TẾT NĂM NAY CÓ GÌ LẠ?

 

Hừ! Thế là xong cái tết. Đỡ lo! […………..][1]

Chẳng biết ở các nơi khác thế nào, chứ riêng nhà kẻ ngu này bảng chi về tết không thấy kê món rượu li-cơ [2] như những năm trước nữa. Đồng tiền khó kiếm, rút được cái gì là hay cái ấy. Vả lại nói cho thực, ông và tôi là cái hạng Việt Nam bình thường, tôi có cần phải làm cái tính này để ông thấy rằng nếu chúng ta không tiết kiệm như thế thì không ổn được?

Này nhé, cái hôm mùng chín tháng chạp nghe đâu ở nhà có đủ một trăm đồng lo tết. Ai chẳng tưởng thế cũng tạm đủ dùng? Ấy, vừa nghĩ thế một chút thì đánh đùng một cái, có tin không hay lắm ở hai bên xóm giềng đưa lại. Ông Cả Khoang đã cho bà ấy và các cháu về quê. Dãy bên kia, ông Ba Qua lại cũng hòm xiểng đâu đấy định nửa đêm thì dọn cả về Sét ở cho chắc chắn. Thấy thế, ông cũng sốt ruột lây, […….] [3] ông cũng dọn về ở với bà nhạc ở Hà Đông chẳng hạn. Thưa ông sự đi lại ấy tốn ít cũng vài chục bạc. Ông gan lắm thì mua được ít trứng muối, lạp sường là hết. Rượu, bánh, kẹo và pháo ai lại còn hoài hơn đâu mà nghĩ đến?

Về nhà quê ở ba hôm, ông đọc báo lại thấy tình thế “nên thơ” lắm; ông tưởng như ông vững lòng hơn hết cả bao giờ. Ông lại bàn với bà ấy và các cháu và ông quyết định: “Bàn thờ ở ngoài tỉnh. Tôi nghĩ rồi, ta không thể ăn tết được ở đây. Thôi liệu mà xếp dọn, mai sớm, hễ gà công con lên chuồng là vợ chồng ta đem các con ra tỉnh”.

 Thế là ông tốn thếm vài chục nữa. Số 100, ông giở bót -tầm-phơ[4] ra điểm lại bây giờ chỉ còn độ năm mươi tờ là hết sức. Lạp sường trứng muối mua tết, nhưng vì nhà quê không có cái ăn ông đã xơi tiệt hết cả rồi. Ông lại phải mua nữa, nhưng vừa nghĩ thế thì bà ấy đã bảo: “Gạo cao lắm không mua trữ thì đến 27 - 28 tết không thể mua được nữa đâu”. Ấy, cái chuyện ấy là cần nhất. Ông phải nghĩ đến nó và ông thấy số 100 của ông găm từ đầu chạp để sắm tết đến bây giờ đã gần như không còn gì. Mấy đứa trẻ u ơ đòi áo mới. Lại tên người nhà ra vay trước một tháng công để gửi người làng cầm về hộ để giúp bà mẹ năm nay 78. Người đàn bà lo tết thấy phờ người. Có trăm đồng bạc lo tết hẳn hoi mà kết cục sáng ngày 28 chỉ mua được có chậu cúc, ba cành hoa la-dơn,[5] hai xe cát đổ ngoài sân để phòng thủ thụ động và giữ được đồng bạc mở hàng cho trẻ… trời ơi là trời! Dù không là thi sĩ, bà cũng muốn bắt chước Tản Đà tiên sinh:

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến Tết,

Bà đến năm nay mới thật chết.

Phi cơ bay nhăng không câm mồm,

Hầm hố chạy tếu, chẳng ấm đít.

Ngoài sân lù lù đống cát cao,

Pháo đốt tịnh không mà khét lẹt.

Thì ra năm “Ngựa” chỉ “chạy” nhiều.

Ối Tết! ối Tết ơi là Tết!

Người ta vẫn thường nói: “Ở thành thị, người ta bị nhiều cái thiệt”. Thật không đúng gì bằng cái đêm ba mươi, theo lời ca dao là một đêm rất lạ:  Anh hỏi em, em chẳng biết gì, Em chỉ biết rằng trời đen tối sì sì là đêm ba mươi. Cái đêm ba mươi Tết đen sì ấy, hỏi người thành thị đã mấy ai được biết? Hay là chỉ thấy hàng năm cứ đến đêm ấy thì thành phố lại sáng hơn vì đèn thắp nhiều hơn bởi kẻ đi lại đông hơn? Không, ba mươi Tết năm nay, đèn lửa không sáng như năm khác. Phòng thủ thụ động vẫn kéo dài. Từ bảy giờ tối, cô tiểu thư và anh bán than đều cầm như nhau cả, nghĩa là đen như mực. Xe đi lại ít. Ở Hàng Đào và Hàng Buồm có mấy người đi xe đạp đâm phải khách bộ hành và đánh nhau một trận tất niên hăng đáo để. Chỗ Hàng Ngang rẽ ra Hàng Giép, mấy bà hỏi chuyện với nhau: “Gớm, bóng năm nay hiếm quá”.− “Mà mộc nhĩ sao mà cao lạ”. − “Thế còn bà nọ thì sắm sửa gì mà có một cái bọc lớn thế kia?” − “Em sắm Tết lối mới đấy, các bà chị ạ. Cái này là cái mặt nạ phòng hơi độc đeo hôm mùng một Tết. Cái này là ruốc để ăn dần với cơm nắm, bánh tây, chỉ còn thiếu một cái ghế con để lúc chạy xuống nơi trú ẩn thì kê ngồi cho khỏi bẩn cái quần lụa mới may mặc Tết”.

Độ hơn mười giờ phố sá đã thưa người. Có cúng giao thừa thì phiên phiến lên nhé. Không có… nhỡ ra thì khốn. Thôi đèn nhang không sáng sủa thì đừng. Các cụ ở dưới ấy xin cũng biết cho con cháu ở trên này: đèn thắp sáng phải phạt chín đồng đấy ạ! Bị phạt lần thứhai 16 đồng, còn như hoá vàng mà để cháy bùng lên, thì tôi khuyên thà đừng đốt. Các cụ ở dưới ấy không tiêu cũng chẳng sao chứ con cháu trên này mà giữa đêm mùng một bị đội xếp gọi cửa vào biên phạt thì liệu có muốn làm ăn gì nữa không. Dù là nhộn nhạo cũng không ai muốn rông cả.

Đèn đóm tắt cả từ lúc cúng giao thừa xong. Pháo đốt. Pháo cũng đốt chứ. Nhưng cái mùi thuốc pháo năm nay khét quá, có phải không ông Phó?

Không cần. Cứ Tết như thường. Áo mới, quần mới, giầy mới và cũng mở hàng xông đất như thường lệ. Chỉ phiền một cái thần hồn nát thần tính, tiếng ô-tô chạy ngoài đường luôn luôn làm cho người ta tưởng là tiếng máy bay khốn nạn sắp làm điều càn dỡ. Còi tàu thuỷ làm cho người ta sởn da gà. Mà tiếng còi mười giờ, gớm chết, lại cứ ngỡ là tiếng còi con nỡm ấy.

− Năm mới năm me…Biết mừng tuổit hế nào đây hở trời? Chẳng lẽ năm mới, tôi lại mừng ông không chết! Tôi đành phải chúc: “Thưa ông bà, chúng tôi chúc cho … chúng ta bình yên cả”. Anh đầu cơ chúc cho nhau làm thêm được vài mươi việc như việc sữa việc đường việc diêm việc vải việc sợi việc sà phòng chẳng hạn. Những người buôn bán lương thiện không dám chúc cho nhau quá lắm, họ chúc cho nhau đủ tiêu là mừng. Mấy ông cua-rơ xe đạp Bắc Kỳ chúc cho nhau không bị một vài ông nhà báo trong Nam mạt sát dữ tợn trong khi nhiều bạn đồng nghiệp khác ở trong ấy phê bình rất chiết trung. Còn phụ nữ? Như thường lệ, họ chúc đẻ nhiều con cho nước.

Nói cho cùng, cái tình hình nghiêm trọng của thế giới năm nay, nếu đem cho ta một chút lo sợ phấp phỏng, không phải không đem cho ta nhiều điều hay đáng kể.

Đường phố đã thưa bóng những ông áo gấm điều, đi giầy ta, ngậm xì-gà, đội nón dứa và cưỡi trên con ngựa sắt. Lại như cũng vắng bóng mấy cô áo bánh bao bánh bẻ mang những cái khăn quàng hình con cú con cáo ở trên cổ để toét miệng ra cười lối… lối gì? lối vui vẻ trẻ trung!

Không, điều ta đáng mừng là thanh niên nam nữ năm nay đã biết cái trọng trách của mình không đùa láo nữa nhưng biết nghiêm ngay chính với mình. Họ biết những bổn phận họ phải làm và đáng lẽ làm trò hề cho thiên hạ xem gơ-ra-tuýt,[6] họ nghiêm lại để hàm dưỡng, họ vội vàng làm nhiệm vụ và họ đã biết rằng: “Cái văn minh của một nước không phải ở lâu đài hay cầu cống nhưng ở tư cách và lễ độ của người dân, cả trai và cả gái”.

Ngày mùng một Tết năm nay, sự thực, không được tấp nập như mọi năm. Ai đi lễ tết như cũng chân trước chân sau để vội về nhà cho chắc dạ. Có anh chàng rể, vừa lễ bàn thờ, nghe thấy trẻ ở ngoài đường bắt chước tiếng còi phòng thủ, bỏ cả ông vải đấy, toan chạy, nếu không tốt người dìu lại.

Uống chè nội hoá. Uống rượu nội hoá. Ăn bằng phua- xết, cùi-dìu [7] nội hoá. Câu chuyện tết năm nay không phải là câu chuyện phiếm về sự ăn chơi tư lợi. Người ta nói đến kỹ nghệ, đến tiểu công nghệ và thật ta nên lấy làm mừng mà nhận rằng hầu hết mọi nơi người ta không còn nghĩ cái thành kiến nội hoá là tồi là kém nữa. − “Ông phải biết chứ, chiến tranh mà cứ kéo dài ra nữa thì ta rồi làm được tuốt chẳng thiếu thức gì đâu!” Người ta đã thấy tự phụ được làm người An Nam, không như mấy năm trước hồi còn phong trào vui vẻ trẻ trung ai cũng cho làm An Nam là xấu. Thế giới chiến tranh đã mở mắt người ta ra. Á, Âu không phải là chuyện lạ nữa. Một bà cổ nhất cũng biết chuyện quân Nga lại lấy được Mo-dát và Nhật chỉ có nửa tiếng đồng hồ mà đánh đắm được hai cái “phòng không mẫu hạm” (ý chừng là hàng không mẫu hạm của Anh và Mỹ). − “Ừ thế thì tôi đố ông, lúc chung cục, anh nào sẽ thắng?” Này thôi, nói gì thì nói chứ đừng đánh đố nhau việc ấy. Năm mới năm me, ở phố Hàng Bạc đã có đám to tiếng về vấn đề ấy đấy.

Mùng hai. Như ngày hôm mùng một. Mùng ba. Như ngày hôm mùng hai. Và hết Tết. Mùng bốn nhiều nhà làm thang hoá vàng. Vàng hoá ở sân, sợ có ánh sáng bốc lên phải phạt. Người ta phải hoá từng thoi vàng một như kiểu trẻ con đốt pháo sì. Nhưng sang đến mùng năm thì con đường vào Đồng Quang thật là tấp nập, thật là đông đúc. Ngày ấy, còn người Việt Nam nào lại còn không biết là ngày kỷ niệm vua Quang Trung Nguyễn Huệ?

Thì ra cách đây hơn trăm năm, cũng vào mấy ngày tết này, ở nước Việt Nam đã có khói lửa bốc lên rồi. Nhưng ngày ấy là ngày ta được Tàu. Ta tiến đánh giết Tôn Sĩ Nghị…

                                               TIÊU LIÊU

                            Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 99 (22/2/1942)

 

 

 

 

 


 

[1] chỗ này  báo gốc chấm lửng liền 4 dòng, có thể một đoạn bị toà soạn bỏ.

[2] liqueur (chữ Pháp): rượu mùi.

[3] chỗ này báo gốc châm lửng liền 2 dòng.

[4] nhại âm chữ porte-feuille (chữ Pháp): cái ví (đựng tiền, giấy má).

[5] la-dơn: tên một loại hoa nhập ngoại, gọi theo âm chữ Pháp glaieul.

[6] gratuit (chữ Pháp): miễn phí, cho không, không lấy tiền.

[7] tên các dụng cụ khi ăn theo lối người Âu: phua-xết (chữ Pháp fourchette) tức cái nĩa; cùi-dìa (chữ Pháp cuiller, cuillère) tức cái thìa.