CON ĐƯỜNG ĐẦY ÁNH SÁNG

(chúng tôi kết luận) [1]

Chúng tôi còn nhớ lúc mới độ mười chín, hai mươi tuổi, vừa từ giã trường trung học để đi học nghề “làm tân văn ký giả”, một ông bạn già có vứt vào mũi chúng tôi một cuốn sách dạy nghề làm báo của một tay viết báo cừ khôi người Pháp. Một cuốn sách nhỏ thôi, trên dưới một trăm trang giấy, nhưng chúng tôi đã đọc say sưa xiết bao mà cũng thấm thía xiết bao. Cuốn sách ấy dạy người ta làm báo trong hai mươi bài học. Tác giả Robert Jouvenel, đã dùng một lối văn hoạt kê châm chọc để phê bình một kỹ nghệ tôn nghiêm. Ông thực là một người làm báo có tài có khoé. Cái tài vốn đã là cần nhưng cái khoé làm báo có khi lại cần hơn, bởi vậy cho nên đọc hết trăm trang giấy rồi đến khi gấp sách lại chúng ta không thể chê được một điều gì cả. Bởi vì tác giả không có một lúc nào hớ hênh hay tự phụ. Chính ông, ông muốn đem tất cả cái hay, cái đẹp cùng sự cao cả của nghề báo ra ca tụng với quốc dân, nhưng sợ rằng trong khi đó bụng mình quá thiên chăng, gần hết quyển sách ông đem nghề mình ra giễu cợt trước, không đợi cho người đời chế bác. Giễu cợt nghề mình mà lúc nào cũng tỏ được cho độc giả thấy nghề mình là cao quý tôn nghiêm, việc ấy thiết tưởng không phải là ở tầm tay bất cứ người nào vậy.

Đó, nghề làm báo, chỉ kể về phương diện rất nhỏ nhặt ấy thôi, cũng đã khó như thế đó. Huống chi lại còn bao nhiêu việc khác nữa rối như canh hẹ, người không có khối óc sáng suốt không thể nào làm được. Người làm báo vì vậy cần phải biết rõ tâm lý người đời như biết rõ những chỉ tay của mình. Biết người ta ưa gì, biết người ta ghét gì, biết người ta tin tưởng gì…

Ông Robert de Jouvenel quả đã bắt đúng mạch dư luận vậy. Ông biết rằng những cái tục cũ lúc nào cũng ăn sâu vào trí óc của quốc dân, quốc dân Pháp cũng như quốc dân Nam tin rằng: “Phàm người nào làm việc gì, làm nghề gì tất phải nói xấu nghề mình trước và khuyên người khác chớ nên theo”.

Làm như thế, người làm nghề có ý muốn tỏ ra rằng nghề của mình làm là nghề ăn cay ngậm đắng, lờ lãi không bao lại ốm thân nhọc xác, thà đi làm nghề khác còn hơn. Nhân đó, người ta lại còn bỏ nhỏ vào tai những kẻ đứng bên ngoài rằng: “Đấy các ông cứ ao ước mãi, thèm khát mãi. Bây giờ đã biết rồi nhé. Thôi, đi đi, đừng có vào tranh giành với chúng tôi”.

Chúng tôi không có quyền hành gì cả, nhưng giá hôm nay là ngày “cá tháng tư” (poisson d’avril) chúng tôi cũng xin phép bạn đọc nói chơi một chút. Chúng tôi nói chơi rằng: “Anh thợ giày, anh đi đi, đừng trông quá cái mũi giày của anh. Anh bán tranh! anh biết nghề báo rồi nhé, thôi chỉ nên bôi lọ chứ đừng viết truyện! Còn anh, anh rang “hàm sôi phá sa” để bán buôn, tôi chúc cho anh đừng bị ma quỷ rủ anh vào rừng báo để cho báo nó vồ anh ăn thịt”.

Nói thế rồi, chúng tôi xin thanh minh với các bạn đọc rằng: Không, chúng tôi đã làm khác Jouvenel một chút. Như các bạn đọc đã thấy, trong suốt một tập báo mà các bạn vừa coi, chúng tôi không một chỗ nào dám nói đùa hay là nói xấu nghề. Đó không phải vì chúng tôi không biết cái tục cũ của nước Pháp, nước Nam chúng ta đâu, nhưng chính là bởi vì chúng tôi thấy nghề báo tôn nghiêm quá. Phải, người ta nói xấu nghề gì kia chứ đến nghề báo thì không thể được, người ta sợ kẻ khác vào tranh giành nghề gì kia, chứ đến nghề báo thì không cần giữ. Nó là một cái nhà trống không có cửa. Nhiều bạn thường phàn nàn về chỗ cửa ngõ không chắc chắn đó và lo rằng đêm hôm kẻ gian phi sẽ nhón gót đi vào mà làm việc đồi phong bại tục. Lo như thế là phải, nhưng có lẽ là lo xa quá! Chúng tôi thiết tưởng một cái nghề mà đóng bịt cả cửa lại, không có ai ngấp nghé, thèm muốn, không có ai tức tối ganh ghen thì nghề ấy chỉ là một nghề thường mà thôi, chẳng có giá trị gì cho lắm. Nghề báo cứ mở rộng cửa đây, cho người ta cứ vào. Nhưng này đợi đó mà xem. Thằng ăn cắp lấy một tấm lụa giấu vào trong người đến lúc đi ra cửa sẽ bị lính ma tà giữ lại thì cái ông thợ giày, thợ vẽ hay ông bán “hàm sôi phá sa” chẳng hạn hôm nay vào làm báo cớ gì đến ngày mai lại không xuất hiện nguyên hình?

Không, người có tài vẫn là người có tài mà anh giàu nổi óc rỗng như đít bụt chỉ có thể là anh giàu nổi óc rỗng như đít bụt. Chúng ta há đã chẳng thấy có nhiều người mặt mũi đầy đặn phúc hậu lắm, chít khăn trịnh trọng ôm một đống tiền quăng vào tờ báo tưởng là làm nổi cơ đồ mà kết cục vẫn bị ngã vẹo cổ vì thất bại?

− Người ta không đọc được những bài văn bố yểng của anh ta.

Chúng ta há đã chẳng thấy có anh thờn bơn chê nghề báo là dễ, thế mà đến lúc xắn tay áo làm thì báo của anh ta hoá ra một rổ rau diếp, rau cải xoong, rau lú bú?

− Người khoẻ mạnh và lương thiện không thể đọc được những bài rau sống ấy dù là những cái rau sống ấy đã phết rất nhiều bơ.

Chúng ta há đã chẳng thấy… Nhưng thôi, kể như thế mãi không biết đến bao giờ mới hết. Chỉ biết rằng trắng đen bao giờ cũng khác nhau, vàng thau dù lẫn lộn nhưng đem vào thử lửa thì biết nhau ngay đấy.

Những kẻ đem tiền ra giãi chỉ loè được những độc giả có thứ thông minh như họ. Ngày tháng qua đi, giấc mộng buồn cho dài lắm đến lúc bình minh cũng phải hết. Vậy thì không lo: những người không biết đọc báo mỗi ngày sẽ giảm dần, cái trình độ hiểu biết của quốc dân mỗi ngày phải tăng lên, tăng lên mãi. Cho đến một ngày kia chúng ta sẽ thấy những tờ báo tồi sẽ bị đào thải dù tiền bạc có đắp vào chăng nữa cũng không ai buồn đọc hay bị người ta khinh rẻ. Mà chỉ còn những báo đứng đắn do những người có tài học chủ trương xứng đáng làm đồ ăn tinh thần cho quốc dân, những tờ báo ấy là những tờ báo phụng sự một lý tưởng gì, những tờ báo xứng với tên gọi là “cơ quan dư luận”, những tờ báo đáng là những sản phẩm dùng để tuyên truyền những ý tưởng tốt đẹp trong dân chúng.

Một tay kỳ cựu trong làng báo Pháp có viết rằng: “Cái gì cũng muốn biết để kể cho người khác biết; cái gì cũng muốn học để thuật lại cho những người chưa học; cái gì cũng muốn hiểu kỹ càng để chỉ bảo cho những người chưa hiểu; phàm điều gì là điều đẹp, điều xấu, điều dở, điều hay cũng muốn tường thuật trên giấy không chịu bỏ qua một phương diện nào của cuộc đời không xét đến; phú quý không cám dỗ được, bần khổ không thay đổi được, uy vũ không khuất phục được; mà biết rằng mình càng có tài, có lẽ phải, thiên hạ lại càng nói xấu mình, ganh ghét với mình: đó, cái nghề báo đó. Tuy vậy, nó vẫn là một nghề đáng để cho ta hy sinh thân thể mà theo đuổi”.

Thực vậy, cái nghề đó đáng cho ta gia công theo đuổi lắm, vì lúc này hơn hết cả lúc nào, ta đã thấy nhiều ánh sáng trên con đường mới. Những đám mây đen hầu như đã qua rồi. Nghề báo ở nước ta, trong mấy năm gần đây đã tiến một cách không ngừng, nhất là từ khi có mấy ông bạn của chúng tôi đã đem một thứ máu trẻ, cải cách từ hình thức đến nội dung tờ báo. Từ một vài nghìn, số báo xuất bản hàng kỳ đã tăng lên một vài vạn. Tuy vậy cái đó cũng chưa đáng kể bằng cái không khí ồn ào, hoạt động, hăng hái của làng báo ít lâu nay. Chúng tôi không dám quyết định rằng đó là công riêng của ai, nhưng nhiều người nhận rằng tờ báo mà có thể là tờ báo không thẹn, làng báo đã phải chấn chỉnh và luôn luôn cố gắng để bồi bổ tinh thần các bạn đọc thân yêu, ấy là từ lúc tờ Trung Bắc Chủ Nhật của chung của các bạn ra đời vậy.

Về mặt báo hằng ngày, có nhiều bạn phê bình một cách chiết trung rằng tính cách có đổi thay, phần nghị luận kém hẳn, chỉ tin tức là nhiều, có lẽ cũng là một sự biến to trong báo giới.

Xét cho kỹ thì chẳng cứ gì ở nước ta làng báo mới có sự đổi thay như thế. Các bạn đọc những bài trên tất đã nhận thấy rằng ở các nước tân tiến văn minh bên Âu Mỹ báo giới cũng đã trải qua bước ấy: báo nghị luận ít đi, những tay danh sĩ có cái hoài bão nâng cao trình độ người đọc mỗi ngày mỗi hiếm. Cột báo phần nhiều để dành cho những tin tức miễn là khêu gợi được tính hiếu kỳ của người đọc thì thôi.

Đó là một trạng thái của báo chí hiện nay, ta nhận lấy để mà biết chứ cũng đừng nên vì thế mà định đó là hơn hay là kém. Theo ý chúng tôi thì đó chẳng qua chỉ là do chỗ các ông nhà báo ấy muốn chiều theo thị hiếu của quần chúng mà thôi vậy. Đời này lấy ý dân làm trọng. Mà dân thì cố nhiên không phải người nào cũng có cái học ngang với tiến sĩ, cử nhân, cho nên không thể dọn những món ăn tinh thần đắt quá, hay quý quá, cứ thường thường có lẽ được người ta ăn ngon miệng hơn các thứ cao lương mỹ vị.

Những thứ sau này đắt tiền quá mà ăn không quen miệng lại khó ăn, thành thử ít khi có ai dám dọn vào mâm cơm hằng ngày. Người ta chỉ có thể mỗi tuần đem ra dọn một hai món để cho độc giả vừa xơi vừa nghĩ.

Đó cũng là một lẽ tất nhiên ta không thể trách ai được cả, nhưng ta có thể nhân đấy mà nhận ra rằng: Ở vào lúc quốc dân nghiêm nghị mà nhận chân lấy bổn phận của mình đối với nước, với nhà, ở vào lúc người ta cao thượng một chút, muốn tìm học tìm biết thì tuần báo có giá trị được ưa chuộng và được nhiều người ham đọc.

Cho nên tuần báo thiên về dư luận vẫn được dư luận chú ý hơn; xem tin tức thì xem tin tức báo hằng ngày, còn muốn biết con đường sáng để mà theo có lẽ bây giờ, với báo giới nước ta, người ta tìm đến những tờ tuần báo, bởi người ta tin rằng tuần báo để ý về ngôn luận bàn bạc kỹ hơn.

Dù sao, báo hằng ngày và báo hằng tuần ở nước ta hiện nay cũng đã có hy vọng tiến mau hơn, mau nhiều hơn nữa. Chẳng cứ về cách làm, cách viết, cách soạn bài đã tài hơn, ngay như cách sắp đặt, cách trình bày và ấn loát cũng đã có vẻ mỹ quan lắm lắm. Trông một tờ báo bây giờ, một người dù bi quan đến bực nào cũng phải vui lòng mà hy vọng vào ngày mai, − cái ngày mai tốt đẹp, sáng sủa sẽ thấy báo giới ta tiến những bước thần, chẳng mấy chốc mà theo kịp những người đi trước. Chỉ tiếc rằng, báo giới nước ta đương lúc tiến như thế thì thế giới lâm vào vòng khói lửa. Súng đạn tứ bề, chiến tranh làm bế tắc cả lại: giấy in báo không có; mực in báo không có; chữ in báo không có; máy in báo không có; báo ngoại quốc để đọc cũng không có nữa. […………..][2]

Làm báo mà gặp phải sự khó khăn như thế cố nhiên sức tiến phải ngừng lại, làng báo Việt Nam đáng lẽ lúc này tiến không biết thế nào mà kể, than ôi, đành phải dừng bước lại đợi, đợi cho tình thế dễ chịu hơn, […..] giấy có, mực có, chữ có, có những vật liệu tối tân để tạo ra những tờ báo đẹp về cả nội dung và hình thức.

Trong khi chờ đợi, người Việt Nam hết sức làm cho chữ quốc ngữ phổ thông hơn trong nước để tạo lấy những độc giả tương lai cho làng báo tương lai.

Không cần phải nói, làng báo lúc ấy tất phải đi trên một con đường mới chan hoà ánh sáng.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 103 (22/3/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Bài này được coi như lời kết của toà soạn TBCN cho số báo chuyên về báo chí

[2] ở chỗ này báo gốc để chấm lửng liền 3 dòng