NỮU ƯỚC PHEN NÀY

LIỆU CÓ BỊ NEM BOM KHÔNG?

 

 

Theo tin điện Arip, hôm 14 mới đây, thành phố San Francisco có nổi còi báo động, nhưng rút cục chẳng có một máy bay nào bay đến để ném bom hết cả. Thế là từ hôm 8 Décembre đến nay, thành phố San Francisco phải hai lần sợ vu vơ nạn máy bay đến ném bom, hai lần đều không việc gì cả, nhưng không phải vì thế mà người ta không tìm cách ngăn ngừa, phòng thủ.

Bởi thế, trong thế giới hiện nay mới nổi lên câu hỏi: Dân thành San Francisco sợ ném bom như thế có chánh đáng không? Và San Francisco, Nữu Ước có thể rồi đây sẽ bị ăn bom Nhật không? Không ai dám trả lời quả quyết cũng như ba năm về trước đây, người ta cũng đã thường băn khoăn về câu hỏi ấy mà kết cục vẫn không biết tin quyết ra sao cả.

Còn nhớ hồi đó là năm 1939, Đức quốc xã thắng thế với những đội binh thần tướng hổ đương ùa vào thành Prague. Nhiều tờ báo Anh, Pháp, Mỹ đăng một cái tin khá ghê sợ: “Nữu Ước, thành phố ánh sáng đêm cũng như ngày liệu phen này có phải tắt đèn phòng thủ như kinh đô Pháp?” Thoạt kỳ thuỷ, tin ấy không làm cho ai tin cả, nhưng khắp mọi nơi người ta nghe thấy đồn rằng các quan chức trong thành phố đã rút bớt dân cư ở trong những cái nhà chọc trời bắt ra ở ngoại ô và đào hầm hố để phòng nạn ném bom của những máy bay ngoại quốc. Nữu Ước bị ném bom! Cái Empire building bị tan nát? Cầu Brooklyn sẽ gãy và tượng thần Tự do sẽ trốn ở dưới những túi cát? Dù thế nữa cũng không ai tin được, nhưng không phải là không có thể xảy ra. Ông René Wild phóng viên báo Partout Magazine bởi nghĩ thế nên đã vội vàng tìm tới toà lãnh sự Mỹ ở Pháp để hỏi, bởi vì chính ông Wild cho chuyện này là chuyện thực mà cái tin “San Francisco và Nữu Ước rồi sẽ bị ném bom” không phải là một tin bịa đặt.

− … Nhưng, nghề hàng không bây giờ dù tiến mau cho tới bực nào đi nữa, chúng tôi cũng chưa tìm được lý lẽ gì để tin rằng lại có thể có một đội phi cơ bay từ nơi căn cứ ở Âu châu để sang tàn phá San Francisco hay Nữu Ước rồi lại bay trở về. Một quãng đường nào có phải nhỏ nhoi gì? 12.000 cây số không có chỗ nghỉ, mà phi cơ nào cũng chở nặng. Có thể nào như thế được?

Đó là lời ông Wild hỏi ông lãnh sự Pháp. [……………..] [1] Nhưng dù sao đi nữa thì Mỹ quốc cũng đã phòng thủ kỹ càng rồi. Từ lúc trước khi xảy ra sóng gió ở Thái Bình Dương, công cuộc phòng không của Nữu Ước đã làm kiên cố lắm. Theo báo New York Herald Times thì thành phố ấy có tới 200 thứ súng cao xạ riêng chờ sẵn phi cơ bên địch. Vậy là về mặt phi cơ phóng pháo Nữu Ước đã tạm yên tâm rồi. Sự lo sợ chính  của Nữu Ước không phải là ở chỗ đó, nhưng ở chỗ khác, chỗ quân địch dùng “pháo thăng thiên” để xuống kinh đô Mỹ vậy. Nguyên ít lâu nay khoa học tiến bộ một cách lạ lùng; có nhiều nhà bác học kỳ khu ngồi trong phòngthí nghiệm chế ra được một thứ khí cầu đi lên hành tinh gọi là astronautique. Những phi công cưỡi cái thứ khí cầu này dự định sẽ đi từ hành tinh này sang hành tinh nọ để tìm những thế giới tốt đẹp hơn (hay xấu xa hơn?) cái thế giới mà chúng ta đương ở. Họ định làm như Jules Verne và Wells là làm sao thì làm cũng phải có một bữa đi dạo chơi Cung Quảng rồi rẽ vào hoả tinh mới được. Thoạt đầu, những ý tưởng kỳ khôi đó của Verne của Wells người ta còn cho là bông lơn, nào có biết đâu rằng đến ngày nay đã thành sự thực, tuy rằng những người bây giờ không thực hành đến triệt để những phương pháp “du lịch” của hai nhà bác học nói trên.

Như chúng tôi đã nói trong số báo “Hè”, Jules Verne định cho hành khách lên thăm trời vào một viên đạn khổng lồ. Wells thì nhã hơn, muốn ngồi vào trong một quả bóng; quả bóng sẽ nhờ cavorite đẩy dần lên không bởi vì thứ cavorite có tính cách làm cho mọi đồ vật mất hẳn sức nặng đi. Đến các phi công đi astronautique nói đây thì mỗi người họ ôm lấy một viên đạn thường và sẽ do súng bơm hơi lên (projectiles-fusées) bắn lên. Đừng tưởng cái thứ khí cầu này là một trò đùa và đừng nhạo những nhà sáng chế ra astronautique là những người lẩm cẩm. Nhà bác học phát minh ra thứ khí cầu này là một người Pháp rất sành về phi cơ tên là Robert-Esnault Pelterie, ông ta tin chắc rằng chẳng sơm thì chầy cái hơi đun người (la fusée autopropulseur) này cũng đưa người ta đi chơi từ hành tinh này sang hành tinh nọ như thể ta đi chơi xứ này sang xứ khác. Trước khi muốn tới cái kết quả ấy, những tay aénautes này luyện tập dần dần. Họ chế ra cái “hoả tiễn” có thể đưa người ta lên cao khỏi mặt đất, đi tới lớp tăng-tĩnh-khí và dạo chơi rất lâu mới trở về mà không ngã rập đầu vỡ sọ.

Người Đức rất chú ý đến việc bay trên không khí này cho nên từ 1939 họ đã nghĩ cách chế ra những thứ xe riêng như những xe hai bánh của Bát-tý Na-tra ngày xưa. Trong bọn những nhà bác học ưa thích lối đằng vân giá vũ (không phải nhảy dù) này, bác sĩ Opel, một ông Citroen Đức, đã tìm thấy cái chết rất thảm khốc ở trong buồng thí nghiệm. Nhưng người Đức không nản chí, họ cứ ra công tìm mãi cách đằng vân, không đằng vân được lên tới chín từng mây để tìm được bà Tây vương mẫu thì ít ra cũng phải đằng vân hoán vũ được chút xíu, bay cao độ vài chục cây số trên mặt đại dương, như thế họ có thể vượt biển được rất nhanh, nhanh như chúng ta chưa từng thấy bao giờ cả. Biết đâu trong khi Đức tìm cách chế ra cái hơi để đằng vân được như thế thì ở một nước khác họ đã tìm ra được cái lối ôm lấy đạn mà từ ở trên trời bay xuống như quỷ cả? Nói thế này, có nhiều người tất sẽ phải cười om, mà chính ngay cả người Mỹ nữa, nhưng biết đâu, theo lời ông René Wild, sự đó lại chẳng có thể là sự thực…

Tuy vậy, − lời nhà báo Pháp, − chúng tôi cho dù sao cũng là dự đoán mà thôi. San Francisco và Nữu Ước chuyến này phòng không thực vội và lo nạn ném bom ta có thể tìm thấy những nguyên nhân rất gần [………….] Bởi vậy Nữu Ước phải phòng không rất kỹ càng mà chính ngay từ Canal de Panama [2] công việc phòng thủ đã kiên cố lắm.

                      

                                               VŨ BẰNG

                            Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 93 (28/12/1941)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] ở báo gốc chỗ này để chấm lửng liền 4 dòng; có lẽ do toà soạn bỏ 1 đoạn.

[2] Canal de Panama (chữ Pháp): kênh đào Panama