CON SÊN LEO DỐC

 

 Con sên leo dốc, bò từ miền nam Trung Kỳ ra Hà Nội;  nói về cuộc đua Hà Nội - Sài Gòn - Phnompenh. −Mọi người đều tốt cả, chỉ trừ có trời và đường không tốt mà thôi! −“Ông Michaud thật xứng đáng làm một ông bầu xe đạp”

 

Trong kỳ trước thuật lại câu chuyện của nhà quán quân xe đạp Bổng, tôi có nhắc các bạn mấy tên quen biết: Nhân, Cư, Hắc, Sếnh, Tandinh Lộc, Tề, Toàn và Kỳ.

Nhân, các bạn chắc đã biết rõ lắm rồi. Cái hồi anh chàng này còn ở Hải Phòng, anh ta “trù” Bổng dữ. Mỗi cuộc thi dài, anh ta chỉ nhất định “chơi” có Bổng thôi. Chỉ từ sau cuộc đua Hải phòng – Hà Nội – Hải Phòng hồi 1932 hay 1934 gì đó, hai tay lão tướng này mới chịu bắt tay “ký giấy”. Từ đấy, người ta thấy Nhân họp với anh em thành một khối bất diệt; Nhân hết sức giúp đỡ anh em trong các cuộc thi và cũng từ đó, cái anh chàng già tuổi mà cũng già gối ấy được bè bạn đặt là con sên leo dốc. Con sên leo dốc, ai cũng nhận thấy là một tay cứng trong cuộc đua Hà Nội – Sài Gòn – Phnompenh. Anh đã giúp cho anh em Bắc Kỳ nhiều lắm. Thì đột nhiên, một buổi sáng thứ hai kia người ta thấy điện tín đánh từ Nha Trang về, báo Nhân thôi không chạy nữa. Các báo đều nói “Nhân về, làng xe đạp Bắc Kỳ thiệt rất nhiều”. Chúng tôi, chúng tôi là những người nghĩ trước tiên như thế. Bởi vậy chúng tôi muốn tìm Nhân để hỏi tại sao Nhân lại quay về không đi trọn đến Sài Gòn – Phnompenh. Chúng tôi định hỏi nhiều việc khác. Nhưng vừa gặp, Nhân lại là người hỏi trước chúng tôi: “Thế nào? Đã có tin Blao – Sài Gòn chưa?” Hôm ấy là ngày chủ nhật, điện tín đánh kết quả chặng Blao – Sài Gòn vừa gửi ra. Tôi nói: “Ông không đoán được, ông Nhân ạ. Mà các cô thiếu nữ cầm hoa đứng đợi cua-rơ về  Sài Gòn cũng không đoán được đâu. Nam Kỳ không về nhất. Bắc Kỳ không về nhất. Nhất là Nguyễn Phát Giá (Cao Miên), nhì là Sếnh (Bắc), ba là Thêu và Đượm (Nam Kỳ)”. Nhân thở mạnh: “Tốt quá! Tốt quá! Tôi không được dự cuộc đua này nhưng ngồi ở đây, tôi đã biết. Giá về nhất là chính đáng lắm, không nói chuyện may rủi được. Sếnh kém 1/3 bánh xe đạp về nhì, cũng hay. Thôi thế là cũng tạm yên tâm rồi ông ạ. Nói cho thực, cuộc đua Hà Nội – Sài Gòn – Phnompenh này không có điều gì đáng cho chúng ta phàn nàn lắm. Rất công bình. Mà anh em Nam Kỳ trội như thế, thực đáng hoan nghênh lắm. Riêng với anh em Cao Miên, chúng tôi có một cảm tình đặc biệt. Anh em chơi lịch sự và có tinh thần thể thao, đáng để chúng ta suy nghĩ.

 

Tại sao ta kém?

Nhân là một người đứng tuổi, gầy, và ăn nói giữ gìn. Điều người ta nhận thấy trước nhất ở anh là tính thành thực, nghĩ sao nói thế. Những người trọng sự thực, những người thực muốn biết sự hay dở trong cuộc đua này sao lại không muốn nghe những lời anh nói?

– Tôi không phải không gắng sức. Tôi gắng sức lắm để ở được với anh em cho đến hết cuộc thi, nhưng quả tình không thể được. Tôi ốm, ông ạ, hình như bị sốt rét thương hàn thì phải. Không về, mình chết ở dọc đường, ai thương mình? Tôi bây giờ ngồi ở nhà nghĩ lại những chặng đường đã qua mà sợ. Không phải sợ sự trắc trở, sự đua ganh, không! Tôi sợ những con đường, như ở Đồng Hới chẳng hạn, gớm! sao mà quý thế! Anh em cua-rơ ta kém 20 phút ở chặng này. Thật vì không may cũng có mà vì đường cũng có. Đá lởm chởm như bàn chông. Đường chưa rải cát nổi lên những hòn sỏi to bằng cái bát điếu, bằng cái ấm bình tích vậy. Thân nổ lốp ở chặng ấy bốn năm lần. Tôi đợi hắn cho có bạn ở nhiều nơi. Tôi giúp anh em và anh em cũng giúp tôi. Tôi lấy làm thú mà nói rằng anh em Bắc Kỳ ta đoàn kết lắm, chơi hay lắm mà Tổng cục Bắc Kỳ cũng săn sóc đến cua-rơ lắm, chỉ phiền một nỗi…

Nhân mời chúng tôi uống nước. Câu chuyện thân mật giữa ba người lúc này đã đến đoạn hăng. Tôi hỏi:

− Thế thì ông bảo tại sao chúng ta lại kém, lại bị lụt trong bảng thứ tự từng đoàn như vậy?

− Tại sao? Tôi xin nói thẳng: tại chúng ta giỏi lắm. Không tập và không được ăn ngủ đều mà thẳng như thế đã là pho [1] lắm. Thân chơi một lúc 5-6 cái nhất đã làm nổi tiếng tất cả làng cua-rơ Bắc Kỳ. Cả Đông Dương đều sợ. Nhưng ta nên biết rằng cua-rơ ta chạy không đều, có người giỏi quá, có người tồi quá. Ví dụ bây giờ mình có 15 người đi. Thì trong số ấy tôi xin cuộc với ông rằng 6 người là hạng khổ, 4 người là vừa chơi, hoạ chỉ có 5-6 mống là xơi được. Nam Kỳ và Cao Mên không thế. Họ có người chơi rất hay như Các chẳng hạn, có thể gọi là hoàn toàn được. Nhưng toàn bọn của họ thì cũng không phàn nàn được: họ có 15 người thì xin ông chắc chắn với tôi rằng 10 người của họ chơi rất ăn ý với nhau, 2 người vừa, còn chỉ 3 người tồi.

 

Cho tôi biết cái nguyên do!

– Nguyên do? Nguyên do sao lại thế. Thưa với ông bạn, nguyên do chỉ vì cua-rơ Bắc Kỳ ta không được tập đều đó thôi. Ta phải chịu cái hay của người để biết cái dở của mình. Anh em Nam Kỳ chịu tập hơn. Và được các ông bầu săn sóc. Anh em Mên thì tháng tháng tập 7 ngày liền, nghỉ vài ngày rồi lại tập 7 ngày liền. Như thế, không những họ quen chân, dai sức, họ lại còn ăn ý với nhau nữa, đi rất dễ. Họ đi hàng tháng cũng thế. Họ không chết gối.

Này ông, nhân tiện đây tôi xin nói cho ông biết một chuyện: ở Bắc Kỳ ta có những kẻ rất buồn cười lố lỉnh. Họ cho rằng tập dượt luôn như thế hại sức, cho nên họ không hoan nghênh sự tập dượt của anh em. Hai tháng dượt một lần thì chơi thế nào được? Văn cần ôn võ cần luyện mà bảo là tập dượt sợ hết sức, lắm lúc tôi tự hỏi có phải là họ điên không? Tôi biết, ông ạ. Từ cuộc thi Lạng Sơn đến cuộc đua Hà Nội – Sài Gòn – Phnompenh, nghĩa là từ đầu mùa đến giờ, anh em Bắc Kỳ không tập một lần nào. Không tập lấy được hai ba trăm thước, chứ đừng nói tập dượt như anh em Nam Kỳ, hay bảy ngày luôn như anh em Cao Mên làm gì. Sự thua kém của ta là ở đó.

 

Những nỗi dọc đường

Nhân uống nước rồi nói tiếp:

– Ít tập mà thẳng luôn 5- 6 chặng một lúc như thế, ta phải nhận rằng đó là cái chân tài của anh em Bắc Kỳ. Chúng tôi không quên sự săn sóc của Tổng cục đối với chúng tôi, nhưng xin thú thực chúng tôi đã ao ước số phận của anh em Nam Kỳ lắm.

Cứ đến mỗi tỉnh, anh em Nam Kỳ lại vào ở những phòng rộng rãi, nghỉ ngơi và ăn uống trong khách sạn. Họ ký bông và lúc về Tổng cục của họ sẽ trả tiền cho họ. Ở Bắc, anh em cua-rơ mỗi người được tặng mỗi ngày 1p, nhưng tiền ấy chỉ đủ đi xe và ăn láo. Ở tỉnh nào cũng vậy, chúng tôi phải ngủ ở trại, ở nhà thương. [………] [2]

Sau, thực là vì cảm cái ơn của trung tá Ducoroy và ông Eminent coi cua-rơ như con cái trong một nhà nên chúng tôi lại phấn khởi mà đi nữa. Ông Ducoroy và ông Eminent thực là ân nhân của chúng tôi. Xin cảm ơn vạn bội!

Riêng ông Scrépel cũng tốt lắm. Nhưng tiếc rằng ông bận thì phải. [….] Trong khi ấy thì ông bầu của các cua-rơ Sài Gòn, – ông Michaud – lăn vào các cua-rơ mà săn sóc như một người cha thân ái săn sóc con thơ vậy. Ông đấm bóp cho cua-rơ của ông, ông bỏ cả cơm, ông dậy từ bốn giờ sáng để sắm sửa cho họ và bàn với họ hôm nay nên chạy như thế nào. Có hôm tôi đã thấy ông chạy gọi hàng quà cho cua-rơ ăn lót dạ. Ông Michaud được các anh em Nam Kỳ quý lắm. Mà anh em Bắc Kỳ cũng quý ông. Ông làm cho cua-rơ đáng lẽ chạy được bảy cũng chạy lên được mười.

 

Trước khi ra cửa

Chiều. Chúng tôi ngồi nói chuyện đã lâu xin phép ông Nhân ra về. Mâm cơm để ở trên giường ghế ngựa trời này mà nguội, ăn không ngon nữa. Ông Nhân bắt tay chúng tôi và nói thêm:

– Thêu Nam Kỳ bền sức, Các thì hoàn toàn hơn. Nói sự thực, họ có tài cả mà thú thật là họ hay thì hay đều, mà đoạn nào may thì cũng may đều. Bắc Kỳ ta chuyến này về chắc sẽ học được nhiều điều tốt. Mà những người cho rằng tập dượt là surmener [3] chắc sẽ xấu hổ vì điều mình đã nhận lầm. Tổng cục Bắc Kỳ chắc hoan nghênh ý kiến này lắm lắm.

Chúng tôi bắt tay nhau từ giã. Nhân giữ chúng tôi ở cửa và nói thêm:

– Mà còn điều này nữa, ông ạ. Anh em Bắc Kỳ đã thua thiệt đủ điều rồi, ấy thế mà ông phải biết lại có những hạng người rắn gan rắn ruột bóp chẹt anh em nữa. Tôi muốn nói đến một số nhà buôn xe đạp ở đây; họ đầu cơ, bán một cái boyau xe đạp tới tám chín mươi đồng bạc. Nghèo thì chơi xe đạp thế nào được, phải không ông? Mà giàu, tôi tưởng cũng không phải dễ, đã đành giàu có thì một cái roue libre [4] 12$, cả cái xe 250 - 300$ chẳng làm gì, nhưng ông phải biết mua được cái xe đạp đi được bây giờ mình chỉ còn cách lạy từ anh chủ hàng lạy đi. Tôi quyết là ở Nam Kỳ không có chuyện đau lòng như thế. Ở Bắc, trước hôm đua hai hôm tôi đi vận động mua hai cái boyau 70$. Nó bắt tôi đặt tiền trước để nó com-măng. Trước hôm đua tôi đến lấy. Nó bảo tôi không có. Tôi van lơn nó, nó tăng lên 10 đồng nữa. Đành vậy chứ biết làm sao? Tôi phải cắn răng chịu vậy nhưng thực tôi oán chúng lắm, tôi cho một phần sự kém sút của anh em mình cũng do ở chúng, – chúng đồng tội với giống rệp giống muỗi đã làm kiệt sức chúng tôi ở những tỉnh Vinh, Đồng Hới, Huế, Quảng Ngãi, Tourane và vân vân!

                                               TIÊU LIÊU

                            Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 96 (18/1/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] pho: có lẽ là đọc âm chứ Pháp force: mạnh, khoẻ.

[2] chỗ này báo gốc để chấm lửng liền 3 dòng.

[3] surmener (chữ Pháp): bắt làm quá sức, bắt lao lực.

[4] roue libre (chữ Pháp): ổ líp xe đạp.