DƯỚI BÓNG MẶT TRỜI KHÔNG CÓ GÌ LẠ!

Cả đến việc phát minh cũng vậy!

 

Danh sĩ La Bruyère [1] nước Pháp bàn về văn chương thập thất thế kỷ có phàn nàn rằng bao nhiêu cái hay cái đẹp đều bị người ta viết mất rồi. Lời than ấy có ngụ một ý thành thật nhưng không có ý rằng từ đó sắp sau người ta không thể viết được cái gì hơn thế nữa. Trái lại. Cái mới bao giờ cũng ở trong cái cũ mà ra. Thế kỷ XVII,  XVIII, XIX, XX đã đem cho ta bao nhiêu áng văn hay đẹp hơn hồi thế kỷ XVI, XV và trước đó. Là bởi vì những cái hay cái đẹp tuy đã bị người ta viết mất cả rồi thực đấy, nhưng với sự cần lao gắng sức, sự làm việc, người ta lúc nào cũng vẫn có thể tìm những cái đẹp đẹp hơn, những cái hay hay hơn, nói tóm lại có thể tìm được rất nhiều điều mới hơn và lạ hơn.

Cho mới biết dưới bóng mặt trời thực không có gì là lạ. “Cái mới cái lạ đều ở những cái cũ mà ra” − câu nói đó mới nghe như có ý tương phản; nhưng thật không có gì xác thực bằng, cũng như cái chết, ai cũng tưởng là hết nhưng có biết đâu là nguồn sự sống. “Nếu bông lúa không chết đi…” câu nói ấy bao giờ có thể mờ được trong Sấm truyền! Cho nên bảo rằng đời này là một sự luân chuyển của cái cũ cái mới theo nhau, thực đúng. Nhiều cái mà ta tưởng bây giờ là mới chính chỉ là những cái cũ của ngày xưa mà ra vậy. Để chứng tỏ cho những lời nói ấy, chúng tôi xin đan cử ra đây một thí dụ lớn nhất là cái thí dụ của nước Pháp, một nước có nhiều người tài nhất thế giới, mà ví dụ có bảo là đáng liệt đứng hàng đầu thế giới về những chuyện phát minh cũng chẳng phải là ngoa ngôn.

Đọc lịch sử Pháp, điều mà chúng ta chú ý nhất là người ta nói về Trung cổ thời đại không lấy gì làm kỹ. Nhiều kẻ lại còn công nhiên bảo rằng Trung cổ thời đại là một thời đại tối tăm của lịch sử Pháp, cho nên người ta mới đặt cho cái thời đại kế tiếp đó một cái tên có nhiều ý nghĩa là “Phục hưng thời đại”. Làm như tuồng trong thời đại Trung cổ tất cả cái gì là cái hay cái đẹp, cái tinh tuý của đất Pháp đều chết cả!

Sự thực, không phải thế. Những người đã hạ lời xét đoán trên kia đã tỏ ra mình quá vội vàng. Về lịch sử, người ta không có cách giải quyết liên tiếp được. Ngày nào cũng có ngày hôm trước. Những cuộc cách mệnh chỉ là những kết quả hơn là những quy tân quy thức. Lấy Trung cổ thời đại đối với Phục hưng thời đại ra mà so sánh với một thời đại khác thì ta phải so sánh với thế kỷ XVIII đối với thời cách mệnh 1789. Thế kỷ XVIII sửa soạn và sắp đặt cuộc cách mệnh mà không định. Nếu thế kỷ XV và XVI của Pháp đã cống hiến cho thế giới những sự phát minh vĩ đại về hàng hải và những cái mới lạ về nhân sinh trong văn học, ta đừng tưởng đó là do hai thế kỷ ấy sản ra nhưng chính đó là kết quả của những thế kỷ về trước vậy.

Không, Trung cổ thời đại của nước Pháp không phải là thời đại tối tăm. Chính vào thời đại ấy, bao nhiêu cách giao thông tiến bộ đều thay đổi theo phương pháp tối tân; việc thông thương bằng thuỷ cũng mở rộng, người ta biết dùng kim chỉ nam và người ta đã thay cái tay lái bơi chèo bằng lối tay lái thẳng (gouvernail vertical). Về cách giao thông trên sông, người ta biết cống nước hai cửa và nhiều thì tiện lợi vô chừng khác. Về kỹ nghệ người ta biết đem sức gió của cối xay để áp dụng và việc cưa, việc xay bột, xay hạt, việc ép sợi, ép vải, việc nghiền, việc làm giấy v.v… Do đó, những điều kiện sinh tồn cũng được tốt đẹp thêm, người ta sống một cách êm đềm vì có kính, có lò sưởi, có đèn nến, có sáp, có kính đeo mắt và cả kính hiển vi. Chính vào thời đại này người ta lại phát minh ra thuốc súng, máy in, chữ in, khắc gỗ, đồng hồ treo, đồng hồ lò xo, − tất cả những sự phát minh đó, những thời đại trước không thể nào ngờ lại có được. Đó là không kể về mặt tinh thần, văn hoá người ta lại tiến đến vô cùng: sáng lập những trường đại học Sorbonne, Oxford, Bologne…

Ngoài ra, văn chương cận đại bắt chước văn chương hồi Trung cổ thời đại rất nhiều. Những tính tình mà người thường thấy tả trong những sách, truyện hồi Trung cổ như óc nghĩa hiệp, lòng danh dự, cách xã giao với đàn bà v.v… hiện nay lại được người ta nói đến nhiều. Cứ theo chỗ chúng tôi biết thì cái không khí bình dân trong văn chương bây giờ không khác cái không khí của Trung cổ thời đại, cái không khí đã thổi vào những ông Shakespeare, Rabelais, Dante.

Âm nhạc bao giờ cũng đi đôi với thi ca. Cái đại phong cầm của người Hi Lạp chính đã thấy ánh sáng vào hồi thế kỷ thứ IX và được liệt vào làm đồ âm nhạc dùng trong nhà thờ hồi Trung cổ. Vì thế kỷ thứ XI, Trung cổ thời đại được trông thấy một sự phát minh vĩ đại: đó là tấu nhạc, chính do sự đó mà âm nhạc của Âu châu sau này được là một nghệ thuật tối cao tối đại.

Phạm vì bài này không để cho ta nói hết về cái “nợ tinh thần” của đương kim thời đại chịu của Trung cổ thời đại. Ở đây chúng tôi chỉ muốn tỏ ra để các bạn đọc thấy rằng trong những trận chiến tranh bây giờ, những sự phát minh mà người ta gọi là mới sự thực không có gì là mới cả.

Đọc những bài của các bạn tôi ở dưới đây các bạn sẽ thấy bao nhiêu chiến cụ và khí giới giết hàng trăm hàng triệu người, các người xưa đã nghĩ ra; có điều khoa học hiện nay đã làm cho những khí giới, chiến cụ ấy hoàn toàn hơn và có lẽ còn tiến không biết bao nhiêu nữa. Tưởng tượng những thứ đó tiến ra sao là việc ta không thể nào biết trước.

                                                           VŨ BẰNG

                       Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 116 (21/6/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] La Bruyère, Jean de (1645-96) nhà văn Pháp