XUÂN KHÔNG CÓ TUỔI

 

Từ mấy hôm nay, cái rét căm căm đã cùng với gió bấc bay đi trốn ở một phương trời khác. Mưa thưa hạt, không đục nữa nhưng xanh mà dịu. Ánh sáng hồng chan hoà ở trên những cánh đồng mạ non có những con cào cào mặc áo cánh sen bay từ mô đất này sang chuôm nước khác. Cây đào ứ nhựa đẩy ra ở đầu cành những cánh hoa ngửi gần thơm như đường. Và ở khắp trên đồng trên núi, từ phố sá chật ních người đi sắm tết đến bờ ao ruộng lúa quanh năm êm ả, lá thắm chen vào hoa tươi; màu xanh ngút ngàn ở trước mắt người ta; ai cũng biết là trời tình cảnh đẹp và chim ca hay quá. Người ta thấy vũ trụ như giãn ra; đất mở rộng để kêu sự sống; gió như mang một thứ âm nhạc mới của trời lại cho đám thế nhân. Ai cũng biết có sự gì đổi thay đây, nhưng chưa ai dám tin chắc thế… Thì hôm nay, một tia sáng gõ vào mặt kính cửa sổ một cái gác cao trong một phố hẻo lánh kia. Người trẻ tuổi bừng mắt chạy ra mở cửa. Và thực đến tận lúc ấy người ta mới dám tin chắc là mặt trời đã đem mùa xuân lại cho ta, mùa xuân tươi tốt bao giờ cũng trẻ, mùa xuân êm ái không có tuổi nên chẳng bao giờ già.

Khách hít mạnh khí lành vào trong người và đưa mắt nhìn sang phòng của người đàn bà trẻ tuổi ở gác trước cửa đương ngồi xem báo: một điểm hồng ở đâu về hiện lên trên đôi má ngày thường vẫn trắng của người đàn bà ấy. Tóc hình như xanh thêm. Trên bàn, cánh hoa thuỷ tiên thứ nhất soi gương trong cốc nước; gió dịu hiền và những bông cúc vàng thôi không ngậm ý nữa đã bắt đầu thả cái tình thoang thoảng trong gian phòng mờ ảo như sương.

Người trẻ tuổi thấy lòng căng nhựa sống. Y đã viết xong những bài tất niên để đăng trên số báo xuân. Và hôm nay thấy rằng, in như những bông cúc nọ, số báo xuân đã thả những ý của y đi khắp nước, y thấy lòng nhẹ hẳn. Đã bao đêm, người viết báo thức thâu canh với gió để tìm một màu xuân? Đã bao đêm, y thức một mình, khổ một mình để lo tết… lo tết cho người khác! Hôm nay, thấy mình đã đem được ý tết đến cho người rồi, đã thấy mình làm cho người ta quên được trong giây phút những buồn khổ trong một năm qua, y khép cửa sổ lại và gieo mình ngồi xuống ghế.

Thôi, thiên hạ họ sung sướng rồi. Để cho họ đón tết cười xuân! Trên thượng từng căn nhà bé nhỏ kia, người viết báo lúc đó mới ôm đầu dựa vào cái ghế mây để ngủ.

Mưa lăn tăn rơi đều đều xuống mái nhà. Ở những chòm lá cây ngoài đường chĩa vào căn gác nhỏ, một mùi thơm huyền ảo tiết ra; nụ hoa, như có bàn tay thần bí đụng vào, hé nở, và trông tựa như những cái trứng tí hon bằng vàng bạc. Hoa và lá đu đưa, tiếng vàng tiếng bạc xen lẫn nhau tạo nên một khúc nhạc lạ lùng không có ai nghe thấy cả, chỉ có người viết báo mộng một buổi sớm xuân nghe thấy rõ mà thôi:

– Chàng trẻ tuổi ngủ mà làm gì nữa! Anh ca tụng chúng tôi trong những bài báo xuân tốt đẹp, lẽ nào anh lại không có lúc tin rằng xuân đẹp thực dư? Anh có nghĩ rằng bao nhiêu cây mai cây mận ở ngoài trời kia đều trắng tinh như tuyết, những lá non bắt đầu tãi ra và nụ đào nụ lý nụ hồng nụ hải đường nụ cúc đã hàm tiếu và bắt đầu đem phấn hương bay khắp trời. Ở trên những bờ tre ruộng lúa, cảnh vật đẹp như một tấm thảm của thần tiên thêu dệt. Rêu mịn mà xanh bọc lấy những lối đi vào làng; ao chuôm sáng rợi và im lặng ôm những cái bèo cám bèo tấm bèo cái xanh như ngọc thạch; làng nào cũng mở hội trồng nêu đốt pháo, tế lễ và khói hương nghi ngút.

 Chàng trẻ tuổi! đôi lúc, anh cũng cần phải nghĩ đến thân anh một chút. Anh há lại không biết rằng tết đến người nhà quê cũng nghỉ tay bừa một hôm để ăn miếng cá, nếm hạt gạo và, – nếu biết chữ – thì ngâm ngợi mấy vế câu đối đỏ?

Tết là cái mốc của thời gian đánh dấu một đời người. Xuân về để nhắc lại cho ta rằng dù chân lấm tay bùn, người ta đôi lúc vẫn phải nhớ tôn thờ cái Đẹp. Bởi vậy, dù không muốn, đầu xuân cô gái quê nhìn xuống nước soi gương cũng thấy đẹp thêm ra. Miếng trầu cau mới, một tí hồng điều khẽ xoa lên đôi má đỏ, cái cười làm chết mệt anh Nhiêu. Chàng trẻ tuổi! dậy mà đi về đồng nội, đừng quên rằng hôm nay là Tết, hôm nay là Xuân, và muốn tận hưởng tết, tận hưởng xuân, anh cần phải quay về chỗ đồng quê nội cỏ…

Quê hương! ta ghen với số phận của mi! Từ lúc có hơi xuân thổi tới, ngươi đã lấy lại được hết cả những cái gì ngươi mất, mà ta thấy rằng cũng từ lúc ấy, ta đã mất hết cả những cái gì ta có.

Đất phì nhiêu thở căng những khí trời; lòng đất ứ nhựa; sữa đất tràn lan ra khắp chỗ để nuôi người và cây cỏ. Lá vàng úa phải rụng để cho một lớp lá xanh khác lên thay; mây mờ phải đi nơi khác nhường chỗ cho một bầu trời trong trẻo; con sâu tỉnh giấc, thấy mình đã hoá bướm, rung nhẹ đôi cánh và bay lên đậu trên những cánh hoa e lệ.

Chỉ có ta, – người viết báo trẻ tuổi nói như vậy một mình – chỉ có ta là khác. Cứ mỗi độ xuân về, mỗi phen tết đến, ta lại mất đi một chút. Hy vọng thì cứ hy vọng, tin tưởng thì cứ tin tưởng, nhưng ta phải thú thực rằng ta thấy buồn thêm một chút và úa héo cằn cỗi đi một chút.

Cũng có lúc ta thấy sướng cái sướng của người khác, như buổi sáng hôm nay lúc ta trông thấy người đàn bà nọ xem báo tết; nhưng trông hầu hết ba trăm sáu mươi ngày vừa qua, ta đều thấy sự buồn thương nhiều thêm lên, những nỗi chua chát gây ra ở trước mắt dày thêm lên. Những kẻ thân yêu của ta đi và nhiều kẻ không về. Hy vọng của ta không nở lên như hoa trà; sự sung sướng của ta không sáng ngời như màu trắng lóng lánh của hoa mai, hoa mận.

– Một năm lại qua rồi, một mùa lại hết rồi, một ngày lại bay đi rồi.

Ôi, nếu cứ đến mùa xuân thì trời lại mang chân hạnh phúc đến cho người ta nhỉ, – dù hạnh phúc đến chỉ trong giây lát! Giá mùa xuân cũng như chuyện thần kỳ làm cho người già trẻ lại, người còng hoá ngay, người ác hoá lành, người xấu hoá đẹp, người ngu hoá tài!

Chỉ trong một ngày thôi, hay chỉ trong một giờ thôi, người chết sẽ sống dậy và lại tươi trẻ như thường; người cách biệt sẽ gặp nhau để hàn huyên tâm sự; người đang đâm chém nhau sẽ nghỉ tay bom tay súng mà ôm lấy nhau thương xót. Chao ôi, nếu được như vậy thì mùa xuân đầm ấm xiết bao, mùa xuân tươi tốt còn bút nào tả được.

– Chàng trẻ tuổi, anh buồn nhưng cái buồn của anh không phải là cái buồn kẻ chiến bại, trời sẽ tha thứ cho anh.

Người viết báo có chỗ khác đời, vậy có một lúc được phép buồn cái buồn mà những người thường không có. Nhưng dù sao, đã là người thì không ai được đòi quá ở Hoà Công một điều gì.

Tết đến, xuân về… Chúng ta nếu không muốn là những người khó tính, những người đơn bạc, ta nên lấy làm may mà có được một ngày trong một năm, – một ngày tết, một ngày mà ta nên cầu cho nhau quên hết cả sự đau khổ, lòng dục vọng và những sự thù hằn ghen ghét đến sinh ra tương tàn. Lúc đó, ta có thể êm đềm nằm xuống một bãi cỏ non sưởi ánh mặt trời xuân để tận hưởng sự tái tạo như lá như hoa vậy.

Người trẻ tuổi nhìn ra đồng nội và thấy mấy cành hoa nhỏ đu đưa trước gió. Y nghĩ thầm:

– Những cánh hoa kia chỉ vài ngày nữa sẽ tàn úa và rơi xuống đất, nhuyễn với đất để rồi lại nuôi đất cho bao giờ cũng tốt. Sang năm, quay trở lại nơi này, biết đâu ta lại chẳng thấy cũng ở chỗ này vài bông hoa khác. Những bông hoa khác đó sở dĩ nở ra được là vì được ăn mầu của đất này, mà mầu của đất này chính là thịt đã rã của những hoa năm trước…

                                               VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, số Tết nhâm ngọ, Hà Nội, s. 99 (22/2/1942)