HITLER ĐÃ NGÃ! [1]

 

Đó mới thực là một điều ít thấy.

Một người ở Âu chết mà bên này Á không vui. Tôi không biết tin thế giới đón cái chết của vị Quốc trưởng Đức thế nào; riêng mắt tôi thấy có nhiều người Việt Nam không để ý đến chuyện quốc tế, đọc cái thời sự trên, cũng không được bình tâm lắm.

Người ta tiếc một đấng anh hùng.

Không. Tôi không nghĩ ngợi về chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ ở đây. Mà cũng chẳng nói chuyện về chủng tộc. Tôi muốn nói về người. Người đội trời đạp đất. Người với tất cả sự lớn lao của sức sống. Người với một nghệ thuật chết cao siêu.

Đến bây giờ ai lại còn không biết rằng người ta sinh ra ở đời không phải để sinh ra rồi bệnh rồi già rồi chết. Sống là một cái gì khác thế. Làm trai đứng ở trong giời đất, ta phải “làm được một việc gì” với núi sông. Tiền bạc, hạnh phúc, ấm no đều là những đám phù vân đến rồi đi. Chỉ có cái gì dài, chậm và trường cửu mới chính là đời, là sống. D.H. Lawren có chỗ đã nói rằng: “Chỉ có cái gì kéo dài ra trong cuộc sống mới là đáng kể. Tôi coi trọng chính cái sự sống của tôi, sự bất tận của nó và sức bành trướng vô cùng của nó”.

Biết nghệ thuật sống không phải là một việc làm vừa sức của mọi người. Lý Thái Bạch, thi sĩ, có một nghệ thuật sống phong phú vô cùng, nhưng Hitler cũng là một thi sĩ vô cùng phong phú. Ông là thi sĩ của mạo hiểm, và một nhà thi sĩ dũng mãnh làm sao! Sống như Lý Thái Bạch là thuận theo lẽ trời, sống như Hitler là thi gan với trời. Trời có xếp đặt những bước gay go cho mấy, cũng cứ tiến lên không cản. Đẹp đẽ nhường nào, anh hùng xiết bao. Sự bền gan cố chí của ông là một bài học mà thanh niên học hết cả một đời không xuể. Học cả cái sống và cả cái chết của ông.

Ai lại còn không biết từ lúc hãy còn làm tên thợ ngoã, ông đã biết hy sinh cho chủ nghĩa? Rồi đến những cuộc diễn thuyết cho đảng Quốc xã, rồi đến những ngày đảo chính, rồi đến những công cuộc cải tạo nước Đức thành một nước mới và mạnh. Bao nhiêu công việc, Hitler sở dĩ làm được, là nhờ cái tài làm thủ lĩnh, đã đành; nhưng chính do ông đã biết tin tưởng vào sức mình, vào tương lai quốc gia, vào “giòng giống của những đấng thiên thần” vậy.

Tôi không có đủ sự bao súc và óc kinh nghiệm để bảo rằng chủ nghĩa quốc xã của Hitler là lầm lạc, nhưng không ai giấu được rằng từ khi ông làm Quốc trưởng Đức, quả thực là thế giới đã bị nhiều lúc thất điên bát đảo. Đừng nói rằng thời thế tạo anh hùng. Hitler chính đã tạo ra thời thế. Nói một câu được một nước. Sar, Autriche, Tchécoslovaquie. Đánh chỗ nào cầm chắc cái thắng ở trong tay: Pologne, Danmark, Norvège, France, Yougoslavie, Roumanie, Hongrie, Bulgarie. Nhưng mà thua được ở đời này có nghĩa gì đâu. Chiến tranh chỉ là một món thể thao vĩ đại. Cái sướng của Hitler có lẽ chính ở chỗ đã thấy mình sống cho nghĩa vụ, cho chính kiến, cho lý tưởng, chứ không phải để thoả lòng tham bỗ bã của mình. Ngày mà lòng ông thoả mãn nhất, có lẽ chính là ngày ông đã cứu được người cùng chủ nghĩa là Mussolini ra khỏi tay quân Anh Mỹ. Cứ chỉ đó, ngay hồi ấy tôi đã viết rằng ít khi có thấy ở phương Tây.

Có ai biết sự phản động của Anh Mỹ trước cái cử động đó thế nào không? Riêng tôi thấy rằng ở nước ta hồi đó những người không ưa Hitler mấy cũng không nói vào đâu được. Cho mới biết những cử chỉ anh hùng thì bao giờ cũng ở trên hẳn những tư tưởng ươn hèn; người ta có thể ghét một chủ nghĩa một cá nhân một đảng phái, nhưng đến những ý nghĩ nhân nghĩa quân tử, những hành vi khảng khái anh hùng thì ai cũng sợ ai cũng phục.

Cái chết của Hitler bây giờ cũng vậy.

Trung thành với lý tưởng muốn cứu các dân tộc Âu châu khỏi vòng cộng sản, − đây là nói theo lời vị quốc trưởng mới của Đức là Kurt Domitz, − Hitler đã không ngần ngại mạo hiểm, hi sinh cả tính mệnh đi và đã ngã một cách vô cùng oanh liệt. “Vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử Đức” từ giã cõi đời ở đại bản doanh đóng ở Berlin, chết với đất nước của mình, chết với quân lính và bè bạn của mình. Chết như thế thật là đẹp quá. Bác sĩ Goebbels phải đi theo ông sang cả thế giới bên kia; sau cái tin Hitler mất, hãng thông tấn ở Moscou chính thức báo tin bác sĩ Goebbels, bạn thiết của Hitler, tổng trưởng bộ tuyên truyền Đức cũng tự tử, bỏ rồi đời. Phương Đông ta những chuyện liều mình với nước như thế xưa nay không hiếm. Ta không thể kể hết những thí dụ như thế ở thời Chiến Quốc Xuân Thu nước Tàu. Ở Ấn Độ giống thực dân Hoà Lan đánh lấy Baty, hơn ba vạn dân thấy cái thế vong quốc đã rõ ràng, mặc áo trắng xếp hàng theo vị rajah ra trận. Vị rajah cười mà chết cho nước, dân chúng đi theo lấy những cái kiss sắc bén đâm vào cổ, mổ bụng ra tự tử. Nước ta có ai không nhớ chuyện các ông Võ Tính, Ngô Tùng Chu, Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành! Thật là những tấm gương sáng cho ngàn đời soi chung vậy.

Quốc trưởng Hitler không tự tử nhưng mà chiến đấu tới cùng ở bên cạnh quân lính, chiến đấu tới cùng để bênh vực lý tưởng của mình. Một nước có một người con như thế, không bao giờ chết được. Nước Đức đang thua, nước Đức có thể tan nát hết, nhưng Hitler vẫn còn trên sử sách; vạn tuế Hitler, tên quân anh hùng của Đức. Mussolini ở bên kia cõi đời, sẽ phải ghen số phận với ông. Có người bảo rằng Mussolini bị bắt trong khi chạy trốn với nhân tình, lại có tin bảo ông bị bắt trên giường bệnh. Thanh niên Milan đem phanh thây ông và bêu xác ông trong một ngày. Ý chừng cũng như người xưa bêu xác Ngũ Viên ở trên cửa Bàn Môn. Nhưng có một điều khác là người xưa dã man hơn nhiều nên chỉ bêu cái đầu Ngũ Viên thôi, còn thi thể thì đem bỏ vào cái chiếu làm bằng da ngựa, sai người quẳng xuống sông Tiền Đường. Ngày nay người ta văn minh hơn nhiều nên bêu cả cái xác chết của Mussolini lên mặt thành Milan.

Danh vọng về chiều. Chỉ có sự nghiệp là cần. Cái chết đâu đáng kể. Nhưng Mussolini vẫn có thể cứ ghen cái chết của Hitler, chết ở hàng ngũ, chết trên mặt trận. Có bao nhiêu người ở đời này muốn chết như thế mà không được? Chứng cớ: trong ba năm nước Pháp bị mất nước tới hai lần, mà ta có nghe thấy một ông tổng thống hay một vị tổng trưởng, thứ trưởng nào chết ở trận như Hitler hoặc tuẫn tiết như Ngô Tùng Chu, Hoàng Diệu và Goebbels?

 

Có chăng ta chỉ nghe thấy tên cao ly bán sâm Reynaud vác va-li vàng quàng chân lên cổ chạy trốn, tên bán thịt người Daladier bắt cóc nhân tình phới cho nhanh và ông tổng thống khóc thuê là Lebrun vuốt cặp bộ râu quặp rông đi cho sớm.

Ngày xưa, cái phép nước Sở, kẻ sai đánh giặc thua thì phải chết, nhưng ngày nay thì cần gì! Chỉ người anh hùng mới được phép chết anh hùng. Tôi lại muốn nói chỉ có người anh hùng mới biết quý cái chết của người anh hùng mà thôi. Thời Chiến Quốc, Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ, quân sĩ xúm vào định giết Yêu Ly. Khánh Kỵ cố sức gạt đi mà bảo rằng: “Người này là dũng sĩ, chớ nên để cho trong một ngày mà làm chết hai kẻ dũng sĩ trong thiên hạ”. Yêu Ly trả lời: “Công tử tha ta, ta cũng không tham sống làm gì. Ta đã giết mất một người dũng sĩ”. Nói rồi chặt bỏ châm đi, tự đâm cổ mà chết theo Khánh Kỵ. Lại như Dự Nhượng, báo thù cho Tri Bá, đi tìm Triệu Vô Tuất để giết hai lần không được và bị quân của Triệu bắt. Triệu Vô Tuất bảo rằng: “Người này là nghĩa sĩ, ta không nên giết kẻ nghĩa sĩ”. Đến lần thứ ba, Triệu Vô Tuất lại bắt được Dự Nhượng, cởi thanh kiếm để cho Dự Nhượng tự tử. Dự Nhượng xin với Triệu Vô Tuất cho phép đánh vào cái áo bào của Tuất rồi có chết cũng hả; Tuất chiều theo ý muốn. Dự Nhượng nhảy lên ba lần đánh ba roi vào áo bào của Tuất rồi cầm gươm tự tử. Vô Tuất rất thương xót Nhượng, một kẻ đã toan ám sát mình ba bận, và truyền thu táng cho tử tế. Đến đời Tam Quốc hỏi có cái chết nào làm cho ta cảm động hơn cái chết của Chu Du? Quân lính đem ma Chu Du về Sa Kỳ, Quyền khóc vang lên: Khổng Minh và Chu Du là hai kẻ địch, mà Khổng Minh cũng tìm về Sa Kỳ viếng tang. Đến nửa đường, nghe tin Lỗ Túc đã rước ma Chu Du về Sài Tang, Khổng Minh lại đến ngay tại đó, sai thiết linh vị, thân rót rượu quý xuống mà khóc “thương người có tài, văn võ kiên toàn, trăm thảm nghìn sầu kể sao cho xiết” và lại phàn nàn rằng từ rày thiên hạ ai kẻ tri âm?

 

Từ xưa vẫn thế, giời đã sinh Du vẫn thường sinh ra Lượng. Nhưng ở thế kỷ này có còn ai là Khánh Kỵ nữa không? Có còn ai là Triệu Vô Tuất nữa không? Có còn ai là Gia Cát Lượng nữa không?

Ngoài cái tin của hãng Reuteurs báo tin rằng: “Cái chết của Hitler chỉ là cái mưu mẹo dùng để lẩn trốn khỏi sân khấu xã hội”, tôi chưa nghe thấy có một tin gì báo rằng Anh Mỹ Nga gửi điện tín chia buồn cùng nước Đức hay tạm nghỉ đánh nhau trong nửa giờ…

Chỉ có ở nước Đức, trong một giờ, tất cả dân chúng đã lặng im khóc vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử của họ. Khóc bằng một bài đàn Buổi hoàng hôn của những vị thiên thần.

Lấy tư cách là người chúng ta ở bên này châu Á cũng muốn cúi đầu trước anh hồn của Ngài với một lòng kính mến sâu xa!

… Như Hitler, lúc mới vào được nước Pháp, đứng cúi đầu trước mộ Nã Phá Luân đệ nhất…

                                                           VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 244 (13/5/1945)

 

  


 

[1] Lưu ý: Bài viết này thể hiện khá nhiều suy nghĩ mà ngày nay chúng ta không thể đồng tình, ví dụ quan niệm về người hùng, về anh hùng nói chung, nhất là về việc đánh giá con người Adolphe Hitler, trùm phát xít, một trong những tội phạm diệt chủng lớn trong lịch sử nhân loại. Tuy vậy, cũng nên hiểu rằng ngay khi đó, những thông tin về tội ác diệt chủng của chủ nghĩa phát xít hầu như chưa bộc lộ trên báo chí thế giới đương thời; và những người viết báo ở nước ta khi ấy thường vẫn bàn về các phía tham gia thế chiến II theo những quan niệm cũ về thời thế, về những con người anh hùng cái thế, “được làm vua thua làm giặc”. Chúng tôi để bài này trong sưu tập này như một tư liệu, giúp người đọc, nhất là giới nghiên cứu, hiểu thêm về những mặt thiếu chín chắn thậm chí nhận thức sai lệch ở một cây bút tầm cỡ như Vũ Bằng. (Ghi chú của người sưu tầm)