CÓ HẢI QUÂN MẠNH CHƯA ĐỦ,

CÒN CẦN CẢ HẢI THƯƠNG…

 

Nói về hải quân mà không nói đến hải thương là một sự khiếm khuyết không nhỏ. Vì, trong thời chiến tranh, hải thương chẳng những có thể cung cho hải quân nhiều tàu bè phụ thuộc, mà lại còn cần thiết cho việc giao thông trên đường biển và việc tiếp tế lương thực quân nhu cho toàn thể nhân dân và quân đội.

Đã đành rằng hải thương lớn mạnh đến đâu cũng chẳng làm được trò gì nếu không có một đội hải quân cũng lớn mạnh như vậy. Nhưng chỉ có hải quân mạnh mà hải thương không có gì, thì thời chiến cũng như thời bình nhiều khi hải quân phải chịu thiếu thốn và thành vô dụng. Nếu trong thời chiến tranh, chiến thuyền phải hộ tống tàu buôn là vì tàu buôn rất hệ trọng cho nhân dân và quân đội về phương diện tiếp tế. Nếu tàu ngầm Đức trong cuộc đại chiến trước và trong cuộc đại chiến hiện thời, chỉ rình đánh đắm tàu buôn Anh là vì biết rằng vận mệnh Anh quốc và kết quả cuộc chiến tranh quan hệ ở đoàn tàu buôn đó.

Như vậy, tưởng chúng ta cũng cần biết qua về hải thương trong khi nói về hải quân liệt quốc.

Năm 1905, số trọng lượng toàn thể hải thương hoàn cầu là 36 triệu tấn. Đến năm 1914, số đó tăng lên tới 49 triệu tấn. Qua 4 năm chiến tranh, đến năm 1919, tính trừ số tàu buôn bị đánh đắm và hư hỏng và tính thêm các tàu đóng trong thời chiến tranh, nhất là tại Mỹ và Nhật thì số trọng lượng hải thuyền hoàn cầu được 50,8 triệu tấn.

Đến đầu năm 1939, số đó tăng lên tới 69.400.000 tấn, nghĩa là gần gấp đôi số trọng lượng năm 1905. Mà số trọng lượng sở dĩ tăng vọt lên như vậy là cố nhiên để ứng dụng cho đủ vào sự hoạt động kinh tế trong hoàn cầu. Nhưng chẳng phải các nước đều tăng số trọng lượng tàu buôn lên cùng một lúc đều nhau đâu.

Từ năm 1929 đến năm 1939, Đế quốc Anh tăng số trọng lượng tàu buôn từ 21 triệu lên 21,3 triệu tấn, và nước Pháp tăng từ 2,3 triệu lên 2,95 triệu tấn; cả hai nước cộng lại chưa tăng được tới 1 triệu tấn, tức là tăng được có 4% số trọng lượng cũ. Trái lại, nước Nhật tăng lên tới 228%, nước Ý tăng lên 116%, Hoa Kỳ tăng 122%, Hà Lan 107% và Na Uy 52%. Duy có nước Đức là không tăng thêm được tấn tàu buôn nào nữa, vì bị hoà ước Versailles hạn chế, vừa vì bận việc dự bị chiến tranh. Song đội hải thương Đức vẫn không vì thế mà mất địa vị. Thật vậy, chỉ tính các tàu buôn từ 100 tấn trở lên thì số trọng lượng của đội thương thuyền liệt kê như sau này:

Anh và các thuộc quốc

21.300.000 tấn

Hoa Kỳ

12.000.000 tấn

Nhật Bản

5.600.000 tấn

Na  Uy

4.900.000 tấn

Đức

4.500.000 tấn

Ý

3.500.000 tấn

Hà Lan

3.000.000 tấn

Pháp

2.950.000 tấn

Hi Lạp

1.800.000 tấn

Thuỵ Điển

1.600.000 tấn

Nga

1.300.000 tấn

Các nước khác

7.600.000 tấn

Tổng cộng

69.400.000 tấn

Tàu chạy bằng hơi nước chiếm 74,3%; tàu chạy bằng máy 24,4%; tàu chạy bằng buồm chỉ còn lại có 1,3% tổng số. Trong 100 chiếc chỉ 46 chiếc chạy bằng dầu mazout. Những tàu chạy bằng máy diésel dần dần tăng thêm và thắng thế. Trong 444 chiếc tàu buôn đóng năm 1938 thì 60% chạy bằng máy đó. Nước đóng nhiều tàu máy nhất là nước Anh, vốn là nước đóng tàu đã chuyên môn xưa nay. Tại nước Anh có tất cả 190 xưởng đóng tàu luôn luôn bận việc.

Trong các hạng tàu buôn chạy trên các mặt đại dương, có một hạng tàu chế tạo chu đáo nhất và có tiếng là chạy tốt hơn hết là hạng tàu chở dầu hoả (pétrolier). Trong 25 năm nay, số tàu hạng này tăng lên rất mau, vì rất thông dụng. Năm 1914, chỉ có 3% tăng số trọng lượng là tàu chở dầu; đến năm 1930 số đó tăng thêm 11%; năm 1939 thì số đó vọt lên 16,5%, tức là 11.400.000 tấn tất cả. Hạng tàu này hiện giờ hơn bù kém là những tàu trọng lượng từ 8.000 tấn – 10.000 tấn, chạy nhanh từ 12 tới 13 hải lý một giờ.

Số trọng lượng các tàu chở dầu, nước có ít nước có nhiều, và không phải là nước có nhiều tàu buôn là nước có nhiều tàu hạng đó, xin liệt kê như sau này:

Anh và các thuộc quốc

3.360.000 tấn

Hoa Kỳ

2.801.000 tấn

Na Uy

2.117.000 tấn

Hà Lan

538.000 tấn

Panama

470.000 tấn

Nhật

430.000 tấn

Ý

426.000 tấn

Pháp

318.000 tấn

Đức

256.000 tấn

Các nước khác

818.000 tấn

 Cộng

11.534.000 tấn

Về tàu chở dầu, riêng ba nước Anh, Hoa Kỳ và Na Uy đã chiếm mất 70% tổng số trọng lượng rồi. Các thuộc địa Anh chiếm tới 2/3 dân số các thuộc địa của liệt quốc hoàn cầu, vậy nếu hải thương có trội hơn các nước khác thì đó cũng là theo lẽ tất nhiên.

Nước Anh nếu không có con số trọng lượng lớn nhất hoàn cầu về hải thương, thì sau một cuộc chiến tranh đáy biển với tàu ngầm Đức, có lẽ ngày nay trên mặt biển không còn một chiếc tàu buôn nào. Vì có nhiều tàu buôn như vậy nên tàu ngầm Đức kế tiếp phá hoại mãi mà vẫn không cắt đứt được đường giao thông tiếp tế của nước Anh.

Coi đó người ta đủ thấy mối liên lạc giữa hải thương và hải quân một nước mật thiết với nhau như thế nào. Có hải quân mạnh chưa đủ, nếu không có một đội hải thương cũng tương đương.

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 152 (11/4/1943)