TẾT CÙNG

 

Nói đến Tết, người dân Việt Nam nào không nghĩ ngay rằng theo âm lịch thì từ Nam đến Bắc người mình, giàu cũng như nghèo đều cùng phải ăn vào ngày mồng một đầu năm. Cái đó đã thành một tập tục phổ thông khắp nước từ hơn ngàn năm nay rồi, ai cũng biết. Nhưng hình như chúng ta chưa mấy ai biết rằng ở vài tỉnh Bắc Kỳ như Hà Đông, Sơn Tây và nhiều tỉnh miền thượng du, dân ta không ăn Tết như thế mà lại ăn vào một ngày cuối tháng giêng.

 

Đó là tục ăn “Tết cùng”. Theo tục đó, trong mấy hôm Tết Nguyên đán đầu năm mới, những nơi đó dù cũng có nghỉ ngơi, ngày mồng một cũng làm lễ ở đình chùa cúng nhà thờ tổ tiên để cáo yết, nhưng không rộn rịp tưng bừng. Mãi đến cuối tháng giêng, nhà nào nhà nấy mới sắm sửa các thứ bánh trái, cỗ bàn để đến ngày ba mươi cùng nhau ăn Tết; ăn uống xong mới đi lại mừng tuổi nhau và bày đủ các trò vui chơi, làng thì một ngày, làng thì ăn đủ ba ngày như các nơi đã ăn Tết chính. Vì họ ăn Tết như thế nên gọi là ăn “Tết cùng”.

Cái tục ăn “Tết cùng” không phải là họ cố ý lập dị đâu. Đó là một cái ấn tượng cảnh đời loạn ly mà tổ tiên họ đã trải qua, hàng năm lại diễn ra để kỷ niệm vậy. Theo lời các vị cố lão ở một làng có tục đó kể lại, thì hồi sáu bảy mươi năm về trước, vào đời vua Tự Đức nhân có việc giao thiệp với người Pháp, các giặc cỏ nổi lên khắp nước. Đảng Cờ Đen lấy cớ sang giúp quan quân ta, chia đi các nơi, xông vào các làng cướp của giết người và hãm hiếp đàn bà con gái. Vào ngày 30 Tết một năm, không nhớ rõ năm nào, nhà nào nhà nấy đang túi bụi sắp sửa các thứ để ăn Tết, lý trưởng bỗng nhận được giấy tống của một tên tướng giặc cỏ trong vùng, hạn đúng đến ngày hôm sau là mồng một Tết, phải biện đủ mười con bò, hai mươi con lợn cùng mấy chục thúng vừa gạo nếp gạo tẻ, lại kèm thêm cả ba trăm cặp bánh chưng, mười lăm vò rượu. Những thứ này lý trưởng phải mang cả ra để sẵn ở đình làng để chúng đến lấy cho quân ăn Tết. Tại sao quân giặc yêu sách nhiều thứ như thế? Đó là vì chúng biết rõ làng này là một làng trù phú. Cũng vì sự trù phú đó, các đàn anh trong làng đã tổ chức được cơ quan phòng thủ, các nhà giàu bỏ tiền ra sắm đủ khí giới và chu cấp cho các dân nghèo, lập thành được một đoàn hương dũng để giữ làng. Đã có sẵn cái lực lượng ấy, lại biết rõ thế lực tên tướng kia chẳng có gì, không đáng sợ, bọn đàn anh liền cự tuyệt lời yêu sách của bọn giặc, sai đóng chặt các cổng làng, dự bị cuộc chống giữ, rồi bảo cả làng cứ vui vẻ ăn Tết như thường. Bị cự tuyệt, tên tướng kia lấy làm căm tức lắm. Nhưng liệu sức mình không thể hành động được, chúng liền tìm đến kết hợp với một toán giặc Cờ Đen, nói làng ấy giàu có những thế nào, và có nhiều con gái xinh đẹp, xui giục đến ăn cướp và xin tự đem quân bộ hạ đi dẫn đường. Vốn là những quân dâm ác đến đâu cũng chỉ chăm đi sục tìm những món “hẩu phồ”, giặc Cờ Đen thấy nói thế thì múa chân hoa tay, hứa ngay đêm hôm 30 ấy sẽ kéo một toán đông đến làng kia cướp phá.

 

Thật cũng là may cho làng đó. Trong khi tên kia chực giở thủ đoạn “cõng rắn cắn gà nhà” thì đã có người hay tin. Tin này làm cho đồng dân đều thất đảm kinh hồn, vì đã biết rõ thế lực giặc Cờ Đen, nhất là cái tính tàn ác dâm tà của chúng. Đàn bà con gái trẻ con kêu khóc như ri, không còn lòng nào nghĩ đến tết nhất nữa. Sau một hồi bàn bạc của các đàn anh trong làng, mọi người đều quyết bỏ làng tạm tránh đi nơi khác. Lập tức nhà nào nhà nấy thu vén các thứ cho vào buồng khoá cả lại; các đồ quý báu nặng nề đều cho vào bồ; có thứ họ đem vứt cả xuống ao sâu, kể cả bánh trái, dò nem để khỏi làm mồi ngon cho quân cướp. Thu xếp xong, họ chỉ để những dân nghèo ở lại trông, còn thì già trẻ lớn bé bồng bế dắt díu nhau, bỏ làng chia đi ẩn trú các ngả. Quả nhiên, đêm 30, chừng độ hết trống hai sang trống ba, quân cướp ầm ầm như ong kéo đến. Vì không ai chống cự, chúng cứ tự do vào thẳng trong làng, chia đi sục vào các nhà. Chẳng nhà nào có bóng người. Chúng được mặc sức tung hoành, muốn lấy gì thì lấy. Riêng có bọn Cờ Đen lại cho là tên kia nói dối, vì chẳng còn lấy một món “hẩu phồ” nào, sục sạo khắp nơi, quanh quẩn chỉ có mấy bà già má hóp lưng còng, quần áo rách rưới, chui rúc trong những cái nhà chập hẹp bẩn thỉu ở cuối làng. Chúng xúm lại vặn hỏi. Tên giặc cỏ hết sức biện bạch là cả làng biết tin chạy trốn cả rồi, chúng cũng không tin. Tức mình vì chẳng được thoả lòng, một tên cừ khôi, sau mấy tiếng “tỉu-nà-ma”, đá thốc cho tên kia một cái “song phi” chết thẳng. Vì thấy làng này hiểm trở, có nhiều nhà ngói rộng rãi, bọn Cờ Đen liền chiếm đóng, định ở luôn làm một nơi căn cứ. Thì vừa may lúc đó quan quân Pháp chia đi dẹp các toán giặc ở các nơi, bọn Cờ Đen dù người đông sức mạnh cũng không chống nổi. Các nơi căn cứ to của chúng như ở Sơn Tây, Tuyên Quang đều bị phá tan cả. Các toán nhỏ chia đi các nơi; toán đóng ở làng này liệu thế phải tìm đường chạy trốn. Vì vậy, nhân dân đâu đấy dần dần lại được yên ổn làm ăn. Được tin bọn giặc đã bỏ đi, làng này lại kéo nhau về. Trước cảnh điêu tàn, ai nấy dù đau xót, nhưng lại mừng từ đây lửa binh đã tắt, đều được an cư lạc nghiệp, không còn phải cái nạn bỏ làng chạy trốn. Dọn dẹp và sửa sang lại nhà cửa rồi, họ cùng đi với những thức giấu ở các chuôm ao lên, ai nấy đều reo mừng: trừ những thứ bị hư hỏng vì ngâm nước lâu ngày, còn đều vẫn nguyên vẹn cả. Lại có điều lạ nữa, nhiều nhà có những bồ bánh chưng ném xuống đáy nước tới gần một tháng, vớt lên bóc ra vẫn thấy xanh dẻo như bánh mới luộc không hề biến dị. Một nhà thấy thế, các nhà khác cũng đều thấy thế, xét ra mới biết bánh chưng gói lá vừa mới luộc xong, còn đang nóng hổi, quăng vào nước lạnh, hơi nóng mịn lại ở trong, nước không thấm vào, bánh vẫn cứ dẻo mãi.

Hôm ấy là 30 tháng giêng, các nhà thấy còn được bánh chưng, còn cái màu Tết, liền bàn nhau lại bày ra ăn uống vui chơi, trước là mừng cả làng được yên toàn, sau để cho bõ với những ngày phải long đong chạy trốn. Họ bảo nhau đó là “ăn Tết cùng”. Vì có một ý nghĩa đáng kỷ niệm đó, tục ăn Tết cùng mới thành một tục riêng, lưu truyền cho tới ngày nay và mãi mãi.

                                                           VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, số tết Quý vị, Hà Nội, s. 143 (31/1/1943)