SÁNG TÁC VĂN HỌC VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN NGHE-NHÌN

 

Đã từ lâu, nói đến sáng tác văn học, người ta dường như không thể quên một bạn đường, một trợ thủ đắc lực của nó: ấn loát. Để “xã hội hóa” sản phẩm sáng tạo trí tuệ tâm hồn của nhà văn, để phổ biến nó tới công chúng, để biến nó thành sản phẩm hàng loạt (một loại hàng hóa đặc biệt) đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng về tinh thần của cả xã hội, phải có ấn loát, từ những lối in khắc ván thủ công xưa đến các loại máy in hiện đại thời nay. Chính là với ấn loát, đã hình thành một dạng hoạt động bình thường của văn học, đã hình thành những hình thức giao tiếp văn học phổ biến: báo chí, xuất bản. Làm việc với các báo hàng ngày, tuần báo, tạp chí, nhà xuất bản đã trở thành một nếp hoạt động ổn định của các nhà văn. Tiếp thụ văn học bằng cách theo dõi tìm đọc các ấn phẩm hoặc định kỳ (báo, tạp chí, niên giám…) hoặc không định kỳ (các hình thức sách) đã trở thành một thói quen, một thông ước của các giới công chúng trong xã hội. Để đảm bảo một đời sống văn học bình thường, phải đảm bảo một nhịp điệu bình thường của hoạt động ấn loát, phải đảm bảo cơ sở vật chất bình thường của nó, trước hết là giấy in, mực in, máy in… Nói giấy in là "lương thực" của hoạt động văn học kể cũng không quá đáng.

 

Tuy nhiên, ấn loát không phải là bạn đường duy nhất, càng không phải bạn đường độc nhất của văn học. Trước khi có ấn loát đã có sáng tác ngôn từ mà dạng tồn tại phổ biến nhất là truyền miệng. Sáng tác dân gian, dựa vào cách truyền miệng, đã tồn tại từ rất xa xưa và tồn tại lâu dài, ngay khi ấn loát đã rất phát triển.

 

Ngày nay, do kết quả của tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện giao tiếp đại chúng được mở rộng. Phương tiện ấn loát cho đến hiện nay vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, chẳng những đối với văn học mà còn đối với khoa học, kỹ thuật và hầu hết các hoạt động khác của xã hội. Bên cạnh đó đã xuất hiện và phát triển nhiều phương tiện giao tiếp đại chúng khác có liên quan đến diện mạo sinh hoạt văn học nghệ thuật của toàn xã hội: đó là điện ảnh, truyền thanh, truyền hình.

 

Chúng ta không đặt vấn đề như cách đặt vấn đề của khoa tương lai học tư sản: dường như đến một lúc nào đó, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình sẽ bành trướng, lấn át, đẩy lùi và thay thế hoàn toàn văn học, đưa văn học hoặc một số thể loại văn học đến chỗ cáo chung… Không! Chúng ta không tin vào một tương lai ảm đạm như vậy của văn học. Với chúng ta, vấn đề đặt ra là, trong khi tồn tại song song cùng với điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, văn học phải tự ý thức rõ hơn chỗ mạnh riêng mình có, chỗ mạnh mà các phương tiện nghe-nhìn ấy không thể so đọ được; hơn nữa, đối với chúng ta, vấn đề đặt ra còn là ở chỗ sáng tác văn học và các nhà văn cần biết chiếm lĩnh và khai thác các phương tiện nghe-nhìn ấy, coi như được thêm những đường kênh hữu hiệu để đến với công chúng, truyền những năng lượng tình cảm và trí tuệ của mình đến công chúng.

 

Một thực tế ai cũng thấy hiện tại là hằng ngày, các sóng phát thanh trung ương và địa phương thường xuyên sử dụng các sáng tác văn học: những chương trình "tiếng thơ" đã thành truyền thống từ hơn 30 năm nay, những giờ "đọc truyện đêm khuya" hoặc những "câu chuyện truyền thanh" đã thành hình thức phổ biến từ mươi năm nay. Lý luận, phê bình tác phẩm, điểm sách, tin tức văn nghệ cũng đã có thể đến với công chúng bằng kênh truyền thanh. Thể loại phim truyện vốn luôn luôn mang theo cái "cốt" văn học, gần đây, thêm một bước, lại muốn dựng lại, chuyển thể những tác phẩm văn học xuất sắc, như là muốn "đọc" cho công chúng ngày nay bằng một phương tiện ngôn ngữ khác, từ Bão biển của hiện đại đến Tắt đèn của cổ điển, như muốn đưa văn học đến với công chúng trên kênh thị giác-thính giác thay vì kênh tri giác-thính giác, để họ được tiếp nhận tác phẩm bằng nghe-nhìn thay vì đọc-nghĩ, biến công chúng văn học từ độc giả thành khán giả. Màn ảnh nhỏ của truyền hình hằng ngày đang tải đến công chúng ngày càng nhiều những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết dưới dạng những "câu chuyện truyền hình" một thể loại vừa gần với sân khấu vừa gần với điện ảnh, nhưng không cần mời công chúng đến rạp, bãi mà đưa thẳng đến tận phòng riêng của họ.

 

Rõ ràng là sáng tác văn học đang đi một cách ngày càng phổ biến, theo một nhịp điệu ngày càng tăng sang các phương tiện nghe-nhìn, có khi sau lúc đã qua ấn loát, có khi đồng thời hoặc trước lúc ấn loát. Trong khi đó công tác tổ chức và quản lý nghệ thuật dường như còn chưa có sự triển khai tương xứng và đáp ứng kịp những vấn đề đặt ra. Vẫn như nếp hoạt động đã quen, sáng tác của nhà văn, đời sống văn học vẫn thường được chúng ta theo dõi và ghi nhận hầu như thuần túy trên kênh ấn loát; sự hiện diện của văn học trên các kênh nghe-nhìn hầu như còn bị coi nhẹ. Sự coi nhẹ này tất nhiên sẽ có những hậu quả không như ý. Tiếp xúc với một số nhà văn và một số thính giả, chúng ta có thể gặp những lời phàn nàn về chất lượng của việc thể hiện tác phẩm văn học trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ hoặc sóng phát thanh. Đây chưa nói đến yêu cầu cao nhất về chất lượng, mà chỉ nói tới mức chất lượng đáng lẽ có thể làm tốt hơn, nếu có sự cộng tác chặt chẽ, có sự quan tâm đầy đủ của các tổ chức và cơ quan văn học, nếu có những quy chế chặt chẽ và thích đáng hơn về việc sử dụng tác phẩm văn học của điện ảnh, truyền hình, truyền thanh.

 

Nếu như ở tổ chức của đoàn thể các nhà văn đã có những tiểu ban chuyên trách theo dõi sáng tác văn học cho thiếu nhi, sáng tác văn học về công nhân… thì cho đến nay lại vẫn chưa có một bộ phận như vậy để chuyên theo dõi việc sử dụng văn học của điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, để cộng tác trách nhiệm với các xưởng phim, các đài truyền thanh và truyền hình về việc sử dụng và dàn dựng tác phẩm văn học lên màn ảnh và sóng phát thanh. Các báo và tạp chí chuyên về văn học chưa thường xuyên bình điểm và nêu các vấn đề cụ thể trên lĩnh vực hoạt động này.

Thiếu những quy định chặt chẽ về thể thức sử dụng tác phẩm văn học cho truyền thanh truyền hình, điện ảnh, không ít trường hợp những người dàn dựng cứ việc tùy tiện sử dụng và chế biến các cốt truyện văn học nhặt ra từ sách báo, không cần biết ý kiến tác giả nguyên bản, và thường khi người chuyển thể tức là "thửa" lại một cái cốt có sẵn lại được hưởng khoản thù lao nhiều hơn hẳn tác giả bản gốc, ấy là chưa kể nhiều khi tác giả hoặc dịch giả của bản gốc hầu như không được nhắc tên ở tiết mục dàn dựng, không được hưởng chút thù lao nào. Tình trạng thiếu quy chế chặt chẽ và hợp lý này có thể cũng là một nguyên nhân của tình trạng chất lượng thấp trong các "câu chuyện truyền thanh" và "câu chuyện truyền hình" hiện tại.

 

Hiến pháp của nhà nước ta đã tuyên bố bảo đảm quyền lợi của tác giả và của người sáng chế, phát minh. Trong thực tế, vấn đề không chỉ là cần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động nghệ thuật người tạo ra bản gốc được dùng để chế biến sang các loại hình khác khi một trong số những cái "cốt" mà mình tạo ra được sử dụng nhiều hơn những cái khác. Vấn đề còn là ở chỗ, giải quyết thỏa đáng vấn đề bản quyền tác giả trong việc chuyển thể tác phẩm sẽ là một nhân tố đảm bảo cho chất lượng tư tưởng-nghệ thuật của các tiết mục truyền thanh, truyền hình trong tình hình hiện nay.

 

Tất nhiên, chất lượng của tiết mục phụ thuộc vào nhiều nhân tố phức tạp, và ở trường hợp chuyển thể tác phẩm văn học, thì trình độ am hiểu văn học, trình độ xử lý nghệ thuật các văn bản văn học là nhân tố rất quan trọng. Đem tác phẩm "đọc" cho công chúng bằng các phương tiện của truyền thanh, truyền hình và điện ảnh đó không chỉ là một hành vi "đọc" thuần túy cá nhân, tùy theo trình độ và thị hiếu, kể cả những định kiến của bản thân người chuyển thể. Đó phải là một hành vi vượt lên cao hơn sự thưởng thức riêng, đó phải là một cách "đọc" thông minh, am hiểu tác giả và tác phẩm, một cách "đọc" có chủ kiến mạnh. Người chuyển thể không thể chỉ là người "trung chuyển" thờ ơ, ít hiểu biết, ít chủ kiến. Và xét đến cùng, chúng ta lại đứng trước vấn đề tài năng của người chuyển thể tác phẩm văn học. Đúng như vậy: khi mà các phương tiện nghe-nhìn đang mở ra những khả năng mới để đưa các giá trị văn học đến với công chúng thì thực tế đời sống văn nghệ lại đòi hỏi những tài năng thật sự trong lĩnh vực này.

1982