PHÊ BÌNH VĂN HỌC VỚI CÁC THUỘC TÍNH CỦA NÓ

 

Theo cách hiểu thông thường (và nói chung là cách hiểu đúng đắn), phê bình văn học là sự luận bàn và bình giá sáng tác văn học, hoặc đúng hơn, sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Có việc sáng tác thơ văn thì tự nhiên là có việc đọc các sáng tác ấy và sau đó là có việc luận bàn, bình giá các sáng tác ấy.

 

Phê bình, như vậy, là một phần không thể thiếu của sinh hoạt văn học. Theo ý  nghĩa ấy, ở nước ta, phê bình đã có từ lâu, nhất là phê bình thơ. Những từ "phê văn", "bình thơ" đã có từ lâu trong bảng "thuật ngữ" của giới nhà nho xưa cái giới chủ yếu đã cung cấp cho văn hóa nước nhà những tác giả đầu tiên của nền văn học thành văn. Chung quanh những bài văn bài thơ, những văn tập thi tập của một tác giả đã có không ít những lời bình giải thể hiện qua các lời tựa, các thư từ trao đổi, cac bài thơ vịnh ... ở đó đề tài sáng tác chủ yếu là một sáng tác khác đã viết. Những sáng tác lớn như Truyện Kiều đã thành cả một đề tài lớn cho một kiểu sáng tác văn học đặc biệt mà ta có thể gọi là "văn học phê bình", ở đấy phê bình hầu như hoàn toàn đồng nhất với văn học, chưa hề tách ra thành một ngành hoạt động độc lập với những nhiệm vụ nghề nghiệp riêng, những đồ lề công cụ riêng, những yêu cầu phát triển nội tại tương đối độc lập của mình.

 

Đây cũng đồng thời là tình trạng chung ở hầu hết các nền văn học thế giới. Phê bình vốn nảy sinh như là sản phẩm, như là một hoạt động chức năng trong đời sống văn học, trong sự giao tiếp văn hóa của con người. Và chỉ khi sự giao tiếp văn hóa,  văn học ấy trở nên một hiện tượng phổ biến, nhờ sự phát triển thêm lên của những phương tiện giao tiếp đại chúng trong số đó phải kể trước tiên vai trò của ấn loát, của báo chí, khi việc đọc (sách, báo, ấn phẩm nói chung) trở thành cả một thiết chế văn hóa của xã hội, phê bình như một hoạt động độc lập mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ(1). Đó cũng là khi ở văn học có sự phát triển và phân hóa rõ rệt của các thể loại, khi trong ý thức xã hội có sự phát triển của tư duy khoa học, có dấu hiệu rõ rệt của tiến bộ nghệ thuật, khi các mục tiêu và tính chất của phê bình văn học trở nên phức tạp hơn, khi phê bình này đứng trước đòi hỏi phải có nhiều dạng hơn, phải có trách nhiệm hơn về tiếng nói bình giá và luận bàn của mình. Quá trình đưa tới việc phê bình tách ra thành một ngành riêng, thành công việc chuyên môn của một số người làm nghề nghiệp phê bình ở nước ta, có thể nói, chỉ mới diễn ra ở đầu thế kỷ này, tức là ở đầu giai đoạn hiện đại của văn học nước nhà.

 

Đối với một hiện tượng văn hóa, hiện tượng ý thức, hiện tượng khoa học, thông thường, khi nó càng phát triển phong phú thì người ta lại càng hay quay trở lại xác định bản chất, đặc trưng, thuộc tính, phạm vi của nó. Phê bình văn học cũng vậy. Có thể nói sự phát triển khá cao của phê bình văn học cũng như của khoa học về văn học đã thúc đẩy sự tự ý thức của phê bình. Phê bình là gì? Văn học? Khoa học? Chính luận? Phê bình có vai trò ra sao? Nó chỉ tác động đến công chúng văn học hay ngược lại, chỉ tác động tới văn học, tới các nhà văn? v.v… và v.v.

 

 

***

 

 

Không thể phủ nhận tính chính luận của phê bình văn học.

Tuy nó quan hệ chủ yếu với sáng tác văn học, tập trung sự khảo sát vào các hiện tượng văn học đương thời (tác phẩm, tác giả) và là một bộ phận hợp thành đời sống văn học, là sự tự ý thức của cả một nền văn học, nhưng đồng thời phê bình văn học còn là một bộ phận của dư luận xã hội đương thời, nó tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào sinh hoạt tư tưởng, chính trị, văn hóa của xã hội, góp phần tạo ra  không khí tư tưởng chung của xã hội, của thời đại.

 

Quan hệ phụ thuộc khá trực tiếp vào một ý thức hệ nhất định, ở phê bình bộc lộ một cách rõ rệt hơn hẳn so với các thể loại văn học khác. Chẳng hạn, trong nền phê bình tuy chưa thật phong phú nhưng đã nhiều màu sắc ở nước ta trước cách mạng tháng tám 1945, có thứ phê bình ca tụng thực dân, có thứ phê bình quay về với lý tưởng phong kiến cổ hủ, hướng văn học vào các chuẩn mực đạo đức phong kiến, có thứ phê bình hướng tới lý tưởng tư sản, có thứ phê bình đứng trên quan điểm tơ-rôt-kit cực tả, trong khi đó, phê bình vô sản chân chính, gắn bó với tư tưởng mác-xít và công cuộc đấu tranh của Đảng, đã ra đời và giành chiến thắng trong những cuộc bút chiến có tiếng vang rộng lớn. Ngày nay, với tư cách là một bộ phận của nền văn học xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một bộ phận trong công tác tư tưởng và văn hóa thống nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, nền phê bình văn học của chúng ta gắn bó với việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời gắn bó với công cuộc xây dựng một nền văn học xã hội chủ nghĩa xứng đáng với dân tộc và thời đại.

Phê bình là một hoạt động chính luận và nhà phê bình chính là một nhà hoạt động xã hội bằng phương tiện của báo chí, của văn học chính luận.

 

Phê bình có phải là một khoa học? Phê bình có phải là công việc nêu ra những  chân lý có giá trị khái quát như những quy luật do khoa học đề xuất?

Thoạt nhìn thì các ý kiến do phê bình đề xuất không hoàn toàn giống với các tri thức khoa học, không hoàn toàn giống cách đề xuất và luận chứng các tri thức khoa học. Các tri thức khoa học thường nằm trong những hệ thống nhất định, tương đối chặt chẽ, trong khi đó, các ý kiến phê bình thường là những nhận xét ít nhiều tùy hứng, "tự do", ít nhiều mang tính chất đột phá, không cần tạo nên hoặc nằm trong cả một hệ thống đầy đủ. Các tri thức khoa học được trình bày đầu tiên là nhằm vào các nhà chuyên môn, về sau mới mở rộng, phổ biến cho cả xã hội, trong khi đó, trái lại, các ý kiến của phê bình, ngay từ đầu đã là nhằm vào cả xã hội, cả đông đảo công chúng. Dạng thức lý tưởng của tri thức khoa học là diễn đạt những khái quát có tính chất quy luật, có tính chất chân lý lâu dài, trong khi đó, các ý kiến của phê bình mang tính chất là những nhận xét, những phán đoán, những cảm thụ ở thời điểm này, gắn với những đối tượng tác phẩm cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm phê bình xuất sắc thường có dạng những tùy bút, những tiểu luận văn học.

 

Tuy vậy, phê bình văn học vẫn có quan hệ với khoa học, vẫn có những thuộc tính nhất định của tư duy khoa học. Khoa học văn học, mỹ học, xã hội học văn học là những ngành mà phê bình ít nhiều đều có can dự đến. Bất cứ thứ phê bình nào, dù tùy hứng đến đâu, suy cho cùng, cũng xuất phát từ một số quan niệm nào đó quan niệm mỹ học, quan niệm xã hội, quan niệm văn học để xem xét một tác giả, tác phẩm nào đó. Nó bao giờ cũng không tránh khỏi phải có cái ý muốn "cân đo" một thực tế văn học mới bằng những thước đo đã có, và trong quá trình tiếp cận cái thực tế văn học mới ấy, nó sẽ xác nhận bổ sung hoặc chỉnh lý cái thước đo sẵn có của mình. Bê-lin-xki đã hoàn toàn chính đáng khi gọi phê bình văn nghệ là "mỹ học đang vận động", một thứ mỹ học đang trải mình vào một thực tế văn học, đo lường thực tế ấy và bằng vào đó mà đo lường lại chính mình.

 

Quan niệm khá "cổ điển" coi lý luận văn học, văn học sử và phê bình như ba bộ phận hợp thành khoa học văn học tuy có ít nhiều thuận tiện, nhưng không phải là cách phân biệt hoàn toàn hợp lý(1). Cần trước hết tách phê bình khỏi khoa văn học (gồm lý luận văn học và văn học sử) bởi vì sự phát triển của phê bình văn học và của khoa văn học ngày nay đã cho thấy những khác biệt khá căn bản giữa chúng. Quan hệ của phê bình với khoa học nói chung cũng như với khoa văn học không phải chung quy lại, phê bình phải nằm trong khoa văn học.(2) Quan hệ của phê bình với khoa học là quan hệ đẳng lập hơn là quan hệ phụ thuộc.

 

Hoạt động trên một phạm vi đối tượng khác, với những phương thức, tính chất và mục đích khác, phê bình văn học có thể cung cấp những dữ kiện, những phán đoán sẽ được dùng làm một trong số các căn cứ cho việc nghiên cứu và khái quát ở cả các vấn đề lý luận văn học và mỹ học lẫn các vấn đề văn học sử và nghệ thuật học. Thêm nữa, không chỉ những hiện tượng văn học đương đại mới là đối tượng của phê bình: ngay những tác giả và tác phẩm quá khứ, do một sự khảo sát nào đấy, làm lộ ra được khả năng "đối thoại với hiện tại" cũng có thể đi vào quỹ đạo của hoạt động phê bình. Tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi đã từng nhiều lần "sống lại" như là đối tượng của những suy nghĩ mang tính chất phê bình văn học, tham gia vào việc đề xuất và giải quyết các vấn đề đời sống văn học và tinh thần tư tưởng đương thời.

 

Một điểm khiến phê bình gần gũi với tư duy khoa học nói chung, trước hết là khoa văn học, nghệ thuật học, là ở chỗ các nhà hoạt động chuyên môn ở đây đều phải dùng đến sự lý giải (3), sự cắt nghĩa đối tượng, chuyển nó sang "ngôn ngữ" của ngành mình. Và ở đây, các nhà phê bình, nhà văn học sử, nhà lý luận còn có thêm những đồng nghiệp không ngờ: ấy là các đạo diễn làm công việc chuyển thể hoặc dàn dựng các tác phẩm văn học lớn lên sân khấu, điện ảnh hoặc truyền thanh, truyền hình, các dịch giả làm công việc dịch các tác phẩm từ một ngôn ngữ dân tộc này sang một ngôn ngữ dân tộc khác. Dù mức độ có khác nhau, ở đây các nhà chuyên môn đều phải phiên giải tác phẩm gốc sang một "ngôn ngữ" khác, chuyển nó sang một "kênh" khác. Không thể có hai bản dịch hệt nhau từ tay hai dịch giả cùng dịch một tác phẩm sang cùng một thứ tiếng, thậm chí cùng thời; nếu đấy là hai dịch giả có bản lĩnh thì khác biệt càng rõ. Cũng không thể có hai vở diễn hệt nhau của hai đạo diễn khác nhau về cùng một tác phẩm. Cho nên, chỉ có thể hợp lý nếu coi phim Chị Dậu chẳng hạn, như là một cách đọc tiểu thuyết Tắt đèn chứ không phải đó là bản thân tác phẩm của Ngô Tất Tố. Nếu không, chúng ta sẽ vấp phải cái sai lầm ấu trĩ quy hiệu quả, thành công hoặc nhược điểm của cuốn phim nọ cho nhà văn tác giả cuốn tiểu thuyết.

 

 Mỗi hành vi lý giải là một cách đọc. Sự "đọc" dù thế nào cũng là cái gì khác chứ không đồng nhất với chính tác phẩm. Đi vào thế giới của phê bình, của nghệ thuật chuyển thể là phiêu lưu vào thế giới của vô số những cách đọc. Đối với nghệ thuật, thậm chí ít nhiều đối với cả các khoa học nhân bản, vấn đề không phải là chỉ có một cách đọc duy nhất đúng. Vấn đề là ở mỗi cách đọc tốt đều có được một cái gì đó vốn dĩ có trong bản gốc, đồng thời bao giờ cũng có một cái gì khác, gắn với người đọc nó, gắn với thời điểm và khí hậu đọc nó… Những cái "khác" đó không phải là sự "hiểu sai" bản gốc (chỗ này có thể lưu ý tới ý kiến của Các Mác khi ông giải thích cho Lat-xan thấy là không nên coi "mọi điều thu nhận được của một thời kỳ trước kia, mà thời kỳ sau sửa đổi cho thích hợp" như là "cái cũ bị hiểu sai"(4), ví dụ quy tắc ba duy nhất của các nhà bi kịch cổ điển thế kỷ XIV ở Pháp so với quan niệm bi kịch của A-ri-xtốt). Sự phức tạp và biện chứng ở đây chính là ở chỗ, tác phẩm gốc trong một dạng chuyển đổi cần thiết chỉ có thể đến công chúng trong cách đọc có những cái "khác" ấy, và nếu nó chân thành thì sẽ không phải là sự xuyên tạc mà chính là làm phong phú tác phẩm gốc. Với phê bình văn học, tình hình cũng xảy ra như vậy, mặc dù nhà phê bình cũng "nói" cùng cái lời nói và chữ viết đã được dùng để tạo ra tác phẩm gốc, nhưng không phải bằng ngôn ngữ hình tượng của nó mà chủ yếu bằng ngôn ngữ suy luận và diễn giải kết hợp với xúc cảm của mình. Người ta không chỉ thích đọc trực tiếp tác phẩm mà còn thích "nghe" nói về tác phẩm ấy nữa, nghĩa là cần nghe những cách đọc khác. Nhà phê bình tức là "người đọc chuyên nghiệp" có cái may mắn là người ta muốn nghe cách đọc của mình, ý kiến và suy nghĩ của mình về tác phẩm đã đọc. Uy tín của nhà phê bình bắt đầu từ chỗ ấy. Mỗi cách đọc độc đáo, có bản lĩnh, khi được công chúng nghe thấy, đều làm cho họ ít nhiều "lạ lẫm" với chính tác phẩm để rồi có thể hiểu nó hơn, sự thích thú hay không thích thú đối với nó ở họ sẽ rõ ràng hơn.

 

Đời sống văn học đã cần đến phê bình, đã chấp nhận chỗ đứng cho phê bình, tức là đã chấp nhận cho sự đa dạng của những cách đọc. Có cách đọc lý thú khiến người ta thêm yêu tác phẩm đã đọc. Cũng có những cách đọc tẻ nhạt khiến người ta nản lòng trước một tác phẩm vốn là đáng đọc. Có những cách đọc giúp cho người ta thấy mỗi tác phẩm có một vẻ riêng. Cũng có những cách đọc khiến người ta có cảm tưởng mọi tác phẩm, tác giả độc đáo, đều bị xem như là giống nhau về nhiều phương diện. Một tác phẩm hay bao giờ cũng chấp nhận nhiều cách đọc của nhiều người đọc trong nhiều thời điểm đọc nó. Cho đến hôm nay, người ta vẫn còn tìm thêm cách để đọc Truyện Kiều, và tác phẩm lớn này sẽ không bao giờ cạn tới đáy trước bất cứ cách đọc nào. Khó có ai có thể tự cho là mình đọc đúng nhất về một tác phẩm như vậy. Tuy nhiên, nếu sự đa dạng của các cách đọc, cách hiểu tác phẩm là không tránh khỏi, thì cũng không phải vì thế mà chúng ta đành chấp nhận một "chủ nghĩa tương đối" triệt để trong cách lý giải tác phẩm, hơn nữa, đành san bằng, coi mọi cách lý giải đều ngang nhau. Mỗi sự lý giải có giá trị bao giờ cũng là sự phát hiện ra một thuộc tính, một phương diện vốn có trong tác phẩm, đồng thời là cách đọc phù hợp và tiêu biểu hơn cả của thời đại mình. Trước thời chúng ta, những nhà nho tiên tiến và thiện chí nhất với tác phẩm của Nguyễn Du cũng chỉ nhận ra ở Đoạn trường tân thanh  tiếng nói rứt ruột của ông tấn bi kịch vĩnh cửu của tài hoa con người với định mệnh. Ở thời chúng ta, với quan điểm lịch sử của thế giới quan Mác - Lênin, các nhà lý giải mới nhìn thấy ở tác phẩm này một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một tiếng kêu thương trước vận mệnh con người, một bản cáo trạng lên án xã  hội bất công, và do đó đã nhìn tác phẩm ở một quy mô lớn hơn, cắt nghĩa thuyết phục hơn về sức sống kỳ diệu của Truyện Kiều trong đời sống tinh thần con người Việt Nam truyền thống. Hai trong số nhiều cách đọc kể trên không phải là cái gì từ bên ngoài gán cho tác phẩm. Đó vừa là sự phát hiện những điều vốn có trong tác phẩm, đồng thời lại là những điều mà mỗi thời, mỗi giới muốn thấy ở tác phẩm. Nhà phê bình, bằng cách đọc của mình, bao giờ cũng không giấu nổi sức đọc của mình, tiềm năng hiểu biết và khả năng cắt nghĩa của mình; trong hành vi đọc cái người khác viết, như thế, lại cũng bộc lộ bản thân mình. Người lý giải, như thế, cũng không tránh khỏi tự biểu hiện mình, dù ở mức gián tiếp và ẩn kín đến đâu.

 

Cũng do tiếp cận sáng tác văn học chủ yếu bằng cách lý giải của mình, bằng cách đọc của mình, các nhà phê bình ở các thời kỳ khác nhau, trên thực tế đã sử dụng hầu hết những thành tựu của khoa học nói chung, trước hết là các khoa học xã hội, khoa học ngữ văn quá khứ và cùng thời, đặc biệt là những thành tựu có ý nghĩa phương pháp luận. Hầu như mỗi khi xuất hiện một khuynh hướng tiếp cận mới, một trường phái nghiên cứu mới trong khoa học ngữ văn thì sớm muộn cũng xuất hiện những cách phê bình ứng dụng các phương pháp của nó. Về mặt này, đứng trên lập trường phương pháp luận của chủ nghĩa Mac - Lênin, cần phê phán nghiêm khắc các phương pháp luận sai lầm, các mưu toan phổ quát hóa những phương pháp cục bộ vào các phạm vi quá rộng, đồng thời, cần chăm chú tiếp thu có phê phán những yếu tố tích cực, có giá trị khoa học trong các phương pháp ấy. Và điều chủ yếu là cần nhấn mạnh vai trò của phương pháp khoa học và tư duy khoa học trong sự lý giải của phê bình. Sự tán dương những cách phê bình dựa vào ấn tượng, vào cảm xúc chủ quan, vào một số quan sát trực quan hời hợt, trên thực tế chỉ là sự thổi phồng tính chủ quan bốc đồng của nhà phê bình khăng khăng "không cần biết đến lý luận", một sự chủ quan chỉ làm hạn chế sức mạnh khám phá, lý giải của tư duy phê bình.

 

Phê bình văn học không phải là một ngành khoa học với những đặc điểm, những yêu cầu phát triển giống như các khoa học khác, nhưng không thể vì thế mà coi thường việc áp dụng lý luận khoa học vào các công trình phê bình. Thiếu sự trang bị, thiếu sự hiểu biết cần thiết về văn hóa chung, về trình độ tư duy khoa học chung mà thời đại đã đạt tới, chỉ "cọc cạch" với bộ đồ lề kinh nghiệm chủ nghĩa ít đổi mới của mình thì sức mạnh của phê bình sẽ bị giảm sút đáng kể. Phê bình cần có tính chính luận, tức là cần có sự nhạy bén về tư tưởng chính trị, có tính chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời phê bình cũng cần có tính khoa học nghiêm nhặt, không phải chỉ khoa học trong cách dùng ngôn ngữ văn phong mà chủ yếu là khoa học trong cách nhìn nhận và đánh giá, trong quan điểm tiếp cận, trong phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm.

 

Thông thường, trình độ của phê bình trong một nền văn học nhất định là tương đương trình độ khoa văn học (nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu lịch sử văn học) của đất nước đường thời. Phê bình và khoa văn học luôn luôn đi song song, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau, làm tiền đề phát triển cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

 

Nếu như tình trạng các nhà soạn sách giáo khoa văn học đồng thời là những nhà nghiên cứu văn học tiêu biểu và cũng lại là những nhà phê bình chuyên nghiệp duy nhất là tình trạng có thể hiểu được ở một nền văn học chưa có sự phát triển mạnh mẽ của bộ phận phê bình, thì với yêu cầu phát triển hơn nữa của hoạt động văn học và hoạt động xã hội này, sự tách bạch ba kiểu nhà chuyên môn nói trên nhà giáo soạn sách dạy văn học, nhà nghiên cứu văn học, nhà phê bình văn học trở nên một đòi hỏi cần thiết, mặc dù về cá biệt vẫn có những người tự thấy đủ sức đóng cả ba vai trò đó, mặc dù chỉ do tính chất các công trình và bài viết của họ, mới có thể xác định tương đối rõ tác giả hiện diện ở đấy chủ yếu với tư cách nào nhà văn học sử, nhà lý luận hay nhà phê bình.

 

Trong một đời sống văn hóa phát triển, do nhu cầu của công chúng, do mật độ tăng cường của các phương tiện giao tiếp công cộng (báo chí, phát thanh, truyền hình), phạm vi, tính chất và phương thức hoạt động của nhà phê bình sẽ bộc lộ những khác biệt rõ rệt so với các nhà nghiên cứu, biên khảo. Con đường hình thành nhà phê bình, khi đó rõ ràng sẽ khác biệt so với con đường hình thành nhà nghiên cứu. Sự đào tạo, nâng cao trình độ trong các trường lớp, tuy rất cần thiết cho nhà phê bình, nhưng sẽ là chưa đủ để thừa nhận là nhà phê bình thực thụ nếu chưa có sự tham gia trực tiếp của anh ta vào hoạt động văn học, vào dòng chuyển không ngừng của một quá trình văn học, nếu anh ta không được sự thừa nhận của dư luận, của công chúng trong thực tiễn đời sống văn hóa, văn học. Nhà nghiên cứu có thể đào xới những mảng văn học từ quá khứ xa xưa và không phải bao giờ cũng cần quan tâm đến khía cạnh thời sự của đề tài mình nghiên cứu, trong khi đó, nếu không gắn bó với đời sống văn học đường thời, không thường xuyên lên tiếng nhận xét các tác phẩm vừa ra mắt, không trực tiếp tham gia vào diễn tiến của quá trình văn học đương đại thì sẽ rất khó được coi đích xác là nhà phê bình. Mỗi giai đoạn văn học có những nhà phê bình của nó, và nhiều khi một người không còn hoạt động với tư cách nhà phê bình lại vẫn được chúng ta gọi bằng danh hiệu ấy chẳng qua là vì thói quen, trong khi thật ra họ đã thành những nhà nghiên cứu và gần như thôi hẳn vai trò nhà phê bình của họ.

 

Còn có một phạm vi nữa, liên quan đến việc "định vị" cho phê bình: nó có phải là văn học? Đã có những khẳng định, đồng thời lại có những phủ định.

Có một điểm đã nêu trên: nhà phê bình thể hiện những ý kiến của mình bằng chính cái vật liệu ngôn ngữ (tức là lời nói và văn tự ghi lời nói của con người) mà sáng tác văn học sử dụng. Phê bình nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc…) cũng dùng vật liệu ngôn ngữ như của phê bình văn học, và do đó, không thể thuộc vào những nghệ thuật mà nó lấy làm đối tượng tiếp cận. Nếu theo nghĩa rộng của văn học (mọi trứ tác bằng ngôn ngữ) thì cả phê bình văn học lẫn phê bình nghệ thuật hiển nhiên đều là văn học. Nhưng văn học đối tượng của phê bình văn học nói ở đây là theo nghĩa hẹp, tức là văn chương, là nghệ thuật ngôn từ. Liệu phê bình này có thuộc về nghệ thuật ấy? Khó mà hoàn toàn nói "có" trước câu hỏi này.

 

Cách đây ít năm, tại một hội nghị, một nhà thơ có đề nghị chỉ kết nạp làm hội viên nhà văn những nhà phê bình nào "có văn" có lẽ tức là có cái "văn chương" của mình, có cách cảm thụ và diễn đạt gần với sáng tác văn học. Ngoại trừ những điều cần bàn thêm, phải thấy ở ý kiến ấy có một dấu hiệu muốn thừa nhận một bộ phận (chứ không phải toàn bộ) phê bình nào đấy là văn học.

 

Thật ra thì bản thân văn học đã có nhiều loại có văn vần và văn xuôi (phê bình xưa kia đã từng là văn vần, là thơ, nay thì thường là văn xuôi); có văn học kể chuyện, có văn học đối thoại, có văn học trữ tình, suy tư. Yếu tố suy nghĩ, trí tuệ đang tăng lên trong văn học hiện đại, đến nỗi đã có những tác phẩm văn học tự sự hoặc trữ tình được viết gần như những tiểu luận. Phê bình rất gần với loại sáng tác ấy, và một nền văn học rộng rãi, đa dạng sẽ không hẹp hòi gì để không chấp nhận trong nó một bộ phận thể loại gọi là văn học phê bình.

 

Ngày nay, ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở Liên Xô và nước ngoài, người ta bắt đầu giảng và soạn lịch sử phê bình, lý thuyết phê bình, làm tuyển phê bình từng thời kỳ giống như các tuyển thơ, tuyển văn… Trên thực tế đã có không ít nhà phê bình được gọi là nhà văn. Đặng Thai Mai và Hoài Thanh ở nước ta là những trường hợp tiêu biểu. Đó là một kiểu nhà văn đặc biệt: những nhà văn chủ yếu suy nghĩ về văn học, những nhà văn viết về một "đề tài" là văn chương, viết về những người hoạt động sáng tạo văn học và các tác phẩm của họ. Những nhà văn ấy cũng viết về đời sống: đời sống văn học, đời sống nghệ thuật. Nhưng xem ra không chỉ có những người như vậy mới được gọi là nhà văn: ở khá nhiều cuốn từ điển chỉ dẫn về văn học và nhà văn, chúng ta gặp thấy những tên tuổi của những người làm nghề nghiệp khác nữa những dịch giả văn học có công lao, những nhà biên tập văn học kỳ cựu và có uy tín, những người chủ trương các nhà xuất bản sách văn học và các tờ báo văn học chủ chốt từng thời, những nhà lý luận và những nhà nghiên cứu, những nhà hoạt động và chỉ đạo hoạt động văn học… Trong số này, tất nhiên có cả các nhà phê bình văn học. Điều này không phải là tùy tiện, bởi vì nói văn học ngày nay tức là nói hoạt động văn học, nói đời sống văn học.

 

 Trong xã hội hiện đại, văn học tồn tại như một thiết chế văn hóa, một cơ chế hoạt động phức tạp gồm nhiều thành phần, từ sản xuất các tác phẩm gốc, qua chế biến, nhân bản (công nghiệp sách), tuyên truyền quảng cáo, phổ biến, đến tiêu thụ, tiêu dùng các giá trị văn học. Trong cơ cấu ấy, phê bình đóng vai trò một khâu trung gian, nhưng không phải một khâu trung gian máy móc như một vài khâu "sự vụ" khác trong dây chuyền. Nó năng động, tác động tới cả hai phía: nó là khâu "liên hệ ngược", đem những dữ kiện về hiệu quả thực tế của sáng tác trở lại thông báo và dự báo cho khu vực sản xuất, sáng tác để có sự "điều chỉnh" cần thiết; đồng thời nó là khâu "môi giới xuôi", hướng dẫn sự thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm ở công chúng.

 

Không phải tất cả các hoạt động văn học, toàn bộ đời sống văn học đều là văn học. Phê bình vừa chịu cái "luật lệ" chung đó, lại vừa muốn thoát ra. Không ít tác phẩm phê bình, tác giả phê bình đã được coi là văn học, là nhà văn. Bí quyết của việc trở thành "ngoại lệ" ấy là ở đâu? Có lẽ ở những phẩm chất nào đấy của tác phẩm phê bình, của nhân cách phê bình. Người sáng tác văn học, khi thành tác giả, tức là, bằng những phẩm chất và đặc tính trong sáng tác của mình, anh ta đã trở thành một hiện tượng văn hóa, được công chúng nhìn nhận như một nhân cách văn hóa. Nhà phê bình được coi là nhà văn, là tác giả văn học, có lẽ cũng trong trường hợp như vậy.

 

Song nhìn chung, phê bình văn học không phải bao giờ cũng là văn học. Nói sự thực này chẳng phải để làm yên lòng một số khá đông những nhà phê bình có thiện chí, cần cù và trung thực nhưng vẫn chưa được hưởng những may mắn tương xứng. Điều chủ yếu là để phòng ngừa những xu hướng "làm văn" trong phê bình, xu hướng chạy theo những diêm dúa hình thức của cách nói, những diệu vợi kênh kiệu của sự trình bày những thứ đam mê có thể làm tổn hại đến sức mạnh chủ yếu của phê bình: đó là nội dung ý kiến, nội dung sự lý giải, nội dung sự đánh giá. Không nên rán sức văn chương hóa phê bình, không nên đòi hỏi phê bình cứ phải thành văn chương, đồng thời không nên loại khỏi các tờ báo và tạp chí văn học những bài phê bình nghiêm túc nhưng không phải là văn chương, mặc dầu óc thẩm mỹ trong diễn đạt ngôn từ là điều hết sức cần thiết đối với mọi người cầm bút.

 

Về nguyên tắc, phê bình không phải là bản thân văn học, nhưng nó lại hết sức gắn bó với văn học. Văn học là "lẽ sống" của nó, là lý do tồn tại của nó. Tuy nhiên không nên từ đây đi đến kết luận về quan hệ phụ thuộc quá ư trực tiếp của phê bình với sáng tác văn học, thậm chí đi đến những suy diễn cơ giới và phiến diện rằng lúc nào chưa có tác phẩm hay thì lúc ấy chưa thể có phê bình hay.

 

Phê bình văn học và sáng tác văn học quan hệ với nhau như những bộ phận trong đời sống văn học, đời sống văn hóa của một xã hội. Phê bình vừa là một nhân tố của quá trình văn học, vừa tác động vào sự diễn tiến của quá trình đó. Về mặt này, phê bình không chỉ khái quát các vấn đề hoặc nhận định tình hình về một loạt sáng tác vừa ra mắt mà nó còn dùng kinh nghiệm quá khứ, dùng các hiểu biết chung về văn hóa, văn học, xã hội để "mách nước", gợi ý, đề nghị, yêu cầu đối với sáng tác, tạo ra một khí hậu dư luận cần thiết cho sự nảy nở những tác phẩm phù hợp. Cho nên không ít khi phê bình lại "đi trước", báo hiệu cho một mùa màng sáng tác, và khi đó, phê bình không chỉ là sự tự ý thức của văn học mà còn là ngọn cờ, là tuyên ngôn của văn học. Ở văn học Nga thế kỷ XIX, hoạt động phê bình của Bê-lin-xki, Tsec-nư-sép-xki, Đô-brô-liu-bốp đã có tác động rõ rệt đến sự hình thành nhiều tài năng lớn: Gô-gôn và L.Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ep-xki và Tsê-khốp v.v… Ở nước ta, vào những năm 1930, hoạt động phê bình của các nhà "thơ mới" và những người cổ vũ "thơ mới" đã có tác dụng dọn đường đáng kể cho các kết quả và thành tựu của phong trào văn học đó. Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc (1949) là một cái mốc quan trọng: nếu ta đối chiếu tình hình sáng tác cụ thể thì sẽ thấy là nó đã phác ra diện mạo thực tế về sau của văn học kháng chiến (1946-1954) và văn học sau này. Cũng có thể nói như trên về vao trò của các hoạt động phê bình, đấu tranh tư tưởng văn nghệ cuối những năm 50 đối với mùa màng văn học suốt những năm 60…

 

Không nên coi phê bình như một cái đuôi lẽo đẽo bám theo sáng tác và luôn luôn không theo kịp. Tất nhiên, để cho không còn cách nói đó (cách nói vừa như nhận xét một thực trạng phê bình, vừa như muốn khái quát lại thành một thứ "quy luật" trong đời sống văn học), bản thân hoạt động phê bình cũng cần được triển khai thích hợp để nó có thể phát huy nhiều nhất tác dụng của nó đối với sáng tác.

 

Phê bình không chỉ nhằm tới nhà văn mà còn nhằm tới người đọc. Về mặt này nó làm công việc xây dựng đội ngũ độc giả cho một  khuynh hướng hoặc một nền văn học. Nhà phê bình tốt chính là người bạn tốt, đáng tin cậy của cả nhà văn lẫn công chúng độc giả. Và cái vai trò môi giới 'hai chiều" đó, như chúng ta biết, không bao giờ biến nhà phê bình thành một kẻ trung gian vô bản sắc, nếu ở vị trí ấy là nhà phê bình có bản lĩnh.

 

Các sáng tác văn học vừa là chỗ từ đó phê bình "đi ra" vừa là chỗ phê bình "trở lại". Và quan hệ "hai mặt" ấy, phê bình cũng giữ khi nó làm việc với công chúng. Nó gánh vác đủ thứ tạp vụ cần thiết vì sự tồn tại của văn học, từ tuyên truyền, quảng cáo, phổ cập đến trình bày, lý giải, đề xuất cho công chúng cách đọc của mình, theo những ý đồ sáng tạo của nhà văn mà phê bình nắm được. Lắng nghe phê bình cả trong giọng thông tin sự vụ lẫn trong giọng diễn giả của nó công chúng sẽ biết, sẽ cảm thấy những vấn đề mà các tác phẩm muốn nói với họ. Đó là việc chuẩn bị sơ bộ cho việc đọc của chính họ, hoặc có khi là việc tham khảo đối chiếu cho họ nếu đã đọc xong. Nghe phê bình, công chúng biết những tác phẩm đang được chú ý, những tên tuổi đang nổi bật, những giá trị đang được định đoạt… Ấy là một mặt. Mặt khác nữa, phê bình còn có vai trò là sự diễn đạt ý kiến, phản xạ của chính công chúng văn học. Trước tiên, vì lẽ nhà phê bình cũng là độc giả, một người đọc với cách đọc của mình. Thứ nữa, dù sao ở nhà phê bình cũng có được một sự chuẩn bị về nhận thức và hiểu biết văn học tương đối chu đáo hơn so với một độc giả bất kỳ nào đó. Nhà phê bình lại có thói quen và được phép "nói lên" trước dư luận những ý kiến của mình. Do thế, nhà phê bình trở thành người đọc "tiêu biểu", người đại diện cho độc giả. Điều này khiến nhà phê bình phải biết lắng nghe, biết tiếp thu, biết tập hợp dư luận các giới công chúng. Những lời khuyên về tác phong làm việc này đối với nhà phê bình là rất cần thiết. Về mặt này, hoạt động của các nhà xã hội học văn học chắc chắn sẽ đem lại những đóng góp hữu ích. Còn nhà phê bình, dầu sao rốt cuộc anh ta cũng nói theo cách hiểu của mình, cách lý giải của mình. Về phía công chúng, khi trình độ thưởng thức nghệ thuật càng tăng thì tính độc lập trong cách tiếp nhận văn học của họ cũng tăng, và sự khác nhau trong thị hiếu, trong sở thích và đánh giá văn học giữa họ với nhau cũng đậm thêm. Ý kiến của nhà phê bình không thay thế cho cách hiểu của độc giả mà chỉ là một sự gợi ý, một sự đề dẫn, một nửa đầu làm sẵn cho cuộc đối thoại về tác phẩm sẽ tiếp diễn khi độc giả biết tới ý kiến phê bình. Nó là tác nhân kích thích định hướng cho sự tiếp xúc của công chúng với tác phẩm hơn là một đáp án xong xuôi. Nhà phê bình có thái độ khách quan, do vậy, là người biết coi trọng công chúng với cách hiểu và cách đọc của họ, chứ không phải người tự cho là mình đã nói tất cả những "sự thật khách quan" về tác phẩm; là người dám tự tin nói cách hiểu, cách đọc của mình trong khi biết rõ mức độ chủ quan ít nhiều của cách hiểu, cách đọc ấy, chứ không phải là người ra sức áp đặt cách hiểu của mình cho cả công chúng lẫn đồng nghiệp; là người lường được khả năng có những đối thoại vô tận trên các tác phẩm hay chứ không phải người nôn nóng tự cho mình đã nói “tiếng nói sau cùng” về chúng. Nhà phê bình nào không biết tới cái "thiết chế dân chủ bẩm sinh" của việc tiếp nhận nghệ thuật, nếu không thất bại thì cũng sẽ mất nhiều uy tín và tác dụng trong việc thực hiện cái chức năng vừa hướng dẫn vừa đại diện cho công chúng. Trình độ công chúng chênh lệch nhau, sở thích của họ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đó là những thực tế không tránh khỏi, dù mỗi lúc mỗi khác. Nhưng không có cách nào góp phần cùng nhà văn tác động đến họ khác hơn là tìm cách đối thoại với họ. Nếu không, một nửa đề cương đối thoại vạch sẵn sẽ có nguy cơ biến thành cả một bài độc thoại không được hưởng ứng. Với một bộ phận công chúng nhất định, lệch lạc về nhận thức, dung tục về thẩm mỹ, phê bình nhất thiết phải "đối đấu", nhưng với số đông công chúng "của mình", dù có non kém về cả nhận thức lẫn thẩm mỹ, phê bình cũng cần "đối thoại" với một tinh thần thân thiện, cởi mở.

 

***

 

Trên đây, khi thử dò xem trong các ranh giới để xác định nơi cư trú của phê bình văn học, chúng ta đã thấy rõ mấy thuộc tính của nó.

 

Phê bình rất đậm tính chính luận tuy nó chỉ là một bộ phận nhỏ của chính luận. Phê bình có thuộc tính của khoa học (mỹ học, khoa văn học, khoa học ngữ văn) nhưng không tự xác lập thành một ngành khoa học thực thụ. Phê bình văn học cũng rất gần gũi văn học và trong tay một số đại diện nó đã ít nhiều nhập vào văn học, song về nguyên tắc, nó vẫn không thể nhập hẳn hoàn toàn vào văn học. Nó đứng "nước đôi" không chỉ giữa khoa học và văn học mà ngay khi đứng cạnh một trong hai thứ đó. Chỗ đứng ấy, phê bình đã đứng tự khi có nó, tuy rằng chỗ đứng ấy chỉ gần sau này ta mới thấy rõ.

 

Ngày nay, việc phân loại các hoạt động của con người đã cho thấy cả trong các hoạt động vật chất-kinh tế lẫn các hoạt động ý thức-tinh thần có hàng loạt những vị trí "giáp ranh" như vậy, chúng đứng đúng ở chỗ "đứt nối" giữa các ngành khác nhau mà không thể mất đi vị trí của mình, do những chức năng cần thiết không gì thay thế được của mình. Có phê bình văn học không phải vì đã trót có các nhà phê bình mà vì một nhu cầu khách quan nào đó đã xui nên. Khi chưa có hoặc còn quá ít nhà phê bình chuyên nghiệp, nhiều nhà văn và những người làm nghề ấn loát, xuất bản, báo chí đã từng lúc đóng chức năng ấy. Có những thời kỳ một số nhà văn chủ yếu hiện diện trong văn học với tư cách nhà phê bình. Nguyễn Đình Thi thời văn học kháng chiến (1946-1954), Xuân Diệu, Chế Lan Viên thời gian những năm 1960-70 gần đây, là những ví dụ rõ rệt. Đông đảo các nhà văn khác từng lúc, từng việc đã hoạt động trong vị trí nhà phê bình. Sự phát triển đông đảo của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp không làm "chấm dứt" hoạt động phê bình của nhà văn mà chỉ tạo điều kiện để nhà văn, ngay trên hoạt động ấy cũng làm lộ rõ bản sắc nghệ sĩ ở ngòi bút họ. Bản sắc ấy rất quý cho cả sáng tác lẫn phê bình, tuy vậy, không thay thế được cho công việc phê bình trong một nền văn học đã phát triển với nhiều hoạt động, nhiều quan hệ đời sống phong phú của nó. Vả chăng, cái tình trạng một nền sáng tác chỉ được giải thích bởi các nhà văn viết ra nó dù sao cũng sẽ có cơ trở thành tự biện hộ nhiều hơn là khi nó được lý giải bởi những người khác những nhà phê bình chuyên nghiệp. Một nền văn học tự tin sẽ chấp nhận được mọi cách bình giá, mọi cách lý giải, sẽ không cố sức áp đặt cách mình định giá các tác phẩm mình cho bất cứ ai đọc các tác phẩm ấy.

 

Với việc nhìn rõ tính chất "ráp ranh" của phê bình văn học, ta lại có thể nói "phê bình là phê bình" xét về một mặt nào đó, khi những cách định nghĩa dựa theo từng mặt của nó tỏ ra không thể bao quát đầy đủ cho bản thân nó. Phê bình văn học là phê bình văn học đó có nghĩa là phê bình có chỗ đứng riêng không gì thay thế được của nó. Nó gắn bó với văn học và sẽ còn tồn tại khi con người còn có hoạt động văn học; nó tương ứng chặt chẽ với khoa học và còn biến thiên cùng với những biến thiên trong các xu thế phát triển của cả mỹ học, khoa văn học và khoa học ngữ văn; nó là một hoạt động chính luận, lấy nhiệt hứng căn bản là tinh thần "đối thoại với đương đại" và là một mặt của dư luận xã hội, làm nên diện mạo văn hóa tư tưởng một thời đại, hơn nữa, góp phần tích cực của mình vào đấu tranh xã hội, vào việc hoàn thiện nhân cách đạo đức và văn hóa của con người.

 

Trong tay những nhà phê bình muốn cải tạo và xây dựng xã hội, làm phong phú và ngày càng hoàn thiện thế giới tinh thần con người, đấu tranh cho sự hình thành những quan hệ tốt đẹp hơn giữa người với người, phê bình chủ yếu là một phương tiện tác động chủ động hơn là một hoạt động phản ánh sự vụ và bị động. Tính tích cực thẩm mỹ của văn học xã hội chủ nghĩa, biểu hiện ở hoạt động của các nhà phê bình văn học, chủ yếu cũng chính là ở đó.

11-1983


 

(1) Đây là nói trên đại thể. Đi vào cụ thể hơn, có thể nói rằng chỉ ở văn học thành văn, khi xuất hiện vai trò tác giả đối với các sáng tác (vai trò quyền tác giả, vai trò cá nhân nhà văn trong văn học), phê bình mới có điều kiện nảy sinh. Ở sáng tác dân gian không thể có phê bình, chỉ có sự bổ sung, thêm thắt, sửa đổi vào chính tác phẩm, chỉ có những dị bản khác nhau của tác phẩm chứ không thể có một "văn bản" tác phẩm tồn tại cùng với những "ý kiến" về nó. Với văn học thành văn, khi vai trò cá nhân tác giả xuất hiện thì cũng xuất hiện "quyền tác giả": tác phẩm của anh ta được xem là một "văn bản" đã hoàn tất, do đó tạo điều kiện cho sự tồn tại độc lập (với văn bản ấy) của những ý kiến bình giá bên cạnh bản thân tác phẩm. Phê bình, do vậy gắn với ý thức "lạ hóa" tác phẩm, ý thức này chưa có ở sinh hoạt văn nghệ dân gian, ở đấy người ta chỉ tự đồng nhất mình vào tác giả tập thể nên đã bổ sung, thêm thắt, nhập thẳng vào tác phẩm mỗi lần diễn xướng nó, hoàn toàn không tự xác định khoảng cách với "văn bản" tác phẩm (thật ra, chỉ có các dị bản truyền miệng chứ không có văn bản viết).

(1)  Mặc dù trong nội bộ khoa học văn học đã và đang xuất hiện những ngành mới, phân nhánh nhỏ hơn, chuyên môn hẹp hơn (ví dụ: thi học và phong cách học; nghiên cứu cổ đại và nghiên cứu Trung cổ; Đông phương học và Slavian học; Puskin học và Sêchxpia học…) nhưng sự phân giới giữa lý luận và văn học sử (như hai bộ phận chính của khoa văn học) vẫn rõ rệt. Tuy vậy, do xu hướng thống nhất mặt lôgic và mặt lịch sử trong tư duy khoa học hiện đại, bộ mặt của hai ngành chính này cũng có thay đổi: bình diện lịch sử trở nên sâu hơn trong các công trình lý luận, cũng như bình diện lôgic khái quát trở nên sâu hơn trong nghiên cứu văn học sử. Một cuốn lý luận thành công phải là lý luận được soi rọi qua quá trình lịch sử văn học; ngược lại, một cuốn văn học sử viết tốt, phải trên cơ sở dữ kiện lịch sử mà đề xuất một hệ thống lý luận văn học nhất định. Ngoài ra, người ta cũng đang có xu hướng coi phương pháp luận như một ngành độc lập trong khoa văn học.

 

(2) Chỉ xin nêu một ví dụ, trong một công trình tập thể gần đây của ban nghiên cứu lý thuyết phức hợp thuộc Viện văn học thế giới mang tên M.Gorki (của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô),  hai tác giả Yu. Borev và M.P. Stafetzkaia dã nêu ra đến 10 thông số so sánh cho thấy sự khác nhau giữa phê bình và khoa văn học (gồm lý luận và văn học sử). Ví dụ: về hình thức tư duy: khoa văn học (ta thường gọi là nghiên cứu văn học) thuộc phạm vi tư duy khoa học; phê bình thì kết hợp tư duy khoa học với tư duy nghệ thuật; về đối tượng nghiên cứu: khoa văn học khảo sát các hiện tượng đã ổn định, có giá trị cao, nó khảo sát cả quá trình nghệ thuật dân tộc hoặc nhân loại; phê bình thì khảo sát toàn bộ cái dòng mạch các hiện tượng có hoặc ít có giá trị cao, nó chỉ phân tích quá trình nghệ thuật đương đại và nêu ra những giá trị tích cực; về những điểm nhấn trong khi khảo sát đối tượng: khoa văn học khảo sát sự phát triển lịch sử của nghệ thuật, nó dựa vào quá trình nghệ thuật; phê bình khảo sát những khâu của quá trình văn học hiện đại, nó dựa vào tác phẩm nghệ thuật; về tương quan giữa phân tích và đánh giá: khoa văn học phân tích cái đã được đánh giá, nó thiên về tiếp cận lý giải; phê bình thì đánh giá cái được đem ra phân tích, nó thiên về tiếp cận giá trị; về tính chất của mối liên hệ với đương thời: khoa văn học liên hệ một cách gián tiếp, nó hướng tới tính hàn lâm; phê bình liên hệ trực tiếp với thời sự, nó hướng tới tính chính luận, v.v… (Xem: Mấy vấn đề cấp bách của phương pháp luận phê bình văn học /tiếng Nga/, Nxb "Nauka", Moskva, 1980, tr. 74-75).

(3) Các khái niệm interpretation, Hermeneutik (lý giải, phiên giải, giải thích…) có lịch sử khá lâu dài trong ngữ văn học và hiện đang thu hút sự cắt nghĩa hiện đại của giới nghiên cứu Xô-viết và nước ngoài (Xem mục: interpretacija do M. Epstein viết trong Bách khoa văn học giản lược (Liên Xô), T.9, M., 1978).

 

(4) Xem C.Mác và F.Ăng-ghen: Về văn học và nghệ thuật,  Nxb. Sự thật, H., 1958, tr. 112-114.