TƯ DUY LÝ LUẬN TRƯỚC Ý THỨC VĂN HỌC ĐANG PHÁT TRIỂN

 

Lý luận bao giờ cũng có vai trò quan trọng, đối với một nền văn học nói chung trong cả cái bề rộng và bề dày của nó, và nói riêng, trong mỗi giai đoạn phát triển văn học, khi có lắm vấn đề thực tiễn đặt ra.

 

Sự thật, nền văn học nào cũng có lý luận của nó cả thứ lý luận không thành văn lẫn lý luận thành văn, thành câu chữ, bài bản, sách vở. Tôi muốn gọi thứ lý luận không (hoặc chưa) thành văn kia là cái ý thức văn học hình thành ("ngầm" chăng?) trong nền văn học đó, trong giới những người làm văn học, trước hết là giới sáng tác, và sau nữa, cả trong giới công chúng văn học một thời đại. Chính cái ý thức văn học này phải là tiền đề, là nguyên liệu, và rốt cuộc là nội dung của thứ lý luận thành văn mà sự phân công xã hội trong văn học đem giành việc cho các nhà lý luận phê bình. Muốn gắn chặt với nền văn học chung, lý luận phải đích thực là tiếng nói tự ý thức của nền văn học ấy.

 

Quan niệm về văn học nơi nhà văn và nơi bạn đọc ở thời điểm hôm nay dù sao cũng đã đổi khác khá nhiều so với vài mươi năm trước. Kinh nghiệm của đời sống và của văn học tự nó đã giúp khắc phục khá nhiều điều giản đơn, ấu trĩ trước đây. Cái khó của lý luận "chuyên nghiệp" bây giờ chính là làm sao bám sát hơn nữa, đi trước cái ý thức văn học đang không ngừng phát triển ấy. Tôi nghĩ nên xem đây là yêu cầu đối với bất cứ ý kiến nào được đề xuất trên lĩnh vực lý luận văn học trong sách báo của chúng ta hiện nay.

 

 

***

 

Cuốn sách Văn học, cuộc sống, nhà văn (*) là công trình chung của một nhóm soạn giả vốn làm nghiên cứu lý luận chuyên nghiệp. Như phần kết luận cuối sách nói rõ, ba khâu văn học, cuộc sống, nhà văn "liên hệ và quy định lẫn nhau theo những quy luật nhất định" (tr.548) chính là trung tâm chú ý của cuốn sách. Từ đây có thể thấy ý hướng triển khai các vấn đề lý luận đại cương theo tinh thần một thứ sách chuyên luận. Nhưng đấy có lẽ chỉ mới là ý đồ gói vào tên sách, vì thật ra nội dung sách vẫn cấu tạo hầu hết như mọi cuốn cơ sở lý luận văn học khác. Và như vậy nó vẫn ở dạng những cuốn sách lý luận chúng ta đã biết.

 

Hầu hết những vấn đề lý luận cơ sở (tức là những nguyên lý chung) đã được bàn đến ở đây: lao động và nguồn gốc của văn học, đặc trưng của văn học, tính tư tưởng và tính nghệ thuật, nhà văn và sáng tác, v.v… Có điều, người đọc dễ băn khoăn: đây là sách phổ cập một thứ sách giáo khoa về văn học viết lối phổ thông hay là một cuốn lý luận cơ bản bàn tới những vấn đề cấp bách đang đặt ra trong văn học hiện thời?

 

Một cuốn sách phổ cập chăng? Nếu vậy, nó phải tương tự như loại sách phổ cập khoa học như gần đây chúng ta đã làm quen: Sinh vật học lý thú, Điều khiển học trong chúng ta, v.v… và v.v… mà một đặc điểm quán xuyến là nó "giảng" các tri thức chuyên ngành "hóc búa" bằng những hình thức thật dễ hiểu. Mà đây thì không hoàn toàn như vậy: cách tiếp cận và triển khai luận điểm được trình bày trong sách cho thấy nó vẫn khá "hàn lâm", do vậy khó phổ cập (Cũng cần nói thêm rằng viết loại sách phổ cập này vốn không dễ: không phải cứ gọi bớt các tri thức phức tạp xuống dạng dung tục thì thành sách phố cập, ngược lại yêu cầu ở đây là phải "giữ nguyên" tính phức tạp đó, duy có điều là phải nói sao cho dễ hiểu. Ở nhiều ngành khoa học khác loại sách đó hầu như chỉ thuận lợi cho một số nhà khoa học nhất định, thường có khiếu trò chuyện với người "ngoại đạo", làm cho họ biết ngành khoa học ấy "ở trong còn lắm điều hay").

 

Đây là sách lý luận cơ bản chăng? Thế thì nó phải bao gồm những lý giải hiện đại và khoa học nhất cả ở nội dung tri thức lẫn phương pháp luận. Mà yêu cầu này, nó mới làm được rất ít nếu không phải là chưa có ý định làm.

 

Thành thử, nó như vừa là cái này một chút, vừa là cái kia một ít. Là phổ cập một phần, vì xét ra, toàn những tri thức cũng đã quen thuộc lắm, lại là cơ bản một phần, vì ở đây gồm những điều cũng rất hệ trọng tuy chưa được bàn kỹ đến nơi đến chốn như ở sách chuyên luận.

 

Trên phương diện phổ cập những tri thức về khoa học văn học cho đông đảo bạn đọc, cuốn sách sẽ có không ít tác dụng, giống như các giáo trình lý luận văn học lâu nay đã có ở các trường. Nhưng cái thiên hướng đối thoại với người trong nghề, ở đây có lẽ cần được bàn tới nhiều hơn, do chỗ nó liên quan đến những vấn đề đáng quan tâm hiện nay của lý luận phê bình và sáng tác văn học.

Vì cuốn sách đề cập hầu hết các vấn đề cơ sở văn học cho nên không thể  bàn đến tất cả, và cũng phải nói thêm, ở đây bài viết này không có ý định đánh giá cặn kẽ toàn diện các mặt ưu điểm và nhược điểm của cuốn sách. Ngay ở các nhược điểm bài viết có ý định bàn nhiều về mặt này chúng tôi thấy cũng nên lướt qua những chỗ có vẻ như là do "viết nhịu" mà có (thí dụ ở trang 250 về ngôn ngữ văn học, viết là "nhóm âm: n-h-à" mà lật sách vần vỡ lòng cũng thấy cần sửa là: nhóm âm: nh-à (hai chứ không phải ba âm) v.v…

 

***

 

Mối quan hệ giữa văn học và đời sống, chủ yếu với lao động, là trọng tâm chú ý ở phần đầu cuốn sách. Các tác giả cố gắng nêu bật sự gắn bó chặt chẽ giữa văn học với lao động từ cội nguồn đến suốt tiến trình lịch sử nhân loại. Dĩ nhiên ý hướng đó là đúng, nhưng dõi theo các lập luận và lý giải, người ta thấy người viết như muốn luôn luôn nhìn nhận quan hệ  văn học - lao động ở dạng gắn bó trực tiếp. Một cách quan niệm như vậy lại có phần đơn giản hóa đáng tiếc, vì không thấy một khâu trung giới rất đáng kể là đời sống. Chính đời sống (mà nội dung chủ yếu là lao động nhưng không chỉ có lao động) với những quan hệ xã hội và nhu cầu sinh hoạt tinh thần phong phú, đa dạng, phức tạp mới thật là khâu gắn trực tiếp với văn học. Nhìn quan hệ văn học - lao động ở dạng trực tiếp có lẽ chỉ thuận lợi khi giải thích những bài ca lao động trong văn nghệ dân gian thời sơ khởi tuy cũng không giải thích hết được những gì là "trang trí" (tô vẽ, làm đẹp ý đẹp lời) ngay trong các sáng tác ấy. Nhưng với các sáng tác văn học thành văn của các giai đoạn phát triển về sau thì cách nhìn trực tiếp như vậy trong phần lớn trường hợp sẽ là khiêng cưỡng, gò bó, nếu người giải thích không cố ý chọn lấy một ít những thí dụ thích hợp và phớt lờ hàng loạt thí dụ khác, bị xem như "ngoại lệ". Có lẽ cũng trong quan niệm trực tiếp như vậy nên khi cắt nghĩa hiện trạng văn học ta chậm bước so với đời sống, người viết cho rằng lý do là ở chỗ nhà văn chưa thực sự đi sâu vào đời sống lao động, chưa nắm được "văn hóa sản xuất" ở mức cần thiết. (Từ đây luận điểm về cái gọi là "lối nhìn sản xuất lớn" trong văn nghệ đã được đề ra mà nội dung khái niệm rất mơ hồ, chưa được luận chứng một cách khoa học, hãy còn ở tình trạng du nhập máy móc một khái niệm kinh tế học). Hiển nhiên là hiểu biết của nhà văn nước ta về đời sống sản xuất (nhất là những ngành công nghiệp quá mới mẻ so với xã hội nông nghiệp truyền thống) nói chung còn chưa tương xứng với yêu cầu miêu tả và phản ánh nó, nhưng phải đâu hễ cứ có một hiểu biết cặn kẽ các đối tượng lao động như kiểu bác xích-lô am hiểu các ngách phố Hà Nội là đủ để có tác phẩm hay! Văn học chủ yếu không phải là môn kỹ thuật canh tác. Lĩnh vực của nó là phương diện tinh thần (tâm lý, tình cảm, trí tuệ, phong hóa…) của đời sống cộng đồng, trung tâm chú ý của nó là những vấn đề xã hội của con người trong đời sống cộng đồng, dù chắc chắn là đời sống ấy dựa trên hoạt động lao động sản xuất để sinh tồn và phát triển. Chúng ta từng biết không ít những kỹ sư và cán bộ kỹ thuật thạo nghề, khi cầm bút sáng tác về chính nghề mình thì lại tỏ ra thiếu cái mà ta vẫn gọi là vốn sống, tức là không chỉ bao gồm ở "văn hóa sản xuất". Chúng ta cũng từng biết đến thất bại của một số thể nghiệm khi nhà văn định bù sự thiếu hụt hiểu biết toàn diện về đời sống công nghiệp bằng một số trang khá dày mô tả các thao tác và tình huống kỹ thuật, máy móc và hàng lô tri thức kỹ thuật chuyên ngành. Thời đại mới với tốc độ nhanh của tiến bộ kỹ thuật, các tri thức ấy sẽ rất dễ tìm thấy ở dạng chính xác trong những sách kỹ thuật chuyên ngành hoặc viết phổ thông hoặc viết uyên bác. Văn học không thể làm thay loại sách đó được trong khi nó lại có địa hạt riêng không gì thay thế nổi. Quan niệm văn học có vai trò như là sự tích lũy tri thức lao động không phải là quan niệm chính xác. Tình trạng ấy chỉ xảy ra khi, ở con người thời cổ, hai xu hướng khảo sát thế giới khách quan và tự biểu hiện bản chất chủng loại của mình hãy còn là một: nói khác đi, khi ý thức khoa học và ý thức nghệ thuật chưa phân hóa, khi loài người chưa tìm ra những phương tiện lưu trữ các thông tin kỹ thuật nào khác hơn là các bài ca và truyện kể.

 

Cũng cần nói thêm về vai trò phản ánh của văn học nghệ thuật đối với đời sống (cuốn sách dành cho vấn đề này cả một chương lớn). Xác nhận vai trò đó là đúng đắn, nhưng cường điệu vai trò đó xem nó là mặt chính yếu lấn át mọi vai trò khác thì sẽ là mâu thuẫn với thực tế. Sự phân ngành và phát triển của các hình thái ý thức khác đã cho thấy văn học nghệ thuật không phải là độc tôn trong việc phản ánh thực tại, hơn nữa, có thể nói còn chứng tỏ nó có vị trí thua kém đáng kể so với nhiều chuyên ngành khác, nếu xét trên tính chuẩn xác, tính xác thực tư liệu của sự phản ánh ấy. So với các tài liệu sử học, dân tộc học, xã hội học, chẳng hạn, thì bức tranh về đời sống mà văn học nghệ thuật cung cấp hẳn sẽ phải ít dữ kiện hơn, "kém chính xác" hơn, nhất là bức tranh về các xã hội hiện đại mà các khoa học thực chứng ghi nhận rất kỹ lưỡng. Bám vào thuộc tính phản ánh để chứng minh sự tồn tại vững chắc của văn học trong thời hiện đại, đến một lúc nào đó sẽ lâm vào tình trạng chông chênh, bấp bênh: đặt cạnh các khoa học thực chứng kia như một nhà khoa học đã nhận xét văn học nghệ thuật một lúc nào đó sẽ có nguy cơ trở thành một thứ trống bỏi lý thú nhưng không thật cần thiết. Không ít văn nghệ sĩ và khoa học gia tư sản đã chẳng nhân danh tình trạng khoa học kỹ thuật phát triển này mà truyền bá tư tưởng về tương lai cáo chung của văn học nghệ thuật đó sao? Nhưng trong khi ấy thì văn học nghệ thuật trên hành tinh này lại đang nảy nở hết sức phong phú (dù người ta mới chỉ chịu ghi nhận mặt số lượng), hơn nữa, lại có vị trí ngày càng không thể bác bỏ được trong đời sống nhân loại. Chính cái năng lượng tinh thần, cái động lực tinh thần có thể dẫn đến hành động mà hoạt động văn học nghệ thuật cung cấp cho con người đó mới là một cơ sở chắc chắn hơn nhiều để biện luận cho sự tồn tại vĩnh cửu của nó trong đời sống nhân loại, kể cả ở các xã hội phát triển thật cao sau này. Tôi nghĩ, cái chất men cảm hứng mà mỗi tác phẩm gieo vào con người, khiến họ đồng ý đồng tình với một tư tưởng, một thái độ, dẫn họ đến hành động cái đó cần kể tới hàng đầu, cốt yếu nhất, dù rằng phản ánh (đúng hơn, phải nói nhận thức, tức là phản ánh một cách chủ động, cũng tức là một cách chủ quan) vẫn là một thuộc tính cơ bản của nó. Cái lý cho sự có mặt của văn nghệ trong đời sống chính là ở chỗ nó thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho con người, nó tác động vào con người. Không nhìn thấy mục đích tác động đến con người của văn học nghệ thuật mà chỉ nhấn mạnh một chiều thuộc tính phản ánh của nó thì tức là dù vô tình nhấn mạnh mặt tự phát (một khía cạnh ở tính tất yếu) của ý thức thẩm mỹ hơn là mặt tự giác, chủ động, tích cực của ý thức này.

 

Theo một cách thức rất giáo khoa, cuốn sách nói tới ba chức năng văn học: 1) nhận thức cuộc sống; 2) cải tạo con người và xã hội (giáo dục); và 3) biểu hiện và truyền thụ cái đẹp. Hiển nhiên đây thực sự là những chức năng cốt yếu và đây cũng là cách trình bày phổ biến lâu nay trong sách vở lý luận ở ta. Nhưng nhìn rộng một chút, trên vấn đề này, ở giới lý luận mác-xít thế giới hiện đang phổ biến khá nhiều cách trình bày khiến ta phải suy nghĩ. Đó hoặc là thống kê và phân tích hàng chục chức năng khác nhau của văn nghệ, hoặc là khẳng định tính chất đa chức năng của nó. Và vấn đề không bao giờ chỉ nảy sinh từ bên ngoài: ngay trong công tác văn nghệ của ta, cách nói đến ba chức năng như là một công thức bất di bất dịch mà không hề có dẫn giải thêm về những cách trình bày khác, rộng hơn hoặc hẹp hơn về chức năng văn học, có khi cũng sẽ gây ấn tượng không thỏa mãn ở người tiếp nhận. Chẳng hạn, không ít người đã đặt câu hỏi: Sân khấu và điện ảnh chẳng hạn, có chức năng giải trí hay không? Người ta tới rạp xiếc hay đi nghe ca nhạc thật ra cũng với những nhu cầu không khác lắm so với nhu cầu xem thể thao. Hoặc vấn đề vị trí của nhạc nhẹ. Hoặc ngay ở văn học, nếu không thật cố chấp thì cũng phải để mắt tới một nhu cầu tương tự như trên đối với sách trinh thám, v.v… và v.v… Chạy theo bất cứ thị hiếu nào để làm tiền (xu hướng chung của thị trường văn hóa tư sản) và thỏa mãn những thị hiếu chính đáng (nhiệm vụ của văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa) đó là hai thứ khác hẳn nhau. Nhu cầu tiêu dùng văn hóa của quần chúng lao động ngày một tăng, đòi hỏi một cách nhìn rộng mở, nói riêng ở đây là từ phía tư tưởng lý luận.

 

***

 

Định nghĩa một hiện tượng không ít phức tạp như văn học và nghệ thuật nói chung quả là không dễ. Có thể mô tả hàng loạt thuộc tính của đối tượng mình khảo sát mà vẫn chưa hề đụng chạm tới việc định nghĩa nó: không phải bất luận thuộc tính nào cũng định nghĩa đối tượng. Khu vực có nhiều triển vọng nhất để tìm một định nghĩa ngày càng có khả năng thỏa đáng hơn cho văn học, đó là khu vực đặc trưng. Ở cuốn sách này các tác giả vẫn giữ quan niệm phổ biến lâu nay, coi tính hình tượng như là dấu hiệu đặc trưng nhất cho văn học. Có một khía cạnh đã được các tác giả cuốn sách này mạnh dạn hé ra: hình như coi hình tượng là dấu hiệu chung nhất thì sẽ gặp không ít "gay go" khi phải đương đầu với sáng tác trữ tình hoặc văn chương chính luận, nơi chỉ hiện diện độc một mình cảm nghĩ của tác giả (tr.211-213). Nhưng chỉ đến đó, cuốn sách đã vội dừng lại, sau đó co mọi cảm nghĩ trữ tình vào một dạng thức hình tượng (tr.232: "Cảm nghi… không có cách gì biểu hiện lên được nếu như không "tập hợp" quanh nó những cảnh tượng đời sống" nhưng xin hỏi: có những lời nói trần thôi mà cũng gây xúc động thỉ sao?).

 

Thật ra, quan niệm coi hình tượng như dấu hiệu đặc trưng của văn học một quan niệm có căn cứ và có nhiều tác dụng đối với tư duy phân tích vốn gắn với cách thức xem xét văn học trong dạng văn bản tĩnh tại, cô lập; có lẽ nó là sản phẩm của lý luận văn học ở trình độ mô tả đối tượng, do vậy, có thể không hoàn toàn chính xác và bao quát triệt để đối với tư duy lý luận hiện đại đòi hỏi nhìn đối tượng trong cấu trúc chỉnh thể của nó ở đây là văn học, một hoạt động nhận thức đặc biệt bao gồm cả hai quá trình: hoạt động sáng tạo của nhà văn và hoạt động cảm thụ của công chúng tiếp nhận, tức là một loại hoạt động sống, năng động mà văn bản tĩnh của tác phẩm là cơ sở chứ không phải là toàn bộ hoạt động. Trên vấn đề này, có lẽ cần phải có những đào sâu hơn, bao quát hơn.

 

Từ khái niệm hình tượng sang khái niệm điển hình, cuốn sách xem điển hình là hình tượng "biểu hiện ở trình độ cao" (tr.238). Tôi nghĩ đây là một lầm lẫn. Hình tượng trong tác phẩm dù thế nào cũng phải được hiểu như là có ý nghĩa ám chỉ, ý nghĩa tiêu biểu, đại diện nào đó, theo chủ kiến nhà văn tác giả (các hình tượng được đánh giá là kém cỏi hoặc sai lầm thì lý do là ở chỗ tính tiêu biểu mà nó gán ghép vào hình tượng đã không có được giá trị thực). Không nên đồng nhất quy luật khái quát với chất lượng của chính sự khái quát đó. Điển hình chỉ là một dạng của hình tượng trong kiểu sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Ngoài kiểu sáng tác này trước, đồng thời và sau chủ nghĩa hiện thực xét về thời gian vẫn có rất nhiều tác phẩm lớn không hề biết đến phép điển hình hóa(1). Coi điển hình cao hơn hình tượng (về trình độ tư duy chăng? Và có phải theo các tác giả thì cứ sáng tác kiểu hiện thực là tất nhiên gắn với chủ nghĩa duy vật, ngoài ra các kiểu sáng tác khác thì đều gắn với chủ nghĩa duy tâm xét về nhận thức triết học?) thì sẽ phải đánh giá thấp chăng những sáng tác thần thoại, lãng mạn, tượng trưng nói chung là ước lệ vốn gây được tác động thẩm mỹ lớn lao vượt cả những điển hình hiện thực chủ nghĩa trung bình? Điển hình là phạm trù phương thức hơn là phạm trù giá trị (hoặc chỉ là phạm trù giá trị trong chủ nghĩa hiện thực). Và ngay trên mặt giá trị, tính điển hình không phải là thước đo tuyệt đối về sự hơn thua của bất kỳ hai hay nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật nào khác nhau về thời điểm lịch sử và phương thức sáng tạo.

 

Nhưng chỗ lầm lẫn hệ trọng hơn có lẽ là quan niệm và lập luận sau đây: loại hình tượng trong văn học tự sự (dân gian và thành văn) "tái hiện cuộc sống đúng như hình thù, kết cấu tự thân của nó" (tr.231). Từ nhận xét thiếu xác đáng (2) này, lại đưa đến một nhận xét khác cùng loại: thực tiễn văn học ở nước ta và các nước khác chứng tỏ "viết về người thật việc thật là một trong những biện pháp chính để xây dựng hình tượng, để phản ánh cuộc sống theo cách của văn học" (tr.233). Thật ra, đã thừa nhận sự gắn bó mật thiết giữa văn nghệ với đời sống thì việc các hình tượng văn học luôn mang dấu ấn của cuộc đời, dù dựa sát vào nguyên mẫu (người, việc, chuyện, cảnh) hay chỉ là mô hình ít nhiều biến dạng đi do dụng ý chế biến của người sáng tác việc ấy là hiển hiên, chẳng cần chứng minh. Nhưng vấn đề không chỉ ở những nhận dạng tối thiểu đó. Quá trình khái quát nghệ thuật từ các chất liệu thực tế thành hình tượng tác phẩm là rất phức tạp, không thể chỉ quy vào hoặc "người thật việc thật" hoặc "hư cấu". Thật ra, trong tay nhà văn, sự kiện tuy hết sức cứng đầu nhưng cũng lại hết sức dễ bảo. Và nhà phê bình nào mới chỉ đọc tác phẩm, chưa biết sự kiện kia ra sao (cái sự "biết" này, nói cho ra lẽ cũng lôi thôi lắm) mà đã xếp vội nó vào ngăn "người thật việc thật" nhà phê bình ấy đáng được coi là ngây thơ hơn cả thi nhân. Huống nữa, cùng một sự kiện và nhân vật của lịch sử đã lùi xa (nào có được sống ở thời ấy mà biết nó mắt đen răng trắng ra sao!), người ta đem dựng thành những vở kịch, bài thơ, cuốn tiểu thuyết(3) mà đem đặt cạnh nhau thì thấy "cái thật" của sự kiện và nhân vật cứ trái nhau hoài! Cái chuẩn nhận dạng "người thật việc thật" ở những trường hợp như vậy (cả ở thời đương đại nữa) khó mà nói là một cái chuẩn đắc dụng.

 

Phải nhận rằng, đối với cách diễn đạt có tính chất nguyên lý của khoa lý luận văn học nghiêm ngặt, mấy chữ "người thật việc thật" không thực sự mang tính khoa học xác đáng về một khái niệm chặt chẽ (đối tượng của khái niệm ấy có thể biến mất dưới sự xem xét nghiêm túc). Có thể dùng cách gọi này khi nói kinh nghiệm sáng tác như một cách gọi vắn gọn, chấp nhận ít nhiều đơn giản hóa khi dùng nó. Nhưng lý luận "hàn lâm" thì cần thận trọng hơn với cách gọi này: nó mang nhiều nét trực quan của tư duy duy vật tự phát kiểu phương đông thời cổ hơn là một dấu hiệu vững chắc để phân loại các kiểu khái quát và xây dựng tác phẩm nghệ thuật.

 

Thật ra ở lý luận và phê bình hiện đại đã hình thành một khái niệm chuẩn xác hơn để chỉ một phạm vi tương tự: văn học tư liệu. Chính xu hướng tư liệu trong văn học nghệ thuật cũng có muôn biểu hiện phong phú, đa dạng, chứ không chỉ nằm trong thế loại suy: "có thật không có thật". Trong thực tiễn phê bình nghệ thuật lại càng cần tránh gây nên những cách hiểu hẹp hòi, muốn quy phạm hóa sự sáng tạo trong khuôn khổ các thủ pháp mô phỏng cái sự thật "tự nhiên" trực quan, kỳ thị việc vận dụng và tìm tòi các thủ pháp ước lệ nghệ thuật phong phú nhằm thể hiện mạnh mẽ những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ, táo bạo.

 

***

 

Vai trò của thế giới quan trong sáng tác, một vấn đề được luôn luôn quan tâm trong hàng chục năm qua, đã được cuốn sách đề cập đến theo tinh thần tập hợp những kết quả tìm tòi chung, nhằm khẳng định tính chất quyết định của nó (ở đây nói nhiều đến phương diện quan điểm chính trị) đối với sáng tác, cũng là khẳng định trách nhiệm cao của nhà văn trong hoạt động xã hội chủ yếu của họ. Cần thấy rằng thế giới quan là một khái niệm triết học được mỹ học sử dụng. Có sự khác nhau trong nội dung khái niệm này ở thời cổ (đồng nhất với vũ trụ quan, tức bức tranh khoa học về toàn bộ thế giới, bao gồm những tri thức về tự nhiên, xã hội, tư duy mà các khoa học thời ấy đạt được) và ở thời hiện đại (những nguyên tắc chung nhất của việc nhận thức và đánh giá tồn tại khách quan), do sự phân ngành giữa triết học và các khoa học khác(1). Ở cuốn sách này, một phạm vi thật xác định về thế giới quan còn chưa được xác lập dứt khoát. Có lúc nó có vẻ như quá rộng (đồng nhất với vũ trụ quan), có lúc lại được quan niệm như quá hẹp. Quan niệm quá rộng về thế giới quan có thể dẫn tới chỗ thổi to những đúng sai thuộc tri thức khoa học và phương thức chuyên ngành thành những sai đúng thuộc thế giới quan; cũng như quan niệm quá hẹp về phạm vi của nó có thể sẽ là sự tự bó tay mình trước những hiện tượng văn học không dễ cắt nghĩa.

 

Nhân đây, cần nói thêm  về mối quan hệ giữa chính trị và văn học mà cuốn sách trình bày có phần chưa thật toàn diện. Chưa xác định rõ đó là chính trị của đảng Mác - Lênin chân chính thì có lẽ chưa nên vội đi đến kết luận bao trùm này: "chính trị có khả năng nâng cao lý trí, tình cảm và tài năng trong sáng tác văn học" (tr.115). Phải nói rõ đây là chính trị cách mạng của Đảng chúng ta chứ không phải bất cứ nền chính trị nào trên thế giới hôm nay. Có tính đảng vô sản, cách mạng (công khai) và có tính đảng tư sản, phản động (giấu giếm), như Lênin đã chỉ rõ. Chúng ta biết, có thứ chính trị phù hợp xu thế tiên tiến của thời đại, phù hợp với lợi ích dân tộc và nhân dân, lại cũng có thứ chính trị phản động thù địch nhân dân, đối lập với tiến bộ của lịch sử. Chỉ có nền chính trị của Đảng cộng sản mới có tác động tích cực lớn lao đến thế giới quan và sáng tác của nhà văn. Còn khi nói thật rộng, thật bao trùm, ví dụ về các nhà văn ở các nước tư bản, thì vấn đề là phải cổ vũ một thứ nhạy bén chính trị sáng suốt ở nhà văn, hướng về nhân đạo và chính nghĩa chứ không phải là chứng minh sự lệ thuộc tuyệt đối có tính chất định mệnh của nhà văn ở các nước đó vào bất cứ thứ chính trị nào ở đất nước và thời đại họ. Về mặt này, quan hệ của Pablô Nêruđa đối với chính phủ của Agienđê và nghệ thuật của Vichto Hara đối với chính quyền Pinôchê đó là những mẫu mực có thể khái quát thành lý luận. Và không thể nói theo một chiều được. Ở trong văn học chúng ta, đồng thời với việc luôn nhắc nhở nhà văn sáng tác từ sự thôi thúc thật sự của lý tưởng cao quý "Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội" tưởng cũng nên có thái độ dè chừng trước những lối đầu cơ cốt mau giành lấy sự thành công dễ dãi.

 

Các vấn đề tình cảm và tài năng trong sáng tác văn học thực ra không phải là mới, nhưng đề cập thẳng vào nó trong một chương riêng như ở cuốn sách này, đối với tập quán viết sách lý luận ở ta vài mươi năm nay, quả là điều mới mẻ. Nhấn mạnh tính mục đích của tài năng, vai trò của lao động kiên trì, của đạo  đức và nhân cách đối với tài năng, v.v…. đều là những việc làm cần thiết. Nhưng có lẽ người đọc muốn trả lời rõ hơn: tài năng là gì vậy? Thừa nhận có tài năng để rồi gắn cho nó đủ thứ tốt đẹp và luôn thể đòi hỏi ở nó đủ thứ yêu cầu thì âu cũng vẫn là nói cho qua chuyện. Tôi nghĩ cái khó là làm sao giải thích được những dạng cụ thể thường rất "chướng kỳ" của tài năng: ở tài năng bao giờ cũng thấy xu hướng vượt ra khỏi những giới hạn phổ biến của năng lực chủng loại (một kỷ lục thể thao hay một phát minh, nếu là tài năng thì đều có đặc điểm này). Thừa nhận tài năng tức là thừa nhận khả năng con người có thể (không phải ai ai cũng thế!) vượt lên khỏi những giới hạn của chính mình, thừa nhận sự hoàn thiện không ngừng những khí quan vật chất và tinh thần của con người. Bí mật của tài năng là ở tính chất không bí mật của sự hoàn thiện nhân loại. Nếu đặt tài năng, hơn nữa, thiên tài, ở cái thế "mọi thứ đều hiểu được cả" thì cũng có nghĩa là thừa nhận một quan niệm khép kín về sự phát triển (diễn ra không đồng đều ở các cá thể). Đi vào cụ thể hơn nữa, khi nhà phê bình và văn học sử muốn đội vành hoa tài năng cho vầng trán nào thì vấn đề sẽ còn phức tạp và tinh tế hơn rất nhiều.

 

***

 

Một trong những mặt yếu về trình độ phương pháp luận nói chung của lý luận văn học ở ta hiện nay sự dẫm chân khá lâu ở tình trạng mô tả cũng thấy có biểu hiện ở cuốn sách này. Nói về quan hệ của văn học với các hình thái ý thức khác như chính trị, triết học, khoa học, cuốn sách chỉ kể một vài hiện tượng xâm nhập lẫn nhau về nội dung giữa chúng, nhiều khi chỉ là những hiện tượng thứ yếu có tính chất phái sinh, không phải những cái gốc gác chính yếu (ví dụ chỉ liệt kê một vài biểu hiện triết lý trong nội dung thơ ca nhưng lại quên cái chủ yếu mà một học thuyết triết học thường chi phối một trường phái văn học tương ứng: đó là nhận thức luận). Mô tả và thống kê không phải là những biện pháp khảo sát ít hiệu quả đối với nhà nghiên cứu, nhất là ở những bước dò tìm trước khi đi tới kết luận. Và để kết luận đúng, phải thống kê đủ những nhân tố cốt yếu; thế mà trong các khoa học về con người  (khoa học nhân bản) thì số lượng nhân tố cốt yếu thường nhiều đến mức khó mà thống kê hết. Nhưng khoa học hiện đại đã bước qua giai đoạn mô tả để đi tới cách tiếp cận đối tượng từ quan điểm hệ thống, từ sự nhìn nhận đối tượng trong cấu trúc chỉnh thể. Có lẽ, chính từ cuốn sách này, chúng ta lại càng thấy nhu cầu phải tiến tới xây dựng một khoa học văn học trên cơ sở phương pháp hệ thống.

 

***

Nếu sáng tác có cái khó của sáng tác thì lý luận cũng có cái khó của lý luận. Khi ý thức văn học chung đã phát triển, lý luận phải khái quát được nó đồng thời với việc giải quyết những vấn đề mới do thực tiễn đời sống và sáng tác đề ra. Yêu cầu ấy, nghiêm khắc mà nói, cuốn Văn học, cuộc sống, nhà văn chưa làm được bao lăm. Nếu chỉ là sách phổ cập tri thức cho công chúng rộng, có thể nó sẽ chịu trách nhiệm ít hơn trước yêu cầu đó. Nhưng nếu quan niệm chính loại sách phổ cập cũng phải bao gồm những tri thức hiện đại nhất, thì những vấn đề nêu trong toàn bài này có lẽ hoàn toàn không lạc đề đối với việc nhận xét những nhược điểm về chất lượng khoa học của nó.

11-1978


 

(*) Công trình tập thể, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Chủ biên: Hoàng Trinh. Các soạn giả chính: Nam Mộc, Hoàng Trinh, Thành Duy, Nguyễn Cương…

(1) Nói chung đây cũng còn là vấn đề dùng thuật ngữ. Một số nhà lý luận dùng "điển hình hóa" để chỉ hoạt động khái quát hóa nói chung, như vậy văn học nghệ thuật mọi thời đều dùng "điển hình hóa". Chúng tôi tán thành thuật ngữ của các nhà lý luận dùng "khái quát hóa" để chỉ đặc tính chung của văn học nghệ thuật và dùng "điển hình hóa" để ghi nhận chỉ một dạng khái quát hóa trong chủ nghĩa hiện thực. Nếu những nhận xét nêu ở đây chỉ là do hiểu lầm cách dùng thuật ngữ thì chúng tôi xin các tác giả và độc giả lượng thứ cho.

 

(2) Cách nói về phương thức "tái hiện cuộc sống bằng hình thức vốn có của nó" thường được gắn với chủ nghĩa hiện thực, hoặc hẹp hơn, với một dòng phong cách trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các soạn giả ở đây lại muốn phổ cập thật rộng phương thức này cho toàn bộ văn học tự sự. Chỉ cần nghĩ đến thần thoại, cổ tích (thuộc loại hình tự sự) là đã thấy cách áp dụng này quá rộng, mất hẳn sự chính xác cần thiết.

(3) Xin lưu ý đến các tác phẩm về đề  tài lịch sử ở ta gần đây. Ví dụ nếu nói đó là sáng tác "người thật việc thật" thì sẽ có hậu quả tai hại về nhận thức lịch sử. Biết nói thế nào nếu buộc phải nhận là "người thật việc thật" những người phụ nữ khác nhau đã được các nhà viết kịch khác nhau gắn cho một quan hệ nào đó khá sâu nặng với Nguyễn Trãi: ở tác phẩm này là bà Thị Lộ của lịch sử, ở tác phẩm kia là một cô chủ quán, một cô lái đò?!

(1) Xin xem thêm: P.V. Kôp-nin, Cơ sở nhận thức luận và lô-gic học của khoa học, Nxb. Tư tưởng, M, 1974, tr.9-280. (tiếng Nga).