MÔ TẢ CÁC BẢN IN ĐƯỢC CHỌN

ĐỂ KHẢO SÁT VĂN BẢN SỐ ĐỎ

            Trong khi tìm hiểu lịch trình công bố và in ấn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, tôi xác định được khoảng 7 văn bản đáng kể, tức là có vai trò rõ rệt trong việc lưu giữ và lan truyền tiểu thuyết Số đỏ vào công chúng.  Sau đây là những miêu tả cụ thể về các văn bản ấy.

 

1/ Số đỏ, chuyện cười dài, đăng tuần san Hà Nội Báo, được cả thảy 16 kỳ, từ số 40 đến số 55. Cụ thể như sau:

Hà Nội Báo s. 40 (7.10.1936): Phần thứ Nhất. I. Số đào hoa của Xuân Tóc Đỏ ‒ Minh + Văn = Văn Minh! ‒ Lòng thương người của bà Phó Đoan.

Hà Nội Báo s. 41 (14.10.1936): II. Quan phù và Thái tuế ‒ Than ôi, dân ta văn minh, hại chưa! ‒ Cẩm và cẩm, cẩm phạt!

Hà Nội Báo s. 42 (21.10.1936): III. Con Giời con Phật ‒ Quỷ Cố tử phục sinh ‒ Một cái nghi án.

Hà Nội Báo s. 43 (28.10.1936): IV. Khi Hoạn Thư đã nổi giận ‒ Nghệ thuật vị nhân sinh ‒ Những sự chế tạo của cuộc Âu hóa.

Hà Nội Báo s. 44 (4.11.1936): V. Bài học tiến bộ của Xuân Tóc Đỏ ‒ Hai quan niệm về gia đình và xã hội ‒ Vâng, tôi, tôi là người chồng mọc sừng!

Hà Nội Báo s. 45 (11.11.1936): VI. Lại chuyện sân quần ‒ Trong một gia đình văn minh ‒ Xuân Tóc Đỏ nhảy vào khoa học.

Hà Nội Báo s. 46 (18.11.1936): VII. Cái chúc thư của người còn sống ‒ Cuộc khẩu chiến của mấy nhà khoa học ‒ Ái tình, mày còn đợi gì?

Hà Nội Báo s. 47 (25.11.1936): Phần thứ Hai. I. Mấy nguyên nhân đắc thắng của Bình dân trong xưởng Âu Hóa ‒ Một cuộc âm mưu tài chính ‒ Một cuộc âm mưu về tình.

Hà Nội Báo s. 48 (2.12.1936): II. Khách sạn Bồng Lai ‒ Món triết lý của người đàn bà ngoại tình ‒ Gương “bán xử nữ”.

Hà Nội Báo s. 49 (9.12.1936): III. Xuân Tóc Đỏ thi sĩ – Một cuộc tranh nhau mọc sừng – Tư tưởng bảo thủ của bà Phó Đoan.

Hà Nội Báo s. 50 (16.12.1936): IV. Cuộc khánh thành sân quần – Xuân Tóc Đỏ diễn giả! – Việc sửa soạn cuộc hôn nhân.

Hà Nội Báo s. 51 (23.12.1936): V. Kim cổ kỳ … ngôn – Bà “chúa phải gai” – Sự mỉa mai của số phận.

Hà Nội Báo s. 52 (30.12.1036): VI. Một việc điều tra bằng sinh lý học – Ngôn ngữ một vị chân tu – Xuân Tóc Đỏ cải cách Phật giáo.

Hà Nội Báo s. 53 (6.1.1937): VII. Ôi, nhân tình thế thái! – Người bạn gái trung thành – Chết, chết! Quan Đốc Xuân nổi giận!

Hà Nội Báo s. 54 (13.1.1937): Phần thứ Ba. I. Hạnh phúc của một tang gia – Văn Minh nữa, cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu.

Hà Nội Báo s. 55 (20.1.1937): II. Vụ hiểu lầm sung sướng – Vinh quang! Xuân Tóc Đỏ chinh phục cảnh sát giới. (1)

         Như vậy, bản này là lần đầu tiên công bố tác phẩm Số đỏ, nhưng việc công bố chưa hoàn tất, vẫn còn thiếu 4 chương truyện. Tôi gọi đây là bản A.

 

2/ Số đỏ, tiểu thuyết, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1938.

Theo mô tả vắn tắt của các soạn giả Lược truyện các tác gia Việt Nam tập II, bản in này dày 248 trang khổ 19,4 x 13,6 cm; một bản thuộc loạt ấn bản này được nộp lưu chiểu tại Thư viện Pasquier, nay là Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, có ký hiệu P. 19533. (2)  Tuy vậy, bản sách này tại đây đã mất từ lâu. Trên các giao dịch mua bán sách cũ mươi năm gần đây cũng không thấy có ai giao dịch bản Số đỏ do nhà Lê Cường in 1938. Tạm coi như bản in Số đỏ này đã mất văn bản.

Đây là bản in thành sách đầu tiên của tiểu thuyết Số đỏ; riêng đối với 4 chương truyện cuối sách, văn bản in trong sách này cũng có vai trò là văn bản công bố tác phẩm. Tôi gọi đây là bản B.

 

3/ Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Nhà Minh Đức, 40 phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội, 1946, dày 312 trang, khổ 13x19 cm.

Ngoài nội dung 20 chương truyện, mục lục tiêu đề các chương truyện (mà nhà xuất bản gọi là “mục”), sách dành 1 trang in ảnh tác giả và trang đầu bản thảo tiểu thuyết Người tù được tha, một di cảo của Vũ Trọng Phụng. Các chi tiết xuất bản phẩm ghi rải rác ở các chỗ khác nhau trong sách. Trang 312 cho biết sách được kiểm duyệt ngày 21.6.1946, số 335/ST. In xong tại T.B.T.V. Hà Nội ngày 20.9.1946. Trang 6 cho biết: Cuốn sách này phát hành vào ngày mồng 1 tháng 9 năm Bính Tuất (tức ngày 25.9.1946) để kỷ niệm ngày giỗ Vũ Trọng Phụng. Tập trung nhiều dữ liệu nhất là trang 3, ghi hầu hết các thông số của ấn phẩm mà người ta gọi là trang signet (xi-nhê, có thể hiểu là trang đánh dấu ấn phẩm):

         “SỐ ĐỎ của VŨ TRỌNG PHỤNG, in lần thứ hai, bìa do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày, ngoài những cuốn in trên giấy bản thường, có in thêm 100 bản trên giấy đặc biệt: ghi chữ MĐ đánh số từ MĐ 1 đến MĐ 100. 36 bản in trên giấy quý chia ra như sau này: in trên giấy Impérial Annam: 1 bản ghi chữ NHÀ MINH ĐỨC, in trên giấy bạch minh châu: 1 bản ghi chữ SỐ ĐỎ, in trên giấy dó: 20 bản ghi chữ TTB, TNV, và 14 bản ghi chữ VTP, PNK, TNV, HHT, NT, NDL, ĐXM, TVR, TM, DP, HNT, TL, LXN, DPT. Những cuốn sách quý đều trước số từ 1 đến 36 và không có bán”.(3)

Tuy vậy, không thấy trong sách có chỗ nào ghi số lượng bản in (tirage). Đây là tập quán chung của sách in trước 1945 ở xứ ta, tuân theo một tập quán mà đến hiện nay vẫn được duy trì trong giới xuất bản ở nhiều nước (theo đó, chủ xuất bản ghi số lượng in bằng chữ viết tay chỉ ở bản ký nộp lưu chiểu, chứ không ghi số lượng in bằng chữ in trên các bản in; việc giữ kín số lượng in được coi như một bí mật nhỏ về kinh doanh).

Tôi gọi sách Số đỏ do Minh Đức in năm 1946 là bản C.

 

4/ Số đỏ, in lần thứ ba, Mai Lĩnh xuất bản, Hà Nội, 1952, dày 256 trang 13x19 cm.

Trang signet (tr. 256) ghi: “SỐ ĐỎ của Vũ Trọng Phụng do nhà Mai Lĩnh tái bản lần thứ ba 3000 cuốn. Sách in tại nhà in Quốc Thanh, Hà Nội, xong ngày 4-2-1952. – Kiểm duyệt số 15 ngày 3-1-1952”. Sách dày 256 trang khổ 13x19 cm; sau trang tên sách có một trang in ảnh tác giả. Ngoài nội dung toàn bộ 20 chương truyện, sách có “Lời nhà xuất bản” và bản danh mục “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do nhà Mai Lĩnh đã và sẽ tái bản”, – hai văn bản này được soạn thảo ngày 20-11-1951 và được đưa vào tất cả các cuốn sách của Vũ Trọng Phụng do Mai Lĩnh tái bản.

         “Lời nhà xuất bản” ký tên giám đốc Nxb. Mai Lĩnh Đỗ Trí Thông (Đỗ Xuân Mai) cho rằng “những tiểu thuyết, những phóng sự của Vũ quân [Vũ Trọng Phụng] đều là những bức tranh tả chân xã hội […] tới nay vẫn là phản ảnh vô cùng linh động của xã hội Việt Nam”, nhân đó thông báo với công chúng rằng “Nhà xuất bản Mai Lĩnh chúng tôi được hân hạnh tác giả trao cho bản quyền tất cả văn phẩm quý giá đó”, và cho biết “chúng tôi tiếp tục tái bản tất cả các kiệt tác” ấy, lại “xếp vào một loại riêng với một trình bày đặc biệt”…

         Đi kèm với lời công bố kể trên là danh mục “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do nhà Mai Lĩnh đã và sẽ tái bản” gồm 17 tác phẩm.

         Khác với sách của nhà Minh Đức, các sách in tác phẩm Vũ Trọng Phụng của nhà Mai Lĩnh không làm mục lục, không có các chú thích của nhà xuất bản về những tên riêng hay từ khó.(4)

         Tôi gọi Số đỏ do Mai Lĩnh in năm 1952 ở Hà Nội là bản D.

 

5/ Số đỏ, tiểu thuyết cười dài, Minh Đức xuất bản, in lần thứ hai, Hà Nội, 1957, dày 248 trang 13x20,5 cm.

         Trang signet (tr. 4) ghi hơi dài, khác với thông lệ: “SỐ ĐỎ của VŨ TRỌNG PHỤNG, Nhà Minh Đức xuất bản lần đầu, năm 1946, đã phát hành vào ngày mồng 1 tháng 9 năm Bính Tuất để kỷ niệm ngày giỗ Vũ Trọng Phụng, tổ chức tại trụ sở nhà xuất bản, 40 phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội. Sau 11 năm kháng chiến, nhà Minh Đức tái bản lại tiểu thuyết SỐ ĐỎ, bìa do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày. Số [lượng] in 3500 cuốn; ngoài những bản thường có in thêm 50 bản giấy tốt ghi số từ MĐ 1 đến MĐ 50. Số xuất bản 57, số nhà in 0988. In xong tại nhà in Bắc Hà, Hà Nội, ngày 15-3-57. Nộp lưu chiểu tháng 3-57 tại Hà Nội”.

Với bản in này, nhà Minh Đức dự kiến thực hiện một “Tủ sách Văn học sử”, được cho là sẽ gồm những tác phẩm “đã có ảnh hưởng đáng kể trong các giai đoạn văn học của dân tộc ta” (Lời nhà xuất bản).

Ngoài nội dung 20 chương truyện, trong sách còn có tranh chân dung Vũ Trọng Phụng của họa sĩ Sỹ Ngọc (đặt ở tr. 5); danh mục “Văn phẩm của Vũ Trọng Phụng” gồm 17 tên sách (tr. 6); “Lời nhà xuất bản” ký tên Trần Thiếu Bảo (tr. 8); sách còn in riêng “Phần bút tích, ảnh và tài liệu về nhà văn Vũ Trọng Phụng” (tr. 229-235), in lại tin của phóng viên báo Thời Mới  thông tin “Việc xây mộ Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành ngày 10-3-57”.

Điều khá đặc biệt nữa là, sau mục lục, ở trang cuối sách có in trong khung một lời thông báo của bà quả phụ Vũ Trọng Phụng: “Ai muốn in lại, phiên dịch ra tiếng nước ngoài hoặc dùng những tác phẩm của chồng tôi để soạn thành kịch bản, diễn kịch, quay phim, v.v… đều phải trả bản quyền tác giả 10%”.(5)

Tôi gọi Số đỏ do Minh Đức in 1957 ở Hà Nội là bản E.

 

6/ Số đỏ, tiểu thuyết xã hội tả chân, in lần thứ tư, Mai Lĩnh xuất bản, Sài Gòn, 1958, dày 242 trang khổ 13x19 cm.

         Ở bản này, mấy từ “tiểu thuyết xã hội tả chân” in ngay ở bìa sách ngay dưới tên tác phẩm, là một sự mặc định của nhà xuất bản chứ không thể có xuất xứ từ tác giả. Dòng signet in dưới chân trang cuối (tr. 242) ghi: “Giấy phép số 1198/XB ngày 2-8-58 của Nha Thông tin Nam Phần”. Sách in ảnh tác giả Vũ Trọng Phụng ở trang tên sách (tr. 3), in lại “Lời nhà xuất bản” ngày 20-11-1951 như đã in trong bản Mai Lĩnh 1952, nhưng không in danh mục 17 tác phẩm Vũ Trọng Phụng mà Mai Lĩnh đã và dự kiến sẽ tái bản. Ngoài nội dung 20 chương truyện, sách này không có mục lục, không có các chú thích của nhà xuất bản.(6)

         Tôi gọi Số đỏ do Mai Lĩnh in năm 1958 ở Sài Gòn là bản F.

 

         Sau bản Số đỏ này, quyền xuất bản các sách của Vũ Trọng Phụng được nhà Mai Lĩnh chuyển nhượng cho nhà sách Khai Trí; Số đỏ, “in lần thứ năm” do nhà Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn 1961 (giấy phép số 1752/XB ngày 19.8.1961 của Hội đồng kiểm duyệt, Nha Tổng giám đốc thông tin) (7) thực tế là sách Số đỏ in lần thứ sáu; bản này in theo bản Mai Lĩnh 1958 nên tôi không đưa vào danh mục khảo dị.  

 

7/ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (ba tập). III. Tiểu thuyết. Truyện ngắn. Phê bình văn học. Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá sưu tầm, tuyển chọn. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1987; tập này dày 364 trang 13x19 cm; tiểu thuyết Số đỏ nằm ở các trang 7-242.

         Trang signet (tr. 364) ghi: “Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Nhà xuất bản Văn học hợp tác xuất bản với Công ty Phát hành sách Khu vực II. In 20.000 cuốn, khổ 13x19 cm, tại nhà in Nhà xuất bản Thanh Niên, 62 Trần Huy Liệu, Phú Nhuận, Tp. HCM., Số xuất bản: 54/VH. In xong và gửi lưu chiểu: tháng 1 năm 1988”. Ngoài ra trang signet còn ghi tên những người chịu trách nhiệm xuất bản (Lý Hải Châu), biên tập nội dung (Đặng Ngọc Minh), trình bày sách (Phạm Mạnh Hiên), trình bày bìa (Đinh Cường), sửa in (Nguyễn Mai).

 

         Như đã biết, tập này nằm trong cả bộ tuyển của một tác gia. Tập I (504 trang) gồm: Lời nhà xuất bản, Tiểu sử và bản kê tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Lời giới thiệu khái quát về cuộc đời và văn nghiệp tác gia Vũ Trọng Phụng (tr. 13-60) do Nguyễn Đăng Mạnh viết; phần tác phẩm gồm kịch Không một tiếng vang, truyện vừa Người tù được tha (trích 2 chương di cảo), tiểu thuyết Giông tố. Tập II (344 trang) gồm các phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Một huyện ăn Tết, và tiểu thuyết Vỡ đê. Trong tập III (364 trang), tiểu thuyết Số đỏ được đưa toàn văn, chiếm 242 trang đầu, sau đó là trích đoạn tiểu thuyết Trúng số độc đắc, một chùm 5 truyện ngắn, và một bài Vũ Trọng Phụng phê bình tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố; cuối sách là phần “thay lời bạt” bằng hai bài tiễn biệt Vũ Trọng Phụng của Ngô Tất Tố và Nguyễn Tuân. (8)

Về văn bản, các soạn giả thường không ghi rõ nguồn văn bản các tác phẩm Vũ Trọng Phụng được sử dụng; tuy vậy có thể lưu ý rằng, ở tập I, chỗ đầu phần in Giông tố (tr. 166) các soạn giả có ghi chú là sử dụng bản in của nhà xuất bản Mai Lĩnh 1958 ở Sài Gòn, chỉ ở chương cuối mới tham khảo thêm bản đăng Hà Nội Báo. Vậy Số đỏ trong bộ tuyển này sử dụng văn bản nào? Nếu không có thông tin từ các soạn giả, ta sẽ phải đi đến kết luận thông qua những đối chiếu cụ thể. Như sẽ được làm rõ ở những phần sau, tôi thấy rõ văn bản Số đỏ trong tập III bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987) chính là bản in Số đỏ năm 1958 ở Sài Gòn của nhà xuất bản Mai Lĩnh.

         Tôi gọi văn bản Số đỏ trong tập III bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987) là bản G.

 

Sau 7 văn bản kể trên, hầu như không có bản nào khác có chứa những nét riêng về mặt xử lý văn bản để có thể kể ra thêm, mặc dầu từ đó đến nay đã có hàng chục lần Số đỏ được in lại. Như đã sơ bộ nhận xét, sau khi xuất hiện bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987), các bản in tác phẩm Vũ Trọng Phụng đều lấy văn bản từ đấy.

 

Một công trình khảo tả văn bản học nhắm tới những mục tiêu khác, chẳng hạn nêu lên những sự lý giải khác nhau về tác phẩm này thông qua việc xử lý các bản tái bản Số đỏ, hoặc khảo sát tình trạng biến đổi các quy phạm và thói quen sử dụng chữ viết tiếng Việt, có thể sẽ lưu ý khảo sát cả những bản in cũ nhất lẫn những bản in mới nhất rất gần đây. Tuy vậy, người viết những dòng này nghiêng về việc đi tìm mức độ khả tín về văn bản trong tương quan với sự sáng tạo của tác giả, bởi vậy, tôi thấy rằng nên dừng lại ở bản Số đỏ in trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, 1987.

 

 Nhân đây cũng nêu một nhận xét, trong ngành xuất bản ở Việt Nam hầu như chưa có việc đề xuất những yêu cầu hay quy phạm về mặt văn bản học đối với việc tái bản những tác phẩm quá khứ. Do vậy, những sai phạm nếu có về văn bản chỉ có thể là đối tượng khảo sát của người nghiên cứu, chứ chưa trở thành căn cứ để chế tài nhân danh những luật về sở trí tuệ hay về bảo vệ di sản ngôn ngữ.

Chú thích

(1) Khảo sát trực tiếp từ sưu tập Hà Nội Báo tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, ký hiệu C 624 M (bản microfilms)

(2) Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu (1972) Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II: Tác gia các sách chữ La-tinh,  Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 229-231.

(3) Khảo sát trên sách Số đỏ, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 1946; bản sách quý đánh dấu LXN (Lương Xuân Nhị) hiện thuộc sở hữu của nhà báo Yên Ba ở Hà Nội; nhân đây xin cảm ơn anh Yên Ba.

(4) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Mai Lĩnh xuất bản, Hà Nội, 1952.

(5) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 1957.

(6) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Mai Lĩnh xuất bản, Sài Gòn, 1958.

(7) Khảo sát trên sách Số đỏ, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961. (bản sách thuộc tủ sách riêng của nhà báo Yên Ba ở Hà Nội)  

(8) Khảo sát trên sách Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Hà Nội, Nxb. Văn học, 1987.

 


 


(1) Khảo sát trực tiếp từ sưu tập Hà Nội Báo tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, ký hiệu C 624 M (bản microfilms)

(2) Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu (1972) Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II: Tác gia các sách chữ La-tinh,  Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 229-231.

(3) Khảo sát trên sách Số đỏ, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 1946; bản sách quý đánh dấu LXN (Lương Xuân Nhị) hiện thuộc sở hữu của nhà báo Yên Ba ở Hà Nội; nhân đây xin cảm ơn anh Yên Ba.  

(4) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Mai Lĩnh xuất bản, Hà Nội, 1952.

(5) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Minh Đức xuất bản, Hà Nội, 1957.

(6) Khảo sát trên bản chụp sách Số đỏ, Mai Lĩnh xuất bản, Sài Gòn, 1958.

(7) Khảo sát trên sách Số đỏ, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961. (bản sách thuộc tủ sách riêng của nhà báo Yên Ba ở Hà Nội)

(8) Khảo sát trên sách Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập III, Hà Nội, Nxb. Văn học, 1987.