SĂN RỂ, TẬU RỂ, LÙNG RỂ, BÁN ĐẤU GIÁ RỂ ĐÂY!!!

 

Này nhé, tôi nói để ngài biết, họ sợ là phải lắm. Họ đây là những nhà có con gái lớn gả chồng. Gả chồng cho con? Sự đó, không dễ như người ta vẫn tưởng. Đẻ ra con gái, giữ nó đến lúc mười lăm mười tám như giữ súng, công trình kể biết mấy mươi. Nếu bây giờ ta chỉ kiếm cho nó một anh chồng, thật là phí của. Ta phải lấy cho nó một ông chồng ra phết để cho mình bõ công nuôi dạy chứ, để cho đẹp mặt đẹp mày chứ?

Những bực cha mẹ muốn “đẹp mày đẹp mặt”, bởi vậy không ngại dùng đủ các cách để mà đi săn rể cho con.

Mình là thằng chân trắng, thế mà tự nhiên chỉ vì có một cô con gái đẹp, được nhảy lên địa vị cụ lớn, cụ đốc, cụ kỹ, được gọi bác sĩ, kỹ sư, quan huyện, đốc học là “thằng cả”, “thằng hai”, á chà chà! còn gì vinh dự bằng. Họ phải hàm dưỡng, họ phải có một chương trình làm việc.

Hôm qua, tôi đã dò hỏi mấy cách làm việc của bọn người đi lùng rể, săn rể, tậu rể cho con. Tôi đã nghe chuyện, và tôi đã chết khiếp về cái kiểu mẫu số 1 của tôi.

Ông này là thông phán. Ông có con giai làm quan và ba cô con gái, một cô đã lấy chồng làm giáo học. Một cô đã lấy chồng làm nhà buôn. Hai cô ấy không “nước non” gì cả. Ông nhất định rằng cô ba phải lấy cho kỳ được một ông quan huyện, hay ít ra cũng phải một ông kỹ sư bào chế. Bởi vậy, ông thảo sẵn một cái chương trình năm năm (plan quinquennal). Ông để ý lùng rể từ khi cô út mới có… 14 tuổi. Hồi cô mười bốn tuổi, chúng ta mới ở năm 1938. Khói lửa chưa nổi lên ở Âu châu. Tàu bè còn đi lại được. Thỉnh thoảng ông thông của chúng ta lại xuống Cảng. Ai không biết sẽ tưởng ông ta trốn vợ xuống hát ở Cánh Gà, Phong Bớp. Không, ông đợi những chuyến tàu ở Pháp về. Chuyến tàu nào có chở những ông tân khoa về, ông niềm nở ra đón họ, gạ làm quen và cho cái địa chỉ để một khi họ nghỉ ngơi xong rồi thì đến chơi ông. Đánh chết, trong những dịp đến chơi ấy ông cũng cho con gái ăn bận sang trọng để ra tiếp khách. Và nếu ngộ nhà có mở tiệc mừng “ghẹ” ông tân khoa thì xin các ngài chắc chắn với tôi rằng bao giờ cũng vậy, ông cũng xếp cho con gái ngồi một đầu bàn còn ông tân khoa một đầu. Ông dạy cho con gái cách ăn nói mời chào. Nếu cô gái không bằng lòng, ông mắng: “Con ngờ nghệch lắm, Trâm ạ (hay Đào ạ, Sinh ạ, Thuỷ ạ). Bây giờ vận hội mở mang, mình phải bắt chước người Âu mới được. Người Âu khi con gái đã lớn cần phải lấy chồng, họ cho đi sục lùng đình đám để làm quen với con trai. Hay lắm. Thày phục. Thày tiếc ở đây người mình không có tổ chức những buổi hội hè làm quen như thế, đừng có để phí đi, vừa hại của vừa lỡ dịp được quen biết những thanh niên có địa vị có tiền tài mai sau vậy”! Ông thông nọ dạy con như thế xong, cho mình là phải, ôm bụng cười như nắc nẻ. Nhưng đó là ông chỉ phải với ông thôi. Cụ Hoè Lợi không hoan nghênh ý đó. Theo cụ, người ta có trăm nghìn cách săn rể kín đáo hơn mà… không tốn tiền. Cụ nguyên chỉ là một ông ký lục. Bố cụ hay ông cụ, cụ cụ không bao giờ làm quan cả. Không hiểu vì lẽ gì giờ đến cụ, cụ lại khát quan và thèm rể quan đến thế. Kinh Kha xưa ở sông Dịch Thuỷ ngửa mặt lên trời thề rằng nếu đi mà không làm được việc lớn thì không bao giờ còn trở lại khúc sông kia. Cụ Hoè Lợi nhà ta cũng thề. Cụ soi gương, chỉ ngón tay trỏ vào mặt mà thề rằng: “Nếu con tư nhà mình mà không lấy được chồng quan mà anh (tức là cụ) anh nếu không được là bố vợ quan, tôi bảo cho anh biết thà cái mặt anh đừng làm bố vợ nữa còn… còn con gái anh thà để mốc chứ còn hơn đem cho một đứa thường dân”!

Cụ Hoè Lợi, vậy, đã săn rể như thế nào? Cụ chỉ chuyên mua năm báo hàng ngày! Xin các ngài chớ nóng. Báo hàng ngày quả có quan hệ mật thiết đến việc cụ Hoè tôi kén rể. Cụ mua báo để đọc tin, cái đó đã đành rồi. Nhưng mà những tin gì! Nhưng mà những tin gì! Một năm cụ chỉ cần nhất có một hai cái tin nhỏ: đó là tin thi tri huyện. Cụ đọc thuộc lòng tất cả tên những bậc tân khoa. Cụ lùng số nhà họ, cụ tìm hết các cách để làm quen với gia đình nhà họ. Bởi thế liệu hồn cho những báo nào quên đăng kết quả cuộc thi tri huyện. Lập tức, cụ trả tiền rồi “désabonner [1] ngay, chứ xem làm quái gì, hở ông”. Cụ lùng có phương pháp như thế không tốn tiền gì mấy. Cái phương pháp tất cực hay. Chỉ phiền một nỗi bây giờ cô con gái cụ đã ba mươi mốt tuổi rồi mà chưa có ông quan nào rước đi.

Cụ Hoè Lợi nhớ nhời thề như gã Kinh Kha vậy. Dù năm 28, cô gái nhà cụ đã “nhỡ” với một cậu học sinh trường thuốc, cụ cũng nhất định bắt con gái đợi, đợi cho khi nào có chết xuống âm phủ thì cụ đốt xuống âm phủ cho một người chồng mặc cân đai bối tử bảnh choẹ. Thế cũng là lấy chồng quan chứ gì? Cái ngày ấy dù sao cũng còn xa. Còn nước còn tát, cụ tuy già lão nhưng không lúc nào chịu kém hoạt động trong việc săn chồng cho con gái. Cụ uống rượu cắc- kè và khi nào choạng vạng, cụ chửi om cả nhà lên. Cụ chửi những nhà có con gái nhớn đi săn rể dữ quá lấy tranh mất cả rể quan của cụ. Cụ chửi nặng nhất bà Xã Lợi, trong có vẻn vẹn một năm trời ăn không ăn hỏng của cụ hai đám tri huyện mới bổ ra, tuy cụ không biết bà Xã Lợi mà bà Xã Lợi không biết cụ. Ai ở phố H.K. mà còn không biết bà Xã Lợi là một bà nhà giàu, của chìm của nổi có đến bốn năm chục vạn? Bà có ba cô con gái. Cô nhớn có cái lưng tôm và hình như có cái số bị ăn cướp thì phải nên mới có 18 tuổi mà đã bị ăn cướp tới hai bận rồi: hai tên thanh niên lạ mặt ăn cướp cái trinh tiết của cô. Nhiều người bảo: con nhà tử tế ai mà thèm lấy? Bà Xã Lợi không cần. Bà giở tài săn rể ra trong có một tháng đã bắt ngay được một ông tri huyện nhỏ. Ông này hay nói, bà tọng cả một nhà gạch và ba vạn vào miệng ông. Bao nhiêu công việc đều ổn hết.

Cô thứ hai đi học ở Pháp về. Áng chừng ở đó cô học văn chương thì ít mà học giao thiệp nhiều hơn. Về đến nước, không thanh niên tử tế nào giao thiệp kịp cô. Cô đánh đàn, họ hát lớp sang dài bài Tứ Đại.

“Thế nhưng… đó chỉ đó chỉ để chơi.

Nợ… anh nào dám đem về làm vợ…”

Bà Xã Lợi tức dựng đứng bộ đuôi gà ở trên đầu. Bà hét: Bà săn cho con gái tròn một ông tri huyện. Rồi chúng mày biết tay! Bà nói thế và làm thế thực. Năm vạn và một cái nhà sang tên cho con gái đã đem đến cho cô này một ông rể làm tri phủ. Ba ngày sau khi cưới, bà hét lên ba tiếng: tiếng thứ nhất để tỏ sự tức giận, tiếng thứ nhì để tỏ nỗi buồn còn tiếng thứ ba tỏ sự tiếc của.

Ông con rể của bà đánh con gái bà một trận kịch liệt rồi bắt về nhà lấy năm vạn nữa. Nếu không thì bỏ. Bà Xã Lợi hiện chưa biết xử ra sao, nhưng không lúc nào bỏ cái ý tưởng săn cho cô con gái thứ ba một ông chồng bác sĩ. Ngày nào bà cũng đọc báo để xem hôm nào thì vụ bác sĩ X. bị lôi ra xử ở toà án về tội làm tiền vợ! Và trong khi chờ đợi đó, bà ngồi đánh bạc và kể to những công dụng của sự kén rể danh giá cho chị em bè bạn nghe.

Không cần phải nói, một đồng một cốt, cái bọn đàn bà cờ bạc này đều hoan nghênh ý kiến kia. Họ bắt chước bà (bởi vì bà giàu) và cũng nhất định chiếm cho con gái họ những ông chàng rể danh giá bởi vì cái danh giá của con gái họ nếu đem ra so sánh thì cũng to ra dáng, chẳng kém của con bà mấy tí. Thứ nhất là bà tham Y. Bà này có con gái đã nhận trầu cau của một cậu học sinh ở Hải Phòng nay mai sắp thi tú tài tây. Từ khi được nghe cách săn rể của bà Xã Lợi, bà tham Y. kiếm hết cách “lật” thông gia. Và cái việc tham vàng bỏ nghĩa của bà đã có kết quả: nhà thông gia của bà chửi bà một trận rồi thôi. Bà tham Y. nhận lời của một đám khác. Đám này làm bác sỹ, không biết có tài chữa thuốc không nhưng có tài hát cải lương Nam Kỳ. Chính bà Y. cũng mê tiếng hát cải lương Nam Kỳ của cậu! Bà hứa bỏ ba ngàn ra để cưới cái tên bác sĩ và tiếng hát cải lương Nam Kỳ đó. Cưới xin, nhà gái chịu hết cả phí tổn tuy con gái bà đẹp mà hình như vẫn còn trinh tiết. Nếu anh rể cần dùng bà không ngại các thêm 2.000 nữa. Và nếu cần bà lại may thêm cho một cái áo gấm và một bộ spincer thật bốp. Lúc cuối cùng, chúng tôi chưa hiểu viên bác sĩ kia đã nhận lời chưa. Nhưng cứ theo như lời bạn hữu cậu nói thì hình như cậu còn đợi… Đợi xem còn có người nào trả giá cao hơn!

Clément Vautel, nhà trào phúng Pháp quốc, muốn giễu những cô gái kén chồng đã viết một truyện Đàn bà bán đấu giá. Cứ cái hiện tình hôn nhân ở nước ta, tôi lấy làm lạ sao những nhà văn có tài chưa viết một cuốn sách để trả lời Clément Vautel [2] Bán đấu giá rể đây!

Nói không phải phụ trời chứ quả cái việc mua bán trai gái thời nay, không những các cô gái mới là một món đồ hàng. Chính một số cậu trai có bằng cấp cũng chỉ có giá trị như một con lợn béo đem bán rao ngoài chợ, ai trả giá cao thì được… Để mà đem về… dùng!

                                                           TIÊU LIÊU

                        Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.111 (17/5/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] désabonner (chữ Pháp): thôi đặt mua, thôi thuê bao.

[2] Clément Vautel (1876-1954; tên thật Clément Vaulet; trong bút danh đảo let thành tel): nhà báo Pháp; viết cho các báo ngày ở Paris như Le Matin, La Liberté..., đặc biệt giữ  mục "Mon film" (Dưới mắt tôi) hằng ngày bàn luận thế sự bằng cái nhìn rất "phải lẽ" của một "français moyen" (thường dân), được độc giả đương thời hâm mộ; ngoài ra còn là tác giả một số tiểu thuyết; cũng là cây bút có ảnh hưởng đến tận thế chiến II.