TIỂU THUYẾT MIỀN CHÁY,

 CÂU CHUYỆN CỦA ĐẤT NƯỚC SAU CHIẾN TRANH

 

Mảnh đất của Miền cháy, với Nguyễn Minh Châu, không phải là miền đất lạ. Nhưng lần này anh trở lại cái "miền đất cháy, miền đất chết, miền đất giao tranh" ấy trong một cảnh huống mới. Đất nước sau chiến tranh có biết bao vấn đề, biết bao công việc, nhiệm vụ, biết bao do dự, băn khoăn. Trong một thành phố mới giải phóng đầy tàn dư của cái cũ ở lối sống, nếp nghĩ đang cần thay đổi, cải tạo. Trong một làng quê tan nát, xiêu tán, nơi mỗi cánh đồng, mỗi thôn ấp đều đầy mìn và dây thép gai, mỗi mảnh đất đều đầy những mảnh đạn bom rỉ nát lẫn với chất độc hóa học và những khúc xương người: mảnh đất từng quằn quại trên bờ vực của sự sống và cái chết đó đang cần được hồi phục.

 

Và trung tâm vẫn là trong đời sống con người. Trong con người cán bộ hôm qua chui hầm bám dân, sẵn sàng hy sinh cả đến tính mạng, hôm nay là người nắm chính quyền, nắm trong tay của cải và quyền lực của tập thể. Trong đời sống tinh thần và sinh hoạt vật chất của mọi người dân bình thường bị cảnh ngộ chiến tranh đẩy vào những tình thế éo le, nay đang phải thăng bằng trở lại.

 

Trước cái xác của chế độ cũ, người chiến thắng phải làm gì? Và trước những kẻ thù đã không trốn chạy kịp, người chiến thắng phải xử sự sao đây, trong khi lòng hận thù của quần chúng đang có cơ hội để bùng lên một cách tự phát, có nguy cơ gây nên một sự trả thù riêng, trái với đạo lý và lương tri cách mạng?

Mảnh đất ngổn ngang sau chiến tranh này như bày ra một câu hỏi: làm sao có một thái độ đúng đối với cái thực tế đất nước hết sức bề bộn và phức tạp này?

 

…"Xưa nay đất dưới chân những người vừa thắng giặc có bao giờ nở sẵn đầy hoa? Mảnh đất vừa được giải phóng này như một lời thách đố, như một thứ chiến trường mới lập tức mở ra trên chính vùng chiến trường cũ… Bước ra khỏi một cuộc chiến tranh cũng cần thiết phải có đầy đủ trí tuệ và nghị lực như bước vào một cuộc chiến tranh" (tr.119-120).

Những suy tư chính luận này (có thể tìm thấy trên khá nhiều trang Miền cháy, hoặc trực tiếp của người kể chuyện, hoặc qua tâm trạng nhân vật) chính là mạch tư tưởng chủ yếu của cuốn tiểu thuyết. Nguyễn Minh Châu đã tìm phổ tư tưởng ấy vào một giọng trầm − có phần là trầm ngâm, nhưng chung quy vẫn là trầm hùng − ưu tư, trách nhiệm, và trước một vấn đề nghiêm túc như thế, giọng điệu đó là thích hợp.

 

Câu chuyện của Miền cháy có khá đủ cái cốt cho một dàn truyện kiểu trinh thám, phiêu lưu: Vào giữa lúc đại đội K1 đã chiếm được chi khu quân sự của địch và đang tiếp nhận hàng binh thì một loạt đạn bắn lén đã sát hại nhiều người, cả bộ đội ta lẫn ngụy binh ra hàng, trong đó có đại đội trưởng đơn vị. Hung thủ đáng lẽ bị chiến sĩ đuổi theo bắn chết nếu không tính đến đứa con hắn cõng trên lưng. Hắn tẩu thoát nhưng thằng bé thì bị bỏ lại. Liệu hắn di tản thoát hay trà trộn vào đám hàng binh vào trại trong những ngày sau? Hắn có bị đền tội không? Số phận đứa con hắn ra sao?...

 

Nhưng người viết đã không dàn truyện theo hướng giải đố dễ gây hấp dẫn đó. Vì thật ra, vấn đề không phải ở sự phát giác tội phạm, vấn đề là ở chỗ nhìn rõ một "hình phạt" tất yếu và thích hợp. Với tên ám sát này, tất nhiên, nhưng chủ yếu và bao trùm hơn, với tất cả bọn chúng, tất cả "di sản" của cái xã hội mà chúng vừa là thủ phạm, nhưng lại cũng không tránh thoát thân phận của những con tốt xấu số trong tàn cục một cuộc cờ.

 

Cốt truyện trinh thám, do thế, đã được chủ động chuyển sang phục vụ cho một cốt truyện tâm lý xã hội, chỗ đắc dụng của cốt truyện trinh thám ở đây là các động tác tiến triển của nó có thể làm điểm tựa để tạo ra những tấn kịch tâm lý nhất định, tạo nên chiều sâu và sức vang của các vấn đề đời sống.

 

Khẳng định chính nghĩa của chúng ta trong thái độ đối xử nhân đạo đối với kẻ thù đã hạ vũ khí, trong thái độ mở đường khôi phục nhân phẩm và tính thiện cho những kẻ lầm đường đã một thời chống lại dân tộc và nhân dân, − người viết tự đặt cho mình nhiệm vụ ấy. Không ngẫu nhiên mà đứa con trai tên tội phạm lại có vai trò một khâu liên hệ "chìa khóa" trong câu chuyện. Giống như một phép thử, người viết lần lượt đặt nhiều nhân vật liên quan trước "cái của nợ" này (tức đứa bé, như cách gọi khi bực bội của các chiến sĩ). Chính trị viên Hiển quyết định ra sao: giữ đứa bé lại đơn vị nuôi hay đem cho người ta nuôi "cho khuất mắt"? Ý định thứ hai này bị dừng lại nửa chừng: người lính thấy trong việc ấy có gì như lẩn tránh chính lương tâm mình. Anh quyết định giữ đứa bé lại nuôi trong đơn vị.

 

"Bây giờ, sau khi anh đã thanh toán đi cái mối dây nhợ vô hình nằm trong định kiến giữa tên tội phạm và đứa con của hắn, mọi việc đều trở nên hết sức rạch ròi sáng tỏ, tuy bên trong vẫn có gì chua chát… Dù sao nó vẫn là một đứa bé. Nó vô tội". (tr.71-72).

 

Chính Hiển đã qua thái độ đối với đứa bé mà ước lượng mức độ phản ứng của từng người trước hành động có vẻ bất thường này của anh. Anh thấy việc giữ đứa bé lại trong đơn vị là đúng, hơn nữa, là tốt − tốt cho đứa bé, cho chính anh và cho cả anh em trong đơn vị.

 

"Hãy nhìn thằng bé đúng là một thằng bé! Hiển biết rằng cái điều giản dị ấy, cả anh và những đồng chí cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị anh cũng còn phải trải qua ít nhiều thời gian nữa sau chiến tranh mới nhận thức ra hết" (tr.138).

 

Về sau này, Hiển đã không trao đứa bé cho người vợ cả của tên tội phạm nay đã là nhà tu hành theo yêu cầu của bà ta, trái lại − gần như một sự tình cờ, nhưng không có gì đáng trách − anh lại cho nó cho chính mẹ Êm, bà mẹ từng hy sinh bốn đời chồng và hầu hết các con cho kháng chiến, bà mẹ đẻ của người đại đội trưởng đã bị sát hại bởi chính loạt súng của tên tộ phạm là cha đứa bé nọ.

 

"− Thằng bé mô đây? Bà mẹ Êm hỏi và vẫn giơ hai tay ra. Cậu liên lạc nhanh nhẹn đáp, gỡ tình thế cho Hiển:

Hắn lạc mẹ… Chúng con nhặt được!.

Khổ thân đứa trẻ!... Chắc hắn lại giống như con Tô hay con út Âu ngày trước  Bà mẹ Êm thò tay sờ đứa bé và kêu lên Hắn đang sốt đây này!

Bà mẹ không còn giữ được bình tĩnh nữa. Bà cuống quít. Tình thương đứa trẻ lạc khiến bà xuýt xoa, bà vội vã giành lấy đứa trẻ đang sốt, đang ốm trên tay Hiển, cái người lính bao giờ cũng vụng về” (tr. 311).

 

Nhưng rồi ở chính bà mẹ cao cả này cũng phải diễn ra một tấn kịch tâm lý khi dần dà bà biết ra rằng đứa trẻ đó là con của chính kẻ đã giết con trai bà!

 

"… thằng Sinh từ trong xó vườn chui ra.

"Mệ!" Thằng bé thốt kêu lên, đang chạy sán tới chực lục trong bó rong xem có con cà cuống hay con châu chấu mà bà nó vẫn thường hay mang về như mọi ngày hay không, thì bà mẹ đã vội vã bước giật lùi lại, không cho nó sờ mó vào người mình. Trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng sắp tối hẳn, một đôi mắt lạ lùng và giá lạnh chòng chọc nhìn thẳng vào nó:

Mệ con chi! Bà mẹ quát lên, nét mặt hầm hầm…

Thằng Sinh sợ cuống quít, không hiểu ra sao, cũng không biết làm thế nào, lúc bà mẹ Êm giơ tay ra túm lấy mái tóc thằng bé, lật nửa cái mặt ra thì thằng bé liền khóc òa lên.

Bà mẹ buông tay ra.

Tiếng khóc của đứa bé làm người mẹ như sực tỉnh. Bà đứng im như đã kiệt sức trước mặt nó, hai tay buông thõng xuống. Một tiếng thở dài từ từ trút hết cơn giận ra. Bà đứng yên một hồi lâu, rồi tuân theo bản tính thường ngày, sau một thoáng ngập ngừng, bà cúi xuống ôm lấy cái đứa trẻ, niềm yêu thương và nỗi căm ghét của chính mình, bà ép vào ngực "Nín đi, nín đi!". Bà dỗ dành an ủi nó” (tr. 438).

 

Sau những thời khắc như thế, một thứ tình cảm mới, thương ghét lẫn lộn, nhưng ngày càng phân minh, đã nảy nở trong người mẹ chiến sĩ ấy. Chính bà cũng phải trải qua cái thử thách mà mọi người đang trải qua: sự giáp mặt nhau sau chiến tranh, một cuộc thử thách đau đớn mà dân tộc này đang trải qua sau ba chục năm cầm súng đánh giặc. (Sự giáp mặt nói trên có lẽ không chỉ ở trường hợp căng thẳng này. Trên những sắc thái khác, sự giáp mặt ấy cũng xảy ra giữa Hiển − được người viết coi như là đại diện nhân cách và văn hóa xã hội chủ nghĩa − với bố con cô nữ sinh Thu Lan).

Trình bày "phép thử" qua thái độ đối với đứa bé, tác giả tỏ ra muốn đi tìm cách thoát khỏi hướng minh họa giản đơn cho chính nghĩa và nhân đạo của chúng ta. Không phải là sự bộc lộ của một cái gì vốn có sẵn, vốn ở dạng hoàn thiện, ở đây là một sự thử thách mới, éo le và tế vi hơn (người ta có thể không chịu thêm được một thử thách!). Không phải sự tĩnh tại của những phẩm chất (dù là phẩm chất tốt đẹp), ở đây những phẩm chất ấy bắt đầu được nhìn như một cái gì có động thái, có sự năng động. Cái mạch ngầm của những tình huống kịch tâm lý chính đã giữ cho cuốn truyện một mạch đập riêng, có sức thu hút không dễ dãi tuy có hơi quá nghiêm trang. Nguyễn Minh Châu tỏ ra không thú vị gì với một vài quan niệm khá giản đơn theo đó thì nhân vật anh hùng phải được miêu tả luôn luôn ở trạng thái hoàn thiện lý tưởng. Thế nhưng chính Nguyễn Minh Châu cũng lại vẫn chí thiết với nét anh hùng ở những xử sự và suy nghĩ của kiểu người chính trị viên khắc khổ, dù anh muốn tạo cho họ vai trò một thứ triết gia (chính trị viên Hiển) hay đặt họ ở vị trí người cán bộ cơ sở (Cúc, chủ tịch xã), thậm chí ở vị trí một người dân (mẹ Êm). Thành ra, chất cuộc đời, chất trần gian (nếu có thể gọi như thế) của các nhân vật tích cực ở đây có phần bị hạn chế (một sự hạn chế tinh vi hơn, có "nghề" hơn).

Tấn kịch tâm lý nói trên − ở một phương diện khác − cũng được người viết áp dụng cho nhân vật đối địch: tên sĩ quan thủ phạm vụ ám sát. Cái thất bại hiển nhiên đã đặt hắn và những kẻ như hắn vào một tình thế phải lựa chọn: hoặc "chấp nhận lịch sử" (như người sĩ quan dù thức thời đã khuyên hắn) hoặc đối đầu, phản kháng, trốn chạy, chống phá đến cùng. Thoạt đầu hắn chọn con đường thứ hai và đã gây thêm đổ máu. Đứa con không đóng vai trò gì lớn trong sự lựa chọn này dù hắn có bứt rứt, đau xót (dù sao hắn cũng là một người cha!). Nhưng con đường ấy không dễ nữa rồi! Trốn chạy, bị bắt lại − điều ấy dù sao với hắn cũng chỉ có nghĩa là bị khuôn vào một tình thế không thể khác. Điều quan trọng là rồi đây những gì sẽ xảy ra trong con người hắn, liệu hắn có lột xác để thành con người lương thiện trong một đất nước đang muốn rũ hết những nặng nề của quá khứ để bước vào một ngày mới? Có lẽ câu trả lời không hoàn toàn chỉ tùy thuộc ở phía những người chiến thắng đang chủ động mở đường cho hắn. Ở đây, do có quyền "tạo hóa" vần xoay xếp đặt, tác giả câu chuyện đã dùng cái quyền ấy một cách dù sao cũng hơi quyết đoán (hơi vội vã đẩy mọi sự mau kể đến đích, kể cả con đường của nhân vật này). Nhưng sự thật về số phận của hắn và đứa con hắn quả là một sự mở mắt đáng kể.

 

"Giữa đám người mang đầy mình tội lỗi đang đứng im lặng, bà mẹ chợt nhận ra chính hắn một người đàn ông cao lớn từ giữa đám người bên kia bờ hố bom chạy nhào sang, hai tay chắp trước ngực, đầu cúi xuống. Y quỳ sụp xuống dưới chân bà mẹ và đứa con trai. Bà mẹ vẫn không nót một lời nào, cũng không chú ý nhìn kỹ mặt mũi tên sát nhân đã giết con mình. Người ta chỉ thấy trên khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ của bà mẹ những nếp nhăn chằng chịt từ đâu xô đến như những lớp sóng, và một nỗi đau đớn không sao kể xiết từ những nếp nhăn từ từ hiện lên.

Có lẽ đây là cuộc giáp mặt đầy ý nghĩa của một đất nước đã trải qua ba mươi năm chiến tranh để bước sang giai đoạn hồi phục và xây dựng.

"Con đến với ba đi!" Chỉ đến khi thằng bé Sinh sợ quá níu chặt lấy bà, bà mẹ mới nói rất nhỏ một cách khó nhọc, rồi bước lên một bước, giơ tay nâng tên sĩ quan ngụy đứng dậy.

Bằng bàn tay run rẩy, bà mẹ cầm lấy bàn tay to lớn của tên sĩ quan, đưa mắt nhìn thoáng qua, rồi đặt vào đó cái bàn tay trẻ con thật mềm mại, ấm nóng, quen thuộc.

"Cầm lấy!" Bà Mẹ nói với hắn.

Lúc ấy từ phía cuối cánh đồng Chân Mây dội về một tiếng nổ lớn tiếng nổ hủy mìn hàng ngày" (tr. 482 - 483).

 

Vượt lên nỗi oán thù riêng, giữ được chính nghĩa lớn của cách mạng, tránh cho đất nước những đau khổ và nặng nề mới, để đất nước có thể mau chóng ra khỏi cái quá khứ đau khổ kéo dài − thứ thử thách mới trong một bối cảnh mới này là thử thách nâng con người lên một chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp, trong sáng.

 

 

***

 

 

Bình luận trữ tình gần như là một nét nổi bật của Miền cháy, dù nó là tiểu thuyết. Và nếu bút pháp ấy thường là một nhược điểm của tiểu thuyết nói chung thì trường hợp này, người ta thấy nó lại làm nên mặt mạnh của cuốn sách (là vì nó bảo đảm liền mạch cái không khí ưu tư, suy nghĩ vốn là chủ đạo ở đây). Điều vừa nói trên không phải một nghịch lý, đúng ra, nó chỉ chứng tỏ rằng cái mạnh của Miền cháy chưa thật sự là cái mạnh đích thực của thể loại tiểu thuyết.

Không thể nói những mảng sự kiện hay sinh hoạt ở đây là rời rạc hay lẻ tẻ. Không phải thế! Đoạn về đám lính thất trận hỗn loạn bên bờ biển chen lấn lên tàu và cướp bóc trên tàu, đoạn về những đoàn người gồng gánh mang xách từ các thành phố Đà Nẵng, Huế trở về quê ngoài Quảng Trị, v.v… là những đoạn được mô tả bằng ngòi bút tiểu thuyết thành thục. Nhưng những đoạn như thế không nhiều! (Phải chăng đấy là sự dè sẻn hiện còn là cần thiết mà người viết muốn giữ?). Bù vào đấy là một không khí suy tư trầm lắng, móc nối cái quá khứ vào cái hiện tại, nhắc nhở và tâm sự về thái độ sống cần thiết trước thực tại mới mẻ này.

 

Trung tâm của vấn đề thái độ sống này vẫn là ở người cán bộ phong trào, dù đấy là quân nhân như Hiển hay cán bộ xã như Cúc, Dị, Bàng…

Khuyết điểm của phó chủ tịch Bàng là một trường hợp như được nhấn mạnh để nhắc nhở: đừng để mất lòng tin của quần chúng, đừng làm hổ thẹn cho quá khứ đẹp đẽ của chính mình. Một nét kiên trinh ngay thẳng, khắc khổ chịu đựng của Dị trước sự nghi ngờ cần thiết của tổ chức Đảng, một nét tận tụy chu đáo, trọn vẹn nghĩa tình, vượt lên đau khổ riêng của Cúc, một nét suy tư, trách nhiệm đến hơi nặng về lý trí, hơi "triết gia" của Hiển − tất cả đều góp phần khẳng định một thái độ, một cách sống cần thiết. Ở đây có nhiều phần là sự gặp gỡ, sự trùng hợp suy nghĩ của tác giả và suy nghĩ của nhân vật. Các suy nghĩ này giúp nhấn mạnh và đào sâu vấn đề từ phía chính luận, nhưng lại có phần lấn át hành động và xử sự sinh động của nhân vật. Nét trội lên vẫn là một tiếng nói thuyết phục của lý trí cất lên từ chủ thể nhà văn hơn là sức thu phục trực tiếp của những cảnh sống khách quan, tạo hình. Phân tích chính luận có phần lấn át miêu tả hình tượng, cả ở liều lượng lẫn độ thu phục. Và điều này nằm chung trong đặc điểm của Miền cháy: phần nổi lên là ở tình đời, lẽ đời chứ chưa hẳn đã ở sự đời.

 

Mặc dù được viết nhanh trong thời gian ngắn, Miền cháy được viết khá kỹ lưỡng. Nó có một tiết điệu ngôn ngữ khá thuần nhất, trôi chảy − điều mà nhiều cuốn tiểu thuyết gần đây đôi khi vẫn chưa khắc phục được. Tôi nghĩ có thể coi đây là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh giành được nhiều cảm tình nhất trong số tiểu thuyết cùng đề tài vài năm trở lại đây.

 

Viết về chiến tranh, về những vấn đề trong và sau chiến tranh, hiện vẫn là cả một nội dung lớn mà nhiều khi việc giải quyết cần được làm cả ở hai phạm vi: tư tưởng lý luận và thực tiễn sáng tác. Trên nét lớn, Miền cháy vẫn triển khai đề tài theo lối tiếp cận quen thuộc lâu nay, tuy không phải hoàn toàn không có những nét mới trong nội dung và cách thể hiện. Có thể viết tiếp về ba mươi năm chiến tranh giữ nước vừa qua như thế nào? − điều ấy đang thu hút chú ý và năng lực sáng tạo của nhiều nhà văn. Chắc chắn tác giả Miền cháy cũng thuộc số nhà văn ấy: tôi tin là anh còn trở lại với đề tài lớn này.

1978