THƠ VÀ CÔNG CHÚNG

 

Thiết nghĩ, so với văn, thơ là một cái gì rộng hơn. Văn − văn xuôi nghệ thuật và "văn chương" nói chung − gắn chặt với ấn loát: nó phải được thực hiện, được "xã hội hóa" thông qua trang giấy in hàng loạt − trên tờ báo hoặc quyển sách. Đọc − mà thường đọc thầm − là cách thức chủ yếu gần như duy nhất của người thưởng thức văn xuôi. Với thơ, tình hình không hoàn toàn giống như vậy. Ở bất cứ dân tộc nào, thơ cũng là nghệ thuật ngôn từ ra đời sớm hơn hẳn so với văn xuôi, − một ngành nghệ thuật ngôn từ khác. Và nếu sự xuất hiện của văn tự và nhất là của nghề in, của một loại sản phẩm văn hóa được sản xuất hàng loạt − là một thuận lợi lớn kích thích sự phát triển của văn xuôi, nhất là thể truyện, thì tình hình đó lại như "đe dọa" đối với thơ: khuôn thơ vào trang in cũng có cái gì đó giống như gò bàn chân cỡ lớn vào đôi giày quá chật. Mác có lần đã hóm hỉnh nhận xét rằng "Nàng Thơ" đành phải biến mất trước cỗ máy in. Có lẽ nếu có sự "khủng hoảng" nói chung của thơ, thì thời điểm bắt đầu là từ lúc có cỗ máy in đó chăng? Tất nhiên qua nhiều thế kỷ, thơ đã phải làm quen với hoàn cảnh mới ấy, các thi sĩ đã đứng chung trong hàng ngũ nhà văn để cùng trông chờ vào khả năng in ấn với một sự sốt ruột ngang nhau.

 

Và cũng phải ghi nhận tác động hai mặt của ấn loát đối với thơ: không chỉ "đe dọa" thu hẹp, ấn loát còn mở cho thơ những khả năng trước đây chưa có. Tồn tại trên trang in hàng loạt, thơ sẽ được người ta đọc chậm, đọc đi đọc lại, không bị "trôi" đi mất như khi nghe đọc trực tiếp. Như thế người làm thơ có thể "thâm canh" trang thơ của mình nhiều hơn, có thể thâm trầm hơn, suy tư trí tuệ nhiều hơn, do có tính đến việc người ta đọc thơ mình trên các bản in − đọc thành tiếng hoặc đọc thầm như đọc văn xuôi và không chỉ có thể đọc một ần, còn có thể đọc đi đọc lại nếu thấy thích. Song le, do có ấn loát, giữa người sáng tác thơ và người thụ cảm thơ sẽ có khoảng cách đáng kể. Thay cho cách đọc trực tiếp (ở đó nhà-thơ-diễn-giả truyền cảm sang người cảm thụ bằng cả nội dung chứa trong ngôn từ bài thơ lẫn bằng giọng đọc của mình, cử chỉ và biểu lộ xúc cảm của mình, gần như một nghệ sĩ biểu diễn; ở đó, sự gần gũi trong không gian và cảnh trí sẽ tạo nên một thứ "từ trường" có sức hút mạnh, lôi cuốn cử tọa), giờ đây là văn bản ghi bài thơ bằng ký hiệu văn tự, cái văn bản có thể được đọc trong những cảnh huống khác nhau và gây nên những hiệu quả không giống nhau (có thể được đem đọc một mình nơi phòng riêng tĩnh lặng, hoặc đọc ngay bên đường xe chạy, đọc trên tàu xe, ga bến… do đó có thể được chăm chú cảm thụ, có thể bị thờ ơ lướt qua như những bài mục ít đáng chú ý khác trên các trang nhật trình cũ, đã hết tính thời sự…). Khoảng cách này, nói cho công bằng, cũng có thuận lợi cho sự sáng tạo tự do của chủ thể (vì không còn yếu tố ứng tác vốn có thể gây nên sự gò ép hoặc vay mượn nào đó, giống như người diễn kịch cương), nhưng cũng có nguy cơ biến nhà thơ diễn giả trước kia thành nhà thơ của thư phòng cớm nắng, ít tính đến đối tượng đọc thơ nghe thơ, mất dần thói quen giao tiếp thẳng với công chúng, sợ cả tiếng ồn lẫn sự im lặng của họ… Nghĩ như vậy, chắc chúng ta không muốn quên cái thực tiễn hoạt động thơ ca giản dị đã có xưa kia, khi nhà thơ bao giờ cũng phải liên hệ trực tiếp với công chúng.

 

Thật ra cũng đã có người quên. Người làm thơ cũng có, người viết phê bình cũng có. Trong việc "hướng nghiệp" cho nhà thơ cũng có, trong việc tổ chức đời sống văn hóa văn nghệ cũng có. Đặt và sửa vị trí các dấu chấm và dấu phẩy, viết hoa và viết thường trên dòng thơ, tự coi các dấu chấm là cái ba-ri-e rồi tập nhảy "qua hàng" − ấy là những cái tật chỉ  nảy sinh do thay làm thơ bằng viết thơ. Những cử chỉ ấy "ngoạn mục" trên văn tự, chỉ gây ấn tượng mạnh cho người đang ở trong "phòng thực nghiệm", tức là người làm thơ bên cái bàn viết của mình. Trong khi, tính biểu cảm ngôn từ  − tố chất bẩm sinh của sức mạnh thơ ca − luôn luôn gắn chặt với khối toàn vẹn của ngữ nghĩa và âm thanh ngôn từ, và hầu như không kể gì đến diện mạo văn tự của nó. Xét nét nhà thơ theo số bài thơ, tập thơ được in − đấy lại là một thứ thói tật khác của người phê bình. Xem phương thức quan hệ riêng với công chúng của thơ và nhà thơ chủ yếu chỉ thông qua quan hệ với các tòa báo và các nhà xuất bản − đó cũng là thói quen chỉ đặt thơ trong phương tiện ấn loát, quên mất hoặc xem thường những xúc tiếp trực tiếp của thơ và người làm thơ với công chúng, buộc công chúng của thơ chỉ là độc giả chứ không phải là thính giả, khán giả như vốn dĩ đã có từ ngàn xưa.

 

Những hậu quả không hay kể trên do tình trạng quá thiên về việc gắn thơ với ấn loát, trên thực tế không phải quá nghiêm trọng tuy cũng rất đáng kể. Đời sống đi theo những điều luật vốn có của nó. Đời sống văn hóa cũng vậy. Không thể chỉ là một thể loại văn học, thơ vốn là một loại hình nghệ thuật. Nhu cầu về thơ của cộng đồng người tự nó đã tạo nên một thiết chế văn hóa, bao gồm cả "sản xuất" thơ lần "tiêu dùng" thơ. Sự xúc tiếp, giao lưu với nhau bằng phương tiện thơ ca đã là một hình thức giao tiếp văn hóa mà người Việt Nam quen dùng từ lâu − từ các hội hát dân gian đến các gặp gỡ "xướng họa" giữa những người "có chữ", tức là những người có cái tập quán văn hóa dùng thơ làm phương tiện giao tiếp và thỏa mãn về tinh thần. Khá nhiều sáng tác thơ ngày nay của những nhà thơ chuyên nghiệp cũng mang tính chất là sản phẩm tại chỗ của những hoạt động giao tiếp như vậy. Nếu như sự "ứng tác", "ứng diễn" khiến cho các sáng tác ấy không phải bao giờ cũng là tác phẩm xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật − thì điều đó cũng không hề gì. Cái chính là nó đã đảm bảo cho việc thực hiện những hoạt động giao tiếp rất văn hóa đó giữa người với người. Nếu toàn bộ hoạt động giao tiếp văn hóa ấy khiến cho con người chân thật hơn, tốt hơn, đẹp hơn, người hơn, thì những sáng tác-ứng tác kia đã làm xong chức năng của nó, không nhất thiết phải in lại đầy đủ lên các trang báo, quyển sách: đã có thể để "ăn tươi" thì hà tất phải nhất thiết mang về "đóng hộp" thành loại "hàng khô"! Người xưa cũng chỉ ghi được một phần rất ít các bài thơ xướng họa, thù tạc, giao đãi trong các "sổ tay" riêng, thế mà nay tên tuổi các thi sĩ vẫn còn, − truyền thống ấy ta hoàn toàn có thể noi theo. Người ta nói rằng thời đại cách mạng đòi hỏi thơ cổ động, thơ diễn đàn, điều đó không phải không có lý xét ngay từ bản chất của sinh hoạt thơ ca. Và sẽ thật khó mà an tâm nếu một nền thơ có quá nhiều những thi sĩ thư phòng, những nhà thơ bàn giấy, trong khi có quá ít những nhà thơ của diễn đàn, nhà thơ của đám đông, những nhà thơ cố gắng trực tiếp bằng giọng của mình tác động thẳng đến công chúng chứ không trông cậy gì nhiều vào sức tác động của thơ mình qua các trang nhật trình đầy tính sự vụ.

 

Ngay thời nay, người ta đang có lối làm khá tinh tế đối với các ca khúc: chỉ in những cái hay nhất, được công chúng thích nhất sau khi nó đã được lưu hành rộng rãi. Cách làm ấy hoàn toàn có thể áp dụng cho việc ấn loát thơ, tất nhiên sau khi đã đảm bảo có sự giao tiếp thường xuyên của nhà thơ với công chúng dưới nhiều hình thức. Vả chăng, đối với văn hóa, nhất là văn hóa xã hội chủ nghĩa, không nhất thiết phải thực hiện sự tiêu dùng sản phẩm của người sáng tạo thông qua việc biến chúng thành hàng hóa − nghĩa là thành ấn phẩm hàng loạt. Với mỗi loại hình văn hóa nghệ thuật, cần tìm con đường ngắn nhất.

19-8-1982