TIẾNG NÓI TRỮ TÌNH TRƯỚC ĐỜI SỐNG

 

Thơ hầu như bao giờ cũng là một cái gì rất hiện tại. Có thể nói về một quá khứ chưa xa hoặc thật xa, một tương lai sắp sửa hoặc còn lâu nữa mới đến, nhưng không bao giờ nhà thơ dấu được cái giao ước công nhiên là mình đang nói về những cái đó. Đem một bài thơ cũ ra đọc, ta cũng thấy tiếng thơ kia đang nói. Khác với văn tự sự (bao giờ cũng giả định là kể lại cái đã qua) thơ là phát ngôn. Mọi phát ngôn trữ tình, khi cất tiếng nói, liền trở thành hiện tại.

 

Tiếng nói thơ ca, tiếng nói trữ tình không bao giờ tránh thoát được cái việc phải lên tiếng trước hiện tại. Vấn đề còn lại chỉ là nói tiếng gì, nói tiếng nào để liền sau đó nhận thấy phản xạ tức thời ra sao từ phía công chúng − hưởng ứng theo những cách khác nhau hay là thờ ơ, như không nghe thấy gì đáng kể. Cái lý do tồn tại của cả một nền thơ, cái lẽ sống còn của tiếng nói trữ tình, có vẻ rất phức tạp xét theo nhiều chiều cạnh của nó, nhưng lại cũng có vẻ rất dễ thấy, xét theo chức năng xã hội cố hữu của nó: dầu sao mặc lòng, nó phải là tiếng nói của hiện tại, tiếng nói trước hiện tại. Bằng giọng nào, bằng cách thức nào − ấy là việc riêng của từng nhà thơ.

 

Hiện tại của hôm nay dĩ nhiên không giống hiện tại của mươi năm về trước. Với chúng ta, 1975 là một cái mốc vạch thời gian. Điều này các văn kiện của Đảng đã chỉ rõ.

 

Trước 1975, chúng ta sống trong cái hiện tại của cuộc chiến tranh giải phóng, cái hiện tại trong đó vận mệnh của cả cộng đồng dân tộc, đất nước được đặt lên hàng đầu. Nền thơ chúng ta ở chặng đó đã cất tiếng nói trữ tình chủ yếu trên các vấn đề dân tộc, lịch sử. Tinh thần công dân trong thơ khi đó chủ yếu là công dân của đất nước, thành viên của dân tộc. Thơ đã bắt đúng cái giọng thời đại chính yếu khi đó, và sự thành công của nó, việc nó được đông đảo công chúng hưởng ứng rộng rãi và xác nhận giá trị − là điều hoàn toàn hiển nhiên.

 

Sau 1975 về căn bản là một thời kỳ khác, thời kỳ mà nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đề lên hàng đầu. Văn nghệ chúng ta thường nhạy bén với các vấn đề của cách mạng giải phóng dân tộc hơn là với các vấn đề của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nhận xét, một nhắc nhở từ lâu của Đảng, một sự nhắc nhở đến giờ lại càng mang tính thời sự. Bởi vì chỉ có nhận thức sâu sắc vấn đề này mới có thể tìm ra đúng cái giọng thời đại rất cần cho thơ ca, cho tiếng nói trữ tình hôm nay.

 

Tất nhiên, vốn rất mẫn cảm, các nhà thơ chúng ta đã nhận thấy khá rõ tính chất chuyển giai đoạn này và đã để công tìm tòi cho thơ mình một tiếng nói thích hợp trong thời kỳ mới. Hiện giờ chưa có nhiều những sự tổng kết chi tiết về các hướng tìm tòi đổi mới của thơ từ sau 1975, nhưng không thể không nghĩ rằng đã có những tìm tòi như vậy. Chẳng hạn, một nét dễ thấy là khá nhiều nhà thơ, nhất là các cây bút nữ, thường tập trung vào những đề tài "thường ngày", "muôn thuở": tình mẹ con, bè bạn, tình yêu… Thơ cho trẻ em và thơ về trẻ em có phần dồi dào lên hẳn cũng vì lẽ đó. Hoặc một nét khác, cũng khá dễ thấy: thơ như đang trau chuốt hơn, mềm mại và tinh tế hơn, đôi khi sự trang sức của thơ đã bước đến quá cái giới hạn cần thiết của nó. Thơ hưởng ứng các đề tài thời sự, các dịp kỷ niệm dường như có sẵn hơn, nhưng cũng có vẻ dễ bị quên đi hơn là được lắng lại… Trong khi đó, những bài thơ, nhất là một số trường ca viết về những chuyện quá khứ có khi lại mang nhiều lời đối thoại với hiện tại hơn hẳn… Và khi nhìn chung lại, nhất là có tính tới phản xạ của công chúng, phải nhận rằng sự hưởng ứng với tiếng nói của thơ hôm nay quả là có hơi lắng đi, hoặc hơi thưa vắng hơn, hơi ít nồng nhiệt hơn so với trước kia.

 

Xây dựng chủ nghĩa xã hội có một phương diện rất quan trọng là xây dựng xã hội ­− một xã hội tốt đẹp như nó cần phải có. Thơ có thể mô tả những đại công trình xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, có thể mô tả việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế − nó có thể phản ánh mọi thực tế của ba cuộc cách mạng. Song trọng tâm của nó là con người, là xây dựng con người mới của chủ nghĩa xã hội. Thơ và văn học nói chung trong sự nghiệp này không chỉ phản ánh, ghi nhận, mà tích cực hơn, nó phải tác động đến việc xây dựng những con người như thế, nhất là xây dựng thế giới tâm hồn của họ. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn cần trữ tình công dân, nhưng đây chủ yếu sẽ là khía cạnh công dân của xã hội, của một cộng đồng đang cần hoàn thiện chứ chưa phải đã hoàn thiện. Và để tiếng nói trữ tình có được sức nặng, đó chủ yếu phải là trữ tình thế sự.

Thơ không chỉ nên hát mục ca hoặc khúc ca điền viên về những mùa màng bội thu, những rừng non mới trồng đã sắp kết tán, những khu vườn trĩu quả, những đàn gia súc béo tròn… Thơ không chỉ nên là tiếng chào mừng của người được mời đến dự lễ khánh thành đem ngôn từ đẹp gắn hờ vào những công trình khó nói là có mồ hôi mình trong đó. Làm thế chẳng thêm mấy lợi ích cho đời mà cũng chẳng thêm mấy lợi ích cho thơ (nếu không phải là nó trình ra cái chân dung nhàn nhã của nhà thơ bên cạnh những người vất vả). Tích cực hơn, đắc lực hơn, thơ cần nói những sự lo toan, chưa vừa ý, những "đập bàn, quát tháo" nữa như có ai đó đã nói − cái tư thế của người trong cuộc nhìn thẳng vào cái thế sự chưa thể coi là đã hoàn thiện và vẫn đang cần hoàn thiện ở nhân cách, ở quan hệ giữa những con người trong cùng một cộng đồng. Bởi vì xây dựng con người, làm cho tâm hồn và phẩm cách của nó tốt hơn đẹp hơn, cao hơn − là một nhiệm vụ còn cao hơn cả việc tạo ra những câu thơ óng chuốt, mỹ lệ. Tôi chắc người đọc thơ, người nghe thơ ở ta hiện nay đang muốn thấy rõ cái tư thế, cái thái độ đó ở thơ, ở nhà thơ.

 

Thật ra, nhìn kỹ, trong toàn bộ thơ hiện tại cũng thấy có một khu vực đang làm công việc nói trên. Đọc các mục "chuyện lớn… chuyện nhỏ", "bảo nhau", "nhắc đôi vần" và các tiết mục vui trên các báo, ta có thể thấy như thế. Nhưng ở đây nhà thơ (và thường đông đảo hơn cả ở đây lại không phải là các nhà thơ chuyên nghiệp) nếu có tham gia, thì cũng mới chỉ theo lối đặc công, gần như lối khuyết danh. Thơ trữ tình "thực thụ" hầu như còn tránh xa công việc này, có vẻ như sợ cái gân guốc của việc "đánh tiêu cực" sẽ làm hoen nhàu tà áo đẹp là ngôn từ thi vị của mình. Thế mà ở đây, tiếng nói trữ tình và tên tuổi nhà thơ có lẽ sẽ lại là cái đem đến cho công việc một hiệu quả hơn hẳn.

 

Trong văn học quá khứ của dân tộc, trữ tình thế sự có cả một truyền thống lớn, gắn với tên tuổi của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều và Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến và Tú Xương… Thiết nghĩ, thơ hiện nay cần làm sống lại mạnh mẽ truyền thống lớn ấy, trên một cơ sở xã hội, thẩm mỹ và văn học mới.

Tất nhiên, đi vào trữ tình thế sự, nhà thơ sẽ phải năng động hơn, có trách nhiệm hơn. Có thể trầm tư hơn mà cũng có thể phải tọc mạch hơn. Có thể hưởng vinh quang mà cũng có thể nếm thất bại: Phải chăng như thế mới đúng nghĩa chiến sĩ? Nhà thơ đâu chỉ là ca sĩ hát bài hát do người khác đặt sẵn lời. Chính nhà thơ phải làm lấy lời của mình, bài ca của mình. Bằng tiếng nói thơ ca, tiếng nói trữ tình, nhà thơ phải hiện diện như là nhà hoạt động xã hội, nghĩa là can dự vào công việc của xã hội, vào sự thắng lợi lâu hay mau của chủ nghĩa xã hội.

 

Về thứ trữ tình thế sự này, có thể các nhà thơ còn cân nhắc một điều. Ấy là sự bảo đảm. Tất nhiên không thể có sự bảo đảm sẵn trước cho bất cứ phát ngôn trữ tình nào chưa cất lên tiếng nói. Và càng hiển nhiên là không có sự bảo đảm trước nào, dù là "bảo đảm bằng vàng", có thể cứu vãn được số phận của những tiếng nói kém tự tin, ít trách nhiệm. Nhưng nói chung, thiết nghĩ, cần có sự bảo đảm. Là vì xã hội chúng ta có tổ chức, báo chí chúng ta có tổ chức, ngôn luận chúng ta có tổ chức. Nhà thơ là chiến sĩ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng như đã từng là chiến sĩ trong cách mạng giải phóng dân tộc. Để làm chiến sĩ tốt, chiến sĩ giỏi, cần bảo đảm những gì cần thiết cho người chiến sĩ ấy có thể tung hoành trên trận địa của mình.

 

Không tung hoành trên trận địa, người chiến sĩ không thể lập chiến công, tạo nên kỳ tích. Chiến đấu chống lại tất cả những gì là dung tục, thấp hèn, tiêu cực còn ám vào cái dung mạo hôm nay của con người xã hội chủ nghĩa tốt đẹp ngày mai − bằng vũ khí trữ tình − sẽ là một cuộc chiến đấu hết sức tinh vi và khó khăn. Thiếu một sự bảo đảm cần thiết, tiếng nói trữ tình không thể tung hoành trên địa hạt chiến đấu của nó, không thể phát huy hết khả năng của nó đối với việc xây dựng con người. Và nếu không có sự bảo đảm ấy, có thể còn xảy ra cái nghịch cảnh đáng buồn này: tiếng nói trữ tình thế sự nhằm vào những lực lượng tiêu cực trong đời sống lại bị hiểu như những tiếng nói lạc lõng, như đối tượng cần thanh toán. Khi ấy chính những lực lượng tiêu cực kia sẽ giành được sự bảo đảm. Nếu vậy, thiệt thòi và tổn thất cho chính cuộc đời, cho chính cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là đáng kể hơn sự thất thiệt cho tiếng nói trữ tình chân thành…

 

Nhưng dẫu sao điều vừa suy diễn trên cũng mới chỉ là tưởng tượng của chúng tôi. Vấn đề là xã hội chúng ta, công chúng của chúng ta đã trưởng thành đến mức khó có thể rơi vào những ấu trĩ và ngộ nhận đáng tiếc. Trữ tình thế sự chân chính xưa nay sở dĩ thành công chính vì đã tin ở công chúng, ở nhân dân. Đủ niềm tin ấy, nó không thể không lên tiếng.

11-1983