CHÉN TRÀ TÀU ĐẦU XUÂN

 

            Có một điều này nói ra mà tôi không sợ người nào cải chính, là trong ba ngày Tết vừa qua, không ngày nào chúng ta không uống ít ra là một chén nước trà tàu.

Nước trà tàu cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện ở đất Việt Nam này, mà không cứ phải thế, nhưng là đầu câu chuyện ở hầu hết khắp xứ ở Á Đông, nhất là Tàu và Nhật. Báo Le Corespondant Chinois ở Trùng Khánh vừa đây nhân dịp hết năm cũng nói chuyện về chén trà tàu. Bạn đồng nghiệp Tàu cũng như chúng tôi, phải nhận là chén trà tàu có thể đặt lên trên hết cả, không phải riêng ngày Tết hay ngày lễ, nhưng bất cứ ngày nào, giờ nào trong một năm. “Những nhà ngoại giao trên thế giới đều biết rằng bao nhiêu việc đều có thể giải quyết được ở trước một chén trà, nhất là dân Trung Hoa thì lại càng biết thế lắm, biết hơn cả các dân tộc khác”.

 

 

Chuyện cổ tích trà Tàu

            Theo như truyện ký truyền tục lại thì trà tàu cũng có một sự tích riêng mà ta cũng nên biết, mỗi khi cầm một chén nước trà tàu để uống.

            Một vị ẩn sĩ, Đạt-ma tổ sư, có tiếng là một bậc chân nhân siêu thoát ở Tàu và ở Nhật xưa nay vẫn được nhiều người kính trọng vì lòng đạo đức và tính cương quyết của ngài, mà trước khi cương quyết với người khác thì ngài hãy cương quyết với ngài trước đã. Ngài ngồi nhập định trong mười bốn năm liền, đến khi xem lại thì mới biết chân mình đã nát rồi. Không nản chí, Đạt-ma tổ sư nhất định không cho phép mình được ngủ, thế nhưng một đêm kia ngài bỗng chợp mắt mất một hồi lâu, đến khi tỉnh giấc thì trời đã gần hửng sáng. Tức giận vô cùng, ngài bèn xẻo hai cái mi mắt của ngài đi và ném ra xa, bởi vì hai cái mi mắt ấy đã cám dỗ ngài, đã làm hại đến cái lòng cương quyết xả thân vì đạo của ngài. Một sự rất lạ lùng bỗng xảy ra: hai cái mi mắt của ngài mọc rễ xuống dưới đất và chẳng bao lâu thì đâm ra một cái cây và cái cây ấy đâm chồi và mọc lá. Dân quê ở chung quanh vùng đó ngắt những lá ấy về nhà đun nước pha uống và cứ uống nước ấy vào thì người ta không ngủ được.

 

 

Trà tàu ở Tàu

            Đó là chuyện cổ tích về trà tàu ở Nhật. Theo truyền kỳ kể lại thì người Tàu đã tìm ra được trà từ 46 thế kỷ nay, 12737 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Hai nghìn năm trăm năm sau, vào thời đại mà các nhà quý phái Anh còn ăn bận những da thú vật và dùng những khí giới bằng hoả thạch thì người Tàu đã phát huy cái “nghệ thuật ngoại giao” và tìm được những sự liên lạc mật thiết và nhã nhặn giữa nghệ thuật ấy với trà tàu ta uống.

Từ đời Hán (206 năm trước Thiên Chúa giáng sinh) những vị vua chúa đã mang thực hành “cách ngoại giao chén trà tàu” để trị vì đất đai của mình. Những dân ở biên thuỳ thấy người Tàu uống trà và nghiện trà tàu cũng bắt chước và từ đó, kỹ nghệ trà tàu bành trướng một cách rất mau lẹ, nhiều dân tộc man di ở chung quanh đó thường đến đổi trâu, bò, gà, ngựa lấy từng bánh trà và lấy trà làm một thứ đồ ăn cần thiết nhất. Về sau triều Hán lấy đó để mà doạ các nước chư hầu bởi vì nếu những nước chư hầu giở trò gì thì triều Hán sẽ không bán trà tàu cho nữa.

 

 

Ngoại giao chén trà tàu

            Một thí dụ xác đáng nhất về chuyện “ngoại giao chén trà tàu” là một câu chuyện vừa xảy ra mới đây giữa nước Tàu mới và xứ Tây Tạng. Vào hồi cuối thế kỷ trước, dân Tây Tạng vẫn bị coi là một dân tộc tán mạn, để chủ nghĩa cá nhân lên trên hết, sống một cuộc đời cơ khổ vô cùng ở dưới triều một vị bạo chúa. Vào thời ấy những thương gia và những dân thuộc địa Anh ở Ấn Độ say sưa vì lợi, đã làm cho dân Tây Tạng kinh sợ, đành phải chạy sang liên kết với Nga; cũng vào thời ấy xứ Tây Tạng lại bị phiền nhiễu bởi dân Mãn Châu quốc nữa. Dân Tây Tạng cùng đường quá đâm liều bèn ám sát viên tỉnh trưởng ở Bà Tang. Triều đình Bắc Kinh bèn cử Triệu Ích Phong sang hoà giải và ông tướng có bàn tay sắt đó đã dẹp yên hết cả những sự rối ren vào khoảng 1905. Đến 1910 thì Triệu Ích Phong tiến vào tới Lhassa và lập ở đó một chính phủ bản xứ. Triệu Ích Phong rất đanh ác, đến nỗi bây giờ những người đàn bà ở bộ lạc người Mãn lấy tên Triệu Ích Phong ra doạ trẻ cũng như ta doạ ông ba bị vậy. Tuy vậy, Triệu có tiếng là một vị quan rất có tài, Triệu cấm dân xứ không được trồng trà tàu trong khắp xứ Tây Tạng. Cái lệnh ấy tách riêng hẳn Tây Tạng ra không cho dính dáng gì với triều đình và mỗi ngày lệnh ban ra một thêm nghiêm lên, Triệu biết chắc rằng những nhà trồng trọt và viên chức Anh-cát-lợi không thể làm cách gì mà áp chế dân Tây Tạng bằng trà tàu nữa.

Nói thực ra thì bao nhiêu việc ngoại giao giữa Tàu và Tây Tạng vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai mươi đều ở những bánh trà tàu mà ra cả!

 

 

 

 

Uống trà tàu

            Ban sơ, người ta cho những lá trà tàu vào nước đem đun lên rồi vớt những cái lá trà đem phơi. Trà ấy, người Nhật gọi là udeahor. Đến năm 1570 thì có một người lái buôn nghĩ ra một thứ chảo để rang trà, cái máy ấy gọi là hairo, mãi tận về sau mới có nhiều người biết mà dùng. Bây giờ vì việc xuất cảng trà mỗi ngày một bành trướng, người ta pha trà theo lối Tàu vừa tiện vừa đõ tốn. Người lái buôn nghĩ ra cái chảo hairo lại phát minh ra những cái giàn để che sương tuyết cho những cây trà tàu.

            Uống trà tàu, đối với người Tàu là cả một nghệ thuật của những đại gia quý phái. Các ông già ở nước ta uống trà tàu từng tí một ở trong những cái chén nhỏ như cái vỏ hến, đó là bắt chước lối người Tàu. Người Tàu uống trà rất sành, uống có phương pháp, mà cũng rất nhiều thứ trà lạ, có thứ rất đắt, có thứ rất quý, có thứ rất lạ, đại khái như thứ lệ chi hồng trà, thứ nhất phiến bạch tuyết chỉ cho vào ấm một cánh trà mà thơm ngát và đặc như cả một ấm trà khác vậy. Mỗi thứ có một hương vị riêng. Trà tàu xuất cảng sang Âu châu, người ta không phân biệt hương vị lắm nhưng cũng được ưa thích lạ lùng nên ở Anh và ở Pháp, những nhà giàu thường có lệ uống trà tàu vào khoảng năm giờ chiều (five o’clock tea). Họ uống từng ấm to và nhiều khi pha rượu Rhum, Martell, Kuminel hay Cointreau vào thành thử mất cả cái hương vị của trà đi, họ không tận hưởng được cái thú của trà tàu vậy.

Duy ở Á Đông, ta phải nhận rằng người Nhật uống trà tàu rất mực sành; chính tôi, trước hồi chiến tranh Trung-Nhật, đã thấy có mấy ông già người Tàu cũng nhận như thế. Ở Nhật, bất cứ người nào cũng uống vài bận trà tàu trong một ngày. Trà tàu, có người Nhật đã nói, cũng cần như là cơm gạo vậy.

            Người Nhật uống hai thứ trà: một thứ trà lá và một thứ trà bột. Pha nước trà là một khoa giáo dục riêng mà người đàn bà nào có học  cũng đều phải biết. Những đồ dùng để pha trà, họ làm bằng những thứ đất hay những đồ sành đồ sứ cổ do những nghệ sĩ có biệt tài chế tạo ra. Trà bột đứng vào bực nhất, chỉ khi nào nhà có tiệc tùng long trọng gì thì mới giở ra thôi. Người ta ướp chè vào trong một cái lọ hai nòng, một cái nòng để trà thường còn một cái thì để trà bột. Mỗi khi uống nước trà, họ ra một chỗ riêng ở ngoài vườn, chung quanh toàn cây cỏ, ở trong một gian phòng gọi là midzu-ya. Không một tên gia đinh nào được giúp chủ trong cái công việc long trọng ấy, chính chủ phải tự thân làm lấy.

 

Bộ đồ trà

            Trước hết, vị chủ nhân lấy ở phòng midzu-ya ra tất cả những thứ cần dùng. Kể ra thì nhiều lắm, chúng tôi chỉ nói đến vài thứ chính: 1/Hộp hương (ko-babo); 2/Hộp đựng giấy và nghiên mực; 3/Một giỏ than đã lựa chọn thứ tốt; 4/Một cái bàn chải để lau lại các thứ đồ dùng; 5/Một cái quạt lông (mitzu-ba) để quạt than; 6/Mấy cái mồi lửa (hibachi); 7/Một cái bình gio nóng để đôt trầm (người Nhật đốt trầm là để cho mất mùi than khét); 8/Mấy cái vòng để cầm quai ấm nước nóng; v.v…

            Thường thường, tiệc trà không quá hai giờ, và trong lúc đó, không ai được nói chuyện về tôn giáo, về chính trị, nhất là những câu chuyện xấu xa bị cấm rất ngặt và mọi người đều rất mực bình đẳng, không kể chi tước vị. Những khách mời đến dự tiệc trà không bao giờ được quá số sáu người, và những khách bắt đầu phê bình hương vị trà, rồi khen chủ nhân về mỹ thuật và sự tinh xảo của những hộp đựng các thứ dùng. Theo mùa, những hộp này làm bằng gỗ sơn then hay bằng sứ, có lẽ là để giữ được lâu hương trà thứ đựng bên trong. Chủ nhân trước hết lau lại những chén tách, lau bằng một vuông lụa rất đắt gấp trong một cái ống hay một cái hộp sứ cổ và gọi là tukusa. Đến cái bàn để sửa soạn những việc ấy cũng phải đóng bằng gỗ dâu và cao đúng sáu mươi phân. Chủ nhân đặt lên cái bàn đó một ấm nước trong sôi (midzu-vié), một cái ấm pha trà (tcha-van) hoặc bằng sành hoặc bằng sứ nhưng bao giờ cũng phải là một thứ cổ và đắt, rồi đến cái tha-vié, nghĩa là một cái bình nắp bằng ngà để trong một cái hộp gấm cũ, đựng trà bột, lấy ra bằng một cái thìa tre. Chủ nhân lấy trà ra, cho vào một cái bát, rót nước sôi lên trên, quấy lên bằng một cái đũa gỗ, đoạn đưa mời vị khách thứ nhất. Người này lấy một ít, bát trà lại đưa sang người thứ hai, rồi người thứ ba…Trong cách pha trà này, trà bột uống hết cả.

Đến những thầy tu Tcha-jin dùng trà thì mỗi người có một cái hộp bằng gỗ sơn then gọi là hassumé trong đựng những thứ dùng riêng cho người ấy nghĩa là một vài thứ trong những thứ đã kể trên. Khi nào người ta mời một thầy tu Tcha-jin đến chủ toạ tiệc trà thì chủ nhân lại hoá ra như là một vị khách, không phải làm gì hết, song cứ kể ra tiệc trà được quý hơn và những khách cho là được vinh hạnh hơn nếu chính chủ nhân chủ toạ lấy. Những thầy tu Tcha-jin mỗi khi đến chủ toạ một tiệc trà, thường được đãi rất hậu, nhưng đãi một cách kín đáo bằng tặng những đồ quý giá tuỳ theo gia phong của chủ. Thường thường, trà của họ pha một cách khác. Người ta cho trà vào ấm đã cẩn thận giữa nước sôi, người ta rót lên trên trà ấy một ít nước sôi mà không sủi bọt lên, đoạn cầm đũa quấy lên, rồi đổ lượt nước trà thứ nhất đó đi cho trà mất mùi hăng. Bấy giờ người ta lại rót vào bình một lượt nước sôi thứ hai nữa và để cho trà ngấm trong năm phút.

 

 

Ta uống trà tàu

            Tôi không lập dị như ông bạn Nguyễn Tuân, cổ động người ta mỗi khi uống trà tàu phải làm những bộ điệu rất nhiêu khê, nhưng tôi nhận rằng mỗi khi pha trà tàu uống mà làm như lối các ông “phổ ky” ở các tiệm bánh buổi trưa thì thực là tục tằn, bỉ ổi, người ta không còn biết hương vị trà tàu là gì cả.

            Người ta uống trà, người phải biết nghệ thuật uống trà. Mà biết cái nghệ thuật uống trà, pha trà, một chén trà đầu xuân ướp thuỷ tiên pha rất khéo tôi tưởng quả cũng là một thứ tiêu khiển sung sướng nhất cho đời người ta vậy. Chẳng thế người xưa đã có câu:

                        Bán dạ tam bôi tửu,

                        Bình minh sổ trản trà.

                                                                       VŨ BẰNG

                                   Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.46 (2/12/1941)