LẤY MÁU TRONG TIM RA ĐỂ VẼ TRANH

 

Hoạ sĩ Việt Nam đã trưng bày ngót 200 hoạ phẩm “cổ động nền độc lập” ở Nhà hát Lớn từ 2 đến 11/6/45 và được hoan nghênh đặc biệt.

 

Tôi không nói diễu. Nhưng quả thực là nhà văn ta mơ màng. Này, cuộc đảo chính vừa xong, hoạ sĩ thi sĩ nghệ sĩ họp hội nghị mấy lần để tính chuyện tham gia công cuộc này, ủng hộ phong trào khác, mà đến bây giờ văn sĩ và thi sĩ vẫn chưa làm gì cả. Súng bắn vào tai cũng chả cần. Nhưng hoạ sĩ thì đã bắt tay ngay vào việc. Có lẽ vì ít nói chăng? Điều đó tôi chưa có dịp hỏi một ông nào cả.

Vì hoạ sĩ nào cũng bận. Bận vẽ tranh cổ động cho nền độc lập Việt Nam. Và những tranh đó, từ chiều 2-6-45 đã trưng bày tại tầng gác thứ hai Nhà Hát Lớn cho công chúng vào xem không lấy tiền.

Tôi đã đi dạo nhiều lần ở trong phòng triển lãm đầy một vẻ “nghệ thuật vị nhân sinh” đó. Không. Ngót hai trăm bức vẽ đều thực cả. Mơ màng thì sống thế nào được vào cái lúc này.

À, bức nào mầu cũng ít mà trông toàn thể thì rực rỡ vô cùng. Ta xem loại nào trước nhỉ? Cứ thứ tự là hơn. Đi xem từ lúc hãy còn đeo cái ách của bọn thực dân Pháp đã. Bức tranh “Lịch sử cuộc khai hoá dân Việt Nam” có thể tóm tắt được hết cả công cuộc của người Pháp ở đây. Một ông tây gầy như con mắm, quần loè xoè kiểu Sác-lô  vác một cái va-li lép kẹp trèo lên đất Đông Dương. Đấy là ông ấy “đến”. Đến đoạn “ở” thì ra tuồng: mặt phị gẫy gục, có vẻ dâm ác, miệng hút xì-gà, hai chân vắt lên bàn, có con chó nằm mèo trước mặt. Thế rồi thì “đi”: béo tướng, va-li đầy tràn, có viết ba chữ “Vàng, Bạc và Máu”. Sướng lắm. Ác lắm. Ý quay lại bảo một người Tây khác: − Thôi, anh ở lại mà làm việc, chúng nó còn béo lắm.

Dưới đất, một người Việt Nam chết đói nằm nhe răng…

Nhe răng thì mặc nhe răng. Không biết. Những người Pháp ở Đông Dương không trông thấy những quân chết đói của ông Trần Văn Cẩn. Xem bức tranh kia thì biết: tây đầm thì vẫn cứ ôm nhau mà nhảy hát ở “đăng-xinh”. Ta cũng nhảy: hai thằng bé đầu to bằng cái sành mà thân thể róc hết thịt, chỉ còn bộ xương thảm hại nhảy xuống ao… tự tử vì khổ quá. Bên cạnh đó, một bức tranh thần tình: một viên đội xếp béo, cái lưng to bằng cả một cái giường, dắt súng lục, giơ gân bò lôi một người Nam sắp chết, mặt mày xanh lét như đít con đom đóm:

TA – Văn minh đâu? Sắp đến chưa hở ông?

TÂY – Làm gì mà vội thế? Đây kia rồi.

Đó là một cái nghĩa địa chồng chất những mồ con mả lớn.

Tự do! Bình đẳng! Bác ái! Làm cho dân các tiểu quốc chết cả đi: bác ái đấy mà! Bức tranh này làm cho ta buồn rã rời và căm giận vô cùng cho cái óc của bọn thực dân giả nhân bỏ nghĩa. Cột tam tài, tranh thống chế Pê-tanh, Pháp Việt phục hưng. Một người Tây dắt một người Nam đi trên đường tiến bộ… tối như hũ nút.

TÂY:  Đấy, ngài cứ tha hồ tự do muốn nói gì thì nói, muốn đi đâu thì đi.

Nhìn lại ông Việt Nam thì mắt có băng buộc mà chân thì bị xích!

Bị bịt mắt, bị xích chân, như thế phải cách mệnh. Đúng đấy. Nhưng coi chừng. Một bức tranh vẽ một căn buồng khám bệnh của ông bác sĩ Pháp. Đủ các thứ lọ thuốc: thuốc trị bệnh thông minh, thuốc trị bệnh đòi bình đẳng, thuốc trị bệnh đòi tự trị, thuốc trị bệnh đòi tự do ngôn luận.

BÁC SĨ PHÁP (bảo bệnh nhân Việt Nam) Anh mắc bệnh yêu nước, phải đi nghỉ mát Côn Đảo ít ra năm mười năm mới khỏi.

Ai không muốn đi nghỉ mát thì ở nhà để cho Tây và quan đè gót lên đầu lên cổ, như đã vẽ trong bức “Tôn ti trật tự”, hay để Tây làm trò úm-ba-la cho mà xem. Tứ là cái trò “cải hoá người Việt Nam”. Trang nhất: ông Tây gầy, ông Ta béo. Tranh nhì: Hai ông làm xiếc, che một cái vải. Úm-ba-la… ba ta cùng hoá. Hoá ra cái gì? Ông Tây hoá ra béo xù, đội cái mũ lệch một cách hỗn xược, hút xì-gà, mũi đỏ như một con tôm rim; còn ông Nam thì hoá ra một cái xác chết nhe răng ra vì đói!

Tại sao đương béo lại chết như thế được? Một ông đi với tôi xem thứ tự những bức tranh giấy này. Một ông Tây diễn thuyết: “Người Pháp tốt vô cùng. Người Pháp tặng quà người Việt Nam luôn luôn”. Nhìn lại thì ra quà đó là thuốc phiện, rượu, báo Lire à deux, Paris magazine, Séduction, nhảy đầm, phòng cho thuê. Nhà hoạ sĩ chua: “Kết quả đem lại cho đất nước ta là một hạng thanh niên trụy lạc, ăn bám vào xã hội, làm cản trở cuộc tiến hoá của đất nước”.

Rượu họ làm quà cho mình cũng là một câu chuyện tức… cười. Một ông Tây béo, mặt đanh ác, − báo Gringoire vẽ mặt Vincent Auriol cũng chỉ ác được đến thế là cùng! − ngồi vắt hai chân lên bàn. Chung quanh: bơ, phó-mát, sâm-banh và một cái biển “độc quyền Phông-ten”. Mỗi suất đinh phải uống mỗi ngày một lít rượu. Một tên Pháp nhà đoan giơ một chai rượu bố đổ vào mồm vào mũi một người nhà quê mặt đỏ:

        NGƯỜI NHÀ QUÊ: Lạy ông, con chết sặc mất.

       TÂY ĐOAN: Được tự do… uống rượu, mày lại còn kêu ca gì?

Trong khi đó, ở nhà trường, thằng con xã Bỉnh vẫn ê a học: “Rượu là thuốc độc, thuốc phiện là thuốc độc”.

Thuốc phiện độc? À, Tây mong cho mình hút rất nhiều. Tiệm mở đầy như nấm, cổ động truỵ lạc, cổ động cá nhân chủ nghĩa. Chơi cho thích vào, cô ơi và cậu ơi! Mệt, đã có thuốc phiện kia trợ lực. Nhà hoạ sĩ đề dưới bức tranh vẽ một bọn thanh niên ta hút thuốc phiện dưới quyền chỉ huy của một người Pháp (có phải Ducoroy không?) và đề: “Những người bỏ đi”.

Những chuyện đó, bọn thực dân Pháp làm công nhiên ở nước ta, nhưng không lúc nào quên hò “Tự do, Bác ái và Bình đẳng”.

Tự do? Một người Nam sắp chết bị ba người Pháp bịt miệng. Tự do… giết người?

Bác ái? Ba người Pháp bóp cổ lè lưỡi một người Nam, trong khi con chó tây được ngự lên bàn ăn súp. Bác ái với vật chứ không bác ái với dân thuộc địa.

Còn Bình đẳng? Một ông Tây béo trương béo nứt ngồi vắt chân chữ ngũ trên xe do một người Nam lè cổ ra mà kéo. Cái bình đẳng lạ lùng! Bức tranh đó còn có thể lấy đề là: “Nghĩa chữ cần lao ở dưới thời Pháp thuộc”.

Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

Quân giả dối đó không lúc nào quên hô to ba chữ thiêng liêng kia, mà càng làm việc tàn ác thì lại càng hô dữ.

Bốn bức tranh. Bức tranh thứ nhất vẽ một ông Tây tiến đến gần một ông Nam: “An Nam tốt”. Bức thứ nhì, lôi mũi: “An Nam tốt nhiều”. Bức thứ ba, lấy gân bò đánh túi bụi người Nam: “An Nam tốt lắm”. Bức thứ tư: “An Nam tốt quá. Pháp Nam phải đoàn kết chặt chẽ với nhau”. Thì ra đoàn kết chặt chẽ thật: Ông Pháp mắm môi mắm lợi bóp cổ ông Nam thật chặt, chặt lè cả lưỡi và trợn tròn cả mắt! Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

Một cái nhà to, cửa sắt, có lính canh rất ác. Đó là nhà pha Hoả Lò? Không. Đó là nhà Bảo hộ. Cửa mở, người ta trông thấy có những kiện hàng “Tự do, Bác ái và Bình đẳng” chồng đống lên. Một người dân Nam bước vào. Cửa khoá lại 61 năm. Đến năm 62 cửa mở rộng ra, thì, ông đoán đúng đấy có một cái xác chết còng queo trong đó. Xác người Việt Nam chết vì Tự do, Bác ái và Bình đẳng của người Tây. Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

Một triệu người gầy trơ còn có bộ xương, đứng ngửa lên nhìn một tên thực dân Pháp ngồi trên những bì gạo, giơ lên một cái biển đề mấy chữ: “Défense de donner à manger”. Tự do chết đói.

Bình đẳng? Một tên thực dân khác lấy tay móc họng một người Nam có “nốt” đàn nhảy nhót chung quanh: bình đẳng mà bị coi khinh hơn con vật.

Còn Bác ái? Nhà tù đầy rẫy kia, chánh trị phạm đợi hàng lũ để chờ đem bắn. Người ta có thể lẩy câu Kiều này của Quang Phòng để đề ở dưới bức tranh Tây giết chánh trị phạm Việt Nam:

Hoành hành hơn sáu mươi niên

Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng

Văn và hoạ xưa nay vẫn đi với nhau. Ở trong cuộc triển lãm này có những bức hoạ lẩy Kiều được nhiều người chú ý.

Để mỉa quan lại Việt Nam ăn lễ dân đen để đút cho Tây:

Mười anh quan lại cả mười

Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng

Để mỉa mai bọn thực dân ăn hết xương tuỷ dân Việt Nam. Một bên thì chết đói, một bên thì dắt tay nhau nhảy nhót:

Quần là áo lượt rong chơi,

Tiền An Nam đã cung rồi lo chi!

Để mỉa mai bọn người quên thù mất nước, đi với Tây để hại người mình (tranh vẽ một người Nam bị nhốt vào chuồng chim, Tây ngồi giữa, có hòm súng dao, bên cạnh có một cô gái Việt Nam):

Trong vòng súng dựng gươm trần

Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi.

Đề dưới bức vẽ một người Tây đếm vàng:

Lừa dân dối nước hết đường

Quý hồ có ngọc có vàng thì thôi.

Đề dưới bức vẽ Tây béo đứng trước mấy người chết đói:

Bao người chết đói vì tôi

Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?

Đề dưới bức vẽ Tây đeo mặt nạ cười mà tay thì bóp cổ người dân Nam:

Mưu ma chước quỷ có thừa

Mượn màu đạo đức đánh lừa dân đen!

Kể cho hết những mưu thâm độc của người Pháp và những câu Kiều lẩy, cung oán lẩy của ông Quang Phòng chế riễu họ ra đây, còn dài. Thôi, ta không nói đến họ nữa. Cho đi về, cũng như người Nhật đã cho họ đi về nhà bò vậy. Cái chính sách thực dân tàn ác, thâm thiểm, nguy hại đến như thế, tồn tại làm sao cho được? Không nước này can thiệp thì cũng phải có nước kia lên tiếng. Chả nhẽ thế giới này chỉ toàn là bọn ăn người cả hay sao?

Ta có thể tin rằng một tương lai tốt đẹp đã mở rộng ở trước mắt ta. Quân tàn bạo không thể nào trở về đây được nữa. Bổn phận của người dân lúc này là phải rèn đúc lấy một tinh thần tự trị, gột rửa các nô lệ, phải hy sinh dũng mãnh để bảo vệ tự do như trong những bức vẽ của các ông Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn… Phải yêu thương giống nòi, đừng chia rẽ, nhưng phải tìm cách để đoàn kết thân mật lại với nhau hơn. Làm gì có ba kỳ? Làm gì có năm xứ? Chỉ có nước Việt Nam thôi.

Nước Việt Nam, qua cái ách Pháp thuộc nặng nề, bây giờ bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới tràn trề ánh sáng. Từ nghệ sĩ đến người thợ, từ bác nông phu đến một chị học sinh, ai ai cũng phải góp sức lại để làm việc cho nhà cho nước cường mạnh hơn. Mà muốn thế, bổn phận cần cấp của ta phải thế nào? Một bức tranh đã trả lời: Chính quyền của người Pháp ở đây như cái cây bị long rễ trồi gốc kia, không thể hồi sinh được nữa. Nhưng cây đó còn rất nhiều rễ con, còn để còn nguy hại. Vậy người Việt Nam kiếm củi phải làm ngay công việc này. Chặt bới cho hết tuyệt những cái rễ con của nó đi: rễ Việt gian, rễ vong bản, rễ xu thời nịnh thế, rễ ham chuộng hư danh, rễ bán nước cầu vinh, rễ thực dân, rễ tham quan ô lại, rễ cường hào nhũng lạm, rễ lý dịch sâu mọt, rễ nghèo, rễ đói, rễ rét, rễ ngu và rễ dốt.

Một trăm một nghìn thứ rễ đó, một người không thể trừ bỏ được, mà một chánh phủ cũng không thể nào làm được nốt, nếu không có dân làm hậu thuẫn.

Vậy tất cả dân nước cần phải bắt tay vào công việc phá hoại này để xây đắp một nền móng quốc gia mới lên trên.

Không phải nói ta cũng biết rằng việc cổ động này không thể làm trong một phạm vi nhất định để cho một thiểu số người xem, nhưng phải làm trong toàn quốc, từ thành thị đến thôn quê, để cho toàn thể dân chúng cùng xem cùng sốt sắng và cùng cắn răng lại để mà làm việc cho xã hội.

                                                           VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 248 (10/6/1945)