SẴN SÀNG ĐỂ ĐỢI

 

Tôi không ưa những cái tin như thế mà không có đôi ba câu phê bình ở dưới.

Năm trăm quân Pháp đổ bộ lên Syrie và Liban! Raymond Offroy, phát ngôn nhân đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị San Francisco tuyên bố tại sao Pháp lại phải chiếm hai xứ đó!

Những tin như thế, vứt trống trơn vào giữa nước ta lúc này, đã làm hại gân cốt của người mình.

“Chao ôi là những lời hứa nhân hứa nghĩa của những kẻ chống cường quyền, hô công lý!”

Thật buồn. Sao lại có thể như thế được? Đến tận bây giờ người mình vẫn chưa hết trông vào người khác!

Trông vào người khác mà được thì mừng.

Trông vào người khác mà hỏng thì “xì hơi” ra.

Triết lý của kẻ yếu.

Triết lý của bọn người bạc nhược.

Thế rồi thì chán nản! Thế rồi thì yếm thế! Thế rồi thì bỏ cái việc bổn phận của mình phải làm gấp lúc này, khoanh tay lại, ngồi đợi một cái gì không bao giờ đến, ngồi đợi một lời tuyên bố nào đó của một trong bốn cường quốc không bao giờ tuyên bố ra!

Có ai còn nhớ chuyện nàng Tô Thị bế con lên đỉnh núi trông chồng rồi hoá đá đấy không? Ấy chính vì đợi đấy.

“Đợi thì cái gì mà không đến?” − Louis Bromfield nói thế. Nhưng lần này ông đã nói sai. Dù ta đợi một trăm năm nữa một ngàn năm nữa quân Pháp cũng không thể nhảy lên cái dải đất này được nữa.

Cuộc chiến tranh thế giới lần này không có mục đích giết giống người chết hết đâu. Không. Cứu cánh của nó phải là sự phá đổ những chế độ mục nát đã giết chết giống người chúng ta. Nước mà làm được công việc đó mới là nước có thể nói tiếng nói sau cùng vậy.

Còn sự áp bức thì còn có sự chống cường quyền. Còn thế giới thì còn có nước biết tôn thờ công lý.

Tôi tin rằng trong thế giới hiện nay, thể nào cũng có một cường quốc dự vào cuộc chiến vì mục đích muốn phá hoại những chương trình của các nước muốn phân chia đất đai không thuộc về họ. Tin như thế nhưng tôi không đợi bởi vì tôi nghĩ rằng không phải cứ ngồi đợi thì tự do độc lập sẽ rơi xuống trước mắt ta như một quả sung.

Không đợi ai! Không đợi người nào giúp cả!

Bực hiền giả ngày xưa khuyên ta đừng nhanh quá đừng chậm quá nhưng cần biết đợi. Tôi muốn nói về cái “nghệ thuật biết đợi” ở đây. Tôi không muốn đợi người ngoại quốc cứu mình. Tôi không muốn đợi một cái gì không thể đến. Sung sướng thay là những kẻ chỉ biết tin ở mình, chỉ biết trông đợi ở mình, trông đợi ở đồng bào mình, ở nước mình!

Tôi muốn đợi cách đó. Tôi muốn tranh đấu, tôi muốn làm việc, nhưng trong khi đó tôi vẫn sẵn sàng đợi một cái gì để thi gan.

Đợi mà sợ trước, là hèn.

Đợi mà hết sức làm việc, hết sức tranh đấu để khi việc xảy đến, mình phải cầm phần thắng, chỉ làm cho tinh thần mạnh hơn lên.

Người Việt Nam ta thấm nhuần cái triết lý mạnh của Khổng Khâu, của Nietzsche, từ xưa đến nay vẫn biết đợi có nghệ thuật, nhưng hơn cả lúc nào hết, lúc này cần phải biết đợi có phương châm, nhất là sau khi có cái tin quân Pháp đổ bộ lên Syrie và Liban.

Tôi nhắc lại rằng việc đó không thể nào tái bản được ở đây. Nhất định không. Nhưng chúng ta chớ nên vì thế mà không sửa soạn. Ta sửa soạn đợi bất cứ một trở lực gì khác đến làm hại nền độc lập của ta. Ta sửa soạn tinh thần để đợi bất cứ một việc gì phạm đến quyền lợi nòi giống ta.

Thanh niên Syrie và Liban có sửa soạn để đợi cuộc đổ bộ của Pháp không? Dân Bắc Phi có sửa soạn để đợi cuộc nội loạn ở xứ Algérie của Pháp không? Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng hai cuộc xâm phạm đến nền tự do đó là hai điểm báo trước cho ta: nếu không biết sửa soạn trước thì không thể tồn tại được.

Nước ta là một nước đàn em yếu thế, − việc đó ai cũng biết. Nước ta không có một bộ binh và cả một đội quân chính thức; − điều đó ai cũng biết nữa. Nhưng dân ta, hai mươi triệu người như một, có một thứ mà ta gọi là tấm lòng: chúng ta rất có thể sửa soạn ngay từ bây giờ để đợi bất cứ một trở lực gì xâm phạm đến quyền độc lập của ta.

Ta biết hy sinh khi cần đến sự hy sinh. Ta biết liều khi gặp bước phải liều. Ta biết chết khi cần phải chết.

Các tầng lớp dân chúng Việt Nam! Lúc này là lúc ta phải đoàn kết hay là không bao giờ. Lúc này là lúc phải tự tạo lấy một tinh thần sẵn sàng chờ đợi. Lúc này là lúc phải coi cái chết như lông hồng, cổ động nhau chết, rủ nhau mà chết để giữ chặt lấy đất đai, để ném bọn thực dân xuống biển, để bảo vệ nền độc lập Việt Nam.

Hai vạn thanh niên Syrie và Liban đã nhảy ra giết quân ngoại quốc xâm lăng. Toàn dân Algérie đã đứng lên tổ chức thành dân quân dũng mãnh giết chết hàng ngàn quân Pháp. Chết! Chỉ có chết mà thôi. Một dân tộc biết chết không bao giờ chết được. Vẫn biết rằng xương thịt không thể chọi được cùng đại bác, nhưng đến lúc thật cần thì hai mươi triệu đồng bào như một, chúng ta phải biết rằng một con dao một lưỡi gươm của một kẻ tin ở mình, của một kẻ có tinh thần dũng mãnh còn giúp ích hơn là một bộ súng cối xay do một kẻ gian ác có một tâm hồn rối loạn (vì đầy tội ác) chỉ huy.

Sống cũng như chết, cần phải có nghệ thuật. Chết vì nước, chết chính vào lúc cần, chính là biết chết theo nghệ thuật.

Chúng ta phải biết rằng, nếu có một cuộc xâm phạm đến nền tự do độc lập của nước ta mà chúng ta không đổ ra mà chết thì quân tàn bạo cũng không để cho chúng ta được sống.

Kinh Thánh há chẳng có câu rằng: “Nếu hạt lúa không chết đi…”

Những nước sống được đến ngày nay đều là những nước có những người dân biết chết. Nước Tàu còn ghi chuyện năm trăm nghĩa sĩ chết theo tướng Điền Hoàng của nhà Tề, chuyện Lục Tú Phu ẵm vua Tường Hưng nhảy xuống bể, hơn mười vạn người cũng nhảy xuống tự trầm theo; chuyện vua Minh thắt cổ ở Môi Sơn, ba ngàn người đâm vợ giết con rồi cùng tự tử theo để khỏi bị nhục về quân giặc.

Ai quên được những cái chết im lặng của dân Ấn Độ về chuyện Đền Bạc, Đền Vàng? Quân thuộc dân Anh muốn chia rẽ dân Ấn, gây chuyện để cho họ xích mích nhau; họ biểu tình, và quân Anh bắn giết họ như sâu bọ. Nhưng dân Ấn sẵn sàng chờ chết; họ im lặng, mỗi ngày họp một trăm người, đi từ Đền Vàng đến Đền Bạc để cho quân Anh giết. Và kết cục quân Anh giết mãi gớm tay đành nhượng bộ ông Cam Địa.

Đảo Bali bị Hoà Lan chinh phục còn treo một tấm gương sáng cho những dân bị trị. Ở Bandoung, ở Kloung Kloung, ở Taman Sari, ở khắp các nơi trên đảo, dân gian sẵn sàng đều chờ chết, vui cười mà làm một cái poupoulan, một cái chết “công cộng”, chết say sưa, đeo vàng bạc, ngậm hương hoa mà chết, chết cho nước, chết cho nhà, chết oanh liệt một cách gớm ghê. “Không có một cái gì ở đời này ngăn được họ nhảy vào cái chết”. Ba lần, người Hoà Lan phải ngừng tay súng lại, như để cho những người hoá dại kia tỉnh ngộ ra để cứu họ, để cho họ đừng chết nữa. Vị quan võ Hoà Lan chỉ huy việc này nhìn thấy quân Balinais chết mà rùng mình, phải quay đi, bịt mắt lại để cho khỏi phải nhìn cái cảnh tượng gớm ghê. Bởi vì họ liều chết không biết đến thế nào mà kể; họ chỉ có gươm dao nhưng cứ nhảy vào miệng súng để cố đâm quân lính Hoà Lan, họ đâm vào cổ họ; đàn bà, trẻ con, bà già, nông nô, cài hoa trên tóc, xức nước hoa trên áo, nhảy lên mà chết một cách sung sướng, chồng giết vợ, mẹ giết con, để cho khỏi làm nô lệ cho quân giặc.

Nhà lịch sử tiểu thuyết bàn về việc đó có câu rằng: “Cùng với bác sĩ Fabius tôi nghĩ rằng sự hy sinh của bao nhiêu dân Balinais ngày trước có một ý nghĩa thâm trầm và đã dạy cho dân Hoà Lan nhiều điều tốt”.

Những chuyện biết chết như thế hiện nay vẫn còn nhiều vô cùng, những cường quốc lại càng có nhiều dân biết hy sinh cho đất nước, biết chết cho đất nước.

Lúc quân Đức tiến vào gần Moscou, dân quân chống giữ từng tấc đất; một đứa trẻ con từ đống gạch ra đâm chết kẻ thù; một ông cụ nhảy lên mái nhà bắn xuống đầu quân giặc; một người đàn bà chửa ẵm con điều khiển một cỗ súng cối xay.

Quân Nga tiến đến Berlin, dân Đức liều chết để chống đánh một cách anh hùng không kém. Ai đã quên được thế nào những chuyện mới đây của bao vị anh hùng quốc xã tuẫn tiết vì nước, rồi sau đó, sau khi Berlin đã thất thủ rồi, không một người dân Đức nào không cố chết đánh đến kỳ cùng. Họ xông ra chống quân địch như hổ đó, và, xem chừng cơ thất bại đã rõ ràng, bắn súng vào đầu tự tử, chồng giết vợ, mẹ giết con, cùng chết chứ không chịu sống nhục để làm tôi mọi cho Anh Mỹ.

Vẻ vang thay là một nước có những người dân như Nhật như Đức như Nga như Tàu như Ấn Độ và Bali!

Muốn được sống như người, dân ta cần biết chết.

Lịch sử ta còn để lại rất nhiều cái chết vì nước vì nhà như thế.

Duy ở lần này, sự vinh thân phì gia với phong trào cá nhân tư kỷ đã làm cho ta có một lúc sợ chết và ham sống.

Không thể như thế nữa.

Ngay bây giờ chúng ta phải sẵn sàng chỉnh bị lấy tâm hồn, chúng ta phải gây lại cái tinh thần cố hữu, chúng ta phải sửa soạn chết để đi tìm cái sống cho mai hậu.

Cái sống từ ở trong cái chết đi ra.

Nếu hạt lúa không chết thì không thể có bông lúa được.

Phải chiến đấu, phải liều chết với bọn xâm lăng, phải là một trong đoàn dân quân anh dũng tiền phong!

Tự nó, cái sống cũng như cái chết không nghĩa gì hết cả! Cái nghĩa, ta phải tạo cho nó, và chỉ có cái sống và cái chết có nghĩa mới làm cho người đời kính trọng mà thôi.

“Bực hiền giả không khóc người sống mà cũng chả khóc người chết bao giờ. Phàm cái gì có sinh mệnh đều vô cùng. Phàm cái gì đã có, không bao giờ tuyệt diệt. Không có sức gì phá hoại được sự sống. Làm gì có thọ, yểu? Mà muốn thọ hay muốn yểu cũng không được nào. Chỉ có thể phách chết thôi. Tinh anh thì bất diệt, trường tồn và không thể tiêu tan được”.

Câu sách đó ở trong kinh Bhagavad Gita của Ấn Độ, tôi xin mượn làm câu kết bài này.

                             VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.247 (3/6/1945)