MẤY NHẬN XÉT CHUNG TỪ VIỆC

KHẢO DỊ CÁC BẢN IN SỐ ĐỎ

Một ít khái niệm chung về văn bản học, cũng như những khía cạnh của việc khảo sát tình trạng dị bản ở các tác phẩm ngôn từ cụ thể, tôi đã trình bày trong công trình Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố (Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2007), ở đây không nhắc lại.

  Dưới đây chỉ tập trung vào việc báo cáo khảo sát tình trạng dị bản ở tiểu thuyết Số đỏ kể từ bản đăng báo (1936-37) đến lần in thứ 8, trong bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, thực hiện năm 1987.

 Trong vòng 50 năm ấy đã lần lượt xuất hiện 8 bản in, song hiện tại chúng ta chỉ còn biết rõ 7 văn bản (trừ bản Lê Cường 1938 hiện chưa tìm lại được).

1/ Bản đăng Hà Nội Báo (bản A) liệu có bị sửa nhiều, khi in thành sách riêng?    

Việc chưa tìm được bản B (Số đỏ do Lê Cường in 1938) khiến một số câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, nhất là về mức độ tương ứng của nó so với bản A (bản đăng Hà Nội Báo).

Bản đăng Hà Nội Báo thiếu hẳn 4 chương cuối truyện, đó là điều đã rõ. Nhưng đây cũng mới là bản ra mắt lần đầu tác phẩm này. Liệu vào năm 1938, khi nhà Lê Cường cho in thành sách, tác giả Vũ Trọng Phụng có tham gia sửa in tác phẩm của mình hay không?

Tôi cho là có.

Không chỉ vì tính đến lý lẽ: lúc ấy nhà văn còn sống, không thể không quan tâm đến cuốn truyện của mình đang được in thành sách. Lý do còn ở chỗ có những dấu hiệu rõ rệt từ sự so sánh văn bản.

Bản B hiện không có để trực tiếp đối chiếu và rút ra nhận định, nhưng các bản in muộn hơn có những khác biệt để cho phép phán đoán.

Các bản C (Minh Đức, 1946) và E (Minh Đức 1957) ở đầu sách có lời đề tặng của tác giả, như sau: “Kính tặng Sơn Phong tiên sinh, nhà văn sĩ hoạt kê và trào phúng tiên phong của báo giới Bắc Kỳ. ‒ V.T.P.”. Đây là sự khác biệt rõ rệt so với các bản A (Hà Nội Báo), D (Mai Lĩnh, 1952), F (Mai Lĩnh 1958), G (Văn học 1987).

        Ta thấy rõ: ở bản đăng báo (A) chưa có lời đề tặng này, vậy, có thể suy luận rằng: lời đề tặng này chỉ có thể xuất hiện ở bản in sách lần đầu (Lê Cường 1938); hai bản Minh Đức (C, E) đã giữ nguyên lời đề tặng này theo nguyên tắc tái bản; bản Mai Lĩnh bỏ lời đề tặng này (do kiểm duyệt bỏ?); tất nhiên suy luận này chưa thể được xác nhận hoàn toàn chừng nào chưa tìm thấy bản B (Lê Cường 1938). Cũng chưa thể biết rõ vì sao các bản của nhà Mai Lĩnh (D, F) không in lời đề tặng này; tuy vậy, ta thấy ruột sách Số đỏ do Mai Lĩnh in đều không làm mục lục, không làm chú thích, cho nên việc bỏ qua lời đề tặng cũng nằm trong hướng lược gọn của lối in sách truyện đại chúng đó chăng?

         Trong lời đề tặng này, giữa hai bản Minh Đức có một khác biệt rất nhỏ: bản C ghi là “Bắc Bộ” trong khi bản E ghi là “Bắc Kỳ”!

Tên gọi “Bắc Bộ” chỉ có từ sau tháng 9/1945, sinh thời Vũ Trọng Phụng chưa biết đến tên gọi ấy; vậy nên bản B (Lê Cường 1938) chưa thể có tên gọi ấy. Có thể suy đoán: chính nhà Minh Đức ở bản C đã sửa thành “Bắc Bộ”, nhưng 11 năm sau ở bản E họ đã lấy lại tên gọi “Bắc Kỳ”.

         Khác biệt “Bắc Kỳ”/ “Bắc Bộ”, như thế, còn hé cho ta thấy, các nhà xuất bản ở Việt Nam, xưa kia cũng như ngày nay, đều không thật tôn trọng nguyên tắc in đúng văn bản của tác giả. Họ có thể đưa những sửa chữa (thêm, bớt, thay đổi) vào văn bản, khi cho là cần thiết hoặc khi bị bắt buộc phải làm như thế.

Về cách thể hiện trật tự kết cấu cuốn truyện, bản đăng báo (bản A) chia tác phẩm thành 3 phần: phần thứ nhất: I – VII; phần thứ hai: I – VII; phần thứ ba: I – VI (tuy mới đăng đến II, còn thiếu III – VI); trong khi đó, các bản in sách về sau đều không chia ra các “phần”, chỉ dùng chữ số La Mã để đánh dấu các kỳ đăng báo, cũng tức là các đoạn truyện (mà ta vẫn gọi ước lệ là “chương”, nhưng đó là cách nói miệng của chúng ta, không phải của tác giả) từ I đến XX. Rõ ràng chỉ có thể giải thích thay đổi này bởi không ai khác ngoài chính tác giả, thể hiện trên bản in thành sách, tức là thể hiện việc này ở bản B (Lê Cường 1938).

Ta cũng từng biết, các tiểu thuyết khác của cùng tác giả Vũ Trọng Phụng như Giông tố, Quý phái, khi đăng báo lần đầu đều chia thành 3 phần, mỗi phần gồm một số mục (I, II, III, IV, V, VI...), đến khi in thành sách đều có xu thế xóa bỏ “phần”, chỉ giữ lại “mục”. Số đỏ không nằm ngoài thông lệ ấy; chỗ khác biệt của tác phẩm này về kết cấu chương hồi là tác giả đặt những mệnh đề vắn tắt làm tiêu đề cho các “mục”, vừa giống vừa khác so với cách đặt tên chương hồi cho các truyện dài ở thời đại văn chương Hán Nôm xưa kia.

Trong việc đối chiếu cụ thể, ta sẽ thấy, có những đoạn câu vốn có ở bản A song đã không còn ở các bản C, D, E, F, G; ngược lại, có những đoạn câu không có ở bản A, song lại có đồng đều ở các bản kể sau ấy. Điều đó cho biết rằng những thay đổi ấy đều bắt đầu từ bản A sang bản B hoặc ngược lại; tức là tác giả có tham dự việc sửa in trên bản in lần đầu sách Số đỏ vào năm 1938 của nhà in Lê Cường, do vậy, ông đã bỏ đi một vài đoạn câu, hoặc đã thêm vào một vài đoạn câu so với bản đăng Hà Nội Báo.

Xin dẫn vài ví dụ:

Đây là trường hợp hẳn là tác giả bỏ đi một đoạn trong một số câu nhất định:

1/

A: Chị hàng mía đưa trả hào chín thì hắn khoanh tay sau lưng không nhận.

−  Bỏ hộ vào túi quần… Thọc tay vào! Trong ấy có của quý đấy chứ tưởng!

C, D, E, F, G: Chị hàng mía đưa trả hào chín tiền thừa thì hắn khoanh tay sau lưng không nhận.

− Bỏ hộ vào túi quần... Thọc tay vào!

(chương I)

2/

A: đi qua ngõ Sầm Công thì có ba bốn chị nhà thổ chạy ùa ra, vây chung quanh,

C, D, E, F: đi qua ngõ Sầm Công thì có ba bốn chị chạy ùa ra, vây chung quanh,

(chương I)

        Và đây là trường hợp hẳn là tác giả thêm một vài từ hoặc một đoạn nhỏ, có khi thực ra là sửa những chỗ sót chữ sót đoạn ở bản đăng báo, trong một số câu khác:

       1/

A: Vừa hát mấy câu Nam Kỳ

C, D, E, F, G: Vừa hát mấy câu cải lương Nam Kỳ

(chương I)

2/

A: ông là bạn thân của những nhà chánh trị đã từng làm thứ trưởng, thượng thư, văn hào, v.v…, mà báo chí Việt Nam cũng nhắc nhỏm tới.

C, D, E, F, G: ông là bạn thân của những nhà chính trị đã từng làm thứ trưởng, thượng thư, văn hào, v.v…, những vị có danh tiếng mà báo chí Việt Nam cũng nhắc nhỏm tới.

(chương I)

        3/

A: Có một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa.

C, D, E, F, G: Có một miếng gỗ tròn thủng một lỗ và một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa.

(chương IV)

Cũng có đôi chỗ có vẻ như tác giả đã phải bỏ đi cả một đoạn trên 60 từ, chưa thật rõ vì lý do gì, như ở đoạn này:

        1/

A: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Họ coi ông thuộc vào hạng người vô tích sự, chẳng bao giờ làm nổi việc gì cả, nhưng thấy ai làm gì là cũng chửi, hạng người bất cứ ở chỗ nào cũng có mặt để đại biểu cho một sự vô nghĩa lý, hạng người chỉ có một cái thiên chức nói khoác cũng như nhiều ông Pháp du khác. Ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có những người khác nữa, cũng như những người khác coi như lúc ấy không có ông.

D, F, G: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Ðối lại, ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có những người khác nữa, cũng như những người khác coi như lúc ấy không có ông.

C, E: Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì. Ðối      lại, ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có ông.

(chương XI)

Đây là chỗ nói về nhân vật “nhà chính trị” Joseph Thiết, vốn là đảng viên Thập Tự Lửa khi còn ở Pháp, lúc này về nước đang dự định lập một đảng bảo hoàng, nhưng không phải là trung thành với triều Nguyễn Việt Nam mà là trung thành với một dòng vua Pháp, gắn bó với một xu trào chính trị được gọi là bảo hoàng ở Pháp! Phải chăng nhà văn đã rút bỏ mấy chục từ này là do tự mình không còn muốn tô đậm một định kiến (ví dụ, sự lạc lõng, vong bản…) về những người bị coi là có “đầu óc thủ lĩnh”, “muốn làm chính trị gia” trong cư dân đô thị? Phải chăng nhà văn bị áp lực của giới du học sinh từ Âu châu về?

Cố nhiên những ví dụ như trên không thật nhiều. Nó cho thấy tác giả tuy có để lại dấu vết trên bản in thành sách lần đầu (Lê Cường 1938) song đó hầu hết chỉ tỏ ra là những sự “nhuận sắc” thông thường, không chứng tỏ ông có thay đổi gì thật đáng kể đối với văn bản tác phẩm, sau khi đã công bố nó ở Hà Nội Báo.

Ở đây cũng rất dễ rơi vào sai lầm nếu ta quy kết cho tác giả mọi thay đổi từ bản đăng báo sang các bản in sách. Ta chưa tìm được bản Lê Cường 1938 (bản B) nên nhiều điều liên quan đều mới chỉ là phỏng đoán; song, dù có bản Lê Cường trong tay cũng vẫn cần tính đến những dị bản ngoài ý chí tác giả. Trên thực tế, các lỗi sơ ý do thợ sắp chữ, do người sửa in… đều tạo ra những dị bản không mong muốn. Chẳng hạn, hẳn là tác giả không thể chủ ý xóa bớt những chi tiết thuộc loại thông tin mô tả, thông tin kể chuyện như loại này:

1/

A: Trong khi ấy Xuân cứ điềm nhiên giữ luôn mấy chức: giáo sư quần vợt, giáo dục một cậu con cầu tự cho khỏi hoàn cảnh xấu, cố vấn của sư cụ Tăng Phú trong việc chấn hưng đạo Phật bằng báo Gõ mõ, mặc dầu chỉ hay đập trống chay. Đã có một căn phòng riêng rất lịch sự trong nhà bà Phó Đoan rồi, thỉnh thoảng nó mới có thời giờ nhàn rỗi tạt qua lại hiệu may Âu Hoá độ mươi phút.

C, D, E, F, G: Trong khi ấy Xuân cứ điềm nhiên giữ luôn mấy chức: giáo sư quần vợt, giáo dục một cậu con cầu tự cho khỏi hoàn cảnh xấu, cố vấn của sư cụ Tăng Phú trong việc chấn hưng đạo Phật. Chỉ thỉnh thoảng có thời giờ nhàn rỗi nó mới tạt qua lại hiệu may Âu Hoá độ mười phút.

(chương XIV)

Ngoài ra, những so sánh đối chiếu cụ thể cũng phần nào cho thấy, tuy ta chưa tìm lại được bản in Số đỏ của nhà Lê Cường 1938, song ta đã có thể nhận biết: các bản in về sau đều chủ yếu căn cứ vào bản Lê Cường 1938 chứ không phải vào bản đăng Hà Nội Báo 1936-37.

Điều ấy thật ra cũng là dễ hiểu. Ta biết, muốn có đủ bản đăng Hà Nội Báo này, phải có đủ trong tay 16 số báo cũ, một việc không hề đơn giản, dù bạn đang ở Hà Nội vào năm 1946 hay 1952; vả lại tìm được ngần ấy rồi thì bạn vẫn còn thiếu 4 chương cuối truyện! Trong khi ấy, ở tại Hà Nội vào năm 1946 hay năm 1952 thì hẳn bạn vẫn chưa gặp khó khăn gì lắm để có được một bản sách Số đỏ do nhà Lê Cường in năm 1938.

 

2/ Khác biệt giữa các bản Minh Đức và các bản Mai Lĩnh: Dấu vết kiểm duyệt   

Có thể nói, sau khi đã tiến hành khảo dị cụ thể tất cả các chương truyện Số đỏ, nhận xét bao quát của tôi về khác biệt giữa 2 bản Minh Đức với 2 bản Mai Lĩnh, chính là bản Minh Đức không có dấu vết bị cắt xén bởi kiểm duyệt, còn ở bản Mai Lĩnh thì dấu vết bị cắt xén bởi kiểm duyệt là rõ rệt.

Những ai có hiểu biết về lịch sử chế độ kiểm duyệt trong suốt thời thực dân Pháp ở Đông Dương đều biết, Toàn quyền Đông Dương đã giải tán sở kiểm duyệt từ đầu năm 1935. Động thái này là do tác động của việc chính phủ Bình dân lên cầm quyền ở Pháp. Tất nhiên việc sở kiểm duyệt bị giải thể không có nghĩa là sách báo chữ Việt ở xứ này từ thời điểm ấy được xuất bản tự do. Vẫn phải có giấy phép mới được ra báo, in sách; chỉ có điều không phải nộp bản rập (épreuve) cho sở kiểm duyệt rồi chờ trả kết quả đem về sửa chữa rồi mới được chạy máy in ra sách ra báo như trước kia; nhưng sách báo phát hành ra, vẫn có thể bị tịch thu, chủ báo chủ xuất bản sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Chính Lê Tràng Kiều đã nếm quả đắng ngay những tháng đầu tiên không còn sở kiểm duyệt; ông cùng nhóm bạn mua lại giấy phép để ra tờ Tân thiếu niên (bộ mới) với chí hướng tân tiến, nhưng mới ra tới số 3 thì bị thu hồi giấy phép (về sau được biết là do đăng ở số 3 bài phóng sự Vũ Trọng Phụng viết về một thủ lĩnh Việt Nam Quốc dân đảng là Ký Con Đoàn Trần Nghiệp); tờ báo chỉ tồn tại được đúng 3 tuần (26.1.1935 – 16.2.1935) ở ngay tháng đầu năm đầu sau khi sở kiểm duyệt bị giải tán.

Tất nhiên việc bãi bỏ sở kiểm duyệt dù sao cũng làm cho sách báo được nới lỏng hơn trước; Số đỏ của Vũ Trọng Phụng dường như cũng ít nhiều được hưởng lợi ích ấy, khi được đăng tải liên tục, hầu như không có trục trặc. Thế nhưng quá trình đăng tải Số đỏ cũng đã không được hoàn tất đến nơi đến chốn: sau kỳ đăng thứ 16, còn 4 kỳ nữa mới hết, thì Hà Nội Báo bị đình chỉ, giấy phép bị thu hồi; đây có thể là tai họa từ một bài báo gây sự cố nào khác,(1) nhưng Số đỏ cũng đã phải chịu chung số phận.

Sách Số đỏ do nhà Lê Cường in lần đầu (1938) được phát hành bình thường (dấu hiệu bình thường là không thấy dư luận đương thời ghi nhận sự cố gì bất thường cho sự ra đời bản in này; còn nếu đã bị thu hồi thì sách sẽ không có trong kho sách thư viện Pasquier, sau này là Thư viện Quốc gia, Hà Nội). Chế độ kiểm duyệt chỉ đến những năm 1939-40 mới được thiết lập lại. Thế tức là nhà Lê Cường không phải nộp bản rập thử các trang chữ Số đỏ cho kiểm duyệt trước khi sách in ra.

Sách Số đỏ do nhà Minh Đức in năm 1946 ở Hà Nội, dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, tất nhiên cũng phải đi qua sở kiểm duyệt. Có vẻ như sách Số đỏ đã được cấp phép mà không bị kiểm duyệt bỏ đi câu chữ nào. Điều này, muốn chính xác, cần chờ tìm thấy bản Lê Cường 1938 để đối chiếu làm rõ thêm. Song nếu chỉ từ kết quả đối chiếu với 16 kỳ đăng Hà Nội Báo thôi thì sự thể có lẽ đúng là vậy.

Sách Số đỏ do nhà Mai Lĩnh in năm 1952 ở Hà Nội, trong vùng kiểm soát của chính thể Quốc gia Việt Nam, xin cấp phép in tại phủ Thủ hiến Bắc Việt (Kiểm duyệt số 15 ngày 3.1.1952). Bản này (bản D) rõ ràng đã bị kiểm duyệt xóa bỏ một số đoạn, hoặc một số câu chữ nhất định. Những đối chiếu với bản đăng Hà Nội Báo (bản A) và bản Minh Đức 1946 (bản C) cho thấy điều đó.

Ngay chương đầu đã có một đoạn ở bản Mai Lĩnh (D, F) dùng những dấu chấm lửng dài để thay thế cho đoạn văn trên 50 từ vốn có ở bản A và vẫn còn trên hai bản Minh Đức (C, E):

1/

A, C, E: Là vì Xuân Tóc Đỏ cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật lấy ái tình mà chị hàng mía thì cứ giữ chặt lấy ống quần, một thứ quần bằng lụa nội hóa mà từ khi có cuộc hội chợ tỉnh Đơ, nhà nước đã đem chế độ bảo hộ mậu dịch ra che chở cho khỏi bị sức xâm lấn của ngoại quốc. 

‒ Bỏ ra nào! Cứ ỡm ờ mãi!

D, F, G: Là vì Xuân Tóc Đỏ cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình…

‒ …… Cứ ỡm ờ mãi!

(chương I)

Rồi ở chương III, bản Mai Lĩnh cho thấy, các viên chức kiểm duyệt ở phủ Thủ hiến Bắc Việt (1952) xóa đi trên 20 từ có thể là đã động đến giới sư tăng nhà Phật:

2/

A: Lúc về nhà thì ông Phán ban con cho bà chứ chẳng có sư mô quái nào.

Từ đấy bà đâm oán ghét các các nhà sư, cho rằng đã là sư mà lại không hổ mang thì không thể tha thứ được!

                       Đến lần này.

       C, E: Lúc về nhà thì ông Phán ban con cho bà chứ chẳng có sư mô quái nào.

Từ đấy bà đâm oán ghét các các nhà sư, cho rằng đã là sư mà lại không hổ mang thì chỉ là đồ giả dối.

                      Đến lần này.

      D, F: Lúc về nhà thì ông Phán ban con cho bà chứ chẳng có sư mô quái nào.

…………………………………..

Đến lần này.

(chương III)

           Các viên chức kiểm duyệt mẫn cán ấy cũng tỏ ra không chịu đựng nổi giọng văn mỉa mai của Vũ Trọng Phụng nên đã xóa đi hơn một chục từ ở nửa sau một câu mô tả ông Văn Minh:

        3/

A: lúc ấy trông ông thật xứng đáng là một bậc mày râu son phấn, rất cần thiết cho sự tô điểm cho cái nòi giống dã man ta…

C, E: lúc ấy trông ông thật xứng đáng là một bậc mày râu son phấn, rất cần thiết cho sự tô điểm cái nòi giống dã man ta…

           D, F, G: lúc ấy trông ông thật xứng đáng là một bậc son phấn mày râu,…………………

(chương XII)

           Nói chung, các viên chức kiểm duyệt đều tỏ ra quá nhạy cảm với các từ như “hiếp dâm”, “mất trinh”, thấy ở đâu có các từ ấy thì sẵn sàng xóa đi, cho nên ở bản Mai Lĩnh đôi khi người đọc thấy sau những từ “hiếp” có để chấm lửng (…) dù đang ở giữa câu. Nếu câu viết tỏ ra khó cắt bỏ một từ lẻ ấy thì họ sẵn sàng cắt luôn một câu trong cả đoạn văn, ví dụ:

4/

A, C, E: Nhưng cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:

Không! Không cần đến hạng người đa dâm đến bực chực hiếp bệnh nhân. Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi.

           D, F, G: Nhưng cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:

           −……... Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi.

(chương VI)

           5/

A, C, E: Thôi đi! Ðể đến hôm tân hôn, thấy tôi mất trinh, anh lại cắt tai lợn ấy à?

           D, F, G: Thôi đi! Ðể đến hôm tân hôn, anh lại cắt tai lợn ấy à?

(chương X)

Và tất nhiên, đã theo lô-gich đạo đức như thế để xóa những câu chữ mô tả cảnh Xuân Tóc Đỏ toan “cướp giật ái tình” cô hàng mía ở đầu truyện, thì những nhà kiểm duyệt ấy cũng sẵn sàng xóa nốt những câu tương tự mô tả Xuân với Tuyết ở giữa truyện:

        6/

C, E:  Bây giờ thì việc gì nữa cũng chỉ làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm.

Xuân lại cứ ôm lấy cái xác thịt lãng mạn ấy để mơn trớn một cách rất tả chân, hoặc là hôn hít một cách rất cổ điển. Nhưng chợt Tuyết đuổi Xuân ra, khẽ nói:

D, F, G: Bây giờ thì việc gì nữa cũng chỉ làm lợi cho đời một người con gái đứng đắn và tử tế, là em mà thôi! Anh biết cho rằng em lãng mạn lắm….

                       Chợt Tuyết đuổi Xuân ra, khẽ nói:

(chương XVII)

7/

C, E:  Hai người dìu nhau ra ngồi ở ghế đi-văng. Xuân Tóc Đỏ cúi xuống ôm lấy Tuyết mà hôn hít một cách bình dân cả trăm phần trăm. Còn Tuyết thì nhắm mắt lại cho có vẻ một thiếu nữ mơ mộng

D, F, G: Hai người dìu nhau ra ngồi ở ghế đi-văng…. Tuyết thì nhắm mắt lại cho có vẻ một thiếu nữ mơ mộng

(chương XVII)

        Những khác biệt do kiểm duyệt bỏ mất một số câu chữ ở bản Mai Lĩnh (so với bản đăng Hà Nội Báo và bản Minh Đức) là loại dị bản do cố ý mà có.

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy không hiếm những dị bản do sơ ý của những người tham gia các công đoạn của quá trình làm sách, nhất là lỗi để sai chữ sót từ sót đoạn sót câu. Những lỗi kiểu này có ở cả hai loại bản Minh Đức và Mai Lĩnh.

        Bản Minh Đức (C, E) có những chỗ bỏ mất những đoạn vốn có ở bản đăng Hà Nội Báo (bản A) mà bản Mai Lĩnh (D, F) còn giữ được. Một số ví dụ:

1/

A, D, F: Bao nhiêu con gái thì, theo lời thánh dạy, cũng chẳng đáng kể. Còn con trai mà có một cậu thôi, theo lời thánh dạy, thế cũng là hiếm.

                       ‒  À, ra có một con giai thôi thì cũng là hiếm.   

           C, E: Bao nhiêu con gái thì, theo lời thánh dạy, thế cũng là hiếm.

                       ‒  À, ra có một con giai thôi thì cũng là hiếm.

(chương III)

2/

A, D, F: Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, thằng xe nằm một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân.

C, E: Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân.

(chương VII)

3/

A: Sau khi cụ cố tổ đã bình phục hẳn, muốn trả ơn thầy, cụ bà đã mời Xuân Tóc Ðỏ dự một bữa tiệc rất trọng thể linh đình. Việc ấy mở đầu cho một kỷ nguyên mới để ra thành một thói quen.

D, F, G: Sau khi cụ cố tổ đã bình phục hẳn, muốn trả ơn thầy, cụ bà đã mời Xuân Tóc Ðỏ dự một bữa tiệc rất trọng thể linh đình. Việc ấy mở đầu cho một kỷ nguyên mới để thành ra một thói quen. 

C, E: Sau khi cụ cố tổ đã mời Xuân Tóc Ðỏ dự một bữa tiệc rất trọng thể linh đình. Việc ấy mở đầu cho một kỷ nguyên mới để thành ra một thói quen.

(chương VIII)

4/

A, D, F: Ðàn bà tân thời mà đứng đắn thì thôi không nói. Ðàn bà tân thời mà đa tình, cái đó càng lợi cho bạn nam nhi vẫn coi phụ nữ là đồ chơi...

C, E: Ðàn bà tân thời mà đa tình, cái đó càng lợi cho bạn nam nhi vẫn coi phụ nữ là đồ chơi...

(chương XII)

5/

C, E: Sau khi nhận mặt thật kỹ người ấy, nó điềm nhiên quay về uống rượu với ông thầy số vừa tán:      

D, F, G: Sau khi nhận mặt thật kỹ người ấy, nó điềm nhiên quay về uống rượu với ông thầy số. Hầu sáng lúc ấy đã lần lượt bưng vào những món cao lương mỹ vị. Vừa ăn uống nhồm nhoàm, ông thầy số vừa tán:

(chương XVIII)

6/

C: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

D, F, G: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy tiếng móng ngựa của những lính kỵ mã khua vang lên. Xuân liếc nhìn sang hai bên cạnh thì đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn ông du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

E: Xe vua sắp đến. Người ta đã thấy cả ông đau đớn vì tình lẫn tay du côn bất hợp thời trang đứng ở hai bên mình Xuân Tóc Đỏ, chỉ cách có vài người, sửa soạn sẵn sàng để giở tay trong cái việc thảm khốc.

(chương XIX)

       Bản Mai Lĩnh (D, F), ngoài những chỗ bị cắt bỏ bởi kiểm duyệt, như đã thấy ở trên, cũng có những lỗi do sơ ý của sắp chữ hoặc sửa in như vậy. Đôi khi có những chỗ dị bản xuất hiện ở bản Mai Lĩnh (so với bản Minh Đức) như là cách sửa văn để tránh né kiểm duyệt, ví dụ:

        1/

A, C, E: Cái anh chàng đã toan hiếp dâm một nữ bệnh nhân ấy à?

           D, F, G: Cái anh chàng đã toan làm hại đời một nữ bệnh nhân ấy à?

(chương VI)

Thành thử, các chỗ dị bản vừa có vẻ nảy sinh ngẫu nhiên, do sơ ý của thợ sắp chữ hay người sửa in, đôi khi lại vừa như một ứng xử nào đó của người làm xuất bản trong tình thế hoạt động cụ thể của họ.

 

3/ Khác biệt giữa hai bản Minh Đức

        Sự đối chiếu so sánh cụ thể cho thấy, bản Minh Đức 1957 (bản E) tuy in theo bản Minh Đức 1946 (bản C), song đã không thể lặp lại chuẩn xác mọi câu chữ có ở bản in trước.

Đây là hiện tượng rất thông thường ở lối in typo kiểu cũ, các khuôn chữ thuộc một cuốn sách đã in xong, thường được phá khuôn, tháo các con chữ rời trả về các kho chữ để dùng sắp chữ lên khuôn cho những cuốn sách khác. Chỉ đôi ba trường hợp riêng biệt, các bộ khuôn in một cuốn sách mới được giữ lại cho đến lúc in thêm một lần nữa.

Hai lần in Số đỏ của nhà Minh Đức cách nhau 11 năm, nhưng là qua một cuộc chiến tranh, với khá nhiều thay đổi, cả về các điều kiện công nghệ lẫn xã hội.

Thể thức xin giấy phép tái bản ở miền Bắc năm 1957 có lẽ không khác thủ tục này những năm 1970 về sau (mà người đang viết những dòng này được trải nghiệm với tư cách một người làm việc khá nhiều năm trong nghề xuất bản), theo đó, nhà xuất bản chỉ cần làm tóm tắt nội dung tác phẩm trong đơn xin phép, không cần nộp bản thảo, cũng không cần nộp bản rập trước khi in; điều nhất thiết phải làm nữa là sau khi in đóng xén sách xong phải nộp lưu chiểu một số bản sách theo quy định, đợi một thời gian (chừng 1 tuần lễ) không thấy cơ quan quản lý nhắc nhở gì mới được chính thức phát hành.

Sự so sánh trên văn bản cho thấy, bản Minh Đức 1957 đã được sắp chữ từ bản Minh Đức 1946, tuy ngoài văn bản Số đỏ, bản in lần hai còn có thêm một số trang tư liệu, ảnh bút tích và chân dung tác giả, tư liệu về việc nhà xuất bản cùng một số nhà văn quyên góp xây lại ngôi mộ tác giả Số đỏ (khi đó vẫn đặt tại nghĩa trang Quảng Thiện). Những khác biệt giữa bản Minh Đức 1957 (bản E) so với bản Minh Đức 1946 (bản C) thường chỉ là một từ trong một câu, đại loại thế này:

1/

A: Tôi đã bắt được quả tang anh dùng những văn chương bóng bẩy ra mê hoặc vợ tôi, định làm cho vợ tôi trụy lạc, định làm tôi tan nát gia đình đấy nhé! 

C, D, F, G: Tôi đã bắt được quả tang anh dùng những văn chương bóng bẩy ra mê hoặc vợ tôi, định làm cho vợ tôi trụy lạc, định làm tan nát gia đình nhà tôi đấy nhé! 

E: Tôi đã bắt được quả tang anh dùng những văn chương bóng bẩy ra mê hoặc vợ tôi, định làm cho vợ tôi trụy lạc, định làm tan nát gia đình tôi đấy nhé!

(chương V)

Cũng có khi hai bản chênh nhau tới 3 - 4 từ trong một câu, như chỗ này:

2/

A, C, D, F, G: Rồi nhà này sẽ biến thành một nơi tựa như một câu lạc bộ, một chỗ họp mặt, một chỗ hẹn hò của những kẻ thượng lưu trí thức trong nước để làm việc cho xã hội một ngày một tốt đẹp văn minh thêm lên!  

E: Rồi nhà này sẽ biến thành một nơi tựa như một câu lạc bộ, một chỗ hẹn hò của những kẻ thượng lưu trí thức trong nước để làm việc cho xã hội một ngày một tốt đẹp văn minh thêm lên!

(chương VI)

hoặc:

3/

A: Cụ Phế ngẫu nhiên có hai con mắt to như ốc nhồi

           C, D, F, G: Cụ Phế ngẫu nhiên có hai mắt to như ốc nhồi

           E: Cụ Phế ngẫu nhiên có đôi mắt to như đôi mắt ốc nhồi

(chương VII)

Tất nhiên không khỏi có lúc bản Minh Đức 1957 bị sót cả một đoạn vài chục từ, do vấp phải một loại lỗi rất dễ mắc (hầu hết những người tham gia các công đoạn lên khuôn in kiểu cũ, − đánh máy, sắp chữ, sửa in − và những người đánh máy lên trang trên máy điện toán ngày nay, đều khó tránh khỏi loại lỗi này); ấy là khi trong một đoạn văn tương đối ngắn có một vài từ trùng lặp, thì những đoạn nằm ở khoảng giữa hai từ trùng lặp đó sẽ rất dễ có nguy cơ bị bỏ sót. Chẳng hạn:

4/

A, C, D, F: Một cái lặng im của nó cũng có giá trị của một sự khinh bỉ đáng sợ. Một cái gật đầu ngây ngô của nó cũng có giá trị của một cái đặc ân.

           E: Một cái lặng im của nó cũng có giá trị của cái đặc ân.

(chương VIII)

        Nhìn chung, theo nhận xét của tôi, những chênh lệch giữa hai bản Minh Đức in 1946 (bản C) và in 1957 (bản E) là không nhiều, và có vẻ như hầu hết đều là các loại dị bản do ngẫu nhiên, sơ ý mà có. 

 

4/ Khác biệt giữa hai bản Mai Lĩnh: Thêm dấu vết kiểm duyệt

        Như đã biết, tuy đều do nhà Mai Lĩnh tổ chức in ấn xuất bản ra, song bản Số đỏ của Mai Lĩnh năm 1952 (bản D) được thực hiện ở Hà Nội, còn bản Số đỏ  của Mai Lĩnh năm 1958 lại được thực hiện ở Sài Gòn. Việc so sánh văn bản cho thấy, nhà Mai Lĩnh ở Sài Gòn năm 1958 đã sử dụng bản in 1952 của mình ở Hà Nội (chứ không phải một bản in Số đỏ nào khác) để xin cấp phép in sách và sau đó, làm bản thảo đưa nhà in sắp chữ. Tức là bản in này thừa kế một cách đương nhiên những kiểm duyệt ở Hà Nội hồi 1952, cùng với những sai sót ngẫu nhiên trong lần in bản ấy. Ngoài những dị bản nảy sinh thêm do những ngẫu nhiên sơ ý, liệu ở bản Mai Lĩnh 1958 (bản F) có những dị bản do chủ ý của con người trong những điều kiện xã hội chính trị cụ thể ở Sài Gòn khi ấy?

        Trước hết, bản in Số đỏ năm 1958 của Mai Lĩnh ở Sài Gòn (bản F) làm nảy sinh thêm loại dị bản do sơ ý ngẫu nhiên, chẳng hạn:

1/

A, C, D, E: Tôi đã dặn nó thỉnh thoảng phải bảo trẻ mỏ ra ném sấu ngoài phố,

           F, G: Tôi đã dặn nó thỉnh thoảng phải bảo trẻ nhỏ ra ném sấu ngoài phố,

(chương II)

2/

A, C, D, E: Cái áo bằng lụa mỡ gà, trước ngực có dấu ấn son đỏ to tướng, sau lưng cũng thế.

           F, G: Cái áo bằng lụa mỡ gà, trước ngực có dấu ấn son đỏ to tướng, sau lưng cũng thế.

(chương III)      

3/

A, C, D, E: Mấy cô gái mới đã có cái ngực như tôi được!

           F, G: Mấy cô gái mới chả có cái ngực như tôi được!

(chương VIII)

           4/

A, C, E: Nếu ngài đã lọc lõi thạo đời như thế thì nên giúp bần tăng một tay...

           D: Nếu ngài đã học lõi thạo đời như thế thì nên giúp bần tăng một tay...

           F, G: Nếu ngài đã học hỏi thạo đời như thế thì nên giúp bần tăng một tay...

(chương XIII)

5/ 

A, C, D, E: một người thuộc hạng không chịu nhận mình là đôi co mách lẻo mỗi khi đã làm một việc đôi co mách lẻo.

           F, G: một người thuộc hạng không chịu nhận mình là đôi co mách lẻo.

(chương XIV)

6/

C, D, E: và nửa giờ sau, cả hai đã ngồi trong một quầy ở khách sạn Thiều Châu phố Hàng Buồm.   

F, G: và nửa giờ sau, cả hai đã ngồi trong một quầy ở khách sạn Triều Châu phố Hàng Buồm.

(chương XVIII)

        Những đối chiếu so sánh cụ thể cho thấy là có những chỗ dường như là dị bản do chủ ý con người, rất có thể là do yêu cầu của những người cấp giấy phép, nói gọn lại là do kiểm duyệt.

        Chằng hạn:

1/

A, D: Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật, vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những đảng viên cộng sản hay Việt Nam Quốc dân đảng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân. 

C: Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật, vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những đảng viên cộng sản hay Việt Nam Quốc dân đảng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân.       

F, G: Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật, vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những nhà cách mạng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân.

(chương VI)

Ở đoạn này, bản Mai Lĩnh 1952 (bản D) vẫn giữ đúng như bản đăng Hà Nội Báo 1936-37 (bản A), nhưng bản Mai Lĩnh 1958 (bản F) đã sửa “những đảng viên cộng sản hay Việt Nam Quốc dân đảng” ở các bản trên thành “những nhà cách mạng”. Đây khá rõ là cách né kiểm duyệt bằng sửa chữa, tức là tạo ra thêm dị bản.

2/

C, D, E: Có tờ sốt sắng viết: Hai vua tại một nước!  Lại có tờ báo của vô sản hô hào: Anh em chị em quần chúng lao khổ! Phải ăn mặc thật diện vào để chống nạn phát-xít! Phải tỏ rằng mình văn minh tiến bộ! Đả đảo chiến tranh! Vạn tuế hòa bình!  Và có điều đáng để ý là báo nào cũng gọi việc vua Xiêm sang đây là một chỗ “rẽ ngoặt”.

F, G: Có tờ sốt sắng viết: Hai vua tại một nước!  Và có điều đáng để ý là báo nào cũng gọi việc vua Xiêm sang đây là một chỗ “rẽ ngoặt”.

(chương XIX)

Ở đoạn này, bản Mai Lĩnh 1952 (bản D) không khác so với cả hai bản Minh Đức (C, E), nhưng bản Mai Lĩnh 1958 rõ ràng đã bỏ đi 43 từ so với các bản kể trên. Không khó để hiểu rằng ty kiểm duyệt của chính thể Quốc gia không muốn thấy những nội dung như thế (nói đến các ý niệm “vô sản”, “quần chúng lao khổ”) hiện diện trong sách báo dưới thời mình, dù là được nói tới trong văn phong hài hước mỉa mai chứ không phải văn phong chính luận.

5/ Bản Văn học 1987:  Những sai lệch mới, những dị bản mới

Như đã nêu trên, bản in Số đỏ trong bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập, Nxb. Văn học, 1987-1988) không ghi rõ là sử dụng bản in nào trong số các bản in Số đỏ từng được xuất bản trong vòng 50 năm trước.

Những so sánh đối chiếu cụ thể cho tôi thấy, bản này chủ yếu sử dụng bản Số đỏ của nhà xuất bản Mai Lĩnh 1958. Điều này cũng có nghĩa là bản này đã kế thừa những tiến triển văn bản Số đỏ ở nhánh Mai Lĩnh kể trên, tính đến năm 1958, tức là cũng đã vô tình gánh chịu những cắt bỏ của kiểm duyệt đối với bản in Số đỏ của nhà Mai Lĩnh năm 1952 ở Hà Nội và năm 1958 ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, bản in này của nhà xuất bản Văn học đương nhiên cũng được kế thừa những gì khả thủ về giữ gìn văn bản Số đỏ trong chừng mực mà nhà Mai Lĩnh đã làm được; đồng thời cũng gánh chịu những dị bản mà các lần in của Mai Lĩnh gây ra, cả hữu ý lẫn vô tình.

Thật ra, nếu khi đó những người biên soạn và nhà xuất bản lưu ý tham khảo cả hai bản Minh Đức nữa, thì có thể sẽ đưa tới người đọc một văn bản khả quan hơn. Song, thứ nhất, cho đến năm 1986, nhãn “Minh Đức” còn gói theo những định kiến tệ hại (kể từ sau việc đàn áp Nhân văn – Giai phẩm, 1958), thứ hai, cũng thời gian ấy, trong cả giới xuất bản lẫn giới nghiên cứu hầu như chưa ai nghĩ rằng các tác phẩm văn chương quốc ngữ lại cũng có các vấn đề về văn bản!

 

Bộ tuyển này, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, có các nhà nghiên cứu đứng tên soạn giả (hai soạn giả Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá khi đó đều là giảng viên khoa ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội). Tuy vậy, về mặt xử lý văn bản, các soạn giả thường chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu. Còn lại, các công việc như tổ chức đánh máy, biên tập, đọc duyệt, v.v… đều thuộc về nhà xuất bản, khi đó có tư cách một cơ quan nhà nước. Cần nói rõ điều này để thấy, đối với các dị bản mới nảy sinh ở bản này, vai trò của các soạn giả là khá ít, trong khi đó, nhà xuất bản, với tư cách cơ quan nhà nước về văn hóa, có quyền giữ nguyên hoặc thay đổi từng phần đối với nội dung và lời văn các tác phẩm, nhất là các tác phẩm ra đời trước khi có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Điều thấy rõ sau những đối chiếu chi tiết là, bản Văn học 1987 (bản G) đã tạo thêm nhiều dị bản hơn hẳn mỗi bản in trước đây.

Thông thường là sự sửa chữa.

Bản Văn học 1987 (bản G) thường sửa một từ này thành một từ khác, không xa lắm về nghĩa, như “phân vua” thành “phân bua”, “từ đây” thành “từ nay”, “hôm ấy” thành “hôm đó”, “ý vị” thành “ý nhị”, “nó cố trí” thành “nó cố nghĩ”, “trong cuộc cải cách xã hội” thành “trong việc cải cách xã hội”, v.v…

 

Chẳng hạn:

1/

A, C, D, E, F: Xuân Tóc Đỏ cúi đầu rất thấp

            G:  Xuân Tóc Đỏ cúi xuống rất thấp

(chương V)

 

2/

D, F: Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em người ta!

G: Khi người ta nói phụ nữ... là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta!     

(chương V)

 

3/

A: Là vì sự tình cờ đã đẩy sổ Xuân Tóc Ðỏ, đã hai tuần lễ, vào cái gia đình trưởng giả của Văn Minh.

C, D, E, F: Là vì sự tình cờ đã đẩy xô Xuân Tóc Ðỏ, đã hai tuần lễ, vào cái gia đình trưởng giả của Văn Minh.

G: Là vì sự tình cờ đã xô đẩy Xuân Tóc Ðỏ, đã hai tuần lễ, vào cái gia đình trưởng giả của     Văn Minh.

(chương VIII)

Hoặc thêm một vài từ:

1/

A, C, E: Trước khi có thể giúp được chúng tôi về thể thao, anh hãy cố giúp xã hội trong cuộc Âu hóa.

D, F: Trước khi có thể giúp chúng tôi về thể thao, anh hãy cố giúp xã hội trong cuộc Âu hóa.

G: Trước khi có thể giúp chúng tôi về thể thao, anh hãy cố sức giúp xã hội trong cuộc Âu hóa.

(chương V)

 

2/

A, C, D, E, F: Một tiếng chuông dài kêu ran lên ngoài dàn lý làm cho bà chủ ngồi nhỏm dậy.

            G: Một tiếng chuông dài kêu ran lên ngoài dàn thiên lý làm cho bà chủ ngồi nhỏm dậy.

 

3/

A: Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ cụ là người Việt Nam hoàn toàn.

C, D, E, F: Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ cụ hoàn toàn là người Việt Nam.

G: Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ ra cụ hoàn toàn là người Việt Nam.

(chương VI)

 

4/

A, D, F: Vả lại nếu ngộ nhỡ tôi lại chết trước cụ tôi thì có phải nhà sẽ mắc tiếng vô phúc không?

            C, E: Vả lại nếu ngộ nhỡ tôi lại chết trước cụ tôi thì có phải nhà mắc tiếng vô phúc không?

G: Vả lại nếu ngộ nhỡ tôi lại chết trước cụ tôi thì có phải nhà sẽ mắc phải tiếng vô phúc không?

(chương VI)

5/

A: Xin lấy danh dự ra mà hại em!

            C, D, E, F: Xin lấy danh dự ra mà hại một đời em!

            G: Xin lấy danh dự ra mà làm hại một đời em!

(chương VIII)

 

6/

A, C, D, E, F: Theo như tin tức tôi mới nhận được thì hình như chúng ngủ với nhau rồi.

            G: Theo như tin tức tôi mới nhận được thì hình như chúng ngủ với nhau rồi.

(chương XII)

Hoặc bớt một vài từ:

 

1/

A: − Đúng đấy! Đúng đấy!

                −  Lúc thiếu thời thì cậu vất vả lắm.

            C, D, E, F: − Đúng đấy! Đúng!

                            −  Lúc thiếu thời thì cậu vất vả lắm.

            G:  − Đúng đấy! Đúng!

                 − Lúc thiếu thời thì cậu vất lắm.

(chương I)

2/

A, C, E: Sau khi xin cái cơn thịnh nộ của một me tây chân chính nguôi đi rồi, Xuân cầm một cái vợt chạy ngay ra phía sân bên kia.   

D, F: Sau khi xin cái cơn thịnh nộ của một me tây chân chính nguôi đi rồi, Xuân cầm cái vợt chạy ngay ra phía sân bên kia.   

G: Sau khi cái cơn thịnh nộ của một me tây chân chính nguôi đi rồi, Xuân cầm cái vợt chạy  ra phía sân bên kia.   

 (chương I)

3/

A, C, D, E, F: Rồi còn con vợ mày nữa đấy!

            G: Rồi còn vợ mày nữa đấy!

(chương XII)

 

4/

A, C, D, E, F: vì bà sợ nói ra cho có người biết thì lại có điều gì “quở quang” chăng?!... Ấy thế mới khổ! Ấy thế mới rầy rà!

G: vì bà sợ nói ra cho có người biết thì lại có điều gì “quở quang” chăng?!... Ấy thế mới rầy rà!

(chương XII)

5/

A, D, F: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng mắt một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra một cách đảm đang bằng những cái ma-nơ-canh.

C, E: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra một cách đảm đang bằng những cái ma-nơ-canh.

G: Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng mắt một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra.

(chương IV)

 

Những sửa đổi như vậy thường bao giờ cũng làm thay đổi nghĩa của từ của câu, hơn thế, việc sửa đổi ở đây dường như có tham vọng phiên giải, nắn lại các ý, các thông tin trong câu văn của tác giả:

 

1/

A, C, D, E, F: Hai hào vé đi tuần trong Hý viện, rồi lại hai bát phở tái năm.

            G: Hai hào vé đi tuần trong Hý viện, rồi lại bát phở tái năm.

(chương I)

2/

A: một tay cầm một cái dù Nhật tý hon với một cái ví da khổng lồ,

            C, D, E, F: một tay cầm một cái dù Nhật tý hon một cái ví da khổng lồ,

            G: một tay cầm một cái dù thật tý hon một cái ví da khổng lồ,

(chương I)

            3/

A, C, D, E, F: Bán lạc, trèo sấu, câu cá, làm lính cờ chạy hiệu, những nghiệp ấy chỉ dắt đến một chỗ tắc tị.

G: Bán lạc, trèo sấu, câu cá, làm lính chạy cờ hiệu, những nghiệp ấy chỉ dắt đến một chỗ tắc tị.

(chương I)

4/

            A, C, D, E, F: bà bắt ông phán phải rập tắt cả  

            G: bà bắt ông phán phải rập tất cả  

(chương I)

            5/

A, D, F:  À, rồi biết! Cháu tôi cần dùng đến anh. Anh cứ về nhà rồi sẽ hiểu.

            C, E:  À, rồi biết! Cháu tôi cần dùng đến anh. Anh cứ về rồi sẽ hiểu.

            G: À, rồi biết! Chúng tôi cần dùng đến anh. Anh cứ về nhà rồi sẽ hiểu.

(chương II)

 

            6/

A, C, E: Thật là một hiểm tượng cho cậu bé thuộc hạng con Giời con Phật như thế.

            D, F: Thật là một hiểm tượng cho cậu bé thuộc hạng con Giời con Phật…

            G: Thật là một hiện tượng cho cậu bé thuộc hạng con Giời con Phật...

(chương XII)

 

7/

A: Sau khi an ủi bà dì bằng mọi lẽ sinh lý học và cơ thể rất bơ vơ, ông Văn Minh bèn ngồi trầm ngâm nghĩ cách tống Xuân Tóc Ðỏ cho bà dì cho xong cái của nợ ấy.

C, D, E, F: Sau khi an ủi bà dì bằng mọi lẽ sinh lý học rất bơ vơ, ông Văn Minh bèn ngồi trầm ngâm nghĩ cách tống Xuân Tóc Ðỏ cho bà dì cho xong cái của nợ ấy.

G: Sau khi an ủi bà dì bằng mọi lẽ sinh lý học rất vu vơ, ông Văn Minh bèn ngồi trầm ngâm nghĩ cách tống Xuân Tóc Ðỏ cho bà dì cho xong cái của nợ ấy.

(chương XII)

 

8/

A, C, E: Vào những lúc liều lĩnh như lúc ấy, người ta có thể đùa đả mà đánh nhau đến chết người thật, vì bà TYPN càng sợ hãi thì Xuân lại càng làm già.

D, F: Vào những lúc liều lĩnh như lúc ấy, người ta có thể đùa dả mà đánh nhau đến chết người thật, vì bà TYPN càng sợ hãi thì Xuân lại càng làm già.

G: Vào những lúc liều lĩnh như lúc ấy, người ta có thể đùa giả mà đánh nhau đến chết     người thật, vì bà TYPN càng sợ hãi thì Xuân lại càng làm già.

(chương XIV)

 

            Không hiếm khi bản Văn học 1987 bỏ hẳn một vài câu, gồm vài chục từ, có khi dăm sáu chục từ, vốn dĩ vẫn có ở các bản  trước:

 

         1/

A, C, D, E, F: Rồi không đợi trả lời bà quay lại sau, bảo:

‒ Hai người này lên theo tôi.

Lên hết thang thì bà chủ tru tréo lên:

‒ Chị Ba! Sao chị lại để cậu tắm ở đây thế này? Ai lại sềnh sềnh ra thế!

‒ Bẩm... cậu vòi thế, không chiều thì cậu lại khóc!

            G:   Rồi không đợi trả lời bà quay lại sau, bảo:

‒ Chị Ba! Sao chị lại để cậu tắm ở đây thế này? Ai lại sềnh sềnh ra thế!

‒ Bẩm... cậu vòi thế, không chiều cậu thì lại khóc!

(chương III)

 

2/

A, C, D, E, F: Thế thì, tôi đối với bác đã như vậy, mà bác lại không chịu giúp tôi cái việc ấy hay sao?

Xuân nghe xong rất lo sợ. Chết chửa, thì ra nó chẳng để ý gì cả nên chẳng hiểu gì cả. Nếu thế, tất lại thất nghiệp, và không hy vọng gì có công danh. Nó cần phải được yêu, được ai cũng yêu, thì mới mong từ một anh nhặt quần mà lên một nhà quần vợt tài tử được. Nó run run hỏi lại:

− Thế bây giờ phải làm thế nào?          

            G: Thế thì, tôi đối với bác đã như vậy, mà bác lại không chịu giúp tôi cái việc ấy sao?

                        − Thế bây giờ phải làm thế nào?

(chương VIII)

         3/

A: Xuân cúi đầu nhã nhặn:

− Chúng tôi rất được hân hạnh.

    Ông Phán lại cầu cứu cô nhân tình của ông ta:

−  Thưa bà, xin bà làm chứng cho tôi rằng tôi là người chồng mọc sừng!

    Không biết đáp ra sao, người đàn bà đành bắt chước Xuân:

−  Chúng tôi rất được hân hạnh.

Thấy nguy, người tình nhân doạ già: 

            C, D, E, F: Xuân cúi đầu nhã nhặn:

− Chúng tôi rất được hân hạnh.

    Ông Phán lại cầu cứu cô nhân tình của ông ta:

−  Thưa bà, xin bà làm chứng cho tôi rằng tôi là người chồng mọc sừng!

    Không biết đáp ra sao, người đàn bà đành bắt chước Xuân:

−  Chúng tôi rất được hân hạnh.

Thấy nguy, người tình nhân doạ già:

            G: Xuân cúi đầu nhã nhặn:

− Chúng tôi rất được hân hạnh.

Thấy cơ nguy, người tình nhân doạ già:

(chương X)

 

         Như đã nói, những dị bản nảy sinh do mỗi lần in, có thể là do ngẫu nhiên, có thể là do cố ý. Một vài trường hợp xử lý của bản Văn học 1987 cho thấy hẳn phải do cố ý.

Chẳng hạn:

1/

A: Mải nghe quảng cáo của ông, ai cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc, thành thử ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi, thật chẳng kém gì cụ Phan Bội Châu vậy.

C, D, E, F: Mải nghe quảng cáo của ông, những người vô bệnh cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ ông cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc. Thành thử, ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi, thật chẳng kém gì cụ Phan Bội Châu vậy.

G: Mải nghe quảng cáo của ông, những người vô bệnh cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ ông cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc. Thành thử, ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi…

(chương IX)

 

         Ở chỗ này thấy khá rõ là nhà Văn học 1987 chẳng những chỉ “biên tập” mà còn kiểm duyệt tác giả tiểu thuyết Số đỏ ! Cái ý bảo Victor Ban (nhân vật hư cấu) nổi tiếng chẳng kém Phan Bội Châu (nhân vật lịch sử), trong mạch văn hài hước châm biếm của tác phẩm, đã từng “sống sót” qua kiểm duyệt 1952 bởi các viên chức phủ Thủ hiến Bắc Việt ở Hà Nội, rồi cũng “sống sót” qua kiểm duyệt 1958 bởi các viên chức Nha Thông tin ở Sài Gòn; cái ý ấy chỉ bị cắt bỏ khi được đưa vào một bộ tuyển nhằm tôn vinh nhà văn Vũ Trọng Phụng về tài năng và cống hiến cho văn chương Việt Nam! Văn chương trào lộng, hóa ra, bao giờ cũng bị chính thống đối xử một cách trào lộng!

         Cần lưu ý nhận xét trên, là vì, sau nửa thế kỷ kể từ lúc ra đời, Với bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập, Nxb. Văn học, 1987), tiểu thuyết Số đỏ được đưa lại cho công chúng lần đầu với vài chục ngàn bản in, vậy mà văn bản tác phẩm lại chịu nhiều khiếm khuyết đến thế. Rồi từ năm 1988 trở đi, hầu như cứ cách một vài năm Số đỏ lại được in lại, mà văn bản thì hầu như vẫn chỉ biết lấy theo nguồn là bộ tuyển 1987 của nhà xuất bản Văn học. Thật là thiệt thòi cho độc giả, cho cả giới văn học, giới nghiên cứu phê bình, vì họ hầu như đều phân tích bình luận trên văn bản lấy nguồn từ bộ tuyển tập này.

         Xin kể một ví dụ nhỏ. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011) trong một bài viết về Số đỏ, sau khi minh định một cách thuyết phục rằng chất trào phúng trong tác phẩm này không phải là trào phúng đả kích (như được khẳng định ở lời giới thiệu của Nxb. Văn học ở đầu sách Số đỏ, bản in 1988), ông Hiến đã điểm thêm vào cuối bài viết của mình một đoạn bình văn. Ông dẫn một câu trong tác phẩm: “Bà Phó Đoan, dù Nhật, ví da và chó bước xuống” để phân tích, theo đó cả “Bà Phó Đoan” lẫn “ví da, dù Nhật” và “chó” đều làm chủ ngữ cho hành động “bước xuống”, do vậy tạo hiệu quả khôi hài.(2) Câu ấy là dẫn theo bản của nhà Văn học 1988 (sách Số đỏ in riêng sau bộ tuyển 3 tập vẫn dùng văn bản trong bộ tuyển ấy), chứ trong các bản in trước thì khác hẳn! Chỉ có “bà Phó Đoan” là chủ ngữ mà thôi. Đây là đối chiếu dị biệt:

         A: Bà Phó ôm dù Nhật, ví da, và chó bước xuống.

            C, D, E, F: Bà Phó Đoan ôm dù Nhật, ví da, và chó bước xuống.  

            G: Bà Phó Đoan dù Nhật, ví da, và chó bước xuống.  

(chương III)

 

         Ta thấy rõ, những sai lệch về văn bản đã gây những ảnh hưởng không đáng có đến hoạt động phê bình nghiên cứu. 

         Tất nhiên, nhìn chung, những sai lệch văn bản tương tự như trên dù sao cũng chưa nghiêm trọng đến mức làm sai lệch đáng kể các kết quả nghiên cứu phê bình, cũng như sự tiếp nhận của người đọc.

Chú thích

(1) Những thông tin về việc Hà Nội Báo cùng 2 tờ báo khác bị tịch thu giấy phép (mà tôi đọc được) không nói từng tờ bị cho là phạm những lỗi gì. Theo phán đoán của tôi (L.N.Â.), lý do có thể là việc Hà Nội Báo số 54 (13.1.1937) đăng bài của Lưu Thần (Lưu Trọng Lư) lược dịch báo Pháp Gringoire  nói về đạo binh đỏ 30 vạn người ở Pháp do André Marty (1886-1956) chỉ huy, được Đệ Tam Quốc tế chu cấp, chuẩn bị nổi lên vào tháng 11/1937.       

(2) Hoàng Ngọc Hiến (1990): Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” // Tạp chí văn học, Hà Nội, s. 2 (tháng 3&4/1990), tr. 28-30.  


 

(1) Những thông tin về việc Hà Nội Báo cùng 2 tờ báo khác bị tịch thu giấy phép (mà tôi đọc được) không nói từng tờ bị cho là phạm những lỗi gì. Theo phán đoán của tôi (L.N.Â.), lý do có thể là việc Hà Nội Báo số 54 (13.1.1937) đăng bài của Lưu Thần (Lưu Trọng Lư) lược dịch báo Pháp Gringoire  nói về đạo binh đỏ 30 vạn người ở Pháp do André Marty (1886-1956) chỉ huy, được Đệ Tam Quốc tế chu cấp, chuẩn bị nổi lên vào tháng 11/1937.  

(2) Hoàng Ngọc Hiến (1990): Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” // Tạp chí văn học, Hà Nội, s. 2 (tháng 3&4/1990), tr. 28-30.