VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

 

Phê bình là một khâu trong đời sống văn học, tồn tại trong sự tác động qua lại mật thiết với nhiều khâu khác của đời sống văn học thuộc cả hai khu vực chính: "sản xuất" (sáng tác, ấn loát) và "tiêu dùng" (phổ biến), thưởng thức…). Hoạt động phê bình thuộc loại hoạt động tác động, định hướng hơn là hoạt động thuần túy phản ánh, phản xạ. Kích thích tạo ra những tác động tích cực vào đời sống văn học theo những hướng nhất định là một trong những chức năng quan trọng nhất của phê bình.

 

Đối tượng thường thấy của phê bình là sáng tác, là các tác phẩm văn học, hoặc nói rõ hơn, là những sáng tác mới ra mắt, những tác phẩm đương đại. Nhưng nếu chỉ thấy đối tượng phê bình là những tác phẩm đơn lẻ, hoặc từng nhà văn riêng rẽ, ngoài ra không còn gì khác thì sẽ thu hẹp phạm vi quan tâm và hạ thấp vai trò tác động của hoạt động phê bình. Đối tượng thật sự của phê bình còn là toàn bộ quá trình văn học đương đại với tất cả các đặc điểm, diện mạo, vấn đề của nó. Và để phát huy đầy đủ vai trò thật sự của phê bình trong việc đánh giá tác phẩm, phát hiện, khẳng định và khuyến khích các nhân tố mới, phê phán những tác phẩm và khuynh hướng lệch lạc gây tác động tiêu cực, trên cơ sở quan điểm văn nghệ của Đảng và thực tế phát triển của văn học, cần triển khai hoạt động phê bình trên nhiều hướng, nhiều hình thức. Đồng thời, với tư cách là một thể loại văn học và báo chí, phê bình cũng cần được phân hóa thành nhiều thể tài nhỏ, thích hợp với nhiều góc độ và mức độ khác nhau.

 

Ít lâu nay, khi cần tập hợp một số ý kiến về các tính chất chung của văn học hiện tại, chúng ta thường dùng hình thức hội nghị: hội nghị khoa học, hội thảo, trao đổi. Đó dĩ nhiên là những hình thức tốt của sinh hoạt phê bình văn học, và kết quả của các hội nghị ấy sẽ khả quan hơn nếu các ý kiến được chuẩn bị chu đáo, được bàn cãi tương đối kỹ lưỡng. Tuy nhiên hình thức sinh hoạt phê bình có tác động sâu rộng và kịp thời trong đời sống văn học, có lẽ vẫn là báo chí. Phê bình vốn dĩ rất gắn bó với báo chí. Diện mạo, thần thái của một tờ báo hay tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật phần nhiều do phần phê bình trực tiếp quyết định. Và để đẩy mạnh hoạt động phê bình, cần có sự triển khai tương xứng các hình thức thể tài báo chí cho công tác phê bình văn học.

 

Tất nhiên, dù nói ở hội nghị hay viết trên báo chí thì thực trạng vấn đề vẫn nằm ở chất lượng của ý kiến. Tuy nhiên, chất lượng bao quát và khái quát tình hình văn học đương đại sẽ không thể nâng cao nếu phê bình không được các báo và tạp chí chuyên về văn học dành cho một danh mục thích hợp, nếu đội ngũ những người phê bình khá đông đảo thuộc nhiều thế hệ (hơn nữa, cả các nhà văn và nghệ sĩ các nghệ thuật khác, các nhà nghiên cứu văn học và các lĩnh vực văn hóa khác) không được các báo chí tận dụng "khai thác" và định hướng đúng đắn.

 

Như đã nói trên, đối tượng thật sự của hoạt động phê bình là toàn bộ quá trình văn học đương đại, phê bình sẽ có thể là công cụ đắc lực để xây dựng và phát triển nền văn học xã hội chủ nghĩa của dân tộc, nếu nó tập trung quan sát và phát hiện được những bước đi chung, gương mặt chung của văn học hôm nay, gắn với những tác phẩm và tác giả cụ thể. Và để phù hợp, cần có mặt thường xuyên trên báo chí văn học loại bài, mục về các vấn đề chung của văn học hiện tại gọi là loại tiểu luận hay  khảo luận cũng được, điều cần thiết là nó tập trung làm rõ diện mạo hoặc từng phần diện mạo của văn học hiện tại, phát hiện những vấn đề chung đang đặt ra trong sáng tác, quan điểm xã hội và quan niệm nghệ thuật, tình hình và xu hướng phát triển của các thể loại, v.v… Loại bài mục này đáng được coi là thể loại "cái" của một nền phê bình bám sát không phải từng nhà văn, từng quyển sách mới ra, xét một cách đơn lẻ cô lập, mà là bám sát cả quá trình văn học hiện tại. Đáng tiếc là loại bài như vậy còn thưa vắng nhiều trên các báo chí và tạp chí chuyên về văn học hiện nay, trong khi đó, loại bài phê bình tác phẩm, thật ra là những bài đọc sách mới ("tác phẩm" trong sách đó chưa hẳn là mới) lại đang chiếm vị trí trung tâm, có khi thành độc nhất dưới đề mục "phê bình". Trên một số báo chí chuyên ngành văn học hầu như không có thể tài xã luận vốn là thể tài cần thiết để triển khai sự chỉ đạo đối với các vấn đề chung, các quan điểm chung của cả nền văn học. Thật ra, các báo và tạp chí này cũng có đăng các văn kiện liên quan hoặc các bài có tính chất chỉ đạo đã từng đăng ở các báo khác. Hoặc nữa ở đây thỉnh toảng cũng có những tiểu luận nói về các vấn đề chung. Nhưng đây lại thường là những tiểu luận đề cập đến những quy luật văn nghệ chung chung, không liên hệ gì nhiều với những tác phẩm, tác giả cụ thể của văn học Việt Nam đương đại, nhất là các sáng tác mới ra mắt, đang gây chú ý trong dư luận công chúng.

 

Thể loại của phê bình, do vậy, như đang đi giữa hai bờ: một bên quá chung chung, không khái quát trên dữ kiện văn học của dăm bảy năm gần đây nhất, không cho thấy diện mạo của nó ra sao; một bên quá "cụ thể" đến tỉ mẩn, tức là số lượng lớn và gần như chủ đạo ở mục phê bình là những bài đọc sách (mà nhiều khi chỉ dừng ở mức tóm tắt câu chuyện), và những ý kiến vô thưởng vô phạt về các vấn đề của cả nền văn học, theo kiểu "tiện thể nói thêm" khó có thể khai quát rộng rãi và sâu sắc toàn cảnh văn học.

Đúng ra, không thể phủ nhận vị trí của loại bài phê bình tác phẩm cụ thể, theo những chủ trương đúng, nhằm tác động thật sự đến sự phát triển của văn học. Nhưng ở khía cạnh báo chí của phê bình, cần thấy là sách mới không phải bao giờ cũng là những tác phẩm mới. Trừ những tiểu thuyết dài hơi dài, nhiều truyện ngắn, truyện vừa, thơ… thường được đăng báo, tạp chí sớm hơn nhiều so với in thành sách. Nếu muốn thật sự năng động, ở mục đọc sách cần điểm kịp thời những tác phẩm tương đối được chú ý ngay sau khi nó được đăng báo hoặc được công bố lần đầu ở truyền thanh, sân khấu, truyền hình. Việc này có vẻ như còn hơi ít thấy và chưa quen mấy đối với cách làm lâu nay trên báo chí văn học của ta. Nhưng nếu làm được như vậy thì tính kịp thời của phê bình, khả năng tác động đến đời sống văn học của nó, tốc độ bám sát thực tiễn sáng tác của nó sẽ được nâng lên rõ rệt. Một sự năng động như vậy chẳng những cần có ở các nhà phê bình mà có lẽ trước hết, cần có ở các biên tập viên về phê bình văn học, ở những người làm các tờ báo và tạp chí về văn học. Ở đây, điều quan trọng là cách thức tổ chức triển khai công việc chứ không phải một thiện ý chung chung.

 

Lâu nay, loại bài kinh nghiệm và quan niệm về nghề nghiệp, chưa được tách thành một kiểu bài mục riêng trên báo chí văn học. Khi cần, các báo cũng có phỏng vấn nhà văn, nhưng thường là trên các vấn đề sáng tác chung chung chứ chưa gắn với những thể nghiệm sáng tác cụ thể, những tác phẩm cụ thể. Cần triển khai thường xuyên loại bài mục này, bởi vì nó sẽ giúp cả bạn đọc yêu văn học lẫn nhà phê bình hiểu sâu thêm nhiều khía cạnh của sáng tác, của các tác phẩm cụ thể mà các nhà phê bình không phải bao giờ cũng nhìn ra. Loại bài mục này, nếu được triển khai tốt, thiết nghĩ, sẽ còn làm đậm tính quan niệm của một nền sáng tác với sự độc đáo riêng của nó. Và như vậy, bạn đọc và nhà nghiên cứu chẳng những trong nước mà cả ở nước ngoài sẽ dễ nhận rõ hơn những đặc sắc riêng của nền văn học chúng ta. Trong giao tiếp với văn nghệ, bạn đọc yêu văn học không chỉ quan tâm đến bản thân tác phẩm của nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình mà còn chú ý tìm hiểu cả bản thân các tác giả. Ở trường hợp các nhà văn và nhà khoa học lớn, tiêu biểu thì bản thân phương diện con người, nhân cách của họ trở thành một hiện tượng văn hóa (nhất là ở khía cạnh những tâm niệm và những hoạt động xã hội và nghệ thuật của họ). Báo chí văn học cần đáp ứng nhu cầu này.

 

Gần đây, vấn đề tiếp nhận văn học của công chúng bắt đầu được coi là cần chú ý đến, nhưng chỉ mới trong nhận thức, trong thiện ý, chứ chưa tìm được cách thức triển khai cụ thể và hiệu quả. Các nhà xã hội học hầu như chưa được mời cộng tác về các vấn đề như vậy với báo chí văn học. Thiếu những cứ liệu cụ thể về phản xạ của bạn đọc, các nhà phê bình dễ tùy tiện trong việc kết luận về hiệu quả của các tác phẩm. Do vậy, việc sớm có mặt trên báo loại bài viết của các nhà xã hội học văn học là điều cấp bách. Tất nhiên ai cũng biết rằng kết quả tìm hiểu dư luận bạn đọc cần được phân tích, giải thích chứ không thể coi là những kết luận trực tiếp quy cho các tác phẩm và các hiện tượng văn học. Và đây là công việc rất mới mẻ, chưa có tiền lệ trên báo chí văn học ở ta, cho nên khó mà có thể cầu toàn. Cũng không nên nghĩ rằng việc điều tra dư luận bạn đọc được làm rộng rãi thì sẽ khiến các nhà phê bình khó giữ ý kiến riêng, thậm chí không còn việc làm. Ngược lại, chính việc biết rõ một số phản xạ cụ thể của công chúng sẽ kích thích suy nghĩ độc lập và trung thực của các nhà phê bình. Và như vậy sinh hoạt phê bình, sinh hoạt báo chí văn học sẽ thêm phong phú, sẽ bớt những quy kết chủ quan một chiều.

 

Chúng tôi nhấn mạnh ở đây sự triển khai phong phú nhiều hình thức hoạt động phê bình văn học, thể tài phê bình trên báo chí, coi như một trong những điều kiện cần tạo ra để phát triển công tác phê bình, tăng cường tác động của phê bình đến phong trào văn học. Điều chúng tôi đặc biệt lưu ý là cần vượt qua tình trạng chỉ bám vào từng tác phẩm, tác giả lẻ tẻ để thường xuyên bao quát, nhận dạng toàn bộ tiến trình hoạt động nhiều nhất đến sự phát triển sáng tạo và đúng hướng của nó.

8-1983