SỰ TÍCH VU LAN HỘI HAY LÀ RẰM THÁNG BẢY

                       

Vượt 136 cửa ngục để cứu mẹ khỏi bị những sự hành hạ gớm ghiếc ở âm ty

 

Chúng ta vừa qua một cái tết mà khắp nước đều tế lễ rõ ràng với một tấm lòng thành kính vô biên: ấy là tết rằm tháng bảy tục gọi Vu Lan hội, một cái tết mà ta vẫn gọi là ngày xá tội vong nhân vậy. Chúng ta đã thấy rằng trong suốt cả một năm trời, khắp trong nước Việt Nam ta không hề có một lễ nào mà người ta săn sóc đến người chết một cách chu chuân như thế! Đừng nói đến sự cúng lễ ở nhà, ở chùa, ở đền, ở miếu mạo tốn kém rất nhiều làm chi, nói ngay đến một sự đốt vàng mã xuống dưới âm cho người chết, một vụ rằm tháng bảy này, người mình tốn kém cũng đã có hàng mươi mười hai vạn bạc rồi. Người giàu có đốt mã xuống cho cha mẹ tổ tiên tốn kém thiệt hại thế nào, đã có bài luận trước rồi. Chỉ phàn nàn cho những người nghèo khó ở trong xã hội mình đây, vắt mũi chẳng đủ ăn, vậy mà năm nào cũng thế, cứ đến ngày rằm tháng bảy thể nào cũng phải dành tiền sắm cho được con ngựa, bộ quần áo hay ít đồ đạc bằng giấy để đốt cho những người xấu số thiệt mạng ở nơi âm phủ. Phần nhiều người tưởng rằng người ta ở trên đời dù ăn ở thất đức đến bực nào, bất hiếu bất mục đến thế nào mà ngày rằm tháng bảy đốt được ít vàng mã cho ông bà cha mẹ đi như thế thì bao nhiêu tội mình làm cũng sẽ được tiêu huỷ cũng như bên đạo sau khi thú tội thì những điều ác đức mình làm cũng sẽ được bề trên xoá bỏ.

Sự thực không phải thế. Ngày rằm tháng bảy có một sự tích đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Sự tích ngày rằm tháng bảy chính là dựa vào đạo Phật, ai đã biết sơ sơ về Phật giáo tất đã hiểu rồi. Chuyện “Phật bà Quan Âm” bằng văn vần cũng đã nói qua, chúng tôi tưởng rằng nhân chúng ta vừa trải qua ngay tết rằm tháng bảy, bây giờ ngồi thuật lại tường tận sự tích ấy không phải là không có ích.

Ngày rằm tháng bảy, theo ở trong sách Phật còn có tên gọi là Vu Lan hội. Nguyên là ngày xưa ở nước của Phật tổ, tại thành Ba-la-nại (Bénarès) có một nhà kia, bố mẹ sinh được một người con rất mực hiếu thuận và có lòng từ bi như trời bể. Người con ấy tên là Mục Kiều Liên, suốt đời chỉ tu nhân tích đức và bố thí cho những người nghèo khó. Ấy, con thì như vậy đó. Ác thay, bố mẹ của người lại ác liệt vô cùng, làm đủ hết các tội lỗi ở nhân gian, nhất là người mẹ thì lại càng gớm ghê quá lắm, tai ác không hai, nên lúc chết bị sa địa ngục và bị quỷ sứ hà răng rút lưỡi, bắt chịu muôn ngàn hình phạt thảm thê. Trong lúc ấy, Mục Kiều Liên ở dương thế vẫn ăn ở hết lòng phúc đức. Người bỏ hết lòng dục vọng, chỉ toàn làm điều thiện và theo phép Ba-la-mật vô thương vô đẳng đẳng, kết cục được nhập hàng đệ tử của Phật. Hôm ấy, Phật ngự trong vườn Kỳ-thọ Cấp-cô-độc, truyền cho các đệ tử được đứng chầu chung quanh. Phật nói ra những lời lành và tỏ ý rất sốt sắng làm vợi những nỗi buồn khổ cho cõi đời. Mục Liên đứng hầu bên cạnh Phật nghe thấy thế bất giác nhớ đến hồi mẹ mình còn ở trần thế gây bao nhiêu điều ác đức, làm rỏ bao nhiêu máu và nước mắt của thế nhân. Mục Liên rầu rầu trong bụng bèn phóng tầm mắt ra ở chung quanh thì thấy mẹ mình ở địa ngục, bị quỷ sứ hành hà tàn nhẫn khổ sở không thể nào tả được: bà cụ bị quỷ sứ rút lưỡi, bỏ vào vạc dầu, vứt trên lò và nung cháy trên lửa đỏ. Vừa ở lửa ra, hai tên quỷ sứ đầu nhọn như trái núi có lông mọc ở hai tai, mặt nửa xanh nửa đỏ túm lấy và bỏ trên một tấm ván; đoạn, hai tên quỷ sứ ấy lấy cưa cưa đôi người bà cụ ấy ra, máu trào ra như suối. Người bất hạnh ngất đi chết giấc nhưng một tên quỷ lại đem vã nước vào mặt làm cho tỉnh dậy và lại đưa đi ngục khác để chịu muôn ngàn hình phạt gớm ghê hơn nữa.

Mục Liên thấy mẹ như vậy tưởng như đứt ruột. Đại-đức nhớ đến ơn sinh thành, nghĩ mình sung sướng an hưởng sự yên ổn sao đang, bèn xin đức Phật cho xuống địa ngục thăm mẹ gọi là tỏ chút lòng hiếu thảo.

Phật nhận lời. Mục Liên đi suốt các ngục nhỏ và tám ngục lớn để tìm bởi vì bà mẹ Mục Liên tội nặng tày trời hết bị hành hà ở ngục này lại bị dẫn sang ngục khác để chịu cho hết điều khổ ải trầm luân. Mục Liên đi, đi mãi, đi hết sáu cửa ngục lớn, đến tận ngục thứ bảy mới thấy mẹ đương bị quỷ sứ moi tim móc mắt. Cầm lòng không đậu Mục Liên oà lên khóc như giông như bão. Đại-đức thấy xương thịt mẹ tan tành từng mảnh bèn van lơn xin quỷ sứ thương tình nới tay cho, nhưng biết làm sao được? Thương thì thương để trong lòng, Việc quan cứ phải phép công mà làm. Bọn quỷ sứ không hề để ý đến những lời cầu khẩn của người con thương xót mẹ.

Mục Liên không biết làm thế nào bèn cúi xuống lạy mẹ rồi xin với quỷ sứ, hãy nghỉ tay hành phạt. Mẹ Mục Liên tóc rối loà xoà người gày vóc yếu, ôm lấy con khóc và ăn năn những điều ác đức mình đã làm trong khi sống. Nhưng chao ôi đã muộn. Bây giờ thì không còn phép gì mà cứu gỡ được nữa rồi. Mục Liên chỉ còn biết cách là rút áo lấy cơm ra đưa cho mẹ ăn cầm hơi, nhưng tội nghiệp cho người đàn bà, bà vừa cầm cơm đưa lên miệng để ăn trộm lũ quỷ sứ thì những nắm cơm bốc lửa lên và cháy ra than hết. Rút cục bà chẳng được ăn ít gì tuy rằng những miếng cơm ấy đã gần kề lỗ miệng. Mục Liên rời rụng cả người, ruột như muối xát, tim như se lại. Đại-đức không còn cách gì giúp mẹ, chỉ còn cách là quay trở về với đức Phật để bạch hết đầu đuôi sự thể. Phật nghe xong phán rằng: “Tội ác của mẹ người rất nặng, gốc rễ sâu xa chặt chịa lắm. Tuy người có đạo lý nhiệm màu, phúc đức to lớn, song một mình khó thể cứu. Ta biết lòng hiếu thảo của người động đến Trời Đất, Thánh Thần. Nhưng dầu là tiên trên trời, dầu là thần dưới đất, dầu là yêu tinh có phép thuật, dầu là nhà tu hành có đạo đức, bất kỳ là ai cũng không cứu được. Có một cách này là nhờ lấy lòng lành của các vị Thánh tăng trong mười phương hội lại mới mong cứu khỏi. Bây giờ ta chỉ nẻo cho, noi theo đó mà cứu vớt lên, làm cho khỏi nạn khổ và làm cho các tội ác tiêu đi”. Đoạn Phật mới dặn rằng: “Đến kỳ đại hội, hết thảy mười phương chư tăng đều nhóm lại vào ngày rằm tháng bảy. Ấy là ngày chư tăng ăn năn và tự khuyên lơn với nhau. Lúc ấy, ai có muốn xin tôi cầu phúc cho cha mẹ và bà con bảy đời thì nên lo đồ ăn trăm thứ, hoa quả, ngũ cốc, hồ tắm, hương, đèn, giường, nệm gồm hết các đồ tốt lành trên đời mà để vào Vu Lan hội. Rồi đem đến dâng cúng cho chư tăng đại đức thập phương. Bữa ấy chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh, chư Tăng đắc đạo đều chứng lễ vật của mình. Đạo đức của các vị họp lại lai láng mênh mông, vô cùng vô tận. Lúc đương hội nghị về tội, phúc, người thành tâm dâng lễ thì cha mẹ người cùng bà con bảy đời đều khỏi hoạ, được áo quần lành lặn và được ăn uống ngọt ngào. Còn về phần những kẻ mà cha mẹ còn sống thì chư vị cho sống đến trăm tuổi, vui sướng, an nhàn. Và bà con bảy đời trước tức thì cũng được phúc là đầu thai lên cõi Tiên, hoặc giữa người hiền đức và được an lạc vui chơi luôn” (trích sách Phật học, Đoàn Trung Còn).

Mục Kiều Liên và các vị đại đức đứng chung quanh Phật nghe được những lời giáo lý tự nhiên thấy tâm thần sáng suốt hẳn ra. Thì ra phàm con người ta sinh ra ở trên đời, điều cần nhất phải giữ là lòng nhân đức. Những ai làm điều bất nhân bạc ác, những ai làm những điều vô luân lý, làm rơi máu và nước mắt của chúng sinh, những ai làm cho thế nhân hay súc vật phải đau khổ, những người ấy khi đã thác xuống âm phủ không có cách nào làm để tiêu trừ tội lỗi đã làm trên dương thế. Như Mục Kiều Liên chẳng hạn, mẹ làm điều ác, con là đại-đức van xin đức Phật xá tội cho mà riêng một đức Phật cũng không thể nào xá được. Bà mẹ Mục Liên sẽ bị trầm hà khổ sở mãi mãi, đến chín kiếp mười đời nếu không được đức Phật dạy cho rằng phải đợi ngày đại hội chư tăng đại đức mười phương hội họp mà xin mới được. Mục Kiều Liên, nặng một tấm lòng thương mẹ, ngày đợi đêm chờ và chẳng bao lâu đã đến ngày đại hội. Đại đức mười phương về, Mục Liên bèn theo lời Phật dạy rập đầu khấn lạy xin đức Phật và chư tăng tha tội cho mẹ đã già nua tuổi tác, lại lo sắm đồ vàng, hương nến, cùng hoa quả lễ bái tươm tất lắm, không quên giường màn tốt đẹp, hộp cau xinh tươi để cho Vu Lan hội của chư tăng đại đức mười phương chủ toạ được thập phần long trọng. Suốt đêm 14 rạng ngày rằm tháng bảy các vị tụng kinh cầu Phật cho mình có hết cả một tấm lòng tưởng đạo, các vị tụng kinh cho mẹ Mục Liên và ông bà ông vải bảy đời được siêu thoát; đoạn rồi mới đem những đồ tế lễ bày ở dưới chân đức Phật một hồi lâu rồi mới đem ra thụ hưởng.

Không có lời lẽ nào khả dĩ tả được nỗi lòng sung sướng của Mục Kiều Liên hôm ấy. Mẹ Kiều Liên quả được chư Phật cho ra khỏi nơi địa ngục. Mục Kiều Liên dắt mẹ ra khỏi những cửa ngục kinh quái và người mẹ ấy, sau khi trải qua những sự đau khổ, sau khi đã biết những hình phạt của Trời phạt kẻ ác đức thế nào rồi, thấy phát sinh trong lòng một tấm lòng nhân đức, một tấm lòng biết dung thứ và từ bi với mọi người.

“Sự đau khổ nâng cao người ta lên”, câu nói ấy trong Kinh Thánh mà các nhà văn sĩ Nga thường nhắc đi nhắc lại, ta thấy rằng so với trường hợp này thực đúng không biết bao nhiêu. Quả vậy, sau khi khổ lắm, mẹ Mục Liên lại càng hiền lành nhiều; bà cụ già ấy, cũng như con ngày trước làm điều thiện và tu theo phép Ba-la-mật vô thương vô đẳng đẳng chẳng bao lâu được Phật thương cho lên cõi tiên mà hưởng những điều lành sự tốt.

Mục Liên bèn rằng:

− Bẩm đức Phật, bây giờ mẹ đệ tử đã được đức Phật thương tình mà tha tội, đệ tử xin rập đầu cảm tạ và cảm tạ chư đại đức mười phương. Duy đệ tử có điều này lo nghĩ trong lòng: Đệ tử thì được hưởng ơn đức thế này rồi, nhưng không biết những người có cha già mẹ yếu, những ngày Vu Lan hội sau này liệu có được hưởng ơn đức ấy không? Chẳng hiểu về sau này, mỗi ngày rằm tháng bảy người ta muốn sửa lễ để cầu phúc cho mẹ và tổ tiên bảy đời thì liệu có được không?

Đức Phật thấy lòng nhân của Mục Liên mênh mông như vậy, lấy làm cảm động bèn giơ tay lên phán rằng:

− Ớ các đệ tử đích đáng! Về sau mà người ta cứ giữ lễ ấy để tỏ lòng với ông bà dầu là sự hiểu đạo, dầu là tăng mới tu, dầu là vua quan, dầu là thường dân, thì chư Phật thập phương cũng chứng quả mà ban phúc cho cha mẹ đã khuất hay còn sống và bà con trước bảy đời. Vì rằm tháng bảy là ngày vui của Phật, ngày mà các nhà tăng xưng tội xá tội cho nhau, ngày mà các Thánh tăng các nơi hội nghị. Nếu mình có lòng hiếu thảo, đem lễ vật đến cầu nguyền thì cha mẹ còn sống được bách niên giai lão, vui sướng thanh nhàn; cha mẹ thác rồi liền được đầu thai lên cõi tiên, hoặc giữa người hiền đức và được an lạc vui chơi luôn khỏi bị hành khổ ở nơi địa ngục, giữa đám quỷ ma đói khát nữa.

Đoạn Phật phán với các hàng đệ tử rằng: “Nếu trong tín đồ có người có lòng hiếu thảo và kính theo cha mẹ ông bà thì nên tưởng nhớ đến kẻ sinh thành dưỡng dục và trọng luôn tổ tiên trước bảy đời. Mỗi năm đến rằm tháng bảy, phải vì lòng hiếu thảo, vì lòng biết công ơn cha mẹ ông bà, đến dâng lễ vật cho Phật với các nhà đạo đức để đền đáp ơn dày của cha mẹ tổ tiên bảy đời. Này! Các đệ tử phải giữ lệ ấy luôn” (trích  Chuyện Phật, Đoàn Trung Còn, tr,56).

Đó sự tích ngày rằm tháng bảy, ngày hội Vu Lan, ngày hội của chư tăng đại đức mười phương. Từ ngày Mục Kiều Liên cứu mẹ khỏi được nơi ngục ải, cái lệ ấy vẫn giữ luôn luôn cho đến mãi tận bây giờ và mãi mãi. Nước ta cũng như nước Tàu và nhiều nước khác ở phương Đông, cứ đến ngày ấy là đốt vàng mã xuống dưới suối vàng để cho vong hồn cha mẹ ông bà và tổ tiên bảy đời làm lễ lạy chư tăng mười phương tụng kinh cho mình được siêu thoát, kẻ nào có tội thì được tha tội mà kẻ nào vô tội thì được Phật Trời cho lên cõi tiên hưởng sự lành hoặc đầu thai lên làm người trần thế.

Sự đầu thai ấy thế nào? Đó là một chuyện khác. Các bạn sẽ đọc lẽ huyền bí của sự đầu thai ở trong một bài đằng sau đây mà bạn Lê Hùng Phong đã tham khảo các sách Tây Nho để tìm biết sự tổ chức ở nơi địa ngục.[1]

                                                           VŨ BẰNG

                               Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 78 (4/7/1941)


 

[1] Đây là câu giới thiệu bài tiếp theo trong cùng một số báo chuyên đề.