XVII

Người vị hôn phu – Một vụ cưỡng bức – Cuộc điều tra của nhà chuyên trách [a]

 

Rất cảm động, Tuyết nói như một phụ nữ lãng mạn chân chính:

−  Anh ơi! Thế thì em sung sướng cực điểm rồi, có ai dám tưởng rằng việc trăm năm của chúng ta lại có thể thành sự được một cách dễ dàng như thế không? (1) Em sung sướng quá đi mất! Em muốn chết anh ạ! Em muốn tự tử!

Không hiểu những lời lẽ lãng mạn đầy thi vị ấy, Xuân cau mày hỏi:
−  Tự tử! Trông chừng lấy được nhau đến nơi mà lại tự tử!

Tuyết trỏ tay ra mặt hồ Trúc Bạch cắt nghĩa:

−  Nếu hai chúng ta cùng nhảy xuống những lớp sóng bạc kia mà chết thì có phải cả nước sẽ bàn tán mãi về cuộc tình duyên ghê gớm của chúng ta không? Nhưng mà thôi, ấy là em nói đùa để làm nũng mình đấy. Khi thấy mình lo sợ như vậy, em đã đủ hài lòng lắm rồi, vì mình thật quả yêu em.

Xuân gắt như một người chồng đáng yêu:

−  Gớm, mợ khó tính lắm, còn ai chiều được nữa!

Cả hai lại thung dung rảo gót đi. Lúc ấy mới 8 giờ sáng. Mặt trời chưa kịp xuyên qua những tầng mây bạc, hình như sợ phiền cho cuộc tình duyên tốt đẹp kia. Gió thổi hây hây như nịnh hót cặp uyên ương ấy. Xuân và Tuyết đã hẹn nhau đi chơi một cách rất cổ điển, nghĩa là con đường Cổ Ngư. Xuân đã nói hết cả đầu đuôi về việc Văn Minh đã dùng cái ngôn ngữ như thế nào để nó phải lấy Tuyết. Do thế, lòng tự ái của Tuyết hơi bị thương, tuy rằng cô đã lấy làm sung sướng lắm. Thấy Xuân bó buộc phải lấy mình, Tuyết nói đến tự tử là chính đáng lắm vậy. (2) Nhưng sự thực, cả hai, lúc ấy, cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Xuân hỏi:

−  Tuyết ơi! Em có biết vì đâu anh đem lòng yêu em không?

−  Em thực thà, cho nên anh yêu chứ gì?

−  Là vì em dại dột lắm, lại định nhờ anh làm cái việc làm hại một người con gái con nhà tử tế. Sao em quá tin anh đến thế?

Tuyết so vai, đáp:

−  Tại em thực thà! Ðấy anh xem, có phải em đã cho anh khám để mà biết rằng em đây không giả dối, không thèm dùng vú cao su!

−  Ừ nhỉ! Ra vì đôi vú cao su mà thành ra chúng mình hiểu rõ cái bụng dạ thực thà của nhau! Nếu chúng ta sung sướng, ấy cũng chỉ vì đôi vú cao su của cuộc cải cách xã hội... vậy.

Tuyết reo:

−  Âu hoá vạn tuế! Vú cao su vạn tuế!

Ðương nhí nhảnh, Tuyết chợt nhìn thẳng ra phía trước mặt để phải cau khoé hạnh nét ngài. Từ xa xa có một thiếu niên vận quốc phục, cái khăn lượt, cái áo the dài, đôi giày hủ lậu, hình như đương rảo gót phăm phăm chạy đến. Tuyết đứng dừng, chán nản bảo Xuân:

−  Ðây kia là người vị hôn phu của em, mà em đã hối hôn để lấy anh. Dám chắc hắn chỉ muốn gây sự với em mà thôi! (3) Em không muốn gặp mặt hắn, để anh đối phó. Anh nên cho hắn một bài học nhé? Thôi, em về chờ anh ở nhà bà Phó Ðoan vậy. Bây giờ hẳn ta có thể công nhiên trò chuyện với nhau ở nhà.(4)

Nói xong, quay lại sau lưng thấy có xe tay, Tuyết vẫy tay rồi trèo lên. Xuân gật đầu chào rồi khoanh tay chờ đợi một cuộc sinh sự.

Thiếu niên kia, khi đến gần Xuân, liền vòng tay vái chào như những nhà thâm nho. Xuân Tóc Ðỏ gạt phăng đi rằng:

−  Hủ lậu! Chưa tiến hoá mấy! Thể thao! Cái cách xã hội!

Thiếu niên cố né cái tức, và cũng sợ nữa, bèn ấp úng:

−  Bẩm... tôi xin giới thiệu tôi... chính tôi là người chồng chưa cưới của cô Tuyết vừa bỏ chạy đây kia!

Xuân Tóc Ðỏ cúi đầu:

−  Chúng tôi rất được hân hạnh...

Rồi ưỡn ngực lên mà tiếp: (5)

−  Me-sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ!

Thiếu niên từ đây trở đi đã có vẻ một kẻ chiến bại:

− Hân hạnh lắm! Tôi xin lỗi ngài làm phiền ngài. Dẫu rằng ngài tài giỏi lắm, nhưng xin ngài cũng chớ nên làm những việc có hại cho kẻ khác. Nếu tôi không nhầm thì hiện ngài đương chiếm đoạt vợ con của người ta. (6) Nhất là tôi đây, không có danh tiếng, không có tài cán, thì ngài được tôi, cũng chẳng vẻ vang gì cho lắm!

Xuân Tóc Ðỏ thấy ngay cái cần diễn thuyết cho người ấy một hồi dài bằng cách nói lại những điều đã học lỏm được từ xưa đến nay:

− Ông... không hợp thời trang, cổ hủ! Ông không biết điều! Còn tôi, tôi là người dự một phần trong việc Âu hoá, có trách nhiệm quốc dân văn minh hay dã man! Chúng tôi không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời công kích của phái hủ lậu! Tiến theo luật chung của xã hội, giữa buổi canh tân này, cái gì bảo thủ là bị đào thải đi! (7) Ông chưa được Âu hoá mấy! Một sự trở ngại đường tiến hoá! Thể thao... nòi giống... sức khoẻ. Hạnh phúc là cái gì khác nếu không là sức khoẻ của vợ chồng?

Người kia, sau một hồi ngẫm nghĩ, bèn đáp:

−  Tuy nhiên... Tuy nhiên tôi cũng là con nhà tử tế... Về học thức, tôi cũng đã có bằng Thành chung. Về giòng giống, tôi là con một ông phán, cháu nội một ông huyện. Tuyết mà lấy tôi thì cũng xứng đáng lắm, việc gì phải giở mặt như thế?

Xuân Tóc Ðỏ điên tiết lên mà rằng:

−  Thế ông, ông có là con nhà bình dân không? Ừ, tôi xin hỏi: Ông có phải giòng giõi nhà bình dân không? Ông lọ [b] lắm! Không đúng mốt! (8) Phải biết cái gì là hợp thời trang chứ?

Người kia ra vẻ hổ thẹn lắm! Quần áo đã hủ lậu mà lại đến cả cái giòng giống cũng lại là con nhà tử tế, không hợp thời trang! Thật là hỏng bét cả. Người ấy toan cãi thì Xuân đã giơ hai tay lên, hùng hổ tiếp: (9)

−  Còn tôi, tôi chỉ là con nhà hạ lưu mà thôi! Ngày xưa bán phá xa, bán dầu trên xe điện, làm lính chạy hiệu rạp hát! Chỉ có thế mà lấy được cháu gái cụ cố Hồng đấy. (10) Ông muốn làm gì thì làm!

Người vị hôn phu bị hối hôn kia khiếp đảm vì câu nói mỉa mai ấy lắm! Anh ta nghĩ hẳn cái giòng giống của Xuân là danh giá cực kỳ vả hẳn Victor Ban đã nói nhảm thì Xuân mới nhắc lại lời nói nhảm kia một cách ngạo mạn đến thế. (11) Như con giun xéo lắm cũng quằn, bèn nổi nóng:

− Thưa ông, nếu ông đã nhất định như thế thì thôi! Nhưng mà tôi có bổn phận của một người lịch sự báo cho ông biết rằng trong cuộc tranh giành này, từ đây mà đi, chúng ta là hai kẻ thù sinh tử. Xin ông biết cho như vậy!

Nói xong, người ấy lại cúi chào lễ phép rồi quay đi ngay. Xuân Tóc Ðỏ đứng ngây ra, ngẫm nghĩ mãi về lời dọa nạt ấy. Sau cùng, nó cũng lên xe để về với người yêu lúc ấy đợi ở nhà. Nó thấy hả dạ lắm: đã cho gã kia một bài học. Còn về cái thù sinh tử, nó chẳng đủ sợ, bởi lẽ ở đời này, mỗi lúc mà ai giết được ai!

Khi về đến nhà, Xuân thấy Tuyết vẫn đợi ở phòng khách bằng cách xem cuốn sách ảnh. Lúc ấy mới 10 giờ. Nghĩa là lúc bà Phó Ðoan chưa dậy, cũng như cậu Phước còn ngủ. Xuân sung sướng được tự do, dẫu là trong một giờ, dẫu là trong nửa giờ. (12) Tha hồ chuyện với người yêu, chẳng sợ bị ai ám quẻ.

−  Anh ơi, anh cho hắn một bài học ra làm sao hở anh?

−  À, tôi cũng có nói vài điều nghĩa lý cho gã ấy biết để gã thôi đi, đừng hy vọng gì nữa, đừng oán hận gì nữa. (13) Nó mà địch với tôi thì lại làm sao được! Nhưng hắn cũng là người biết điều. Sau khi nghe mình giảng giải, lại hoan nghênh lắm, và chúc chúng ta bách niên giai lão nữa!

−  Lại chúc nữa cơ?

−  Phải! Hắn nói: như vậy, Tuyết lấy ông là hơn lấy tôi... Tôi yêu Tuyết, tất nhiên tôi phải được trông thấy Tuyết được hưởng hạnh phúc. (14)

Tuyết bèn nhảy lên ôm lấy cổ Xuân:

−  Thế thì đáng hôn anh một nghìn cái để thưởng mới được!

Xuân Tóc Ðỏ nhận những cái hôn rất chính đáng ấy rồi thì thầm vào tai người  yêu:

−  Anh... bây giờ... chỉ muốn làm hại đời em một cách thật sự mà thôi!

Tuyết bĩu môi, nói một cách luận lý học không thể nào ai công kích được nữa: (15)

− Ê! Ê! Thôi đốt anh đi! Bây giờ thì việc gì đi nữa cũng chỉ là làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm.

Xuân lại cứ ôm lấy cái xác thịt lãng mạn ấy để mơn trớn một cách rất tả chân, hoặc là hôn hít một cách rất cổ điển. Nhưng chợt Tuyết đuổi Xuân ra, khẽ nói: (16)

−  Khéo không mà có ai biết thì chết!

Xuân lắc đầu, khẽ đáp:

−  Mẹ con bà Phó Ðoan còn ngủ cả.

−  Thế còn bọn gia nhân?

−  Chúng nó ở cả dưới nhà kia mà! Ðể yên, anh yêu, chóng ngoan...

Sợ rằng không vâng lời thì lại chẳng là một thiếu nữ ngoan ngoãn, Tuyết vui lòng để cho Xuân tự dọ mặc thích... Hai người dìu nhau ra ngồi ở ghế đi-văng. Xuân Tóc Đỏ cúi xuống ôm lấy Tuyết mà hôn hít một cách bình dân cả trăm phần trăm. Còn Tuyết thì nhắm mắt lại cho có vẻ một thiếu nữ mơ mộng chân chính sung sướng về sự thành công của cuộc hối hôn, của cuộc... cách mệnh cái gia đình hủ lậu và khốn nạn để được tự do đi đến cái hạnh phúc cá nhân. (17) Lúc ấy, cô muốn viết ngay một cuốn tiểu thuyết nói về đời mình, để làm gương cho những phụ nữ muốn giải phóng.

Nhưng chợt cánh cửa bị đẩy mạnh, bà Phó Ðoan sừng sộ chạy vào! Cặp uyên ương hoảng hốt vội buông nhau ra. (18) Bà này dậy lúc nào thế? Rõ nguy quá đi mất, bà vẫn cứ để quần áo ngủ mà xỉa xói vào mặt Tuyết như một người vợ ghen:

−  Nhà tôi là nhà săm đấy à! Cô có biết cô làm ô uế nhà tôi ra hay không? Cô có biết thế là đĩ thoã lắm không? Mau mau ra khỏi cửa nhà này lập tức không mà xấu hổ với tôi bây giờ!

Tuyết hổ thẹn một cách xứng đáng, nguây nguẩy ra đi lập tức.

Bà Phó quay lại Xuân: (19)

−  Sao ông làm cái sự càn rỡ ấy? Ông có biết thế là khốn nạn lắm không? Ông làm hại một đời người con gái tử tế như thế à?

Xuân so vai, bực mình:

−  Ấy là tôi làm lợi cho một đời người con gái tử tế!

−  Làm lợi?

−  Phải! Tuyết bây giờ đã là vợ chưa cưới của tôi! Hôm qua, ông Văn Minh đã bắt ép tôi phải lấy Tuyết! Chính là bà làm hại danh giá chúng tôi, bà có biết không?

Bà Phó Ðoan ngẩn người ra như bằng gỗ. (20) Lúc ấy, vì vừa ngủ dậy, bà chỉ có bộ quần áo ngủ mỏng manh nó có thế lực làm cho thân thể bà lại lộ ra hơn chủ nghĩa khoả thân. (21) Ðương lúc rạo rực, đương cáu đến cực điểm, lại thấy trước mặt mình cái cảnh tượng khêu gợi ấy, Xuân Tóc Ðỏ chẳng nghĩ ngợi gì nữa, bèn bắt đền cái sự thiệt hại cho mình bằng cách ôm xốc lấy vị tiết phụ đáng kính trọng ấy!

Rất tiếc cho cái công thủ tiết với hai đời chồng của mình, bị lôi kéo đến cái đi-văng, bà Phó Ðoan cứ phản đối một cách rất cương quyết bằng cách khẽ kêu:

−  Ơ kìa! Hay chửa kìa! Ơ hay! Ơ hay!

Nhưng thằng Xuân Tóc Ðỏ của chúng ta thì nào còn biết gì là nghĩa lý, là đạo đức nữa! Bưng tai giả điếc, nó cứ nhất định bắt đền. Từ đây trở đi, bà kia cứ khẽ kêu như một tiết phụ xứng đáng trong lúc bị xúc phạm:

−  Ôi giời ơi! Người ta giết tôi! Người ta cưỡng bức tôi!

Bên ngoài, lúc ấy có tiếng kêu “Em chã! Em chã!” rồi thấy hình như cậu Phước chạy huỳnh huỵch xuống thang. Bà Phó Ðoan ngừng kêu để nói:

−  Cậu ấy xuống tìm vú em để vòi đấy chứ quái gì!

Rồi bà lại kêu tiếp cho sự chống cự quyết liệt khỏi gián đoạn:

−  Người ta giết tôi! Ối làng nước ơi! Thế này có khổ tôi không? Ai cứu tôi với!

Năm phút sau nó ngắn ngủi như một cái tích tắc đồng hồ, chợt thấy có tiếng gõ cửa. Hai ngưòi này vội chỉnh đốn y phục, chạy xa nhau, mỗi người ngồi một ghế ở hai góc phòng, rồi bà Phó dõng dạc bảo: (22)

−  Cứ vào.

Ðó là hai thầy cảnh binh Min-Ðơ và Min-Toa! Theo sau thầy có vú em của cậu Phước và người bếp. Một thầy cảnh sát nói:

−  Thưa bà, chúng tôi được người nhà này gọi vào để cứu bà!

Bà Phó Đoan đỏ mặt, hỏi gắt:

−  Cái gì! Ðứa nào gọi đội xếp vào nhà? (23) Tôi làm sao mà phải ai đến cứu? Con vú hay thằng bếp láo như thế?

Tên bếp tái mặt, ấp úng:

−  Bẩm con, thấy cậu Phước bảo con chạy lên, con nghe như có tiếng kêu rên, con hốt hoảng, sợ quá. (24)

Thầy lính Min-Toa cắt nghĩa:

−  Chúng tôi đương đứng ngoài đường thì nó mời chúng tôi vào!

Nhanh trí, bà Phó Ðoan nói:

−  Kêu rên? A à! Thì tôi đương đọc một đoạn truyện trinh thám cho thầy giáo nghe, chứ có gì đâu? (25)

Thầy Min-Ðơ cười ồ ồ và thực thà nói:

−  Rõ khéo! Thế mà nó kêu với tôi là có vụ hiếp dâm nữa! (26)

Bà chủ mắng người ở:

−  Mày nhầm thế thì có phen bà chém cổ mẹ mày đi! Ðồ con lợn!

Xuân Tóc Ðỏ cũng làm một câu:

−  Mẹ kiếp! Ðồ láo!

Từ đây trở đi, ngần này người trơ mắt ra nhìn nhau. Muốn phá bầu không khí khó chịu, Xuân Tóc Ðỏ lần lượt “giới thiệu” hai thầy cảnh sát cho bà chủ nhà chưa mất danh giá:

−  Ðây là thầy Min-Ðơ, cảnh binh hạng tư, chiến công bội tinh, giải nhất Hà Nội-Ðồ Sơn, giải nhì Hà Nội-Hà Ðông, (27) một cái tương lai của cảnh sát giới! Còn đây, ông Min-Toa, cúp Boy Landry, cúp Mélia Jaune, sự vẻ vang của sở Cẩm Hà Nội, cái hy vọng của Ðông Dương!

Hai thầy cảnh binh lại cùng “giới thiệu” Xuân với bà Phó:

−  Ðây là mông-sừ  [c] Xuân, giáo sư ten-nít, cái hy vọng của Bắc Kỳ! (28)

Thấy không “giới thiệu” bà Phó nữa thì hỏng, Xuân lại nói:

−  Ðây là bà Phán, một phụ nữ đã thủ tiết với hai đời chồng, một bậc mẹ hiền, có công với làng thể thao!

Mấy người đều sung sướng lắm, nhưng cái chăm lo phận sự của hai thầy cảnh binh làm cho hai thầy vẫn có điều chưa thỏa. (29) Một thầy nói:

−  Tự nhiên đi gọi chúng tôi, kêu là có hiếp dâm! (30) Chúng tôi đã mở cuộc điều tra rồi, thì ra lại không có. Ðối với người nhà nước, không phải chuyện đùa! Không phải tự nhiên chúng tôi đến đây để mà không trông thấy gì cả!

Thầy kia ngăn sự nóng nảy của bạn đồng nghiệp lại, tươi cười cắt nghĩa:

−  Bà hiểu cho phận sự chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn “dĩ hoà vi quý” lắm...

−  Vậy thì, khi đã để chúng tôi mất công toi chạy lên thế này thì âu là phải có gì biên phạt, vì người ta không phải mỗi lúc trêu ghẹo người nhà nước mà yên được. (31) Vậy thì, đã không có hiếp dâm cho người nhà nước trừng trị, âu là bà bằng lòng để chúng tôi biên phạt đại khái về tội thả rông chó ra đường.

Muốn xong chuyện đi cho rảnh, bà Phó gật đầu:

−  Vâng, thì tuỳ ông.

Sự hoà giải khôn khéo về quyền lợi xung đột ấy làm cho người nào cũng được hưởng hạnh phúc. Bà Phó Ðoan khỏi mang tiếng thất tiết với hai đời chồng cũ của bà, Xuân Tóc Ðỏ khỏi bị mấy năm tù. Mà sở cảnh sát chi điếm hộ thứ 18 cũng đỡ phải điều tra rất lôi thôi.

NGUỒN:

[chương] XVII
Bản A: không có

Bản B: Số đỏ, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng; Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938 (mất văn bản)

Bản C: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 241-255.

Bản D: Số đỏ, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952, tr. 200-211.

Bản E: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957, tr. 180-190.

Bản F: Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, tr.187-198.

Bản G: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 192-202.

KHẢO DỊ:

(1)   C, D, E, F: Có ai dám tưởng rằng việc trăm năm của chúng ta lại có thể thành sự được một cánh dễ dàng như thế không?

      G: Có ai dám tưởng rằng việc trăm năm của chúng ta lại có thể thành sự thực được một cánh dễ dàng như thế không?

 

(2)   C, E: Thấy Xuân bó buộc phải lấy mình, Tuyết nói đến tự tử là chính đáng lắm vậy.

       D, F, G: Thấy Xuân bị bó buộc phải lấy mình, Tuyết nói đến tự tử là chính đáng lắm vậy.

 

(3)   C, E, F, G: Dám chắc hắn chỉ muốn gây sự với em mà thôi!

       D: Dám chắc hẳn chỉ muốn gây sự với em mà thôi!

(4)   C, D, E, F: Bây giờ hẳn ta có thể công nhiên trò chuyện với nhau ở nhà.

       G: Bấy giờ hẳn ta có thể công nhiên trò chuyện với nhau ở nhà.

 

(5)   C, D, E, F: Rồi ưỡn ngực lên mà tiếp:

       G: Rồi ưỡn ngực mà tiếp:

 

(6)   C, D, E, F: Nếu tôi không nhầm thì hiện ngài đương chiếm đoạt vợ con của người ta.

       G:  Nếu tôi không nhầm thì hiện ngài đương chiếm đoạt vợ con người ta.

 

(7)   C: Tiến theo luật chung của xã hội, giữa buổi canh tân này, cái bảo thủ là bị đào đi!

       D, F: Tiến theo luật chung của xã hội, giữa buổi canh tân này, cái bảo thủ là bị đào đi!

       E: Tiến theo luật chung của xã hội, giữa buổi canh tân này, cái bảo thủ là bị đào thải đi!

       G: Tiến theo luật chung của xã hội, giữa buổi canh tân này, cái bảo thủ là bị đào thải!

 

(8)   C, D, E, F: Ông lọ lắm! Không đúng mốt!

       G:  Ông lọ lắm! Ông không đúng mốt!

 

(9)   C, D, E, F: Người ấy toan cãi thì Xuân đã giơ hai tay lên, hùng hổ tiếp:

        G: Người ấy toan cãi thì Xuân đã giơ tay lên, hùng hổ tiếp:

 

(10)   C, E: Chỉ có thế mà lấy được cháu gái cụ cố Hồng đấy.

         D, F, G: Chỉ có thế mà lấy được cháu gái cụ Hồng đấy.

 

(11)   C, E: Anh ta nghĩ hẳn cái giòng giống của Xuân là danh giá cực kỳ vả hẳn Victor Ban đã nói nhảm thì Xuân mới nhắc lại lời nói nhảm kia một cách ngạo mạn đến thế.

          D, E, G: Anh ta nghĩ hẳn cái giòng giống của Xuân là danh giá cực kỳ hẳn Victor Ban đã nói nhảm thì Xuân mới nhắc lại lời nói nhảm kia một cách ngạo mạn đến thế.

 

(12)   C, D, E, F: Xuân sung sướng được tự do, dẫu là trong một giờ, dẫu là trong nửa giờ. 

         G : Xuân sung sướng được tự do, dẫu là trong nửa giờ. 

 

(13)   C, D, E, F:  À, tôi cũng có nói vài điều nghĩa lý cho gã ấy biết để gã thôi đi, đừng hy vọng gì nữa, đừng oán hận gì nữa.

        G: À, tôi cũng có nói vài điều nghĩa lý cho gã ấy biết để gã thôi đi, đừng hy vọng gì nữa.

 

(14)   C, E: Tôi yêu Tuyết, tất nhiên tôi phải được trông thấy Tuyết được hưởng hạnh phúc.

         D, F, G: Tôi yêu Tuyết, tất nhiên tôi phải được trông thấy Tuyết hưởng hạnh phúc.

 

(15)   C, E: Tuyết bĩu môi, nói một cách luận lý học không thể nào ai công kích được nữa:

         D: Tuyết bĩu môi, nói một cách luun lý học không thể nào ai công kích được nữa:

         F, G : Tuyết bĩu môi, nói một cách luân lý học không thể nào ai công kích được nữa:

 

(16)   C, E:  Bây giờ thì việc gì nữa cũng chỉ làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm.

Xuân lại cứ ôm lấy cái xác thịt lãng mạn ấy để mơn trớn một cách rất tả chân, hoặc là hôn hít một cách rất cổ điển. Nhưng chợt Tuyết đuổi Xuân ra, khẽ nói:

       D, F, G: Bây giờ thì việc gì nữa cũng chỉ làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm.

           Chợt Tuyết đuổi Xuân ra, khẽ nói:

[2 bản Mai Lĩnh (bị kiểm duyệt?) bỏ mất 1 câu 28 từ mô tả một tình tiết đáng kể của cốt truyện]

 

(17)   C, E:  Hai người dìu nhau ra ngồi ở ghế đi-văng. Xuân Tóc Đỏ cúi xuống ôm lấy Tuyết mà hôn hít một cách bình dân cả trăm phần trăm. Còn Tuyết thì nhắm mắt lại cho có vẻ một thiếu nữ mơ mộng chân chính sung sướng về sự thành công của cuộc hối hôn, của cuộc... cách mệnh cái gia đình hủ lậu và khốn nạn để được tự do đi đến cái hạnh phúc cá nhân.

        D, F, G: Hai người dìu nhau ra ngồi ở ghế đi-văng. Tuyết thì nhắm mắt lại cho có vẻ một thiếu nữ mơ mộng chân chính sung sướng về sự thành công của cuộc hối hôn, của cuộc... cách mệnh cái gia đình hủ lậu và khốn nạn để được tự do đi đến cái hạnh phúc cá nhân.

[2 bản Mai Lĩnh (bị kiểm duyệt?) bỏ mất 1 câu 20 từ mô tả một tình tiết đáng kể của cốt truyện]

 

 

(18)   C, E: Cặp uyên ương hoảng hốt vội buông nhau ra.

       D, F, G: Cặp uyên ương hoảng hốt buông nhau ra.

 

(19)   C: Bà Phó quay lại Xuân:

         E: Bà Phó Đoan quay lại Xuân:

 

(20)  C, E: Bà Phó Ðoan ngẩn người ra như bằng gỗ.  

        D, F, G: Bà Phó Ðoan ngẩn người ra như người bằng gỗ. 

 

(21)  C, E: Lúc ấy, vì vừa ngủ dậy, bà chỉ có bộ quần áo ngủ mỏng manh nó có thế lực làm cho thân thể bà lại lộ ra hơn chủ nghĩa khoả thân.

         D, F, G: Lúc ấy, vì vừa ngủ dậy, bà chỉ có bộ quần áo ngủ mỏng manh nó có thế lực làm cho thân thể bà lại lộ ra hơn chủ nghĩa khoả thân.

 

(22)   C, E: Hai ngưòi này vội chỉnh đốn y phục, chạy xa nhau, mỗi người ngồi một ghế ở hai góc phòng, rồi bà Phó dõng dạc bảo:

          D, F: Hai ngưòi này vội chỉnh đốn y phục, chạy xa nhau, một người ngồi một ghế ở hai góc phòng, rồi bà Phó dõng dạc bảo:

          G: Hai ngưòi này vội chỉnh đốn y phục, chạy xa nhau, mỗi người ngồi một ghế ở hai góc phòng, rồi bà Phó Ðoan dõng dạc bảo:

 

(23)   C, D, E, F: Một thầy cảnh sát nói:

−  Thưa bà, chúng tôi được người nhà này gọi vào để cứu bà!

Bà Phó Đoan đỏ mặt, hỏi gắt:

−  Cái gì! Ðứa nào gọi đội xếp vào nhà?

         G: Một thầy cảnh sát nói:

−  Thưa bà, chúng tôi được người nhà này gọi vào để cứu bà!

−  Cái gì! Ðứa nào gọi đội xếp vào nhà?

 

(24)  C, E: Bẩm con, thấy cậu Phước bảo con chạy lên, con nghe như có tiếng kêu rên, con hốt hoảng, sợ quá.

         D, F: Bẩm con, thấy cậu Phước bảo con chạy lên, con nghe hình như có tiếng kêu rên, con hốt hoảng, sợ quá.

        G: Bẩm con, thấy cậu Phước bảo con chạy lên, con nghe hình như có tiếng kêu rên, con hoảng hốt, sợ quá.

 

(25)   C, E: Thì tôi đương đọc một đoạn truyện trinh thám cho thầy giáo nghe, chứ có gì đâu?

         D, F, G: Thì tôi đương đọc một đoạn truyện trinh thám cho thầy giáo đây nghe, chứ có gì đâu?

 

(26)  C, E: Thế mà nó kêu với tôi là vụ hiếp dâm nữa!

        D, F, G: Thế mà nó kêu với tôi là vụ hiếp dâm nữa!

 

(27)  C, D, E, F, G: Ðây là thầy Min-Ðơ, cảnh binh hạng tư, chiến công bội tinh, giải nhất Hà Nội-Ðồ Sơn, giải nhì Hà Nội-Hà Ðông,  

         E: Ðây là thầy Min-Ðơ, cảnh binh hạng tư, chiến công bội tinh, giải nhất Hà Nội-Hà Ðông,  

 

(28)  C, D, E, F: Ðây mông-sừ  Xuân, giáo sư ten-nít, cái hy vọng của Bắc Kỳ!

        G: Ðây me-sừ  Xuân, giáo sư ten-nít, cái hy vọng của Bắc Kỳ!

 

(29)  C, D, E, F: Mấy người đều sung sướng lắm, nhưng cái chăm lo phận sự của hai thầy cảnh binh làm cho hai thầy vẫn có điều chưa thỏa.

        G: Mấy người đều sung sướng lắm, những cái chăm lo phận sự của hai thầy cảnh binh làm cho hai thầy vẫn có điều chưa thỏa.

 

(30)   C, E: Tự nhiên đi gọi chúng tôi, kêu là hiếp dâm!

         D, F, G: Tự nhiên đi gọi chúng tôi, kêu là hiếp dâm!

 

(31)  C, E: vì người ta không phải mỗi lúc trêu ghẹo người nhà nước mà yên được.

        D, F, G: vì người ta không phải mỗi lúc trêu ghẹo người nhà nước mà yên được.

CHÚ THÍCH:

[a]  Từ chương này đến chương cuối Số đỏ không có văn bản của bản A. Như đã biết, chương II của Phần thứ Ba, tức chương thứ XVI tiểu thuyết Số đỏ, đăng Hà Nội Báo số 55 (20 Janvier 1937). Ngay sau đó, Hà Nội Báo bị thu hồi giấy phép, cùng lúc với các tờ Tiếng Trẻ Bắc Hà (theo tin của tuần báo Sông Hương, Huế, số 26, ngày 30/01/1937). Các phần còn lại (chưa đăng Hà Nội Báo) của Số đỏ không thấy tác giả Vũ Trọng Phụng đưa đăng báo nào khác, tính đến khi trọn vẹn tác phẩm này được in thành sách riêng lần đầu tiên vào năm 1938 bởi nhà in Lê Cường.

Người  “vị hôn phu” (âm Hán-Việt   ):  người chồng chưa cưới.

Người  “vị hôn thê” (âm Hán-Việt   ): người vợ chưa cưới.

 

[b]  lọ (tiếng lóng): ý nói cũ kỹ, hủ lậu.   

 

[c]  mông-xừ (hoặc me-xừ: phỏng âm chữ Pháp monsieur): ngài, ông.