XI (1)

Cuộc khánh thành sân quần – Xuân Tóc Đỏ diễn giả! – Việc sửa soạn một cuộc hôn nhân

 

 

Buổi khánh thành cái sân quần riêng của bà Phó Ðoan trong vườn hoa nhà bà thật là một ngày đáng ghi vào lịch sử thể thao của nước Việt Nam. (2)  Theo như những cuộc khánh thành khác, cũng có tiệc trà, có rượu sâm-banh,[a] lại có cả “chúc từ” nữa.

Họp mặt tại bữa tiệc, có ông Típ-Phờ-Nờ cho đến vợ ông ta, từ cô Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú Tân và chị ruột cậu này là bà Phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và vợ cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa. (3)  

Ông này coi cả bọn chung quanh ông chỉ là dân chúng, còn mình chỉ là một nhà lãnh tụ, một nhà chính trị, và một nhà chính trị thật sự thì bao giờ cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mà khinh bỉ những cái thị hiếu và lòng ham vui thú của dân chúng.(4) Giữa lúc mọi người cười nói ồn ào, ông Joseph Thiết giở một tờ báo Pháp ra, sung sướng hưởng cái khoan khoái của việc ông Léon Blum[b] bị môn đồ của nhà bảo hoàng Maurras [c] đánh cho chảy máu ở hai bên thái dương. Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì.

Ðối lại, ông Joseph Thiết cũng coi như lúc ấy không có ông. (5)

Bữa tiệc ấy chỉ còn thiếu mặt cậu Phước (Em chã!) thì là đủ các nhân vật thượng lưu trong xã hội. (6)

Khi hơi men đã ngà ngà, khi đám người thượng lưu ấy đã hơi hơi không được thượng lưu mấy tí, thì ông Văn Minh nâng cốc đứng lên... với cái thân hình ốm yếu:

−  Thưa các bà,

Thưa các cô,

Thưa các ngài,

Ấy thế là ông Văn Minh nói nhai nhải đến gần một giờ đồng hồ về lịch sử thể thao của nước cổ Hy Lạp, phong trào thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể thao và nếu có thể thao, (7) bà phán (xin hiểu ngầm là bà Phó Ðoan), tiểu sử của bà, những tư tưởng tân tiến của bà, cử chỉ đáng làm gương của bà trong khi cho làm sân quần để phụng sự một công cuộc thể thao gia đình, trào lưu thể thao của phụ nữ từ khi có cuộc “tiểu thư đi bộ”, v.v... [d] Giữa bài “chúc từ” có đoạn ông Văn Minh công kích kịch liệt những người thừa tiền mà làm đình, xây chùa, tô tượng, đúc chuông, những kẻ hủ lậu vậy. Ông kêu đồng bóng cũng là một lối thể thao, nhưng lối ấy đã bất hợp thời trang. (8)

Trong lúc ấy, ông nhà báo cấp tiến với xã hội và bảo thủ với gia đình vội vàng lấy bút máy và sổ tay ra ghi chép, coi những lời lẽ quý hoá ấy tựa hồ bật ở miệng một vĩ nhân mà ra...

Rồi ông Văn Minh lại khái luận về những bổn phận của người đàn bà lý tưởng có những gì khiến bà Phó Ðoan phải yên trí rằng mình là một người đàn bà lý tưởng. Sau cùng, đoạn “chúc từ” kết cấu bằng sự diễn giả giới thiệu với mọi người: Xuân Tóc Ðỏ, một thanh niên gương mẫu, một giáo sư ten-nít với tất cả những danh dự mà cái chức ấy được nhận. (9) Nói tóm lại, bài “chúc từ” ấy có đủ điều là một bài của một nhà đại văn học, đại chính trị, vì trong đó có đủ mọi điều thêu dệt, bịa đặt, phóng đại, huyễn hoặc, giả dối, bằng những danh từ điêu trá của văn chương. (10)  Mọi ngưòi vỗ tay thật là đích đáng.

Nói xong, ông cháu rể ngồi xuống một cách nhũn nhặn ngầm như đa số diễn giả khác để bà dì đứng lên đáp lời.(11) Bà Phó Ðoan cảm ơn diễn giả và các cô, các bà, các ngài đã vui lòng đến chứng kiến bữa tiệc khánh thành cái sân quần của bà mà bà ước rằng lúc nào cũng đông.

Mọi người lại vỗ tay...

Vì lần ấy là lần đầu ở vào một bữa tiệc có những nghi lễ như thế, được hưởng những cái danh dự mà chính nó, nó cũng không biết, Xuân Tóc Ðỏ tưởng mình không phải đáp lời gì ai nữa, cứ việc vỗ tay thật kêu. Rồi uống luôn một hơi sâm-banh một cách tự nhiên nhất đời, không để ý rằng ai cũng đương nhìn mình chòng chọc. Sau cùng nó khoanh tay ngồi im. (12)

Thái độ tọa hưởng kỳ thành ấy làm cho một số ít người bất mãn. Bà vợ ông Phán mọc sừng đứng lên nói một cách ranh mãnh.

−  Bây giờ hình như đến lượt ông Xuân, nhà giáo sư quần vợt.

Ông Típ-Phờ-Nờ cũng được dịp trả cái thù riêng của ông bằng mấy câu:(13)

− Ðiều ấy tất nhiên! Khánh thành sân quần thì tất nhiên bao nhiêu danh dự vào giáo sư quần vợt cả! Vậy thì xin ngài đừng nhũn nhặn quá mà cứ cho chúng tôi được nghe qua một đôi câu văn rất văn hoa của ngài! (14)

Ngồi ngay bên cạnh Xuân, Tuyết cũng vô tình thúc giục:

−  Nói đi, anh đốc! Nói rất văn hoa vào cho thiên hạ họ biết tay!

Không biết thế nào là phải, như một cái máy có người vặn, Xuân Tóc Ðỏ đành đứng lên, cốc rượu vẫn nâng trên tay... Nói? Thì nó vẫn nói to lắm, nói dài lắm, mà lại không bao giờ sợ khản cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cốt yếu của những nhà hùng biện. (15) Nghiệm như xưa kia, lúc bán phá xa, [e] làm lính cờ chạy hiệu rạp hát, làm nghề thổi loa cho ông vua thuốc lậu Nam Kỳ,(16)  nó đã quen cái mồm đàn áp, chinh phục, và làm rung động công chúng hơn ai...

Nhưng đấy không phải là điều cốt yếu... Phải, đành là phải nói, nhưng phải biết nói gì mới được... (17)

Sau ba phút trầm tư mặc tưởng, vốn thông minh tính bẩm, Xuân Tóc Ðỏ nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ mà ông bà Văn Minh và ông Típ-Phờ-Nờ vẫn dùng đến, (18) mà nó đã nghe quen tai ngay từ hôm nó nhảy vào gánh vác trách nhiệm Âu hoá xã hội. Nó bèn từ tốn nói, vừa nói vừa nghĩ:

−  Thưa các bạn gái,

  Thưa các bạn giai...

Xuân Tóc Ðỏ nói thế vì óc nó còn đầy những tiếng ấy từ khi nó vào cảnh Bồng Lai để làm tròn cái bổn phận hại một đời một người con gái đứng đắn và tử tế, (19) chẳng ngờ tình cờ lối nhập đề ấy lại có kết quả tốt: chưa ai thấy một diễn giả gọi các thính giả thân mật đến thế, từ khi nhân loại có chúc từ. Ai cũng kính cẩn lắng tai nghe.

 Xuân lại lắp bắp:

− ... Tôi, từ hôm nay mà đi, là đã dự một phần vào cuộc cải cách xã hội rồi... Vậy tôi phải chăm chỉ, và nhất là phải hiểu những việc tôi làm... Chưa được Âu hoá mấy!... Một sự trở ngại trên đường tiến hoá… Thể thao... Nòi giống... Hạnh phúc là cái gì khác nếu không là sức khoẻ của vợ chồng? Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lối cổ hủ... giữa buổi cách tân này, cái gì hủ lậu ta đào thải đi!...(20) Chúng tôi rất được hân hạnh.

Nói đến đấy, chợt nhớ đến những cầu tướng thắng trận lúc nhận cúp ở tay một quan Toàn quyền, hoặc một quan Thống sứ, thường reo lên những khẩu hiệu thể thao, Xuân Tóc Ðỏ bèn, để kết thúc bài diễn văn:

−  Líp líp lơ! Líp líp lơ! Hua rra!  [f]

Giữa lúc ấy, vừa thấy tờ báo đăng rằng nhà bảo hoàng Maurras xui người đánh ông Blum xong thì lại viết luôn mấy bài hăng hái đòi lấy đầu nhà lãnh tụ đảng xã hội một lần thứ nhì nữa, ông nguyên đảng viên Thập Tự Lửa Joseph Thiết vỗ đùi kêu to lên: (21)

−  Hay! Hay! Bravo!  [g]

Thế là cả gian phòng vỗ tay ran lên họa theo ông ta. Bà Phó Ðoan cũng líp líp lơ một cách xứng đáng. Một vài kẻ hoài nghi thì cũng vỗ tay khen, vì lẽ chúc từ của Xuân Tóc Ðỏ không phải là đĩa kèn nói, và những nhà thể thao chính hiệu bất kỳ ứng khẩu thế đã là cừ, chứ không cầu được hơn. (22)

Người ta chạm cốc sâm-banh khen ngợi chúc tụng lẫn nhau theo lối các vị thượng lưu, đoạn rủ nhau xuống sân quần.

Khi xuống đến sân thì ai cũng phải cảm động... Ôi! Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ: (23) trên rặng lưới của cái sân quần còn mới nguyên như một cô gái còn tân, người ta thấy một... hai... ba... bốn... cái quần, quần đùi, quần ngủ, quần ra phố, quần ở nhà, cái nào cũng bằng lụa, hoặc trơn, hoặc thêu đăng-ten, những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà lại chính là của bà Phó Ðoan! (24)

Ðiên người, lộn ruột lên, bà Phó Ðoan đã gọi ngay người vú già ra mắng cho một trận kịch liệt, thì người vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ làu nhàu: (25)

−  Ai biết đâu đấy! Gọi là sân quần thì ai chả tưởng để phơi quần!

Mấy cái quần bị cất ra chỗ khác rồi, sân quần lại hiện ra quang cảnh vui vẻ khác. (26)  Thoạt đầu, Xuân đánh với bà Văn Minh. Rồi đến với ông đốc-tờ Trực Ngôn. (27) Sau cùng Xuân đứng với ông Trực Ngôn để đánh với bà Văn Minh và một bà vợ Tây khác, bạn cũ của bà Phó Ðoan, mới đến...

Giữa lúc chưa biết phụ nữ thắng hay nam nhi thắng như thế thì ở nhà cụ cố Hồng, người ta nhao lên về cái tin cô Tuyết lẻn đi chơi với ông Xuân.(28) Cụ bà rít lên như những bà mẹ hủ lậu khả ố mà rằng: (29)

− Ông đã biết chưa? Ông nuông con ông nữa đi! Bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì ông mới biết thế nào là nữ quyền, là văn minh, là tối tân, là giải phóng! Phương ngôn có câu nói: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà! (30) Ông làm hại nó, ông làm nó hư hỏng, để cho tôi, tôi phải nghe lời thiên hạ chửi rủa... bới móc!(31)

Trước những lý luận bảo thủ rất trở ngại cho cuộc giải phóng phụ nữ của nước nhà như thế, cụ ông chỉ nhắm nghiền mắt lại, đáp:

−  Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!

Nhưng dù “biết rồi” mặc lòng, cụ bà cũng đuổi thằng bồi tiêm xuống bếp ngay... Vì đã công nhận nữ quyền như một người văn minh thật sự, (32) cụ cố Hồng cũng không phản đối lại việc huyền chức tạm thời ấy. Cụ chỉ đành nằm ngáp dài bên khay đèn mà thôi. Cụ bà lại nhai nhải nói như cái chão rách:

− Ông có biết không? Nó với ông Xuân rủ nhau vào một ô-ten [h] thuê buồng! Chết thật chứ không ngờ rằng...

−  Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!

−  Không ngờ rằng một người như ông Xuân, tưởng là đứng đắn tử tế, ai ngờ mà lại có bụng dạ tồi thế!

−  Biết rồi! Khổ lắm! nói mãi!

Ðến đây, cụ bà chợt tưởng tượng đến cái việc khó lòng tránh khỏi của những cặp trai gái mỗi khi rủ nhau và ô-ten, bèn bưng mặt sụt sịt khóc như một người mẹ hủ lậu. Không thấy nói gì nữa, cụ ông hé mở đôi mắt nhỏ tí ra hỏi:

 −  Thế sao nữa, hở bà?

Cụ bà khóc to hơn trước một hồi, rồi đau đớn kể lể:

−  Làm sao? Lại còn làm sao!

−  Bà hủ lậu lắm, không nói chuyện được!

−  Thế nào là hủ lậu? Ừ, tôi xin phép ông tôi hỏi ông: thế nào là hủ lậu?

−  Thời buổi bây giờ không có cái lối nam nữ bất tương thân như đời các cụ nhà ta đâu! Bây giờ giai gái được tự do kết bạn với nhau, đi chơi với nhau! Như Tây! (33) Họ có bạn giai cũng như họ có bạn gái, thế không có gì là lạ!

−  Ai bảo ông thế?

−  Con giai tôi bảo tôi đấy!

− Ông đã chắc thế là hay hớm chưa?

−  Lúy [i]  đã bảo thế thì chắc thế, không hay hớm thì cũng chẳng sao cả!

−  À! À! Con giai ông! thì được cái bộ tịch gì! Ði mở ngay cái hiệu thợ may phải gió ấy, rồi giở ra đến lắm trò khỉ! (34) Chướng lắm, tôi không chịu nổi nữa, đừng tưởng tôi không nói gì là hay lắm đâu!

−  Chướng hay không, mặc, cứ biết cái cửa hàng Âu Hoá của nó cũng mỗi tháng cho nó kiếm được vài trăm bạc lãi đã!

−  Này tôi bảo thật! Thế cũng chưa bõ. Ðể cho nàng dâu cứ mặc quần đùi đứng trước mặt mẹ chồng! Còn là lãi nữa! Con gái ông mà chửa hoang thì còn là lãi nữa!

−  Việc gì mà chửa hoang? Dễ thế cơ!

− Ông có biết chúng nó làm gì với nhau không? Nào tắm, nào bơi, nào nhảy đầm! Lại thuê chung một phòng trong cả một ngày nữa!

Từ nãy đến giờ đã được nửa giờ, cụ ông bèn ngoáp dài một cái, nước mắt nước mũi chảy ra như những người nghiện thuốc phiện đứng đắn và hút có phương pháp. Cụ bèn nhắm nghiền mắt lại: (35)

−  Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

−  Người ta biết rõ là hai đứa đóng cửa phòng lại, ngủ trưa với nhau rồi, ông đã biết chưa?

−  Sao! Sao nữa?

Cụ bà cười nhạt, đau đớn:

−  Lại còn sao nữa?

−  Thế ai bảo mà bà biết rõ thế?

−  Chị ruột nó chứ còn ai nữa!

−  Cái con Hoàng Hôn ấy cũng lên Bồng Lai hôm ấy làm gì? (36)

−  Vì hôm ấy chồng nó cũng lên đấy chứ sao? (37)

−  Mau gọi nó ra tiêm thuốc cho tôi đây! Việc có thế thôi, không phải ỏm tỏi lên vội!

Chẳng những đã không biết giá trị của những phút quý hoá và cái quyền lợi thiêng liêng bất khả xâm phạm của những ngưòi nghiện chân chính, cụ bà lại còn nói nữa chứ không gọi ngay thằng bồi tiêm lên.

−  Ðể bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì mới ỏm tỏi phỏng? (38) Ông còn nghĩ rằng đã có ai sêu tết con Tuyết rồi đấy không? (39) Cái thằng Xuân như thế là đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải là mặt người nữa! (40) Ðể rồi xem! Tôi bắt con Văn với thằng Minh đuổi cổ nó đi cho mà xem! Lại còn con mẹ Phó Ðoan, cái con đĩ già dơ đời ấy nữa! Sân quần à? (41) Rõ đĩ già mà không biết rởm! Rồi tôi cấm cửa thằng Xuân cho mà xem!

−  Biết rồi! Khổ lắm! nói mãi!

− Thật đấy, tôi thì đánh tan xác con Tuyết ra! Tôi thì chửi con mẹ Phó Ðoan một trận cho mà xem!... Tôi thì phú con Văn về với mẹ nó cho mà xem! Chứ thế à? Văn minh tiến bộ thế à?

Cụ Hồng giãy hai bàn chân, nhăn nhó kêu:

−  Khổ lắm, nói mãi, gọi bồi nó lên tiêm cho người ta đi! (42) Khỉ ơi là khỉ!

Cáu tiết, cụ bà đập xuống bàn đánh thình một cái, gắt:

− Tôi không gọi! Ông hãy nhịn đi một chốc! (43) Hút vào để cái gì cũng biết rồi, biết rồi, ấy à?

Tức thì cụ ông ngồi nhỏm dậy, cả quyết: (44)

−  À, giỏi nhé? Ðược lắm! Rồi mà xem! Để đấy tôi hối hôn đám kia cho mà xem! Tôi sẽ gả con Tuyết cho thằng Xuân, tôi xin cam đoan như thế với bà! Chả gì nó cũng đã học trường thuốc, đã được có người gọi là ông đốc, mà về quần vợt thì nay may nó chiếm giải quán quân! Này tôi bảo thật: con Tuyết mà chửa với thằng Xuân thì thật phúc bảy mươi đời cho nhà này! Bà câm đi, bà ngu lắm!

Cụ Hồng đã nói như một người nghiện đứng đắn trong một cơn thịnh nộ đúng giờ và đúng bữa.

NGUỒN:

[chương] XI
Bản A: Số đỏ, chuyện cười dài, Vũ Trọng Phụng, Hà Nội Báo, s. 50 (16 Décembre 1936), tr. 34-38.

Bản B: Số đỏ, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng; Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938 (mất văn bản)

Bản C: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 153-166.

Bản D: Số đỏ, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952, tr. 128-138.

Bản E: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957, tr. 116-125.

Bản F: Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, tr.119-129.

Bản G: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 124-134.

KHẢO DỊ:

(1)   A: IV.

       C, D, E, F, G: XI

 

(2)   A: thật là một ngày đáng ghi vào lịch sử thể thao của nước Việt Nam chúng ta.

       C, D, E, F, G: thật là một ngày đáng ghi vào lịch sử thể thao của nước Việt Nam.

 

(3)   A: Họp mặt tại bữa tiệc, có từ ông Típ-Phờ-Nờ cho đến vợ ông ta, từ Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú Tân, và chị ruột cậu này là bà Phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa.

        C, E: Họp mặt tại bữa tiệc, có ông Típ-Phờ-Nờ cho đến vợ ông ta, từ Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú Tân, và chị ruột cậu này là bà Phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và vợ cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa.

        D, F: Họp mặt tại bữa tiệc, có từ ông Típ-Phờ-Nờ cho đến vợ ông ta, từ Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú Tân, và chị ruột cậu này là bà Phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và vợ cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa.

        G: Họp mặt tại bữa tiệc, có từ ông Típ-Phờ-Nờ cho đến vợ ông ta, từ Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú, và chị ruột cậu này là bà Phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa.

 

(4)  A: Ông này coi cả bọn chung quanh ông chỉ là dân chúng, còn mình là một nhà lãnh tụ, một nhà chính trị, và một nhà chính trị thật sự thì bao giờ cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mà khinh bỉ những cái thị hiếu, lòng ham vui thú của dân chúng.

      C, E: Ông này coi cả bọn chung quanh ông chỉ là dân chúng, còn mình chỉ là một nhà lãnh tụ, một nhà chính trị, và một nhà chính trị thật sự thì bao giờ cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mà khinh bỉ những cái thị hiếu lòng ham vui thú của dân chúng.

       D, F, G: Ông này coi cả bọn chung quanh ông chỉ là dân chúng, còn mình là một nhà lãnh tụ, một nhà chính trị, và một nhà chính trị thì thật sự thì bao giờ cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mà khinh bỉ những cái thị hiếu lòng ham vui thú của dân chúng.

 

(5)  A: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Họ coi ông thuộc vào hạng người vô tích sự, chẳng bao giờ làm nổi việc gì cả, nhưng thấy ai làm gì là cũng chửi, hạng người bất cứ ở chỗ nào cũng có mặt để đại biểu cho một sự vô nghĩa lý, hạng người chỉ có một cái thiên chức nói khoác cũng như nhiều ông Pháp du khác. Ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có những người khác nữa, cũng như những người khác coi như lúc ấy không có ông.

       C, E: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Ðối lại, ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có ông.

        D, F, G: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Ðối lại, ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có những người khác nữa, cũng như những người khác coi như lúc ấy không có ông.

            [các bản D, F, G bỏ mất 62 từ của bản A; các bản C, E bỏ mất 77 từ của bản A]

 

(6)  A, D, F: Bữa tiệc ấy chỉ còn thiếu mặt cậu Phước (Em chã!) thì là đủ các nhân vật thượng lưu trong xã hội.

       C, E: Bữa tiệc ấy chỉ còn thiếu một cậu Phước (Em chã!) thì là đủ các nhân vật thượng lưu trong xã hội.

       G: Bữa tiệc ấy chỉ còn thiếu mặt có cậu Phước (Em chã!) thì là đủ các nhân vật thượng lưu trong xã hội.

 

(7)  A, D, F, G: Ấy thế là ông Văn Minh nói nhai nhải đến gần một giờ đồng hồ về lịch sử thể thao của nước cổ Hy Lạp, phong trào thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể thao và nếu có thể thao,

      C, E: Ấy thế là ông Văn Minh nói nhai nhải đến gần một giờ đồng hồ về lịch sử thể thao của nước cổ Hy Lạp, phong trào thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể thao và nếu có thể thao,

            [2 bản Minh Đức sắp chữ thừa, lặp lại 12 từ; ở bản C là do sang trang, từ tr. 154 sang 155, ở bản E là do theo sát bản C]

 

(8)   A: Ông kêu đồng bóng cũng là một lối thể thao nhưng lối ấy bất hợp thời.

       C, D, E, F, G: Ông kêu đồng bóng cũng là một lối thể thao, nhưng lối ấy đã bất hợp thời trang.

 

(9)  A: Sau cùng, đoạn “chúc từ” kết cấu bằng sự diễn giả giới thiệu với mọi người: Xuân Tóc Ðỏ, một thanh niên gương mẫu, một giáo sư ten-nít với tất cả những cái danh dự mà cái chức ấy được nhận.

      C, D, E, F: Sau cùng, đoạn “chúc từ” kết cấu bằng sự diễn giả giới thiệu với mọi người: Xuân Tóc Ðỏ, một thanh niên gương mẫu, một giáo sư ten-nít với tất cả những danh dự mà cái chức ấy được nhận.

      G: Sau cùng, đoạn “chúc từ” kết luận bằng sự diễn giả giới thiệu với mọi người: Xuân Tóc Ðỏ, một thanh niên gương mẫu, một giáo sư ten-nít với tất cả những danh dự mà cái chức ấy được nhận.

 

(10)   A, D, F, G: bài “chúc từ” ấy có đủ điều kiện là một bài của một nhà đại văn học, đại chính trị, vì trong đó có đủ mọi điều thêu dệt, bịa đặt, phóng đại, huyễn hoặc, giả dối, bằng những danh từ điêu trá của văn chương.

        C, E: bài “chúc từ” ấy có đủ điều là một bài của một nhà đại văn học, đại chính trị, vì trong đó có đủ mọi điều thêu dệt, bịa đặt, phóng đại, huyễn hoặc, giả dối, bằng những danh từ điêu trá của văn chương.

 

(11)   A, C, D, E, F: Nói xong, ông cháu rể ngồi xuống một cách nhũn nhặn ngầm như đa số diễn giả khác để bà dì đứng lên đáp lời.

       G: Nói xong, ông cháu rể ngồi xuống một cách nghiêm trang nhã nhặn ngầm như đa số diễn giả khác để bà dì đứng lên đáp lời.

 

(12)   A: Sau cùng khoanh tay ngồi im.

         C, D, E, F, G: Sau cùng khoanh tay ngồi im.

 

(13)  A: Ông Típ-Phờ-Nờ cũng được dịp trả cái thù riêng của ông bằng một câu:

        C, D, E, F, G: Ông Típ-Phờ-Nờ cũng được dịp trả cái thù riêng của ông bằng mấy câu:

 

(14)  A: Khánh thành sân quần thì tất nhiên bao nhiêu danh dự dồn vào giáo sư quần vợt cả! Vậy thì xin các ngài đừng nhũn nhặn quá mà cứ cho chúng tôi được nghe qua một đôi câu rất văn hoa của ngài!

        C, D, E, F, G: Khánh thành sân quần thì tất nhiên bao nhiêu danh dự vào giáo sư quần vợt cả! Vậy thì xin ngài đừng nhũn nhặn quá mà cứ cho chúng tôi được nghe qua một đôi câu văn rất văn hoa của ngài!

 

(15)  A: Thì nó vẫn nói to lắm, nói dài lắm, mà lại không bao giờ phải sợ khản cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cố yếu của những bậc hùng biện.

        C, E: Thì nó vẫn nói to lắm, nói dài lắm, mà lại không bao giờ sợ khản cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cố yếu của những nhà hùng biện.

        D, F: Thì nó vẫn nói to lắm, nói dài lắm, mà lại không bao giờ sợ khản cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cố yếu của các nhà hùng biện.

        G: Thì nó vẫn nói to lắm, mà lại không bao giờ sợ khản cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một điều kiện cố yếu của nhà hùng biện.

 

(16)  A: làm nghề thổi loa cho mấy ông vua thuốc lậu Nam Kỳ,

        C, D, E, F, G: làm nghề thổi loa cho ông vua thuốc lậu Nam Kỳ,

 

(17)   A: Phải nói, nhưng phải biết nói gì mới được...

         C, D, E, F, G: Phải, đành là phải nói, nhưng phải biết nói gì mới được...

 

(18)  A: Xuân Tóc Ðỏ nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ của ông bà Văn Minh và ông Típ Phờ Nờ vẫn dùng đến,

        C, D, E, F, G: Xuân Tóc Ðỏ nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ ông bà Văn Minh và ông Típ Phờ Nờ vẫn dùng đến,

 

(19)  A: Xuân Tóc Ðỏ nói thế vì óc nó còn đầy những tiếng ấy từ khi nó vào cảnh Bồng Lai để làm tròn cái bổn phận làm hại một đời một người con gái đứng đắn và tử tế,

        C, E:  Xuân Tóc Ðỏ nói thế vì óc nó còn đầy những tiếng ấy từ khi nó vào cảnh Bồng Lai để làm tròn cái bổn phận hại một đời một người con gái đứng đắn và tử tế,

        D, F, G: Xuân Tóc Ðỏ nói thế vì óc nó còn đầy những tiếng ấy từ khi nó vào cảnh Bồng Lai để làm tròn cái bổn phận hại một đời con gái đứng đắn và tử tế,

 

(20)  A: Gắng sức anh em luyện tập, không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời bọn cổ hủ... giữa buổi cách tân này, cái gì bảo hủ ta đào thải đi!...

        C, E: Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lối cổ hủ... giữa buổi cách tân này, cái gì hủ lậu ta đào thải đi!...

        D: Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lời cổ hủ... giữa buổi cánh tân này, cái gì hủ lậu ta đào thải đi!...

        F, G: Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lời cổ hủ... giữa buổi canh tân này, cái gì hủ lậu ta đào thải đi!...

 

(21)  A: vừa thấy tờ báo đăng rằng nhà bảo hoàng xui Maurice người đánh ông Blum xong thì lại viết luôn mấy bài hăng hái đòi lấy đầu nhà lãnh tụ đảng xã hội một lần thứ nhì nữa,

        C, D, E, F, G: vừa thấy tờ báo đăng rằng nhà bảo hoàng Maurras xui người đánh ông Blum xong thì lại viết luôn mấy bài hăng hái đòi lấy đầu nhà lãnh tụ đảng xã hội một lần thứ nhì nữa,

 

(22)  A: và những nhà thể thao chính hiệu bất kỳ ứng khẩu thế kể đã là cừ, chứ cũng cầu được hơn.

        C, E, G: và những nhà thể thao chính hiệu bất kỳ ứng khẩu thế đã là cừ, chứ không cầu được hơn.

        D, F: và những nhà thể thao chính hiệu bất kỳ ứng khẩu thế kể đã là cừ, chứ cũng không cầu được hơn.

 

(23)  A: Thật là một triệu chứng đáng nhớ cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ:

        C, D, E, F, G:  Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ:

 

(24)  A: những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải thấy lai láng lòng xuân, mà lại chính là của bà Phó Ðoan!

        C, D, F: những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà lại chính là của bà Phó Ðoan!

         E: những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà lại  là của bà Phó Ðoan!

         G: những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà chính lại là của bà Phó Ðoan!

 

(25)   A, C, D, E, F: thì người vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ làu nhàu:

         G: thì vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ làu nhàu:

 

(26)  A, C, D, E, F: Mấy cái quần bị cất ra chỗ khác rồi, sân quần lại hiện ra quang cảnh vui vẻ khác.

        G: Mấy cái quần đã bị cất ra chỗ khác rồi, sân quần lại hiện ra quang cảnh vui vẻ khác.

 

(27)   A, C, D, F: Thoạt đầu, Xuân đánh với bà Văn Minh. Rồi đến với ông đốc tờ Trực Ngôn. 

         E, G: Thoạt đầu, Xuân đánh với bà Văn Minh. Rồi đánh với ông đốc tờ Trực Ngôn. 

 

(28)   A, C, D, E, F: người ta nhao lên về cái tin cô Tuyết lẻn đi chơi với ông Xuân.

         G: người ta nhao lên về cái tin cô Tuyết đi chơi với ông Xuân.

 

(29)   A: Cụ bà rít lên như những người hủ lậu khả ố mà rằng:

         C, D, E, F: Cụ bà rít lên như những bà mẹ hủ lậu khả ố mà rằng:

         G: Cụ già rít lên như những bà mẹ hủ lậu khả ố mà rằng:

 

(30)   A: Phương ngôn có câu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!

         C, D, E, F, G: Phương ngôn có câu nói: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!

 

(31)   A: để cho tôi, tôi phải nghe lời của thiên hạ chửi rủa... bới móc!

         C, D, E, F, G: để cho tôi, tôi phải nghe lời thiên hạ chửi rủa... bới móc!

 

(32)   A: Vì đã công nhận nữ quyền y như một người văn minh thật sự,

         C, D, E, F, G: Vì đã công nhận nữ quyền như một người văn minh thật sự,

 

(33)   A: Bây giờ giai gái được tự do kết bạn với nhau, đi chơi với nhau! Như đây!

         C, E: Bây giờ giai gái được tự do kết bạn với nhau, đi chơi với nhau! Như Tây!

         D, F, G: Bây giờ giai gái được tự do kết bạn với nhau, đi chơi với nhau như Tây!

 

(34)   A: Ði mở ngay ra cái hiệu thợ may phải gió ấy, rồi giở ra đến lắm trò khỉ!

         C, E: Ði mở ngay cái hiệu thợ may phải gió ấy, rồi giở ra đến lắm trò khỉ!

         D, F, G: Ði mở ngay cái hiệu thợ may phải gió ấy, rồi giở ra đến lắm trò khỉ!

 

(35)   A: Cụ Hồng nhắm nghiền mắt lại:

         C, D, E, F, G: Cụ bèn nhắm nghiền mắt lại:

 

(36)   A, C, E: Cái con Hoàng Hôn ấy cũng lên Bồng Lai hôm ấy làm gì?

         D, F, G: Cái con Hoàng Hôn cũng lên Bồng Lai hôm ấy làm gì?

 

(37)   A, C, D, E, F: Vì hôm ấy chồng nó cũng lên đấy chứ sao?

         G: Vì hôm đó chồng nó cũng lên đấy chứ sao?

 

(38)   A: Ðể bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì mới được ỏm tỏi phỏng?

         C, D, E, F, G: Ðể bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì mới ỏm tỏi phỏng?

 

(39)   A, D, F, G: Ông nghĩ rằng đã có ai sêu tết con Tuyết rồi đấy không?

         C, E: Ông còn nghĩ rằng đã có ai sêu tết con Tuyết rồi đấy không?

 

(40)   A, D, F, G: Cái thằng Xuân như thế là đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải mặt người nữa!

         C, E: Cái thằng Xuân như thế là đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải mặt người nữa!

 

(41)   A: Lại còn con mẹ Phó Ðoan, cái con đĩ già dơ đời ấy nữa! Xây sân quần à?

         C, D, E, F, G: Lại còn con mẹ Phó Ðoan, cái con đĩ già dơ đời ấy nữa! Sân quần à?

 

(42)   A, D, F, G: gọi bồi nó lên tiêm cho người ta đi!

         C, E: gọi bồi nó tiêm cho người ta đi!

 

(43)   A, C, D, F, G: Ông hãy nhịn đi một chốc!

         E: Ông hãy nhịn đi mặt chốc!

 

(44)   A: Tức thì cụ ông ngồi nhỏm dậy, cả quyết nói:

         C, D, E, F, G: Tức thì cụ ông ngồi nhỏm dậy, cả quyết:


CHÚ THÍCH:

[a] sâm-banh (phỏng âm chữ Pháp champagne): một dạng rượu vang nổ (sparkling wine), được sản xuất bằng cách tạo ra sự lên men thứ cấp để thực hiện sự cacbonat hóa trong chai chứa rượu vang; nó được đặt tên theo tên vùng Champagne của nước Pháp, chỉ có rượu sản xuất ở vùng Champagne mới được gọi bằng tên này.

 

[b]  Léon Blum (1782-1950): chính khách Pháp, người xã hội chủ nghĩa đầu tiên và người gốc Do Thái đầu tiên đứng đầu chính phủ Pháp; từng 3 lần làm thủ tướng Pháp (4.6.1936 – 22.7.1937; 13.3.1938 – 10.4.1938; 12.12.1946 – 22.1.1947)

 

[c]  Charles Maurras (1868-1952): nhà báo, nhà thơ, chính khách Pháp, theo xu hướng tán dương di sản quân chủ Thiên Chúa giáo.   

 

[d]  Tiểu thư đi bộ: một cuộc vận động của một số phụ nữ theo xu hướng mới ở Hà Nội hồi giữa năm 1930; họ định tổ chức cuộc đi bộ từ Hà Nội đến Hải Phòng, mở đầu bằng những cuộc tập dượt đi ngắn Hà Nội – Hà Đông. Dư luận đương thời ở miền Bắc vốn nặng tư tưởng nam quyền đã thiên về thái độ châm biếm cuộc vận động này, thậm chí tác giả Lê Công Đắc còn châm biếm bằng vở Đại hài kịch tiểu thư đi bộ (nhà in Đông Tây, H., 1931). Nhà báo Phan Khôi có nói về sự việc này (Thông Reo: Thể thao của phụ nữ // Trung Lập, S.G., 22.10.1930)  

 

[e]  phá xa: lạc rang.

 

[f]  Líp líp lơ! Líp líp lơ! Hua rra!  (phỏng âm mấy từ tiếng Pháp và Anh: Hip, hip, hip … Houra!): Hoan hô! Hoan hô!

 

[g]  Bravo (chữ Pháp): Hoan hô.

 

[h]  ô-ten (phỏng âm chữ Pháp hotel): khách sạn.

 

[i]  lúy (phỏng âm chữ Pháp lui): nó, ông ấy.