XIX

Ngự giá Bắc tuần và Đông tuần – Cái tội tung hô vạn tuế – Thuốc chữa lẳng lơ

 

 

Hai giờ chiều hôm ấy, dân Hà Thành và dân Bắc Kỳ đứng chật ních hai bên hè những phố từ ga lên phủ Toàn quyền, theo cái hành trình thường lệ, mỗi khi có cuộc đón tiếp long trọng xưa nay. (1) Binh lính canh gác rất uy nghi tề chỉnh. Quả cũng như lời đồn, Vua Xiêm có ngự giá sang nước Nam. (2) Từ trước khi được trông thấy mặt ông Vua bên nước láng giềng, thiên hạ cũng đã rõ, bằng cách nhìn ảnh trên báo chí, rằng Vua Xiêm còn trẻ tuổi lắm. [a] Trên những tờ nhật báo, người ta thấy những giòng chữ tít to tướng chạy dài cả bảy cột [b] đại khái rằng: Nước Việt Nam trong lúc hồi xuân –  Một chỗ rẽ ngoặt trọng đại của lịch sử Việt-Xiêm thân thiện –  Ngự giá Bắc tuần và ngự giá Ðông tuần... (Bắc tuần là ý nói đức Vua nước nhà từ Trung Kỳ ra đây, còn Ðông tuần là nói Vua Xiêm). Có tờ sốt sắng viết: Hai vua tại một nước!  Lại có tờ báo của vô sản hô hào: Anh em chị em quần chúng lao khổ! Phải ăn mặc thật diện vào để chống nạn phát-xít! Phải tỏ rằng mình văn minh tiến bộ! Đả đảo chiến tranh! Vạn tuế hòa bình!  Và có điều đáng để ý là báo nào cũng gọi việc vua Xiêm sang đây là một chỗ “rẽ ngoặt”. (3) Những tờ báo bảo hoàng thì đăng: Một cái hân hạnh đặc biệt cho bình dân Việt Nam: Cả vua Xiêm, nhân dịp, thân hành sang chơi với ta! Hai nước Xiêm-Việt từ nay dắt tay nhau trên đường tiến bộ!  Duy có một tờ báo phản đối thì in lên trang nhất những câu xa xôi như thế này: Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại! Chớ để bị khinh!

Bởi thế cho nên công chúng đi đón rước đã có quần áo rất diện, đến bậc đàn ông cũng nhiều người đánh phấn và bôi môi. Hiệu Âu Hoá cũng được cái dịp may đặc biệt chế tạo cho phụ nữ một bộ gọi là Nghênh giá. Tuyết cùng bà Văn Minh bữa ấy cũng mặc mốt ấy để lăng-xê  cho đám thượng lưu Hà Thành.

Xuân Tóc Ðỏ đứng với hai nhà thể thao ở một chỗ góc phố Hàng Cỏ. Nguyên do từ khi nghe lỏm được câu chuyện âm mưu của kẻ tình địch và cái bí mật đã hở của hai người thám tử, nó bèn có ý làm cho tình địch nó trước nhất phải thất bại là một, sau nữa phải nhân cái hành vi ấy mà làm lợi cho nó là hai. Cho nên nó đã cổ động với hai nhà quán quân quần vợt 1935 và 1936 (mà nó rất sợ sẽ bị hai người đánh bại) ăn mặc một thứ y phục giống với nó. (4) Ai cũng phải mặc quần trắng, đi giầy kếp trắng, áo sơ-mi cụt tay, với cái mũ cát-két [c] trắng trên đầu...

Vì vô tình, Hải và Thụ đã nhận lời ngay.

Vả lại, Xuân đã nói: “Chỉ có ba ta thôi! Ba ta ăn mặc khác đời! Phải tỏ mình là những nhà thể thao chứ đừng diện như bọn công tử bột!” cho nên làm gì mà hai nhà quán quân khờ dại kia lại không mắc bẫy! Hai người có hiểu đâu rằng chủ ý của nó chỉ cốt là để đánh lừa kẻ thù của nó, và nhân mượn cái cử động của kẻ thù nó để hại hai người! (5) Vua ra hôm trước thì hôm sau trong chương trình nghênh giá, có ngay ngày hội thể thao, mà tài nghệ của Xuân cố nhiên phải kém xa hai nhà vô địch cũ kỹ ấy. Thế, thật là có tài mà cậy chi tài...

Xe nhà vua mãi chưa đến. Bách tính xem ý đã nóng ruột lắm. Hải và Thụ lúc ấy đương đứng khoanh tay cho bắp thịt nổi lên, và chỉ trông thẳng ra trước mặt như những bậc hiền nhân quân tử “mục bất tà thị” [d] vì ở lề đường bên kia có mấy cô gái đẹp. Xuân Tóc Ðỏ bèn đứng len vào giữa hai ngài. Nó thục tay vào túi quần ở phía sau của cả hai người để mượn khăn mùi-soa một cách thân mật. Rồi nó hỏi một cách ngơ ngẩn: (6)

−  Thế nào? Ta tung hô ra sao? Thánh cung vạn tuế nhé?

Hai nhà quán quân mỉm cười chế nhạo và không đáp. Xuân Tóc Ðỏ nhìn lại đằng sau luôn luôn. Lúc trông thấy người tay sai của kẻ tình địch (cái mũ cát-két ngoài cái búi tóc, đôi giầy Tàu, v.v...) nó bèn khoanh tay đứng im. Ðến lúc người ấy quả thật có lén bỏ cái gì vào túi quần nó, nó cũng tảng lờ như không biết. Khi người ấy, sau cái việc bất chính, bỏ chạy ngay ra chỗ khác, nó từ tốn cho tay về phía sau, móc túi quần, lôi cái tập giấy mà nó chẳng buồn nhìn nữa, chia ra làm hai nắm mà nhét vào hai túi quần của hai bạn nó như người ta trả lại mùi-soa. Vô tình, lại còn mải nghếch mắt nhìn những bông hoa biết nói ở bên kia vệ hè, hai nhà quán quân Hải và Thụ chẳng ngờ gì cả.

Xuân Tóc Ðỏ lại liếc nhìn trong đám đông chung quanh xem người chồng hụt của Tuyết đâu. Mãi nó mới thấy. Anh chàng ấy hôm nay lại vận Âu phục, và đeo kính râm! Rõ là một kẻ định tâm hành động một việc ám muội. Anh ta đứng cách nó chừng dăm người. (7)

Tiếng lào xào, nô nức của công chúng đã từ xa dồn lại. Xe Vua sắp đến. Người ta đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc. (8) Xuân Tóc Ðỏ lại hỏi vờ hai bạn:

−  Thánh cung vạn tuế hay thánh thọ vô cương?

Hải và Thụ vênh mặt khinh bỉ cái ý kiến hủ lậu, rồi bảo:

−  Toa cứ việc làm như chúng moa !

Xe ô tô của hai đức vua chỉ còn cách dăm thước là đến chỗ ấy... Trong khi thiên hạ xô đẩy nhau hoặc chỉ trỏ cho nhau mà xì xào thì, nhanh như một con cuốc lủi, Xuân Tóc Ðỏ đã thừa cơ thụt lùi rồi rảo gót đi ngược xe Vua. (9) Ði đến chỗ cách trước hai mươi thước nó mới đứng lại. Bỗng thấy nhà quán quân Hải reo lên rất to:

Vive la France!  [e]

Rồi lại thấy mấy tiếng tung hô kế tiếp:

Vive la Front Populaire! Vive la République Française! [f]

Trong bọn công chúng, những người nào đứng ở vỉa hè đều trông thấy rằng từ quan Toàn quyền, quan Thống sứ, đức Vua nước nhà, Vua Xiêm, đều có những bộ mặt sửng sốt, kinh ngạc. Ðoàn xe hộ giá đi khỏi rồi, công chúng chưa được lệnh xuống đường, các binh lính cũng chưa được cất trật tự, thì có một đám đông cảnh binh, mật thám và sen đầm chạy đến vây bắt tốp người đứng ở chỗ có lời tung hô đưa ra.

Các nhà đương cục tức thời phải theo như thường lệ, nghĩa là khám túi những người bị vây, xem có ai có trong mình những thứ nguy hiểm như bom, súng lục hay không. Khi thấy ở túi quần hai nhà quán quân quả nhiên có truyền đơn in thạch phản đối đế quốc Xiêm La, sở mật thám bèn mời hai ngài lên một chiếc xe hơi riêng giải về sở.

Vì ngày hôm ấy, các báo thông tin của thủ phủ Ðông Dương đã xuất bản buổi sáng cả, nên, vì không được rõ đầu đuôi manh mối, dân Hà Thành tối hôm ấy xôn xao bàn rằng chính phủ vừa bắt được hai tay quá khích nguy hiểm thuộc đảng “sơ-mi trắng cụt tay”. (10) Cả đến Tổng cục thể thao cũng không biết rằng đó là hai nhà quán quân quần vợt sáng hôm sau phải trổ tài trước hai đức kim thượng.

Cùng với công chúng tản mát và hỗn loạn, Xuân Tóc Ðỏ ra về. Gặp Tuyết và vợ chồng Văn Minh ở giữa đường, nó cam đoan ngay rằng cái giải vô địch quần vợt Ðông Dương chỉ ngày mai thôi là phải về tay nó. Nhưng ông Văn Minh, bằng cái tư cách một ông bầu hoàn toàn, vội tâng công:

−  Này, Vua Xiêm cũng có đem một tay quán quân quần vợt sang đây, vì Vua Xiêm cũng là người hâm mộ thể thao. Có lẽ sau cuộc tranh giải quán quân, thế nào nhà vô địch Xiêm cũng sẽ trổ tài trước công chúng Pháp Việt đấy! (11) Nếu anh đã nắm chắc cái thắng, cũng nên sửa soạn cuộc tỉ thí với Xiêm La nữa thì vừa. Nếu anh lại được nốt thì thật vẻ vang cho xứ Bắc Kỳ, cho nước Việt Nam, cho Ðông Dương!

Xuân Tóc Ðỏ tắc lưỡi nói một cách thản nhiên:

−  Còn phải nhờ ở số mệnh nữa mới được.

Ðương đi, cả lũ bỗng thấy ông đốc-tờ Trực Ngôn tất tả chạy đến…, mọi người đều hoảng sợ, tưởng chừng có sự tai biến gì xảy ra. Nhưng không, bác sĩ chỉ nói:

−  Bà phán mời tất cả anh em quen biết bữa nay lại dùng cơm chiều ở đằng ấy để ăn mừng cậu Phước của bà đã hết bệnh hắt xì hơi... Tôi được nhờ cái việc rủ anh em, chị em cùng đến.

Tuyết nói ngay:

−  Ai đến thì đến, chứ tôi không đến!

Bác sĩ Trực Ngôn vội hỏi:

−  Sao? Hay đã lại có chuyện gì? (12)

Xuân Tóc Ðỏ vội nắm tay bác sĩ, khẽ nói:

−  Ðừng hỏi nữa! Tuyết chính là vợ chưa cưới của tôi.

Bác sĩ Trực Ngôn ngẩn người ra, rồi khen Xuân:

−  Bạn tốt số lắm. Tôi xin có lời mừng đấy!

Rồi thì người ta bắt tay chia biệt nhau, hẹn nhau đến chiều.

Có một sự đáng lạ là ngày hôm ấy, bà Phó Ðoan không đi đón Vua, cả đến đi xem thiên hạ đón Vua cũng không. Xuân cũng có ngạc nhiên về chỗ đó. Cho nên lúc nó về nhà, sau khi hỏi học trò Phước mà học trò đáp lời rất thông thái rằng “Em chã! Em chã!...” nó được yên trí rằng cái trình độ tri thức ấy cũng đã tấn tới khá cao, nên hỏi đến bà mẹ. Không đáp lời, bà Ðoan chỉ bưng mặt khóc, khiến Xuân Tóc Ðỏ phải giậm chân quát thét: (13)

−  Gớm! Vừa vừa chứ! Mợ làm nũng thế thì ai chịu được nữa. (14) Ấy chỉ có bắt nhân tình với mợ mà còn khổ thế, giá định lấy mợ, không biết thế nào!

Bà Phó Ðoan liền phân trần ngay cái làm nũng của mình bằng cách đưa ra hai tờ tuần báo Con Vẹt mà rằng:

−  Ðấy, mình đọc hai cái đoản thiên tiểu thuyết của cái báo khí gió ấy mà xem! Tôi chỉ muốn đi kiện cho nó một mẻ...

Xuân Tóc Ðỏ đọc thấy nhan đề một truyện Bà chủ nhà và truyện kia, nhan đề là Vụ án mạng của bác phắc-tơ. [g] Dưới bài thấy đề dịch truyện La Patronne của G. de Maupassant, dịch truyện Le crime du père Boniface của G. de Maupassant. [h]  Nó vứt cả hai tờ Con Vẹt xuống bàn một cách chán nản, thì nhân ngãi nó lại nói:

−  Ô hay, sao không đọc? Họ viết truyện họ giễu chúng mình đấy mà!

−  Thôi đi đừng bịa! Họ dịch của Tây, xem làm thèm vào!

Bà Phó Ðoan mở to cặp mắt, sung sướng nói:

−  Ớ! Thế mà sao lại y như họ nói anh và tôi! Xấu hổ lắm đấy, anh đừng tưởng bỡn!

Bất đắc dĩ Xuân phải ngồi xuống ghế, khoan thai đọc cả hai cái bài mà người ta bảo là nói xấu nó. Nhưng cảm tưởng của nó lại chẳng giống của bà Phó Ðoan:

−  Nghĩa là mình cũng phải có thế nào mới được người ta nói xấu chứ? Mợ chớ lo, ở đời này, càng những người danh giá lại càng hay bị báo nói xấu, và chỉ những kẻ không ai thèm biết tên tuổi là được ở yên thân trong xó tối mà thôi.

Nghe thấy lời lẽ có lý, bà Phó Ðoan cũng nguôi nguôi, thưởng cho Xuân Tóc Ðỏ mấy cái hôn mà rằng:

−  Cậu nói chí lý lắm! Cậu ngoan lắm!

Ðã đến lúc nhọc mệt về sự mơn trớn nạ giòng ấy, (15) Xuân Tóc Ðỏ đẩy cái mặt bự phấn ấy ra, nhăn nhó kêu lên:

−  Gớm nữa!

Thái độ ấy làm cho vị quả phụ thủ tiết ấy tức khắc nổi trận lôi đình! Thật thế, ai mà lại không phải tức, khi lòng tự ái bị thương! Bà Phó Ðoan làm một hồi trầm trập:

         −  À! Ðồ khốn nạn! Ðồ sở khanh! Ðồ bạc tình lang! Làm hại cả một đời người ta rồi thì bây giờ giở mặt phỏng? Này, con này chẳng phải tay vừa đâu! Liệu thần xác!

Xuân Tóc Ðỏ đứng phắt lên, xua tay một cách chán nản:

−  Thôi, tôi xin bà! Thế là tử tế lắm rồi! Bụng dạ bà tốt lắm! Tôi đã làm hại cả một đời bà ấy à? Cái đó cũng có lẽ, cũng có thể!... Nhưng mà, vâng lời bà, tôi đã tìm cách cứu chữa rồi. Tôi đã đi mời cho bà một ông đốc-tờ cẩn thận chứ đây không thèm gọi bọn lang băm…

−  Ấy chết!

−  Bẩm thật thế đấy! Chỉ nội tối hôm nay là có đốc-tờ đến chạy chữa cái trinh tiết của bà!

Bà Phó Ðoan sợ hãi quá, kêu thất thanh:

−  Tôi không biết! Mặc kệ! Tôi không có gì mà phải chữa!

Xuân Tóc Ðỏ:

− Bà tưởng đó là chuyện trẻ con đấy hẳn? Tôi với bà, như thế, dễ là chuyện đùa! Ai bảo là chuyện đùa? Ai bảo bà đã buộc tội tôi là làm hại một đời danh tiết của bà? Ai bảo bà bắt tôi cứu chữa? (16)

−  Mặc kệ! Tôi không lôi thôi!

Xuân Tóc Ðỏ giơ hai tay lên thề một cách cực kỳ hệ trọng: (17)

−  Tôi mà nói đùa thì cả nhà cả họ nhà tôi bị trời tru đất triệt! (18) Tôi cam đoan với bà là đã có ông đốc-tờ Trực Ngôn cứu chữa cho bà! Mà ông ấy đến bây giờ đây!

Bà Phó Ðoan lại kêu:

−  Giời ơi! Ông đốc Ngôn! Thế thì tôi chết! Tôi phải chết!

Nhưng bà ta không được phép vật mình vật mẩy hay giậm chân chan chát nữa, vì ở ngoài cổng, tiếng còi ô tô đã rúc lên đinh tai. (19) Bà vội nhìn lên đồng hồ thì ra đã 7 giờ rồi, khách khứa đã đến dự tiệc bữa tối để mừng cậu Phước đã khỏi... ngúng nguẩy (nói kiêng).

Họp mặt bữa ấy, trừ một Tuyết, còn thì có tất cả những người thượng lưu xã hội và bình dân chính tông, xưa nay giao thiệp với bà Phó Ðoan, hoặc đi lại cửa hiệu Âu Hoá. Cậu Phước ngồi ở ghế danh dự của bàn tiệc, cái đó đã cố nhiên. Sau một tiếng đồng hồ mà các quý khách chuyện trò rất thân mật và ăn uống một cách không giả dối, bỗng thấy bác sĩ Trực Ngôn đứng lên nói:

−  Thưa các bà, các cô, các ông... Nhân tiện hôm nay có đông đủ mọi người trong chỗ thân mật giao tình, tôi có ý muốn diễn thuyết về một vấn đề xã hội và luân lý mà thiên hạ chưa có một quan niệm chính đáng. Trước khi lên diễn đàn, tôi muốn thử diễn thuyết ngay ở đây trước đã, để xem có nghe được không...

Một vài người vỗ tay:

−  Hay lắm! Trực Ngôn vạn tuế!...

Xuân Tóc Ðỏ reo lên:

−  Líp líp lơ!

Nhưng có một người hỏi:

−  Khoan đã! Thế bác sĩ muốn diễn về vấn đề gì?

−  Vấn đề đàn bà nạ giòng! Người đàn bà trên bốn mươi tuổi tại sao hay khát tình yêu? (20) Xã hội có nên chê cười những người ấy không, đó là điều ai cũng nên biết!

Một tràng vỗ tay đôm đốp hoan nghênh bác sĩ; những bạn thân của bà Phó Ðoan yên trí ngay là bác sĩ định nói xỏ bà, cho nên bà Phó Ðoan càng lo sợ, cái xanh xám hiện ra ngoài mặt. (21) Bác sĩ Trực Ngôn bèn đứng lên, đọc ở một tập giấy:

−  Thưa quý thính giả, buổi tối hôm nay, tôi muốn đem chút ít sở học để nói đến “mùa thu của ái tình”, nghĩa là những mối dục vọng, khao khát thiên nhiên của hạng người về già, mà người đời vẫn cho là không đáng có nữa. Xã hội ta xưa nay vẫn sống với những thành kiến hẹp hòi, ấy là vì khoa học chưa dẫn ánh sáng đến điều ấy. Thí dụ: ta thấy một ông lão năm mươi tuổi còn mua hầu non, cưới vợ lẽ, ta chế riễu ngay là “già chơi trống bỏi” ta khó coi. (22) (vỗ tay). Nếu là một người đàn bà mà dây dưa đến ái tình thì lại càng nhục nhã. Thôi thì thiên hạ chẳng còn ngại ngùng đem những lời độc ác mà chửi rủa, chê bai... Sự thực, công kích như thế là chính đáng không? Phải chăng về già, hay sắp về già, người đời hết giấy phép thoả mãn tình dục? Không! Không! Vì điều ấy thuộc quyền tạo vật, chứ không còn thuộc cái ý chí của bọn phàm trần chúng ta! (vỗ tay).

Trong một đời, người ta có hai thời kỳ khủng hoảng về tình dục, ấy là tuổi dậy thì và lúc sắp về già. Tạo hoá đã an bài ra thế, chứ loài người ít ai cưỡng được! Cái tuổi dậy thì nó gây ra sự khủng hoảng tinh thần cho thiếu niên bao nhiêu thì cái mùa thu của ái tình cũng gây cho lũ “lão giả an chi” sự bối rối như bấy nhiêu. Các ông già thì cưới vợ lẽ (vỗ tay) rồi bị thiên hạ chê cười. Các bà già rồi hay sắp già thì cũng lăn lưng vào vòng hoa nguyệt (vỗ tay). Hôm nay, diễn giả không cốt phô bày ra đây những cái xấu ấy, nhưng mà là cắt nghĩa tại sao có những cái xấu ấy...

Bàn về sự khủng hoảng tình dục của đám phụ nữ nạ dòng (bà Phó Ðoan hắt hơi), bác sĩ Vachet [i] đã có những sự kinh nghiệm rất đúng thật. Tôi xin đan cử ra đây vài đoạn để tỏ ra rằng những danh từ hoặc nông nổi hoặc vô nghĩa như phong hoá suy đồi, ngứa nghề, lẳng lơ, già chơi trống bỏi, gái năm con chưa hết lòng chồng, v.v... đều có thể đem cắt nghĩa bằng khoa học được lắm. Bác sĩ Vachet đã nói: Sự khủng hoảng tình dục, ở người đàn bà lúc trở về già, thường khi bày ra những triệu chứng bất ngờ, quái gở. Do cái ảnh hưởng của sự rối loạn về kinh nguyệt và tính khí, người đàn bà phải chịu một cuộc tai biến về sinh lý và tinh thần có ngụ cái ý khao khát tình dục rất rầy rà, lôi thôi. Có điều đáng buồn cho hạng phụ nữ bất kỳ động cỡn ấy, là sự ấy nó chỉ nảy ra vào lúc người chồng cũng già rồi, nghĩa là đã liệt dương. Vậy thì còn biết làm thế nào? (23)  Muốn có một cậu nhân tình yêu mình cho tha thiết thì không còn được nữa, vì cái má đã răn reo (vỗ tay). Vả lại không phải bỗng chốc người đàn bà nào cũng cả gan bỏ thái độ cũ, mặc kệ hết thảy, bất cần dư luận, đem vứt đi một đời danh tiết... Khốn thay, dục tình vẫn ám ảnh, vẫn làm cho đỏ mặt và đập rộn cái trái tim...

Bởi thế cho nên, than ôi! có rất nhiều bà tuy đã hết sức kiềm chế mình mà vẫn không biết rằng tính nết mình thay đổi nhiều lắm: hay giận dữ, nóng nảy, hay gắt, chán đời, hay ghen ghét, có khi ghen tức ông chồng về một chuyện từ ngày xửa ngày xưa, hay là bỗng trở nên thần bí về một lý tưởng, tôn giáo, hoặc đồng cốt quàng xiên, mê tín...

Nếu người chồng còn tráng kiện, thì vợ như thế là béo bở cho mình lắm. Than ôi, nhiều khi đức ông lại không đủ sức lực nữa, vả lại ông còn bận rộn lắm công kia việc nọ để lo sự no ấm cho gia đình (vỗ tay). Nhiều khi người chồng đã chết mất rồi, cho nên phần nhiều các bà bị cái khủng hoảng kia là những đàn bà goá (vỗ tay). Khi số người ấy không tái giá, hay không nghĩ đến sự bước đi bước nữa, (24) đã đành là các bà phải có tình nhân (vỗ tay). Kể ra thì có nhiều sự đáng tức cười, song le chỉ tại một nguyên cớ sinh lý, vì rằng cái thời kỳ khủng hoảng kia, than ôi, không mấy ai tránh khỏi, và may sao là nó cũng chỉ có hạn. Ta nên nhớ kỹ rằng đó là vì, trong cơ quan sinh dục, những noãn sào thiếu máu, tử cung hết kinh, gây ra một cuộc hỗn loạn sinh lý vào cái lúc mà phụ nữ Việt Nam gọi là “hết tội” rồi về sau, qua một thời kỳ, những bộ phận khác sẽ tiết cho buồng trứng những thứ nước cần thiết, người đàn bà hết bị khủng hoảng, lại có cái linh hồn lành mạnh như xưa!...”

Mọi người lại vỗ tay kêu ran.

Riêng về bà Phó Ðoan, thì khi thấy ông đốc-tờ đã ngồi xuống, bà mới được hoàn hồn. Không những sự cứu chữa mà Xuân đe dọa kia chẳng những không hại đến cái địa vị quả phụ của bà, mà dẫu rằng xưa kia đã có tai vách mạch rừng chi nữa thì cũng không sao, vì bà đã lẳng lơ theo đúng nghĩa lý sách vở của thánh hiền, nghĩa là bà được mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học.

NGUỒN:

[chương] XIX
Bản A: không có

Bản B: Số đỏ, tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng; Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938 (mất văn bản)

Bản C: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1946, tr. 270-286.

Bản D: Số đỏ, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1952, tr. 224-237.

Bản E: Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 1957, tr. 201-212.

Bản F: Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, Vũ Trọng Phụng; Nxb. Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, tr.211-224.

Bản G: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, tr. 214-226.

KHẢO DỊ:

(1)   C, E, G: theo cái hành trình thường lệ, mỗi khi có cuộc đón tiếp long trọng xưa nay.

       D, F:  theo cái hành trình thường lệ, mỗi khi có một cuộc đón tiếp long trọng xưa nay.

 

(2)   C, E: Quả cũng như lời đồn, Vua Xiêm có ngự giá sang nước Nam.

       D, F, G: Quả cũng như người đồn, Vua Xiêm cũng có ngự giá sang nước Nam.

 

(3)   C, D, E: Có tờ sốt sắng viết: Hai vua tại một nước!  Lại có tờ báo của vô sản hô hào: Anh em chị em quần chúng lao khổ! Phải ăn mặc thật diện vào để chống nạn phát-xít! Phải tỏ rằng mình văn minh tiến bộ! Đả đảo chiến tranh! Vạn tuế hòa bình!  Và có điều đáng để ý là báo nào cũng gọi việc vua Xiêm sang đây là một chỗ “rẽ ngoặt”.

        F, G: Có tờ sốt sắng viết: Hai vua tại một nước!  Và có điều đáng để ý là báo nào cũng gọi việc vua Xiêm sang đây là một chỗ “rẽ ngoặt”.

            [bản Mai Lĩnh in tại SG 1958 bỏ một câu 43 từ vốn có ở các bản in trước]

 

(4)   C, E: Cho nên nó đã cổ động với hai nhà quán quân quần vợt 1935 và 1936 (mà nó rất sợ sẽ bị hai người đánh bại) ăn mặc một thứ y phục giống với nó.

        D, F: Cho nên nó đã cổ động với hai nhà quán quân quần vợt 1935 và 1936 (mà nó rất sợ sẽ bị hai người ấy đánh cho đại bại) ăn mặc một thứ y phục giống với nó.

        G: Cho nên nó đã cổ động với hai nhà quán quân quần vợt 1935 và 1936 (mà nó rất sợ bị hai người ấy đánh cho đại bại) ăn mặc một thứ y phục giống với nó.

 

 

(5)   C, D, E, F: Hai người có hiểu đâu rằng chủ ý của nó chỉ cốt là để đánh lừa kẻ thù của nó, và nhân mượn cái cử động của kẻ thù nó để hại hai người!

        G: Hai người có hiểu đâu rằng chủ ý của nó chỉ cốt là để đánh lừa kẻ thù của nó, và nhân mượn cái hành động của kẻ thù nó để hại hai người!

 

(6)  C, D, F: Rồi nó hỏi một cách ngơ ngẩn: 

      E, G:  Rồi nó hỏi một cách ngớ ngẩn: 

 

(7)    C, E: Anh ta đứng cách nó chừng dăm người.

        D, F, G: Anh ta đứng cách nó chừng năm người.

 

(8)   C: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

       D, F, G: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy tiếng móng ngựa của những lính kỵ mã khua vang lên. Xuân liếc nhìn sang hai bên cạnh thì đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn ông du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

      E: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn tay du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình Xuân Tóc Đỏ, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

            [cả 2 bản Minh Đức đều bỏ mất 21 từ vốn có ở các bản khác, bản Minh Đức 1957 nhận thấy chỗ sót khiến thông tin tự sự trở thành vô lý, đã thêm tên nhân vật, nhưng không khắc phục được]

 

(9)  C, D, E, F: nhanh như một con cuốc lủi, Xuân Tóc Ðỏ đã thừa cơ thụt lùi rồi rảo gót đi ngược xe vua.

       G: nhanh như một con cuốc lủi, Xuân Tóc Ðỏ đã thừa cơ thụt lùi rồi rảo bước đi ngược xe vua.

 

(10)   C, D, F, G: dân Hà Thành tối hôm ấy xôn xao bàn rằng chính phủ vừa bắt được hai tay quá khích nguy hiểm thuộc đảng “sơ-mi trắng cụt tay”.

       E: dân Hà Thành hôm ấy xôn xao bàn rằng chính phủ vừa bắt được hai tay quá khích nguy hiểm thuộc đảng “sơ-mi trắng cụt tay”.

 

(11)  C, D, E, F: Có lẽ sau cuộc tranh giải quán quân, thế nào nhà vô địch Xiêm cũng sẽ trổ tài trước công chúng Pháp Việt đấy!

       G: Sau cuộc tranh giải quán quân, thế nào nhà vô địch Xiêm cũng sẽ trổ tài trước công chúng Pháp Việt đấy!

 

(12)  C, D, F, G: Sao? Hay đã lại có chuyện gì?

        E:  Sao? Hay lại có chuyện gì?

 

(13)   C, D, F, G: Không đáp lời, bà Ðoan chỉ bưng mặt khóc khiến Xuân Tóc Ðỏ phải giậm chân quát thét:

       E: Không đáp lời, bà Phó Ðoan chỉ bưng mặt khóc khiến Xuân Tóc Ðỏ phải giậm chân quát thét:   

 

(14)   C, E: Gớm! Vừa vừa chứ! Mợ làm nũng thế thì ai chịu được nữa.

       D, F, G: Gớm! Vừa vừa chứ! Mợ làm nũng thế thì không ai chịu được nữa.

 

(15)   C, D, E, F: Ðã đến lúc nhọc mệt về sự mơn trớn nạ giòng ấy,

       E:  Ðã đến lúc nhọc mệt sự mơn trớn nạ giòng ấy,

 

(16)   C, E: Tôi với bà, như thế, dễ là chuyện đùa! Ai bảo là chuyện đùa? Ai bảo bà đã buộc tội tôi là làm hại một đời danh tiết của bà? Ai bảo bà bắt tôi cứu chữa?

          D, F, G: Tôi với bà, như thế, dễ là chuyện đùa! Ai bảo bà đã buộc tội tôi là làm hại một đời danh tiết của bà? Ai bảo bà bắt tôi cứu chữa?

 

(17)   C, E: Xuân Tóc Ðỏ giơ hai tay lên thề một cách cực kỳ hệ trọng:

         D, F, G: Xuân Tóc Ðỏ giơ tay lên thề một cách cực kỳ hệ trọng:

 

(18)   C, D, F: Tôi mà nói đùa thì cả nhà cả họ nhà tôi bị trời tru đất triệt!

         E, G: Tôi mà nói đùa thì cả nhà cả họ nhà tôi bị trời tru đất diệt!

(19)   C, D, E, F: vì ở ngoài cổng, tiếng còi ô tô đã rúc lên đinh tai.

         G:  vì ở ngoài cổng, tiếng còi ô tô đã rúc lên inh tai.

 

(20)   C, D, E, G: Người đàn bà trên bốn mươi tuổi tại sao hay khát tình yêu?

         F: Người đàn bà trên bốn mươi tuổi tại sao hay khác tình yêu?

 

(21)   C: Một tràng vỗ tay đôm đốp hoan nghênh bác sĩ (những bạn thân của bà Phó Ðoan yên trí ngay là bác sĩ định nói xỏ bà) cho nên bà Phó Ðoan càng lo sợ, cái xanh xám hiện ra ngoài mặt.

         D, F, G: Một tràng vỗ tay đôm đốp hoan nghênh bác sĩ (những bạn thân của bà Phó Ðoan yên trí ngay là bác sĩ định nói xỏ bà). Cho nên bà Phó Ðoan càng lo sợ, cái xanh xám hiện ra ngoài mặt.

        E: Một tràng vỗ tay đôm đốp hoan nghênh bác sĩ; những bạn thân của bà Phó Ðoan yên trí ngay là bác sĩ định nói xỏ bà, cho nên bà Phó Ðoan càng lo sợ, cái xanh xám hiện ra ngoài mặt.

 

(22)   C, D, F, G: Thí dụ: ta thấy một ông lão năm mươi tuổi còn mua hầu non, cưới vợ lẽ, ta chế riễu ngay là “già chơi trống bỏi”, ta khó coi.

         E:  Thí dụ: ta thấy một ông lão năm mươi tuổi còn mua hầu non, cưới vợ lẽ, ta chế riễu ngay là “già chơi trống bỏi”  khó coi.

 

(23)   C, E: Có điều đáng buồn cho hạng phụ nữ bất kỳ động cỡn ấy, là sự ấy nó chỉ nảy ra vào lúc người chồng cũng già rồi, nghĩa là đã liệt dương. Vậy thì còn biết làm thế nào?

          D, F, G: Có điều đáng buồn cho hạng phụ nữ bất kỳ động cỡn ấy, là sự ấy nó chỉ nảy ra vào lúc người chồng cũng già rồi, nghĩa là đã liệt dương, vậy thì còn biết làm thế nào?

 

(24)  C, E: Khi số người ấy không tái giá, hay không nghĩ đến sự bước đi bước nữa,

        D, F, G: Khi số người ấy không tái giá, hay không nghĩ đến sự bước đi nữa,

 

CHÚ THÍCH:

[a]  Vào thời gian diễn ra câu chuyện hư cấu này (cũng gần như đồng thời là thời gian đăng tải tác phẩm này), vua nước Xiêm (Siam, sau năm 1939 tên nước đổi thành Thailand) là Ananda Mahidol (20.9.1925 – 9.6.1946), được Quốc hội Siam công nhận là Quốc vương vào tháng 3/1935, nhưng vẫn sống ở Thụy Sĩ, đến tháng 12/1945 mới trở về Thái Lan.

 

[b]  tít (phỏng âm chữ Pháp titre): đầu đề, nhan đề các tin bài chính; các nhật báo in giấy khổ lớn (khổ A2, 42x59 cm), thường chia mỗi trang thành 7 cột chữ, những số báo có tin quan trọng thường để tít chạy dài cả 7 cột, tức là chiếm hết phần đầu (manchette) trang nhất mỗi số báo.       

 

[c]  kếp (phỏng âm chữ Pháp crepe): một chế phẩm từ cao su, mềm, dẻo, dùng làm đế giày dép; sơ-mi (phỏng âm chữ Pháp chemise): áo, sơ-mi; cát-két (phỏng âm chữ Pháp casquette): mũ lưỡi trai.

 

[d]   mục bất tà thị (âm của thành ngữ chữ Hán ): mắt không nhìn lệch, mắt không nhìn gian.

 

[e]   Vive la France! (chữ Pháp trong nguyên bản): Nước Pháp muôn năm!

 

[f]   Vive la Front Populaire! Vive la République Française! (chữ Pháp trong nguyên bản): Mặt trận Bình dân muôn năm! Nước Cộng hòa Pháp muôn năm!

 

[g]  Hai truyện ngắn này (Bà chủ nhà; Vụ án mạng của bác phắc-tơ) là phỏng dịch tên 2 truyện ngắn G. de Maupassant; “bác phắc-tơ”  là bác phát thư (chữ Pháp facteur: người phát thư, bưu tá); tờ báo Con Vẹt nói trong truyện là tên hư cấu.    

 

[h]  La Patronne (Bà chủ), Le crime au père Boniface (Tội ác của bố Boniface) là hai truyện ngắn của nhà văn Pháp Guy de Maupassant (1850-1893), công bố lần đầu trên nhật báo Gil Blas trong năm 1884.

 

[i] Có lẽ ý muốn nói tới Pierre Vachet (1892-198x?), người Pháp, tiến sĩ y học (1915), nhà tâm lý học, tác giả nhiều công trình về tâm lý tính dục như: Connaissance de la vie sexuelle  (Hiểu biết về đời sống tính dục, 1930), La psychologie du Vice: I. Les Travestis  (Tâm lý học thói tật: I. Những kẻ thích đóng giả, 1934), La pensée qui guérit  (Tư tưởng, cái có thể chữa trị, 1960), v.v…