IV

Một khi Hoạn Thư đã nổi giận Nghệ thuật vị nhân sinh

 Những sự chế tạo của cuộc Âu hóa

Theo lời dặn của bà Phó, 8 giờ sáng hôm ấy, Xuân Tóc Đỏ lảng vảng mãi trước một tiệm thợ may phụ nữ tân thời mà không dám vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu Hoá của bà Văn Minh không. Cái học thức của Xuân Tóc Đỏ chỉ đủ cho hắn biên được sổ thợ giặt chứ chưa đủ để hắn đọc những chữ khó đọc như những kiểu chữ tân thời mà những nhà nghệ sĩ chế kiểu hình như để cho không ai đọc được nữa. (1)  Lúc ấy, người ta đương đóng những chữ tên hiệu. Năm miếng gỗ vuông kỳ quái màu đỏ, mới khô sơn, còn bị vứt ở thềm hè. Một người thợ loay hoay dựng thang. Một thiếu niên xắn tay áo lên một cách rất nghiêm trọng đứng đấy sai bảo người thợ, thỉnh thoảng lại gắt mắng người này một cách cũng nghiêm trọng chẳng kém. (2)

Hiệu may này thật là choáng lộn đặc biệt. Ở tủ kính ngoài cùng có ba "hình nhân" tạc bằng gỗ, chính là của Tây phương gửi sang, giống hệt mỹ nhân Tây phương, (3) song bị nhà chủ khéo léo đặt lên đầu những mẩu khăn vành giây hoặc búi tóc đen cho có vẻ là phụ nữ Việt Nam. Mỗi chiếc ma-nơ-canh [a] ấy phô trương một kiểu áo. Nào là áo cổ bành bẻ, cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố xá. (4)  Nào là kiểu đi tắm để các bà các cô khoe cái mỹ thuật về xác thịt tại bờ biển. Nào là kiểu quần áo trong phòng ngủ để phụ nữ có những thế lực nhắc nhỏm cho chồng hoặc nhân tình đừng có sao nhãng cái nghĩa vụ tối thiêng liêng của những bậc nam nhi.

Xuân rón rén lại gần chỗ có mấy chữ gỗ. Nó cố trí cũng không sao hiểu nổi năm miếng gỗ ấy là những chữ gì. (5) Có một miếng gỗ tròn thủng một lỗ và một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa. (6) Còn ba miếng nữa thì lại thuộc hình tam giác, mà lại cũng có lỗ tròn ở giữa nữa, cái đó mới quái lạ cho chớ! Theo cái trí não hạ lưu của nó, Xuân Tóc Đỏ, từ lúc lên sáu tuổi, đã biết rằng cái thẹo mà giữa có một chấm thì chỉ là biểu tượng của một cái vật xấu xa, thế mà thôi. Nó đương tủm tỉm cười một cách vô nghĩa lý thì chợt thiếu niên mắng người thợ:

−  Đầu tiên là cái này! Không, cái tam giác cơ, khỉ lắm!

Người thợ ngơ ngác hỏi:

−  Bẩm tam giác là cái gì ạ?

Thiếu niên lại gắt mắng rầm rĩ:

−  Con khỉ, tam giác là... là cái thẹo! Mà cái thẹo thì là chữ A.

Người thợ lại cãi:

−  Thưa ông lúc nãy ông bảo cái thẹo là chữ U.

−  Im đi, đồ ngu! Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược chính là chữ A. (7) Thợ thuyền gì mà không hiểu một tí mỹ thuật gì cả! Nghe đây này: Trước nhất anh đóng cho tôi cái thẹo lộn ngược rồi đến cái thẹo lộn xuôi. Thế là A, U tức là ÂU. Rồi thì đến cái miếng gỗ vuông có hai lỗ thủng là chữ H, rồi đến miếng gỗ tròn thủng giữa là chữ O, rồi lại đến cái thẹo lộn ngược là chữ A, tức là HÓA, nghĩa là cửa hiệu Âu Hoá ! Có thế thôi mà phải dặn đi dặn lại mãi, thợ với thuyền ngu như lợn!

Xuân Tóc Đỏ vừa sung sướng vì đã tìm thấy chỗ hẹn, vừa bất bình ở chỗ bị mắng gián tiếp là đồ ngu! (8) Nó lầm bầm: "Mẹ kiếp chứ lại chữ với chả nghĩa!" Nhưng nó lại phải để ý ngay đến một thiếu niên khác, Âu phục kiểu đi trèo núi, vừa đến chào thiếu niên trông nom việc đặt bảng hiệu kia. (9) Hai người bắt tay nhau, tiếng Tây ngậu sị cả phố.

−  Trời ơi, cái óc mỹ thuật của bình dân Việt Nam thật là thảm hại!

−  Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời! (10)

−  Không! Không! Ngài là nhà báo, ngài phải nâng bình dân lên cái nghĩa vụ hiểu biết mỹ thuật mới được. Tôi, tôi là một nhà mỹ thuật, tôi đã hy sinh cả một cuộc đời của tôi rồi!

− Thiết tưởng ảnh hưởng của ngài trong dân gian cũng đã phổ cập đấy chứ!

− Chưa đủ. Còn phải làm việc nữa, dân ta là một dân tộc lười biếng, không chịu suy xét, không muốn tìm mà hiểu những cái khó hiểu của mỹ thuật, cho nên sức hoạt động của tôi chỉ bành trướng được có chừng. Vậy mà mỹ thuật càng khó hiểu bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu. (11)  Thí dụ như ở Ý-đại-lợi và Đức-ý-chí, [b] những nhà danh hoạ được tôn lên làm thần thánh chỉ vì có những bức tranh nguệch ngoạc khó hiểu, những bức hoạ mà công chúng không hiểu gì là đẹp cả nhưng mà công chúng cứ công nhận là những kỳ công kiệt tác, đến nỗi Mussolini và Hitler cũng phải ghen ghét, lúc lên ngôi độc tài thì việc thứ nhất là đem bỏ tù tác giả những kỳ công ấy mãi cho đến lúc bao giờ hai ngài hiểu được mỹ thuật thì thôi. (12)  Đấy, ngài xem! Bao giờ dân ta đến trình độ ấy? Bao giờ bọn nghệ sĩ chúng tôi được-bị bỏ tù như thế?

Người kia gật gù:

− Quả vậy! (13) 

Người này lại sốt sắng nói tiếp:

−  Chỉ vì trình độ thấp kém của xã hội mà anh em nghệ sĩ chúng tôi phải quay về làm cái việc cải cách y phục phụ nữ là món mỹ thuật dễ hiểu nhất. Bao giờ cả cái xã hội này biết thưởng thức cái đẹp về bộ vú, bộ đùi của người đàn bà thì mới hiểu giá trị của những bức vẽ khoả thân, và do thế, mới hiểu nổi những món mỹ thuật tối cao. (14) 

−  Ồ! ồ! Cái đó đúng sự thực quá chứ?

−  À, thế mấy chữ tối tân này, ngài bảo sao? Sự phát minh cuối cùng [c] đấy! Trông lạ lắm đấy chứ? Ấy bình dân là chưa hiểu nổi, cao quý ở chỗ ấy, ta hãy cứ biết thế đã. Bao giờ những chữ kiểu tối tân của tôi mà làm cho đến phái trí thức nữa cũng không đọc nổi, thì lúc ấy mới là sự đắc thắng hoàn toàn của nghệ thuật.

Mới nghe đến đấy, Xuân đã chợt thấy bóng bà Văn Minh thấp thoáng ở nhà trong.(15) Nó bèn rón rén vào thì hai người này cũng theo nó, vừa chuyện trò vừa vào trong cửa hàng.

−  Lạy bà ạ.

Bà Văn Minh gật đầu đáp lại Xuân và bắt tay hai người kia. (16)

−  Ông ngồi chơi. Ông lại có việc gì thế? Dạo này báo lên hay xuống?

−  Tôi lại có việc hệ trọng lắm. Báo lên được 50 số...

−  Thế anh này, anh hỏi gì?

Xuân lúng túng, xoa tay:

−  Bẩm... bẩm... bà lớn Phó Đoan, hôm qua...

Văn Minh cắt ngay:

−  Im! Anh phải gọi là bà Phán, không thì bà không bằng lòng.

−  Vâng! Bà Phán dặn tôi lại đây... nói hộ... với bà...

−  Được, thế anh ngồi đấy mà đợi.

Rồi bà Văn Minh ra hiệu mời ông nhà báo vào bộ sa-lông ở tận bên trong cửa hàng. (17) Xuân ngồi xuống một cái ghế sắt bọc vải ở gần cửa. Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra một cách đảm đang bằng những cái ma-nơ-canh. (18) Nào là những cái ngực khiêu khích đeo những coóc-sê lụa viền đăng-ten, [d] nào là những bắp đùi lồng trong những cái bít tất lụa, nào là những áo lót mình, những quần đùi, tóm lại thì là đủ cả những cái có thể gợi xuân tình trong lòng một ông cụ già đã ăn khao bảy mươi. Những súc lụa trơn và hoa nghìn tía muôn hồng làm cho cửa hiệu có một vẻ vui tươi đặc biệt. Trong cùng thì là một cái phòng thử áo bằng ba bề nhung căng, rồi đến xưởng thợ có chiếc máy khâu và một lũ những đàn ông và đàn bà thợ may đi lại làm việc rộn rịp như trong một cái tổ ong... (19)

Một người đàn bà phấn sáp bôi rất vụng, đứng xem ngoài cửa kính ba phút  rồi vào. (20) Bà chủ hiệu chạy ra đon đả.

−  Thưa bà, bà muốn mua hàng hay may áo?

Bà khách nghĩ một lúc rất lâu, đoạn dè dặt nói:

−  Tôi muốn... may một bộ áo kiểu mới. (21)

Bà Văn Minh liến thoắng tán: (22)

−  Vâng, chính thế, bây giờ ai cũng phải cải cách y phục cho hợp thời trang. (23)  Cái lối trang điểm cổ làm cho người ta chóng già, ta phải thay đi mới được. Thưa bà, nếu bà không biết những thuật để giữ gìn sắc đẹp, thì khó lòng mà giữ được hạnh phúc gia đình, vì các cô thiếu nữ ngày nay ăn mặc lối mới cả, thật là một sự cạnh tranh ghê gớm.

Bà khách trợn mắt lên sung sướng vì thấy hợp ý, nghĩ ba phút rồi đáp: (24)

− Chao ôi! ối chao ôi! Bà nói đúng quá! Các thiếu nữ bây giờ ăn mặc tợn hơn các me Tây khi xưa! Thật là tân thời, thật là đĩ thõa! Chao ôi! Họ cướp mất hạnh phúc của tôi, họ đẹp hơn tôi, họ quyến rũ ông Hàn nhà tôi, bây giờ tôi biết làm thế nào!

Bà tru tréo như sắp cãi nhau với ai, khiến Văn Minh phải xua tay: (25)

−  Ấy chết! Bà đừng nóng nẩy thế!

−  Ông Hàn nhà tôi đêm nào cũng đi theo bọn gái mới thì tôi biết làm thế nào kia chứ, hở Giời! (26)

−  Thưa bà, cái đó rất dễ... Bà chỉ việc... ăn vận như họ...

−  Phải! Phải! Âu là tôi cũng ăn mặc tân thời! Mặc cho thiên hạ sẽ gọi tôi là con đĩ già! Chỉ tại bà, các bà, chủ hiệu thợ may, các bà đầu têu ra mà thôi!

Bà Văn Minh so vai mà rằng: (27)

− Thưa bà, chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội. Giữa buổi cách tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi! Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh phúc gia đình rồi đó không? (28)

−  Thưa bà, thế thì tôi xin may ngay một bộ, bộ nào tân thời nhất! Mà xin bà đừng tính cao giá quá!

−  Vâng! Vâng! Mời bà đi xem các kiểu áo.

Bà chủ đưa bà khách đi điểm binh các ma-nơ-canh một lượt.

−  Đây... đây... Tiệm may chúng tôi có rất nhiều kiểu, toàn do những sinh viên mỹ thuật có danh tiếng chế tạo ra cả. Đây, bà cứ xem những biển đề ở tường là rõ nghĩa lý của từng bộ y phục một. Đây là bộ Lời hứa, nghĩa là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể như hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ Chiếm lòng, mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. (29) Đây là bộ Ngây thơ, đây là bộ Dậy thì, toàn cho gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi... Thưa bà, đây là bộ Nữ quyền, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà góa chồng mà không biết nên thủ tiết hay là thôi. (30) Còn đây, bộ y phục tân thời nhất, vừa chế tạo ra được mấy hôm nay thôi, chúng tôi chưa kịp kẻ bảng nhưng đã nhất định đặt là Chinh phục, nghĩa là có bộ y phục này thì ai cũng phải say mê bà, dù là cả đến chồng bà!

Hai người đứng trước một bộ áo quần táo tợn vì may bằng thứ sa mỏng dính màu đen. (31) Bên trong cái quần và cái áo chỉ có cái coóc-sê và cái quần đùi đen thôi, nên chỉ cái người đàn bà gỗ tuyệt đẹp ấy để lộ cả một nửa ngực trên, cả hai cánh tay, và từ hai bên bẹn trở xuống trông cũng rõ mồn một. (32)

Trong khi bà Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im. Hồi lâu mới nói: (33)

−  Mặc bộ này thì... khó coi lắm!

Lúc ấy nhà mỹ thuật và nhà làm báo cũng đến nghe ngóng. Ông nhà báo nói ngay:

−  Dễ coi lắm, thưa bà! Nếu bà mặc bộ này thì không còn một người đàn ông nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ! (34)

Nhà mỹ thuật thêm:

−  Chinh phục! Tôi đã đặt phải tên là Chinh phục! (35)

Bà khách lại nói:

−  Quần với áo mà đến thế thì chả còn... che đậy gì được mấy tí.

Nhà mỹ thuật lại cãi:

−  Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tôi mà có chế ra kiểu này cũng là vì theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở Tây phương. Quần áo để tô điểm, để làm tăng sắc đẹp, chứ không phải để che đậy. Bao giờ... bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm, đi đến chốn tận thiện tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn... che đậy cái gì của người đàn bà nữa!

Trước sự hoài nghi của bà khách, bà chủ tán thêm: (36)

− Nếu bà có sợ nó mới quá thì bà cứ việc chờ những lúc ông Hàn nhà ta sắp đi chơi là bà mặc nó vào rồi đứng soi gương trong nhà thì cũng đủ cho ông Hàn nhà ta phải mê tơi. (37)

Bà khách gật gù:

− Phải! Phải đấy! Dễ phải đến thế thì mới có công hiệu.

Văn Minh lại nói:

− Thưa bà, hạnh phúc của gia đình có gì là khác nếu nó không là hạnh phúc của vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có hạnh phúc? (38)

−  Phải lắm!

−  Bởi thế cho nên chúng tôi phải chế thêm cả những thứ quần áo lót mình ở bên trong chứ không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của bọn đạo đức hủ lậu đâu. (39) Nếu bà lại dùng cả những cái lót mình của hiệu chúng tôi thì ấy là bà đã biết những bí thuật giữ chồng rất mầu nhiệm.

−  Đâu? Xin bà cho chúng tôi xem, chúng tôi may một thể vậy!

Văn Minh dẫn bà khách quay lại cái tủ kính ở phía sau lưng và giở một đống những quần đùi, coóc-sê, áo lót dài, áo lót mình ngắn, băng buộc vú, v.v...(40)

−  Đây là cái áo Ỡm ờ... Đây là cái quần Hãy chờ một phút... Đây là cái áo lót Hạnh phúc, đây là cái coóc-sê Ngừng tay. Bà xem! Ngoài cửa hàng Âu Hóa chúng tôi, làm gì có hiệu nào săn sóc đến hạnh phúc của phái đẹp một cách chu đáo như thế?

Bà khách gật đầu lia lịa mà rằng:

−  Vâng, tôi xin vâng! Tôi xin Âu hoá theo văn minh, ăn vận theo tiến bộ! Xin gọi phó may lên và cho tôi vào buồng thử!!

Văn Minh chỉ nhà mỹ thuật:

−  Bẩm đây, phó may đây! Một nhà tài tử nguyên sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương để hầu hạ cho cái sắc đẹp của các bà! (41)

Nhà mỹ thuật cúi đầu rất thấp mà rằng:

−  Xin mời bà đi theo tôi, tôi rất được hân hạnh.

Rồi hai người vào cái buồng kín che bằng nhung.

Để cho Xuân cứ ngồi ngoáp dài, Văn Minh còn cãi nhau với ông nhà báo đã.

−  Thưa ông, nếu ông tăng tiền quảng cáo thì quá lắm.

− Thưa bà, ấy là bà nhầm. Báo của tôi mỗi ngày một tăng độc giả, cái danh giá của chúng tôi mỗi ngày bị bọn bảo thủ làm cho tiêu đi mất một tị, thế là chỉ lợi cho bà. Vả lại số người theo cứ tăng... (42)

− Thưa ông, đó là sự tự nhiên, mà có lợi thì lợi cho các ông chứ cho gì riêng tôi mà ông lại...

−  Không! Lợi nhất cho bà và những ai cùng nghề với bà!

−  Ông hô hào đổi mới, người ta theo mới thì lợi cho các ông đã chứ? (43)

−  Không, lợi nhất cho bà, tôi đã nói thế!

−  Ông tưởng thế chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì? Chắc đâu... (44)

Nhà viết báo, đến đây, sùi bọt mép ra vì tức giận:

−  Không có ảnh hưởng, bà bảo? Thế bà xem xã hội bây giờ tiến hoá đến đâu? Bà có đọc báo hàng ngày đấy không? Bao nhiêu vụ ly dị! Bao nhiêu cuộc ngoại tình! Con gái theo giai đùng đùng, đàn ông chê vợ hàng lũ, lại vừa có cả một ông huyện treo ấn từ quan để theo một cô gái tân thời, như thế, tôi tưởng là báo chúng tôi có ảnh hưởng quá nữa! Ngày nào cũng có một tiệm khiêu vũ mới mở... (45)

Đến đây thì bà Phó Đoan vừa lúc bước vào. (46) Xuân Tóc Đỏ vùng đứng lên. Văn Minh cũng bỏ mặc ông nhà báo đứng đấy với mọi cái ảnh hưởng của tờ báo.(47)

−  Cháu! Cháu!...

−  Lạy dì... À, dì vào đây cho cháu khẽ hỏi cái này! (48)

Bà dì và cô cháu đem nhau ra một góc tận đằng xa. Ông nhà báo cầm mũ ra thẳng với sự giận dữ và sự nhận chân ra cái chân lý: nghề viết báo là một bạc nghệ. Xuân Tóc Đỏ đi đi lại lại có vẻ đợi chờ... (49)

−  Dì dặn cái thằng ấy đến đây làm gì thế?

−  À, thế dì đã bảo là để cháu nhận nó giúp việc thì dì cho xây cái sân quần ở nhà để dì cháu ta tập mà lại?

−  Vâng, nhưng mà xây sân quần thì cũng phải ít lâu nữa chứ? Ai mượn ngay nó làm gì cho tốn cơm tốn tiền?

Bà Phó Đoan ngẩn người ra mà rằng:

−  Ừ nhỉ? Nhưng mà bắt đợi chờ thì nó chết đói mất!

Hồi lâu, bà lại mừng rỡ thì thào vào tai cháu: (50)

− Hay là thế này… Trước khi có sân quần, ta hãy... như thế, thì không sợ cơm toi. (51) Cháu nghĩ sao?

Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội. (52)

 

 

 

NGUỒN:

[chương] IV
Bản A: Số đỏ, chuyện cười dài, Vũ Trọng Phụng, Hà Nội Báo, s. 43 (28 Octobre 1936), tr. 33-38.

Bản B: Số đỏ, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng; Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938 (mất văn bản)

Bản C: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 47-62.

Bản D: Số đỏ, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952, tr. 41-53.

Bản E: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957, tr. 39-49.

Bản F: Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, tr. 37-48.

Bản G: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 40-51. 

KHẢO DỊ:

(1)   A: Xuân Tóc Đỏ lảng vảng mãi trước một tiệm thợ may phụ nữ tân thời mà không dám vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu Hoá của bà Văn Minh không. Là vì cái học thức của Xuân Tóc Đỏ chỉ đủ cho hắn biên được sổ thợ giặt chứ chưa đủ để hắn đọc những chữ khó đọc như những kiểu chữ tân thời mà những nhà nghệ sĩ chế kiểu hình như để cho không ai đọc được nữa.

      C, D, E, F, G: Xuân Tóc Đỏ lảng vảng mãi trước một tiệm thợ may phụ nữ tân thời mà không dám vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu Hoá của bà Văn Minh không. Cái học thức của Xuân Tóc Đỏ chỉ đủ cho hắn biên được sổ thợ giặt chứ chưa đủ để hắn đọc những chữ khó đọc như những kiểu chữ tân thời mà những nhà nghệ sĩ chế kiểu hình như để cho không ai đọc được nữa.

 

(2)  A, E: thỉnh thoảng lại gắt mắng người này một cách nghiêm trọng chẳng kém.

      C, D, F, G: thỉnh thoảng lại gắt mắng người này một cách cũng nghiêm trọng chẳng kém. 

 

(3)  A: Ở tủ kính ngoài cùng có ba "hình nhân" tạc bằng gỗ, chính là của Tây gửi sang, giống hệt mỹ nhân Tây phương, 

      C, D, E, F, G: Ở tủ kính ngoài cùng có ba "hình nhân" tạc bằng gỗ, chính là của Tây phương gửi sang, giống hệt mỹ nhân Tây phương,

 

(4)  A: Mỗi chiếc ma-nơ-canh phô trương một kiểu áo. Nào là áo cổ bành bẻ, cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố xá.

      C, G: Mỗi chiếc ma-nơ-canh ấy phô trương một kiểu áo. Nào là áo cổ bành bẻ, cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố xá.

      D, E, F: Mỗi chiếc ma-nơ-canh ấy phô trương một kiểu áo. Nào là áo cổ bánh bẻ, cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố xá.

(5)  A, C, D, E, F: Nó cố trí cũng không sao hiểu nổi năm miếng gỗ ấy là những chữ gì.

       G: Nó cố nghĩ cũng không sao hiểu nổi năm miếng gỗ ấy là những chữ gì.

 

(6)  A: Có một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa.

      C, D, E, F, G: Có một miếng gỗ tròn thủng một lỗ và một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa.

 

(7)  A, C, D, E, F: Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược chính là chữ A.

      G: Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược thì chính là chữ A.

 

(8)  A: Xuân Tóc Đỏ vừa sung sướng vì đã tìm thấy chỗ hẹn, vừa bất bình ở chỗ bị mắng một cách gián tiếp là đồ ngu

      C, E, G: Xuân Tóc Đỏ vừa sung sướng vì đã tìm thấy chỗ hẹn, vừa bất bình ở chỗ bị mắng gián tiếp là đồ ngu

      D, F: Xuân Tóc Đỏ vừa sung sướng vì đã tìm thấy chỗ hẹn, vừa bất bình ở chỗ mắng gián tiếp là đồ ngu

 

(9)  A: Nhưng nó lại phải để ý ngay đến một thiếu niên khác, Âu phục kiểu đi trèo núi, vừa đến chào một thiếu niên trông nom việc đặt bảng hiệu kia.

       C, D, E, F, G: Nhưng nó lại phải để ý ngay đến một thiếu niên khác, Âu phục kiểu đi trèo núi, vừa đến chào thiếu niên trông nom việc đặt bảng hiệu kia.

 

(10)   A: Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời!

       C, D, E, F, G: Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời!

 

(11)  A: Còn phải làm việc nữa. Dân ta là một dân tộc lười biếng, không chịu suy xét, không muốn tìm mà hiểu những cái khó hiểu của mỹ thuật, cho nên sức hoạt động của chúng tôi chỉ bành trướng được có chừng. Mỹ thuật càng khó hiểu bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu.

      C, D, E, F, G: Còn phải làm việc nữa, dân ta là một dân tộc lười biếng, không chịu suy xét, không muốn tìm mà hiểu những cái khó hiểu của mỹ thuật, cho nên sức hoạt động của tôi chỉ bành trướng được có chừng. Vậy mà mỹ thuật càng khó hiểu bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu.

 

(12)  A: Thí dụ như ở Ý-đại-lợi và Đức-ý-chí, những nhà danh hoạ được tôn lên làm thần thánh chỉ vì có những tranh nghệch ngoạc khó hiểu, những bức hoạ mà công chúng khó hiểu, những bức hoạ mà công chúng không hiểu gì là đẹp cả nhưng mà công chúng cứ công nhận là những kỳ công kiệt tác, đến nỗi Mussolini và Hitler cũng phải ghen ghét, lúc lên ngôi độc tài thì việc thứ nhất là đem bỏ tù tác giả những kỳ công ấy mãi cho đến lúc hai ngài ấy hiểu được mỹ thuật thì thôi.     

      C, D, E, F, G: Thí dụ như ở Ý-đại-lợi và Đức-ý-chí, những nhà danh hoạ được tôn lên làm thần thánh chỉ vì có những tranh nguệch ngoạc khó hiểu, những bức hoạ mà công chúng không hiểu gì là đẹp cả nhưng mà công chúng cứ công nhận là những kỳ công kiệt tác, đến nỗi Mussolini và Hitler cũng phải ghen ghét, lúc lên ngôi độc tài thì việc thứ nhất là đem bỏ tù tác giả những kỳ công ấy mãi cho đến lúc bao giờ hai ngài hiểu được mỹ thuật thì thôi.

 

(13)  A: Quả vậy! quả vậy!

        C, D, E, F, G: Quả vậy!

 

(14)  A: Bao giờ cả cái xã hội này biết thưởng thức cái đẹp bộ vú, bộ đùi của người đàn bà thì mới hiểu giá trị của những bức vẽ khoả thân, và, do thế, mới hiểu nổi những món mỹ thuật tối cao.

       C, E: Bao giờ cả cái xã hội này biết thưởng thức cái đẹp về bộ vú, bộ đùi của người đàn bà thì mới hiểu giá trị của những bức vẽ khoả thân, và do thế, mới hiểu nổi những món mỹ thuật tối cao.

       D, F, G: Bao giờ cả xã hội này biết thưởng thức cái đẹp về… bộ đùi của người đàn bà thì mới hiểu giá trị của những bức vẽ khoả thân, và do thế, mới hiểu nổi những món mỹ thuật tối cao.

 

(15)  A: Mới nghe đến đấy, Xuân đã chợt thấy bóng bà Văn Minh thấp thoáng ở nhà trong.

        C, D, E, F, G: Mới nghe đến đấy, Xuân đã chợt thấy bóng bà Văn Minh thấp thoáng ở nhà trong.

 

(16)  A: Văn Minh gật đầu đáp lại và bắt tay hai người kia.

        C, D, E, F, G: Văn Minh gật đầu đáp lại Xuân và bắt tay hai người kia.

 

(17)  A: Rồi Văn Minh ra hiệu mời ông nhà báo vào bộ sa-lông ở tận bên trong cửa hàng.

        C, D, E, F, G: Rồi Văn Minh ra hiệu mời ông nhà báo vào bộ sa-lông ở tận bên trong cửa hàng.

 

(18)  A, D, F: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng mắt một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra một cách đảm đang bằng những cái ma-nơ-canh.

        C, E: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra một cách đảm đang bằng những cái ma-nơ-canh.

        G: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng mắt một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra.

 

(19)  A, D, F, G: Trong cùng thì là một cái phòng thử áo bằng ba bề nhung căng, rồi đến xưởng thợ có mấy chiếc máy khâu và một lũ những đàn ông và đàn bà thợ may đi lại làm việc rộn rịp như trong một cái tổ ong...

       C, E: Trong cùng thì là một cái phòng thử áo bằng ba bề nhung căng, rồi đến xưởng thợ có chiếc máy khâu và một lũ những đàn ông và đàn bà thợ may đi lại làm việc rộn rịp như trong một cái tổ ong...

 

(20)  A, D, F, G: Một người đàn bà nạ dòng, phấn sáp bôi rất vụng, đứng xem ngoài cửa kính ba phút rồi vào.

       C, E: Một người đàn bà phấn sáp bôi rất vụng, đứng xem ngoài cửa kính ba phút rồi vào.

 

(21)   A:  Tôi muốn... may bộ áo mới.

         C, D, E, F, G:  Tôi muốn may một bộ áo kiểu mới.

                       

(22)  A: Văn Minh liến thoắng tán

        C, D, E, F, G: Văn Minh liến thoắng tán.

 

(23)  A: Vâng, chính thế, bây giờ phải cải cách y phục cho hợp thời trang.

        C, D, E, F, G: Vâng, chính thế, bây giờ ai cũng phải cải cách y phục cho hợp thời trang.

 

(24)  A: Bà khách trợn mắt lên, nghĩ ba phút rồi đáp

        C, D, E, F, G: Bà khách trợn mắt lên sung sướng vì thấy hợp ý, nghĩ ba phút rồi đáp

 

(25)  A: Bà tru tréo như sắp cãi nhau với ai, Văn Minh phải xua tay

        C, D, E, F, G: Bà tru tréo như sắp cãi nhau với ai, khiến Văn Minh phải xua tay

 

(26)  A: Ông Hàn nhà tôi đêm nào cũng đi theo bọn gái mới, tôi biết làm thế nào kia chứ, hở Giời!

        C, D, E, F, G: Ông Hàn nhà tôi đêm nào cũng đi theo bọn gái mới thì tôi biết làm thế nào kia chứ, hở Giời!

 

(27)  A: Văn Minh so vai mà rằng

        C, D, E, F, G: Văn Minh so vai mà rằng

 

(28)  A: Giữa buổi cánh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi! Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hạnh phúc gia đình rồi đó không?

        C, E: Giữa buổi cách tân này cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi! Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh phúc gia đình rồi đó không?

        D, F, G: Giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi! Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh phúc gia đình rồi đó không?

 

(29)  A: Đây là bộ Chiếm lòng. Mặc đến bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta.

        C, E: Đây là bộ Chiếm lòng, mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta.

        D, F, G: Đây là bộ Chiếm lòng. Mặc bộ ấy thì ta đã nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta.

 

(30)  A: Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà goá chồng mà không biết nên thủ tiết hay là thôi.  

        C, E: Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà goá chồng mà không biết nên thủ tiết hay là thôi.

        D, F: Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà hoá chồng mà không biết nên thủ tiết hay là thôi.  

        G: Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà goá chồng mà không biết nên thủ tiết hay là thôi.

 

(31)  A, C, D, F, G: Hai người đứng trước một bộ áo quần táo tợn vì may bằng thứ sa mỏng dính màu đen.

         E: Hai người đứng trước bộ áo quần táo tợn vì may bằng thứ sa mỏng dính màu đen.

 

(32)  A: Bên trong cái quần và cái áo chỉ có cái coóc-sê và cái quần đùi đen thôi, nên chi cái người đàn bà gỗ tuyệt đẹp ấy để lộ cả một nửa ngực trên, cả hai cánh tay, cả hai bẹn trở xuống trông cũng rõ mồn một.

         C: Bên trong cái quần và cái áo chỉ có cái coóc-sê và cái quần đùi đen thôi, nên chỉ cái người đàn bà gỗ tuyệt đẹp ấy để lộ cả một nửa ngực trên, cả hai cánh tay, và từ hai bên bẹn trở xuống trông cũng rõ mồn một.

         D, E, F, G: Bên trong cái quần và cái áo chỉ có cái coóc-sê và cái quần đùi đen thôi, nên chi cái người đàn bà gỗ tuyệt đẹp ấy để lộ cả một nửa ngực trên, cả hai cánh tay, và từ hai bên bẹn trở xuống trông cũng rõ mồn một.

 

(33)  A: Trong khi Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im. Hồi lâu mới nói:

        C, D, E, F: Trong khi Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im. Hồi lâu mới nói:

        G: Trong khi Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im, hồi lâu mới nói:

 

(34)  A: Nếu bà mặc bộ này thì không còn một người đàn ông nào lại không chạy theo bà như theo những cô gái ngây thơ!

        C, D, E, F, G: Nếu bà mặc bộ này thì không còn một người đàn ông nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ!

(35)   A, D, E, F, G: Chinh phục! Tôi đã phải đặt tên là Chinh phục !

         C: Chinh phục! Tôi đã đặt phải tên là Chinh phục !

 

(36)  A: Trước sự hoài nghi của bà khách, Văn Minh tán thêm:

        C, D, E, F, G: Trước sự hoài nghi của bà khách, bà chủ tán thêm:

 

(37)  A: bà mặc nó vào rồi đứng soi gương trong nhà cũng đủ cho ông Hàn nhà ta phải mê tơi.

       C, D, E, F, G: bà mặc nó vào rồi đứng soi gương trong nhà thì cũng đủ cho ông Hàn nhà ta phải mê tơi.

 

(38)  A: Thưa bà, hạnh phúc của gia đình có gì là khác. Nếu nó không là hạnh phúc của cặp vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào vợ chồng có hạnh phúc?

        C, D, E, F, G: Thưa bà, hạnh phúc của gia đình có gì là khác, nếu nó không là hạnh phúc của vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có hạnh phúc?

 

(39)  A: Bởi thế cho nên chúng tôi phải chế thêm cả những kiểu mới về những thứ quần áo lót mình ở bên trong chứ không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của bọn đạo đức hủ lậu đâu.  

        C, E: Bởi thế cho nên chúng tôi phải chế thêm cả những thứ quần áo lót mình ở bên trong chứ không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của bọn đạo đức hủ lậu đâu.

        D, F, G: Bởi thế cho nên chúng tôi phải chế thêm cả những kiểu mới và những thứ quần áo lót mình ở bên trong chứ không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của bọn đạo đức hủ lậu đâu.  

 

(40)  A, D, F, G: Văn Minh dẫn bà khách quay lại cái tủ kính ở phía sau lưng và giở ra một đống những quần đùi, coóc-sê, áo lót dài, áo lót mình ngắn, băng buộc vú, v.v…

        C, E: Văn Minh dẫn bà khách quay lại cái tủ kính ở phía sau lưng và giở một đống những quần đùi, coóc-sê, áo lót dài, áo lót mình ngắn, băng buộc vú, v.v…

 

(41) A: Bẩm đây, phó may rồi đây! Một nhà tài tử nguyên sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương để hầu hạ cho sắc đẹp của các bà!

        C, D, E, F, G: Bẩm đây, phó may đây! Một nhà tài tử nguyên sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương để hầu hạ cho cái sắc đẹp của các bà!

 

(42)  A, D, F, G: Vả lại số người theo mới cứ tăng

        C, E: Vả lại số người theo cứ tăng

 

(43)  A: Ông hô hào đổi mới, người ta theo mới thì lợi các ông đã chứ?

        C, D, E, F, G: Ông hô hào đổi mới, người ta theo mới thì lợi cho các ông đã chứ?

 

(44)  A: Ông tưởng thế chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì!

        C, D, E, F, G: Ông tưởng thế chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì? Chắc đâu...

 

(45)  A: Bao nhiêu vụ ly dị, bao nhiêu cuộc ngoại tình, con gái theo gai đùng đùng, đàn ông chê vợ hàng lũ, lại vừa có cả một ông huyện treo ấn từ quan để theo một cô gái tân thời, như thế, tôi tưởng là báo chúng tôi có ảnh hưởng quá nữa! Ngày nào cũng có một tiệm khiêu vũ mới...

        C, D, E, F, G: Bao nhiêu vụ ly dị! Bao nhiêu cuộc ngoại tình? Con gái theo giai đùng đùng, đàn ông chê vợ hàng lũ, lại vừa có cả một ông huyện treo ấn từ quan để theo một cô gái tân thời, như thế, tôi tưởng là báo chúng tôi có ảnh hưởng quá nữa! Ngày nào cũng có một tiệm khiêu vũ mới mở...

 

(46)  A: Đến đây thì bà Phó Đoan vào.

        C, D, E, F, G: Đến đây thì bà Phó Đoan vừa lúc bước vào.

 

(47)  A: Văn Minh cũng bỏ mặc ông nhà báo đứng đấy với cái ảnh hưởng của tờ báo.

        C, D, E, F, G: Văn Minh cũng mặc ông nhà báo đứng đấy với mọi cái ảnh hưởng của tờ báo.

 

(48)  A: À, dì vào đây cháu khẽ hỏi cái này!

        C, D, F, G: À, dì vào đây cho cháu khẽ hỏi cái này!

        E: À, dì vào đây cho cháu khẽ hỏi khẽ cái này!

 

(49)  A: Xuân Tóc Đỏ đi lại có vẻ đợi chờ…

        C, D, E, F, G: Xuân Tóc Đỏ đi đi lại lại có vẻ đợi chờ…

(50)   A: Hồi lâu, bà lại mừng rỡ thì thào vào tai cháu :

         C, D, E, F, G: Hồi lâu, bà lại mừng rỡ thì thào vào tai cháu:

(51)   A: Trước khi có sân quần ta hãy... như thế, như thế thì không cơm toi.           

         C, E: Trước khi có sân quần ta hãy... như thế, thì không sợ cơm toi.

         D, F, G:  Trước khi có sân quần ta hãy... như thế, như thế, thì không sợ cơm toi.

 

(52)  A: Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ dự vào cuộc cải cách xã hội.

        C, D, E, F, G: Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội.

CHÚ THÍCH:

[a] ma-nơ-canh (phỏng âm chữ Pháp mannequin): cái hình nhân dùng làm giá treo mẫu áo quần.

[b]  Ý-đại-lợi: phỏng âm chữ Hán tên nước Italia ở châu Âu, hiện nay tiếng Việt gọi là Italia hoặc Ý; Đức-ý-chí: phỏng âm chữ Hán tên nước Deutschland ở Tây Âu, hiện nay tiếng Việt gọi là Đức.    

[c] tính từ “cuối cùng” theo nghĩa của các thứ tiếng phương Tây cũng có hàm nghĩa là “mới nhất”; phát minh cuối cùng tức là phát minh mới nhất (lưu ý: theo mô tả trong truyện thì lúc này 2 nhân vật đang nói với nhau bằng “tiếng Tây”, ở chương sau có nhân vật sẽ nói từ này bằng tiếng Pháp “dernières créations”).

[d]  đăng-ten (phỏng âm chữ Pháp dentelle): phần viền trang trí bằng ren (thêu móc bằng chỉ, chỗ dày chỗ thưa, tạo thành những hình trang trí) trên các mép vải ở cổ áo, tay áo, nẹp áo.