NGHỆ SĨ TRƯỚC NHỮNG SỰ CẢI CÁCH CỦA ĐẤT NƯỚC CẦN PHẢI LÀM GÌ NGAY?

 

Một vài ý nghĩ nhỏ về việc cải cách chương trình trường mỹ thuật,

Nhân đi xem trưng bày tranh ảnh cổ động nền độc lập Việt Nam

 

Từ ngày quyền xếp đặt nước Nam không ở tay người Pháp nữa, hầu hết các ngành đều đã có sự cải cách để cho hợp với tình thế và cũng là để giúp ích cho sự tiến bộ bị cản trở trong ngót một thế kỷ nay.

Sự cải cách đầu tiên có liên lạc với mỹ thuật, ta thấy ở trên những tấm biển hãng quảng cáo. Ngoài những lý do chính đáng khác, sự cải cách đó còn đem cho ta một điều lợi là đỡ được hàng chữ tây: tấm biển sáng sủa hơn.

Những sự cải cách khác hoặc do nhiệt huyết của người mình, hoặc vì trước kia bị bắt buộc phải theo một đường khác, đều lục tục xuất hiện để trở nên công việc hàng ngày.

Nhất là ở các trường, những món nhồi sọ để hãm sức tiến hoá của học trò đều được thay bằng những món thiết thực có ích hơn. Cái hại của món nhồi sọ đó càng to, sự cải cách càng nhanh chóng. Có ai biết chuyện cải cách ở một trường công nghệ nó mới đây không? Trường có ba giáo sư, cả ba đều không phải là nhà nghề; sở dĩ họ giữ chức đó là vì… thế lực. Muốn tắc trách, họ mua sách công nghệ để học đến đâu dạy học trò đến đó. Sau vì chỉ xem không, không có thực hành, họ bị học trò vượt hẳn. Làm thế nào? Họ kiếm các cách ghìm sức học của học trò lại để thầy có thể theo kịp được trò. Và việc đó cũng đã kéo dài ra cho mãi đến tận hôm xảy ra cuộc chính biến ở đây: học trò đã xin truất ba vị giáo sư bất lực và bất chính kia, và từ đó, sự học ở trường này đã được hoàn toàn cải cách.

Nói đến đây người ta không thể không nhớ đến trường Cao đẳng Mỹ thuật. Ta hãy xét kỹ lưỡng xem ở trường này có điều gì cần phải cải cách không?

Ta nên nhớ rằng trường Cao đẳng Mỹ thuật đào tạo nên những nghệ sĩ. Mà trong lúc quốc gia cần đến hay sắp cần đến kiến thiết thì bổn phận nghệ sĩ là phải sửa soạn để dìu dắt nền công nghệ về phương diện mỹ thuật. Muốn dìu dắt nền công nghệ cho hiệu quả, nghệ sĩ cần phải liên lạc với những ngành đó và phải am hiểu đến những chi tiết nhỏ của mọi nghề. Mà nghề, nào có phải là ít, ấy là chỉ nói riêng về công nghệ có liên lạc đến mỹ thuật thôi.

Ta hãy kể thử ít nghề: nghề thêu, dệt, đan, khảm, chạm, trổ, sơn, nghề đồ gốm, đồ sứ, đồ gỗ, thuỷ tinh, nghề in, nghề đóng sách, nghề làm đồ chơi trẻ con, nghề làm mũ, đóng giầy, nghề đúc đồng, hàng thiếc, nghề làm quạt, nghề rèn sắt, xây nhà, nghề thợ may, nghề diễn kịch, và còn bao nhiêu nghề nữa!

Những nghề đó đều có liên lạc mật thiết với mỹ thuật, một nghệ sĩ tự trọng phải hiểu thấu đến cả những chi tiết cỏn con. Và đó mới là những nghề mà trong nước đã có sẵn, chỉ cần chỉnh đốn lại và khuếch trương thêm. Ngoài ra lại còn những nghề cũng cần mà hầu hết các nước Á Đông có rồi, chỉ riêng nước ta chưa có, như nghề đúc sắt, đúc thuỷ tinh, in màu trên sắt tây, nghề chế thuốc, nghề dệt len, nghề chế đồ nhựa, v.v. Tất cả những nghề đó, chỉ có một “nghệ sĩ lý tưởng” mới hiểu biết hết, nghĩa là chỉ có nghệ sĩ nào hiểu biết cho hết được, việc đó ra ngoài sức của một người, dù người đó là nghệ sĩ.

Vậy thì bổn phận tối thiểu của một nghệ sĩ ta bây giờ phải thế nào? Trước hết ta phải biết rõ những nghề mà chính người làm nghề ấy cần đến đã.

Họa sĩ cần đến những thứ đồ dùng để vẽ như giấy, phẩm, bút lông, bút chì, than, tẩy, sơn, dao để mài sơn, bay để trát son, đó là những thứ thiết dụng nhất. Còn những thứ như khung căng vải, đinh đóng, giá vẽ ba chân, hộp đựng đồ dùng, có thể cứ thuê thợ làm vì vật liệu xấu hay tốt không hệ trọng gì cho lắm.

Những thứ kể trên như bút, phẩm, giấy… là những thứ có ảnh hưởng lớn đến công việc của nghệ sĩ. Chỉ hơi xấu một tí là nghệ sĩ có thể bực mình, mà chỉ hơi tốt hơn một tí là họa sĩ vui mừng trông thấy. Từ trước đến nay, nghệ sĩ vẫn đi mua giấy, phẩm, bút của nước ngoài. Được thứ nào dùng thứ đó, nhưng cũng may mà tìm được những thứ vừa lòng cả. Từ khi xảy ra cuộc thế giới đại chiến tàu bè khó đi lại, không còn tìm đâu được thứ tốt nữa. Có người bỏ nghề, có người không thể sống không vẽ được thì dùng vật liệu bản địa. Người ta đã vẽ than vào giấy bản, vẽ phấn bột vào những tờ bìa thay cho vải. Rồi vừa vẽ vừa tức, kết quả tất nhiên là không đúng được như ý nguyện: sự tấn tới thì còn mong đợi gì?

Trung gian, nhà sản xuất giấy trong nước cứ theo khuôn sáo cũ mà chế, miễn là tiêu thụ được, có lợi thì thôi. Cũng đã có nghệ sĩ thửa riêng hạng giấy nhưng vẫn là hạng bột xấu, chỉ có dày hơn và mịn hơn thứ thường vẫn bán khắp chợ thì quê.

Người thợ mộc biết chế lấy cái bào cái đục thì nhà nghệ sĩ, một hạng người trí thức lại chả nên tự nghiên cứu để chế lấy những vật liệu mà dùng rồi khi nào có kết quả hay, sẽ giao cho nhà công nghệ đem chế tạo để mang bán trên thị trường ru?

Nói cho đúng thì khuyết điểm này một phần do ở sự thiếu vốn, không hoàn toàn quy cữu vào tính chểnh mảng, lười biếng được. Nhưng đó lại là một vấn đề khác, dù là khó, nhưng không phải là nan giải.

Để đủ tư cách dìu dắt người khác, nghệ sĩ phải cần tự phụng cho thoả mãn. Thoả mãn trong phạm vi bổn phận về nghệ thuật, việc đó rất chính đáng, dù một người khó tính cũng không thể chỉ trích được vào đâu.

Và muốn tự phụng cho thoả mãn, nghệ sĩ cứ việc nghiên cứu tìm cho ra những thứ thích hợp với công việc của mình để mà dùng.

Trong hai đứa trẻ, một đứa nhặt nhạnh mảnh gỗ mảnh sắt làm lấy đồ chơi với một đứa đem tiền đi mua đồ chơi ở hiệu, ta vẫn mến đứa tự chế lấy đồ chơi hơn. Huống chi nghệ sĩ lại ở vào những trường hợp đặc biệt mà vật liệu dùng hàng ngày không có không xong. Có tự mình nghiên cứu mà cải cách dần dần mới có thể mong một ngày kia chế ra được những thứ giấy, phẩm, bút như ý mình mong muốn.

Đó là về phần riêng nghệ sĩ.

Về việc mở những xưởng con con để chế những thứ đó, là phần nhà trường, trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nếu nhà trường và cả nghệ sĩ đều lãnh đạm, chỉ đợi bao giờ ở hiệu có giấy, phẩm và bút tốt mới mua dùng, không thì thôi, thời với tình thế này sự tiến bộ về mỹ thuật và công nghệ nước nhà, có lẽ sẽ không được nhanh chóng như nhiều bạn hằng mong ước.

Tuy vậy, nếu nhà trường có hậu ý đặt ra xưởng mới để nghiên cứu, mà trong nghệ sĩ không ai chịu nhận một phần việc thì cũng chỉ là phí tiền toi thôi. Vì vậy nghệ sĩ cần phải yêu cầu trước, và cần phải thành thực yêu nghề, yêu sự cải tạo nghề mình trước tiên.

Nói đến giấy bút tôi lại nhớ đến cách viết chữ nho.

Khác hẳn với chữ nước khác, chữ nho là một thứ chữ tượng hình, tự nó có ý nghĩa như những hình vẽ vậy. Không do các vần ghép lại với nhau, chữ nho có nghĩa nhất định của mỗi chữ. Trông chữ “mộc” người ta nghĩ ngay đến cái cây; trông chữ “điểu”, người ta nghĩ ngay đến con chim, trông chữ “vũ” người ta nghĩ ngay đến bộ lông cánh, bao nhiêu chữ là bấy nhiêu hình vẽ, mà những hình vẽ đó đều được người ta thu xếp cho gọn, thêm bớt cho đẹp, tự mấy nghìn năm nay. Nước ta trong ngoài ngàn năm nay vẫn theo Khổng giáo, lấy chữ nho làm nền học quốc gia. Chữ nho du nhập vào nước ta đã thành ra chữ Nam như nhiều người đã gọi. Gọi thế không phải là không chính đáng vì thứ chữ đó đã được đọc theo một cách riêng của ta mà chính người Tàu nghe không hiểu. Với một nền văn hoá rập theo đạo Khổng, nước ta đã có hồi trở nên hùng cường cả với nước Tàu to lớn và đông dân gấp hai ba mươi lần. Xem vậy đủ biết cái sở đắc của chữ nho đã đến một trình độ khá cao rồi vậy.

Trước đây sáu mươi năm, vì bị đè nén dưới chế độ đô hộ, ta bỏ nền tinh thần đó mà theo đuổi một cái văn minh bề ngoài (tôi xin nói ngay rằng tội đó không ở khoa học Tây phương mà chính là cách ta học không châu đáo), đến nỗi tinh thần ngày càng kém mà vật chất chỉ tiến ở những phương diện xấu xa đáng tiếc. Những chuyện cha hiền con hiếu, vợ chồng nghĩa, bạn bè tín và những chuyện thanh cao, nghĩa khí, quân tử, hy sinh hầu như cùng biến với chữ nho vào chỗ hư không để cho chữ Tây tràn khắp trong đất nước.

Chữ Tây, ta vẫn học, nhưng cần phải chuyên về khoa học, học có phương châm, có mục đích tốt đẹp. Còn chữ nho, xét theo tình thế hiện thời thì có thể nói rằng sẽ lại khôi phục được một địa vị cao quý nếu không được bằng thì cũng chả kém lắm khi xưa.

Thực vậy, nước ta là láng giềng trực tiếp với nước Tàu và cùng là một giống với nước Nhật ở Á Đông. Hai nước này vẫn dùng chữ nho, không lẽ ta lại lãnh đạm được. Thêm một lẽ nữa là trong khoảng sáu mươi năm trước đây, chữ Pháp có thay thế chữ nho cũng mới chỉ là thay thế trong nền học ở các trường công và các nơi thành thị thôi, chứ ở chốn thôn quê, mà thôn quê là một phần lớn của nước, chữ nho vẫn thịnh hành, duy có kém ngày xưa đôi chút. Gặp phong trào này, cái mầm bị vùi dập bấy lâu sẽ lại trở lên với một sức mạnh lạ lùng. Sau này chữ nho sẽ lại xuất hiện, nhưng điều cầm chắc là không đem đến cho ta cái lối học từ chương khoa cử.

Tuy nhiên về phương diện mỹ thuật, chữ nho vẫn là những hình tươi đẹp ngang hàng hoặc hơn những bức tranh Tàu tranh Nhật.

Thì hơn ai hết, nghệ sĩ cần phải viết được thứ chữ đó, hơn thế, phải viết cho thực tốt.

Nay ta cứ thử tài một nghệ sĩ cách này xem: Ta chọn một nghệ sĩ có tài trông cái gì vẽ được ngay cái đó, người giống hệt người mà con sâu con bọ không sai một mảy lông, con mắt. Bấy giờ ta đưa nghệ sĩ đó chép một dòng chữ nho. Nghệ sĩ sẽ chép được ngay, nhưng cả khuôn cả nét, so với bản chính sẽ không giống nhau chút nào. Đó là chuyện chép chữ. Nay nếu để cho nghệ sĩ cứ tập viết dăm chữ thôi, cho tập trong mười ngày, đến ngày thứ mười một viết ra vẫn còn xấu lắm. Có giỏi chỉ cũng mới là “thành tự” thôi, chưa thể bảo là tốt được.

  Muốn viết tốt, cần phải tập luôn luôn chứ không thể cậy có tài vẽ giỏi mà tưởng rằng mình có thể viết tốt trong mươi tuần, dăm tháng.

Người viết chữ tốt thấy có sự tấn tới cũng mê mải như hoạ sĩ đương đi trên con đường thành công. Võ luyện văn ôn. Nếu hoạ sĩ thường nói không ngày nào là không cần đến bút vẽ, thì trong những tay bút thiếp, đây là một tài liệu tôi lượm được trong một cuốn Revue de Shanghai, cũng lắm người phải viết ít ra một trăm chữ mới đỡ thèm.

Do những lẽ kể trên, thiết tưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật cũng nên lưu ý mở một lớp dạy và viết chữ nho cho đẹp.

Nhân nay nghệ sĩ ta chú trọng vào tranh lụa, cần được những nét đậm đà già giặn, cách tập viết chữ nho cho đẹp và có gân cũng giúp được vào đó một phần khả quan.

Kẻ làm nghề bút thiệt này mong rằng sẽ thấy xuất hiện ở nước ta những sách vở, những tạp chí mỹ thuật vừa có tranh đẹp vừa có chữ tốt mà người Tàu vẫn gọi là “thư hoạ đồng trân” − viết và vẽ cũng quý cả.

     VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 249 (17/6/1945) tr. 19-