PHẦN MỘT

BÁO CÁO KHẢO SÁT CHUNG


 

LỊCH TRÌNH CÁC BẢN IN SỐ ĐỎ

Tiểu thuyết Số đỏ được đăng lần đầu tiên trên tờ Hà Nội Báo, tờ tuần báo tư nhân do doanh gia Lê Cường trực tiếp làm giám đốc kiêm quản lý, nhà báo Lê Tràng Kiều làm chủ bút, tòa soạn đặt ở 88 phố Huế, Hà Nội.

Ngay sau khi đăng xong kỳ cuối cùng của tiểu thuyết Giông tố (s. 39, ngày 30.9.1936), Hà Nội Báo đăng ngay kỳ đầu tiểu thuyết Số đỏ  cũng của tác giả Vũ Trọng Phụng.

 

Bìa ngoài (bìa 1) Hà Nội Báo số 40 (07.10.1936) giới thiệu:

         “Kỳ này bắt đầu đăng một truyện dài mới:

         SỐ ĐỎ, cuốn tiểu thuyết của một thời đại nhố nhăng

         của Vũ Trọng Phụng”

 

Kể từ đó, mỗi số Hà Nội Báo đăng một chương Số đỏ, một chuyện cười dài. Tuy vậy, tác phẩm cũng chỉ được đăng đến chương II của Phần thứ ba Số đỏ, (tức là chương XVI theo thứ tự toàn truyện). Bởi, sau số 55, coi như số cuối cùng, Hà Nội Báo đóng cửa vì bị chính quyền đương thời thu lại giấy phép, cùng lúc với hai tờ báo khác là Tiếng Trẻ  Bắc Hà. ([1]Vũ Trọng Phụng chuyển sang cộng tác với tờ Tương Lai, viết phóng sự Lục-sì, tiếp đó, khoảng giữa 1937, nhận lời mời của Nguyễn Giang, chủ nhiệm Đông Dương Tạp Chí (tục bản), Vũ Trọng Phụng làm thư ký tòa soạn phần tiếng Việt cho tờ tuần san ấy; sang năm 1938 – 39, ông lại cộng tác với các tờ Thời Vụ, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tao Đàn. Trên các tờ này Vũ Trọng Phụng đưa đăng nhiều tác phẩm khác nhau, thường là các tác phẩm mới viết, dài hoặc ngắn, nhưng không thấy ông cho đăng tiếp tiểu thuyết Số đỏ, dù dưới dạng đăng lại từ đầu hay dưới dạng đăng bổ sung 4 chương cuối truyện (có lẽ vì toàn bộ bản thảo đã được giao cho chủ nhân Hà Nội Báo).

 

Năm 1938, Số đỏ được nhà in Lê Cường cho in thành sách riêng.

Đây là nhà in của chủ nhân tờ Hà Nội Báo. Đương thời, đứng tên xin giấy phép in sách, tức là đứng ra xuất bản ấn phẩm, − không chỉ có thể là các hãng xuất bản (éditions) hay chủ xuất bản (éditeur), mà các hiệu sách (librairie), các nhà in (imprimerie), hoặc cá nhân các tác giả cũng có thể đứng tên thực hiện. Những trường hợp như nhà thơ Phạm Huy Thông tự đứng tên in tập thơ đầu tay của mình (Tiếng sóng. Yêu đương, 1934), nhà văn Vũ Trọng Phụng tự đứng tên in vở bi kịch đầu tay của mình (Không một tiếng vang, 1934) không hề là việc cá biệt. Nhân đây cần khẳng định rằng, một số thông tin do một số sách báo nghiên cứu đã từng nêu ra, coi Lê Cường như “nhà xuất bản” − là thông tin lầm lẫn. Hiện tại có thể tìm thấy tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội gần 150 tên sách do Lê Cường xuất bản, đều với tư cách nhà in (thường viết tắt: Impr. Lê Cường), vì Lê Cường chưa bao giờ lập nhà xuất bản; có khi nhà in Lê Cường in sách do nhà xuất bản khác đặt in, có khi nhà in Lê Cường tự đứng tên xin giấy phép in sách.   

 

Có thể nói, tất cả các bản in Số đỏ  về sau này đều có xuất xứ từ bản in năm 1938 của nhà in Lê Cường. Theo ghi nhận của các soạn giả Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập II), một bản thuộc loạt ấn bản này nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội có ký hiệu P. 19533. ([2])  Tuy vậy, bản sách này tại đây đã bị mất từ lâu.

 

                Bản in Số đỏ của nhà in Lê Cường là lần in thứ hai của tác phẩm này, nhưng là lần đầu tiên nó được in thành sách riêng, cũng là lần đầu tiên được in trong dạng hoàn chỉnh (so với lần đăng Hà Nội Báo còn thiếu 4 chương cuối).

 

Từ bản in Số đỏ của nhà in Lê Cường năm 1938, về sau trong thực tế in ấn Số đỏ đã phân chia ra thành 2 nhánh ấn bản chính: nhánh Minh Đức và nhánh Mai Lĩnh.

 

Nhánh Minh Đức gồm hai bản in Số đỏ tại Hà Nội vào các năm 1946 và 1957.

Năm 1946, tại Hà Nội, nhà xuất bản Minh Đức in lại tiểu thuyết Số đỏ và nhân đó đã cùng một số nhà văn (Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Trương Tửu, Nguyên Hồng, Phạm Ngọc Khuê…) tổ chức kỷ niệm ngày mất Vũ Trọng Phụng, đồng thời tổ chức bán sách để ủng hộ gia đình nhà văn. ([3]Bản in Số đỏ này được gọi chính xác là “in lần thứ hai”.

Mười năm sau, vào năm 1957, nhà xuất bản Minh Đức in lại lần thứ hai tiểu thuyết Số đỏ, sau khi Minh Đức liên danh với Hội văn nghệ Việt Nam làm lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 10.1956), đồng thời tổ chức bán cuốn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (sưu tập các bài phê bình của một số tác giả) lấy tiền giúp gia đình xây ngôi mộ nhà văn khi đó đặt tại nghĩa trang Quảng Thiện ở Ngã Tư Sở. ([4]Bản in này chỉ ghi là “in lần thứ hai” tức là ghi nhận lần in thứ hai của Minh Đức; thực ra, đây là lần in thứ tư tiểu thuyết Số đỏ dưới dạng sách lẻ (sau bản in 1952 ở Hà Nội của nhà Mai Lĩnh và trước bản in 1958 ở Sài Gòn cũng của nhà Mai Lĩnh).

 

Nhánh văn bản Số đỏ của nhà xuất bản Minh Đức gồm hai lần in này, tuy cũng đã từng hiện diện như là tài liệu nghiên cứu trong một chuyên luận hầu như sớm nhất về nhà văn Vũ Trọng Phụng, do nhà nghiên cứu trẻ Văn Tâm thực hiện, ([5])  song, có thể là do sách của nhà xuất bản Minh Đức nói chung trở thành khu vực đối tượng sách bị cấm lưu hành kể từ sau khi phong trào Nhân văn – Giai phẩm bị trấn áp (1958), cho nên khả năng tiếp cận các bản in Số đỏ này của công chúng và giới văn học ở miền Bắc bị hạn chế rõ rệt, mức độ phổ biến văn bản Số đỏ thuộc nhánh này trên thực tế cũng đã bị thu hẹp đáng kể.  

 

         Nhánh Mai Lĩnh gồm ba bản in Số đỏ (tại Hà Nội: 1 bản in năm 1952, tại Sài Gòn: 1 bản in năm 1958 do nhà xuất bản Mai Lĩnh thực hiện, và 1 bản in năm 1961 do nhà sách Khai Trí thực hiện).

Vào năm 1951, tại Hà Nội, giám đốc nhà xuất bản Mai Lĩnh là Đỗ Trí Thông tức Đỗ Xuân Mai công bố với công chúng rằng chính nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng đã trao bản quyền các tác phẩm của ông cho nhà xuất bản Mai Lĩnh. (Tuy vậy thân nhân gia đình nhà văn cho rằng không có căn cứ nào xác nhận sự “trao gửi” này). ([6])  Lời công bố đó (đề ngày 20.11.1951) được in trên các ấn phẩm của nhà xuất bản Mai Lĩnh cùng với một danh mục “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do nhà Mai Lĩnh đã và sẽ tái bản” gồm 17 cuốn (1/ Lấy nhau vì tình, 2/ Cạm bẫy người, 3/ Giông tố, 4/ Số đỏ, 5/ Nhà đỏ tức Lục-sì, 6/ Cơm thầy cơm cô, 7/ Vỡ đê, 8/ Dứt tình, 9/ Kỹ nghệ lấy Tây, 10/ Làm đĩ, 11/ Người tù được tha, 12/ Trúng số độc đắc, 13/ Quý phái, 14/ Cái ghen đàn ông, 15/ Không một tiếng vang, 16/ Giết mẹ, 17/ Phá giới), ngụ ý là sẽ được Mai Lĩnh lần lượt in lại, tuy rằng trên thực tế, tính đến 1975, Mai Lĩnh chỉ thực hiện được chừng 5 - 6 cuốn (Lấy nhau vì tình; Cạm bẫy người; Giông tố; Số đỏ; Dứt tình; Làm đĩ; Trúng số độc đắc), mỗi cuốn được in từ 1 tới 3 lần. ([7])

 

Lời công bố và danh mục 17 tác phẩm kèm theo nói trên đã có hiệu lực như một thứ thông báo về độc quyền khai thác (ở đây là in và phát hành) hầu hết các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có một số bạn thông thạo cho biết rằng: bộ phận nhà Mai Lĩnh ở Sài Gòn về sau (sau 1958, tức sau khi Mai Lĩnh in Số đỏ lần thứ hai) đã nhượng quyền khai thác các tác phẩm Vũ Trọng Phụng cho nhà sách Khai Trí có địa chỉ ở 62 đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn. Hiện chưa có tư liệu cụ thể về việc nhượng quyền xuất bản này. Chỉ biết là trên thực tế, trong những năm 1960-75 tại Sài Gòn, nhà sách Khai Trí đã in khoảng 6 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, trong đó có tiểu thuyết Số đỏ (cùng với các cuốn Giông tố, Cạm bẫy người, Lấy nhau vì tình, Dứt tình, Trung số độc đắc). Nói chung, các bản in sau này của nhà Khai Trí đều sử dụng các bản in trước đó của nhà xuất bản Mai Lĩnh.

 

Bản Số đỏ do nhà Mai Lĩnh in năm 1952 tại Hà Nội dưới tên sách ghi “in lần thứ ba” là ghi nhận chính xác. Song bản Số đỏ do Mai Lĩnh in năm 1958 ở Sài Gòn ghi dưới tên sách “in lần thứ tư” là ghi lầm; thực ra đây là lần thứ năm (5) tác phẩm này được in thành sách riêng, vì xuất hiện sau bản in năm 1957 kể trên của Minh Đức ở Hà Nội. Còn lại, bản in Số đỏ năm 1961 của nhà Khai Trí ghi “in lần thứ năm” cũng không chính xác, đúng ra đấy là lần thứ sáu (6) tiểu thuyết này được in thành sách riêng.

 

Một điểm đáng lưu ý là, nếu hai bản in Số đỏ do Minh Đức thực hiện đều được cấp phép bởi cơ quan quản lý văn hóa của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì các bản in lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng (trong đó có Số đỏ) do Mai Lĩnh (và sau đó do Khai Trí) thực hiện đều được cấp phép bởi cơ quan kiểm duyệt ấn loát của chính quyền Quốc gia Việt Nam, dù là ở Hà Nội những năm 1948-54 hay ở Sài Gòn từ sau tháng 10/1954.

 

Ở miền Bắc, kể từ sau khi phong trào Nhân văn – Giai phẩm bị đàn áp, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều bị cấm lưu hành nên không được in lại. Chỉ đến năm 1982 mới có tiểu thuyết Vỡ đê của ông được phép tái bản. Cho đến thời đổi mới, thực tế là từ năm 1987, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mới thực sự được quyền trở lại với độc giả, cũng tức là trở lại trong hoạt động xuất bản.

 

Vào năm 1987, lần đầu tiên một bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng gồm 3 tập (Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá sưu tầm, tuyển chọn, Nguyễn Đăng Mạnh giới thiệu, Nxb. Văn học, 1987-88), được ra mắt độc giả cả nước; phần đầu tập 3 bộ tuyển này (242 trong số 364 trang) dành in Số đỏ. Về mặt văn bản, các soạn giả bộ tuyển này, không rõ vì lý do gì, đã chọn dùng văn bản do nhà Mai Lĩnh từng in cho hầu hết các tác phẩm được đưa vào bộ tuyển, trong đó có Giông tố, Số đỏ.

 

Ngay sau khi phát hành bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng kể trên, tiểu thuyết Số đỏ lại được nhà xuất bản Văn học cho in thành sách riêng, với số lượng 30.000 bản (in tại nhà in báo Nhân dân, số xuất bản 18/VH, in xong và gửi lưu chiểu tháng 8/1988); văn bản được sử dụng ở đây tất nhiên vẫn là bản in trong bộ tuyển kể trên.

 

Kể từ 1988 đến 2012, tra cứu theo dữ liệu thư mục Thư viện Quốc gia, Hà Nội, có thể thấy tiểu thuyết Số đỏ được tái bản trên 20 lần. Hoặc là nằm trong các bộ sưu tập được gọi là “tuyển tập” (khoảng 2 bộ, mỗi bộ được in lại khoảng 2 – 3 lần) hay được gọi là “toàn tập” (khoảng 2 bộ, mỗi bộ in 1 lần). Hoặc là in thành sách riêng, ví dụ: bởi Nxb. Văn học (1988, 1989, 1990, 1997, 1998, 2001, 2002, 2003), bởi Nxb. Văn nghệ Tp.HCM. (1998, 1999), bởi Nxb. Đồng Nai (2000, 2001, 2006), bởi Nxb. Hải Phòng (2000), bởi Nxb. Hội Nhà Văn (2005, 2006, 2008), bởi Nxb. Văn hóa Sài Gòn (2006), bởi Nxb. Kim Đồng (2006, 2007), bởi Nxb. Đại học Sư phạm (2008), bởi Nxb. Dân trí (2011), bởi Nxb. Hồng Đức (2012)…

Thống kê căn cứ vào dữ liệu sách lưu chiểu kể trên chưa thể được coi là chính xác. Một người chơi sách cũ là nhà báo Yên Ba ở Hà Nội cho biết: anh đã sưu tầm được 55 bản in khác nhau của tiểu thuyết Số đỏ.  

         Ngoài loại hình sách in giấy ra, gần đây cũng đã thấy những văn bản Số đỏ trên các trang mạng internet, số lượng các bản là khá nhiều, có chỗ đầy đủ 20 chương truyện, có chỗ chỉ gồm một số chương trích, song các bản đánh máy thường có chất lượng thấp, khá nhiều lỗi.

         Tuy vậy, về mặt văn bản, theo cảm nhận sơ bộ của tôi, các bản in hoặc bản số hóa Số đỏ từ năm 1988 trở lại đây đều sử dụng văn bản Số đỏ của nhà xuất bản Văn học in trong tập 3 của Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1987) hoặc in thành sách lẻ ngay cuối 1987 đầu 1988. Thế cũng tức là, rốt cuộc, hầu hết các bản Số đỏ lưu hành hiện nay đều lấy nguồn từ văn bản Số đỏ do nhà xuất bản Mai Lĩnh in 1958 ở Sài Gòn, vốn xuất xứ từ bản Số đỏ do nhà Mai Lĩnh in 1952 ở Hà Nội.

 

         Như vậy, có thể nói, trong hai nhánh văn bản Số đỏ lưu hành kể từ sau khi tác giả Vũ Trọng Phụng qua đời, nhánh Mai Lĩnh tỏ ra có độ phổ biến rất cao, hầu như áp đảo so với nhánh duy nhất đã từng có, – nhánh Minh Đức.

         Tuy nhiên, không thể nói rằng văn bản có độ phổ biến cao hơn là văn bản “tốt” hơn văn bản còn lại. Ta vẫn chưa có những nghiên cứu so sánh trên văn bản cụ thể để thấy được thực chất sự việc.

         Hãy tạm lưu ý đến một sự việc sau đây. Năm 1956, nhà xuất bản Văn nghệ (của Hội Văn nghệ Việt Nam) ở Hà Nội chuẩn bị in tiểu thuyết Giông tố; do chỗ đi tìm “bản in trước cách mạng” mà không thấy, những người chủ trương nhà xuất bản Văn nghệ hồi ấy (trong đó có nhà văn Nguyên Hồng) đành tạm dùng bản Mai Lĩnh 1951 nhưng không quên lưu ý độc giả rằng: văn bản tiểu thuyết Giông tố do nhà Mai Lĩnh in 1951 ở Hà Nội là bản “bị kiểm duyệt đế quốc bỏ nhiều chỗ”!

Những quan ngại đằng sau nhận xét này đã được tôi làm rõ trong công trình Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Giông tố”. ([8])

         Liệu các bản Số đỏ do nhà Mai Lĩnh in các năm 1952 ở Hà Nội và 1958 ở Sài Gòn có tránh được tình trạng của văn bản Giông tố hay không?  

         Và nói chung, tình trạng văn bản tiểu thuyết Số đỏ ra sao?

Công trình của tôi trong cuốn sách này sẽ tiếp tục làm rõ điều đó. 

 

 

([1]) Tin làng báo // Sông Hương, Huế, s. 26 (30 Janvier 1937), tr. 4.

([2])  Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu (1972): Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập II: Tác gia các sách chữ La-tinh,  Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 229-231.

([3]) Tin văn hóa: Kỷ niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng // Tiên phong, Hà Nội, s. 20 (1.10.1946), tr. 33.

([4])  P.V.(1957): Việc xây mộ Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành ngày 10-3-1957 // Thời mới, Hà Nội, s. 887 (13.3.1957)

([5])  Trong chuyên luận Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (Kim Đức, Hà Nội, 1957) nhà nghiên cứu Văn Tâm đã sử dụng và trích dẫn Số đỏ theo bản in của Nxb. Minh Đức 1946 (xem: Tuyển tập Văn Tâm, Tp.HCM.:  Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 92, 140).

([6]Hai thân nhân nhà văn V.T.P. là bà Vũ Mỵ Hằng, con gái nhà văn, và chồng bà Hằng là ông Nghiêm Xuân Sơn, vào những năm 1990, khi tiếp xúc với các nhà văn và nhà nghiên cứu thân quen, đều cho biết: gia đình Vũ Trọng Phụng không hề biết việc nhà văn lúc sinh thời đã trao bản quyền cho nhà Mai Lĩnh, như lời công bố nói trên.

([7])  Trong cuốn sách tư liệu Nhà xuất bản Mai Lĩnh (nhiều tác giả, Mai Hương biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1997) có phần danh mục các ấn phẩm của Mai Lĩnh (Phạm Hồng Toàn thực hiện, tr. 137-168), nhưng chỉ thống kê đến năm 1942, không có dữ liệu về việc Mai Lĩnh in các tác phẩm Vũ Trọng Phụng.

([8])  Xem: Lại Nguyên Ân (2007): Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết “Giông tố” , Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 704 tr.