XIÊN LÌNH

 

Từ “Ông Đồng Hà Nội”, người đã xiên lình trong đám rước thánh từ Đền lên Nam Tào đến Nguyễn Văn H… một ông đồng già đã chán chuyện xiên lình xoay làm nghề bán quán ở hội đền Kiếp Bạc. Những chuyện xiên lình và những chuyện na ná thế ở dưới mắt người phương Tây.

 

 

I. Một người mặt to bằng một cái nắp tráp xiên một cái xiên lình nặng hai cân đi giật lùi trước kiệu

Đến tận hơn mười giờ, đám rước thánh mới cử hành. Thực ra, người ta đã sửa soạn từ lúc mặt trời chưa mọc. Cờ, lọng, kiệu, đèn, họ đã đặt đâu đấy ở trước đền rồi, trên một bãi cỏ đã phạt trụi và ngập ngụa những bùn lầy và nước mưa úng lại từ đêm trước.

Mấy tiếng trống. Đám rước bắt đầu đi. Kiệu thánh nưng lên, bọn nhạc công vừa cất tay để kéo nhị với hồ thì từ ở trong đền Kiếp âm thầm mù mịt những khói hương thỉnh thoảng lại để lộ vài ánh đèn ngọn nến lung linh mờ tỏ, một người đàn ông to lớn mặc quần xanh áo đỏ hét lên một tiếng rồi nhảy xuống thềm như một cơn gió lốc và từ từ tiến lại phía cái kiệu rước đức thánh Trần.

Bao nhiêu người đứng xem hội rạt cả ra. Những người trẻ tuổi ngửng nhìn bằng một con mắt ngạc nhiên, còn những bà cụ già, những đàn bà con gái thì cúi đầu nhìn xuống đất một cách kính cẩn vô cùng, miệng lẩm nhẩm những câu khấn vái nặng một lòng tín ngưỡng.

− Chạy cả sang một bên, không có lại chết oan chết uổng bây giờ.

Đám rước bắt đầu đi từ từ. Những người nhà quê chắp hai tay lại vái theo sau kiệu ngài; họ thì thầm to nhỏ với nhau bình phẩm đám rước năm nay to và từ từ chen chúc nhau để đi theo đám rước.

Những cô gái quê nhỏ tuổi mặc áo đỏ khiêng kiệu với một vẻ tự phụ ở cuối mày. Những người nào vừa ghé kiệu vào vai mà đã thấy mỏi rồi, chép miệng như lấy làm buồn cho sự vụng về không đáng có của mình. Những trai làng khoẻ mạnh thì cầm cờ quạt và thỉnh thoảng lại cúi xuống nhìn hai cái cánh tay gân chằng mạng nhện của mình mà mắt thì ngời lên một tia sáng như là hy vọng. Đám rước qua một cái cổng chào kết bằng lá chuối và găng tây. Đám rước đi vào phía chợ. Đám rước qua một dãy hàng bán bình vôi, lọ lộc bình, đồ sành, đồ sứ và những hàng quán để người đi trẩy hội vào ăn tạm. Thì tự nhiên, như ngựa hí, một tiếng hé hé hé hé… kéo dài ra bỗng nổi lên, rùng rợn ở giữa đám rước và làm cho mọi người xanh mắt.

Kiệu quay đi một vòng như bay. Các cô gái xổ cả tóc. Các trai đinh hết sức vận nội công để giữ trật tự cho đám rước. Trong bùn, những người đi xem chạy tứ tung. Một tiếng kêu bỗng nổi lên: “Ông đồng Hà Nội!” Thì ra tiếng hé hé như ngựa hí kia là tiếng của ông đồng Hà Nội vừa kêu để truyền cho những người đứng xem nhường chỗ để ngài đi. Ngài đi như một người thắt cổ chưa chết vậy. Những vạt áo đỏ xen lẫn với những cái áo xanh ngài mặc bay phấp phới; dải lưng nhiễu điều tết thành một cái hoa thị thỉnh thoảng lại xoè ra; ngài đi một đôi dép quai một đầy những bùn và ngài bước giật lùi như những người hiếu tử đi trước linh sàng bố vậy.

Người đàn ông trạc độ năm mươi tuổi đó có một màu da như đất sét. Cứ kể thì không có cái gì đáng cho mọi người chú ý cả, nhưng cái mặt thì, chao ôi, trông mới gớm ghiếc làm sao. Tôi đố ai nhìn cái mặt ấy mà không giật mình. Tôi xin thề không dám ngoa ngoét một tí gì, chứ cái mặt ông đồng Hà Nội của ta to vừa bằng cái tráp tròn, nó méo mó, nó xiêu vẹo, nó kinh tởm quá đến nỗi có người mới thoạt nhìn thấy phải giật mình tự hỏi mình đứng trước một cái gì, − quỷ sứ hay là người ngợm?

Cái mặt ấy có lúc xanh lúc đỏ, chỗ tím chỗ vàng. Búi tóc ngược lên, nó đã có vẻ cái đầu lâu mà ta vẫn thấy ở trong những bức hình chụp lúc bọn chân tay Đề Thám bị xử tử rồi, thế mà ở hai bên thái dương lại có hai cái trâm dài bằng cái cánh tay, đầu nhọn hoắt, đâm suốt vào hai má! Chỗ thịt ở hai má người đàn ông ấy, vì vậy, trông hệt như bị véo và phồng lên, máu tụ ở đó và làm tím lại như hai quả bồ quân vậy.

Thế rồi thì một cái xiên lình gớm chết như một thanh sắt chặn cửa, nặng ước chừng hai cân, xiên qua mồm! Những người yếu bóng vía không dám nhìn lâu cái cảnh tượng rùng rợn đó! Bởi vì người xiên lình trông có vẻ bị đè chĩu xuống ở dưới sức nặng của thanh sắt gớm ghê kia, tuy đã có hai người đi theo để đỡ nó; y đi mà như tắt thở và mỗi lúc vẻ mặt của người đàn ông ghê gớm đó lại càng bành bạnh ra, lại càng trành trạnh ra, đến nỗi cái lưỡi thè lè ra ngoài hai cái môi đen sẫm như cũng không còn sức để mà co ra rút vào. Mà co ra rút vào làm sao được? Nó không phải là cái lưỡi nữa, nhưng mà là một đống thịt thối nát đã bị xiên qua rồi: cái xiên lình nặng nề kia đã làm rách nó và đâm qua suốt má bên kia. Người đàn ông quái ác nọ muốn cho cái trò chơi của mình thêm phần mỹ thuật lại lấy một quả cau đâm vào cái đầu nhọn ở xiên lình, và cứ thế, cứ thế, hắn cứ giơ tay khoa một nắm hương đi giật lùi từng bước như một người không biết đau đớn là gì cả!

− Thực là một người quái gở.

Những người đi xem hội lè lưỡi và người nào người nấy cũng có cái cảm giác đau thay cho người đàn ông ghê gớm đã xiên lình hôm ấy.

Mà tôi, tôi cũng vậy.

 

II. Thưa ngài, chính ngài cũng có thể xiên lình được!

Chúng tôi vào một cái quán cơm lối đi lên Nam Tào. Người chủ quán, một ông già đầu bạc phơ phơ, tên là Nguyễn văn H… dọn cho chúng tôi toàn thịt gà luộc rồi ngồi nhìn chúng tôi ăn mà hỏi:

− Thưa các ngài, các ngài còn ở lại xem hội hết đêm nay hay là về ngay bây giờ?

− Chúng tôi về ngay bởi vì xem chừng hội không lấy gì làm thú lắm.

Một người trong bọn chúng tôi, uống xong một chén hạt mít rượu trắng, tiếp luôn:

− …Chỉ trừ có cái ông xiên lình là làm cho chúng tôi chú ý một chút, còn ngoại giả thì hội cũng y như năm ngoái. Nói thế không phải bảo rằng mãi tận đến bây giờ chúng tôi mới được trông thấy một đám xiên lình như hôm nay đâu, nhưng thực quả, ông đồng hôm nay xiên lình đã làm cho chúng tôi chú ý hơn cả những đám khác, bởi vì ông ta xiên có vẻ ghê gớm quá, làm cho người mới nom thấy phát rùng mình sợ hãi.

Ông lão bán quán quay ra bán hàng cho khách một hồi lâu rồi quay lại chỗ chúng tôi mà trả lời:

− Nói vô phép các ngài, nghĩ như vậy mà thôi, chứ xiên lình, đại phàm thì ai cũng chỉ có thế cả, không khác nhau mấy tí. Các ngài bảo rằng ông đồng Hà Nội hôm nay về xiên lình trông gớm hơn những người thường. Xin phép các ngài cho tôi nói: tôi cũng đã được xem “ông đồng Hà Nội” hôm nay rồi; nói để các ngài tha cho chứ, thực quả, tôi, tôi xiên lình hơn ai thì chẳng biết chứ phải hơn đứt ông đồng Hà Nội. Không dám giấu các ngài, trước khi đi làm chủ quán ở đây, tôi đã làm ông đồng ở đền Kiếp Bạc này chán ra rồi. Đừng nói cả một đời tôi bắt tà ở đền Ghềnh, đền Bảo Lộc, đền Sòng đã nổi tiếng làm gì, tôi ăn mày cửa thánh được thánh thương, nên chính những lúc kiều ngài lên, tôi đã lắm phen xiên lình ghê lắm mà xiên không bịp bợm…

− Xin lỗi, xiên lình mà bịp bợm? Hình như ông lão có ý muốn bảo ông đồng Hà Nội xiên lình trong đám rước thánh sáng nay đã đánh lừa con mắt những người chung quanh mình phải không? Hắn đã dùng mưu kế để che mắt người phải không?

− Tôi không có ý nói hẳn thế! Các ông, còn ai mà che nổi mắt các ông? Nhưng tôi chắc rằng các ông đã không để ý nhìn thực rõ đám xiên lình hôm nay, hay là các ông chỉ nhìn thoáng qua rồi thấy mặt mũi “hắn” tởm quá nên bỏ đi đi, không xem nữa. Sự thực, nếu các ông hôm nay chú ý một chút thì sẽ nhận ra rằng cái xiên lình nặng hai cân đó không xiên qua má hắn ta, nhưng chỉ đi sượt qua bên mép và chui xuống dưới lưỡi mà thôi. Cái lưỡi sở dĩ cứ cong lên và thòi ra ngoài, ấy chính bởi cái xiên lình nó làm cộm lên, vả lại chính hắn ta cũng muốn làm như thế nữa để cho nó “quan trọng” thêm một chút. Thế rồi thì sao? Thế rồi thì cái xiên lình ấy cũng không xiên qua má bên kia đâu, thưa các ngài: nó lại chui qua sướt cái mép bên kia, và sở dĩ người ta cắm một quả cau vào đầu nhọn của cái xiên lình chính là để che mắt những người ngoài vậy. Những khi có cái nhìn chăm chú vào mặt người xiên lình thì hắn ta hé hé lên mấy tiếng rồi cầm nắm hương khoa lên ở trước mặt, có khi lại chạy lên chạy xuống, và như thế, người đi theo đỡ xiên lình cũng phải chạy theo kẻo không có cái xiên lình rơi mất!

Có mấy người khách vào ăn hàng. Ông cụ chủ quán lại chạy ra lấy bia, lấy cơm và bánh tây. Một lát sau, ông cụ lại vào ngồi với chúng tôi, nhắp một tớp rượu mà rằng:

− Xiên lình như thế, thì phải tội. Bịp bợm ở trước mắt thánh để lừa người trần như thế có ngày thì hộc máu ra. Tôi, tôi không bao giờ làm thế! Hồi tôi còn ăn mày cửa thánh, tôi xiên lình thực, nhưng tôi xiên những cái xiên lình bé hơn. Tuy vậy, to bé, cái xiên lình cũng như nhau cả mà thôi, mà tôi có thể nói chắc chắn với các ngài rằng tôi xiên lình như thế mà không lấy làm xấu hổ một chút nào bởi vì tôi không lừa dối ai. Buổi đầu tiên, tôi xin thú thực với các ngài, tôi cũng hơi rờn rợn, nhưng rồi sau cũng quen đi, mỗi khi có hội hè kiều cúng, tôi lại xiên lình mạnh bạo lắm mà không đau gì cả.

− Ông già nói lạ. Nếu quả thực cái xiên lình đâm suốt qua má thì làm sao lại không đau?

− Tôi không nói dối. Để tôi kể lại cả những cảm giác của tôi hôm xiên lình đầu tiên cho các ngài nghe tường tận: Mới đầu, tôi vốn là một người đi bắt tà. Bắt tà mãi cũng chán, một hôm kia tôi có một cái ý tưởng là làm tà cho người ta bắt. Các ngài đã xem bắt tà mãi rồi chứ gì? Ấy, chính thế, chuông trống người ta đánh ở bên cạnh mình dữ lắm, dù mình không tin đến thế nào, ngồi một lúc đầu mình cũng phải đảo đi, huống chi lại còn hương nến mung lung và chung quanh mình người ta lại xúm lại mà quát tháo, mà… bắt nạt! Vậy nói thế này các ngài cũng chớ cười, − tôi ngồi một lúc thì lảo đảo rồi tôi thấy tâm hồn tôi mụ hẳn đi, tôi thấy như mình nửa thức nửa ngủ bởi vì mắt tôi vẫn nhìn rõ mọi người mọi vật, nhưng hình như có một thứ ánh sáng lạnh lẽo làm mờ nhỡn tuyến của tôi. Tôi không lấy gì làm khó chịu: trái lại, tôi thấy tinh thần được nhẹ nhàng, hình như trong cơn say thuốc phiện vậy. Tôi có cái cảm giác đợi chờ một cái gì, tôi hình như có linh tính báo trước sắp có một cái gì xảy ra đây… Ở chung quanh tiếng đàn sáo, tiếng hò hét đều quá đến nỗi về sau tôi thấy ở chung quanh êm ả vô cùng, thế rồi thì… thế rồi thì bao nhiêu những người, vật, cửa nhà đều chìm cả vào trong bóng tối, duy chỉ có mấy cái trần nhà và vài cái chóp nón vàng là rõ mà thôi… Và tôi nhìn thẳng vào trong đền, mù mịt những khói hương. Thì ở cái nền đen sẫm ở cái cửa bức bàn hé ngỏ, một con ma… một cái bóng trắng từ từ tiến lại phía tôi, đứng dừng lại một lát lâu… một cái mặt xanh xao, một chòm râu đen trùi trũi, một mớ áo xanh áo đỏ như cào cào, một cái khăn đỏ như máu vậy… Và tôi cố mở mắt nhìn rõ thì thấy rõ ràng hai má người đàn ông kia có đến ba bốn cái xiên lình nhỏ xiên qua, hàng chục cái trâm đâm từ ở thái dương đâm xuống. Chao ôi… Tôi đứng dậy liền, tôi nhìn thực kỹ, tôi tưởng tượng như bị đóng xuống cái bục của tôi ngồi. Nhưng ngay lúc ấy thì người đàn ông mặt to bằng cái thúng kia nhợt hẳn đi, môi hắn mấp máy và hắn bảo tôi rằng: “Đồ khổ! Mày cứ làm như tao xem…” Thì tôi làm chứ sợ gì? Tôi bèn gọi những người ở chung quanh đem một cái xiên lình hạng tư đến cho tôi. Tôi đưa qua lưỡi liếm mấy lượt cho thực trơn và, − tôi hãy còn nhớ rõ như việc vừa mới xảy ra hồi nãy − tôi run sợ giơ thực mạnh, nhưng xiên… khẽ vào má bên trái để cho chui vào trong miệng. Có thể nói là tôi gần như không có cảm giác gì. Tôi lại cầm luôn cái xiên lình ấy lựa chỗ mềm nhất, tôi xiên thông sang nốt má bên kia và tôi cứ ấn mãi… cho cái xiên lình thòi ra ngoài đến một gang tay. Tôi xin thề với các ngài là tôi không thấy đau đớn gì: lúc tôi xiên như thế, tôi thấy không đau đớn bằng bị đứt tay; da tôi chỉ hơi khó chịu một chút khi cái xiên lình bắt đầu đâm vào má. Tôi xiên lình như thế mà vẫn nói được như thường. Một lát sau, tôi rút xiên lình ra thì không có một giọt máu nào chảy theo. Tôi cầm gương soi thì chỉ thấy hai cái vết ở má mà thôi. Tôi vẫn không đau đớn gì cả, và nếu có ai bảo tôi xiên lình luôn lúc ấy thì tôi cũng cứ có thể can đảm mà làm lại.

Ông lão chủ quán nói thế xong, làm nốt cút rượu và nói với chúng tôi rằng:

− Ấy, cái nghề thế, các ông! Đứng ngoài mà trông thì tưởng là ghê gớm vô cùng, nhưng chính xiên lình, đối với tôi, thì chỉ là một trò đùa như trăm nghìn trò đùa khác. Sau lần ấy, tôi lấy làm giận những người xiên lình trước kia đã làm cho tôi nhiều phen nghĩ thầm rằng đó là một việc quan hệ có thể chết người như chơi được.

 

III. Nhân chuyện xiên lình, ta cũng nên nói đến vài chuyện khác cũng na ná thế ở Ấn Độ và ở phương Tây của bọn Fakir, phù thuỷ

 Câu chuyện của ông Nguyễn văn H. thực là một tài liệu vô giá với chúng tôi. Những cảm giác thực thà của ông lúc xiên lình đã tả rõ cả ra rồi, bây giờ thiết tưởng ta lấy những tài liệu về xiên lình của Ấn Độ và Tây phương ra xét thêm về “ca” ấy tưởng cũng không phải là vô ích vậy.

Thực thế, cái lối xiên lình, cái lối lấy những cái rùng rợn ra để bịp bợm những người mê tín đó, không phải chỉ ở nước ta mới có, nhưng từ mấy trăm năm nay rồi ở Ấn Độ người ta vẫn thực hành luôn, mà những người mang ra thực hành đó chính là bọn Fakir phù thuỷ. Bọn Fakir chắc bạn đọc đã nghe thấy nói tới nhiều lần rồi, nhất là từ khi các báo hằng ngày ở đây, trong mục “Tin tức Năm Châu” nói đến Uhu, biệt hiệu là “Cái đóm lửa” gây lên ở đất Ấn Độ cái phong trào bài Anh. Phải phải, Uhu đó chính là một trong trăm nghìn phù thuỷ Ấn Độ vậy. Bọn này, theo như ở các sách Âu Tây thuật lại, thì còn làm hàng vạn thứ trò rùng rợn hơn nhiều. Họ chia ra hai hạng: hạng phù thuỷ thực và hạng phù thuỷ giả. Bọn thực xiên lình như cơm bữa, mà không những xiên một cái xiên lình mà thôi, nhưng có hàng mươi mười hai cái và xiên suốt qua cả cuống họng là khác nữa. Thấy lạ, một giáo sư thôi miên ở Pháp là Paul Heuzé liền để tâm khảo cứu rồi một hôm mời nhiều vị bác học có danh đến xem mình bắt chước bọn phù thuỷ kia. Paul Heuzé cũng lấy xiên lình đâm qua má thì quả cũng như Ng văn H. đã nói với chúng tôi, Paul Heuzé không thấy đau đớn gì cả, kể cả những cái xiên lình đâm qua cuống họng và đâm qua cằm! Theo lời Paul Heuzé nói thì những chỗ ấy và cả khuỷu tay và cánh tay nữa đều là những chỗ ít biết đau.

Đó là lời của nhà thôi miên học phương Tây. Thực ra, ở Ấn Độ, thì những bọn phù thuỷ thực có thể xiên lình bất cứ chỗ nào trong người. Theo như những bức ảnh đã chụp được và in ở các sách khoa học thần bí của Tây phương thì có người phù thuỷ Ấn Độ xiên lình ở khắp người và có thể cứ ngồi tĩnh toạ như thế hàng năm. Nếu không muốn dùng xiên lình thì họ dùng kim, những cái kim dài thực nhọn. Chính mắt kẻ viết bài này đã được mục kích một người đàn bà có đồng làm thế ở đây, nhưng có kém đôi chút bởi vì không đâm kim được khắp người.

Người đàn bà ấy nguyên là một người đào hát tòng lương, lấy chồng đến 18 - 19 năm trời mà không có một mụn con nào cả. Bà ta bèn kiều cúng lễ bái, nay đền nọ mai phủ kia rồi không hiểu làm sao, một buổi sáng kia gặp tôi, bà ta cứ mụ đi và luôn luôn giơ tay lên trán nắn nắn ở thái dương và hai mí mắt. Tôi hỏi thì bà cầm tay tôi để vào hai mí mắt bà: thì ra dưới lần da mặt của bà có đến trăm nghìn cái kim cài đầu lẩn ở bên trong, lấy tay rờ vào thì thấy, mà nặn thì nó thò đầu ra, còn thì bình thường, người đàn bà ấy không có gì là khác người cả, mà lại béo tốt, vui tươi là khác!

Ở Ấn Độ, những hạng người có cái tài lạ lùng như thế rất nhiều, những đồng bào của Gandhi coi thường lắm.

Trong những bọn phù thuỷ thực, người ta còn thấy những trò lạ hơn nhiều: đại khái như dựng ngược người lên, đầu đâm xuống đất rồi lấy đất lấp đi hàng năm mà không chết; quanh năm chỉ cởi trần mà ăn một hạt vừng; đằng vân giá vũ ở trên sa mạc…

Tôi chưa có dịp nói tới những phép “phong thần, kiếm hiệp” ấy bây giờ, nhưng cứ riêng ý tôi, thì gần giống lối xiên lình và đâm kim vào người ta, ở Ấn Độ còn có một thứ trò cũng na ná như thế: ấy là cái lối nằm bàn chông.

Paul Heuzé cũng đã bắt chước làm cái lối này rồi và kết quả mĩ mãn lắm. Ông mời hết thảy bạn hữu và viên bác sĩ Daminos Yves đến làm chứng thì viên bác sĩ chứng nhận cho Paul Heuzé rằng quả ông ta có cởi trần nằm lên một cái gióng đóng toàn đinh 10 phân chổng lên trời thực, và xong cuộc thí nghiệm ấy Paul Heuzé không đau đớn, không sét sẹo gì, chỉ duy có vài chỗ đỏ hằn lên mà thôi.

Tôi sẽ không nói đến cái phép của bọn phù thuỷ Ấn Độ làm cho một cái đĩa bé dần dần đi rồi mất hẳn. Tôi sẽ không nói đến cái thuật tung dây lên trời rồi làm phép cho cái dây cứ lơ lửng ở không trung, người phù thuỷ trèo lên cái dây ấy kỳ cho đến lúc mọi người không trông thấy. Tôi sẽ không nói đến cả cái tài làm cho một cái cây bị bọn phù thuỷ niệm chú mà cao vồng lên trông thấy. Bởi vì, mỗi cái đó, những nhà thần học phương Tây, − như Paul Heuzé là một, − đều có giảng giải tường tận về những sự bịp bợm của bọn phù thuỷ Ấn Độ cả, mà phạm vi bài này không thể để cho tôi nói hết.

Claude Farrère ở Hàn lâm viện nước Pháp đã nói rằng: “Một đời tôi tôi chưa thấy phù thuỷ bao giờ, dù thực hay là giả. Là một kẻ giang hồ nay đó mai đây, tôi cho rằng một cái phép lạ mà tôi được chứng kiến ở Bombay không khác cái tài của bọn làm xiếc đánh lừa mắt người đi xem ở thành phố Paris vậy”.

Kipling, một đại danh sĩ của Anh-cát-lợi tả về những sự bịp bợm của bọn phù thuỷ trong truyện “Ở nhà Suddhoo” (1) đã viết rằng:

“Sau khi đã làm cái trò mới lạ ấy xong rồi, y ngửng đầu thật cao lên và tia lửa ở hai lỗ mũi y ra.

Nhưng tôi, tôi biết cái lửa ấy tại sao mà có; tôi xét tôi rất có thể làm được nên tôi yên dạ lắm”.

Trừ những lối xiên lình, nằm bàn chông, gài kim vào thịt của bọn phù thuỷ ở Ấn Độ, ta còn thấy cái trò này cũng thường có ở trong bọn người buôn thần bán thánh của ta: là nhai cốc, bát, đĩa và nuốt lươn sống, cóc sống và ếch sống, có khi ăn đất ăn sỏi và ăn đá nữa.

 

Về sự ăn đồ sứ và đồ thuỷ tinh

Đã lâu lắm, ở Đông phương cũng như ở Tây phương, người ta vẫn cứ tưởng rằng thuỷ tinh và đồ sứ là những thứ thuốc độc có thể làm hại những cơ quan tiêu hoá. Chính cả Maupassant cũng tin như thế thì phải, bởi vì tôi nhớ có đọc của Maupassant một truyện một người đàn bà muốn hại em vì em chim tranh tình nhân của mình bèn nghiền thuỷ tinh vào bánh để cho em ăn cho chết. Hevin, Mahon, Fodéré, Crantz, Plenck, Le Clère và nhiều nhà bác học khác cũng nhận rằng thuỷ tinh đem nghiền nhỏ có thể dùng làm thuốc trừ chuột rất nhiệm mầu. Nhưng Paul Heuzé và Franck đã thí nghiệm nhai thuỷ tinh rồi: sự thực, thuỷ tinh cũng như đồ sành đồ sứ nhai ở trong miệng rồi nuốt vào trong dạ dày không có gì là nguy hiểm cả. Chaussier cũng nhận câu nói ấy là đúng và thuật chuyện rằng có một thiếu phụ kia, chẳng là phù thuỷ gì ráo, một hôm tuyệt vọng về chuyện tình duyên đã nhai một cái cốc thuỷ tinh chủ ý là tự tử: những mảnh cốc vỡ đã đi qua ống thực quản và dạ dầy và chẳng gây ra một biến chứng gì cả vì người đàn bà ấy vẫn sống như thường vậy. Người ta đã thử cho súc vật ăn đồ sành và thuỷ tinh: những con vật ấy đều không việc gì cả. Luôn ba ngày liền 4, 10, 11 Octobre 1808, con mèo của M. Le Sauvage có thể ăn tới 30 lạng thuỷ tinh: người ta mổ bụng con mèo đó để xem xét dạ dầy và ruột của nó thì thấy chẳng làm sao hết. Năm sáu con chó đem thí nghiệm thì kết quả cũng thế và có rất nhiều vị bác sĩ: Godefroi, Nicolas, Raisin, Samfrène, Dumreil Laêmec, Dupuytren, Delaroche đều có chứng kiến.

 

Ăn lươn, ăn ếch, ăn cóc

Thường thường những anh phù thuỷ Ấn Độ bịt mắt người ta chứ thực không ăn rắn rết cóc nhái nhưng đôi khi cũng có nhiều người phù thuỷ thực giống Aissaouas, ăn lươn ăn ếch sống. Thế tỏ ra làm sao? Theo lời Robert Houdin và Paul Heuzé thì đó chỉ là một cái thói quen ở trong sự ăn uống mà thôi, chứ không có gì là khác. Paul Heuzé kể ra một thí dụ tên Jean de Paris ăn ở trước mặt mọi người những thứ còn ghê tởm hơn nhiều. Riêng kẻ viết bài này thì rất có thể kể một thí dụ ghê hơn thế. Ai ai ở Thanh Hoá lâu ngày tất cũng đã biết một con quái vật là thằng Khởi, bạn thân của ông Phạm Văn Lược, quanh năm ngày tháng chỉ cởi trần, uống nước cống, ăn cóc nhái sống và gà chết. Truyện “Nỗi thương tâm của một tên dân Hồi” do Châu Phong viết và xuất bản mấy năm trước ở đây có nói rõ về việc ấy.

 

Lấy lửa đốt mặt

Bọn phù thuỷ ta lại còn cái lối này cũng giống bọn phù thuỷ Ấn Độ, là lấy lửa đốt mặt và đốt tay. Người phù thuỷ cầm một cái mồi lửa dí vào khắp mặt và hai cánh tay, ở cổ và có khi cả vào mồm. Lửa cháy bùng bùng lên một lúc rồi tắt dần dần đi. Ở các ngày hội tỉnh lỵ ở Pháp, người ta cũng vẫn thường “chơi” thế. Thực là một cái trò trẻ. Ở đây lửa ấy chỉ là lửa rượu hoả thang, còn ở Pháp thì trước khi đưa lửa lên tay lên mặt, người ta xoa một thứ thuốc nước có phèn chua mà những nhà bán thuốc khoa học huyền bí như nhà Caroly có bán!

Cứ kể về những “phép mầu” của bọn phù thuỷ Ấn Độ thì còn nhiều: nào là dẫm chân không lên những mũi dao nhọn, nào là rửa mặt bằng dầu sôi, nhưng đại khái, phần nhiều đều là bịp bợm cả, cũng như ở xứ ta vậy.

Duy có điều này ta cũng nên biết là: bất cứ ở nước nào cũng vậy, trong bọn phù thuỷ giả thế nào cũng có phù thuỷ thực, − cái bọn người có một lòng tin mãnh liệt không bao giờ loè người ta bằng những chuyện ngông cuồng như thế! Những hạng phù thuỷ thực ở Ấn Độ khi xét mình đã đến cùng cực của tài nghệ rồi thì tự tử. Người ta kể chuyện rằng có một người phù thuỷ thực kia xông vào lửa đỏ ở Najadi và lấy hai cái lưỡi kìm bấm vào cổ cho chết, sau khi đã đập đầu vào sắt.

Paul Heuzé nói rằng: “Chính thế! Sao lại không tin được có những người phi phàm như thế?”

Riêng ở nước ta thì tôi thấy rằng bọn phù thuỷ chẳng bao giờ lại làm như thế cả, nhưng hầu hết chỉ phản người để lấy tiền thôi, hoặc giở những trò bịp bợm ra cho nhiều để loè nạt những người mê tín.

Cho nên nhiều khi chính những người mê tín chưa bị “hỏng thần kinh” thì chính họ, họ đã bị toi rồi, toi cả thần kinh mà toi cả tính mệnh nữa như những bằng cớ chắc chắn mà tôi tạm trích một ít ở trên những báo hàng ngày ở đây:

− Ở Ninh Bình, Phạm Thị Năng, 22 tuổi quán làng Cung Quế, tổng Thanh Quyết huyện Gia Viễn vốn có [….] [2]

Duyên do cũng chỉ tại quen như mọi lần, vì nhà có điện thờ, nên bác Nguyễn Trần Trinh sáng hôm ấy lại sắm sửa đồ cúng để làm lễ. Người đến lễ điện cũng đông. Thế rồi trước đèn nến sáng choang, hương bay ngào ngạt, bên tai cung văn giọng hát véo von, bác Trinh lên hết giá đồng nọ lại đến giá đồng kia không sao, không ngờ đến giá cuối cùng phải thắt cổ, vì nút dây bác thít mạnh quá thành ngạt hơi không thở và cũng không nói lên được nữa, thành thử bác Trinh gục xuống chết dần, những người xung quanh thoạt đầu tưởng thánh giáng cứ kêu cầu mãi, sau hồi lâu không thấy bác Trinh nhúc nhích đâm ngờ lay gọi thì bác Trinh đã chết cứng từ bao giờ rồi. Nhưng những con công đệ tử thì vẫn cho là tại bác Trinh không tâm thành nên bị đức thánh ngài phạt giam!.

Những chuyện tương tự thế ít lâu nay ở nước ta, xảy ra rất liền liền. Đó chẳng qua cũng chỉ là do ở sự muốn bịp bợm mà ra, nhất là cũng bởi tại người mình một số lớn hãy còn mê tín quá, lấy những chuyện xiên lình, thắt cổ, cắt lưỡi làm chuyện thực.

Về cái ca này, chúng tôi sẽ nói rõ ở bài “Buôn thần bán thánh” ở số này và chúng tôi xin đem cả một chứng cớ bịp bợm và lợi dụng sự cắt lưỡi để kiếm lợi một cách trực tiếp như thế nào.[3]

                                               VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, (số đặc biệt về buôn thần bán thánh), Hà Nội, s. 32 (13/10/1940)

 

 

 

 

 

 

 

 


 

(1) Simple conte des collines.(nguyên chú)

[2] Chỗ này bản sưu tầm của tôi mất 1 trang TBCN (trang 16) chưa tìm lại được.

[3] Bài này có đăng kèm với một số ảnh chụp của Võ An Ninh, có chú thích mô tả: Ảnh 1: Ông đồng Hà Nội. Người đã xiên lình hôm hội đền Kiếp Bạc vừa đây. Các bạn nhìn kỹ tất sẽ thấy cái xiên lình không xiên gì cả! Ảnh 2: Một đám rước…những người xiên lình. Ảnh 3: Paul Heuzé. Một nhà thần học người Pháp đã thí nghiệm xiên lình và nhiều thuật khác như nằm bàn chông, rạch lưỡi. Ảnh 4: Một bọn buôn thần bán thánh…làm việc. Ảnh 5: Một con tà. Ảnh 6: Và một con tà khác.