VỤ LỤT SÔNG MISSISSIPI

 

Vụ lụt sông Mississipi đã được liệt làm một trong hai mươi tai nạn khủng khiếp nhất hoàn cầu       

 

Làm số báo này chuyên nói về việc “Nước” chúng tôi không thể quên không nhắc lại ở đây một vụ lụt kinh khủng nhất thế giới, vụ lụt của sông Mississipi bên Bắc Mỹ. Nói về lụt, người Á Đông ta thường cho vụ lụt sông Dương Tử ở Tàu đã gớm ghê lắm lắm. Nhưng cứ theo những tài liệu của chúng tôi lượm được thì đứng đầu hàng lụt, người ta phải đặt lên trên cùng vụ lụt sông Mississipi. Trong cuốn Les grandes catastrophes của hai ông Engène SzaimariNicolas Aranyossi, hai ông cũng nhận như vậy và dựa vào những chuyện của những người đã được “tai nghe mắt thấy” hai ông đã tường thuật vụ lụt kinh thiên động địa ấy như sau. Chúng tôi xin phiên dịch lại đây để các bạn biết cái sức mạnh vô lượng của nước thế nào, cái thảm hoạ của lụt có thể gớm ghê đến bực nào. Nhưng trước khi bước vào truyện, chúng ta tưởng cũng nên biết sông Mississipi ra sao đã.

Như các bạn đã biết, sông Mississipi ở Bắc Mỹ đã được thế giới mệnh danh là “cha của các con sông”. Nó là một trong mấy con sông to nhất thế giới. Bề dài đo được hơn 5.000 cây số,[1] vị chi dài gấp bốn lần sông Rhin và gấp năm lần sông Hồng Hà của ta. Nó chảy từ Bắc xuống Nam trong một khu vực gồm 3000 dặm vuông, chia đôi Hiệp Chúng Quốc ra làm hai mảnh không đều nhau. Sông Mississipi rất thoải nên nước phải từ bốn đến sáu tuần lễ mới chảy suốt được từ nguồn tới bể, mà số nước khổng lồ 80.000 thước khối mỗi giây, gần gấp mười sông Hồng Hà, rót ra bể bằng một cái cửa rộng chỉ có ba phần tư cây số. Như thế, những năm mưa nhiều, nạn lụt khó lòng mà tránh nổi. Nhiều lần, con sông Mississipi đã gây nên những cuộc thuỷ hoạ ghê gớm, như năm 1913, lụt hết cả tiểu quốc Ohio (Hiệp Chúng Quốc là liên bang 48 tiểu quốc), 500 người phải gửi xác trên ngọn ba đào và thiệt hại tới 120 triệu đô-la (ngót 500 triệu bạc ta). Nhưng chưa vụ lụt nào lại tai hại bằng vụ lụt năm 1927.

Mùa xuân năm đó, ở miền bắc Hiệp Chúng Quốc, mưa gió thất thường và nước đá trên các ngọn núi đổ xuống một cách đột nhiên đến nỗi các mặt sông đều nổi lều bều những đá chưa tan hết. Cảnh tượng ấy thật chưa bao giờ thấy. Sang đầu tháng ba, mực nước các sông nhánh của sông Mississipi đã lên khá cao và cứ mỗi ngày, mỗi tuần lại còn lên cao hơn nữa. Tuy vậy người ta vẫn chưa tin ở miền hạ lưu lại có thể lụt được; người ta chắc chắn ở các đê xây hai bên bờ. Mà những đê này phải nói là một đại công trình của Hiệp Chúng Quốc. Hai nghìn năm trăm cây số chạy dài hai bên bờ sông cho mãi đến bể Mễ-tây-cơ, những đê này có chỗ cao tới 10 thước, ngang 50 phân đúng. Quanh năm hàng ngàn thợ trông nom sửa chữa, và cứ một quãng lại đặt một cái còi báo hiệu nếu đê bị sạt hay thẩm lậu. Mỗi tuần lại một ban kỹ sư chuyên môn đi khám xét. Bởi cần phải săn sóc đê như vậy nên mỗi năm ngân khố phải trích ra tới vài chục triệu. Và cũng vì săn sóc kỹ lưỡng như vậy nên trong luôn 14 năm, đê đã giữ nổi cho nhân dân khỏi bị lụt. Song đến năm đó, năm 1927, các đê ấy cũng đến lượt vỡ nốt. Không có một công cuộc kiến thiết nào do tay người làm ra lại có thể thách được cái sức phá hoại mạnh vô cùng của Tạo hoá.

Hôm 16 tháng tư, lần thứ nhất có điện tín báo nước đã tràn khỏi đê, song những tin tức đều không có vẻ gì là khẩn cấp nên ở Hoa Thịnh Đốn, người ta vẫn chắc có thể ngăn được tai nạn. Người ta đã lầm. Mực nước cứ mỗi giờ lại lên vọt, những đê thành vô hiệu, và vụ lụt người ta cho là vô hại trong có vài ngày đã thành ra một cái quốc hoạ. Hai hôm sau, 7 tiểu quốc đã ngập nước. Ở đồng quê có chỗ nước cao tới 7-8 thước; dân hàng chục tỉnh, hàng trăm làng bị dồn đi các nơi khác. Mực nước sông Mississipi vẫn cứ lên. Mặt sông ngày thường ngang độ một cây số hay một cây số rưỡi, lúc đó lắm chỗ ngang tới 30 cây số. Cả ở những sông nhánh, những đê xây hai bên, khúc nọ vỡ liền khúc kia. Số nạn dân trong hai ngày lên tới 35.000. Đã có độ hai ba trăm người chết. Đã thế chốc chốc trời lại giáng một cơn bão làm ngăn trở cuộc cứu cấp và phá hoại những đường điện thoại thông tin đến nỗi những tiểu quốc Oklabama, Nebraska và Texas bị cắt đứt tin tức với chính phủ trung ương. Bấy giờ chính phủ Hoa Thịnh Đốn mới đem hết cả nghị lực ra để chống nạn nước. Hàng mấy sư đoàn đem ra để cừ đê, bao nhiêu đoàn tàu tốc hành đều chỉ dùng để chở binh lính. Hàng đôi phi cơ cũng bắt đầu vào việc cứu cấp. Giống người đem hết tài đảm ra để chống lại với trời. Nhưng tình thế cũng chẳng khá hơn chút nào. Hôm 20 tháng tư, Nữu Ước công bố: “Nếu trong 24 giờ, quân đội không cừ lại được đê thì số thiệt hại sẽ vô kể”.

Dân Mỹ là một dân giàu, trời đã bắt phải chịu số thiệt hại vô kể đó. Bảy hôm sau, ở vùng Mississipi đã có 175.000 người không có nhà trú ẩn và vào khoảng 260 người thiệt mạng. Tất cả độ 30.000 dặm vuông đồng ruộng bị ngập dưới nước. Vậy mà mực nước cứ cuồn cuộn lên nhanh một cách đáng sợ, những đê nào còn lại cũng đến lượt bị vỡ nốt, nước tràn vào khắp các tỉnh thành, gặp cầu cuốn cầu, gặp nhà phá nhà, giống người hình như đã đến lúc phải khoanh tay quy hàng. Tổng thống Coolidge hô hào quốc dân tổ chức công cuộc cứu tế. Trong lúc đó, ở miền Bắc, mưa suốt ngày đêm như cầm chĩnh nước mà trút xuống và ở những nơi đã bị lụt, cơn bão này qua, cơn bão khác lại tiếp tục luôn, không mấy lúc ngớt. Nhiều khu vực bị nước vây, đoạn tuyệt đường giao thông với ngoài, dân tình đương chịu nạn nước lại phải chịu thêm cả nạn đói nữa. Chính phủ phải cho phi cơ bay suốt đêm ngày để vận tải lương thực. Vài chục vạn người phải ở giữa trời, đã không nhà cửa, không lương thực, không sống áo, lại thỉnh thoảng bị một cơn gió lạnh thít đến tận xương: hình như trời cố sức hình phạt giống người vậy. Gần tỉnh Greenville 6.000 người chạy lên một mỏm đất, nước đuổi theo vây mất lối ra, họ cơ hồ chỉ còn đứng mà đợi chết nếu không có hai sư đoàn luôn ba đêm ngày làm việc gấp để đem họ ra thoát. Hội Hồng thập tự dùng tới 40.000 xe hơi, 50.000 tàu bè vào việc cứu cấp, và chính phủ cần để chở người, tịch thu đến cả những du thuyền (yachts).

Hôm 26 tháng tư, người ta dự đoán số người chết đã tới 500 và số thiệt hại tới nghìn triệu đô-la (hơn bốn nghìn triệu bạc ta), một nửa là hoa mầu vì bao nhiêu đồng lúa, mía và bông đều bị ngập hết, suốt một dải từ tỉnh Memphis cho xuống tới cửa sông Mississipi. Những nhân viên ban cứu tế phải liều mạng mới vào được những nơi bị lụt. Một viên chỉ huy và một số lớn thuỷ thủ một chiếc tàu của chính phủ bị nước cuốn đi trong lúc đánh đắm tàu chở đầy xi măng xuống để cản giòng nước. Hôm 27, nước đã tràn vào tỉnh Arkansas. Quan Tổng trưởng Hoover (sau này là Tổng thống) thân chinh đến nơi bị nạn để xem xét và tự đứng chỉ huy việc cứu cấp. Từ tỉnh Arkansas, nước sắp rót sang tỉnh Nouvelle Orlésans, ở tả ngạn sông. Mà tỉnh này thì bao nhiêu lương thực đều tích trữ ở đó cả, nếu để ngập, cả nước sẽ bị đói. Bởi vậy người ta phải ngăn nước lại ở Arkansas để giữ. Ở Arkansas, mực nước đã lên cao tới 5 thước, những nhà đổ hàng trăm, và ngoài số dân đinh và quân lính người ta phải gọi thêm tới 50.000 thợ nữa và xem chừng cũng không lại với sức nước. Bấy giờ muốn cứu tỉnh Nouvelle Orléans, người ta chỉ còn cách cuối cùng là phá vỡ những đê ở hữu ngạn sông cho nước rót sang những đồng ruộng. Những kế hoạch đó bị bọn điền chủ cực lực phản đối, nhiều nơi họ vác cả súng ra chống cự với bọn lính đến phá đê, họ thà liều mạng chứ không chịu liều để cứu ruộng tỉnh. Chính phủ phải thi hành chính sách độc đoán, ra lệnh thiết quân luật, kẻ nào bắt được mang khí giới trong người sẽ bị tống ngục và cử đại tướng Parker để đàn áp bọn điền chủ bướng bỉnh. Quan Tổng trưởng Hoover bị kẻ âm mưu ám sát, nhưng may không việc gì. Chính phủ cũng không lấy thế làm sờn lòng, cứ ra lệnh phá 48 quãng đê và mộ 10.000 người để làm đập ở những quãng đê bị phá.

Tỉnh Nouvelle Orléans nhờ được sự cương quyết của chính phủ, không bị lụt, nhưng vì thế nạn lụt lại càng lan rộng. Mười vạn dặm vuông đồng ruộng bị ngập nước, số nạn nhân lên tới nửa triệu. Tỉnh Alexandrie bị tàn phá hết và ở miền tiểu trấn không một cái nhà nào còn nguyên. Tỉnh Louisiane và một phần tiểu quốc Texas hình như mất tích trên mặt đất, và chỗ hai tuần lễ trước còn là những tỉnh phồn thịnh, đông đúc, bấy giờ nước phủ mênh mông tựa hồ một làn biển rộng. Sáu tháng sau nước mới rút ra.

                                                           TIÊU LIÊU

                            Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 124 (23/8/1942)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Theo Wikipedia: Sông Mississippi có chiều dài là 3.733 km (2.320 dặm) từ hồ Itasca đến Vịnh Mexico.  Một con sông khác ở Bắc Mỹ dài hơn là sông Missouri, với chiều dài 3.767 km (2.341 dặm) từ ngã ba của sông Jefferson, sông Madison  sông Gallatin đến sông Mississippi. Các sông nối tiếp nhau Jefferson, Missouri và Mississippi hình thành nên hệ thống các sông lớn nhất ở Bắc Mỹ. Nếu đo từ nguồn của sông Jefferson đến Vịnh Mexico, chiều dài của hệ thống sông Mississippi-Missouri-Jefferson vào khoảng 6.275 km (3.900 dặm), làm thành hệ thống sông dài thứ 3 trên thế giới.