NHÂN NGÀY 2 MAI

LÀ NGÀY GIỖ NGUYỄN VĂN VĨNH

 

I. Dấu nhà

2 Mai 1936 – 2 Mai 1944! Tám năm! Tám năm đã qua đi trên cái ngày thảm đạm mà một bức điện tín từ Tchépone ở xứ Lào đánh về cho báo Trung Bắc tân văn cái tin Nguyễn Văn Vĩnh từ trần. Cái tang chung cho các giới quốc dân. Linh cữu đưa về Hà Nội. Cuộc hội họp của các nhà báo bàn định về tang lễ. Việc túc trực bên linh cữu quàn tại hội quán Tam Điểm ở gần ga Hàng Cỏ. Hai vạn người đi đưa đám. Điếu văn. Câu đối. Truy điệu. Còn nhớ ngày đó cái cảm tình của làng văn làng báo ba kỳ đối với Nguyễn Văn Vĩnh thật là xôn xao, sự thương tiếc của quốc dân thật là chan chứa: già có, trẻ có, không quản đường xa trời nắng đều thành tâm đưa Nguyễn Văn Vĩnh về nơi yên nghỉ cuối cùng. Thật là một cái tang lớn giản dị mà trọng thể ít thấy trên đất Đông Dương vậy. Năm tháng sau, người ta vẫn còn nói đến đám tang này, không những vì làng báo luận bàn nhiều, nhưng còn vì ai ai cũng thấy rằng, với cái tài hoa đó, một cái gì mạnh lắm và quý lắm vừa tắt không còn tìm đâu ra được nữa. Ấy vậy mà cái người được thương tiếc đó không phải đã xướng xuất ra những tư tưởng khả dĩ làm thay đổi cách cảm xúc và nghĩ ngợi của một thế kỷ hay của cả một dân tộc. Cái mà ông đứng làm tiêu biểu một cách rõ rệt, đó là một phương pháp; mà phương pháp đó cũng không phải ông tạo ra đâu; nhưng chính là do sự kết hợp của nhiều đức tính thượng đẳng và bác tạp; đồng thời ông lại đem khuếch trương phương pháp đó ra, làm cho nó hoàn toàn, luôn luôn có những kết quả mới mẻ; ông đem cá tính của ông hoà trộn vào phương pháp đó và truyền cho nó một thứ đẹp lạ lùng. Sự hoà hợp thân mật và sự đem ứng dụng một phương pháp đó,− phương pháp truyền bá chữ Quốc ngữ và “mang cái tinh thần Việt Nam cho người Pháp xem, mang cái tinh thần Pháp cho người Việt Nam biết” − đã làm cho Nguyễn Văn Vĩnh có một công lao đặc biệt(1). Bổn phận những nhà văn nhà báo đi trước sau này là phải làm thế nào trình bày ra ánh sáng phương pháp đó, cách làm việc đó, công cuộc đó. Và người ta đã không phải đợi lâu. Tám năm qua, biết bao nhiêu người đã đem Nguyễn Văn Vĩnh ra bình luận! Có người, không hiểu cố ý hay vô tình, gác hẳn cái đời viết báo ba mươi năm của ông ra để nhất định nhận với mình rằng ông chỉ là một nhà văn và họ ngây thơ phê bình từng chữ của một trong số mấy mươi vạn bài văn ông đã viết. Có người quên hẳn cả cuộc đời chính trị sôi nổi của ông, bảo ông là “một nhà buôn, óc quen tính sự lỗ, lời, nghĩ chuyện ăn thua”. Có người cho ông là một nhà làm việc, “đời ông không có cái thi vị đủ cho ta say mê hoặc có phong thái đủ cho ta cảm phục”. Có người trách ông mới quá, bạo quá và hỏi rằng có phải “cái chương trình trực trị của ông chỉ có những người biết đọc văn Tây mới đủ tài thưởng thức” nên ông đã bỏ báo giới quốc văn mà chủ trương báo chữ Tây. Trái lại, lại có người rằng ông tồn cổ một cách sai lầm, “chẳng những dung túng cho sự dị đoan của công chúng lại lợi dụng cái mê tín của quốc dân là khác”.

Những lời bình luận về Nguyễn Văn Vĩnh thật sôi nổi và bác tạp; đúng cũng có nhiều, nhưng sai cũng không phải ít. Bây giờ Nguyễn Văn Vĩnh đã là người thiên cổ rồi, tên đã vào lịch sử; luận bàn là việc của quốc dân, khen chê là điều mà ai cũng có phép được làm, miễn là đừng để cho người dưới chín suối phải tủi thân hay tức bực vì người ta hiểu lầm.

Vậy, Nguyễn Văn Vĩnh là người thế nào? Nhân hôm nay là ngày giỗ ông, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm biết “Nguyễn Văn Vĩnh thực” ra thế nào. Có biết cái đời thực của ông, cách sống của ông và tất cả sự gắng sức bất quyện trong suốt một đời ông, ta mới có thể hiểu rõ được ý nghĩa của những công cuộc ông làm, đãn hậu mới có thể phê bình một cách thấu triệt đến sự nghiệp của ông về phương diện văn chương, tư tưởng, xã hội, chính trị cũng như về báo chí.

Đó là điều mà chúng tôi ước mong được thấy, nhưng vì mãi không thấy ai làm, nên hôm nay thử bắt đầu. Lấy tư cách là một người đã từng được gần ông và giúp việc một cách hèn mọn trong một tờ báo mà ông là người sáng lập, tờ Trung Bắc tân văn, chúng tôi không có ý đem ca tụng một người mà chúng tôi kính trọng tin yêu, nhưng chỉ có ý nêu Nguyễn Văn Vĩnh lên; theo đúng như ông, và luôn đó nói về những ý nghĩ của ông, hoài bão của ông, việc làm của ông để mọi người cùng rõ. Biết đâu vì thế mà những người bình luận về Nguyễn Văn Vĩnh sau này chẳng tìm được những ánh sáng mới hơn, có những kết luận xác thực hơn! Nếu nhân đó mà những bạn thanh niên tin ở chủ nghĩa trực trị của ông, soi tấm gương cần lao và nhẫn nại đó, tiếp tục được những công việc ông bỏ dở, bắt tay làm những công việc ông chưa làm, đó cũng là một việc ích cho xã hội Việt Nam ta vậy.

Như mọi người đã biết, Nguyễn Văn Vĩnh sinh ở làng Phượng Vũ, tổng Phượng Dực, phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông ngày 30 tháng tư năm Nhâm ngọ, tức là năm thứ 35 triều Tự Đức, tây lịch 15 Juin 1882. Gia đình ông không lấy gì làm sung túc. Mới lọt lòng ra đời, đã phải trông thấy cái cảnh loạn ly của nước nhà và những cuộc binh hoả gây nên nền Bảo hộ ở xứ này, ông Nguyễn, ngay từ tấm bé đã sống trong một xã hội vào thời kỳ cải cách, quen với những hoàn cảnh đặc biệt, những cảnh điêu bái do khói đạn gây nên với những sự hiểu lầm thế tất phải có hồi bấy giờ đã in sâu vào trong trí Nguyễn Văn Vĩnh và rèn cho ông một tâm hồn cứng rắn, một quả tim sôi nổi. Đầu óc ông cũng như chân tay ông cần phải làm việc luôn luôn. Ông mắc cái “bệnh hoạt động” ngay từ khi còn ít tuổi. Hoạt động nhưng không nóng tính, trái lại, lại quả quyết, nhẫn nại, thêm vào những tư tưởng ưa mới, cấp tiến, đó là những đặc điểm của đời ông sau này.

Ông là một người trong những người Việt Nam thứ nhất được hấp thụ văn minh mới và được tiêm nhiễm văn hoá Âu Tây. Ông hấp thụ thế nào? Tiêm nhiễm ra sao? Những ông giáo nào đã vỡ lòng cho ông và những ông thầy nào đã giúp ông mở mang trí khôn một cách công hiệu nhất? Những điều đó, không có ai biết rõ. Chỉ biết rằng năm 1892, mới mười tuổi, cái tuổi còn ngây thơ, Nguyễn Văn Vĩnh đã thi tốt nghiệp trường Thông ngôn và đáng lẽ đậu thứ 12 nhưng vì tuổi trẻ quá, nên bị đánh hỏng và phải học thêm bốn năm nữa nên mãi đến 1896, ta mới được thấy ông thi tốt nghiệp. Lần này ông đỗ đầu và được bổ ngay làm thư ký toà sứ Lao Kay. Xem vậy, đủ biết ông thông minh đến bực nào. Đã thế, ông lại là người hiếu học đệ nhất. Bấy giờ chưa có thư viện, các sách tây còn hiếm, mà ông đã mua đủ các sách báo của Pháp để xem; đọc báo, xem sách suốt ngày, ai cũng phải chịu là một người hiếu học. Đến tận bây giờ, những người quen thân với ông từ hồi trẻ, thường vẫn kể lại rằng ông ham sách hơn ham đàn bà. Ông có mặt ở khắp các thư viện Hà thành và có người đã nói “Bình dân thư viện” − ở vào chỗ phố Francis Garnier bây giờ − không có người học trò nào chăm hơn ông. Muốn đi chơi khuya đến mấy giờ sáng thì đi, nhưng cứ về đến nhà, nằm lên giường, là ông phải đọc một cuốn sách gì, nếu không thế thì không ngủ được. Đọc như thế không bao giờ chán, đọc bất cứ cái gì rơi xuống tay. Cái học như thế cốt lấy ở bề rộng như lời ông thường nói. Sau này ta sẽ thấy cái học đó có ích như thế nào cho cái đời làm báo của ông, và ta có thể suy ra tự bấy giờ Nguyễn Văn Vĩnh, lúc bắt đầu xếp dọn cuộc đời mình, không hề có ý muốn làm một người thợ văn gọt chữ hay đọc sách thấy tư tưởng đẹp, câu văn hay nào thì chép ra hầu có để sau này “biên khảo” như một nhà… học giả. Nguyễn Văn Vĩnh học một cái học phổ thông, cái học rất cần thiết cho một nhà làm báo. Không một vấn đề gì ông không biết, không một vấn đề gì dù nhỏ mọn đến đâu mà ông không viết được thành một bài duyên dáng, thâm trầm và ý vị. Tôi sẽ tìm cách giới thiệu từng mẫu văn, hoặc viết bằng quốc âm hoặc viết bằng Pháp âm, khi nào cần dùng đến, ở những chương sau này. Đó là cuộc đời ông về sau này. Ở đây, ta mới biết ông hồi 14 - 15 tuổi.

Năm 1897, tức là năm ông mười sáu, ông được đổi về toà sứ [2] Kiến An, khi đó còn ở Hải Phòng. Một cái Hải Phòng rất mới, hỗn tạp và đô hội, mỗi chiều thứ bảy lại có những ông tây vác súng − vì có nhiều trộm cướp − vác súng chèo thuyền, đi cực kỳ vất vả ra Đồ Sơn… nghỉ mát.

Trong tập nhật ký của ông để lại mà chúng tôi đã được đọc hết trước khi viết tập này, Nguyễn Văn Vĩnh không nói gì mấy về cách sinh sống và cách nghĩ ngợi của ông khi tòng sự tại đây. Chỉ biết rằng ở đây, ông có dịp được giao thiệp với khách ngoại quốc nhiều nên bắt đầu học tiếng Tàu và tiếng Anh.

Ông là người xướng xuất lên phong trào diễn thuyết; phong trào viết báo Nam báo Pháp; phong trào phổ thông chữ Quốc ngữ và truyền bá văn minh văn hoá Âu Tây; phong trào đem cái hay cái đẹp của văn minh văn hoá Nam diễn ra cho người Âu Tây biết; phong trào mở hội giúp những người thanh niên đi Tây du học; phong trào Phật giáo, phong trào thể thao, v.v… nhất nhất bao nhiêu những thứ đó, ông cũng là người thủ xướng hay ít ra cũng là một người lính tiên phong hăng hái.

Một cuộc đời lộng lẫy mà nghiêu khê như thế, tất nhiên phải ảnh hưởng đến thân thế và sự nghiệp của ông. Muốn xét ông mà xét theo lối đại thể rồi do đó tìm những lời kết luận thì rất khó. Cái thân thế đó, cái sự nghiệp đó cần phải xét theo nhiều phương diện khác nhau. Đó là công việc mà chúng tôi thử làm dần ở những chương dưới này.

 

II. Nhà diễn thuyết

Ở toà sứ Kiến An, Nguyễn Văn Vĩnh sang toà sứ Bắc Ninh rồi về toà Đốc lý Hà Nội năm 1904. Sang đầu 1905, ông thôi việc, về sống một cách gần như yên vui với gia đình, với bạn bè mà ông khéo chọn với sách vở mà lúc nào ông cũng coi như những thân hữu không bao giờ phụ bạc. Ông càng ra sức học hành, nhưng không chịu chỉ học cho mình mà thôi, học một cách lặng lẽ và tìm tòi những sự thật để một mình mình biết. Không, hoạt động, ông bao giờ cũng vẫn là người hoạt động. Cả cái học của ông, ông cũng muốn cho nó hoạt động nữa, nên ông đã từng có mặt luôn luôn ở trong những cuộc hội họp của hai trường: Trí Tri và Đông Kinh Nghĩa Thục. Ở đó, ông đã có bao nhiêu dịp cho đồng bào ta được thấy cái tài học cao rộng của ông; ông dùng lời nói hùng hồn, những dáng điệu thực thà, tự nhiên và duyên dáng của ông để làm cho người ta vui vẻ mà phấn khởi. Bởi ông có sức lại lanh lẹn nữa, nên có khi suốt buổi họp, ông nói thao thao bất tuyệt và có khi không ngại tranh luận một lúc với hai ba người. Ai nói đứng đắn, ông trả lời đứng đắn; ai cười cợt, ông biến báo và  có ngay những lời nói ngộ nghĩnh, và châm chọc. Những học trò cũ trường Trí Tri, đến giờ học có ông dạy, vui vẻ như được hội diện với một người anh thân mật. Thoạt đầu, ai cũng tưởng ông là một người bộp chộp, họ ngờ rằng có hỏi ông điều gì thì ông giải nghĩa qua loa lúc đó rồi thì thôi. Thế nhưng mà không. Có một câu gì khó hay ai có một trường hợp gì khó giải quyết mà hỏi ông, ông biên vào trong trí và về suy nghĩ tìm tòi kỳ cho được một câu trả lời xác thực. Thế rồi, sau đó một vài hôm, dăm bảy bữa, giữa lúc không ai ngờ nhất, thì người hỏi nhận được của ông một bức thư chứa đựng hoặc một phương pháp giải quyết cảnh ngộ, hoặc cách diễn dịch một câu văn khó hiểu, hoặc một chữ Nam dùng để giải cho thật đúng một chữ trong văn Pháp. Trong những bức thư đó, trong những buổi dạy học đó, trong những cuộc tranh luận đó, Nguyễn Văn Vĩnh không làm vẻ hùng hồn. Ông nói dễ dàng và tìm những chữ thông thường để diễn tả một cách khoa học những điều rất khó nói. Lời ông không chậm mà cũng chả mau, vừa vừa, nhưng khi nào đến đoạn chính của vấn đề thì giọng nói cũng như lời văn của ông sôi nổi, đầm ấm và mau hơn một chút.

Ai đã biết ông tất còn nhớ cái giọng nói sang sảng ầm ầm, rõ ràng từng chữ. Ông đọc một câu thơ hay kể một chuyện cổ tích cũng rành rọt như khi ông bàn về một chuyện trong gia đình vậy. Giọng ông vui mà hơi có vẻ nhạo đời. Thỉnh thoảng lại sâu cay, làm cho người nghe, nếu có quên cũng còn phải là lâu lắm. Nhất là ở những nơi công cộng thì ông nói lại càng tài lắm. Lời văn ông dễ dàng, ý tưởng ông biến hoá, nhưng không bao giờ tỏ ra rằng ông sắp đặt trước hay học thuộc lòng sẵn từ nhà. Những chữ, những câu của ông hình như nở ra một cách tự nhiên từ một ý tưởng vững chắc, có tin tưởng; nở ra một cách bất thình lình, không ai ngờ, làm cho câu chuyện của ông càng có vẻ đậm đà thú vị.

Những đức tính đó, ông đem ra ứng dụng một cách bình dị hơn, dễ dãi hơn, trong những cuộc giảng kinh ở các đền chùa, ở những buổi nói chuyện của hội Đông Kinh Nghĩa Thục và những buổi diễn thuyết của trường Trí Tri ở hội quán Đông Kinh ở Hàng Đào và Hàng Bạc. Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhớ đến những bài diễn thuyết đó, hùng hồn mà không thiếu vẻ thân mật, dồn dập mà thiết tha, thật đã có ích cho cái đám đại chúng hăng hái yêu nước, thiết tha yêu nước lúc đó vô cùng vậy. Hồi đó, nước ta chả thiếu người thành thực, sốt sắng, không ngần ngại, mỗi khi có một vấn đề gì hữu ích cho quốc dân, là đăng đàn diễn thuyết ngay; nhưng đại đa số là các ông nhà nho không hiểu mấy về cái thuật thuyết pháp, cái phép thôi miên đại chúng và tâm lý của thính giả nên bao giờ Nguyễn Văn Vĩnh, một người mới nhất trong đoàn đó, cũng được hoan nghênh hơn. Chúng tôi rất tiếc không thể thuật lại nhiều những buổi diễn thuyết đó ở đây, chỉ xin nhắc một vài vấn đề mà ông đã nói ở hội quán Trí Tri trong mấy năm 1904, 1905, 1906, 1907. Câu chuyện ông đem nói đi nói lại rất nhiều lần là vấn đề ca dao tục ngữ ở thôn quê Việt Nam, − câu chuyện mà sau này ông Phạm Quỳnh sẽ nhắc lại trên diễn đàn và đem in thành sách. Ông rất chịu khó sưu tầm các phong dao tục ngữ, các câu hát nhà quê, những câu hát gặt lúa, dặm vè, phường nón, phường vải, vân vân, và tất cả những cái đó, ông gọi chung là “nền văn chương truyền khẩu của Bắc Kỳ” (La littérature orale du Tonkin). Về sau này, ta sẽ còn thấy ông viết nhiều về vấn đề này; ông đem dẫn giải những câu hát nhà quê, − về điểm này ông cũng lại là một tên lính tiên phong nữa, − ông giới thiệu ta trăm ngàn câu vè, câu ví mới do một nguồn cảm xúc khác chảy ra (1914) và đã làm cho nhiều thính giả ngạc nhiên thán phục cái hay êm đềm, dịu dàng có rất nhiều thi vị của những câu hát miền Hà Đông là chỗ ông sinh trưởng (xem “Trẻ con hát, trẻ con chơi”). Đó là việc sau. Năm 1905, Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng nhất về hai bài diễn thuyết mà thời đó, và ngay cả bây giờ nữa, nhiều người chịu nhận rằng ông khảo cứu rất công phu. Đó là bài diễn thuyết về phong tục của các nước trên doanh hoàn, những sự tín ngưỡng và cả cái trí óc thông minh của con người ta nữa.

 “Muốn khảo về vấn đề này, ta phải nhìn vào nền văn học, cùng những truyện cổ tích, truyền kỳ và những câu hát bình dân trước đã. Ta sẽ nhận thấy rằng cái trí khôn con người ta ở đời giống nhau một cách tài tình. Các sự tích của người Hi-lạp nói về Cronos nuốt con, ở Úc châu Phi châu và nhiều nơi khác cũng có. Chuyện xuống Địa-ngục là một đoạn chuyện dũng mãnh mà nhiều nước trên địa cầu này vẫn kể đến luôn. Nhiều chuyện thần tiên của Perrault và Grimm na ná với những chuyện cổ tích của Á Đông và của Polynésie. [2] Thần thoại là một hiện tượng tối cần, khắp cả hoàn cầu đều có, mà nước nào cũng bịa đặt giống nhau. Người ta có thể ngờ rằng những sự phát biểu của các bản năng bịa đặt ấy là do những luật lệ chi phối, giống như những luật lệ đã chi phối việc lập ra những ngôn ngữ vậy. Tìm hiểu những cái lệ luật đó ra sao, đó là công việc của tương lai. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy xét về việc đã và chúng ta thử cố tìm hiểu xem ra thế nào.

Cái thời chúng ta ở bây giờ có vẻ muốn thiên về những cái gì thuộc đời cổ sơ. Sơ dĩ có sự khuynh hướng như thế là vì lòng người bao giờ cũng có tính tò mò về khoa học, đã đành rồi; nhưng còn vì những phong tục của tỉnh thành nó giam hãm người ta ở trong những phố phường đông đúc, trói buộc người ta vào bao nhiêu những công việc xã hội, làm ngăn trở sự phát triển của những bản năng về sinh lý của người ta. Chúng ta cảm giác mơ hồ như thương nhớ một cái gì đã qua mất, qua đi mất đã lâu rồi: cái đó là đời sống tự nhiên của giống ta. Cơ thể cổ truyền của ta khao khát sự hoạt động của ông cha ta ngày xưa nên bây giờ ta săn bắn, ta đi du lịch, ta tập thể thao. Ngay những người tưởng như thoát khỏi những tâm tính di truyền đó cũng ưa gợi lại những thời gian đã qua bằng cách xem văn, đọc truyện. Ngồi chễm chệ trong một cái ghế bành, cửa sổ đóng kín, mà ngoài kia thì phố xá được lính cảnh sát giữ gìn sự trị an cẩn thận, chúng ta sống lại một cách sướng khoái cái đời của những người chết khổ sở dưới nanh nuốt của hùm beo, những người bị aurochs [3] chà đạp hay bị chết đói chết rét ở trong hang đá.

Những nhà phong tục học còn cho ta biết rằng cái đời cổ sơ của ông cha ta còn rớt lại nhiều trong cái đời mới của chúng ta. Đối với họ, họ không phân biệt một người đàn bà botocudo, đút một miếng trầm qua mũi với một bà mệnh phụ xỏ lỗ tai để đeo kim cương, giữa một cái vòng bằng ngọc trai và một cái vòng bằng răng cá mập; họ không phân biệt một bà đài các đánh phấn trắng lốp với một mụ mọi ở xứ Polynésie bôi mồ hóng và thuốc súng vào mặt cho đen như đít chảo.

Những nhà phong tục học bày tỏ rằng cái bà chúa của ban ngày mà ta thường gọi là cái mốt đó bất quá chỉ là cái rớt của một quan niệm man dã dùng để chia đẳng cấp và sự giàu nghèo trong xã hội. Nói về những cảm tình trái ngược của người đàn bà ban ngày thì e lệ thẹn thùng mà đêm đến thì bận những quần áo ngắn để khiêu vũ, những nhà phong tục học đó đã có nhiều luận thuyết”.

Bài diễn thuyết đó đối với thời bấy giờ là một sự thú vị khó tả, những lời tha thiết mà tài tình. Những người đi bước sau này không thể nào tưởng tượng được ảnh hưởng của bài đó lớn lao như thế nào, dư luận chung quanh nó xôn xao như thế nào!

Còn nhớ lúc đó, cuộc bình định mới xong, dân ta chưa bỏ cái lối học nhờ của người Tàu, mà một người Nam trên dưới hai mươi tuổi lên diễn đàn nói được như thế kể đã đáng làm cho người ta kính phục.

Và Nguyễn Văn Vĩnh diễn thuyết bằng tiếng Pháp như thế luôn luôn: Một bài nữa mà người ta còn nhớ đến bây giờ là một bài bàn về luân lý và khoa học như gọi hồn những người thống trị và cả những người bị trị trên hoàn cầu:

“Giả sử ta hiểu rõ hơn được sự nhu cầu về vật chất của người ta, và biết cách lợi dụng cực khôn khéo các tư cách của cá nhân, mà lại có lòng thiết tha, tôn trọng các hình thức cuộc phát triển và tiến bộ của cá nhân, thời tất nhiên là có thái độ luân lý. Nhưng luân lý là ở cả trong tấm lòng thiết tha ấy. Tuy khoa sinh vật có thể giúp ta thích dụng cái chí làm điều thiện một cách thiết thực hơn, nhưng đối với cuộc hành động của cá nhân tuyệt nhiên nó không có cái quan hệ nhân quả vậy. Sinh vật học chẳng qua chỉ vạch cho ta biết đâu là điều hay lẽ phải theo nghĩa là người, cái công ấy kể cũng đã to lắm rồi. Duy luân lý mới có quyền sai khiến ta thực hành điều hay lẽ phải ấy. Khi nào luân lý chỉ bảo ta biết được rằng điều hay lẽ phải ấy phù hợp với điều hay lẽ phải theo nghĩa luân lý.

Nay chúng ta phải theo gương các nhà học giả người Pháp mà giải quyết vấn đề sau này nó đã làm họ băn khoăn bối rối. Ta vin vào đâu mà bắt buộc người đời phải tuân theo các điều luân lý? Phải chăng vì tôn giáo không đủ thế lực? Ta e rằng khoa học cũng chẳng hơn gì! Vẫn biết khoa học có một cái thế lực không ai chỉ nghị nổi, nhưng khoa học chi phối một địa hạt riêng biệt, khác hẳn địa hạt của luân lý. Khoa sinh vật học chuyên về nhân sinh cũng chẳng hơn gì khoa tổng sinh vật học, đều không trả lời được câu hỏi trên kia. Là một khoa học, sinh vật học chỉ quan sát cái hiện có. Luân lý, trái lại, yêu cầu cái phải có. Nhận thấy cái luật tiến hoá của xã hội loài người, chưa phải ta tôn trọng các luật ấy dù hiểu biết cái ích lợi của sự tôn trọng ấy cũng vậy.

Luật tiến hoá ấy đối với lương tâm tuyệt nhiên không có tính cách ức bách. Lương tâm chẳng qua chỉ tuân theo cái nghĩa vụ tự mình đề khởi mà thôi, lương tâm không đi tìm phương châm ở bên ngoài. Lương tâm cũng cần công ích, nhưng chỉ cần công ích khi nào đã nhận ra rằng xã hội và bản thân đều có giá trị đạo đức.

Trong một bài thuyết trình của Bergson tiên sinh mà tất cả các ngài đã được biết, tiên sinh tự hỏi nếu học thuật hiện đại ngay từ lúc phát nguyên, không noi theo con đường toán học, với thống truyền Hi-lạp, với các nhà bác học như các ông Kepler, Galilée, Newton, để khuynh hướng về khoa trọng học và sử dụng vật chất, mà trái lại khởi thuỷ dùng ngay phương pháp tâm lý mà thăm dò tâm trí, thời không biết lý ưng, tư tưởng hiện đại sẽ ra thế nào? Theo ý tiên sinh, nếu có chuyện ấy, tất nhiên ta có một khoa sinh vật chuyên khảo về sức sinh hoạt, tính cách và phương pháp hoàn toàn khác hẳn với phương pháp, tính cách khoa sinh vật học ta hiện có. Khoa sinh vật học ấy lý ưng sẽ mò mẫm dưới những trạng thái hữu hình của các giống sinh vật để truy tầm cái năng lực vô hình tiềm tàng ở đó. Lý ưng sẽ phát sinh ra một khoa y học chuyên trị các trạng thái bất toàn của sức sinh hoạt. Nhưng nếu vậy, biết đâu lại chẳng là chuyện thả mồi bắt bóng. Ta sẽ không có được như ngày nay trí minh bạch, thiết thực, tính ưa kiểm soát, dẫn chứng và thói hay phân biệt cái có thể, cái có lẽ với cái có thực là những cái sở đắc quý báu quá, ta chẳng còn bụng nào mà tiếc một sự quyết đoán đã đem lại cho ta những cái kết quả tốt đẹp như thế nữa…”

 

III. Nhà diễn thuyết (tiếp theo)

Dù sao, diễn thuyết bằng tiếng Pháp như thế cũng chỉ có thể có ích cho một thiểu số người Việt Nam, một thiểu số may mắn theo kịp phong trào mới, nghe và hiểu được chữ Lang-sa. Vả chăng, có nhiều vấn đề đem bàn không cần thiết cho người Pháp lắm, nói bằng tiếng Pháp không lợi gì; Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức những cuộc nói chuyện bằng tiếng Nam để trực tiếp với đại chúng và những cuộc nói chuyện này càng nhiều hơn những cuộc nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Một số nhiều những bài diễn này sau đây đều đem đăng tải ở trong Đông Dương tạp chí. Xem lại thì những ý tưởng của những nhà bút thiệt bây giờ cũng chả hơn gì những ý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh lúc bấy giờ. Như bài diễn thuyết về việc học mà chúng tôi xin trích lại dưới đây một đoạn:

“… Học để mà học, chớ không phải là học để làm quan, thì nước Nam ta thực hiếm. Có một vài ông là vào bực học cho lấy hay, lấy nghiệp gõ đầu trẻ làm cái vinh hạnh nhất trong thiên hạ, nhưng chẳng qua biết nghề học là nghề nhàn, dạy đàn trẻ cũng chỉ muốn cho nó như mình mà thôi, hai nữa là trong gia thục gây nên được mấy thày cử thày tú, về sau có ai làm nên quan nọ quan kia thì mình cũng nhờ vào cái nghĩa học trò phải đội ơn thâm mà thờ suốt đời, mà chắc không phải khốn khó, đã có lũ học trò phải tư giúp. Còn như học để tìm lấy điều hay cho xã hội, học để tra khảo tạo hoá cho tạo hoá có điều gì bí hiểm phải xưng ra cho nhân loại thêm kiến thức mà bổ cách sống ở đời cho thêm sung sướng, bớt tật bệnh, hết khổ não, thì cái học ấy ở nước Nam ta không có ai. Mỗi người đi học, là thiệt cho việc cần lao chung một người. Hễ việc học của mình có công hiệu, có đắc dụng được cho thiên hạ thì mới thực là đáng được trừ cái khó nhọc chung, chớ người đi học mà không hay được việc gì, thì thực là ăn lường cơm mặc lường áo của xã hội. Nói tổng lại, thì trong nước Nam ta cần mẫn nhất chỉ có người làm ruộng, người làm ruộng xứ Bắc Kỳ với Trung Kỳ mà thôi, nhưng mà sự cần mẫn ấy, nhà làm ruộng không biết lấy làm vinh hạnh. Tay cầm cày mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn, tả cảnh trên giời dưới biển, thì cũng quăng đi ngay. Người đi buôn, người làm thơ thì lúc nào bất đắc dĩ phải vất vả thì vất vả. Đến khi nhờ cái chàng cái đục, cái kim cái chỉ, mà có đồng dư, thì đi lo ngay cái hàn cái bát chi chi, nghề nhà giao cho lũ đầy tớ, không thèm làm nữa. Còn nhà nho thì khốn học, ra công đèn sách, cũng chẳng qua cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần chú mở cái cửa công đường. Làm đến quan chữ nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa, thì cái cần lao đó có gọi là cần lao hữu dụng được không? Vậy thì nên kết rằng người An Nam, thực có nết siêng năng, chịu khó; nhưng mà cái nết ấy nên khiến cho nó có nghĩa lý, có ích lợi cho đời, mà phải biết quý cái siêng năng, chớ đừng có cho là một cái tội để dành cho kẻ kém âm đức mà thôi”.

 

Lại như bài diễn văn về vấn đề “Chữ nho nên để hay nên bỏ?”

“… Học có hai bậc, một bậc sơ đẳng để cho trẻ con mới lớn lên, học lấy biết gọi là mỗi thứ một chút. Trong bậc ấy, học có ba năm, tưởng không nên dạy chữ Pháp một tí nào. Còn bậc trung đẳng, để đi thi cử, để nên những bậc có tài riêng ngày sau, chẳng phải hay chữ Nho, mà cũng chẳng phải thông chữ Pháp, thực là những người thông Quốc văn, thì phải có học chữ Nho và chữ Pháp, chữ Nho để am hiểu sử nước mình, văn chương nước mình do ở đó mà ra, chữ Pháp là chữ của nước Bảo hộ ta ngày nay, là chữ của ông thầy mới mình trông mong mà học lấy thuật hay. Trung đẳng học ta thì nên bắt học cả chữ Nho và chữ Pháp, nhưng Pháp Việt học thì lại nên bỏ đứt chữ Nho đi. Lối học ta mới, còn gần lối học Nho ngày trước, cho nên học chữ Nho được kỹ. Mà chữ Nho đã học không học dối được, ở các trường Pháp Việt mà đem dạy chữ Nho buổi nào, học trò thiệt mất buổi ấy.

Phàm con trẻ An Nam đã vào học Pháp Việt, toàn là đi học cướp gạo cả, chỉ muốn cho chóng thông tiếng Đại Pháp mà đi làm việc hoặc để buôn bán với người Đại Pháp. Hoạ là mới có một hai người học tiếng Đại Pháp để mà tốt nghiệp chi hậu, lại còn chăm vào việc học cho quán thông lịch sử, luân lý cũ nước Nam. Bởi thế ở các tràng Pháp Việt, cứ hôm nào đến phiên mấy thầy giáo chữ Nho dạy, thì học trò cho như là một buổi phải nghỉ, ngồi mà ngủ gật, trong khi thày giáo viết lên bảng những bài học nhỡ nhàng, dễ quá cho kẻ biết rồi, khó quá cho kẻ chưa biết.

Tổng kết lại, thì chữ Nho chỉ nên còn giữ lại để mà dạy ở khoa Trung đẳng Nam học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao đẳng Nam học hoặc khoa ngôn ngữ văn chương ở cao đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ Nho. Bây giờ, trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ Nho nữa, mà các tràng Pháp Việt cũng xin bỏ lối dạy chữ Nho”.

Có người nông nổi nghĩ và viết rằng Nguyễn Văn Vĩnh bởi vì ít học chữ Nho nên viết Quốc văn thường sai và họ viện lẽ đó mà bảo rằng Nguyễn Văn Vĩnh không bao giờ chủ trương nên dùng chữ Nho để dạy ở các trường.

Xem bài diễn văn mà chúng tôi trích đăng ở trên đây, ta thấy rằng những người nói như vậy không có gì sai hơn.[4] Ta không nhận rằng trong ba mươi năm tận tuỵ với báo giới Quốc văn và Pháp văn, Nguyễn Văn Vĩnh không nhầm lẫn bao giờ (cách làm việc của ông, sẽ có nói đến ở những chương dưới), nhưng chắc chắn rằng mớ học nho của ông cũng đủ dạy cho cái người đã viết sách công kích một chữ trong bản dịch “Ba người Ngự lâm pháo thủ” của ông dịch trong khi bộn bề công việc. Nguyễn Văn Vĩnh theo mới và mới lắm, nhưng không bao giờ chủ trương bỏ những cái hay cũ của nước ta đi: “Trước khi bảo tiền nhân nghĩ quẩn, thì cần phải biết tiền nhân nghĩ thế nào. Vì nếu chưa hiểu cái lý thuyết của ông cha ra làm sao, mà nói rằng những lý thuyết ấy nhảm nhí, − bởi vì thấy những lý thuyết của người khác kết quả nên sức mạnh trước mắt, − thì có lẽ vốn liếng của ta có bao nhiêu đem vứt đi hết, mà vốn liếng của người thì mình chưa thâu lấy được. Cũ thì mất rồi mà mới thì không được, bởi vì cái mới của người nó chỉ hay cho người, mà ta không dùng được tiện lợi”.

Đó là lời Nguyễn Văn Vĩnh vẫn thường nói với các nhà bỉnh bút Trung Bắc tân văn và có lần chính ông đã tuyên ngôn như thế với phóng viên của một tờ báo trong Nam trong khi phỏng vấn ông về vấn đề “trực trị”.

Xem vậy, Nguyễn Văn Vĩnh rất mới nhưng lại rất cũ; ông không hề cổ động bỏ chữ Nho để hoàn toàn theo tây bao giờ. Nguyễn Văn Vĩnh nhận rằng chữ Nho cần lắm, nhưng dạy ở trường Pháp Việt thì vô ích, “đợi mai sau khi nào có cả khoa Cao đẳng Nam học hoặc khoa ngôn ngữ văn chương ở Cao đẳng, bấy giờ lại có nơi khác phải dùng đến chữ Nho”.

Thật không có gì chiết trung và xác thực hơn cái ý tưởng đó. Chứng cớ là chính mắt ta đã thấy sự thất bại của công việc thử đem chữ Nho để dạy con trẻ ở các trường tiểu học: sách Hán học in nhiều, các trẻ ra công mà tập đọc và tập viết mà kết cục chẳng ăn thua vào đâu cả. Chữ Pháp và chữ Hán trộn lộn ở trong đầu chúng thành một thứ sà-lát khó tiêu, ai cũng biết thế; nhưng ngay lúc bài diễn thuyết đó ra đời, có lẽ nhiều người cũng chưa lấy làm tin lắm. Chúng ta phải đợi đến hai mươi năm sau, mới thấy Nguyễn Văn Vĩnh nói đúng như thế nào và đến bây giờ, nếu Nguyễn Văn Vĩnh còn, tất ông phải lấy làm sung sướng được thấy cái mộng tưởng của ông về chữ Nho đã thành trong muôn một. Theo nghị định quan Toàn quyền Decoux ký ngày 5 Mai 1942, Đông Dương lập nền học cổ điển Á Đông, dạy 6 năm, từ lớp sáu đến lớp nhất như các ban Trung học Pháp, Chương trình có một khoa học đặc biệt là khoa chữ Nho dạy trong 5 giờ một tuần lễ (l’enseignement de caractère chinois) dạy chữ (langue) cùng kinh truyện, sử sách, văn minh cổ Việt Nam và Trung Hoa.

 

IV. Xuất dương

Tuy vậy, muốn lấy tài học ra giúp ích cho xã hội, mà chỉ diễn thuyết suông thôi, không đủ. Nguyễn Văn Vĩnh muốn hoạt động một cách thiết thực hơn.

Lúc đó, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục gặp một hồi vấp váp. Nguyễn Văn Vĩnh không thể làm việc gì khác được, ngoài cái việc đi làm kiếm mỗi tháng lấy mười hai đồng để sống một cách có thể gọi là kham khổ ở cái căn nhà tối tăm nhỏ bé ở số 39 phố hàng Mã Mây. Cơm ăn thường bữa chỉ có mấy xu chả trâu với cà. Thỉnh thoảng lại có một hai người bạn thân như T.T.K., P.D.T.[5] đến chia bữa cơm rau; mấy anh em sống một cách nghèo nàn nhưng vui vẻ; không giàu tiền nhưng giàu sách vở, giàu học thức, giàu lý tưởng.

Sợ rằng cứ sống như thế thì rồi cái chí của mình đến tiêu ma, Nguyễn Văn Vĩnh xoay cách hoạt động: ông lấy ngọn bút làm lợi khí để nói rõ ý tưởng của mình, để hô hào quốc dân, để bênh vực đồng bào. Ba chữ ký “Tân Nam Tử” bắt đầu xuất hiện từ đó, không phải ở dưới những bài báo quốc văn, nhưng chính là ở dưới những bài báo Pháp do người Pháp chủ trương và xuất bản. Những bài báo hùng hồn có những lời bàn xác đáng làm cho người đọc phải tò mò muốn tìm biết Tân Nam Tử là ai. Thật là một buổi thử thách, là một buổi thành công vậy.

Dưới đây là một bức thư của Nguyễn Văn Vĩnh gửi cho Ô. T. chủ báo C.F. về việc các bạn đọc hỏi về cái tên Tân Nam Tử (nguyên văn bằng chữ Pháp, đề ngày 10 Décembre 1905).

Kính ông chủ nhiệm,

Tấm lòng quý hoá của ông đối với bức thư ngày 7 Décembre của tôi và cái tính quảng bác của ông thường tỏ với đồng bào tôi, đã bắt tôi phải có một cái phận sự là không được ẩn danh với ông nữa.

Vậy, mấy hôm nữa, tôi sẽ xin có dịp đến hầu ông ở ngay tại buồng giấy.

Trong khi chờ đợi, tôi thiết tưởng cũng nên trình để ông biết tại sao tôi lại phải ký trên báo bằng biệt hiệu. Không phải tôi lo ngại gì đâu, nhưng chính là vì tôi nghĩ rằng ký bằng biệt hiệu như thế, người đọc không biết tôi là ai, tôi sẽ có thể viết công nhiên những ý tưởng của tôi mà không sợ ai chê cười những điểm lầm lẫn trong khi tôi diễn giảng bằng một thứ ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của nước tôi…

… Tôi tưởng cũng nên thưa để ông biết rằng tôi rất hoan nghênh bản thỉnh cầu (6) của đồng bào tôi, nhưng đó không phải là một cớ để bảo rằng tôi là tác giả bản thỉnh cầu đó. Riêng tôi, tôi chịu ơn nước Pháp nhiều, không bao giờ lại đến nỗi bạc bẽo; và tôi lại yêu cả nước tôi quá, không bao giờ lại muốn cho nước tôi gây thù gây oán với những người cần thiết và không có không thể được.

Bây giờ tôi nghĩ cũng chả nên giấu tên tuổi và chức nghiệp của tôi làm gì nữa; bởi vì tôi đã tin ông. Tôi là Nguyễn Văn Vĩnh, thư ký sở Đốc lý (phòng coi về Đấu xảo Marseille) ở 59 phố Hàng Mã Mây, Hà Nội”.

Vừa bắt đầu nghề báo mà tự mình đã gây cho mình được một cái tên như thế, được một nhà viết báo Pháp lâu năm nhất ở Đông Dương thiết tha như thế, lại được độc giả Pháp Nam xôn xao hỏi han như thế, Nguyễn Văn Vĩnh nức lòng và thường viết bài có những ý kiến đáng để người ta chú ý.

Một nhà báo Pháp, ông Marc François Rey, bỉnh bút báo Est thường vẫn nói rằng: “Cái địa vị của một tờ báo Nam viết bằng chữ Pháp là phải làm thế nào bày tỏ cho người Pháp không đọc được quốc ngữ biết một cách rõ ràng, thành thực cái tinh thần Việt Nam trước mọi vấn đề sinh hoạt bản xứ và quốc tế. Nếu không thế, thì tờ báo đó là thừa ở trước những tờ báo Pháp do người Pháp chủ trương”. Thì, Nguyễn Văn Vĩnh từ lúc mới bắt đầu viết báo đã chủ trương như thế, cho nên bao nhiêu bài báo của ông viết hồi đó rành nói về những điều gì có liên quan đến xã hội Việt Nam. Đáng chú ý nhất là một bài trả lời ông H.Đ.M., tác giả bài “Une leçon de patriotisme” (Một bài học ái quốc) mà chúng tôi xin dịch dưới đây mấy đoạn:

“Chúng tôi không chối cãi rằng người Nam chúng tôi khổ lắm, nhưng nước nào ở trên thế giới này lại không có những cái khổ riêng. Chính lúc người ta khổ nhất, một đôi người thỉnh cầu điều này điều nọ, người ta thường nghĩ cách để mà tìm phương chữa chạy.

… Chúng tôi trông đợi các ông đến để dìu dắt lên con đường sáng sủa. Thảng hoặc có ấy cũng là vì nóng lòng muốn cho nước họ khá hơn, và thiết tưởng cái điều ước muốn đó cũng chả có gì đáng trách… Người nhà quê Việt Nam nhắc lại thời các ông chưa đến vẫn có câu cửa miệng “Lúc bình thì”. Vậy thì theo họ bây giờ ra là thời khó khăn. Ấy thế ông H. D. M. có còn nói rằng “cái tình trạng người nhà quê Annam bây giờ đã khá hơn trước” nữa không.

Ông M. lại nói rằng từ khi làm đại biểu hai xứ Trung Bắc, ông đã làm cho chúng tôi sung sướng… Có chúng tôi sung sướng thật, nhưng đó chỉ là một số rất nhỏ nhen; mà muốn xét người Nam chúng tôi thì không thể xét như vậy được, ta phải nhìn vào người nhà quê. Còn về phần những người đi học thì các ông trách chỉ tơ tưởng làm quan, không biết học để mà giúp ích cho nước, nhưng các ông làm cho họ chỉ có thể mơ ước như thế mà thôi…

… Những ý tưởng trên này, phàm người Việt Nam chân chính nào cũng có… Các ông dạy dỗ chúng tôi đi và giúp sức cho chúng tôi tìm ánh sáng. Điều cần nhất là các ông nên thành thực và muốn thế thì các ông cứ tưởng tượng là đang ở địa vị chúng tôi”.

Đó là thời kỳ thử thách. Nghề báo, tuy là một nghề không trường, không thày thật, nhưng người làm nghề không thể cứ làm liều được. Ông Nguyễn Văn Vĩnh có cái tư tưởng học tập để viết báo từ đó, nhưng học tập ở đâu được? Vẫn biết rằng hồi đó, ở Bắc Kỳ, cũng đã có vài nhà báo tây rồi đấy, nhưng bấy giờ người ta vẫn có vẻ như muốn giữ nó làm một nghề bí mật, xếp chữ, lên khuôn, đặt bài, viết báo, nhất nhất mấy người tây đều làm cả. Muốn làm nên một tờ báo hoàn toàn để bán cho công chúng, người mình chưa có ai biết tới. Nguyễn Văn Vĩnh chưa có ý tưởng làm một tờ báo của riêng mình, − một ông thư ký lương tháng 12p50, bao giờ lại dám có ý tưởng đứng chủ trương riêng một tờ báo cho mình, nhưng quả thực là từ hồi đó ông đã biết cái ảnh hưởng và sức tuyên truyền của một tờ báo lớn lao như thế nào. Nhưng làm thế nào được? Khi mà người ta ở một nước Việt Nam 1906, mà lại không có tiền…

Thì may sao, giữa lúc đó ở Pháp mở ra cuộc đấu xảo Mạc-xây.

Nguyễn Văn Vĩnh cùng với mấy người nữa như Trần Trọng Kim, Đào Huống Mai, Đỗ Thận, Nguyễn Hữu Phúc, Chi, Kiên, Thụy, v.v… dưới quyền chỉ dẫn của một người Pháp tên là Hauser được cử sang Pháp với những thuyền thợ đi đấu xảo.

Ngày đó, đi Pháp là một chuyện đi sang nước Thục “khó khăn như đi lên giời”; nhưng phần có bạn đồng hành, phần lại

“… sự đời muốn trải một ly gọi là

Mơ màng qua đất Âu-la,

Ngó coi một ít nào là văn minh…”

nên dù vợ con có ngăn giữ, − lúc đó Nguyễn Văn Vĩnh đã có hai con là Vòi nhớn, Vòi con, − ông cũng quyết chí không bỏ lỡ cơ hội tốt.

“Những điều trông thấy” của Nguyễn Văn Vĩnh có ích cho kiến thức của ông thế nào và mở con đường tiến thủ của ông ra sao, sau này ta sẽ biết. Chỉ biết rằng, ngay khi bước chân xuống Cảng để đáp tầu vượt trùng dương, cái mầm làm báo đã nảy nở mạnh ở trong ông và, chả biết hữu ý hay vô tình, ông đã thành một nhà phóng sự. Bài phóng sự thứ nhất của ông là một bài kiểu Notes de voyage của Albert Londres viết bằng thơ, xin trích mấy đoạn như sau:

… Mơ màng qua đất Âu-la,

Ngó coi một ít nào là văn minh.

Xem sao lại kẻ hơn mình,

Thử xem con tạo có tình gì chăng.

Mà đông lại điểm sắc vàng,

Tây thì để trắng, Nam màng mịt đen.

Xem cho đến tận ý trên,

Thử xem vàng đỏ trắng đen nghĩa gì.

Hay là châu hạt biệt ly

Hay là lấy sắc để bì trí khôn?

Cố sang đến tận lang môn

Để xem người trắng bán buôn thế nào?

Ngoài cường trong nước làm sao

Dạy người thế ấy, luật nào trị dân?

Lân bang giao thiệp xa gần?

Văn chương bác học phú bần thể nao?

Dân gian hưởng thái thế nào?

Luân thường phong tục làm sao khác mình?

Thử xem hai chữ văn minh,

Có làm dân đảng hiển vinh hơn người.

Kể từ ước đã mấy mươi,

Bỗng đâu hòng chín được mười rõ may!

Nhân kỳ đấu xảo Mac-xây,

Nghìn chín trăm sáu tới ngay thật vừa.

Nhớ ơn bảo hộ linh thừa,

Theo đoàn thuyền thợ dân đưa mọi người,

Đầu năm vừa quá mười mươi,

Xếp thu hòm xiểng để xuôi Hải Phòng.

Bạn xưa đưa đón mừng lòng,

Đó đây vài chén ước hòng nhiều câu.

Họ hàng kẻ tủi người sầu,

Tiễn chân cho đến thang tầu “Cachar”.

Thuyền vừa quay mũi giở ra,

Một giờ đã điểm chuông nhà Sáu Kho.

Trên thuyền chưa dứt lô bô,

Lườn sông đã quá biển to đương vời.

Vừa may sóng gió thuận giời,

Gác tầu chễm chệ trông giời nước xanh.

Bốn bề ngó quất ngó quanh,

Ngàn giời xanh với nước xanh một ròng.

Sớm chiều nhật nguyệt đôi vừng,

Cứ quen lý cổ mọc đông lặn đoài.

Lườn thuyền tiếng nước êm tai,

Nhắc thời vùn vụt canh dài ngắn không.

Mặt giời vừa tỏ hai đông.

Trước nơi Đà Nẵng đã trông thấy bờ.

Đến chiều, vừa đúng bảy giờ,

Trông vào còn thấy mập mờ Tourane.

Đỗ tầu xuống chiếc tam ban;

Ghé qua thăm tỉnh Quảng Nam một hồi.

Các tầu lẻ tẻ dăm đôi,

Đi quanh một dạo vừa thôi hết đường.

Sáng ngày mờ tỏ thái dương,

Mũi tầu đã giở theo đường Quy Nhơn.

Ngang đường ngắm cảnh núi non,

Vài ngày lại ghé bến đồn Nha Trang.

Nhà tranh lẹt đẹt dăm hàng,

Ngắm xem rừng núi lại càng buồn thay!

Rút neo đi suốt một ngày,

Saint Jacques Giác [7] đã thấy ngay kề kề.

Nhìn quanh nhìn quất bốn bề,

Pháo đài chia chỉa, quả đê đỡ người.

Cỏ cây nhan nhản tốt tươi,

Quả hoa xanh đỏ như cười với xuân.

Tính vừa chưa hết một tuần,

Sài Gòn đâu đã như gần tới nơi.

Lừ lừ tầu chạy sông Nhoi,

Bỗng đâu đã thấy đò bơi trước cầu.

Lình thình neo kéo hồi lâu,

Ngảnh đi ngảnh lại đã mau lên bờ.

Một hồi quanh quất bơ vơ,

Thăm dò một lát, ngẩn ngơ tìm đường.

Địa đồ mua lấy một trương,

Tỉnh thành lầu các phố đường phân minh.

Xe hòm ngồi tựa đinh ninh,

Qua cầu sông Mới qua hình d’Adran.

May chiều vừa có bóng giăng

Hết ra chợ chính lại đằng Cát-na,

Gồm nhà giây thép to. Cha!

Giống thay vườn cảnh ngã ba đầu đường.

Nor’dom phố mấy (8) rộng nhường,

Charner thăm thẳm hai hàng giồng cây.

Quan’ a mấy (9) lại đẹp thay,

Dãy toà Thống đốc đẹp tầy dinh vua.

Nhà Chung đứng giữa lửng lơ,

Hai chòi ngất nghểu vẩn vơ cổ quyền.

Hoả xa cùng mấy hoả thuyền,

Chíu cho ngang phố, liên miên đầy phòng.

Khen ai ghê gớm phu công

Làm cho bãi vắng bỗng đông nên thành.

Nơi này khi trước nhà gianh,

Bây giờ sau sát lầu dinh cao dài.

Chỗ kia xưa túp thuyền chài,

Bây giờ quan lộ lâu đài giăng giăng.

Hai ngày quanh dạo tung tăng,

Khi chơi phố rộng, khi thăng cao lầu.

Hết phố tây, lại phố tàu,

Ta thì lác đác không đâu có nhiều.

Đó đây vài đám tuỵ tiều,

Hoặc là xe kéo, hoặc chèo tam ban.

Hoặc là thông ký xì xoàng,

Hoặc là bồi bếp chí gian thôi mà.

Ban chiều dạo phố la cà,

Khăn quàng xanh đỏ, áo là cổ cao.

Đĩ ……………. lêu lao,

Khi vào Nhà-xét, khi vào Café.

Sì gà, rượu mạnh tỉ tê…

…………………………………..

… Trừ ra văn học, kém gì?

Trừ ra buôn bán ai bì được em,

Nghĩ tình Nam, Bắc anh em.

Cùng người bản xứ liền đem sự tình

Hỏi từ Tây đến dạy tinh,

Gần đây thế kỷ học hành những chi?

Nam rằng Trương Vĩnh (10) là gì!

Quan binh cai trị, thiếu chi người mình.

Nào thày kiện, nào y sinh,

Người tài giồng giọt, người tinh đo đường

…………………………………………….

… Giã từ hai sự ước ao

Bên buôn bên học bên nào cũng tinh.

Văn nhân mấy bực thông minh,

Liệu bài sao khỏi của mình người thu.

……………………………………..

…………………………………….. (11)

Còn bề chè chén ăn chơi

Kém người dăm bực cũng thôi chịu nhường.

Tỉnh ngay dức mộng (12) dũng cường,

Can qua thôi hãi (13) chịu nhường vài thưng.

Ngoại keo thôi cũng nên mừng,

Sức dùng đấu vật giữ lưng cầy bừa.

Đời gần qua buổi gió mưa

Thiết tần lôi thống (?) đồ thừa nay mai.

Đồng bào gắn bó một hai,

Rời chân Chợ Lớn dạo vài giờ chơi.

Trông mà gan quặn ruột sôi,

Đất nhà rành mạch, của người dinh cơ.

Quan mình cai trị sờ sờ

Lợi dân không biết dân nhờ ai trông?

Người Nam khố rách đầu không,

Chú Tàu đâu đến dinh trong dinh ngoài.

Bán nem cho chí thuyền chài,

Cu ly cũng phải dụng tài chú… đuôi.

Miền Nam bán ngược buôn xuôi,

Nước rừng cây núi để nuôi miệng người…

Đọc xong mấy đoạn bài du ký Đi Tây trên đây, chắc các bạn đọc không khỏi mỉm cười mà cho đó là một lối văn quá thực thà, vần điệu dớ dẩn, mà nhiều đoạn tối nghĩa là khác nữa. Ta có cảm tưởng đó là một bài vè của sẩm chợ, một thứ thơ lục bát rẻ tiền, nhưng có ai biết rằng, muốn làm được một bài văn như thế, vào khoảng 1906, người ta đã khó khăn biết bao nhiêu và phải gắng sức biết bao nhiêu!

Trong một bức thư quốc ngữ có xen nhiều chữ Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh gửi cho một người bạn thân là Tr. Trg. K., người ta lại thấy mấy câu này:

“… Sao không gửi cho tôi một cái thư? Được thư anh, giả nhời ngay. Nói cho tôi biết “chú bán bánh” có tin cẩn được không? Tin cẩn được thì tôi sẽ viết chữ pha-lang-xa cho dễ hiểu” (14)

Xem vậy thì đủ biết viết quốc văn lúc đó thực khó khăn; muốn bày tỏ điều gì văn ta có vẻ như không đủ chữ; vả lại, người ta đối với quốc văn không có bụng kính trọng, nên thường lười không muốn nghĩ ngợi để tìm chữ, tìm câu là khác.

Trong những mớ tài liệu (thư từ gửi cho bạn bè, thư giao thiệp, thư doanh thương, những bài báo viết dở, những bản chương trình thảo sơ lược, những điều lệ hội xuất bản Trung Bắc tân văn v.v…) mà chúng tôi hiện có dưới tay, bảy phần mười, Nguyễn Văn Vĩnh đều thảo bằng chữ Pháp. Ngay cuốn nhật ký của ông ghi những điều mắt thấy tai nghe hồi đi dự cuộc đấu xảo Mạc-xây ở Pháp, cuốn nhật ký viết để cho mình đọc, Nguyễn Văn Vĩnh cũng viết bằng tiếng Pháp và suốt từ đầu đến cuối không có một giòng bằng quốc văn. Dưới đây, chúng tôi xin trích dịch mấy đoạn nhật ký và thư trát vãng lai giữa Nguyễn Văn Vĩnh và anh em bè bạn để chúng ta xem cho biết vang bóng thời đại lúc đó ra thế nào: y phục, phong tục, tâm lý, giáo dục, v.v… nhất thiết bây giờ đều khác cả, mà chả hiểu khác như thế thì là điều dở hay là hay?

“… Từ sáng nay, chúng tôi vào sông đào Suez. Đẹp lắm, dài độ 161 cây số, ngang độ 30 và sâu độ 10. Bên tay phải là sa mạc Ấn Độ, bên tay trái là sa mạc Phi châu, đó đây có vài ốc địa (oasis). Bên tả thỉnh thoảng lại có một cái ga con. Từ Colombo trở đi, chúng tôi dễ chịu lắm với những hành khách người Âu có vẻ chế nhạo chúng tôi. Họ thấy có người Annam đi cùng tầu với họ thì có vẻ không bằng lòng…” (Thư gửi cho Ng. V. Thọ)

 

“… Ở Marseille, không có gì lạ. Trời hơi lạnh mấy hôm nay. Ở bên ta có lẽ lúc này đương kéo quạt, ở đây người ta mặc quần áo nỉ.

Anh nói giúp hộ với nhà tôi rằng bất đắc dĩ tôi đã may quần áo tây rồi. Ăn mặc như thế, người ta mới không ngạc nhiên và đỡ bình phẩm về mình. Quần áo may xong, tôi sẽ chụp ảnh và gửi ngay về cho anh một bức…”  (Thư gửi cho Ng. V. Thọ)

 

“… Kèm theo bức thư này, tôi gửi một bức hình do một nhà nhiếp ảnh tài tử chụp giúp. Anh thấy tôi đứng ở trước một cửa hiệu ở phố Hà Nội trong đấu xảo Mạc-xây. Lấy kính hiển vi ra mà xem, anh sẽ thấy từ ngày sang Pháp tôi thay đổi ra thế nào.

Trước mặt tôi là một ông tên là Phúc, làm ở sở Musée Commerciale ở Hà Nội; mà theo lời ông ta nói thì hình như có họ hàng với ta, chả biết họ hàng xa hay gần. Dù sao, ông ta cũng quán tại Phượng Dực và cùng họ: Nguyễn Hữu Phúc. Trong cùng trong bóng tối là ông Chung, nhà họa sư ở phố Hàng Bát cũ mà tôi cùng kéo đi đấu xảo.

Cùng với bức hình này, lại còn cả một cái carte postale.[15] Anh trông thì thấy tôi đội mũ rơm, đứng trên Văn Chỉ phố Hà Nội. Đằng sau tôi là ông Đào Huống Mai, rồi đến ông Chung, dưới cầu thang là ông Kiên cũng đã cắt tóc như tôi vậy. Người mặc quần áo tây là Kim (Trần Trọng Kim) còn hai người kia là thợ.

Hình như người Pháp họ chụp nhiều ảnh cartes postales kỳ đấu xảo này lắm và trong nhiều bức ấy có tôi, nhưng tôi chưa có thì giờ đi tìm xem để mua.

Tôi hiện ở thuê một cái buồng trên tầng gác thứ năm số 109 phố Lieutaud và làm việc từ 9 giờ sáng đến trưa và chiều thì từ 2 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi. Nhưng riêng đối với tôi thì chả có giờ giấc gì cả, tôi làm việc cả đêm và cũng chả được rỗi rãi mà đi xem thành phố nữa.

Chính Đấu xảo bây giờ đương vui. Anh nói giúp hộ với nhà tôi rằng có thấy tôi cắt tóc ngắn thì đừng giận nhé. Ý tôi thì tôi không thích gì mặc quần áo tây đâu, nhưng cứ để cái búi tóc lù lù, bận lắm mà người ta nhìn mình một cách chế riễu. Không chịu được. Nên tôi mới đành phải bắt chước người ta.

Anh xem đấy thì biết: Kiên, Kim đều làm như thế cả. Ông Đào còn ra dáng ngần ngừ nhưng chắc chả bao lâu rồi cũng bắt chước tôi thôi.

… Trong khi tôi cập bến Hải Phòng, tôi có gặp ông Thu (Nguyễn Hữu Thu) và ông ta có ý muốn vận động cho tôi ở lại Pháp sau khi đấu xảo Mạc-xây bế mạc. Ông Thu có ý muốn cho tôi thành một ông giáo dạy một cái trường Bảo hộ riêng, hình như sắp thành lập dưới quyền bảo trợ của quan Kinh lược, mà cái tinh thần của trường này hình như thiên về cái học mới của Tây phương. Ở Hà Nội cái ý kiến đó, tôi xem chừng như còn mới lắm vì tôi xin thú thực rằng vấn đề giáo dục thiếu niên còn quá chậm, nhưng ở Hải Phòng này thì khác hẳn. Cái cảnh tượng học hành ở đây an ủi ta rất nhiều. Còn gì vui mắt bằng được trông thấy một bọn trẻ hai ba chục đứa lên năm lên sáu, ăn vận Âu phục, nói tiếng Pháp, đứa nào đứa nấy đều có vẻ thông minh nhanh nhẹn, cái vẻ thông minh nhanh nhẹn nó là đặc tính của tuổi thiếu niên mạnh dạn, chứa chan hy vọng. Trẻ con ta cho học với trẻ con tây có cái lợi này: là trẻ con ta sẽ có cảm giác bình đẳng, không rút rát.

Xưa nay tôi vẫn chủ trương phải bảo tồn quốc phục, nhưng đến bây giờ thì tôi bắt đầu nhận thấy rằng sự thay đổi bề ngoài có một ảnh hưởng rất to tát cho cái bên trong. Tôi sẽ có dịp nói rất nhiều về vấn đề này một cách kỹ càng hơn và tôi sẽ không quên trưng những tài liệu triết lý và những hiện tượng tâm lý mà tôi đã nhận xét được…” (Thư cho Phạm Duy Tốn)

 

Xem mấy đoạn thư trích dịch trên đây các bạn tất đã thấy, trong vài nét phóng, tâm lý một bọn thanh niên 1906 thế nào. Đó là những người sốt sắng đi tìm cái mới, cái lạ, cái lớn, lòng trong sạch và thanh thản chứ không buồn rầu và chán nản như một số nhiều người ngày nay. Họ thiết tha yêu nước và hồ đem được một điều gì mới lạ thì họ sôi nổi, họ sung sướng. Nguyễn Văn Vĩnh, hơn hẳn một số anh em đương thời, mạnh bạo làm những cái gì mà ông xét có thể có ích cho nước, cho quốc dân đồng bào chứ không rụt rè hoài nghi, như phần nhiều thanh niên bây giờ. Bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh biết con đường mình phải đi, biết vạch sẵn một phương châm nhất định, cứ thế mà tiến để đi cho tới đích. Chính bởi thế, ông làm được rất nhiều việc, gây được nhiều phong trào mà chúng tôi sẽ nói dần ở dưới đây. Trong việc đề xướng lên vấn đề cắt búi tóc, mặc quần áo tây, ông là một trong những tên lính tiên phong hăng hái nhất.

 

IV. Nhà viết báo

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Văn Vĩnh viết báo từ hồi chưa đi Pháp, nhưng viết hồi đó chỉ là viết chơi, chứ thực chưa có gì ham thích cả.

Muốn thấy cái tài viết báo của ông chớm nở như thế nào ta phải đợi để lúc ông tạm bỏ cái xứ sở này để vượt trùng dương đi nước ngoài, mắt trông thấy nhiều sự lạ, tai nghe thấy nhiều điều lạ, nhất nhất cái gì cũng đến làm xáo lộn giác quan và ý nghĩ của ông.

Trong tập thư trát của ông và cuốn nhật ký ông còn để lại, nhiều đoạn có giá trị như những bài báo của một người đã lành nghề: sự nhận xét và cách diễn tả ý kiến thực lanh lẹn, ý nhị và mới mẻ.

… 4 giờ chiều 20 Février. Đến Nha Trang, không có thì giờ lên bộ vì tàu sẽ phải đi hồi 5 giờ. Trước tỉnh, một dãy đồi hợp thành một cái mà các nhà địa lý gọi là cái án. Cảnh rất buồn. Dân cư thưa thớt không lấy gì làm văn minh lắm. Đàn bà xấu quá, ăn vận lối Sài- goòng.

Trong khi đỗ ở Nha Trang, có việc cũng nên nói. Một người Âu (không biết Hồng Mao, Đức hay gì gì) bắt chúng tôi phải bỏ nón lòng ra chào họ. Chúng tôi không chịu, họ trật nón của chúng tôi ra. Đã đành là để cho họ làm được mình như thế thì cũng chả lấy gì làm mạnh bạo, nhưng biết làm sao được? Khi người ta mạnh, người ta có quyền bướng và ngu một chút…

21 février 1906. Sài Gòn (xin nhớ đây là Sài Gòn 1906) Đẹp nhưng bẩn quá. Trừ một vài phố lớn có người Pháp ở, còn thì đâu đâu cũng có mùi thối tha, hay béo ngậy chứng tỏ rằng có nhiều chú con trời quần cư. Người Nam, chỉ thấy có cu-li xe, bắt-tê, bồi, còn hầu hết là Tây, Khách, Ma-la-bà và người ngoại quốc. Đàn bà hiếm quá. Họ đi vắt vẻo và đeo kiềng vàng, cà-rá vàng đỏ rực. Muốn nói ngay cái cảm giác của tôi về Sài Gòn; phải nói rằng người Sài Gòn khổ lắm. Ở Lục tỉnh, người mình cũng có nhiều nhưng các anh phải lấy làm lạ mà nhận rằng tại sao một cái thành phố to rộng như thế, hoạt động như thế, có thể làm được bao nhiêu việc mà chả có qua một người Nam nào dúng tay vào làm gì.

… Về việc thông thương, người ta đi xe ngựa ma-la-bà (tại sao lại có cái tên đó? Không ai hiểu), ba cắc một giờ hay xe cao-su 25 xu một giờ…

22 Février 1906. Đi Chợ Lớn. Từ Sài Gòn, đi mất 6 giờ.

Tỉnh Chợ Lớn là một tỉnh Khách bẩn một cách khốn nạn, chung quanh có cái rạch Tào Hũ hôi thảm hôi hạn. Nhà Khách trông có vẻ tráng lệ lắm nhưng bẩn vô cùng, người ta lấy làm lạ sao bệnh dịch tả lại không đóng đô ở đây. Trên một cái xe thổ mộ, lấy tay bịt mũi, chúng tôi đã đi vòng quanh tỉnh dưới một bầu trời nóng bức lạ nhường, giữa một đám người bẩn thỉu, mà Hà Nội không thể dung tha được.

Phố nào cũng có chùa, đẹp như chùa Tàu Hải Phòng. Dinh ông Đốc phủ Phương tráng lệ lắm.

Ở Chợ Lớn gần như không có một người Nam nào cả, trừ mấy nhà buôn đồ chơi trẻ con. Tìm được căn phố của các ông thông ngôn ở thật khó khăn quá chừng. Lại một bọn người chướng lạ chướng lùng, có vẻ hợm mà bắt chước tây hết chỗ nói (16).

Những ông thông ngôn ở Hà Nội đã làm cho mình phải buồn, các ông thông ngôn ở đây làm cho mình kinh tởm. Nói chuyện với nhau, họ dùng những ngôn ngữ tục tằn. Họ không chơi với người Bắc và nhìn chúng tôi một cách khinh bỉ, có vẻ như tự phụ về cái khăn phu-la quàng trên đầu, cái quần thâm và cái áo bà ba trắng. Những người ở giai cấp trên thì lên mặt nghiêm trang một cách giả dối. Người ta vô lễ quá, đến cả tên phu xe cũng vậy. Một anh mời chúng tôi đi xe mà như chửi chúng tôi: “Đồ bửng! Trời nắng chếch cha không đi xe!” Lại có một anh cho chúng tôi một bài học ái quốc (đã đành là ái quốc theo lối riêng của họ): “Quân, người An Nam với nhau mà đi xe giả theo lối ta-rip”. (17) Bởi vì chúng tôi đi xe lại trả theo giá tiền đã biên sẵn trên thẻ mắc trên xe…

… Đó, vài nét về cái chỗ chúng tôi vừa đi qua. Lúc mới đặt chân đến, người ta sung sướng vì tưởng rằng được về một góc xứ sở thân yêu của mình; không ngờ, đến khi đi người ta lại thấy sung sướng vì vừa được từ giã một cái xứ mà tất cả đều gây sự đau khổ cho lòng người ta.

Trần T. Kim luôn miệng nói mấy câu này như điệp khúc của một bài ca: “Ấy vậy mà của mình đấy! Thế mà không còn có cái gì của mình nữa!”

9 Mars 1906, 12 giờ trưa, viết từ bể ở eo Aden. … Sau, bể lặng, đêm đến dịu dàng. Người ta tưởng như đương đi trên một cái hồ mông mênh. Một vầng giăng tươi cười chiếu ánh sáng lên boong tầu. Nằm ở trên ghế chao, có một ngọn gió bể hắt hiu phe phẩy, chúng tôi nhớ đến các anh ở nhà, chúng tôi nhớ đến họ hàng lúc này chắc cũng buồn vì chúng tôi vắng mặt.(18) Chúng tôi nhớ đến Tốn hẳn lúc này rất tiếc không được đi với chúng tôi; đến Cánh, đến Thanh có lẽ đã quên mất chúng tôi rồi và đến biết bao nhiêu người khác đã đặt biết bao nhiêu hy vọng vào hai người (19) mà họ cử đi xâm lược cái lớn lao và dũng mãnh (… qui ont mis tant d’espoirs dans ces deux hommes qu’ils envoi’ent à la conquête du grand et du fort). Chính những lúc chúng tôi nhớ đến những người đó thì chúng tôi lại thấy xôn xao trong bụng, chúng tôi sợ cái tương lai bất trắc và chúng tôi lo rằng mình đã xây ở trong đầu óc quá nhiều mơ tưởng (nguyên văn: la crainte de n’avoir fait que trop de chateaux en Espagne).

                 (Thư viết ở Marseille về cho Phạm Duy Tốn, 2-5-1906).

 

2 Juin 1906. Mấy hôm nay, tôi đã có thì giờ dạo phố. Sở dĩ dám đi chơi, ấy là vì tôi đã vận quần áo tây. Buổi chiều, ngồi ở hàng cà-phê Cannebière (phố chính ở Ma-xây) nhìn cái đám người đi đi lại lại, chen lấn nhau ở giữa đám xe pháo và tàu bè, thích lắm… Ở đây, vài ông trưởng giả nói chuyện về tiền nong, đánh bạc được; kia, một bọn vương tôn công tử ăn mặc diêm dúa lắm, đầu đội mũ pa-na-ma bẻ cúp xuống che ánh điện khỏi làm loá mắt. Đó là những cậu con nhà giàu, ăn bám vào bố mẹ, quanh năm suốt tháng chỉ sống ở cao lâu nhà hát hoặc những anh đại lãn suốt ngày đêm quanh quẩn ở trong sòng để tìm cách sinh nhai về cờ bạc. Giữa đám đó, nhưng ở trong những chỗ tranh tối tranh sáng bọn gái non đi lại nhởn nhơ, cái hạng gái mà tôi đã nói với anh trong thư trước. Giữa đám đông trộn lộn hàng trăm màu sắc đó, hàng ngàn thứ tiếng đó, người ta nghe thấy bọn trẻ bán báo rao rầm trời “Le Matin”, “Le Journal”, “Marseille Républicaiaiaine”, “Le Radicaaal” “Gomne Russe” v.v… làm cho ta lại nhớ đến những tiếng rao “ngầu nhục phản”… “Nem Saigon” và “mía muaaa” ở nước ta.

27 Juin. Đêm qua, Đ. T. Kim (20) và tôi đi xem diễn kịch Le Cid[21] ở nhà hát lớn, đi xem không mất tiền, vì có ông Vierge mời.

Sướng quá, nhất là vì là tại lần đầu tôi được đi xem diễn một tích hát Cổ điển mà chúng ta chỉ mới được đọc thôi. Cách họ ngâm thơ, làm cho người ta hiểu thêm cái hay của văn chương, cái cao thượng của tình cảm thường thường người ta không được thấy rõ lắm trong khi đọc sách.

Duy có một điều đáng tiếc là Đ. và T. hình như không hiểu lắm nên dửng dưng coi thường. Nhưng ông Đ. dù không hiểu, cũng còn làm ra cách muốn hiểu chứ đến ông T. nhà hoạ sĩ, thì dửng dưng đối với những cái đẹp khó trông thấy đó: ông quan niệm cái đẹp một cách khác chăng. Lão T. của chúng ta thấy tôi vỗ tay tán thưởng thì lại cho là bố vờ là giả dối và ông nói to lên với tôi như thế. Cảm tưởng: người mình bướng quá. Muốn làm cho họ nhận thấy sự tiến bộ, thật là khó quá. Chúng ta không bao giờ chịu nhận chúng ta thua kém các dân tộc khác. Vả lại, nhận tội lỗi của mình có phải là một sự nhục nhã gì cho cam! Trong cõi đời này, ai lại chẳng có tính xấu? Người nào mà đã trông thấy nhiều điều lầm lỗi của mình, người ấy gần đi đến chỗ hoàn toàn. Hình như đức Khổng đã dạy ta như thế.

Đối với họ, đem giấu những nết xấu của mình đi rồi lấy đó làm tính tốt, thế là yêu nước, thế là làm vẻ vang cho nòi giống đó!

Chao ôi! nhớ lại những tư tưởng đó, tôi lại càng cảm phục ông Nguyễn Hữu Thu. Ừ thật, những hạng to đầu ấy (22) thì không thể làm gì được thật. Muốn có một lớp người khá, muốn có một lớp người hướng dẫn về con đường khoa học, ta phải trông mong ở lớp người đến sau, ở những hạng thiếu niên bây giờ. Óc họ chưa bị những thành kiến cổ hủ, đồi bại ăn sâu đục thủng. Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người thứ nhất để làm cái công việc đó, để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phai nhoà ở trước tư tưởng đó để nhường chỗ cho một lòng vui thích êm ái nhất”.

 Như đã nói ở trên, những bức thư, những đoạn nhật ký mà chúng tôi lược trích ở trên đây có thể coi như những mẩu potins[a] giá trị trên những tờ báo ngày nay.

Ta thấy rằng Nguyễn Văn Vĩnh ngay hồi đó đã để tâm đến việc báo chí lắm. Trong những bức thư gửi cho Nguyễn Văn Thọ và Phạm Duy Tốn, không mấy lá là ta không ghi những cảm tưởng sau khi đọc những bài báo hay. Ông mua năm nhiều thứ báo, ngay khi ở nước nhà. Sang đây, ông đọc nhiều báo Humanité, Journal Matin, đọc không phân những chủ nghĩa trái ngược nhau, có lẽ bởi vì ông muốn biết những chiến sĩ ở các đảng chánh trị bên Pháp làm báo khác nhau thế nào, mỗi đảng có một cái hay ra làm sao, người thủ cựu viết bênh chủ nghĩa ra thế nào và kẻ quá khích hô hào dân chúng ra sao. Những báo đó, xem xong, ông lại gửi về cho Thọ và Tốn và Tốn và Thọ lại gửi báo ở nước nhà sang cho ông.

“… Tôi vừa đọc thấy ở trong báo Avenir du Tonkin câu chuyện tình cảm động của Thọ Bính. Dù người phóng viên viết tin ấy có ý bênh Bính, nhưng tự tôi ở bên này tôi cũng đoán được ra hết cả đầu đuôi câu chuyện. (Thư ở Marseille gửi cho Thọ 17 Août 06).

… “Từ tuần này tôi sẽ gửi đều báo Le Matin về cho anh, anh đọc đi và anh muốn đưa cho ai xem thì đưa”.

                       (Thư ở Marseille gửi cho Thọ 17 Août 06).

“Những việc xảy ra ít lâu nay trong hoàn cầu không thể không làm cho bất cứ người nào ngạc nhiên. Bên Ý, núi Vésuve phun lửa. Bên Mỹ, cái thiên tai San Francisco. Ở Pháp và ở Đức, đình công và đình công.

Ngày 1er Mai mấy lâu nay được coi như là một ngày cách mệnh xã hội. Tôi muốn tả kỹ để cho anh thấy những việc gì đã xảy ra… Cùng với thư này, tôi gửi luôn cho anh xem cho biết kỹ cái tình hình quốc tế ra sao vậy…” (Thư cho Phạm Duy Tốn 2 Mai 1906)

Trong khi đó, Nguyễn Văn Vĩnh hàng tháng có bài đăng ở trong Revue de Paris, phần nhiều bài là để biểu dương cho thế giới thấy nền tiểu công nghệ và quan niệm về mỹ thuật của người Việt Nam. Những bài đó, ông gửi về cho bạn xem và không quên giục bạn hữu gửi những số báo có bài họ sang cho ông xem với. Họ bình phẩm tư tưởng của nhau và rất thiết tha để ý đến sự tiến của tinh thần và văn chương.

… “Tôi đọc thấy trong Avenir du Tonkin một bản dịch bài “Atia năm châu là bực nhất” của Đ.V.S.. Có phải là bạn Đào Văn Sử của chúng ta không?

Bài cuối cùng của Hàn Thái Dương về những ông quan sang Pháp có vẻ hay hơn những bài trước.

Còn về tập nhật ký, anh bảo rằng có người muốn sưu tập những thư từ của tôi để đăng tải lên mặt báo. Đừng, tôi xin anh.

Tôi thấy rằng mỗi ngày ý kiến của tôi mỗi thay đổi, nếu đăng lên bây giờ tôi sợ sau này chính tôi lại phản đối tôi”.

Nguyễn Văn Vĩnh thiết tha về nghề báo ngay tự lúc bấy giờ, nhưng ông chín lắm, và, dù có nhiều bạn bè thúc giục, ông cũng vẫn chưa muốn chuyên tâm viết.

“… Ở đây, tôi rất có nhiều dịp tốt để viết báo, nhưng tôi không làm, sở dĩ như thế là vì từ bây giờ cho đến khi đạt được mục đích, tôi muốn hoàn toàn là vô danh, không ai biết tôi là ai cả. Cái mục đích ấy, tôi đã nói với anh nhiều rồi…”

Trong khi đó, Nguyễn Văn Vĩnh không ngớt đọc báo và dù công việc về đấu xảo cực kỳ bận rộn, ông cũng cố để thì giờ đi thăm những nhà báo Pháp và bài tường một cuộc đi thăm đó cho Phạm Duy Tốn đã cho ta thấy rằng chưa bước chân hẳn vào nghề ông đã say mê nghề như thế nào:

“… Cuộc đi thăm lý thú nhất của tôi trong Đấu xảo là cuộc đi thăm gian báo “Petit Marseillais”. Toà báo đó có những tài liệu xác thực nhất, lý thú nhất về nghề in từ khi nghề đó bắt đầu nảy nở hay nói cho đúng từ khi nghề đó bắt đầu được nhập cảng vào Âu châu. Một cái ma-két vẽ Guttenberg đứng trong cái nhà in thứ nhất của ông ta. Trong tủ kính, bày những sách vở và tài liệu linh tinh in từ ngày mới có nghề in đến bây giờ. Khách đến xem có thể theo dò từng bước cái lịch trình tiến hoá của nghề in, của cái nghề nhân những bản thảo lên thành nghìn thành vạn.

Trong một buồng riêng, có bày những máy móc tối tân nó cho ta cái quan niệm của sự cố gắng khổng lồ trong ba thế kỷ. Ai đã từng được trông thấy một người thợ xếp chữ tìm từng chữ một xếp với nhau, buộc thành bát rồi cho vào khuôn, ai đã từng thấy thế mà cho nhìn vào chỗ này thì sẽ phải ngạc nhiên vô cùng. Không cần xếp chữ, không cần buộc, không cần lên khuôn gì gì cả. Một người chỉ cần điều khiển một cái cần, như kiểu đánh máy chữ, trong vài tiếng đồng hồ là có một tờ báo in xong. Đó là máy linotype. Máy linotype khác máy đánh chữ ở chỗ này: đánh máy chữ thì những cái cần có chữ đập vào cái băng, chữ hằn vào băng mực rồi in chữ lên mặt giấy. Ở cái máy linotype những cái cần nâng lên hạ xuống và làm cho những khuôn chữ ở trong những cái ô rơi vào trong một cái rãnh. Cái rãnh ấy dài rộng theo chiều mỗi giòng chữ, khi nào cái rãnh có nhiều khuôn chữ rồi, người thợ ấn vào một cái, làm chuyển một cái bánh xe trong có đựng chì lỏng và làm cho những khuôn chữ xếp thành hàng thẳng trong cái rãnh. Trước cái rãnh, có lỗ thủng để cho chì chảy ở trong bánh xe rồi. Rồi chì lỏng ấy ôm lấy những khuôn. Một cái khuôn đặc rơi ở trong rãnh ra và rơi vào trong ngăn. Thế là giòng chữ thứ hai đã đứng xếp hàng ở cạnh giòng chữ thứ nhất, rồi giòng thứ ba, giòng thứ tư… cho đến khi thành một cột báo. Kèm thư này, tôi gửi về cho anh mẫu mấy chữ in bằng máy linotype. Máy này in chóng lắm, y như ta đánh máy. Có chậm dăm ba cái tích tắc mỗi giòng là vì cái công việc chì chảy mà tôi gọi là coulage. Tôi còn có dịp nói với anh về cái máy in báo xong lại gấp báo luôn của nhà Petit Marseillais…”

***

… tập bài Nguyễn Văn Vĩnh đến đây tạm hoãn. Những tài liệu còn nhiều, chúng tôi sẽ còn ghi chép nữa, và nếu cơ hội thuận tiện hơn, chúng tôi sẽ in ra thành sách.

                                                           VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 201 (7/5/1944); s. 202 (14/5/1944); s. 203 (21/5/1944); s. 204 (28/5/1944); 205 (4/6/1944);  s. 206 (11/6/1944).

 

 

 

 

 


 

(1) Nguyễn Văn Tố: L’oeuvre de M. Ng. Văn Vĩnh // Bulletin de la société d’Enseignément mutuel, Tome 16, № 1 – 2.(nguyên chú của Vũ Bằng)

[2] Toà sứ nói ở đây là trụ sở cơ quan cai trị của chính quyền thực dân ở cấp tỉnh, đứng đầu là một viên Công sứ (Résident).

[2] Polynésie: tên gọi chung một trong những nhóm đảo giữa Thái Bình Dương, từ Hawai đến New Zeland.

[3] Aurochs (chữ Pháp): bò rừng oroc.

[4] Lưu ý cách nói tiếng Việt lối hơi cổ ở câu này: “không có gì sai hơn” nghĩa là hoàn toàn sai.

[5] Hai họ tên người viết tắt ở báo gốc; phải chăng T.T.K. = Trần Trọng Kim, P.D.T.= Phạm Duy Tốn?

(6) Bản thỉnh cầu này, vì nhiều lẽ, không nói rõ được. − L. T. G. (nguyên chú của tác giả Vũ Bằng)

[7] Saint Jaques giác: tức là Cap Saint-Jaques (= mũi Thánh Jắc) tức Vũng Tàu ngày nay.

(8), (9) mới. (nguyên chú của Vũ Bằng)

(10) Không hiểu có phải đây ý nói Trương Vĩnh Ký? − L.T.G. (nguyên chú của Vũ Bằng)

(11) Hai câu thơ này chưa nghĩ ra. − N. V. V. (Lưu ý: đây là ghi chú của chính Nguyễn Văn Vĩnh)

(12) Giấc mộng

(13) Hãy

(14) Thư đề ngày 12 Décembre 1906, gửi từ Marseille cho Tr.Trg. K.(nguyên chú của Vũ Bằng)

[15] Carte postale (chữ Pháp): bưu ảnh.

(16) Xin các bạn đừng quên rằng đây là những điều mắt thấy và ý nghĩ của N. V. V. từ 1906. Bây giờ thì hoàn toàn khác hẳn rồi. Chúng tôi dịch đăng những đoạn này không có ý gì khác hơn là đánh dấu sự tiến bộ của người mình trong khoảng bốn năm chục năm trở lại đây.(nguyên chú của Vũ Bằng)

(17) tarif (chữ Pháp): bảng giá, biểu thuế, ý nói trả theo giá thông thường.

(18) Hồi đó Nguyễn Văn Vĩnh, Đào V. Sử, Bùi H. Cảnh, Nguyễn T. Lộc, Trần T. Kim, Phạm D. Tốn là bạn thân với nhau.(nguyên chú)

(19) Nguyễn Văn Vĩnh và Trần T. Kim.

(20) Người viết tự ý không muốn để cả tên.(nguyên chú)

[21] Le Cid: tác phẩm bi kịch cổ điển của Corneille.

(22) Nguyên văn trong chữ Pháp.(nguyên chú); (ý nói trong nguyên bản, chỗ này dùng chữ Việt xen vào câu văn chữ Pháp)

[23] Potins (chữ Pháp): tin vỉa hè, chuyện ngồi lê đôi mách.