DÂN CƯ VÀ THÀNH THỊ ALGÉRIE

 

Làng Algérie rộng tới 500.000 mẫu tây

Bình định xứ Algérie rồi, hoàng đế Napoléon III nước Pháp liền nghĩ cách tổ chức việc cai trị xứ ấy. Trước hết hoàng đế bãi chức toàn quyền và ngày 24 Juin 1858 hạ dụ lập thêm một bộ trưởng nội các, gọi là bộ Algérie, nghĩa là ngài sáp nhập cả Algérie vào nước Pháp. Hai năm sau, bộ ấy bị bãi bỏ, hoàng đế lập lại phủ toàn quyền. Rồi tới năm 1863, hoàng đế lại định lập Algérie thành một nước A-rập tự trị, đặt dưới quyền kiểm soát của nước Pháp, nhưng kết quả chẳng được vui lòng.

Cuộc cai trị Algérie hiện thời là dựa vào đạo sắc dụ ngày 24 Octobre 1870. Đứng đầu toàn xứ là quan toàn quyền do quan thượng thư nội vụ tuyển bổ (chứ không phải do quan thượng thư thuộc địa), có quan phó toàn quyền và hội đồng chánh phủ giúp việc.

Xứ Algérie chia làm ba phần: một là các hạt phía bắc, rộng 230.000 cây số vuông, gồm có 3 quận Alger, Oran, Constantine, mỗi quận do một quận trưởng và các quan quận phó cai trị, như các quận nước Pháp; hai là các hạt phía nam, gồm có 4 hạt Ain Sefra, Ghardaia, Touggourt và các mậu lâm (oasis)[1] ở sa mạc. Bốn hạt này đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của quan toàn quyền. Ngài chia các hạt ấy ra thành từng “khu vực” (cercle) do các quan coi việc bản xứ cai trị. Theo luật ngày 14 Décembre 1900, các hạt phía bắc có một ngân sách riêng, được hưởng pháp nhân tư cách và quyền mở công thải để làm những việc công ích lớn. Từ năm 1898, có các đoàn đại biểu tài chính (cũng như viện dân biểu ở ta) và thượng đỉnh hội nghị bàn xét dự toán của chánh phủ.

Xứ Algérie gồm có 359 thị xã (tức là làng) chia làm thị xã cụ thể và thị xã giáp tạp (commune de exercice et commune mixte). Thị xã cụ thể tổ chức và quản trị giống hệt các thị xã nước Pháp, có xã trưởng đứng đầu và hội đồng thị xã giúp việc. Thị xã giáp tạp thì do một viên chức đứng đầu gọi là quan cai trị. Những thị xã ở đây diện tích rộng lớn vô cùng, có thị xã đất rộng tới 500.000 mẫu tây. Các thj xã giáp tạp ở miền nam, giáp các cao nguyên và sa mạc thường thường rộng lớn hơn thế nhiều.

 

Trong 50 năm, dân cư tăng lên gấp đôi

            Dân cư Algérie tăng lên rất mau, có thể nói là mau hơn hết thế giới. Trong có 50 năm, từ 1876 đến 1926, dân số xứ ấy đã tăng từ 2.867.626 lên tới 5.981.221 người. Thật là một con số vô địch về sự sinh sản. Dân số đó gồm 5.147.872 người bản xứ và 833.359 người Âu. Họ sống cách biệt nhau, nhưng rất hoà thuận. Và tại các thành thị lớn, mỗi ngày người ta thường thấy có nhiều cuộc kết hôn giữa người Âu và người bản xứ.

            Dân bản xứ thì gồm có dân Berbères là dân cố thổ ở đây, dân A-rập, dân Maures và dân Koulougbris là dân lai Thổ-nhĩ-kỳ và người bản xứ. Dân Berbères là phần tử cốt yếu xứ  Algérie, cũng gọi là dân Kabyles. Trong 5 triệu thổ dân thì 2 triệu dân nói tiếng Berbères. Tất cả đều theo đạo Hồi hồi, có điều là dân Kabyles không mê đạo bằng dân A-rập. Tuy họ theo đạo Hồi song họ vẫn giữ nhiều cổ tục, nhiều dị đoan mê tín đồng bóng, có đâu từ trước đời Hồi giáo tràn vào. Dân miền núi Tell thì ở trong những nhà cửa bằng đá hay bằng cành cây, gọi là “gourbi” (y như những nhà của người thượng cổ) hoặc trong những mạc trướng  (tente) như những dân giang hồ, nhưng họ đều ở lỳ một chỗ và chuyên về nghiệp nông. Dân miền cao nguyên là dân giang hồ nay đây mai đó, vì họ phải đuổi mục súc đi ăn cỏ từ nơi này đến nơi khác luôn luôn. Họ ở trong những túp lều bằng vải căng (tente). Tất cả các lều vải một nơi hợp lại thành một chòm gọi là douar; bao nhiêu douar đó thuộc quyền cai trị một viên cheik; đứng đầu các viên cheiks là viên caid là tù trưởng một bọ lạc. Mỗi bộ lạc có một khu đất mục súc ấn định giứoi hạn sẵn.

            Tới năm 1926 dân số người Âu ở Algérie tính được 833.359 người trong số đó có 657.641 người Pháp và 175.718 người ngoại quốc. Người Pháp thì có 540.146 người Pháp chính tông, còn 70.993 người là người ngoại quốc nhập tịch dân Pháp và 37.502 người bản xứ có Pháp tịch. Người ngoại quốc thì có 135.032 người Tây-ban-nha, 28.594 người Ý và 13.068 người các nước khác. Những người ngoại quốc ấy di cư đến đây chỉ sau một thế hệ đã thay đổi thành một giống người khác hẳn, thân thể cường tráng đẹp đẽ, hoạt động, thông minh, nói tiếng Pháp, chịu văn hoá Pháp. 9/10 dân số Algérie đó đổ xô vào miền bắc,,nghĩa là tại ba quận hay ba tỉnh Alger, Oran và Constantine.

 

Ở Alger có trường đại học có tới 3000 sinh viên

            Tại Algérie có tất cả 545 trường sơ học bản xứ, dung được 48.000 học sinh; 45.000 nam học sinh và 3.000 nữ học sinh. Phải thêm vào số ấy 12.000 nam nữ học sinh vào học các học đường Pháp. Tại Alger có một trường đại học, đông tới 3.000 sinh viên vừa người Âu vừa người bản xứ. Tiếng Pháp hiện giờ rất phổ thông trong các giới bản xứ, họ cho tiếng nói đó là tiếng lịch sự văn minh. Nhiều người bản xứ đã thích nói toàn tiếng Pháp.

 

Thành Alger, một thành phố đẹp nhất Phi châu, dài tới 12 cây số

            Trong ba tỉnh miền bắc thì tỉnh Alger ở trung ương, đông tới 1.866.714 dân cư trong số đó có 307.795 người Âu, gồm có xứ Grande Kabylie, nhân dân rất trù mật, có chỗ mật độ tới 224 người một cây số vuông; và xứ Mitidja cùng các cánh đồng bằng các sông Chéliff và sông Serson, hiện giờ khai thác rất phong phú. Ở phía nam giáp với các cao nguyên, mậu lâm Bou-Saada cũng thuộc vào quận Alger. Tỉnh lỵ Alger là thành phố Alger, mọt thành phố lớn đẹp, đông tới 273.500 dân cư, uốn cong bán nguyệttheo hình hải cảng, dài tới hơn 12 cây số, phong cảnh rất nên thơ. Nhà cửa ẩn hiện dưới các chùm cây xanh treo leo trên sườn núi xen lẫn với những khu vườn cam vườn quýt, coi đẹp như một bức tranh tàu. Thành phố chia làm hai khu, cũng như thành phố Hà Nội ta, nửa kim nửa cổ. Khu kim thời thì phố xá rộng rãi thẳng băng, nhà cửa năm bảy tầng cao vót, chắc chắn, đẹp đẽ, vệ sinh. Khu cổ thì vẫn khong mất cái vẻ A-rập, tối tăm, bí mật và lặng lẽ. Khách du tha hồ mà so sánh, nghĩ ngợi, trông tìm. Phủ toàn quyền và các dinh thự trong quận đều ở đó. Thành phố du lịch và buôn bán, đồng thời lại là một thành phố mỹ thuật và học thuật, Alger hiện nay là một thành phố đẹp vào bực nhất châu Phi và có cơ trở nên một thành phố quan trọng nhất miền Địa Trung Hải. Phía sau Alger là một miền toàn những đồi rải rác những biệt thự và đồn điền, coi thật đẹp mắt. Đó là miền Sahel, một chữ A-rập, nghĩa là miền phụ cận, miền duyên hải. Dưới chân các đồi này là đồng bằng Mitidja, một cánh đồng lầy lội, bẩn thỉu mà người Pháp đã làm thành một cánh đồng trồng trọt (nho, mỳ, rau,v.v…) rất đẹp. Thị trấn có công nhất miền này là thị trấn Beida đông 36.687 dân cư, nổi lên giữa những khu vườn cam đẹp tuyệt. Ở phía nam Alger, trên con đường từ Mitidja đi các mậu lâm có thị trấn Médéa, 15.000 dân cư, trứ danh về các thứ rượu nho trắng. Ở phiá đông có Tizi-Ouzou, một làng bản xứ, là lớn nhất xứ Kabylie. Từ Tizi-Ouzou có đường lên Fort-National và lên đỉnh núi Michelet và một nơi nghỉ mát cao 1.080 thước tây, khí hậu rất tốt. Ở phía tây Alger, trong thung lũng sông Chélif, có thị trấn Miliana và Orléansville (17.538 dân cư); ở bờ biển có thị trấn Tipaza phong cảnh đẹp tuyệt, và Cherchell tức là thành Césarea thời xưa, là thủ đô xứ này hồi thuộc quyền đô hộ nước La-mã. Cherchell có một viện tàng cổ phong phú và đầy đủ nhất miền Bắc Phi.

            Quận Oran hay là tỉnh Oranie có 1.380.801 dân cư, trong số đó có 351.000 người Âu (100.000 người ngoại quốc, hầu hết là người Tây-ban-nha). Tỉnh này là tỉnh đông người Âu nhất trong xứ Alger. Tỉnh lỵ là thành Oran, phố xá thẳng băng,nhà cửa lối mới san sát. Hải cảng Oran sầm uất vào hạng nhì xứ Algérie, chở ra ngoài nào rượu nho, nào cừu, nào len, nào thuốc lá, v.v…Quận này có những thị trấn lớn đẹp không khác gì quận Alger như Mascara 30.669 dân cư, Sidi-Bel-Abbès 43.700 cư dân, toàn là những thị trấn canh nông rất phồn thịnh và thị trấn Tlemcen, 43.747 dân cư, ở trên đồi cao 800 thước là một thị trấn đẹp đẽ và cổ kính nhất Bắc Phi, với nhà đạo lớn (Grande Mosquée)và rất nhiều nhà đạo nhỏ khác, toàn là những lâu đài A-rập với tất cả các vẻ lộng lẫy cổ kính của thời xưa.

            Quận Constantine là quận ít người Âu nhất, cứ 12 người bản xứ mới có một người Âu (tại Oran cứ 3 người bản xứ có 1 người Âu), nhưng lại là quận đông dân cư nhất. Tính tới năm 1926, quận này có 2.273.756 dân cư, trong số đó có 2.077.781 người bản xứ và 170.544 người Âu, hầu hết là người Ý. Tỉnh lỵ là Constantine, 193.781 dân cư, trong số đó có 41.500 người Âu. Đó chính là thành Cirta thời cổ. “Cirta” là một tiếng Carthage có nghĩa là thành trì. Mà thật, có ít thành trì có địa vị thiên hiểm kiên cố như thành Constantine. Thành này lập trên một trái núi cao 650 thước tây. Trái núi này ba bề có những khe sâu thăm thẳm tới linh 100 thước tây đứng dựng thành vại, và chỉ nối liền với các cao nguyên bằng một thỏi đất hẹp. Tại thành này còn sót lại điện Hadj-Ahmed do các tiểu vương cuối cùng dựng lên. Giáp tiếp với miền núi Tell và miền cao nguyên, Constantine một ngày một mở mang thêm. Khí hậu thành này tốt đã có tiếng.

            Ngoài Constantine ra, những thành phố biển như Bône 52.000 dân cư hiện nay còn nhiều bể nước làm từ thời thuộc La-mã. Ở nội địa thì có thị trấn Guelma ở gần biên thuỳ xứ Tunisie, sản một giống bò rất khoẻ; thị trấn Timgad với nhiều di tích thời thuộc La-mã như di tích khải hoàn môn Trajan, rạp hát lớn dung tói 4.000 khán giả, 12 bể tắm công cộng, có bể rộng bát ngát, dung được 20.000 người; thị trấn Lambère ở vào giữa thành phố Timgad và Batna (12.225 dân cư) và thành Tébessa cũng có nhiều di tích cổ như khải hoàn môn Caracalla và đền thờ Minerve.

            Ở phía nam núi Aurès, qua khe El-Kantara, người ta tới thành Biskra. Ở phía này, Biskra là thành phố thứ nhất của miền sa mạc. Ở giữa một khu rừng 150.000 gốc chà là, Biskra thật giống một hải cảng ở sa mạc, nơi mà các đoàn lạc đà sau ba bốn tháng đường trường mệt nhọc tới tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Thành này ngày nay thành một thành phố tị hàn. Từ tháng Novembre tới tháng Avril, các khách sạn, nhiều nhà rất lịch sự sang trọng, chật ních những người tứ xứ tới tránh rét. Vì mùa đông, khí hậu ở đây cũng dễ chịu như tại bờ biển vậy. Ban ngày hàn thử biểu trỏ 10 độ. Buổi chiều mát mẻ dễ chịu. Ban đêm thì trăng sao vằng vặc, tạnh ráo như ở sa mạc Sahara (xem bài riêng của Tùng Phong).[2] Có lẽ chỉ có ở Sahara và ở đây là có những trời sao sán lạn trong sáng.

            Các hạt miền nam tức là bắc bộ sa mạc Sahara (nam bộ Sahara thuộc Tây Phi thuộc Pháp) rộng tới 2 triệu cây số vuông nhưng dân cư chỉ vẻn vẹn có 545.000 người, trong đó non 5.000 người Âu. Vì đó là sa mạc. Dân cư chỉ tụ tập được ở các nơi mậu lâm (oasis). từ năm 1902, chánh phủ Pháp đặt ra đội quân canh gác sa mạc và đào các giếng khơi, số mậu lâm ngày một mở mang ra và đất trồng trọt đồng thời cũng tăng lên vì có đủ nước.

            Các hạt miền nam đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của quan toàn quyền, gồm có 4 thị trấn Ain-Sefra, Onargla, Laghouat, Tonggourt, mỗi nơi có một vị quan võ đứng đầu, và các viên chức coi việc bản xứ quản trị các “khu vực”.

                                                                       TIÊU LIÊU

                                   Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 137 (22/11/1942)  

 

 

 


 

[1] oasis (trong bài dịch là mậu lâm): ốc đảo.

[2] Đây là ghi chú về một bài khác, cũng đăng số TBCN này, một số chuyên về Algérie thuộc Pháp đương thời.