“TÔI THÍCH CÁI HÔM NAY,                                                                   

     CÁI HÔM NAY NGỔN NGANG, BỀ BỘN…”

 

(đối thoại về sáng tác gần đây của Nguyễn Khải)

 

Sáng tác gần đây của Nguyễn Khải được chú ý là khá nổi bật. Cũng như khá nhiều nhà phê bình và nghiên cứu, tôi rất thích viết về sáng tác của anh. Và tôi nghĩ sẽ càng thú vị nếu đem sáng tác này làm đề tài trò chuyện cùng bạn bè đồng nghiệp. Tôi cũng giống như nhiều bạn, đã có những cuộc đối thoại như vậy. Sau đây tôi ghi lại một trong số các cuộc trao đổi đó, giữa tôi và anh Trần Đình Sử, một nhà nghiên cứu văn học, cũng là để đối thoại cùng bạn đọc có quan tâm đến các sáng tác này.

 

L.N.Â. − Sáng tác của Nguyễn Khải gần đây khá nhiều. Kể từ tập ký Tháng Ba ở Tây Nguyên đến nay, trong vòng 6, 7 năm, có thể nhớ thêm nhiều tác phẩm khác: các vở kịch Cách mạng, Hành trình đến tự do, Khoảnh khắc đang sống, hai  tiểu thuyết Cha và Con, và…, Gặp gỡ cuối năm, một loạt truyện ngắn Một trường hợp ly dị, Bạn bè trên cao nguyên, Người gặp hàng ngày, Viết tiếp về một người bạn, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười… Về số lượng, thế đã là đáng kể. Nhưng đáng kể hơn là những sáng tác ấy gây được chú ý khá lớn trong dư luận. Tôi chưa dám nói dư luận công chúng rộng, vì chúng ta chưa làm điều tra xã hội học về đọc sách. Theo chỗ tôi biết, phần đông các bạn viết đều chăm chú đọc anh, tất nhiên có cả khen lẫn chê, nhưng tựu trung là sách của anh Khải khiến họ bàn cãi, trao đổi nhiều. Tôi muốn chúng ta cùng nêu vài suy nghĩ quanh một câu hỏi chính: vì sao sáng tác của Nguyễn Khải gây được chú ý như vậy?

 

T.Đ.S. − Nói "gây được chú ý" thì Nguyễn Khải đã gây được chú ý từ Mùa lạc, nhất là hai tập Xung đột, rồi Tầm nhìn xa, Chủ tịch huyện.

 

L.N.Â. − Tức là từ những năm 60, khi ngòi bút Nguyễn Khải bắt đầu tỏ ra sung sức và có những nét đặc sắc riêng không thể lẫn. Tôi nhớ là sau Mùa lạc Xung đột thì những truyện vừa Tầm nhìn xa, Người trở về của anh đã làm sôi nổi dư luận phê bình một dạo. Có thể nói hồi đó cũng vậy mà bây giờ cũng thế, anh Khải hoàn toàn viết về cuộc sống hiện tại. Những con người, những sự việc, những vấn đề của hôm nay. Cách mạng, Khoảnh khắc đang sống, Gặp gỡ cuối năm − tôi xem như một chùm liên hoàn, xâu chuỗi trên cùng một đề tài: cuộc sống và con người ở miền Nam từ sau giải phóng. Có thể tìm thấy ở đây dấu ấn những sự kiện chính diễn ra ở miền Nam, nhất là ở các thành thị từ sau 30 tháng tư 1975, nhưng chủ yếu là những vấn đề cuộc sống ở đây: trung tâm vẫn là sự lựa chọn − đúng hơn, tình thế lớn, bao trùm và tiên quyết mọi lựa chọn thì đã xong, còn lại là sự lựa chọn ở từng con người mà tựu trung dẫn đến chỗ chấp nhận xã hội mới, thành thực thích ứng với chế độ mới, không thể khác. Những tác phẩm này như muốn trả lời câu hỏi: sau một đột biến xã hội lớn lao như vậy, cái gì đang tiếp diễn bên trong xã hội, bên trong mỗi con người ở đây; cách sống cũ đang rút lui như thế nào trước sự thiết lập và củng cố trật tự mới, nó đang nhường chỗ ra sao cho một cách sống khác, một cách sống mới. Một chùm sáng tác nữa của anh Khải, xâu chuỗi một loạt truyện ngắn mà trung tâm là cách nghĩ cách sống của người cán bộ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở đây cũng gặp những sự việc phổ biến: hoạt động kinh tế, quản lý kinh tế. Nhưng tác giả chủ yếu để tâm đến phương diện đạo đức của những con người trong cuộc: họ ứng xử, suy nghĩ ra sao trong những quan hệ không đơn giản, quan hệ giữa những người cùng làm việc trong một sự nghiệp chung, nhưng lại khác nhau về nhận thức và trình độ, về quan niệm và cá tính, về động cơ và cách sống, trong khi những nhân tố sáng tạo và thủ cựu, cá nhân chủ nghĩa và làm chủ tập thể cứ đan cài vào nhau, có lúc làm hạn chế một thành công này nhưng có lúc lại ngăn chặn được một nguy cơ thất bại khác… Thành thử, nhà văn muốn đi tới những kết luận có tính chất đạo đức.

 

T.Đ.S. − Nói gọn lại, các tác phẩm ấy nhằm vào những sự thực lớn, những vấn đề lớn của đất nước hôm nay: cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên anh Khải làm bằng văn học và làm theo cách của riêng anh. Nhưng phải nhận rằng một phương hướng đề tài nhằm thẳng vào đời sống hiện tại − đó là điều đầu tiên khiến cho sáng tác của anh có độc giả. Người ta tìm đọc anh vì họ chú ý những vấn đề anh nêu ra chứ đôi khi chưa hẳn là hoàn toàn tán thành với anh.

 

L.N.Â. − Thế cũng có cái hay: tác phẩm trở thành nơi giao tiếp đối thoại với bạn đọc, những người đang sống cùng thời với tác giả. Câu chuyện giữa những người cùng sống một thời về những vấn đề hiện tại đang đụng đến sự sống của từng người − ấy là một câu chuyện bất tận. Giả như có ai tỏ ra không thích câu chuyện ấy đi nữa thì rồi cũng cứ bị cuốn hút vào.

 

T.Đ.S. − Tôi vẫn muốn cắt nghĩa sâu thêm. Phải nói đến phương hướng và chất lượng nghệ thuật nữa thì mới hiểu được là do đâu mà cùng viết về những  đề tài như nhiều nhà văn khác, sáng tác của Nguyễn Khải vẫn cứ giành được sự chú ý nhiều hơn, có thể nói là thành công hơn. Tôi nghĩ thành công trong việc sáng tác của Nguyễn Khải có lẽ do hai đặc điểm chính của anh với tư cách một nghệ sĩ: cảm hứng nghiên cứusự phân tích tâm lý.

 

L.N.Â. − Riêng tôi, tôi nghĩ, người ta thích Nguyễn Khải bởi chất văn xuôi của anh ấy. Tôi lưu ý anh những câu trích này, theo tôi nó gắn với cái mà ta có thể gọi là tín niệm mỹ học của nhà văn Nguyễn Khải. Đây là câu trong Gặp gỡ cuối năm: "Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy dẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ". Cái hiện tại, cái hôm nay luôn luôn là trung tâm chú ý của Nguyễn Khải. Câu trích này nữa, ở kịch Hành trình đến tự do: "Nếu ngày hôm qua bao giờ cũng tốt hơn hôm nay và cả ngày mai thì sẽ không có lịch sử, không thể có khoa học về lịch sử, không có sự sống, không có gì hết". Có thể đó là cái tạng riêng của Nguyễn Khải, nhưng phải nói ở anh có một xác tín khá nhất quán về thiên chức của văn xuôi, về chất liệu đích thực cho văn xuôi.

 

T.Đ.S. − Tinh thần nghiên cứu trong sáng tác khác hẳn cảm hứng minh họa. có nhiều sáng tác với ý đồ minh họa, một ý đồ chân thành thôi, nhưng không tránh cho tác phẩm khỏi hậu quả này: nó bị quên lãng rất mau. Hạn dùng của nó rất ngắn. Sáng tác với cảm hứng nghiên cứu thì khác, dù có khi lấy cùng đề tài với sáng tác minh họa. Thử nói Tầm nhìn xa chẳng hạn. Đến bây giờ trong kinh tế ta đã nói "ba lợi ích" trong đó thừa nhận lợi ích của cá nhân (người lao động). Vậy thì con người kiểu Tuy Kiền ngoài đời hôm nay chắc đang được nhìn ít nhiều khác đi. Nếu chuyện anh Khải viết hồi ấy chỉ có bình diện minh họa, chung quy nhằm lên án mọi lợi ích riêng kể cả những cái chính đáng, đem bôi xấu nó về đạo đức, thì tác phẩm ấy đến nay sẽ mất khá nhiều ý nghĩa. Đằng này, nhà văn lại coi đó là một kiểu người đang tồn tại thực, khách quan, không dễ gì xóa bỏ, và anh đặt ra một nhiệm vụ nghệ thuật là tìm hiểu nó, nghiên cứu nó, trình ra cái diện mạo thực, chân tướng thực của nó. Chủ nghĩa cá nhân là một loại hiện tượng "thế giới", hiện tượng "nhân loại", có thể nói như vậy. Anh Khải ở Tâm nhìn xa đã miêu tả thành công một trạng thái cụ thể của chủ nghĩa cá nhân trong một số cán bộ ta; một thứ chủ nghĩa cá nhân "rất Việt Nam", được phân tích và chỉ ra từ một cái nhìn rất nhạy, rất sắc, rất tinh. Ý nghĩa nhận thức của tác phẩm, do vậy, cao hơn bất cứ ý đồ minh họa và lên án đơn thuần nào. Và chính vì những hiện tượng đời sống như chủ nghĩa cá nhân cũng có quá trình phát triển thực tế liên tục, dưới muôn sắc thái cụ thể của từng thời, bấy giờ cũng như bây giờ, vừa đổi mới lại vừa "kế thừa", cho nên ngày nay đọc lại một sáng tác như vậy, do nội dung nhận thức sắc sảo của nó, ta vẫn thấy hứng thú, vấn đề mà nó nói đến vẫn còn ý nghĩa thời sự.

 

L.N.Â. − Điều ấy cũng còn do chỗ tác giả tạo ra được những nhân vật có sự sống thực chứ không phải chỉ là một ý niệm thuần túy tốt hoặc xấu được nhân cách hóa, biến thành nhân vật. Nhưng tôi muốn nhắc lại ngay một nhận xét của nhiều người: Nguyễn Khải trình bày những trạng thái, những tình thế, những quan hệ, những mâu thuẫn thì rất sắc sảo, góc cạnh, song khi giải quyết, khi "cởi nút" thì thường đuối, gây cảm giác hụt hẫng cho người đọc. Cha và Con, và… chẳng hạn, cứ như thể là nhà văn giả định ra như thế. Gặp gỡ cuối năm chấm hết bằng một trò đùa không đặc sắc gì lắm. Mấy truyện ngắn Bạn bè trên cao nguyên, Viết tiếp về một người bạn, Người gặp hàng ngày thì như không có kết thúc.

T.Đ.S. − Mấy chữ "không có kết thúc" đáng lưu ý đấy. Tôi cho đấy là minh chứng về cảm hứng nghiên cứu ở anh Khải. Thật ra, kết thúc tác phẩm là chỗ bộc lộ rất rõ mâu thuẫn giữa yêu cầu thể loại (tác phẩm nào chả phải kết thúc) và thực tế đời sống mà tác phẩm lấy làm chất liệu (đời sống thực vốn liên tục, không bao giờ kết thúc). Với cảm hứng nghiên cứu, toàn bộ nhiệt tình của nhà văn hầu như dồn vào việc vẽ ra, hình dụng ra các tình thế, các quan hệ, các mối mâu thuẫn. Cái đem khảo sát lại là cái hôm nay, như anh nói…

L.N.Â. − Nhiều điều chưa ngã ngũ. Vả chăng khó mà có tiếng nói cuối cùng cho mọi sự, giải pháp cuối cùng cho mọi chuyện ở đời…

T.Đ.S. − Nhưng vẫn phải kết thúc cho một câu chuyện. Giống như bất cứ ai thi kể một chuyện gì đó thì bao giờ cũng phải tìm cách chấm dứt lời kể của mình. Đó chẳng qua là một nghi thức có tính chất chức năng, theo yêu cầu thể loại, một nghi thức nghệ thuật nhằm tạo ra những hiệu quả nhất định. Ví dụ, ở Cha và con, và… là nhằm hoàn tất luận đề: tôn giáo phải đi với quần chúng nhân dân; ở Gặp gỡ cuối năm là nhằm đi tới tư tưởng: phải "chung sống" với thực tế hiện tại, chấp nhận nó, dù không ưng ý, như trường hợp hầu hết các nhân vật ở đấy. Có điều, giá trị của tác phẩm, ở trường hợp này, chủ yếu không phải ở đoạn kết. Vả chăng, việc kết thúc lấy lệ theo nghi thức lại là triệu chứng rõ rệt của một tư duy nghệ thuật đang nghiên cứu, khảo sát, phân tích đời sống và con người đương thời với nó. Chắc anh cũng biết rằng nhiều nhà nghiên cứu đã coi tính chất "không kết thúc" là một đặc điểm của tiểu thuyết: nó là thể loại không có "thì hoàn thành", nó luôn luôn ở "thì hiện tại"(1).

L.N.Â. − Nghĩa là, cách nhìn cuộc đời như "không có kết thúc" là một cách nhìn đặc biệt tiểu thuyết. Theo đó thì tôi nghĩ giác quan Nguyễn Khải rất tiểu thuyết, cũng có nghĩa là rất văn xuôi. Nó mẫn cảm nhất với cái hiện tại, cái đương thời, cái đang thành. Một thứ văn xuôi như vậy, với một sự định hướng tư tưởng rõ ràng ở tác giả, sẽ có điều kiện để phát huy tính thời sự, tính chiến đấu. Thế nhưng, hiểu được tính chiến đấu ở văn xuôi Nguyễn Khải thì không dễ đâu, vì nó là văn học, nó không thẳng tuột. Anh biết đấy, đã có những cách đọc coi văn xuôi này là hoài nghi, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, lại có cách đọc chỉ đơn giản lần theo đề tài và coi văn xuôi này − ví dụ trong Gặp gỡ cuối năm, − là đi vào mảnh "đất nguội", dẫn người ta đi bên bờ một dòng sông chảy xiết.

T.Đ.S. − Đọc anh Khải, tôi nghĩ tác giả là người nhiệt tình với lý tưởng không kém ai đâu. Đấy đúng là nhà văn của lý tưởng. Có điều con người ấy có cái nhìn tỉnh táo. Trước các hiện tượng tiêu cực chẳng hạn, nhiều sáng tác chỉ có bình diện lên án. Nguyễn Khải thì có khác. Anh thiên về phanh phui nó, giúp người đọc nhận thức nó. Anh không đơn giản hóa mọi kẻ thù. Anh lưu ý chúng ta nhận thức kẻ thù. Và thực ra, sự nhận thức sâu sắc, khách quan về các loại kẻ thù, các tình thế trở ngại đang đặt ra − đó mới là căn cứ thực tế của sức mạnh chúng ta. Thành thử có cái nghịch lý hơn khôi hài này giữa tác phẩm Nguyễn Khải và một cách đọc anh vừa nhắc đến: trong khi nhà văn dám mạnh dạn đối mặt với các kẻ thù tư tưởng thì những người đọc theo cách trên, thật ra lại tỏ ra nao núng hơn tác giả. Còn với Gặp gỡ cuối năm, vấn đề của nó là khẳng định niềm tin vào chế độ này, khẳng định phải chấp nhận chế độ này chứ không thể nào khác − đó phải chăng là vấn đề đã nguội, là vấn đề ở rìa ngoài dòng đời sôi sục, sau một đổi thay xã hội rất lớn?

L.N.Â. − Cũng phải châm chước đôi chút, thông cảm đôi chút với cách đọc hơi có phần đơn giản ấy. Bởi vì nhà văn đã khẳng định vấn đề mình nêu ra không phải bằng một lối nói thuận mà lại bằng một lối nói ngược, thông qua một câu chuyện giữa những người chán chường, buông xuôi, "tiêu cực", thậm chí là những kẻ đối địch hôm qua để nói cái tư tưởng tích cực của mình. Nhưng toi tin là nhiều bạn đọc bình thường đã có cách đọc đúng đối với Gặp gỡ cuối năm. Tôi đã gặp những người như vậy ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Họ tìm cuốn sách với một thái độ thành thực. Tôi nghĩ cuốn sách đã đến được với người đọc trong cảm giác hiểu biết, tin cậy. Tác phẩm nào đến với người ta chỉ để xúi người ta ghét cái nhất thời này, yêu cái thoáng qua nọ, chắc không thể ở bền với họ so với những tác phẩm giúp người ta hiểu biết, nhận thức những sự thật trong cuộc đời. Nhu cầu hiểu biết sự thật là nhu cầu lớn của thời đại và ngẫm ra, con đường nhận biết sự thật không bao giờ đơn giản, dễ dàng. Theo nhận xét riêng, tôi nghĩ ở văn học xã hội chủ nghĩa cũng như văn học chân chính của thế giới hiện nay, cảm hứng nhận thức đang tăng lên mạnh mẽ. Chẳng hạn, nghệ thuật và văn học tư liệu là gì nếu không phải sản phẩm của xu hướng nhận thức những sự thật, thật đến khó tin, trong đời sống? Và có lẽ do xu hướng nhận thức tăng lên nên những nét du dương, đèm đẹp trong văn chương đang giảm đi trông thấy. Các nhà văn xem ra đang thích khô giọng lại, thích nói giọng cay nghiệt đanh lạnh hơn là sướt mướt phô bày, thậm chí hay dùng nghịch lý, nói như xuôi theo chiều này nhưng thực ra lại buộc người đọc tin vào phía ngược lại. Những điều này ở một chừng mực nào đó có thể ít nhiều cũng có trong một số sáng tác của anh Khải, và tôi cho đó là chỗ hiện đại ở văn anh. Đọc Nguyễn Khải, riêng tôi, tôi thích những đối thoại. Tôi cảm thấy như đang nghe được những cuộc tranh cãi, những luồng suy nghĩ, những luồng tư tưởng đang có thực ngoài đời. Diện mạo nhân vật, ở anh Khải, nhiều khi chỉ rõ nét do suy nghĩ, tư tưởng của nó. Thành thử, ở văn xuôi của anh, thoạt nhìn thì có vẻ ít sự việc, hoạt động, nhiều lời lẽ, ý kiến, ít mô tả, kể chuyện, thế mà đọc kỹ, đấy vẫn giống như một kiểu miêu tả, một kiểu thể hiện những sự thật đang tồn tại một cách khách quan…

T.Đ.S. − Đúng, đấy là miêu tả tư tưởng, tư tưởng như một hiện tượng sống, một sự thực khách quan. Đời sống − đó không chỉ là những sự việc, những quan hệ con người. Đời sống − đó còn là tư tưởng. Những tư tưởng sống trong đầu óc của những người đang sống hôm nay. Tôi cho là ở anh Khải có rất rõ ý thức về điều này. Hơn hai chục năm trước, một lần anh đã nói: "Tôi quan niệm nghệ thuật đơn giản như sau: là khoa học thể hiện lòng người, lịch sử của lòng người (…) Sự thật chỉ có thể viết về những tấm lòng, những tâm trạng của các giai cấp trong xã hội với mọi sự phức tạp, tinh vi, ngoắt ngoéo có thực của nó; như thế mới là sự thật chân thật theo quan niệm của tôi (…) Hãy nói sự thật về lòng người, sự thật chân thật, kết quả của sự nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ của chúng ta. Tôi tin Đảng không phản đối, quần chúng không phản đối sự phát hiện quý giá đó, vì phàm mọi sự thật chân chính đều ủng hộ lý tưởng của chúng ta, ủng hộ sự nghiệp của chúng ta".(1)  Rõ ràng là từ lâu rồi anh đã thấy phải miêu tả điều mà anh gọi là sự thật lòng người, tức là sự thật tâm trạng, sự thật tư tưởng, phải đem nghệ thuật nghiên cứu những sự thật ấy. Tôi nghĩ chính cảm hứng nghiên cứu đã dẫn Nguyễn Khải đến chỗ trình bày những dòng suy nghĩ, tư tưởng có thực ấy − những suy đoán, cân nhắc, diễn giải, biện hộ khác nhau của những con người khác nhau trong những tình thế khác nhau. Để ý trong mạch văn của tác giả sẽ thấy ở giọng người kể chuyện (đừng đồng nhất người kể chuyện với nhà văn tác giả) có khá nhiều giọng nói khác xen vào. Đấy là cách thức thể hiện khách quan những cuộc tranh cãi về tư tưởng, những tư tưởng khác nhau đang tồn tại thực ngoài đời. Cứ đọc trong mạch suy nghĩ của một nhân vật nào đó mà xem, sẽ thấy từ ý nghĩ đích thị của bản thân nhân vật ấy sẽ nối sang những cách nghĩ, cách bình giá của những người khác; nhân vật vừa tính đến những cách nghĩ ấy, lại như muốn cãi lại… Tất cả cái mạch đó sẽ vẽ ra rõ nét một tình thế mà có khi không cần miêu tả sự việc…

L.N.Â. − Thành công được như thế, phải nói đến đặc sắc ngôn ngữ Nguyễn Khải, một ngôn ngữ rất văn xuôi: nó không ưng nống lên thống thiết mà thường pha ngang sang giọng tưng tửng, đùa đùa. Thêm nữa là tính chất nhiều giọng của văn xuôi này: có cái là do người kể chuyện nói, có cái là do những giọng khác nói. Nếu bảo mọi câu chữ đều là phát ngôn của nhà văn thì tức là vẫn chưa hiểu ngôn ngữ này, và sẽ oan cho nghệ thuật. Tất nhiên cách viết của anh Khải thường là nói các lý lẽ, ý kiến nhiều hơn là kể việc, và cũng thường có nguy cơ đơn điệu. Nhưng nhà văn cũng có cảm giác về mức độ và đã tìm cách cân bằng ngay trong ngôn ngữ của mình. Tôi để ý thấy là khi nào "nói lý" nhiều quá, anh Khải sẽ tìm cách "xổ giọng phong tục" (tôi tạm gọi thế). Anh có thấy những đoạn như thế không? Để tôi lấy một ví dụ vậy, một ví dụ cũ, vì tôi hay nhớ đến, ấy là trong Mùa lạc, khi kể về cuộc đời cô Đào, trước khi lên nông trường Điện Biên. Cần đặc biệt lưu ý những câu như: "Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế, trước sau chỉ một con đường ấy, không thể nào tránh được… Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy muồng, khi ngược Lào Cai buôn gà vịt, mùa tu hú kêu sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn. Khi thì ở chợ Cuối Chắm, ở đò Tràng Thưa, khi lại về phố Rỗ, chợ Bì, chợ Bưởi. Mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông ngắn đã bạc, ngày mưa ngày nắng, bàn chân đã từng đi khắp mọi nơi không dừng lại một buổi nào. Cũng có ngày ốm đau, nằm nhờ nhà người quen, bưng bát cơm nóng nhìn ngọn đèn dầu lại sực nhớ trước đây mình cũng có một gia đình, có một đứa con, sớm lo việc sớm, tối lo việc tối", v.v... Nghe khác hẳn giọng "lý sự", bởi vì nó giống như cái điệu, cái giọng của người trong dân dã đang kể cho nhau những chuyện đường đời. Kiểu giọng "phong tục" này, anh Khải học được không chỉ thẳng từ dân gian, từ ngoài đời đâu. Đúng ra, nó đã được cả một lớp nhà văn, từ Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Kim Lân, Nam Cao v.v… luyện nên và anh Khải cũng như các nhà văn cùng lớp tuổi như Nguyễn Ngọc Tấn, Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên… tiếp tục khai thác. Có thể bảo đó là ngôn ngữ "biền ngẫu", song thực ra đặc sắc của ngôn ngữ này lại là ở chỗ nó miêu tả lời ăn tiếng nói ngoài đời, miêu tả một ngôn ngữ sống chữ không chỉ dùng ngôn ngữ ấy đơn thuần như một phương tiện kể chuyện. Xem ra thì thành phần ngôn ngữ này ở tác phẩm anh Khải càng về gần đây càng ít đi, một điều hơi tiếc đấy. Nhưng khi cảm thấy cần, anh vẫn biết dùng lại một cách rất hiệu quả. Ở Cha và Con, và… cũng như ở Gặp gỡ cuối năm, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, thỉnh thoảng vẫn gặp thành phần ngôn ngữ này. Và nói chung, vẫn phải nhận rằng ngôn ngữ của anh Khải là đặc sắc. Một nhà văn có cái "văn" riêng, không thể trộn lẫn.

T.Đ.S. − Một chất lượng ngôn ngữ đặc sắc như vậy là phương thức rất lợi hại để phân tích tâm lý. Tôi thấy ở văn xuôi của ta có khá nhiều nhà văn miêu tả tâm lý giỏi, nhưng phân tích tâm lý thì ít ai làm được như anh Khải. Đi trước anh, về mặt này, có thể chỉ là Nam Cao…

L.N.Â. − Nguyễn Khải thích viết ngắn. Gần đây anh có nói rõ lý do. Những cái anh viết, dài nhất như Chiến sĩ, không tiêu biểu cho lối viết của anh. Ngay những tiểu thuyết của anh mà tôi nghĩ chính là truyện vừa, người đọc tinh ý cũng thấy độ một phần ba hoặc một phần tư về cuối, đọc không thú vị như các phần trước…

T.Đ.S. − Có lẽ gần như một quy luật là: viết về những gì đang là cùng thời, là nóng hổi, là đương đại, với cảm hứng nghiên cứu, tác phẩm khó mà dài. Trường hợp anh Khải là thế đấy. Có lẽ chỉ có thể dài nếu viết về quá khứ, ít nhiều có tính chất lịch sử so với thời điểm ngồi viết, ví dụ bây giờ viết về thời chống Pháp, chống Mỹ. Tác phẩm dài yêu cầu một sự hư cấu nghệ thuật khác, một kiểu cấu trúc khác. Tác phẩm của anh Khải thường không phức tạp lắm về mặt hư cấu. Thường chỉ với một tuyến cốt truyện, một tuyến gồm vài ba nhân vật, với những đoạn như những đoạn ký, ghi chép lấy thẳng từ ngoài đời. Có lẽ nên gọi đó là những truyện ký tuy rằng chữ này chỉ để nhận diện chứ không hàm ý đánh giá thấp chất lượng tác phẩm. Nhưng tôi phải nói thêm rằng các sáng tác của anh Khải thường lấy đối tượng nghiên cứu là con người (với diện mạo tinh thần, tư tưởng, xu hướng của nó) chứ không phải các sự việc, thành thử nó vẫn đậm chất tiểu thuyết, chất truyện.

L.N.Â. − Có người bảo nhiều sáng tác của Nguyễn Khải viết theo lối luận đề. Cha và Con, và… xoay quanh luận đề lựa chọn, Gặp gỡ cuối năm cũng vậy…

T.Đ.S. − Anh Khải có dùng lối luận đề, nhưng không phải ở hầu hết các tác phẩm. Vả chăng có lối viết luận đề để minh họa một ý có sẵn, gần như là của người khác. Những truyện "trung hiếu tiết nghĩa" không xuất sắc trong văn học quá khứ chẳng hạn. Lại cũng có trường hợp tác giả dùng lối luận đề để trình bày một ý của mình, do mình quan sát thấy và nêu ra. Quan trọng ở đây là ý, là chủ đề, là vấn đề. Không phải mọi thứ luận đề đều có thể đem đến những giá trị văn học ngang nhau. Nhà văn bao giờ chẳng ngụ một cái gì vào câu chuyện, dù kín đáo đến mấy. Tôi nghĩ ở anh Khải thường thường luận đề chỉ là phương thức để nghiên cứu, cắt nghĩa những sự việc và con người đương thời. Cha và Con, và… khảo sát thông qua một tình thế giả định. Cái chính vẫn là khảo sát, cắt nghĩa, và phần thành công thường không ở bản thân luận đề mà lại ở sự trình bày những sự thực trong đời sống và trong suy nghĩ của các nhân vật, nghĩa là ở chính sự khảo sát, nghiên cứu.

L.N.Â. − Nếu vậy hẳn có thể rút ra được những điều bổ ích, những vấn đề tương tự như một bài học từ lối tiếp cận đời sống này trong sáng tác của Nguyễn Khải. Trước hết, tôi nghĩ, là cách anh Khải hướng ngòi bút mình vào cái hàng ngày, nhận thức nó một cách chăm chú, thể hiện nhận thức ấy và tác phẩm..

T.Đ.S. − Nên nhắc lại ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi nói đến văn nghệ: nó là "khoa học", là "hiểu biết, khám phá, sáng tạo". Chúng ta nhấn mạnh chức năng nhận thức không kém gì chắc năng giáo dục. Giáo dục thông qua nhận thức − ấy là cách thức tác động có cơ sở lâu bền của văn nghệ, nhất là đối với một công chúng đang có tầm hiểu biết ngày càng rộng, càng cao…

L.N.Â. − Đấy cũng là cách thức tốt để văn nghệ tác động đến việc hình thành nhân cách xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa phải tác động vào việc tạo ra, hình thành nên con người đó của chủ nghĩa xã hội chứ không chỉ thụ động chờ đợi nó xuất hiện hoàn chỉnh rồi chỉ việc miêu tả. Nói tính tích cực thẩm mỹ của nền văn nghệ này, cũng chính là với khía cạnh đó.

T.Đ.S. − Cho nên, một kiểu sáng tác lấy việc nghiên cứu đời sống hiện tại làm hướng chính − là một trong những cách thức tốt để hiểu biết, khám phá cuộc sống này, một cách thức tốt để triển khai văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa…

L.N.Â. − Chúng ta cần cả những sáng tác thật bay bổng, thật lãng mạn nữa, có thể thật ảo, thật "mê" − như chữ dùng của đồng chí Tố Hữu − để cổ vũ con người của chúng ta trong lao động và đấu tranh…

T.Đ.S. − Nhưng cũng cần những sáng tác thật tỉnh táo, chăm chú và thẳng thắn khám phá, hiểu biết cuộc sống và con người đương thời. Hiểu biết giúp người ta lớn lên, già giặn. Mỗi nhà văn chọn một cách thích hợp, miễn là thực sự đem lại những sáng tác tốt, có giá trị.

L.N.Â. − Nghĩa là thành công của anh Khải là thành công trên một trong những hướng của văn xuôi bám sát cuộc sống đương thời, cuộc sống hôm nay, chăm chú tìm hiểu nó, khám phá nó, nhận thức nó với một thái độ nhìn nhận và thể hiện khách quan. Một thứ văn xuôi hướng về văn xuôi đích thực, khai thác thật hết những lợi thế của văn xuôi. Bởi vì tôi nghĩ, về một mặt nào đó, chất văn xuôi và cái hôm nay, cái hằng ngày − đó là những cái rất tương đắc.

5-1983


 

(1) Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến một nhận định của nhà nghiên cứu xô-viết M.M. Ba-khơ-tin khi đối chiếu tiểu thuyết với sử thi cổ.

(1) Biểu hiện thực tế như thế nào? Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Khải trong Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5-1957, tr.8, 9.