GỐC TÍCH XE HOA VÀ HOA GIẤY

TRONG CÁC CHỢ PHIÊN

 

            Chẳng phải tìm kiếm đâu lâu la gì, ở ngay nứoc ta đây vào khoảng mấy năm về trước còn năm nào là dân ta không từng chen nhau để đi xem những cuộc thi xe hoa ở trong cuộc chợ phiên? Các bạn đọc còn nhớ đấy: những cuộc thi xe hoa đó đã hấp dẫn không biết bao nhiêu là người đến xem, − xem cho thoả tính hiếu kỳ, mà cũng vì cái “món” xe hoa lại là một “mốt chơi” mới nhập cảng, ít người biết đến.

            Vậy trong những cuộc thi xe hoa đó, người ta đã thấy những gì? Cứ kể thì cũng có cái làm vui mắt cho những người đi xem: này là cái xe bò tết lá chuối và lá gồi mà thành ra hình một con rồng; này là một cái ô-tô có mui treo đèn kết hoa và mắc mấy quả dừa mà thành ra hình con phượng; lại này một cái xe sắt tết bằng lá ổi và cành nhãn mắc thêm mấy miếng gỗ mà trông như hệt một cái thuyền độc mộc. Ngộ hơn hết là những người ngồi trên những cái xe hoa đó lại khéo bôi mặt vẽ trò và giả trang để gây hứng thú cho những người đi xem. Vì thế, thường thường ta vẫn thấy những thanh niên trường này trá hình ra làm Thập tự quân, thanh niên trường nọ ăn mặc thành người Mông Cổ, hay bọn thiếu nữ kia đeo mặt nạ như những nữ tì của mụ Lữ Cách Bạo Gia! [1] Những người đi xem được “thay đổi không khí”, tha hồ mà vui vẻ, tha hồ mà cười nô. Các ông già bà cả thì cho đó là “quẩng mỡ”. Còn các người trá hình kia thì được một dịp thoát ly bản ngã của mình, chỉ biết đó là một trò giải trí, hơn nữa, một trò chơi lý thú, trẻ trung, cần có để cho dòng huyết thanh niên được lưu động, được thêm phần hăng hái. Sự thực, rất ít người biết được rằng những cuộc thi xe hoa đó, những hội giả trang (carnaval) đó có một gốc tích khả kính hơn, một lịch sử thuộc về tôn giáo.

            Thi xe hoa và giả trang nguyên là một trò chơi của người La-mã thời cổ bày đặt ra. Khởi sơ, có hai thứ hội giả trang khác nhau: một thứ hội của thành La-mã theo tà giáo và một thứ của thành La-mã của các giáo hoàng. Hội giả trang của thành La-mã theo Công giáo có một ý nghĩa rất rõ ràng trong chữ Pháp “carnaval”. Như chúng ta đã biết, trong chữ carnaval carnis nghĩa là thịt, và vale là biệt giã; carnaval nghĩa là thời kỳ mà người ta kiêng thịt. Có người lại bảo carnaval bắt nguồn từ chữ la-tinh. Carnelevarium nghĩa là cái thời kỳ trong một năm mà người ta phải levare (bỏ) thịt (carnis). Hai cách phân tích chữ carnaval vừa kể trên tuy có khác nhau nhưng kể về nghĩa chơn thì ngày hội carnaval, ngày hội giả trang, ban sơ ở thành La-mã theo Công giáo thì bất loại là một ngày kiêng thịt.

Còn như kể về cái gốc tích xa xôi của nó, cái gốc tích thuộc về tá giáo của nó, thì ngày hội giả trang bắt nguồn từ những ngày hội mục đồng mở vào hôm 17 Fevrier mỗi năm để lễ thần điền dã. Ngày xưa, trong những ngày hội này, người La-mã cổ thường vẫn giết hai con dê trắng để làm vật hy sinh cho Chó Sói đực là con vật vẫn ăn thịt trâu bò của bọn mục đồng và cả Chó Sói cái là con vật, theo thần thoại, đã nuôi sống hai anh em Rémus và Romulus. Hình như ngày xưa những vật hy sinh đó không cứ phải là dê, nhiều khi là người; họ giết đàn bà đàn ông để tế thần, nhưng hầu hết thì giết những người trai trẻ. Những ngày hội giả trang vốn có một tính cách nghiêm trang như thế; về sau này, nó biến tính dần đi, thành những hội trai gái ăn chơi đàng điếm hợp với sở thích của La-mã theo tà giáo.

Về sau này, La-mã theo Công giáo đem ngày hội đó làm sống lại nhưng khéo gây cho nó một tinh thần khác, một ý nghĩa khác.

Vào Trung cổ thời đại, phàm tỉnh nào to ở Âu châu người ta cũng truất bỏ ngày hội xe hoa và giả trang của thành La-mã theo tà giáo mà cùng vui chơi với nhau ngày hội xe hoa và giả trang của các đức Giáo hoàng. Những đức Giáo hoàng Clément IX, Clément XI và Benoit XIII hết sức khuyên ngăn người ta thời đó không nên uống nhiều rượu; nhưng cho phép người ta được vui đùa thoả thích trong vòng lễ nghĩa. Những nhà du lịch đến xem nhiều, việc giao thông nhộn nhịp mà cả về sự buôn bán cũng vì thế mà vui hơn, và kiếm được thêm nhiều lợi. Bởi lẽ đó, những hội buôn của người Do Thái đứng nhận thầu được bán hàng trong hội phải trả nhà nước một thứ thuế riêng là 1.100 đồng vàng, sau tăng lên 1.300 đồng, sau tăng lên 1.330 đồng. Riêng đức Giáo hoàng Jules III thì ngài hết sức mong muốn cho những ngày hội giả trang và thi xe hoa ngày một vui vẻ, tấp nập hơn. Paul IV, vốn là một người rất nghiêm, cũng muốn giúp vui thêm cho ngày đó và đặt ra một bữa tiệc rất long trọng ở cung điện Giáo hoàng.

Vào hồi cuối thế kỷ XVI, ngày hội giả trang của người La-mã biến hình đi, người ta ăn tiêu tốn kém lắm nên chỉ nhưng người giàu có sung sướng mới đến dự được. Những người đó ở khắp mọi nơi ở Âu châu đổ đến xem, và, như người ta đã đoán biết, những bọn giang hồ, ăn cắp, làm bạc giả, cờ bạc bịp cũng không bỏ qua cơ hội tốt! Đức giáo hoàng Sixte III thấy cái nạn cờ gian bạc lận hoành hành dữ quá, phải cho dựng ngay ở trong thành phố những cái giảo đầu đài, phàm tên ăn cắp  ăn trộm cờ gian bạc bịp nào bị bắt quả tang thì bị treo cổ ngay tức khắc. Đồng thời những tỉnh to ở Ý như Venise, Turin, Florence, Milan, Naples, v.v…đều bắt chước Rome mà mở hội giả trang. Văn sĩ, thi sĩ tha hồ mà ca tụng những ngày hội đó: nền văn học Ý-đại-lợi vì đó cũng được giàu thêm tài liệu.

Ở Tây-ban-nha, những ngày hội thi xe hoa và giả trang kéo dài hơn ở Ý; người ta vui đùa như cuồng dại. Ở Pháp, ở miền bắc và nhất là ở Côte d’Azur hình như người ta vẫn coi ngày đó làm trọng, trong khi ở Paris người ta đã coi thường ngày Mardi-Gras.[2] Ở Nga, từ lúc cộng sản nổi cuộc cách mệnh thì những ngày hội giả trang và thi xe hoa xưa cũ không còn được người ta nhắc đến. Muốn tìm một nước mà lúc nào cũng như lúc nào, ngày hội thi xe hoa và giả trang cũng được người ta coi trọng thì ta phải kể nước Belgique. Những ngày hội ở tỉnh Binche được thế giới nhắn đến luôn. Một ký giả người Pháp là ông Léo Clarettie đã soạn riêng một cuốn sách nói về những ngày hội đó, và ông thấy rằng hình như ngày hội đó lại còn một ý nghĩa cao hơn là kỷ niệm ngày Pizarro đã xâm lược được Pérou năm 1540. Để kết mục này, ta cũng nên biết rằng tên hề Pierrot đánh đàn dưới ánh trăng xuất xứ từ ở hội giả trang của tỉnh Binche nước Belgique vậy.

Đó là về thi xe hoa và giả trang. Trong những cuộc chợ phiên chúng ta lại còn thấy người ta tung những hoa giấy (confettis) vào nhau, vậy nhân đây chúng tôi tưởng cũng nên biết gốc tích của thứ hoa nhân tạo đó.

Thế kỷ thứ X trước Thiên Chúa giáng sinh, ở thành Jérusalem, vua Dvid rất buồn. Không phải là ngài buồn vì không có hoàng nam nối dõi, nhưng chính ngài buồn vì đã có một hoàng nam. Vị đó tên là Absalon mi thanh mục tú, tướng mạo khôi ngô, tóc xanh mà dài, các cô gái đẹp trong nước không thể nào ăn đứt. Nhiều người đã bảo rằng Absalon có kém thì chỉ kém sắc thần Narcisse mà thôi. Lấy chỗ đó làm tự phụ, chàng chỉ dong chơi hết chỗ nọ đến chỗ kia, và, muốn trêu cợt những cô gái qua đường thường có tiếng là đẹp, chàng mua từng chợ hoa để ném cho các cô ngửng mặt lên xem có đẹp bằng mình không. Thấy thế vua David bèn quở rầy, nhưng những lời khuyên ngăn của đức vua không những không thức tỉnh được đứa con hư, lại làm cho nó giận thêm, chỉ nghĩ đến chuyện làm mưu phản. Absalom đánh đuổi vua cha ra khỏi thành Jérusalem. Nhà vua chạy dài và ngày đêm đi tìm người cháu là Joab, cho quản đốc đội binh tiễu trừ Absalom, nhưng, cốt nhục tình thâm, vua David hết lời căn dặn quân sĩ đừng hại đến tính mệnh của thằng con bất hiếu. Đứa con bất hiếu đó vốn quen ăn mặc và vui chơi đài điếm, nào có bao giờ quen với hòn đạn mũi tên, nên thua trận chạy dài. Joab phi ngựa đuổi theo đến kỳ cùng, và Absalom bỗng chốc chạy đến một con đường cụt, ở cuối đường có một cái cây. Tóc Absalom vốn xanh và dài, bay phấp phới, vướng phải cành và không hiểu có phải là hoàng thiên định trừng phạt đứa con bất hiếu kia không mà xui cho chính lúc ấy có một ngọn gió nổi lên và treo tòn ten tên bất hiếu lên trên cành cổ thụ. Joab chạy đến kêu lên: “Hỡi thằng bất hiếu, để sống mà làm gì!” rồi lắp tên bắn một lúc luôn ba phát.

Về sau này, muốn khen tặng sắc đẹp của một thiếu nữ nào, người ta thường ném hoa thật vào thiếu nữ đó, theo kiểu hoàng tử Absalom. Rồi dần dần vì hoa thật mua tốn tiền, người ta mua giấy ngũ sắc cắt thành những bông hoa con để tung lên trời hay rắc vào người đẹp. Sau này muốn giản tiện hơn, những hoa giấy (confettis) đều cắt theo hình tròn.

                                                           TIÊU LIÊU

                       Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 136 (15/11/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Lữ Cách Bạo Gia: dạng phiên âm Hán hoá tên riêng Lucrèce Borgia (1480-1519) một phụ nữ nổi tiếng trong giới quý tộc tăng lữ La-mã thời trung đại. Nhân vật này được mô tả bởi một số nhà văn, trước hết là Victor Hugo, trong một vở kịch cùng tên; bởi điện ảnh Mỹ thế kỷ XX trong một phim truyện cùng tên.

[2] Mardi-Gras (chữ Pháp): ngày thứ ba ăn mặn (trước tuần chay).