phải chọn đúng bơ Úc-đại-lợi ăn không ngấy, đắt hơn cái thứ bơ khác dăm chục đồng cũng chả sao. Thuốc lá phải chọn đúng số 24, 35. Rượu, cần là rượu cũ. Ôi những chuyện rởm rói của bọn trưởng giả học làm sang đó, càng kể càng thắt ruột: rức đầu, mua thuốc goa-ni-đin về uống; ngốn lắm đồ mỡ khó tiêu, ì ạch, nốc cho được thuốc giun Anh-cát-lợi. Có mẹ đẻ ra một lũ con đã béo tròn béo trục như ông y-tế-sanh nhà thuốc Nhị Thiên Đường cả, mà không tháng nào không cố mua lấy ba chai muyn-ti-vi-ta-min 100 viên 200 đồng để cho con uống thêm cho bổ! Đến khi hỏi bác sĩ, thấy nói trẻ con mà tẩm bổ quá, những cái hạch trong người chúng tốt quá làm cho chúng cao vọt lên một cách quá độ, rất nguy hiểm, các ngài có biết các mẹ đó làm thế nào không? Mặt tái ngoét lại như con tườu. Đưa con đi đốc-tờ xin rửa ruột. Và tốn kém với lũ ông mãnh cũng đến ngót ba ngàn đồng bạc lận.

Một hôm tôi có dịp được tới một công sở nọ. Vừa vào, một cái biển đập vào mắt tôi: “Thực hành đời sống mới − Cần kiệm liêm chính làm đầu”. Ở gần đấy, một tờ giấy to bằng cái chiếu, kẻ mấy chữ này bằng mực đỏ: “Hồ Chủ tịch đã nói: Ra sức cần kiệm để trừ nạn đói khổ… làm đúng điều đó tức là giúp ích cho ngoại giao”… Những chữ kẻ to thay. Giá cận thị cũng nhìn thấy chứ đứng nói là mắt sáng. Tôi tự bảo: Ừ có thế chứ. Ít ra làm như thế này người ta mới nhớ luôn luôn đến bổn phận của người dân Việt Nam lúc này là phải cần kiệm và liêm chính.

Thì ra tôi đoán không lầm. Nói thực cho nó mát lòng mát ruột. Từ ngày có sự thay đổi đến nay, người ta đỡ thấy ở trong các công sở những ông thư ký bé con bặng nhặng, nhờ thế Tây làm tiền. Mà cũng đỡ phải gặp những ông ở trong các công sở có quan hệ một chút, động một tý lại tuýt cho bọn đầu trâu mặt ngựa lại nhà người ta để doạ nạt.

Có việ gì mời người ta đến nói chuyện, có lắm ông đã ăn nói tử tế và người bị mời đã có cảm tưởng dễ chịu rồi. Nhưng làm thế nào được? Việc tẩy uế không phải là việc làm trong phút chốc. Có ai đã nghĩ ra được một cái chổi máy móc nào khả dĩ quét sạch một cái lâu đài trong năm phút đồng hồ đâu?

Xương máu của các ông này hãy còn nguyên. Càng ngày các ông càng mạnh, các ông ăn mạnh, các ông uống mạnh, các ông chơi vẫn mạnh. Nói rất to viết rất nhiều nhưng rỗng. Làm báo bán rất đắt mà chả có một cái quái gì. Cái tài của họ là không biết nghề bằng ai, không có học bằng ai nhưng làm giàu về nghề báo thì hơn ai hết.

Pom! Pom! động một tý thì ô-tô. Dầu xăng đắt ai cũng biết, 7 đồng một lít, một ngày ông đi hết 10 lít, chả cũng một số tiền ư?

Cần kiệm. Cần kiệm. Cần kiệm.

Nhưng ét-xăng là tiền bạc, thì giờ không là tiền bạc hay sao; ta phải làm cho nhanh cho chóng, ta phải gấp để cho lợi thì giờ, ta phải cần đi ô-tô chứ không có thì ô-tô vứt đi mất cả vì sợ tốn dầu xăng.

− Thưa ông, vâng, có thế. Nhưng ông đi đâu vậy?

− Việc quan hệ. Lại việc quan hệ. Ông nên tiết kiệm thì giờ, đừng hỏi lôi thôi, đừng ngồi lân la.

… Tôi kính phục ông bạn đi ô-tô, tôi quay về. Đi qua phố tôi thấy ô-tô của ông bạn đỗ trước một nhà số lẻ.

Mẹ ôi, tôi nói có sai bao giờ; viêc ông bạn đi ô-tô của tôi quan hệ, quan hệ lắm.

Ông ta đến [……..] một nữ sĩ xem đương làm gì. Nữ sĩ đương dịch thơ. Và ông bạn của tôi và nữ sĩ cho người nhà lại lấy wisky, soda và thuốc lá Camel về hút để cùng nghĩ một chữ dịch một chữ cho thật ổn, và cả hai người cùng ngâm; và nữ sĩ ngâm cho ông bạn tôi nghe, nhắm mắt lại tò mò nghe như uống bản dịch bài thơ…[5]

                                   VŨ BẰNG và TAM LANG

Kiến quốc, Hà Nội, s. 1 (10/6/1946); s. 2 (11/6/1946); s. 3 (12/6/1946); s. 4 (13/6/1946); s. 5 (14/6/1946).


[1] chỗ này ở báo gốc để trống khoảng 2-4 dòng, dự đoán có các đoạn bị đục bỏ khỏi khuôn chữ trước khi báo được in.

[2] pochette (chữ Pháp): khăn cài túi ngực áo veston.

[3] “bút máy nguyên tử” nói ở đây chính là thứ bút mà ngày nay gọi là “bút bi”.

[4] facture (chữ Pháp): hoá đơn.

[5] Ghi chú: Bài này khi đăng có một số đoạn bị kiểm duyệt bỏ, thậm chí cả kỳ thứ ba (12/6) và kỳ thứ sáu (15/6) bị bỏ toàn bộ. Xem tiếp sưu tập báo Kiến quốc này ở các số tiếp theo, không thấy phóng sự này được đăng tiếp nữa.