ĐI XEM KỸ NGHỆ VÀ TIỂU CÔNG NGHỆ BẮC KỲ

 

Đi xem kỹ nghệ và tiểu công nghệ Bắc Kỳ, chúng tôi đã có những cảm tưởng gì?

 

            Phải nói ngay rằng cảm tưởng của chúng tôi là những cảm tưởng hoàn toàn tốt đẹp. Thật chưa lúc nào chúng tôi thấy kỹ nghệ và tiểu công nghệ của xứ Bắc Kỳ phát triển mạnh như chúng tôi đã thấy ở trong cuộc hội chợ trưng bày năm nay. Thứ hàng gì cũng tỏ ra rất tinh xảo, những gấm, những lụa và những vóc bày tại những gian Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang có những màu sắc chọn rất khéo và dệt một cách rất mỹ thuật, tưởng hàng ngoại quốc cũng không hơn là mấy.

            Tiến nhất có lẽ nghề thêu và nghề dệt trên vải, có mấy bức hình dệt bằng chỉ ngũ sắc và thêu bằng tay trông tinh thần đáo để, chẳng khác gì những bức vẽ bằng sơn. Chúng tôi nghĩ đến những người thợ dệt Việt Nam cần cù ngồi làm không mấy ai được biết, những cô gái Bắc thuỳ mị nết na suốt ngày ngồi ở cạnh khung dệt làm việc một cách khiêm nhường để kiếm ít tiền nuôi cha mẹ già yếu, giúp chồng và đỡ con. Những người thợ ấy, những đàn bà ấy có lẽ đã bỏ nhiều cuộc vui chơi, đã bỏ không đi xem nhiều đám hội để làm ăn, họ không biết rằng chính họ đã giúp nước, chính họ đã có công không nhỏ trong việc nâng cao trình độ thương mại, kỹ nghệ và tiểu công nghệ xứ Việt Nam ta vậy. Đáng khen nhất là những phương tiện để cho họ làm những việc ích quốc lợi dân ấy lại không phải là do những ông bác sĩ, kỹ sư đã dày công ăn học ở ngoại quốc chế ra hay đem ở xứ ngoài về cho họ. Những đồ dùng của họ phần nhiều là cổ xưa. Họ phần nhiều không được đi học, họ không biết những lối ăn chơi ở các nơi đô hội […..] họ biết cảm thấu cái đẹp của đồi núi, của đồng ruộng nước Việt Nam. Họ biết cái đất này là đất của ông cha để lại cho họ, họ phải làm việc để giữ lấy, để làm cho cái hương hoả ấy mỗi ngày mỗi đẹp, mỗi ngày mỗi hơn. Vậy họ làm việc. Họ là những người bé mọn, công việc của họ làm họ cho là bé mọn nhưng chính thực ra thì có những kết quả rất to − […..]

Nhưng tiểu công nghệ này ta có thể chia ra làm hai thứ: một thứ để luôn luôn áp dụng vào sự nhu cầu của nhân dân, một thứ do đại kỹ nghệ đẻ ra hay là do những trường hợp đặc biệt khởi nguồn từ cuộc chiến tranh giữa Tàu và Nhật và cuộc chiến tranh tàn phá Âu châu vậy. Những tiểu công nghệ thứ nhất mang ra so sánh thì không lấy gì làm quan trọng lắm và phát triển một cách từ từ nhưng được một tốt là đều. Trong hạng này ta nên kể nghề làm lưới, làm vải, làm võng, làm đay, nghề sơn, nghề thêu, nghề sừng, nghề làm khuy trai và khuy đồng, nghề làm mành, làm lược, nghề đan phên. Điều đáng mừng nhất là nghề đúc đồng và nghề làm chai cốc, các thứ đồ thuỷ tinh, trong hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ đều tiến đều nhau lắm lắm. Bây giờ ta đã có thể tự phụ là những cốc chén của ta làm đều đã tạm dùng được cả rồi, nhất là những bát, đôn, chậu của huyện Thanh Trì thì lắm thứ nước ngoài cũng không hơn là mấy. Mà lợi một cái là rẻ lắm. Trong hạng thứ hai, ta phải kể nghề dệt sợi, nghề dệt lụa và ray-on, nghề đăng-ten, nghề dệt chiếu, nghề thuộc da, nghề nhuộm, nghề làm đồ máy và nghề làm mạng tóc. Những người làm nghề này ít lâu nay đã chịu biến báo và nghĩ ra nhiều cái máy rất khéo, giá những ông kỹ sư có học giúp đỡ mà chế hoá đi thì những máy ấy có thể bảo là rẻ nhất và tiện nhất. Tiếc rằng nhiều như nghề dệt sợi, nghề dệt lụa mấy năm gần đây được tiến một cách rất nhanh thì xảy ra có chiến tranh thế giới: một mặt thì nguyên liệu ở nước khác không đem vào được, một mặt thì thị trường ở Âu châu và Viễn Đông đóng cửa, nên một ít nghề bị đình trệ và không thể nào tiến được hơn: đó thực là một sự đáng tiếc. Nhưng đó cũng là một sự may bởi vì có thiếu nguyên liệu như thế nhiều người mới chịu moi óc ra những thứ mới để bù vào chỗ thiếu kia. Bởi vậy, không lúc nào bằng lúc này, tiểu công nghệ nước ta bước vào một thời kỳ rất lạ. Tơ nhân tạo được người ta để ý một cách đặc biệt. Lại ít lâu nay vì đồ hàng ở ngoại quốc không vào Đông Dương được nên nhiều nghề mới ở khắp Bắc Kỳ nảy nở ra. Chúng ta nên lấy làm mừng mà thấy ở phần nhiều gian hàng trong hội chợ thuộc về khu vực Bắc Kỳ đều có những sản phẩm mới ấy: này là những cái ống thuỷ tinh, này là sà-phòng, này là ngòi bút, giấy thấm, đồ dùng bàn giấy, đèn thắp, đèn treo, “phanh” xe đạp, yên xe đạp, nan hoa bánh xe, những đồ dùng làm vườn, thùng rượu vang, bao gạo, bàn chải, nhất nhất những thứ ấy đều do người Việt Nam chế ra toàn bằng những nguyên liệu ở trong nước Việt Nam.

Riêng về bàn chải mũ, bàn chải răng và bàn chải giầy thì, chúng tôi nhận thấy và có thể cam đoan rằng hàng nội hoá tốt gấp mười lần ngoại hoá. Chúng tôi nói tốt chứ không noid đẹp. Phải, nội hoá cố nhiên là không thể đẹp bằng ngoại hoá, cái đó ai cũng biết; nhưng đã dùng bàn chải nội hoá thì có thể chắc chắn mười cái bàn chải ngoại quốc có khi không dùng được lâu bằng một cái bàn chải ta. Tốt nhất một cái là bàn chải ta lại rẻ, có khi một cái bàn chải ngoại quốc đắt gấp năm sáu lần tiền một cái bàn chải ta.

Những thùng rượu vang của mình làm cũng tài lắm. từ trước, những thùng ấy ta vẫn phải mua của ngoại quốc. Cái máy làm thùng giản dị lắm, không nhiêu khê một tí nào. Cứ xem cách làm như thế thì kỹ nghệ làm thùng còn tiến lắm, mỗi ngày một xưởng vừa có thể sản xuất hàng chục cái. Đáng mừng nhất là gỗ thùng này không phải mua từ ở ngoài nhưng chính là một thứ gỗ chúng ta có rất nhiều ở Trung Kỳ, vì thế thùng cuả ta bán rẻ bằng nửa số tiền ngoại quốc.

Kỹ nghệ khác ở nước ta năm nay cũng nhiều thứ khả quan lắm. Những tấm thảm, nhữngẵnhng chiếu cói và nhất là các thứ vải đẹp và bền có phần trội hơn ngoại quốc nhiều. Xét xem phần nhiều đều tạo nên bởi những cái máy do người mình nghĩ ra cả, thật là đáng phục và đáng nên khích lệ. Nghề khảm, ai cũng phải khen, nghề thêu thì sự cần cù chịu khó và cái tài khéo chân khéo tay của những cô gái nhà mình không biết có thể liệt vào bậc nhất không?

Chúng tôi nhắc lại là dưới mắt chúng tôi, cái ngành thương mại, kỹ nghệ ở trong hội chợ Hà Nội đều chứa đựng một vẻ lạc quan không ngờ. Dân ta là một dân khổ, nhưng cần lao, và đáng phục nhất là ít học mà có tài sáng nghĩ. Nếu những thanh niên được ở trong cảnh sung sướng, được ăn học ở nước ngoài về mà ai để chút thì giờ nghĩ đến sự tiến bộ của quốc gia mà gia công giúp dùm để cho các ngành mỗi hơn lên thì chắc thương mại, kỹ nghệ và tiểu công nghệ nước ta còn tiến nhiều nữa, mà chẳng mấy chốc nước ta cũng theo kịp bước người, không đến nỗi đớn hèn như người ta vẫn tưởng.

Một nước mà bất cứ chỗ nào cũng làm việc, cũng nghĩ, cũng cố gắng, còn triệu chứng gì làm vui lòng người ta hơn? Chúng tôi thấy ngay từ giờ nước ta đã chiêm một địa vị rất khả quan về mặt Viễn Đông rồi vậy.

                                                           VŨ BẰNG

                   Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 90 (7/12/1941)